Hành Trình Xuyên Việt Trip # 19

Hành Trình Xuyên Việt Trip # 19

Gia Lai - Đập thủy điện Yaly - Cầu treo Kon Klor - Nhà thờ gỗ Kontum - Chùa Minh Thành Pleiku - Hồ Lak - Ban Mê Thuột:

Thứ bảy ngày 21 tháng 1 và Chủ Nhật ngày 22 tháng 1 năm 2017.

Đêm qua vào tới thành phố Pleiku thì trời đã tối lắm nên không nhìn thấy rỏ quang cảnh thành phố như thế nào, vì vậy sáng nay N háo hức dậy thật sớm để sửa soạn "đi nhìn Pleiku" xem nó ra làm sao. Cái nhìn đầu tiên của N về Pleiku khi mở màn cửa sổ trên lầu cao từ phòng N ở, nhìn ra ngoài nó như thế này đây.

Hình chụp cảnh nhà cửa tại Trung tâm thành phố Pleiku

 

Bạn bè nghe nói N sẽ đi thăm Pleiku, Kontum và Ban Mê Thuột thì ai cũng bảo "mấy tỉnh trên đó có gì mà coi, toàn là đất đỏ mù trời, thành phố thì "đi dăm phút đã về chốn củ", lại còn "ở đây buổi chiều quanh năm mùa Đông" thì đi làm chi cho tốn công!” Các bạn, mình là dân sinh sống tại Saigon từ thuở mới sinh ra đời, biết được tỉnh nọ tỉnh kia thì chỉ nhờ qua sách vở, báo chí. Thời mới lớn vào những năm trước 1975, trong đầu mình biết và nghĩ về Pleiku thì chỉ là 1 thị xã nhỏ đèo heo hút gió vào thời gian VN đang có chiến tranh. Được biết ở đấy, trừ nhà cửa tại những con đường thuộc khu trung tâm, và những khu có rạp hát như rạp hát Diệp Kính, Thanh Bình, khu Phan Bội Châu, khu chợ Nhỏ, chợ Mới, Bến xe ....thì còn tương đối gọi là lớn một chút, ngoài ra thì toàn là nhà cửa lèo tèo, đường xá nhỏ xíu lổn nhổn những đất và đá. Đất Pleiku ngày xưa là đất núi lửa bazan, mùa nắng thì bụi đỏ mù trời, còn mùa mưa thì mưa dầm mưa dề, sùi sụt cả tuần lễ làm cho đất đỏ và bụi đỏ biến ra thành một lớp đất sét nhão nhẹt, trơn trượt dính vào giày dép như dính keo. Cho nên Pleiku trước năm 1975 mà N được biết đúng là một nơi không phải dành cho khách du lịch tìm đến.

Hai hình dưới đây là thành phố Pleiku vào những năm trước 1975 (hình từ Internet)

Hình Internet

 

 Tuy nhiên, N vẫn thầm nhũ trong đầu là thễ nào cũng có ngày mình sẽ đặt chân đến thăm Pleiku một lần cho biết. Tại sao vậy ha? Trước đây, N biết và chú ý đến Pleiku có lẽ là do qua những tin tức chiến sự nóng bỏng hằng ngày, biết đến Pleiku hồi đó được mệnh danh là thành phố lính, biết được thành phố này cư dân hầu như toàn là những người vợ lính từ các nơi xa xôi đến để chờ thăm chồng đóng quân tại đây, còn không thì phần đông là vợ con lính ở hậu cứ, những người này ngày đêm chờ và cầu mong chồng trở về chỉ với hy vọng là để được nuôi chồng bị thương sau những cuộc hành quân mà thôi ..... Nghe mà thấy thương thành phố và những người ở nơi đó quá phải không quý vị ?

Đã vậy Pleiku lại còn được thơ mộng hóa nhờ qua 1 bài thơ của cố thi sĩ lính chiến Vũ Hữu Định đã được nhạc sỹ Phạm Duy phổ nhạc và đặt cho cái tựa rất dễ thương là Còn Chút Gì Để Nhớ "Phố núi cao phố núi đầy sương. Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn. Anh khách lạ đi lên đi xuống. May mà có em đời còn dễ thương. Phố núi cao phố núi trời gần. Phố xá không xa nên phố tình thân. Đi dăm phút đã về chốn cũ. Một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng. Em Pleiku má đỏ môi hồng. Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông. Xin cảm ơn một mái tóc mềm. Mai xa lắc bên đồn biên giới. Còn một chút gì để nhớ để quên". Nghe bài hát thì thấy thơ mộng thiệt, làm mình cũng muốn lên trên đó xem "em Pleiku má đỏ môi hồng" nhìn ra sao mà các anh lính chiến mê mẫn đóng đô luôn trên thành phố Núi bụi đỏ mờ trời như vậy ?

Tuy nhiên lý do trên không phải là lý do duy nhất làm cho N muốn đến Pleiku, Kontum và Ban Mê Thuột đâu. Xin được tâm sự rằng khi phải bỏ nước ra đi, N vẫn thầm nhũ có một ngày mình sẽ trở về để đi thăm khắp tất cả mọi miền của đất nước. Nếu được đi mà không phải sợ sệt gì, không sợ bị bắt lùa vào rừng học tập, không sợ bị đắp mô, không sợ bị giật mìn chết tan xác ..... thì chừng đó chắc chắn là N sẽ nhất định đi thăm Pleiku, thăm Kontum và Ban Mê Thuột .... Cũng may là N đã thưc hiện được ước mơ này vào năm 2017, khi tuổi đời của mình đã dần đi vào tuổi thất thập cổ lai hy .....

Bài HTXV #19 nhằm kể lại chuyện N đến thăm 3 tỉnh miền Cao Nguyên trong chuyến đi Xuyên Việt vào năm 2017. Tình cờ làm sao mà bài viết này lại trùng khớp vào thời gian của tháng 4 năm 2019. Vì vậy tưởng chúng ta cũng nên nhắc lại một chút về chuyện đau thương của tháng 4 năm 1975, chuyện mà người Việt tha hương mình ai cũng phải nhớ trong lòng không bao giờ quên được. Cách đây 44 năm vào gần cuối tháng 3 của năm 1975, đồng bào của 3 tỉnh Cao Nguyên Pleiku, Kontum và Ban Mê Thuột đã phải bỏ cả tài sản, nhà cửa, ruộng vườn ..... hoảng loạn đổ sô nhau tìm đủ mọi cách để chạy về phía hướng Nam, Họ đã ra đi trong tuyệt vọng cố chạy theo chân đoàn quân triệt thoái ngày càng tan tác trên đường lui binh vô cùng hỗn loạn, và Họ đã phải chịu biết bao nhiêu tai ương đau khỗ trên con đường đi tìm tự do, tìm sự sống cho gia đình mình trên đường Liên Tỉnh Lộ 7B Pleiku-Phú Bổn-Phú Yên. Con đường máu dài 300 cây số kia đã là nơi chôn vùi hàng ngàn xác đồng bào và trẻ thơ vô tội. Thật kinh hoàng, khủng khiếp với biển người và biển máu, đoạn đường máu lệ này chẳng khác nào chốn quỷ môn quan, đã tàn sát không biết bao nhiêu mạng lính và dân. Trong đoàn người di tản phải vượt qua liên tỉnh lộ 7B, số dân thường bị chết dọc đường nhiều cũng không kém số thương vong của quân đội. Họ chết vì súng đạn vô tình, chết vì bị địch pháo kích một cách vô tội vạ, chết vì xe cộ tranh giành lối đi mà gây tai nạn bừa bãi, chết vì tranh nhau miếng ăn nước uống, chết vì cướp giật…... rồi thì cha xa con, chồng xa vợ, gia đình tan tác ..... biết bao nhiêu trẻ em bị lạc mất gia đình phải trôi sông lạc chợ .... Ngồi viết bài này hôm nay, chợt thấy lòng mình vô cùng buồn bã khi nhớ lại chuyện đã xảy ra trên con đường 300 cây số kinh hoàng của 44 năm về trước. Xin được thành tâm thắp một nén hương lòng để tưởng nhớ đến tất cả những người quân, dân vô tội từ Pleiku, Kontum và Ban Mê Thuộc đã bị bỏ mạng trên con đường liên tỉnh lộ 7B năm xưa, nơi mà Họ đã bị chết một cách tức tưởi, oan khiên và chắc chắn là cho đến nay họ vẫn còn u uất nơi bờ cao bụi rậm, không sao siêu thoát được. Nghĩ đến họ lòng thấy thật là xót xa vô tận!

Vì vậy ước mong của N là khi trở về, được một lần đến đây để nhìn tận mắt xem những đồng bào ruột thịt của mình giờ đây gia đình họ sinh sống ra sao sau Cuộc Triệt Thoái Tây Nguyên vào tháng 3 năm 1975 đó? Muốn được thấy xem thành phố Núi bụi đỏ mù trời giờ đây nhìn ra sao sau cuộc đổi đời oan nghiệt vào năm đó? Vâng, đó là một trong những lý do đã thôi thúc N tìm đến Pleiku, Kontum và Ban Mê Thuột đấy các bạn.

Theo chương trình thì chúng tôi sẽ được đi xem thành phố và những điểm chính nổi bật nằm trong địa phận của 3 thành phố Pleiku, Kontum và Ban Mê Thuột mà Travel Agency đã gợi ý chúng tôi nên đi thăm khi đến đây. Thực sự chúng tôi không chú ý nhiều đến những địa điểm được giới thiệu của chuyện du lịch tại đây vì chuyện đó không quan trọng mấy, mục đích chính của chúng tôi khi tới đây cũng chỉ là muốn được đi tới đi lui để nhìn lại quang cảnh của thành phố xưa giờ đã ra sao sau 44 năm dâu bễ mà thôi.

Đúng 8:00 giờ sáng, theo chương trình thì sau khi đảo 1 vòng qua những khu chính của thành phố Pleiku xong, chúng tôi sẽ khởi hành đi Kontum để xem Đập Thủy Điện Yaly cách thành phố Pleiku 40 km. Nhưng trước khi kể chuyện và post hình cho các bạn xem về Đập Thủy Điện Yaly thì cũng xin được chia sẽ những cảm nghĩ của N về lần đầu tiên khi nhìn thấy Pleiku cái đã. Trước đây trong đầu mình cứ nghĩ Pleiku ở 1 nơi có đồi núi cao vì trước đây đã được gọi là Phố Núi, đường đi sẽ lên đèo xuống dốc, thành phố lèo tèo đìu hiu với dăm ba con đường đất đỏ nhỏ xíu "đi dăm phút đã về chốn cũ", quanh năm đất đỏ bụi bay mù trời, đã vậy lại còn bị tan nát vì tên bay đạn lạc khói lửa tơi bời vào thời gian của tháng 3 năm 1975 nửa ........ nhưng sáng nay sau khi dạo qua thành phố thì mình mới thấy là đã .... bị hố to! Vì Pleiku mà N nhìn thấy ngày nay là một thành phố lớn, với những con đường tráng nhựa thẳng tắp rộng lớn cho xe hơi chạy có nhiều lanes, đường thẳng băng chẳng nhìn thấy đồi dốc đâu cả, xe cộ đi lại tấp nập với nhiều xe du lịch to, nhỏ và dĩ nhiên là nhiều xe máy, nhìn y chang như một vài thành phố lớn ở trong Nam. Chợ búa đông vui tấp nập, nhà cửa 2 bên đường với những nhà xây cao, to rất văn minh, đường phố sạch sẽ và nhiều cây xanh các bác ạ. Bốn bà cứ mắt tròn mắt dẹt bảo nhau "Pleiku đây á? tưởng nhỏ, trời ơi sao mà to dữ vậy nè ?" Thôi, nếu được như vậy thì mình quá là mừng cho đồng bào đồng hương của mình ở đây, thực sự Họ đã vực được dậy để mà sống hùng, sống mạnh sau vấn nạn của năm 1975 thì còn nỗi vui mừng nào hơn nửa phải không các bạn? Theo tìm hiểu thì hiện nay Pleiku là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Gia Lai ở vùng Tây Nguyên. Pleiku là thành phố lớn thứ 3 tại Tây Nguyên (chỉ sau Đà Lạt và Buôn Mê Thuột) nằm trên trục giao thông giữa quốc lộ 14, quốc lộ 19 nối thông suốt cả nước và là đô thị quan trọng nhất của vùng Bắc Tây Nguyên.

Sân bay Cù Hanh của mình trước 75, hiện nay họ đã đặt lại cho cái tên là "Cụm Cảng Hàng Không Pleiku", nằm cách trung tâm thành phố khoảng 5km để cho các tuyến bay Pleiku-Hà Nội, Saigon và Đà Nẳng đáp lên/ xuống.

À, lại còn chuyện này nửa .... "em Pleiku má đỏ môi hồng ..." mà N đã tưởng tượng trước kia .... giờ tìm đỏ con mắt cũng chẳng thấy đâu cả!. Giời ơi, em Pleiku bi giờ cô nào cũng trở thành "Ninja" hết cả rồi! Em Pleiku bây giờ được trang bị tận răng, cô nào cũng trở thành Ninja giống y chang như các thiếu nữ ở Saigon giời ạ. Các bà, các cô bây giờ không thấy mặc áo dài nhiều, thay vào đó là mặc quần áo ngắn, trời nóng chết bà mà bên ngoài họ còn mặc thêm 1 cái áo gió may bằng hàng chống nắng dầy cộm có mũ kéo lên che kín đầu kín tai, bao tay chống nắng kéo lên đến tận khuỷu, khẫu trang được mắc từ tai nọ sang tai bên kia che kín mồm miệng, đeo kèm thêm cái kính đen xì không nhìn thấy mắt đâu cả, trên đầu lại đội cái nồi cơm điện (mũ bảo hiểm đấy các bác), chưa hết, cô nào mặc skirt thì lại còn quàng thêm bên ngoài nguyên con 1 cái skirt bằng vải chống nắng dài đến tận gót chân nửa! Nói thật, N mà có phải đi quánh ghen thì chắc sẽ đánh nhầm người là cái chắc! Vì có nhìn ra được ai là ai đâu! Ôi những cô thiếu nữ Pleiku má đỏ môi hồng trong tà áo dài trắng trinh nguyên giờ tan trường trông như những đàn bướm trắng làm say lòng các anh lính chiến giờ ở nơi nao? Ôi những cô thiếu nữ lưng ong thắt đáy, mặc áo lụa Hà Đông màu tím, màu vàng chạy velo solex tà áo dài bay bay trong chiều lộng gió trước kia của Saigon giờ ở nơi đâu? Buồn !!!

 Thôi, bây giờ mình kể đến chuyện đi thăm Nhà máy Thủy điện Yaly nha. Nhà máy Thủy điện Yaly nằm bên dòng sông Sê San, thuộc xã Ialy, huyện Chưpăh, tỉnh Gia Lai. Đây là công trình thủy điện ngầm lớn nhất Việt Nam, với sản lượng điện trung bình 3,7 tỷ KWh/năm.

Thác Yaly nổi tiếng từ ngày xưa, từng là một trong những thác nước lớn nhất Việt Nam. Hiện tại, thác đã được ngăn lại để xây dựng Nhà máy Thủy điện Yaly. Cảnh đẹp của thác ngày trước, nay đã được thay bằng cảnh của Đập dâng, Đập tràn xả lũ và một Hồ nước rộng lớn trong xanh nằm giữa núi rừng Tây Nguyên.

 Hình chụp Đập Thủy Điện Yaly

 Đường vào Nhà máy Thủy điện Yaly - Hồ chứa nước

Từ thành phố Pleiku theo quốc lộ 14 hướng đi Kontum đến Km 15, chúng tôi rẽ trái đi chừng 23km giữa cao nguyên bát ngát thì sẽ đến được nhà máy thủy điện Yaly.

 Con đường từ quốc lộ 14 vào nhà máy được trải nhựa đen nhánh, phẳng lỳ, nằm giữa những khu dân cư đông đúc, và những cánh rừng cao su xanh ngắt.

Từ ngoài cổng công trình vào đến cổng nhà máy lại là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp khác. Dọc theo con đường quanh co đèo dốc, giữa những ngọn núi chập chùng và hồ chứa nước rộng lớn là bạt ngàn những cây hoa anh đào, nhưng giờ này chưa có hoa nở. Lác đác giữa rừng anh đào là những cây hoa mai và những thảm hoa lau trắng xóa phất phơ, chen giữa những hàng cây dại, những cây cổ thụ xanh ngắt, thỉnh thoảng lại còn thấy cả một đàn dê chạy rong ra đường kiếm ăn nữa.

Hình chụp cổng vào Nhà máy Thủy điện Yaly

Khi vào đến nhà máy, chúng tôi được 1 anh trong đội ngũ kỷ sư của toán kỹ thuật điều hành công trình thủy điện dẫn cho đi thăm con đường hầm dài khoảng 300 m nơi đặt máy phát điện, và còn giảng giải về cách vận hành, cách thức biến thủy năng thành điện năng. Con đường hầm dài khoảng 300m từ cổng nhà máy đến địa điểm đặt máy phát điện với nhiều thiết bị máy móc, turbin vận hành giàn máy khổng lồ cũng là một chỗ rất thích thú đáng để tìm hiểu. Bên trái là khu di tích của công trình - đường hầm thô rộng chừng 10m, cao vài chục mét, những lớp đá đủ màu, đủ lọai với đá vân xám, đá thạch anh trắng như tuyết, đá ong xanh, đá bazan đỏ, đá sợi vàng.

Đường hầm vào nhà máy

Trung tâm vận hành nhà máy Thủy điện Yaly

Đúng 10:30 am chúng tôi rời Nhà máy Thủy điện Yaly để đi Kontum, khoảng 11:30 am thì đã đến địa phận thành phố Kontum. Thành phố này nằm ở địa hình lòng chảo phía nam tỉnh Kon Tum, trên độ cao khoảng 525m, và được uốn quanh bởi thung lũng sông Đăk Bla, vùng đất thấp nhất của tỉnh Kon Tum.

Sau năm 1975, thị xã Kon Tum trực thuộc tỉnh Gia Lai - Kon Tum, nhưng sau ngày 13 tháng 9 năm 2009 thì thị xã Kon Tum chính thức trở thành Thành phố Kon Tum. Ngày 12 tháng 8 năm 1991, chính quyền chia 2 tỉnh Gia Lai - Kon Tum, để tái lập ra 2 tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum. Tỉnh Gia Lai gồm thị xã Pleiku và 9 huyện: An Khê, Ayun Pa, Chư Păh, Chư Prông, Chư Sê, KBang, Kông Chro, Krông Pa, Mang Yang. Tỉnh Kon Tum gồm thị xã Kon Tum và 4 huyện: Đắk Glei, Đắk Tô, Kon Plông, Sa Thầy.

Khi vào đến trung tâm thành phố thì cũng đã đến giờ ăn trưa, nhưng chị TN xin được chia tay với mọi người nửa buỗi để đi thăm Mộ phần của ông xã đang nằm ở nghĩa trang của gia đình và giòng họ tại thành phố này. Chúng tôi tạm chia tay để cho chị có thì giờ riêng tư với gia đình hiện vẫn còn đang sinh sống tại đây. Sau đó cậu Quang đưa 3 bà còn lại đi ăn trưa tại Quán Ngói Đỏ 88 ở đường Phan Chu Trinh, mà cậu quảng cáo rằng tiệm này có món đặc biệt là Bò Lên Mâm và Cá Đuối Nướng Nghệ rất ngon. Ừ thì đi, cậu đưa đi đâu thì chúng tôi đi đó vì ở thành phố lạ biết đường nào mà chọn nên ăn gì chả được, vả lại cái chính là chúng tôi cũng chỉ muốn chạy vòng vòng thành phố để xem quang cảnh và sinh hoạt của đồng bào, đồng hương tại đây mà thôi.

Rời khỏi Quán Ngói Đỏ 88, trong khi chờ đến giờ hẹn quay lại đón chị TN, cậu Quang đưa chúng tôi đi xem Nhà thờ Chính Tòa của thành phố Kon Tum.

Nhà thờ chính tòa Kon Tum hay còn được gọi là nhà thờ Gỗ Kontum, nằm trên đường Nguyễn Huệ của thành phố Kon Tum. Nhà thờ do một linh mục người Pháp khởi công xây dựng vào năm 1913, hoàn thành năm 1918, tọa lạc giữa trung tâm thành phố.

Nhà thờ được hoàn thành bởi những nghệ nhân đến từ Bình Định, Quảng Nam, được xây dựng bằng phương pháp thủ công với chất liệu hoàn toàn bằng gỗ, vật liệu chiếm số lượng nhiều nhất là gỗ cà chít (sến đỏ). Được thiết kế theo kiến trúc Roman phối hợp với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na, từ những đường nét họa tiết đến những điểm nhấn trên chất liệu đều mang đậm sắc thái văn hóa, tín ngưỡng của người Tây Nguyên. Trần và tường được xây bằng đất trộn rơm theo kiểu nhà truyền thống của người miền Trung Việt Nam. Trên tường rơm là những bức tranh kính nhiều màu rực rỡ về Chúa và Đức Mẹ.

Nhà thờ là một công trình gồm: giáo đường, nhà tiếp khách, nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo, nhà rông. Ngoài ra còn có cô nhi viện, cơ sở may dệt thổ cẩm, cơ sở mộc.

Khu hoa viên của nhà thờ có bức tượng Đức Mẹ hai tay nâng bế Chúa được làm từ một thân gỗ nguyên sơ, tạc theo phong cách mộc mạc của các dân tộc Tây Nguyên. Ngoài ra, thánh giá và các tượng trang trí bên ngoài lẫn bên trong nhà thờ như các con chiên, tượng thánh được làm bằng gốc rễ cây rừng càng làm cho không gian mang đậm màu sắc Tây Nguyên. Hơn một thế kỷ qua, nhà thờ Gỗ Kon Tum cho đến nay vẫn giữ được y nguyên nét đẹp hài hoà giữa lối kiến trúc của người Roman và nhà sàn của người Bana.

Từ xa, du khách đã nhìn thấy tháp chuông nhà thờ gỗ với màu gỗ nâu ấm áp, nổi bật trên nền trời trong xanh của vùng cao nguyên.

Bước vào trong giáo đường, không gian rộng thênh thang, hàng cột gỗ đen bóng, khiến bạn sẽ có cảm giác mình thật nhỏ bé.

Cửa chính vào nhà thờ chụp từ phía bên trong.

Chụp tại khu hoa viên của nhà thờ

Rời nhà thờ Gỗ Kontum, cậu Quang đưa chúng tôi đi xem cây cầu treo Kon Klor. Cây cầu này thuộc địa phận làng Kon Klor của thành phố Kon Tum. Là chiếc cầu dây văng to đẹp nhất khu vực Tây Nguyên nối liền hai bờ của dòng sông Đăk Bla. Cầu có chiều dài 292m, rộng 4.5m, thiết kế và khởi công xây dựng vào ngày 3/2/1993 và hoàn thành ngày 1/5/1994, có màu vàng cam nổi bật trong cái nắng vàng oi ả của vùng đất Tây Nguyên. Trong hàng thế kỷ qua, trước khi cầu treo Kon Klor được xây dựng thì người dân tại đây đã phải qua sông bằng những chuyến đò ngang, ngày nay khi chiếc cầu được đưa vào xử dụng thì những chuyến đò bằng xuồng độc mộc cũng đã chấm dứt luôn.

Trời càng về chiều, đứng trên cây cầu treo Kon Klor gió lồng lộng đến phát nhức đầu chóng mặt, vả lại chúng tôi cũng không chụp được nhiều hình cho lắm vì có nhiều xe máy lưu thông qua lại nhộn nhịp trên cầu, mình cứ đứng trên cầu đi tới đi lui rất là bất tiện và nguy hiểm cho nên chúng tôi quyết định ra về. Trở lại trung tâm thành phố để đón chị TN, sau đó chúng tôi thẳng đường quay về Pleiku ăn tối và nghỉ ngơi sớm lấy sức để ngày mai sẽ tiếp tục chương trình kế tiếp.

Đêm nay chúng tôi qua đêm tại Hoàng Anh Gia Lai Hotel thêm 1 tối nửa tại thành phố Pleiku.

Chủ Nhật, ngày 22 tháng 1 năm 2017, trước khi rời thành phố Pleiku để lên đường đi Ban Mê Thuột, đúng 8:30 sáng cậu Quang đã có mặt để đưa chúng tôi đi thăm thêm một địa điểm rất nổi tiếng tại thành phố này.

 Cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 2km, toạ lạc trên một ngọn đồi thoai thoải trong lòng phố núi sương mù mờ ảo, một ngôi chùa không cổ nhưng là nơi có thể níu bước chân của những người yêu cái đẹp, đó là chùa Minh Thành. Minh Thành là ngôi chùa thuộc hệ phái Bắc Tông được Hòa thượng Thích Giác Đạo khai sơn năm 1964 và đã qua một lần trùng tu năm 1972, không giống như những ngôi chùa khác mang đặc trưng của phật giáo Tiểu thừa, chùa Minh Thành chịu ảnh hưởng nhiều từ kiến trúc của Trung Quốc và Nhật Bản.

Chùa được xây dựng vào năm 1964, nhưng qua nhiều biến động thăng trầm của lịch sử khiến Chùa có nhiều phần bị thiêu hủy, nên vào năm 1997 chùa đã được trùng tu và xây lại mới. Sau quá trình trùng tu kéo dài hơn 10 năm, chùa Minh Thành ngày nay như được khoác lên một chiếc áo hoàn toàn mới với vẻ đẹp phương Đông đặc trưng độc đáo mang ảnh hưởng của kiến trúc Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan.

Chánh điện chùa cao 16 m, được làm bằng gỗ Pơ Mu rất bền và chắc. Bộ cửa làm bằng gỗ gõ với khung cửa dày 4 tấc với 6 cánh cửa dày 2 tấc, được chạm khắc 6 vị đại Bồ Tát trên cửa.

Khi đến viếng chùa, từ xa bạn đã nhìn thấy ngôi bảo tháp Xá Lợi 9 tầng cao vút giữa bầu trời xanh, thờ thất Phật và xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tháp cao 72m, bên trong tôn trí 4 vị Thiên Thủ Thiên Nhãn được khắc chạm rất tinh tế và sống động bằng gỗ mít.

Tượng Đức Phật A Di Đà bằng đá hoa cương được chạm trổ rất tinh xảo, cao 7.5 m, nặng 40 tấn được tôn trí uy nghiêm giữa hồ nước Liên Trì ngào ngạt hương sen với những hàng liễu rủ xunh quanh mặt hồ.

Những cây liễu nhỏ rủ xuống quanh hồ, cả bầu trời in bóng xuống mặt nước tạo thành một khung cảnh rất nên thơ.

Phía trước chánh điện, bên phải là tháp chuông tôn trí đại hồng chung nặng 4 tấn (được đặt đúc tại Huế), có lối cầu thang bộ đi lên để chiêm ngưỡng và ngắm cảnh vật xung quanh chùa. Tháp được thiết kế rất giống kiến trúc ngôi đền chùa của Nhật Bản, tuy nhiên lối kiến trúc này vẫn mang đậm lối kiến trúc cổ của Việt Nam như Chùa Một Cột

Chúng tôi quanh quẩn vãn cảnh chùa khoảng gần 1 tiếng rồi rời chùa lúc 9:15 am để khởi hành đi Ban Mê Thuột. Nghe cậu Quang cho biết là mình sẽ đi trên Quốc lộ 17 (hay 27? sorry vì lâu quá nên N cũng không nhớ chính xác), đường xa khoảng 160 km và mất vào khoảng 2 tiếng rưỡi mới tới nơi.

Ban Mê Thuột là thành phố trực thuộc tỉnh Đắk Lắk, là thành phố lớn nhất nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, là đô thị miền núi có dân số lớn nhất Việt Nam. Vào năm 1975 Ban Mê Thuột từ một thị xã nhỏ bé nay đã phát triển lên thành Thành phố vào năm 1995 (đô thị loại 3) và sau 10 năm xây dựng, thành phố Ban Mê Thuột được công nhận là đô thị loại 2 (năm 2005), hiện nay đang phát triển để được nâng cấp lên đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Đắk Lắk.

Vào lúc 1:30 pm, khi còn cách Ban Mê Thuột khoảng 56 km không biết là vì thuận đường hay sao đó mà cậu Quang lại ghé vào cho chúng tôi xem Hồ Lak trước khi vào trong thành phố.

Theo tìm hiểu, được biết Hồ Lắk là hồ nước ngọt lớn nhất ở Tây Nguyên và lớn thứ hai tại Việt Nam (chỉ có đứng sau hồ Ba Bể), Hồ nằm bên thị trấn Liên Sơn, thuộc huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, cách thành phố Ban Mê Thuột khoảng 56 km về phía Nam theo quốc lộ 27. Hồ khởi nguồn từ mạch nước ẩn sâu trong dãy núi cao Chư Chang Sin và nối liền với dòng sông Krông Ana, hồ Lắk có diện tích rộng lớn đến 500 ha và tọa lạc ở độ cao hơn 500 m so với mặt nước biển. Hồ Lắk là một thắng cảnh đẹp của vùng đất Tây Nguyên được bao bọc bởi khu rừng nguyên sinh xanh mát với những dãy núi cao ngút ngàn.

Nhưng khi xe ngừng tại Hồ Lắk thì chúng tôi đã thấy hỡi ơi rồi! chúng tôi đã tính sai thời gian khi quyết định đến thăm hồ Lắk ngày hôm nay. Là vì muốn nhìn cảnh đẹp của hồ thì chúng ta phải đến đây trong thời khắc bình minh vừa lên để được nhìn những tia nắng vàng ấm áp xuyên qua làn sương mờ ảo chiếu trên mặt hồ, hay là lúc hoàng hôn để được ngắm nhìn khung cảnh chiều muộn đượm buồn ở nơi hoang sơ này khi những tia nắng hoàng hôn không còn rực rỡ mà thay vào đó chỉ còn le lói yếu ớt và tắt hẳn khi mặt trời lặn xuống núi, phủ lên bầu trời một lớp áo đen tuyền, huyền bí...... thì nó mới phê! chứ đằng này lại đến ngắm hồ vào đúng lúc giữa trưa trời nắng như đổ lửa và không có một ngọn gió nào, đã vậy Hồ Lắk bây giờ nước lại cạn queo à! nhìn chung quanh chẳng thấy có một du khách nào léo hánh tới "ngắm hồ" ngoài 4 bà già này các bác ạ. Nắng nóng quá, hồ cạn nước, lại đúng giữa trưa nửa nên chắc mọi người đều trốn ở trong nhà hết trơn rùi! Chúng tôi ngao ngán đứng nhìn cái Hồ, lật đật chụp vài ba tấm ảnh xong là .... leo lên xe dông luôn một nước!

 Đây là những tấm hình N chụp tại Hồ Lắk nè các bác. Chẳng thơ mộng tị nào cả

Hình chụp những người dân quê đang làm việc trên đồng giữa trời nắng gắt như đổ lửa - trên đường xe ra khỏi khu vực Hồ Lak để về Ban Mê Thuột.

Chúng tôi vào đến trung tâm thành phố Ban Mê Thuột vào khoảng 4:30 chiều, check in vào khách sạn Dakruco tại số 30 đường Nguyễn Chí Thanh. Cùng mọi người đi ăn tối lúc 6:30, sau đó quay về nghỉ ngơi cho khỏe để ngày mai còn có sức đi thăm thành phố.

Viết xong ngày April 27-2019 lúc 10:31 pm

Bài kế tiếp: Ban Mê Thuột - Buôn Đôn - Nhà ông Amakong - Thác DrayNur - Chùa Khải Đoan - Nhà thờ Thánh Tâm - Saigon.

 

Nam Mai ***

 Image result for hình bìa quê hương việt nam

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %30 %784 %2019 %13:%04
back to top