Mùng 3 Tết thầy: 10 nhà giáo tiêu biểu trong nghìn năm lịch sử

Mùng 3 Tết thầy:

10 nhà giáo tiêu biểu trong nghìn năm lịch sử

▬▬▬▬۩ ۩▬▬▬▬

Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy” – Câu thành ngữ đã ăn sâu vào tâm thức bao thế hệ học trò Việt Nam. Dẫu Tết xưa và Tết nay đã có nhiều thay đổi, nhưng tình nghĩa trân quý ấy vẫn lưu truyền đến ngày nay.

Ngày xưa, cha ông ta quan niệm có ba người cần được kính trọng nhất trong tâm thức một con người biết đối nhân xử thế, đó là: vua, thầy học và cha mẹ đẻ. Vì thế, Tết là dịp để người ta nhớ ơn, tri ân những người đã có công nuôi dưỡng, sinh thành và dìu dắt ta trong bước đường đời. Đặc biệt tri ân những người đã có công dìu dắt chúng ta trong học tập, trưởng thành trong nghề nghiệp, đó là những người Thầy.

Tết thầy ngày xưa đơn giản về vật chất, nhưng về tinh thần thì mang đậm truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo. Có người làm ăn phát đạt hoặc đỗ đạt trong chốn quan trường, hoặc “ăn nên làm ra” trong lĩnh vực nghề nghiệp nào đó được người thầy truyền dạy, thì biếu thầy mâm xôi, gà trống thiến, lợn quay, lễ vật đủ loại cao lương mỹ vị. Có người chỉ dắt con cháu đến vấn an thầy, nhưng rất muốn thầy chỉ bảo cho điều hay lẽ phải, để con cháu biết đường ăn ý ở mà đối xử sao cho khỏi lỗi đạo. Đó là Tết thầy của cá nhân.

Ngày xưa, cho dù làm quan đến tể tướng thì ngày Tết, người học trò vẫn đến thăm thầy với một tấm lòng tôn sư trọng đạo. Thường thì mùng ba Tết, người đứng đầu hàng môn sinh - những người cùng học, không phân biệt tuổi tác, chức vụ, vị trí xã hội - tụ họp ở gia đình thầy giáo, chúc Tết thầy.

Người cao tuổi nhất hoặc người được các bạn đồng môn tín nhiệm nhất thay mặt mọi người trịnh trọng thưa với thầy về sự có mặt của học trò lớp mình và chúc thầy trường thọ cùng những điều tốt lành.

Ngày nay, theo sự phát triển của xã hội, Tết thầy cũng  đã có nhiều thay đổi. Đôi lúc, đây đó người ta cũng đã lợi dụng Tết thầy để biếu xén, quà cáp nhằm mục đích…vụ lợi. Nhưng, vẫn còn rất nhiều những tình cảm chân thành, biết ơn sâu đậm của những học trò đã trưởng thành nhớ về thầy cô của mình mỗi khi Tết đến xuân về.

Rất nhiều những du học sinh đi học ở nơi xa vẫn không quên đến thăm thầy cũ, trường cũ. Rất nhiều những người dù đã trưởng thành, giữ địa vị cao trong xã hội nhưng cũng không quên đến thầy giáo làng mỗi dịp về quê đón Tết…đó chính là những giá trị truyền thống, những tình cảm chân thành vượt qua mọi toan tính. Bởi, người thầy, trên hết vẫn là những người đã nuôi dưỡng ước mơ và dìu dắt ta đi qua một thời tuổi trẻ để có được những thành công của ngày hôm nay…

Chu Văn An, Thân Nhân Trung, Lương Đắc Bằng, Nguyễn Bỉnh Khiêm… là những nhà giáo tiêu biểu trong lịch sử phong kiến nghìn năm của nước ta.

Chu Văn An (1292-1370) là “vạn thế sư biểu” - thầy muôn đời của giáo dục Việt Nam. Ông quê huyện Thanh Đàm (Hà Nội ngày nay). Dù đỗ đạt cao, Chu Văn An từ chối làm quan, về nhà mở trường dạy học. Với ông, “giáo dục là quốc sách hàng đầu” như khi trả lời vua Trần Minh Tông: “Thần đọc sách, chưa thấy nước nào không coi trọng sự học mà có thể tiến lên được. Xin bệ hạ cho thần được về nhà mở trường dạy học, góp phần bồi bổ sự học của nước nhà”.

Khi vua Trần Dụ Tông ham chơi, bỏ bê chính sự, dâng sớ góp ý không có kết quả, ông đã treo áo mũ ở cửa Huyền Môn để về quê quy ẩn. Đánh giá về Chu Văn An, Tư đồ Trần Nguyên Đán từng nhận xét: “Nhờ có ông mà bể học xoay làn sóng, phong tục trở lại thuần hậu”.

Nguyễn Phi Khanh (?-1428) quê huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương ngày nay. Xuất thân là học trò nghèo, nhờ học giỏi, ông trở thành đại thần nhà Trần. Nguyễn Phi Khanh được hậu thế xem là nhà cải cách giáo dục lớn của hai triều Trần và Hồ. Sau khi nhà Hồ bị giặc Minh đánh bại năm 1407, ông bị bắt về Trung Quốc. Con trai ông là Nguyễn Trãi theo hầu cha đến ải Nam Quan.

Nguyễn Phi Khanh nói với Nguyễn Trãi rằng: “Con là người có học, có tài, nên quay về tìm cách rửa nhục cho đất nước, trả thù cho cha, như thế mới là báo hiếu, đâu phải cứ theo khóc lóc là báo hiếu”. Từ câu nói của cha, Nguyễn Trãi quay về, vào Thanh Hóa giúp Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, đánh đuổi quân Minh xâm lược, báo được thù nhà, trả nợ nước.

 

Nguyễn Trực (1417-1474) đỗ trạng nguyên năm 1442 dưới thời vua Lê Thái Tông. Ông trở thành trạng nguyên đầu tiên của nhà Hậu Lê, người đầu tiên được dựng bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Có tài liệu chép rằng sau này, khi đi sứ Trung Quốc, gặp kỳ thi của nhà Minh, ông tham dự và đỗ trạng nguyên.

Dưới thời Lê, ông từng giữ chức tế tửu (hiệu trưởng) của trường Quốc Tử Giám. Dù làm quan dưới triều vua Lê Nhân Tông hay Lê Thánh Tông, Nguyễn Trực luôn là bậc đại thần được triều đình yêu quý.

Thân Nhân Trung (1419-1499) là người dân tộc Tày, quê ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Gia đình ông có truyền thống khoa bảng, nhiều đời đỗ tiến sĩ. Sau khi đỗ đại khoa năm 1469, Thân Nhân Trung ra làm quan dưới thời vua Lê Thánh Tông, trải qua nhiều chức vụ khác nhau, trong đó có thời gian ông được bổ nhiệm làm tế tửu trường Quốc Tử Giám, được giao soạn bài văn bia cho bia tiến sĩ đầu tiên khoa Nhâm Tuất (1442).

 Khi viết về mục đích các khoa thi nho học, Thân Nhân Trung nêu bật được tầm quan trọng của giáo dục nhân tài đối với việc hưng thịnh của đất nước: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết...".

Cuộc đời tiến sĩ, thầy giáo Lương Đắc Bằng gắn liền những giai thoại về con người chính trực, học vấn uyên thâm, thông thạo lý số, có công dạy dỗ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trong "Trị bình thập sách" của mình, bảng nhãn Lương Đắc Bằng đã khẳng định: Cấm hối lộ để trừ thói tham ô, đó là một trong những đạo lý lớn nhất của phép trị nước. Dưới thời Lê Uy Mục hung bạo, ông thẳng thắn ra hịch phản đối.

Khi chúa Nguyễn Hoàng cho người đến xin ý kiến, Nguyễn Bỉnh Khiêm nói: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” - một dãy Hoành Sơn có thể dung thân muôn đời. Câu nói của Trạng Trình giúp Nguyễn Hoàng mở đầu cho triều đại kéo dài hàng thế kỷ, đó là dòng họ Nguyễn ở Đàng Trong. Khi chúa Trịnh muốn truất ngôi nhà Lê, Nguyễn Bỉnh Khiêm khuyên họ không nên mà hãy gắng sức phò vua để nhân dân tránh chuyện binh đao, cơ đồ chúa Trịnh được bền vững, với câu nói: “Giữ chùa thờ Phật thì ăn quả oản”. Khi nhà Mạc suy yếu, ông lại khuyên nên lui lên Cao Bằng, nhờ đó cơ đồ kéo dài được thêm 60 năm nữa.

Bảng nhãn Lê Quý Đôn (1726-1784) từng có lúc mở trường tư để dạy học. Trong Dịch kinh phu thuyết, ông chủ trương học để hành, học phải trở thành phương tiện giúp người ta có năng lực làm nên công ích cho xã hội. Ông đặt câu hỏi: “Mồm đọc, bụng nghĩ trái nhau, sự biết với sự làm khác nhau, sự nghiệp danh tích không có gì là đáng kể, học cho nhiều cũng có làm gì”.

Bàn về phương pháp học tập, Lê Quý Đôn đã đưa ra một số lời khuyên cụ thể cho học sinh và sĩ phu rèn luyện nết tốt trong khi học. Ông khuyên: “Dù ngu dốt đến đâu, cũng nên kính giấy, tiếc chữ; dù keo bẩn đến đâu cũng tìm mua sách vở”. Ông cho rằng biết học thì không thể biện lẽ thiếu thì giờ. Cùng Phan Huy Chú, ông được suy tôn là nhà bác học của nước ta thời phong kiến, “túi khôn của thời đại”.

Có tới 2 học trò xưng hoàng đế và một người xưng vương, võ sư Trương Văn Hiến là trường hợp “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam. Trong 3 học trò của thầy Trương Văn Hiến, nổi tiếng nhất chính là vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Thầy Trương Văn Hiến dạy cả văn lẫn võ. Với ông, văn võ phải ngang nhau.

Khi nhận học trò, thầy giáo này đều kén lựa môn sinh theo hai tiêu chuẩn: Tư chất và đức tính. Tư chất phải thông minh, hiếu học, đức tính phải kiên trì và nhân ái. Học trò các huyện, tỉnh khác đều có người đến xin học. Văn thì chuyên binh thư đồ trận, võ học đủ thập bát ban. Thầy Trương Văn Hiến từng nói với môn sinh: “Có võ mà không có văn thì thường hay cường bạo. Có văn mà không có võ thường nhu nhược. Văn võ phải nương nhau thì đạo làm người mới giữ được vững”. Học trò của thầy sau này hầu hết trở thành tướng lĩnh của nhà Tây Sơn.

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723-1804) là danh sĩ, nhà giáo giai đoạn cuối thế kỳ XVIII. Ông quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh, được môn sinh suy tôn “phu tử”. Năm 1791, vua Quang Trung thành lập Viện Sùng Chính gần nơi Nguyễn Thiếp ở ẩn, mời ông làm viện trưởng với nhiệm vụ biên dịch các sách chữ Hán sang chữ Nôm, thực hiện biện pháp cải cách giáo dục, đào tạo nhân tài.

Khi bàn về quan điểm giáo dục, ông cho rằng nên lấy Tiểu họclàm gốc, từ đó mở rộng dạy Tứ thư, Ngũ kinh, các bộ sử. "Việc giáo dục tốt thì người tốt nhiều, người tốt nhiều thì triều cương chính và thiên hạ trị".

 

Nguyễn Đình Chiểu là nhà giáo yêu nước nổi tiếng trong thế kỷ XIX. Khi nước ta bị thực dân Pháp xâm lược, Nguyễn Đình Chiểu dạy học và miệt mài chiến đấu bằng ngòi bút sắc sảo của mình. Với ông, bút cũng là vũ khí chiến đấu: "Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm / Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà".

 

Kim Quy sưu tầm


 

 

back to top