Hoa Đào Ngoài Đời Và Trong Thi Ca Phạm Thị Nhung

Hoa Đào Ngoài Đời Và Trong Thi Ca

 Phạm Thị Nhung

 

Mùa xuân ở nước Việt ta, nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán, là lúc muôn hoa rộ nở, hồng tía khoe tươi. Giống như hoa mai vàng ở miền Trung và miền Nam, hoa đào màu hồng thắm ở miền Bắc nổi bật giữa các loài hoa và được chưng bày khắp mọi nhà, nó tạo cho ngày Tết một màu sắc, một phong vị đặc biệt, và nghiễm nhiên trở thành loại hoa Tết chính thống của dân tộc. 

Tục lệ chơi hoa đào ngày Tết ở xứ Bắc đã có từ lâu đời, vì chẳng những hoa đào có màu hồng rực rỡ là màu "hỉ tín", rất phù hợp với không khí vui tươi, tràn trề hy vọng của những ngày đầu năm mới mà người xưa còn tin là cây đào trị được ma quỉ. Tích xưa kể rằng, dưới gốc cây đào già nơi núi Độ Sóc có hai vị thần Trà và thần Lũy cư ngụ, họ giữ trọng trách cai quản đàn qủi, qủi nào làm hại dân gian thì ra tay trừng phạt ngay. Mỗi khi Tết đến, lợi dụng cơ hội các vị hành khiển trông nom việc dưới thế phải lên chầu trời để trình tấu mọi việc thế gian, bọn quỷ liền ra quấy phá. Do đó, vào dịp này người ta thường trưng một cành đào trong nhà, để bọn quỷ tưởng là nơi hai vị thần Trà thần Lũy trấn giữ, sợ, không dám bén mảng. 

Ở ven đô Hà Nội, phía Tây Bắc Hồ Tây là làng Nhật Tân, nổi tiếng về nghề trồng bích đào và đào phai.

 

Trước năm 1954, tám mươi phần trăm dân làng ở đây chuyên nghề trồng đào, họ khai khẩn đến gần trăm mẫu đất, trồng hàng vạn cây đào mới đủ cung ứng nhu cầu thị hiếu chơi hoa đào vào dịp Tết của dân Hà thành. 

Loại bích đào hoa to, mỗi cụm chỉ độ dăm bông, mỗi bông có 12 hay 14 cánh nhưng cũng có loại 32 cánh (loại bông kép), loại này ít trồng vì không mấy được ưa chuộng. Cánh hoa bích đào dầy, màu hồng thắm, xếp thành nhiều lớp, nhị vàng tua tủa; lá có hình mũi mác, màu xanh biếc, cành thì vươn thẳng. Bích đào là loại hoa đẹp nhất, hiếm, quí vì khó trồng và phải có thổ ngơi thích hợp.


Bích đào và đào phai (đào ăn quả) xưa lấy giống từ Trung Quốc. Theo các nhà khảo cổ học về cây cỏ thì người Trung Hoa biết trồng đào ít nhất từ bốn ngàn năm. Đào từ Trung Quốc truyền vào Trung Á (Asie Centrale), vào Ba Tư (Perse tức Iran). Một thế kỷ trước công nguyên, ông Alexandre Le Grand mang giống đào từ xứ Perse vào Rome và mãi đến thế kỷ XVII, cây đào mới được du nhập vào Mỹ Châu. Các nhà thực vật học đầu tiên tưởng Perse là quê hương của đào, nên đặt cho nó cái tên khoa học là Prunus persica. Sau người ta biết là nhầm nhưng đã quen gọi lâu đời nên vẫn để nguyên tên đó., thay vì phải đổi là Prunus sinensis, họ Rosacées. 

Ở Việt Nam ta từ thời xa xưa đã biết trồng đào phai để ăn quả, loại này cánh hoa mỏng, thưa, màu hồng nhạt, còn lá thì màu xanh nõn. Đào phai dễ trồng và sức sống của nó rất mạnh. Thị trấn Sa Pa thuộc vùng Hoàng Liên Sơn là xứ sở của đào phai. Dân làng Nhật Tân mua cây đào phai còn non về trồng, một năm sau cây đủ mạnh, họ sử dụng làm gốc ghép. Trước tháng 11, họ cắt một nhánh bích đào ghép vào gốc cây đào phai, chờ đến Tết là họ có một cành đào bích tươi tốt đem bán. Mỗi năm mỗi gốc đào phai chỉ dùng ghép được một cành bích đào, thế nên gốc đào phai có bao nhiêu mấu là cây đó bấy nhiêu tuổi.
Quê hương của bích đào và đào phai là Trung Quốc, nhưng quê hương của hoa anh đào lại là nước Nhật Bản. Người Nhật gọi hoa Anh Đào là "quốc hoa", tức là loài hoa đại diện cho dân tộc của họ. Nước Nhật còn được mệnh danh là "xứ hoa anh đào", vì hoa anh đào dược trồng khắp nơi trên dải đất Phù Tang, nhất là ở những vùng đồi núi hẻo lánh, nơi có những ngôi chùa cổ kính. Nhìn từ xa người ta chỉ thấy mái chùa ẩn hiện thấp thoáng dưới những lùm đào cổ thụ um tùm. Mỗi độ xuân về, hoa nở hồng ngát cả một phương trời, tạo cho chốn thiền môn một vẻ thanh tịnh, nhuốm đầy đạo vị. 

Năm 1912, Nhật Bản gửi tặng Hoa Kỳ 3.000 cây anh đào, gồm nhiều loại khác nhau, nhưng hai loại chính là Yoshimo và Kwanzan. Những cây này phần lớn đem trồng dọc hai bên bờ sông Potomac tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Kể từ năm 1934, nhà cầm quyền nơi đây cũng bắt chước dân Nhật mở Hội Hoa Anh Ðào. Nhưng thay vì đi dạo ngắm hoa, ngồi thiền trà hay ca hát dưới hoa thì ở Mỹ người ta tổ chức các cuộc diễn hành, thi xe hoa và có các ban nhạc từ các tiểu bang khắp nước gửi về tham dự. 

Hoa đào mỗi năm nở sớm hay muộn tuỳ theo thời tiết, người ta phải đoán trước để định ngày lễ hội cho đúng dịp hoa nở. Năm nào chẳng may gặp những trận mưa đá hay mưa tuyết bất thường làm hoa tàn tạ sớm thì đám người dự hội chỉ còn nước ngắm cảnh cành trơ với những cánh hoa tan tác bên đường. 

Đầu thế kỷ XX, Nhật Bản cũng đã gửi tặng nước Pháp nhiều cây anh đào. Số cây anh đào trồng tại Jardin des plantes tuy chỉ vài chục cây nhưng có đủ loại, từ loại cánh hoa đơn dến cánh hoa kép, có hương hay không hương, mầu trắng phớt hồng đến hồng đậm rồi tới đỏ thẫm.

hoa-anh-dao-dep-21
Riêng tại vườn đào trong Parc de Sceaux, hiện đếm được 147 cây, những cây cổ thụ trồng từ đầu thế kỷ nay còn lại độ một phần ba, những cây chết được thay thế ngay bằng những cây mới nên tới mùa hoa, vườn hoa anh đào bao giờ cũng xum xuê. Tất cả những cây đào trồng ở đây đều thuộc loại anh đào, cây cao chừng 3-4 mét có hoa mọc thành chùm, cánh hoa mỏng như lụa , màu phấn hồng ngọt ngào. Tới mùa, hoa nở chi chít, ngọn lả xuống tận mặt đất, trông như những lẵng hoa thiên nhiên khổng lồ đặt trên nền thảm cỏ non, xanh mướt. Ngồi từ dưới gốc cây nhìn lên thấy cả một trời hoa lồng lộng, nhìn ra tứ phía, một màu hồng bát ngát bao phủ khắp không gian. Đúng là cảnh Thiên Ðàng hạ giới! 

Kiếp hoa đào thật mỏng manh, từ lúc hoa nở đến lúc hoa tàn chỉ trong khoảng ba ngày ngắn ngủi, cả mùa hoa cũng chỉ kéo dài được ba tuần. Từ đầu tháng tư dương lịch, những đoá hoa khai mùa bắt đầu nở đến hết tuần thứ ba là những cánh hoa cuối mùa rụng hết. Nhưng dù ở thời điểm nào, vườn đào vẫn có một vẻ hấp dẫn riêng. Tươi mát, mơ màng khi những nụ hoa đầu tiên vừa chúm chím môi cười sau bao ngày im lìm trong băng giá. Tưng bừng, rực rỡ khi cả ngàn hoa rộ nở. Man mác, nên thơ khi những cánh hoa rơi bay tơi tả khắp không gian rồi trải thảm trên nền cỏ biếc. 



Phải chăng vì màu hoa đào thắm tươi, nồng nàn, quyến rũ, hay vì kiếp hoa đào mỏng manh bạc mệnh; hay vì vườn hoa đào đẹp một cách thanh thoát, thần tiên v.v… đã khiến gây được nhiều mỹ cảm cho người đời, nhiều thi hứng cho các tao nhân mặc khách? Chẳng thế trong kho tàng thi ca phong phú của Nhật Bản, của Trung Hoa cũng như của Việt Nam đã không hiếm những áng thơ văn tuyệt mỹ, những trang tình sử diễm lệ có liên quan tớí hoa đào. 

Nước Nhật, ai cũng biết, có một đường lối giáo dục nghiêm khắc, một quân đội hùng mạnh, can cường, từng đi chinh phục được nhiều dân tộc trên thế giới, vậy mà dân họ lại có một cái nhìn rất bi quan về kiếp người khi đem cuộc đời ngắn ngủi của hoa đào ra so sánh, như hai câu thơ tiêu biểu dưới đây: 


- Anh đào nở ba ngày đã rụng 
Khác chi người một kiếp phù du.

Trong một bản dân ca Nhật Bản đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và chế lời Việt, cũng mang một quan niệm yếm thế không kém: 

- Rượu nồng ta uống, uống, uống say một đêm ngất ngây 
Thả hồn theo gió heo may, đến hôn hoa, những cánh hoa anh đào say 
Nhạc nghe xa vắng những tiếng buồn, đường tơ héo hon, đường tơ héo hon 
Chạy theo ánh sáng lung linh, ánh trăng thanh đến mơn man cuộc tình trinh. 
Trời xuân man mác những mối sầu, tình theo gió mau 
Cánh hoa tươi tốt không lâu, một đêm nào sẽ rớt mau về đời sau. 
Rượu nồng ta uống choáng cõi đời để quên nắng phai, để quên nắng phai 
Đời người mỏng quá đi thôi, hỡi ai ơi hãy quên đi, rượu đầy vơi...

hoa-anh-dao-dep-20

 Trong khi đó, người Trung Hoa và người Việt Nam lại có cái nhìn rất phong phú và yêu đời về hoa đào, về cây đào. 
Người Trung Hoa xưa ví nhân tài như cây đào, cây mận. Địch Nhân Kiệt làm Tể Tướng đời Đường, thu dụng được nhiều nhân tài nên có người bảo "cây đào, cây lý trong nước ở cả cửa tướng công". 

Nói về thi ca Trung Hoa, kinh thi, tập thơ dân gian cổ nhất của họ, do đức Khổng Tử san định khoảng giữa thế kỷ thứ sáu trước công nguyên, mục Chu nam, thơ Ðào Yêu có câu: 

- Đào chi yêu yêu 
Chước chước kỳ hoa 
Chi tử vu qui 
Nghi kỳ thất gia.
........... 
Nghĩa là: 

- Mơn mởn đào tơ 
Rực rỡ nở hoa 
Cô nàng lấy chồng 
Êm ấm cửa nhà.

Ở đây, cây đào non đã được ví với người thiếu nữ trẻ trung đến tuổi dậy thì, tuổi lấy chồng. 

Trong Tả truyện, chương thập tứ niên, hoa đào lại được biểu hiệu cho người phụ nữ có nhan sắc diễm lệ. 
Truyện kể, nàng Tức Vỉ, vợ Tức Hầu đời Xuân Thu, có sắc đẹp tuyệt trần. Sở Văn Vương mê nàng tìm cách diệt Tức Hầu rồi đem nàng về phong làm phu nhân. 

Tức Vỉ chẳng những có dáng hình tha thướt, yểu điệu mà đặc biệt hai má lúc nào cũng đỏ au như cánh hoa đào, vì thế nàng được người đương thời tặng cho biệt danh "Đào Hoa Phu Nhân". 

Bài Đào Nguyên ký của Đào Tiềm cho hay: Vào đời Tấn (245-419) có người thuyền chài ở Vũ Lăng, một hôm chèo thuyền đi ngược dòng suối, thấy có nhiều hoa đào trôi theo dòng nước đổ xuống, sau lạc vào nơi trồng cơ man là cây đào, ở đây người ta sống rất an vui hạnh phúc. Sau đó, chữ "động đào", hay "đào nguyên", hay "nguồn đào" được dùng chỉ nơi tiên ở.

hoa-anh-dao-dep-1
Trong huyền thoại Trung Hoa có nói đến vườn đào của Tây Vương Mẫu ở thiên giới. Nơi đây, hoa nở quanh năm, trái đủ bốn mùa. Ai được ăn trái đào tiên này sẽ trường sinh bất lão (truyện Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân cũng có nhắc tới). 
Bởi vậy, ta thường thấy trong những bức tranh hay tượng tam đa, (hình ba ông Phúc-Lộc-Thọ) ông Thọ bao giờ trên tay cũng cầm trái đào, còn trong tranh Tết thì hình thằng bé mũm mĩm, giang tay ôm trái đào tiên khổng lồ vào lòng, là có ý chúc trường thọ. 

Còn về chuyện ái tình thì không thể không nhắc tới giai thoại Hoa Ðào Thôi Hộ, vì hoa đào ở đây đã làm nền cho một câu chuyện tình lãng mạn nhất trong văn chương thi phú Trung Hoa. 
Thôi Hộ, một danh sĩ đời Đường (618-907), nhân dự hội Đạp Thanh, chàng lạc bước đến Đào Hoa Thôn rồi ghé vào Đào Hoa Trang gõ cổng xin nước giải khát. Một thiếu nữ ra mở cổng, rụt rè đưa nước cho chàng. Nàng rất đẹp, vẻ mặt e lệ, hai má đỏ hây như càng đỏ hơn dưới bóng cây hoa đào. Chàng cũng ngượng ngập, đỡ bát nuớc uống rồi vội vã từ giã ra về. 

Nhớ người, nhớ cảnh, năm sau đến ngày hội xuân, Thôi Hộ háo hức trở lại Đào Hoa Trang, nhưng nơi đây cửa đóng then cài, người xưa vắng bóng, chỉ có ngàn hoa đào vẫn rực rỡ đang mỉm cười trước gió đông. Quá xúc cảm, chàng đã phóng bút đề bài thơ tứ tuyệt trên cổng nhà nàng:

- Khứ niên, kim nhật, thử môn trung 
Nhân diện, đào hoa tương ánh hồng 
Nhân diện bất tri hà xứ khứ 
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

Dịch: 

- Cửa này, năm ngoái, cũng hôm nay 
Mặt ngọc hoa đào, ánh đỏ hây 
Mặt ngọc đi đâu mà chẳng biết 
Hoa đào năm ngoái vẫn cười tươi.


Xế chiều, người thiếu nữ và thân phụ đi viếng chùa xa trở về, chợt nhìn thấy mấy câu thơ trên cổng, nét bút bay bướm, tình ý nồng nàn thì nàng đoán ngay của khách du xuân năm ngoái, lòng xiết bao cảm động. Từ đó ngày ngày nàng có ý ngóng trông... Nhưng hết mùa hoa đào này đến mùa hoa đào khác trôi qua, ai kia vẫn bặt vô âm tín. 
Hoàn toàn tuyệt vọng, người thiếu nữ sầu khổ, bỏ ăn quên ngủ, dung nhan mỗi ngày một tiều tuỵ võ vàng. Thân phụ nàng hết lòng tìm thầy cứu chữa, nhưng vô hiệu vì: 

- Nhược hữu lương y viên tuyệt mạng 
Tùng lai vô dược liệu tương tư.

(Ví có thầy giỏi cứu được mạng sống con người 
Nhưng chưa từng có thuốc chữa được bệnh tương tư)

Rồi tới một mùa hoa đào sau đó vài năm, biết không thể sống nổi, người thiếu nữ thú thật tâm sự cùng cha già và xin cha tha cho tội bất hiếu. 
Nhìn con gái đang hấp hối trên giường bệnh, xót con nóng lòng, ông lão chạy vội xuống đường mong tìm cho ra người đề thơ trên cổng đến nỗi đâm bổ vào một chàng văn nhân. Nhìn nét mặt lão hốt hoảng, nước mắt đầm đìa, chàng hỏi cớ sự, hiểu ra liền oà lên khóc và thú nhận mình chính là Thôi Hộ, kẻ đã đề thơ thuở nào. Ông lão mừng rỡ, cuống quít kéo chàng vào nhà… thì cũng vừa lúc người thiếu nữ trút hơi thở cuối cùng. 
Quá thương cảm, Thôi Hộ quì xuống bên giường, cầm lấy tay nàng, áp mặt vào mặt nàng, nức nở khóc. Kỳ lạ thay, nước mắt chàng Thôi vừa nhỏ xuống mặt người thiếu nữ thì nàng từ từ mở mắt, sống lại. 
Sau đó, chuyện gì phải đến đã đến và thiên tình sử Hoa Đào Thôi Hộ đã khép lạ ở đây, nhưng dư âm của nó vang vọng mãi đến muôn đời sau.


Riêng ở nước ta, hoa đào đã đi vào lịch sử, ngôn ngữ hàng ngày và thi ca một cách đậm đà ý vị. 
Về lịch sử, vào Tết Kỷ Dậu (1789), Vua Quang Trung sau khi đem đoàn quân tốc chiến từ Nam ra Bắc, đại phá được 20 vạn quân Thanh xâm lược, liền sai quân sĩ chọn lấy một cành bích đào đẹp nhất Thăng Long, cho ngựa phi gấp mang vào Phú Xuân để tặng Công Chúa Ngọc Hân, thay cho thiếp báo tin mừng chiến thắng. 

Trong ngôn ngữ hàng ngày thi - màu đào, dùng để tả màu hồng thắm hay đỏ tươi như: má đào, lụa đào, cờ đào, máu đào 

Qua thi ca, thành ngữ

- "đào tơ mơn mởn" chỉ người thiếu nữ đang tuổi dậy thì, có vẻ đẹp tươi mát, đầy sức sống

- "Liễu yếu đào tơ" chỉ người thiếu nữ có vẻ đẹp yểu điệu mảnh mai

- "Số đào hoa" là số có duyên, được nhiều người khác phái ưa thích

- ‘Kiếp đào hoa’ cũng như ‘Số hoa đào‘, nói như Nguyễn Du trong truyện Kiều: ‘Chém cha cái số hoa đào Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi’ (c.2151-2152) chỉ số phận hẩm hiu, bạc mệnh của kiếp gái giang hồ. 

Tục ngữ:

- "Một giọt máu đào, hơn ao nước lã" ý nói, bà con có chung một huyết thống, dầu xa nhưng còn hơn người dưng.v.v... 

Trong truỵện cổ tích Từ Thức, động Bích Đào ở xã Trị Nội, huyện Nga Sơn, gần núi Thần Phù, là di tích một câu chuyện thần tiên. Tích xưa kể rằng, Từ Thức nguyên là Tri Huyện Tiên Du (Bắc Ninh), vào ngày hội hoa mẫu đơn tại ngôi chùa sở tại, chàng đã cởi áo khoác cầm cố để giải cứu cho người thiếu nữ chót đánh gãy cành hoa quý. 
Ít lâu sau, Từ Thức treo ấn từ quan, ngày ngày ngao du sơn thủy. Một hôm chàng chèo thuyền ngoài cửa bể Thần Phù, ghé vào bờ núi đề thơ rồi lạc đến một động tiên, chàng được phu nhân tiên chủ gả con gái yêu là Giáng Hương cho, để đền cái ơn đã cứu nàng thuở nào.

hoa-anh-dao-dep-23

 Sống ở Đào Nguyên tuy vui sướng nhởn nhơ nhưng Từ Thức không nguôi lòng nhớ cố hương, bèn xin trở về. Biết không thể lưu giữ được lâu hơn, phu nhân ban cho vân hạc đưa chàng về trần, còn Giáng Hương trước phút từ biệt, trao cho chàng một phong thư, dặn khi tới nhà hãy đọc. 

Từ Thức về đến quê, xiết bao bỡ ngỡ vì cảnh cũ đã hoàn toàn thay đổi mà người xưa cũng không còn. Chàng hỏi thăm ông già bà cả trong xóm thì có người cho biết, cụ tổ ba đời của ông ta tên là Từ Thức, đi vào núi không thấy về, nay đã trên 60 năm. 

Quá bơ vơ, lạc lõng, chàng Từ Thức tính quay lại níu lấy cánh hạc để trở về tiên động, nhưng cánh hạc đã bay vút trời cao. Chàng mở thư vợ ra xem mới hay ‘tình duyên trần tiên đã đoạn, muốn tìm lại động xưa chẳng còn được nữa’. 
Sau đó ít lâu, Từ Thức đi vào núi Hoành Sơn (gần Thanh Hoá), không thấy trở lại. 

Thi sĩ Tản Đà, giữa đầu thế kỷ XX, cảm hứng chuyện cũ, sáng tác nên bài từ khúc 

Tống Biệt: 

- "Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai 
Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi 
Nửa năm tiên cảnh, 
Một bước trần ai 
Ước cũ, duyên thừa có thế thôi! 
Đá mòn, rêu nhạt 
Nước chảy, huê trôi. 
Cánh hạc bay lên vút tận trời 
Trời đất từ nay xa cách mãi. 
Cửa động đầu non, đường lối cũ 
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi."

Khác với bài hát Thiên Thai của Văn Cao, nhằm ca ngợi cảnh đẹp và hạnh phúc mà hai chàng Lưu Thần, Nguyễn Triệu trong truyện thần tiên Trung Hoa, được vui hưởng khi lạc tới Đào Nguyên đến quê cả đường về; sau hai chàng trở lại trần gian vẫn còn luyến tiếc mãi không thôi:



- Thiên Thai, chốn đây hoa xuân chưa gặp bướm trần gian 
Có một mùa đào cùng ngày tháng chưa tàn phai một lần 
…… 
Đào Nguyên trước, Lưu Nguyễn quên đường về 
…… 
Nay tìm Đào Nguyên, Đào Nguyên nơi nao?

Bài từ khúc của Tản Đà lại hướng về quê hương hạ giới, cốt làm nổi bật hai khía cạnh trong đời sống tâm lý muôn thuở của thế nhân: 
Con người ta sống ở nơi nào, dù được sung sướng đến đâu (như ở chốn thiên tiên) vẫn không thể quên được cố hương, và sẽ có ngày tìm về. 
Trái lại, dù được sống ở quê hương, nhưng một khi người xưa, cảnh cũ không còn, tất cả đã hoàn toàn đổi thay thì con người lại cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, ắt có ngày sẽ tính chuyện bỏ xứ ra đi. 

Lại như trong thi ca bác học cổ điển của ta, vì chịu ảnh hưởng văn học Trung Hoa nên các màu sắc, hình ảnh: màu đào, hoa đào... thường được sử dụng để tả nhan sắc của người phụ nữ (có tính cách ước lệ). Song chắc chắn chưa một tác phẩm nào lại ca ngợi sức quyến rũ phi thường của đôi má đào người đàn bà như trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, sáng tác cuối thế kỷ XVIII:

- Áng đào kiểm đâm bông não chúng 
Khoé thu ba dợn sóng khuynh thành. 
Bóng gương lấp ló trong mành 
Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa. (c.15-18)

- Má đào không thuốc mà say 
Nước kia muốn đổ, thành này muốn long. (c.167-168)

Đôi má đỏ au như hoa đào của người cung phi ở đây không phải bùa mê thuốc ngải mà có sức hấp dẫn mê hồn, có khả năng làm say đắm lòng người đến độ có nhiều vị trấn thành, trị quốc mê mệt tới sao lãng cả công vụ, đưa đến tình trạng mất thành mất nước như chơi.

 

Riêng Nguyễn Du, trong truyện Đoạn Trường Tân Thanh viết hồi đầu thế kỷ XIX, thì mượn cây đào làm bối cảnh cho cuộc tình của đôi tài tử giai nhân Kim Trọng - Thuý Kiều. 
Sau buổi được tao ngộ cùng Thúy Kiều trong ngày hội Đạp Thanh, Kim Trọng trở về không lúc nào quên được nàng. Chàng say mê Kiều đến độ giả danh du học, thuê hiên Lãm Thuý để mong có cơ hội gặp lại người tình trong mộng của mình. 
Cây đào ở cuối vườn nhà Kiều, bên kia tường là hiên Lãm Thúy, Kim Trọng ngày ngày ghé mắt nhìn sang. Lần đầu tiên Kim thoáng nhìn thấy Kiều dưới tàng cây đào: 

- Cách tường phải buổi êm trời 
Dưới đào dường có bóng người thướt tha.

Kim đã với được chiếc kim thoa của nàng vướng trên một cành đào: 

- Lần theo tường gấm dạo quanh 
Trên đào nhác thấy một cành kim thoa 
Giơ tay với lấy về nhà.

Nhờ đó Kim Trọng đã được gặp lại Thuý Kiều. 
Nhân một hôm cha mẹ và hai em vắng nhà, Kiều khẽ hắng giọng làm hiệu gọi Kim cũng ở bên gốc cây đào này: 

- Cách hoa sẽ dặng tiếng vàng 
Dưới hoa đã thấy có chàng đứng trông.

Thì ra Kim Trọng lúc nào cũng loanh quanh luẩn quẩn ở gần cây đào để chờ Kiều. 
Như thế, cây đào đã gắn liền với những kỷ niệm về mối tình đầu giữa Kim và Kiều. 
Sau nửa năm xa vắng (Kim phải về Liêu Dương thọ tang chú), Kim trở lại vườn Thúy, chàng thấy mọi vật đều đã đổi thay, riêng có cây đào năm xưa vẫn tưng bừng nở hoa như ngày nào, như muốn trêu ghẹo nỗi cô đơn của chàng.

Hình ảnh, hình nền hoa đào đẹp ngày tết

Tâm trạng Kim Trọng lúc này chẳng khác nào Thôi Hộ khi trở lại Đào Hoa Trang, không được gặp lại người thiếu nữ đã cho chàng bát nước giải khát trong ngày hội xuân năm trước. Thế nên, Nguyễn Du đã mượn ý hai câu thơ cuối trong bài tứ tuyệt của Thôi Hộ để tả cảnh ngộ và tâm trạng Kim Trọng: 

- Trước sau nào thấy bóng người 
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.

Có ai ngờ câu chuyện tình Hoa Đào Thôi Hộ vẫn còn để lại dư âm đến tận ngày nay? 
Vào mùa hoa đào năm 1991 tại Parc de Sceaux, nhìn thấy vườn đào rực rỡ với muôn ngàn đoá hoa đang lung linh trong nắng xuân hồng, chúng tôi lại nhớ đến khung cảnh thơ mộng trong cuộc tao ngộ giữa danh sĩ Thôi Hộ và người em gái Đào Hoa Trang thuở nào, lòng bỗng dạt dào cảm xúc. 
Thay vì thương cảm cho tình cảnh của chàng Thôi khi trở về chốn cũ không gặp lại người xưa như Nguyễn Du trong truyện Kiều, hay hầu hết các vị nam nhân khác mỗi khi nhắc đến câu chuyện tình thơ mộng này; chị em phụ nữ chúng tôi lại thường xót xa cho cảnh ngộ của người em gái Đào Hoa Trang, chỉ vì đôi lời thơ hoài cảm của ai kia mà mang lụy vào thân, đã bao tháng năm phải chờ đợi trong cô đơn, âm thầm, vô vọng… nên đã sáng tác nên mấy vần thơ, thác lời Người Em Đào Hoa Trang để làm kỷ niệm.

- Trong vườn hoa đào rộ nở 
Lung linh dưới nắng xuân tươi 
Cô em má hồng ửng đỏ 
Chợt chàng Thôi Hộ ghé chơi. 

Bốn câu thơ viết theo thể phú, mô tả cộc tao ngộ giữa danh sĩ Thôi Hộ và người em gái Đào Hoa Trang. 

- Gặp nhau chỉ dám thoáng nhìn 
Sông chờ, bến hẹn tưởng nghìn kiếp xưa. 
Cổng ngoài có mỗi bài thơ 
Hoa đào vẫn nở, người mơ chẳng về.


Hai câu năm sáu, viết theo thể hứng; nhân cuộc gặp gỡ nẩy sinh tình yêu. Rồi dùng thể tỉ để diễn tả tâm tình người đẹp: 
Nàng vừa gặp chàng là bị trúng ngay tiếng sét ái tình. Nàng yêu liền và tưởng chừng hai người đã thương nhau, đã chờ đợi nhau từ nghìn kiếp trước, nay bất ngờ gặp lại hẳn sẽ không bao giờ còn lìa xa nữa. 
‘Sông chờ’, ‘bến hẹn’ dùng phép tỉ, vừa nhân cách hóa, vừa mượn hình ảnh thơ để diễn tả tình cảm tha thiết đợi chờ của hai kẻ yêu nhau, hay ít ra cũng có trong tưởng tượng, trong mơ ước của nàng. 
Hai câu kết, người em gái Đào Hoa Trang lộ vẻ đau đớn, vừa tủi thương cho mình, vừa hờn trách đối tượng. Tưởng chàng yêu nàng tha thiết thế nào, ngờ đâu chỉ vẻn vẹn có một bài thơ rồi bỏ đi chẳng một âm hao; trong khi tình yêu của nàng dành cho chàng là cả một niềm thủy chung như nhất, chẳng khác nào những bông hoa đào hàng năm vẫn nở mỗi độ gió đông về (gió đông tức gió xuân, vì mùa xuân mới có gió từ phương Đông thổi tới). 

Để kết thúc bài ‘Hoa Ðào Ngoài Ðời Và Trong Thi Ca’, chúng tôi xin tóm tắt như sau: 

Hoa đào là một thực tại, không ai có thể phủ nhận. Nhưng thực tại đó hiện hữu như thế nào còn tuỳ thuộc nhiều yếu tố, nhất là môi trường nó xuất hiện và cảm quan của người tiếp nhận. Như hoa đào tả chốn Bồng Lai thì người ta cho nó có vẻ đẹp xinh tươi, nở chốn thiền môn thì có vẻ đẹp thanh tịnh, xuất hiện trước mắt những kẻ đang yêu thì có vẻ đẹp rực rỡ, nồng nàn. Lại như khi đi qua một vườn hoa đào, có người thấy đẹp, cảm thấy rất an vui hạnh phúc, có người lại không. Như vậy đủ rõ, qua cái nhìn của mỗi cá nhân, thực tại không còn là thực tại mà đã được chuyển hoá. Có thể bị bi quan hoá như cái nhìn của người Nhật về hoa anh đào, nhưng thường là được thi vị hoá gấp năm, gấp mười lần, đặc biệt qua thi ca còn được thăng hoa gấp trăm, gấp ngàn lần, như bài thơ tứ tuyệt của Thôi Hộ, như bài hát Thiên Thai của Văn Cao v.v…

Nhận xét như vậy, chúng tôi không có ý gì khác hơn là tha thiết mời quí vị vào mỗi mùa hoa đào, khoảng đầu tuần thứ hai trong Tháng Tư, hãy nán chút thì giờ đi thăm vườn đào, để cả thân tâm mà tận hưởng tất cả các vẻ đẹp của nó. Này nhé, như thoạt nhìn từ xa, ta sẽ thấy màu hoa, rồi gần hơn, cây hoa, cành hoa, gần hơn nữa, cánh hoa, nhị hoa, và nếu biết nhìn một cách sâu sắc, chúng ta còn có thể thấy, chỉ một cánh hoa cũng đủ hàm chứa cả sự mầu nhiệm của vũ trụ, vì trong đó không những có sự hiện diện của ánh nắng mặt trời, ánh sáng trăng, sao mà còn cả gió, mưa, sương, tuyết, đất, nước, cả người làm vườn và nhất là sự hiện diện của chính chúng ta. Thực thế, nếu chúng ta không có ý thức về cánh hoa đó, thì nó đối với chúng ta như chưa từng hiện hữu, có cũng như không, nói chi đến sự mầu nhiệm kia.

Hoa đào quả là một ân sủng của Thượng Đế ban cho loài người… Vườn đào quả là một Thiên Đường mà chúng ta có thể tới được dễ dàng ngay trong cuộc sống hiện tại. Ít nhất cảnh đẹp tinh khiết, tươi thắm của vườn đào cũng làm cho ta mát mắt, tâm trí thư giãn; ngoài ra nó còn nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng, tươi trẻ của chúng ta, và biết đâu còn gợi cho chúng ta nhiều cảm hứng, thi tứ, trên văn đàn Việt Nam, nhờ đó mà nảy sinh thêm biết bao kỳ hoa dị thảo? 

Phạm Thị Nhung Giáo sư Gia Long 

Tài liệu tham khảo: 

Bùi Sỹ Thành: Hoa Ðào Trong Truyện Kiều - Thuyết trình nhân dịp lễ Thánh Đản làng Hành Thiện, tháng 10 - 1991 tại Paris. 
Đào Duy Anh: Tự Điển Truyện Kiều, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1987. 
Nguyễn Tử Quang: Điển Hay Tích Lạ, Khai Trí xuất bản, Saigon1964. 
Đào Nhật Tân Hà Nội, Mai Vàng Huế, Phụ Nữ Diễn Đàn, Giai Phẩm Xuân Ất Hợi, số 131, California-1995 
Tìm Hiểu Phúc Âm: Hoa Anh Ðào, Văn Nghệ Tiền Phong số 274, California 1990. 
*** 
1- Thuyết trình văn hoá Tháng Tư 1999 do Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN tổ chức, tại hội trường Thư Viện Diên Hồng, Paris 5. 
2- Thuyết trình văn hóa Ngày Đại Hội QuốcTế Y Nha Dược Sĩ Việt NamTự Do, Paris 30-7-2000, tại Hôtel Sofitel, Salon Auditorium, Paris 14. 

 Kim Phượng st

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %21 %974 %2019 %17:%01
back to top