Những ca khúc Giáng Sinh được mọi thời ưa chuộng
Những ca khúc Giáng Sinh
được mọi thời ưa chuộng
Tiếng hát mừng Chúa ra đời đã được cất lên ngay từ lễ Giáng Sinh đầu tiên, trên khắp tầng trời cao thẳm:
Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người thiện tâm.
Rồi từ ngày đó, trải qua bao nhiêu năm tháng, những bản thánh ca mừng Chúa ra đời đã vang vọng khắp nơi, từ trong các ngôi giáo đường nguy nga lộng lẫy cho đến những miền thôn trang hẻo lánh nghèo nàn. Hài Nhi hạ sinh trong một chuồng chiên bò đã được ngợi ca bằng hàng trăm bản hợp xướng du dương trầm bổng của biết bao nhiêu ca đoàn, bằng tiếng hát điêu luyện lẫy lừng của những ca sĩ nổi danh, bằng những giọng ca đơn sơ mộc mạc của người dân thôn dã. Rất nhiều bài ca mừng lễ Giáng sinh đã được sáng tác bằng đủ mọi loại ngôn ngữ, được hát lên, được trân quý, được ghi nhớ và đi theo với con người vào dòng lịch sử, và sẽ mãi mãi còn được ca vang cho đến ngày sau cùng của trái đất.
Quê hương Việt Nam chúng ta đã đón nhận ánh sáng Tin Mừng soi rọi từ hơn 400 năm. Nhưng chúng ta đã không có những bản thánh ca phổ thông bằng tiếng Việt cho mãi tới khi đất nước được độc lập. Những bài ca mừng Giáng sinh bằng Việt ngữ ra đời cùng một lần với rất nhiều bản thánh ca khác khi giáo nhạc nở rộ vào thập niên 40. Những bài hát như “Hang Belem” của Hải Linh, “Cao Cung Lên” của Hoài Đức và Nguyễn Khắc Xuyên..., được hát lên khắp hang cùng ngõ hẻm và ngày nay lan tỏa ra khắp năm châu theo với đoàn người Công giáo Việt.
Đã từ lâu chúng tôi mong mỏi được nghe kể về những giai thoại liên quan đến các bản thánh ca Việt Nam. Chúng tôi nao nức muốn tìm hiểu về các nhạc sĩ tác giả, hoàn cảnh sáng tác, tư liệu, nguồn cảm hứng, khó khăn hoặc thuận lợi khi phổ biến, hay bất cứ chi tiết nào hoặc kỷ niệm nào về bản nhạc, nhưng rất khó tìm được tài liệu. Có lẽ các nhạc sĩ - một số vị nổi danh nay đã ra người thiên cổ - vì quá khiêm tốn nên không muốn đề cập, hoặc vì hoàn cảnh khó khăn của đất nước và chiến tranh nên sách vở tài liệu đều bị tiêu hủy hay thất lạc. Trong những năm gần đây, các trung tâm chuyên sản xuất video ca nhạc ở hải ngoại – như Thúy Nga, Asia...- đã mời một số nhạc sĩ xuất hiện trong các chương trình ca nhạc đặc biệt nhằm vinh danh họ, và các nhạc sĩ này đã kể lại một ít giai thoại về cuộc đời sáng tác, những kỷ niệm chung quanh một số nhạc phẩm..., có rất nhiều chi tiết lý thú khiến chúng ta hiểu thêm về cuộc đời họ, về các bản nhạc họ sáng tác. Nhưng đối với nhạc tôn giáo, chúng ta chưa có những chương trình như vậy.
Nhân mùa lễ mừng Chúa giáng trần, chúng tôi xin mời độc giả cùng đọc với chúng tôi những chuyện kể về mấy ca khúc Giáng sinh được ưa chuộng. Những chuyện này chúng tôi dịch thuật theo Ace Collins trong cuốn Stories Behind the Best Loved Songs of Christmas. Cuối mỗi bài, chúng tôi in nguyên văn bài hát và những bản chuyển âm sang Việt ngữ của nhạc sĩ Việt nam hoặc của các giáo hội Thiên Chúa giáo (nếu có). Một số chuyện kể này đã xuất hiện trên trang mạng VietCatholic mấy năm trước đây, nay chúng tôi tổng hợp lại. Ở phần cuối loạt bài này, chúng tôi xin trình thuật một số tài liệu về các nhạc bản “Hang Be lem” của Hải Linh và “Cao Cung Lên” của Hoài Đức. Ước mong các nhạc sĩ, nhà nghiên cứu hay các vị viết lịch sử âm nhạc Công giáo Việt Nam tìm hiểu, thâu thập và đưa ra những chuyện kể lý thú liên quan đến các bản nhạc Giáng sinh Việt Nam khác mà chúng ta trân quý từ hơn nửa thế kỷ nay.
Phụng Nghi
1. SILENT NIGHT (Đêm Thánh Vô Cùng)
Năm 1817, cha Joseph Mohr, lúc đó mới 25 tuổi, được bổ nhiệm làm linh mục phụ tá tại nhà thờ Thánh Nicholas ở miền Oberndorf nước Áo.
Cậu Mohr ngay từ lúc thiếu thời đã say mê âm nhạc, được đặt làm người phụ trách âm nhạc tại một nhà thờ nhỏ; có lúc cậu đã sáng tác thơ và đặt lời cho những bài ca trong các nghi lễ đặc biệt tại giáo đường. Khi trở thành linh mục, cha Mohr làm việc không biết mệt mỏi trong các công tác từ thiện phục vụ thanh thiếu niên con các gia đình nghèo khó trong vùng.
Một ngày mùa đông năm 1818, cha Mohr đang cố công hoàn thành mọi sửa soạn cho thánh lễ Giáng sinh, một nghi lễ mà cha đã hoạch định trước cả tháng. Mọi thứ đều đã xong xuôi, từ bài hát cho đến bài giảng. Nhưng lúc cha dọn dẹp thánh đường mới khám ra một trở ngại tưởng không thể khắc phục được: đó là chiếc phong cầm của nhà thờ bị hư. Nóng lòng, cha lui cui hàng giờ đánh vật với hàng phím, với bàn đạp của chiếc đàn, có lúc bò cả ra phía sau để mong tìm ra chỗ hư hỏng. Bất chấp mọi khó nhọc của cha, chiếc đàn vẫn nằm ỳ ra không lên tiếng, im lặng chẳng khác cái lặng lẽ của một đêm đông giá lạnh.
Nhận thấy không thể làm gì hơn được, vị linh mục ngừng lại và cầu nguyện. Cha cầu xin Chúa cho cha tìm được một giải pháp nào để đem được âm nhạc đến với giáo dân trong một ngày lễ có ý nghĩa nhất trong năm. Có lẽ cha đã tìm được đáp ứng cho lời cầu nguyện của cha phát sinh từ những sự việc xảy ra cách đấy gần cả hai năm.
Năm 1816, lúc phục vụ nơi một thánh đường tại Mariapfarr, cha Mohr đã viết một bài thơ mừng Chúa Giáng sinh. Bài thơ gồm 6 khổ, cha cảm hứng sáng tác trên đường đi bộ từ nhà ông nội đến nhà thờ. Tuy có đưa cho vài người bạn xem bài thơ, nhưng cha chưa bao giờ nghĩ đến chuyện phổ biến hoặc có ý định đem ra phổ nhạc. Khi được đổi đến xứ đạo Oberndorf, cha mang theo bài thơ đó cùng với số vật dụng ít ỏi của mình.
Tìm lại bài thơ “Still Nacht! Heilige Nacht!” (Đêm Yên Lặng! Đêm Thánh!) trên bàn viết, cha đọc lại lúc này đã hai năm sau ngày sáng tác. Từ trước đến nay, những vần thơ đó dường như không mấy quan trọng đối với cha, nhưng lúc này đọc lại, cha thấy dường như Chúa đã cho cha một tia sáng hy vọng. Bỏ bài thơ vào túi áo cha vội vã ra khỏi nhà. Chỉ còn mấy giờ nữa là thánh lễ nửa đêm bắt đầu, vị linh mục băng nhanh qua những đường phố đầy tuyết phủ.
Cũng vào buổi chiều hôm đó, Franz Gruber, người giáo viên làng 31 tuổi đang co ro trong căn phòng nhỏ bên cạnh trường học. Mặc dầu đã theo học phong cầm với giáo sư nổi tiếng Georg Hardobler, Gruber cũng chỉ chơi đàn cho nhà thờ St. Nicholas nhỏ bé. Đang miên man với mấy nốt nhạc trên chiếc đàn thì ông ngạc nhiên nghe tiếng gõ cửa và thấy cha Morh bước vào. Ông nghĩ thầm: giờ này thì cha đáng lẽ phải ở nhà thờ sửa soạn dâng thánh lễ, có đâu rảnh rang mà dạo quanh thăm viếng bạn bè.
Sau câu chúc mừng Giáng sinh vội vã, vị linh mục hối hả kéo ông giáo làng tới chiếc bàn nhỏ trong phòng và ra dấu bảo ngồi cạnh mình. Bằng giọng nói rõ ràng là nản chí, cha kể cho ông nghe nỗi khó khăn trước mặt. Sau khi bảo Gruber rằng chiếc đàn không thể sửa được, cha liền đem bài thơ ra và nói:
- Franz, anh xem có thể viết nhạc cho bài thơ này để ca đoàn hát được không? Không có đàn thì ta chơi guitar vậy.
Rồi vị linh mục đưa mắt nhìn đồng hồ trên bàn, nói thêm: Không còn nhiều giờ nữa đâu.
Đọc kỹ bài thơ, Gruber gật dầu. Ánh mắt và nụ cười của ông chứng tỏ ông chấp nhận thử thách đó. Tin tưởng là Chúa đã sắp đặt mọi sự, cha Mohr vội vã băng qua những đường phố ngập tuyết trở về nhà thờ, bỏ lại Gruber một mình ngồi đó với bao nhiêu ý tưởng, trước một chiếc đồng hồ đang tích tắc kêu và một lời cầu mong xin tìm ra hứng khởi.
Mấy tiếng đồng hồ sau hai người gặp nhau tại nhà thờ. Trong ngôi thánh đường có ánh đèn tỏa sáng, Gruber đưa cho vị linh mục coi bản nhạc của mình. Linh mục chấp thuận, dùng đàn guitar gảy lên những nốt nhạc rồi vội vã chuyển cho ca đoàn đang chờ đợi tập dượt. Công trình tưởng chừng phải mất cả tuần lễ thì nay chỉ cần mấy tiếng đồng hồ là xong. Không có nhiều thời giờ tập dượt, cha Mohr và Gruber chỉ dạy được cho ca đoàn phần hòa âm bốn giọng của mỗi hai câu thơ cuối.
Trong thánh lễ nửa đêm, cha Mohr và Gruber đứng trước bàn thờ giới thiệu bản nhạc nhỏ bé và giản dị của hai người. Họ đâu ngờ rằng “Still Nacht! Heilige Nacht!” không chỉ sẽ được nhớ tới vào ngày Giáng sinh kế tiếp trong ngôi làng bé nhỏ của họ mà còn được ca hát khắp thế giới gần hai trăm năm sau nữa.
***
Mấy tuần lễ sau ngày tết dương lịch, anh chàng Karl Mauracher chuyên chế tạo và sửa đàn phong cầm ngụ tại vùng thung lũng Ziller, đến nhà thờ St. Nicholas để sửa đàn cho cha Mohr. Trong lúc anh lui cui sửa chữa, cha Mohr đem câu chuyện cha đã dùng đàn guitar để chơi một bản nhạc phổ bài thơ cũ để cứu vãn buổi lễ đêm Giáng sinh vừa qua. Cha hát cho anh chàng này nghe bản nhạc đó, và nói rằng cha tin là Chúa đã nghe lời cha nguyện cầu. Thích thú vì bản nhạc, anh chàng Karl lấy giấy ghi xuống bài ca và học thuộc lòng các nốt nhạc. Những năm sau, theo với nghề nghiệp phải đi đây đi đó, anh giới thiệu bản nhạc này với nhiều đô thị và thánh đường.
Bản “Still Nacht! Heilige Nacht!” nguyên thủy
Vào thế kỷ 19, ở nước Áo và nước Đức có nhiều nhạc sĩ du ca. Mỗi nhóm du ca gồm các thành viên trong cùng một gia đình thường không chỉ hành nghề ca hát mà còn làm những việc chuyên biệt khác để có tiền chi dụng trong lúc di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Năm 1832, nhóm du ca thuộc gia đình Stasser xuất hiện tại một cộng đồng nhỏ nơi anh chàng sửa đàn Mauracher đang ráp đặt một chiếc phong cầm. Trong thời gian ở đó, nhóm du ca này học được bài “Still Nacht!” và mấy tuần sau đem trình bày tại một buổi diễn tại Leipzig, trước một đám thính giả rất đông đến coi hội chợ. Nhận thấy bản nhạc này mang một sứ điệp tinh thần sâu xa, hoàng đế nước Áo William IV truyền cho ca đoàn nhà thờ chính toà của ông ca bản nhạc này trong nghi lễ Giáng sinh hàng năm. Một phần cũng vì lòng ưu ái đó của nhà vua mà nhạc bản này lan tràn ra khắp miền đông Âu rồi tràn qua Anh quốc.
Tháng 12 năm 1839 một nhóm du ca khác thuộc gia đình Rainer tới Nữu Ước. Một phần chương trình của họ là trình bày bản “Still Natch!” bằng Anh ngữ (Silent Night!) trước một cử tọa rất đông đảo tại thánh đường Chúa Ba Ngôi. Bản nhạc trở thành phổ thông và được rất nhiều ca đoàn hát trong các nhà thờ. Vào thời kỳ nội chiến ở Mỹ, bản nhạc “Silent Night” trở thành bài ca Giáng sinh phổ biến nhất. Trong trận chiến giữa hai miền nam bắc, không hiếm thấy cảnh ngưng chiến bốn ngày trong dịp lễ Giáng sinh, binh sĩ giữa hai miền thù nghịch cùng buông súng, tụ họp lại để dự lễ, đọc Thánh kinh, chia sẻ quà cáp, và cùng ca bài “Silent Night”.
Bài hát càng được phổ biến thì nguồn gốc càng bị phân hoá. Có nhiều lúc các nhà xuất bản gán cho tác giả bản nhạc này là một trong các nhạc sĩ đại tài như Bach, Beethoven hoặc Handel. Chỉ mãi tới khi Franz Gruber gửi tới các báo và các nhà xuất bản bản sao tờ phổ nhạc của mình thì nguồn gốc đích thực mới được công nhận. Mặc dầu vậy, nhiều giai thoại về lời ca của bản nhạc vẫn còn được truyền tụng.
Cha Mohr qua đời trong cảnh nghèo khó vào năm 1848 trước khi được công nhận là tác giả bài thơ được phổ nhạc. Cha mất nên không thể chứng minh câu chuyện, do đó mới có truyền thuyết kể rằng bài thơ đã được viết ra vội vã sau khi khám phá thấy chuột đã cắn hại chiếc phong cầm, chứ không phải thực ra là chiếc đàn đã rất cũ và bị hư hại vì thời tiết quá lạnh. Truyền thuyết này được nhiều người công nhận nhưng thật ra có vẻ tiểu thuyết hơn là sự thực.
Vào cuối thập niên 1800, bản “Silent Night” đã được phiên dịch ra khoảng hơn 20 ngôn ngữ khác nhau và là nhạc bản không thể thiếu trong các lễ hội Giáng sinh trên khắp thế giới. Sang đến thế kỷ 20, nhạc bản này đã đi ra khỏi các giáo đường, hội nhập với những tập tục Giáng sinh khác.
Vào năm 1905 bản nhạc Silent Night được thu âm lần đầu tiên do ban nhạc Haydn Quartet. Đó mới chỉ là khởi đầu, sau đó bản nhạc đã được thâu âm cả bao nhiêu ngàn lần do các ban nhạc khác nhau trên khắp thế giới. Tới năm 1960, Silent Night được công nhận là bản nhạc được ghi âm nhiều nhất trong lịch sử âm nhạc.
Mặc dầu với tính cách phổ thông như vậy, trong tâm trí nhiều người, bản Silent Night được viết ra lúc khởi đầu chỉ là một nhạc bản giản dị, một khúc ngợi ca. Được sáng tác để làm cho nghi thức mừng lễ Giáng sinh có ý nghĩa hơn, bản nhạc xưa cũ này vẫn còn mạnh mẽ và tươi mát như lần đầu tiên được hát lên trong ngôi thánh đường nhỏ bé nơi nước Áo xa xôi. Như một lời cầu xin được đáp ứng, Silent Night chỉ với mấy câu thơ ngắn ngủi cũng đủ mô tả được câu chuyện Giáng sinh của đấng Cứu thế trong máng cỏ nghèo nàn.
Ghi chú:
1. Bản nhạc này đã được cố nhạc sĩ Hùng Lân “Việt hoá” từ hơn nửa thế kỷ trước tại Việt nam và được hát trong các thánh đường Công giáo cũng như trên các đài truyền thanh truyền hình từ đó đến nay trong mùa lễ Giáng sinh. Ông không chuyển dịch bài ca nhưng đặt lời hoàn toàn mới, dùng những từ ngữ văn chương bóng bảy như “xe chữ đồng, ơn châu báu không bờ bến, nhắp chén phiền, vương phong trần, tuyết sương mịt mù...” Sau đây là lời ca do ông đặt:
- Đêm Thánh vô cùng
Giây phút tưng bừng
Đất với Trời xe chữ đồng
Đêm nay Chúa Con thần thánh tôn thờ
Canh khuya Giáng sinh nơi chốn hang lừa
Ơn châu báu không bờ bến
Biết tìm kiếm của chi đền.
- Ôi Chúa Thiên đàng
Cam mến cơ hàn
Nhắp chén phiền vương phong trần
Than ôi Chúa thương người đến quên mình
Bơ vơ chốn quê nhà lúc sinh thành
Ai ham sống trong lạc thú
Nhớ rằng Chúa đang đền bù
- Tinh tú trên trời
Sông núi trên đời
Với Thánh thần mau kết lời
Cao rao Hóa công đã khéo an bài
Sai con hiến thân mong cứu nhân loại
Hang chiên máng rêu tạm trú
Bốn bề tuyết sương mịt mù
2- RUDOLPH THE RED-NOSED REINDEER (con Nai RUDOLPH Mũi đỏ)
Năm 1938, khi cuộc đại khủng hoảng về kinh tế đang là vết thương trầm trọng trên khắp nước Mỹ và viễn ảnh về một tương lai sáng sủa hơn còn biền biệt ở chân trời, thì anh chàng Bob May thấy những ngày trước lễ Giáng sinh đang tới đậm một màu ảm đạm. Là một nhân viên quảng cáo cho tiệm Montgomery Wards, sống bằng đồng lương rất khiêm tốn, anh cảm thấy kiệt lực và sắp đến hồi khánh tận. Vợ anh, Evelyn, sau hai năm dài chiến đấu với bệnh ung thư, sắp đến ngày thua cuộc. Họ nhìn nhau, người nọ đọc được trong mắt người kia một nỗi thất vọng não nề. Đứa con gái của họ cũng nhận thấy có điều không ổn trong gia đình.
Vào một tối tháng chạp mùa đông lạnh, sau khi vào thăm mẹ đang nằm liệt giường, cô bé gái Barbara mới lên bốn tuổi sà vào lòng bố dõng dạc hỏi: “Tại sao mẹ con lại không giống mẹ mấy bé khác vậy?”
Làm sao có thể giải thích cho con gái hiểu được rằng người mẹ đau yếu của bé cũng muốn chơi đùa với bé, đọc chuyện cho bé nghe, và hơn hết, muốn được ở cạnh bé trong tất cả những giờ phút quan trọng trong đời? Làm sao có thể nói cho một cô gái ngây thơ như bé rằng bệnh tật và cái chết là một phần của đời sống này? Và mẹ của bé cũng mong mỏi được như những người mẹ khác, nhưng bệnh tật đã làm cho cả hai mẹ con không được hưởng những giây phút gần gũi bên nhau? Làm sao có thể cho bé những câu trả lời bé muốn biết mà không làm tan nát trái tim nhỏ của bé?
Gió bấc thổi mạnh đập lạt xạt vào của sổ căn chung cư hai phòng ở Chicago, Bob May ôm chặt đứa con vào lòng và cố tìm câu trả lời cho con bé. Anh nhớ lại nỗi đau khổ phải chịu trong thời thơ ấu vì anh rất khác mọi người. Lúc đó anh là một cậu bé nhỏ thó, gầy còm, bị những đứa trẻ khác thường xuyên trêu chọc và gọi bằng những cái tên xấu xa mà anh chẳng bao giờ muốn nhớ lại. Ngay lúc đã vào trường đại học, con người anh cũng vẫn còn loắt choắt đến nỗi nhiều người vẫn tưởng lầm là một cậu bé.
Mặc dầu có cấp bằng đại học, nhưng vì nền kinh tế trong nước đang trong tình trạng trì trệ nên May không thể kiếm được việc khá hơn cái công việc anh đang làm ở tiệm Wards, một việc dưới khả năng và kiến thức của anh. Vậy mà khi gặp được Evelyn và cưới nàng làm vợ anh cảm thấy mình như một ông hoàng. Lần đầu tiên trong đời anh có một nơi chốn để sống thoải mái không bị gò bó vì khuôn thước của con người. Đứa con gái chào đời cho anh một viễn ảnh lạc quan rằng thời gian tốt đẹp đang ló rạng ở chân trời. Nhưng rồi Evelyn mắc bệnh, cuộc chiến đấu chống lại bệnh ung thư đó không những làm hao mòn mọi năng lực của nàng mà cũng làm tiêu tan bao nhiêu tiền bạc hai người dành dụm được. Bob phải bán đi mọi vật dụng có giá trị trong nhà và sống trong cảnh chật vật thiếu thốn.
Nhưng trong cái đêm đông gió lạnh đó, mặc dầu có đủ lý do để than van, khóc lóc, Bob cũng muốn cho cho đứa con gái của anh hiểu rằng vẫn còn chút gì hy vọng, và dù có khác biệt với người khác nhưng đó cũng chẳng phải là điều đáng hổ thẹn. Nhưng trên hết cả, anh muốn rằng bé lúc nào cũng được yêu thương. Lấy kinh nghiệm bản thân trong quá khứ, anh tạo ra câu chuyện về một con nai có cái mũi đỏ, sáng và lớn. Và lúc cô bé Barbara lắng nghe, anh mô tả cho bé hay, dưới hình thức một câu chuyện, cái nỗi khổ của những kẻ bị khinh khi là khác người, nhưng cả những niềm vui khi có ai đó khám phá ra địa vị đặc biệt của họ trên cõi đời này.
Bé Barbara rất thích thú nên sau đó đêm nào cũng đòi bố thuật lại câu chuyện. Cứ mỗi lần kể lại, câu chuyện càng thêm sống động hơn, và con nai Rudolph không còn là một nhân vật tưởng tượng nữa mà cứ như là thành viên trong gia đình anh vậy. (Chuyện thuật rằng con nai Rudolph có cái mũi đỏ au và nhẵn bóng nhìn vào như thấy sáng lên chẳng khác một bóng đèn. Mọi nai khác thường cười nhạo và không chơi với nó. Nhưng rồi một chiều trước lễ Giáng sinh trời âm u đầy sương mù, ông già Noel đến bảo nó: Rudolph, con có cái mũi sáng quá, con muốn hướng dẫn chiếc xe kéo quà Giáng sinh cho ta đêm nay không? Thế là Rudolph không còn bị các nai khinh thường nữa mà lại được yêu mến, hoan hô.)
Không có tiền mua quà Giáng sinh cho con năm đó, Bob định chép câu chuyện chú nai Rudolph vào một tập giấy và dùng tài khéo léo của một nghệ sĩ để minh họa các hình ảnh. Nhiều buổi tối, sau khi vợ con đã đi ngủ, Bob cặm cụi tỉ mỉ cố hoàn thành món quà độc nhất đó của anh dành cho đứa con. Nhưng thảm cảnh đã xảy đến với gia đình anh ngay trước lễ Giáng sinh: Evelyn vợ anh gục ngã trước tử thần trong cuộc chiến đấu với bệnh ung thư.
Dù cho những trang cuối cùng của tập sách thấm đượm nước mắt, Bob nhất định không bỏ cuộc. Anh biết con gái hơn lúc nào hết cần có câu chuyện để nâng đỡ tinh thần. Anh cầu xin cho có đủ năng lực để hoàn thành dự tính đó. Và những cố gắng của anh đã được tưởng thưởng khi thấy đứa bé hớn hở vui cười với món quà là tập sách Chú Nai Rodolph Mũi Đỏ vào buổi sáng ngày lễ Giáng sinh năm đó.
Tuy không có hứng thú muốn tham dự các lễ lạc gì, nhưng mấy ngày sau đó Bob bắt buộc phải đến dự buổi liên hoan của nhân viên hãng Montgomery Wards. Mấy người đồng sự trong ban quảng cáo yêu cầu anh kể chuyện nhi đồng vào đêm đó. Mặc dầu không thích, nhưng anh đem theo tập chuyện và khi đến lúc đã chỉ định, anh leo lên bục cao trước đám đông và đọc câu chuyện chú nai Rudolph. Sau những chuỗi cười mọi người đứng bật dậy để hoan hô anh và câu chuyện nhi đồng của anh bằng những tràng pháo tay rộn rã. Mọi người đều yêu thích chú nai Rudolph và muốn có một tập chuyện để đem về nhà.
Ông chủ hãng Montgomery Wards là Stewell Avery đánh hơi thấy hãng có thể có lợi nhờ câu chuyện chú nai đó. Trả cho anh chàng May đang túng thiếu và nợ nần một món tiền nhỏ tác quyền, ông cho in 10 ngàn bản chuyện chú nai Rudolph để gửi đến các tiệm Montgomery Wards trên toàn nước Mỹ kịp vào lễ Giáng sinh năm 1939. Đáp ứng thật là khả quan, nên trong vòng 6 năm sau đó cứ mỗi đứa bé đến thăm ông già Noel tại tiệm thì được tặng một tập sách in câu chuyện chú nai của May.
Đến năm 1946 thì Montgomery Wards đã tặng ra 6 triệu bản chuyện Rudolph và các nhà xuất bản lớn tới tấp yêu cầu Stewell Avery cho phép in lại chuyện đó. Bằng một nghĩa cử cao đẹp chưa bao giờ thấy nơi một ông giám đốc, Avery trao trả lại bản quyền câu chuyện cho anh chàng Bob May. Một năm sau, nhờ sách được in ra ào ạt, anh trở thành một người giầu có.
Với câu chuyện đã trờ thành một best seller, nhiều món đồ chơi và sản phẩm dựa theo cốt truyện được sản xuất và trọn cuộc đời của anh chàng May trở thành khá giả chỉ nhờ vào một câu chuyện nhỏ anh kể cho đứa con gái. Anh tục huyền và có một gia đình mới đông vui hơn. Thế rồi người em rể của anh tên Johny Marks quyết định đem câu chuyện kể làm thành bài hát.
Marks là người đã viết nhạc cho nhiều ca sĩ thu thanh, hy vọng rằng ca sĩ lừng danh Bing Crosby sẽ thu âm bản nhạc Rudolph the Red-Nosed Reindeer cho mình. Khi Bing Crosby qua đời, Marks yêu cầu nữ ca sĩ Dinah Shore, nhưng nàng từ chối. Một số ca sĩ khác cũng được yêu cầu nhưng không ai chịu. Cuối cùng đến phiên anh chàng ca sĩ cao-bồi Gene Autry được mời. Marks nghĩ rằng Autry đang tìm một bài nào đó tiếp theo sau bản nhạc Giáng sinh rất ăn khách “Here Come Santa Claus”. Vả nữa, Autry lại thường hay ca những bản nhạc nhi đồng vì thiếu nhi là khán giả chính của ca sĩ này.
Giống như Crosby, Shore và các nghệ sĩ khác, Autry không thấy thích thú bản nhạc về chú nai. Anh mới tìm được bản nhạc thiếu nhi “If It Doesn’t Snow This Christmas” và cảm thấy sẽ ăn khách hơn. Tuy biết chắc bản nhạc vừa nói rất hay và thích hợp cho thiếu nhi, nhưng Marks cứ năn nỉ Autry nghe thử bản nhạc chú nai Rudolph một lần nữa xem sao, hay có thể cho con nai một phần trong mặt B của đĩa nhạc cũng được.
Autry đem bản nhạc về nhà và hát cho vợ là Ina nghe, phàn nàn rằng đã có nhiều bài hát về con nai rồi. Ina thì lại nghĩ khác. Khi nàng nghe đến câu “Chúng không cho con nai tội nghiệp được chơi trò chơi nào với chúng cả”, nàng mủi lòng và bảo chồng nhận thu thanh bài hát đó.
Hãng dĩa Columbia muốn Autry thu thanh bốn bản nhạc phát hành vào dịp lễ Giáng sinh và bài “Rudolph” được chọn thu cuối cùng. Mấy tuần lễ sau đó Autry trình bày bản “Rudolph” tại cuộc thi đấu Madison Square Garden Rodeo và được mọi người hoan hô nhiệt liệt. Vậy là nhờ đám khán giả đấu bò ngưỡng mộ, bản nhạc con nai qua mặt cả ba bài nhạc Giáng sinh kia trở thành một thành công lớn cho ca sĩ Autry khi phát hành năm 1949, nhảy lên đứng hàng thứ hai những dĩa hát bán chạy nhất, chỉ sau có bản “White Christmas”.
***
Đối với hàng chục triệu thiếu nhi đủ mọi lứa tuổi, qua sách vở, dĩa hát, truyền hình và phim ảnh, con nai Rudolph đã trở thành biểu tượng thế tục của mùa lễ Giáng sinh, chẳng khác gì ông già Noel vậy. Trong lúc có nhiều bài học có thể rút ra từ câu truyện kỳ thú này - chẳng hạn như phải có nghị lực để dù có khác người mình vẫn cứ là mình, hoặc khác người đôi khi cũng là điều may mắn - còn có một bài học lớn hơn nhiều do câu chuyện và bài hát đem lại nhưng thường bị lãng quên. Đó là: Khi ta chân thành trao tặng một món quà bằng cả trái tim yêu thương, món quà đó sẽ trở lại với ta và được nhân lên gấp bội quá điều ta mong mỏi. Với bài học đó, con nai giả tưởng Rudolph và gia đình anh May bằng xương bằng thịt, cứ như vẫn còn tồn tại sau hơn sáu thập niên khi câu chuyện được kể buổi ban đầu.
3. JINGLE BELLS (Chuông Reo Vang)
Jingle Bells có lẽ là bản nhạc mùa Giáng sinh được nhiều người biết nhất, được ca hát nhiều nhất ở nước Mỹ. Đối với hàng triệu người, ca khúc nhỏ bé và đơn giản này không thể thiếu được trong mùa lễ Giáng sinh cũng như mùa Giáng sinh không thể thiếu ông già Noel, con nai Rudolph, cây thông, thiệp mừng, quà cáp và những bữa tiệc thịnh soạn. Vậy mà có điều rất mực trớ trêu là bản nhạc Jingle Bells chẳng chứa lấy một câu một chữ nào đề cập đến ngày lễ lớn đó cả, và thực ra nó được viết để hát trong một ngày lễ khác biệt hẳn lễ Giáng sinh.
Anh James S. Pierpont, một người sinh trưởng tại Medford tiểu bang Massachusetts, rất có năng khiếu về âm nhạc. Ngay từ lúc còn nhỏ anh đã không chỉ trình diễn trong ca đoàn nhà thờ mà lại còn đánh đàn phong cầm nữa. Lớn lên anh phụ giúp cha là mục sư giáo phái Unitarian tại Medford, làm việc với ca đoàn và các ca viên, nhạc sĩ. Vào năm 1840, chàng thanh niên Pierpont được giao nhiệm vụ sáng tác một nhạc phẩm đặc biệt để hát trong dịp lễ Tạ Ơn. Nhìn qua khung cửa ngôi nhà của cha anh tại số 87 đường Mystic, anh thấy mấy người thanh niên đang lái những chiếc xe trượt tuyết từ trên đồi cao đổ xuống. Nai nịt thật ấm để ngăn ngừa cái lạnh thấu da bên ngoài trời lúc đó, anh bước ra khỏi nhà. Nhìn họ anh nhớ lại nhiều lần cũng đã đua xe trượt tuyết như một môn chơi thể thao vui nhộn với những tiếng chuông kêu lanh canh. Không chỉ đứng nhìn, anh liền nhảy vào tham dự cuộc chơi với họ. Trò chơi chấm dứt khoảng một tiếng đồng hồ sau và anh là người thắng cuộc.
Khi bước trở về nhà, tâm trí anh đã nảy ra một khúc nhạc, và khi ngồi cạnh lò sưởi cho ấm áp anh đã ngân nga một vài đoạn ngắn. Cảm thấy như đã có cái sườn làm nền cho bản nhạc mà nhà thờ của thân phụ anh cần đến, anh khoác áo lạnh vào người rồi băng qua những con đường ngập tuyết đến nhà bà Otis Waterman, người đàn bà duy nhất ở thị trấn Medford có chiếc đàn dương cầm. Lúc gặp bà ra mở cửa, anh nói: “Tôi vừa nảy ra một khúc nhạc trong đầu đây”. James là chỗ quen biết với bà từ lâu, bà biết James muốn gì nên vội nhường lối cho anh bước vào nhà.
Ngồi xuống cạnh chiếc đàn cũ kỹ, James đánh lên từng nốt nhạc của bài ca. Bà Waterman lắng nghe chăm chú, cất tiếng nói: “Đúng là những tiếng leng keng vui tai anh thấy ngoài kia đó mà.” Ít phút sau khi anh đờn xong bản nhạc, bà bảo anh: “Bài hát này rồi sẽ thành công khắp tỉnh đấy.”
Buổi tối hôm đó, anh đem những nốt nhạc leng keng ghép lại với những gì anh quan sát được khi đua xe trượt tuyết lúc ban ngày và nhớ lại cả những chiếc xe trượt băng do ngựa kéo nữa. Vậy là bài hát “One Horse Open Sleigh (Chiếc xe một ngựa trượt băng)” ra đời.
James tập bài hát đó cho ca đoàn nhà thờ Medford. Đến ngày lễ Thanksgiving thì toàn bài nhạc có phần hoà âm được đem ra trình diễn. Tại vùng New England lúc ấy, Thanksgiving là ngày lễ quan trọng nhất nên có rất nhiều người tham dự. Họ nhiệt liệt hoan nghênh bài hát đó nên nhiều người yêu cầu James và ca đoàn trình bày một lần nữa vào dịp lễ Giáng sinh. Mặc dầu bài hát đề cập đến cảnh ngựa đua xe trượt băng, lối hẹn hò trai gái và cá cược, chẳng có vẻ gì thích hợp với không khí nhà thờ chút nào, nhưng lần trình diễn này lại là một thành công lớn đến nỗi một số khách tới thánh đường dự lễ đã xin bản nhạc đem về địa phương của mình. Vì bài ca được hát vào ngày 25 tháng chạp là ngày lễ Giáng sinh, nên họ dạy cho anh em bè bạn hát như một bài nhạc mừng Giáng sinh thực thụ.
Pierpont có ngờ đâu bản nhạc của mình lại có sức truyền lan đến thế, anh chỉ biết một điều là người ta thích bản nhạc “mùa đông” của anh, nên khi di chuyển tới Savanah tiểu bang Georgia anh mang theo bản nhạc này. Anh tìm được người chịu xuất bản bài hát đó năm 1857, nhưng mãi đến năm 1864 khi tờ báo Salem Evening News đăng bài tường thuật câu chuyện về bản nhạc đó thì anh James mới biết được là mình đã viết được một tác phẩm đặc biệt. Vào lúc ấy bài ca đã mau chóng phổ biến thành bản nhạc phổ thông nhất vùng New England rồi lan tràn xuống phía nam. Trong khoảng 20 năm sau đó, “Jingle Bells” có lẽ là bản nhạc hát dạo mùa Giáng sinh được phổ biến nhất trong nước.
Là một trong những bản nhạc cổ nhất nước Mỹ, bài ca mừng lễ Thanksgiving này là một tưởng tượng rất phong phú về khung cảnh miền thôn dã có tuyết phủ mùa đông, có xe di chuyển trên tuyết, và những tiếng lục lạc kêu leng keng trên cổ ngựa, hơn một thế kỷ qua đã ghi đậm ảnh hưởng vào những hình ảnh mùa Giáng sinh trên các thiệp chúc mừng, sách báo, phim ảnh và cả những nhạc bản Giáng sinh khác nữa.
Bài ca mùa Giáng sinh có vẻ như “kỳ cục” này của Pierpont đã được thu thanh cả trăm lần. Benny Goodman, Glenn Miller, Les Paul, ai cũng đã leo lên đỉnh cao với “Jingle Bells”. Nhưng người thành công nhất là Bing Crosby và các chị em Andrew Sisters. Bản nhạc leng keng vui tai này còn xuất hiện trong nhiều cuốn phim của Hollywood, trong các show trên đài truyền hình, và một phần của bản nhạc có khi lại được đưa vào trong một bài ca Giáng sinh khác. Bản nhạc rất thành công của Bobby Helm chẳng hạn có nhan đề “Jingle Bells Rock” phần lớn là cảm hứng từ Jingle Bells, và như vậy lại một lần nữa chứng tỏ thành công của một bài ca thế tục đã đóng góp cho ngày lễ Giáng sinh.
Ngày nay, hình như chỗ nào cũng thấy hát Jingle Bells. Ít có người đã được thấy cái xe trượt băng do ngựa kéo, nhưng cả triệu người đã treo những chiếc chuông leng keng ở cửa vào dịp lễ Giáng sinh. Hình ảnh ông già Noel thường gặp nhất là cảnh ông ngồi trên chiếc xe trượt băng kéo bởi những con nai cổ đeo một vòng lục lạc. Rất nhiều bản nhạc mừng Giáng sinh hoặc các quảng cáo thương mại trên TV mở đầu bằng những tiếng chuông vui. Nhờ có anh chàng James Pierpont và lời yêu cầu soạn ra một nhạc bản cho ngày Thanksgiving mà ta có được Jingle Bells, và mỗi lần nhìn thấy hình ảnh tuyết và chiếc xe trượt băng người ta lại nghĩ ngay đến ngày lễ Giáng sinh.
4. O HOLY NIGHT (Ôi Đêm Thánh)
Chuyện kể về ca khúc “O Holy Night” khởi đầu ở nước Pháp, nhưng sau đã tràn ra khắp thế giới. Ca khúc thật giản dị này, phát khởi do lời yêu cầu của một giáo sĩ, sau này đã trở thành một trong những ca khúc Giáng sinh được ưa chuộng nhất mà còn đánh dấu một cuộc cách mạng kỹ thuật đã mãi mãi thay đổi phương thức truyền đạt âm nhạc đến quảng đại quần chúng.
Vào năm 1847, Placide Cappeau de Roquemaure là một ủy viên thương chính phụ trách về rượu tại một tỉnh nhỏ nước Pháp. Ông ít đi lễ lạy tại nhà thờ nhưng lại có tài làm thơ. Và ông rất đỗi ngạc nhiên khi được cha chính xứ nhờ ông sáng tác một bài thơ để đọc trong thánh lễ Giáng sinh. Tuy vậy nhà thi sĩ cũng rất hân hạnh được thi thố tài năng cho giáo xứ.
Trên chiếc xe ngựa lọc cọc lăn bánh trên con đường gồ ghề bụi bặm dẫn đến thủ đô Pháp quốc, Cappeau suy nghĩ về lời yêu cầu của vị linh mục. Bài thơ sắp sáng tác dĩ nhiên phải là một bài thơ đạo, trọng điểm là lễ Giáng sinh, và dựa vào Kinh Thánh. Ông đã dùng Phúc âm thánh Luca làm chỉ dẫn. Cappeau tưởng tượng ông đang chứng kiến việc Chúa hài đồng sinh hạ tại Belem. Ý nghĩ được hiện diện trong đêm cực thánh đó đã gây thi hứng cho ông sáng tác, và khi chiếc xe tới Paris thì ông đã hoàn thành bài thơ “Cantique de Noel” (Bài ca lễ Giáng sinh).
Hứng khởi với sáng tác của mình, ông quyết định đó không chỉ đơn thuần là một bài thơ mà còn phải là một ca khúc được một nhạc sĩ tài ba phổ nhạc. Không có năng khiếu về âm nhạc, Cappeau tìm đến bạn mình là Adolphe Charles Adams để nhờ giúp.
Adolphe sinh năm 1803, lớn hơn Cappeau 5 tuổi, là con một nhạc sĩ cổ điển thời danh và đã học tại nhạc viện Paris. Tới năm 1829 Adolphe đã hoàn thành nhạc kịch Pierre et Catherine. Tiếp theo sau thành công đó là Richard en Palestine, rồi đến các vũ khúc ballet viết cho các nhạc kịch Faust, la Fille du Danube, La Jolie Fille de Gand. Tài năng và danh tiếng lan rộng, ông đã được yêu cầu soạn hòa âm cho các giàn nhạc và vũ ballet trên khắp thế giới. Vậy mà bài thơ người bạn Cappeau trao cho ông lại là một thử thách khác xa những đơn đặt hàng đến từ Luân đôn, Bá linh hay St. Petersburg.
Nghiên cứu bài thơ Cantique de Noel, Adolphe thấy toàn lời ca triển dương tinh thần Giáng sinh của Đấng Cứu thế. Là người gốc Do Thái, ông thấy những lời đó ca tụng một ngày lễ mà ông không mừng, một con người mà ông không nhận là con của Thượng đế. Nhưng thúc đẩy nhiều hơn bởi tình bạn với Cappeau, ông mau mắn và ân cần làm việc, cố gắng kết hợp những dòng nhạc với lời thơ đẹp của Cappeau và sau cùng hoàn thành một tác phẩm hài lòng cả nhà thi sĩ và vị linh mục chính xứ. Ba tuần lễ sau đó tác phẩm được trình bày trong thánh lễ nửa đêm Giáng sinh. Cả ông thi sĩ lẫn nhà soạn nhạc đã không ngờ trước được những gì sẽ xẩy ra sau đêm đó.
Khởi đầu, ca khúc đã được đón tiếp nồng nhiệt tại các giáo đường ở nước Pháp trong tất cả các nghi thức của ngày lễ Giáng sinh. Nhưng khi tác giả của bài thơ là Cappeau từ bỏ giáo hội để gia nhập phong trào xã hội, và các nhà chức trách trong giáo hội khám phá thấy rằng người phổ nhạc Adolphe là một người Do thái, thì nhạc bản này - lúc đó đã lớn mạnh và trở thành bài ca Giáng sinh được ưa chuộng nhất tại Pháp - lại đột nhiên bị giáo hội phủ nhận. Giới cầm quyền giáo hội nước Pháp lúc đó tuyên bố rằng bản “Cantique de Noel” không thích hợp trong các nghi lễ tại giáo đường vì không có phong vị thánh nhạc và lời ca “hoàn toàn thiếu tinh thần tôn giáo”. Tuy giáo hội cố chôn bản nhạc, vậy mà giáo dân Pháp vẫn tiếp tục hát, và một thập niên sau, một nhà văn Mỹ đã đưa ca khúc này ra trước một thính giả mới nơi cách nước Pháp cả nửa vòng trái đất.
Sanh ngày 13 tháng 5 năm 1813 tại Boston, John Sullivan Dwight đã tốt nghiệp trường đại học Harvard và trường Thần học. Ông trở thành mục sư giáo phái Unitarian tại Northampton, tiểu bang Massachusetts, nhưng do một nguyên nhân nào đó cứ mỗi lần giảng thuyết trước đám đông là ông trở bệnh. Bất hạnh này làm ông cứ phải giam mình trong nhà, không dám xuất hiện trước quần chúng và do đó không thể làm nhiệm vụ mục sư được.
Là người rất thông minh và có tài, Dwight phải tìm cách khác để thi thố tài năng. Ông dùng khả năng viết lách để thành lập tờ báo chuyên về âm nhạc Dwight’s Journal of Music. Suốt ba thập niên ông lặng lẽ làm việc, phê bình và đánh giá các nhạc bản một cách cẩn trọng. Tuy ông không xuất hiện được trước đám đông, nhưng một số các nhạc sĩ có tài và những người ưa chuộng âm nhạc vùng đông bắc nước Mỹ đã thích thú những bài viết có uy tín của ông. Trong lúc tìm kiếm các ca khúc mới để thẩm định, ông đọc được “Cantique de Noel” nói trên bằng Pháp văn, và ông cảm thấy yêu mến ngay lời ca của bản nhạc này.
Ông không chỉ thấy phải giới thiệu bản nhạc Giáng sinh tuyệt diệu này cho thính giả Mỹ mà còn cảm nhận trong thâm tâm rằng bài ca còn đi xa hơn câu chuyện Giáng sinh của Chúa nữa. Là một người có tinh thần giải phóng rất cao, ông bày tỏ mạnh mẽ quan điểm của mình bằng những câu trong bài ca: “Quả thực, Người dạy ta yêu nhau. Luật của Người là tình thương, và Tin mừng của Người là hoà bình. Xích xiềng sẽ bị bẻ gẫy vì nô lệ là anh em ta, và nhờ danh Người sẽ thôi không còn áp bức.” Bản văn thể hiện trung thực quan điểm của ông về chế độ nô lệ ở miền Nam lúc đó. Người viết lời ca tin rằng Chúa đến để giải thoát mọi người và trong bản nhạc này người ta thấy rõ thực tại đó.
Giữ ý chính của nguyên tác, Dwight phiên dịch lời ca một cách tài hoa ra Anh ngữ, đem in trong báo của ông và xuất bản trong mấy cuốn sách âm nhạc thời đó. Bản nhạc mau chóng được quần chúng Mỹ ưa chuộng, đặc biệt là ở miền Bắc trong thời kỳ Nội chiến.
Trở lại nước Pháp, mặc dầu bản nhạc “Cantique de Noel” bị cấm hát trong các nhà thờ gần hai thập niên, nhiều người vẫn hát tại nhà. Có một truyền thuyết kể rằng vào đêm trước lễ Giáng sinh năm 1871, giữa trận chiến ác liệt giữa quân đội Đức và Pháp trong chiến tranh Pháp-Phổ, một binh sĩ Pháp bỗng dưng nhảy ra khỏi hầm trú ẩn lầy lội. Binh sĩ cả hai bên nhìn chằm chằm vào anh chàng có vẻ điên khùng này. Tay không mang vũ khí, anh đứng ngang nhiên ngước mặt nhìn trời cất cao giọng hát những câu mở đầu của bản Cantique de Noel: “Minuit, chrétiens, C’est l’heure solennelle, Où l’Homme Dieu descendit jusqu’à nous” (“Nửa đêm rồi, hỡi người giáo hữu. Đây là giờ trọng thể Con Chúa xuống trần đến với chúng ta”). Đến lúc đó thì một anh lính bộ binh người Đức trèo ra khỏi nơi trú ẩn và hát đáp lại:”Vom Himmel hoch, da komm’ich her. Ich bring’euch gute neue Mar, Der guten Mar bring’ich so viel. Davon ich sing’n und sagen will.” Đó là phần mở đầu ca khúc “Ta từ trời xuống thế” của Martin Luther. Chuyện kể rằng sau đó trận chiến ngưng lại 24 giờ đồng hồ cho binh sĩ hai bên cùng tạm thời hoà hoãn để mừng ngày lễ Giáng sinh. Có lẽ câu chuyện này phần nào thúc đẩy giáo hội Pháp chấp nhận bản Cantique de Noel được xứng đáng hát lên trong các nghi lễ tôn giáo như trước.
Vào ngày trước lễ Giáng sinh năm 1906, Adams người thi sĩ sáng tác bài thơ thì đã chết từ lâu, còn nhạc sĩ Cappeau và dịch giả Dwight đều đã già cả. Hôm đó, Reginald Fessenden, một giáo sư đại học Pittsburgh 33 tuổi và trước kia là chuyên viên hoá học phụ tá cho nhà bác học Mỹ Thomas Edison, đã thực hiện một chuyện mà từ lâu vẫn tưởng không thể làm được. Xử dụng một loại máy phát điện mới, Fessenden nói vào chiếc máy khuếch đại và đó là lần đầu tiên trong lịch sử, tiếng nói của con người được truyền đi trên làn sóng không gian:”Và xảy ra trong những ngày ấy, có lệnh của hoàng đế Xêda, là mọi người phải được kiểm tra”, ông cất cao giọng đọc thật rõ ràng, hy vọng tiếng nói truyền đi tới một địa điểm xa ông đã ước định trong thí nghiệm.
Những chuyên viên vô tuyến trên các tàu biển và tại các toà báo thật ngạc nhiên và sững sờ khi thấy những làn sóng xung động thường ngày họ nhận được bằng mã số phát ra trên mấy chiếc loa nhỏ xíu bỗng nhiên bị ngưng lại và giọng nói của vị giáo sư phát ra khi ông đọc đoạn Tin mừng nói trên trong sách thánh Luca. Một số người lúc đó tưởng chừng là một phép lạ khi nghe được, lần đầu tiên tiếng nói con người được chuyển thành làn sóng điện và truyền đi đến một nơi xa. Một số người khác tưởng chừng họ nghe được tiếng nói của thiên thần.
Fessenden có lẽ không biết được những cảm giác sững sờ ông gây ra trên các tàu biển và văn phòng báo chí vào lúc đó, ông không biết sự kiện nhiều người chạy vội đến máy vô tuyến để lắng nghe những âm thanh tưởng chừng như phép lạ đó. Thế nên, sau khi đọc xong đoạn Tin mừng, Fessenden nâng chiếc vĩ cầm của ông lên và chơi bản “O Holy Night”, bản nhạc đầu tiên được truyền đi trên làn sóng vô tuyến. Bản nhạc chấm dứt và buổi truyền thanh kết thúc. Vậy là âm nhạc đã tìm được một phương tiện mới để tràn lan khắp thế giới.
***
Từ buổi được hát lên lần đầu trong thánh lễ Giáng sinh nhỏ bé năm 1847, bản nhạc “O Holy Night” đã được hát lên cả triệu lần tại các thánh đường trên khắp thế giới. Và từ buổi một nhóm người ít ỏi được nghe phát thanh lần đầu trên làn sóng vô tuyến, bản nhạc đã trở thành một trong những thánh ca được thu thanh và được trình diễn nhiều lần nhất trong kỹ nghệ âm nhạc. Tổng số đĩa nhạc do nhiều ban nhạc trình bày đã lên đến hàng chục triệu.
Bản nhạc này, xuất phát do lời yêu cầu của một linh mục không tên tuổi, viết ra bởi một thi sĩ sau này lìa bỏ giáo hội, phổ nhạc bởi một người Do thái, và được mang đến quần chúng Mỹ vừa như một công cụ để soi chiếu tội ác của chế độ nô lệ vừa để tường thuật lễ Giáng sinh của Chúa, đã lớn mạnh để trở thành một trong những ca khúc đẹp tuyệt vời của mùa Giáng sinh.
Kim Kỳ sưu tầm