Nguyễn Du và Tình yêu - Vũ Khắc Khoan

Nguyễn Du và tình yêu 

 Vũ Khắc Khoan,

… Ta cũng nòi tình… 
(Chu Mạnh Trinh)

Tôi thường ao ước được đọc một thiên tình sử kể lại tóc tơ những cuộc tình duyên của tác giả Đoạn trường tân thanh. Tôi linh cảm rằng Nguyễn Du đã yêu, phải biết yêu, đã có nhiều suy nghĩ về tình yêu. Nhưng cho đến bây giờ, cả một phần sống – phức tạp nhất, dễ thương nhất – của một trang phong lưu công tử “văn chương nếp đất” “người mẫu” và đồng thời người sáng tạo những nét hào hoa Kim Trọng, cả phần sống đó vẫn còn im lìm lên bụi, mờ loãng trong thời gian xa thẳm không bao giờ trở lại. Người tình nhân họ Nguyễn đã tự lâu nhượng chỗ cho một pho tượng thi bá với một nhãn hiệu “Hoài niệm Lê triều” (làm như bình sinh, Nguyễn Du chỉ có một hoài niệm Lê triều!)

Nhưng đọc Đoạn trường tân thanh, đọc lại nhất là những vần mô tả tình yêu, theo dõi những cuộc tình duyên trong tác phẩm, rồi chắp nối, hàn gắn, tưởng tượng, tôi tự an ủi có thể một phần nào tìm thấy dấu vết những suy tư của họ Nguyễn về một thứ duyên nợ của kiếp làm người: Tình yêu. Những suy tư đó – hay cho đúng danh từ thời thượng – luyến ái quan đó chắc là phức tạp, chắc là phong phú.

 Người được yêu nhiều nhất trong cuộc đoạn trường đến nỗi mang tiếng là “mắc điều Tình ái…” chính thị nhân vật của tác phẩm: Thuý Kiều. Đó là điểm trung tâm của rất nhiều quay cuồng ham muốn, nạn nhân của biết bao là vật lộn tranh giành, đó cũng lại là đầu mối của tình yêu hiện ra muôn hình vạn trạng, tùy theo từng trường hợp, tùy theo từng nhân vật nhập cuộc. Lấy tình yêu làm tiêu chuẩn, đọc Đoạn trường tân thanh, tôi thấy rõ được làm khán giả một vũ khúc mà người vũ nữ Thuý Kiều phải dấn bước cho tới nhịp nhạc Bạc mệnh cuối cùng. Mỗi bước của nàng tiêu biểu cho một bộ mặt của Tình yêu: từ bước tình đầu e ấp chàng Kim, qua bước tình hám [1] nhầy nhụa sa lầy họ Mã, bước tình si [2] Thúc Sinh, những bước dập dìu ong bướm, bước tình hiệp [3] người trượng phu Từ Hải, bước tình hèn quay quắt viên đại tướng họ Hồ, đến bước mơ hoảng lão Thổ quan.

Đến đây vũ khúc chợt ngừng: ngọn triều Tiền Đường đã trùng trùng nổi sóng. Bản nhạc Bạc mệnh giữ một phút yên lặng để bắt đầu đi vào khúc chót, ý nhạc chuốt giáng vươn tới một âm giai chót vót. Thuý Kiều bước những bước cuối cùng của vũ khúc, những bước trinh nữ đăng đàn cầu nguyện. Dáng điệu cuối cùng của vũ khúc Tình yêu là một dáng điệu mặc niệm.

tranh kiều6

Nguyễn Du trình bày khách quan một thực tại. Trong cái thực tại đa dạng đó Nguyễn Du đã chọn lựa riêng cho mình một quan niệm. Quan niệm này tất nhiên chung đúc trọn vẹn vào mối tình đẹp nhất, mối tình gây được nhiều thiện cảm nhất trong tác phẩm. Mối tình nào?

Loại trừ tất cả những gặp gỡ bất đắc dĩ với Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Hạnh, Hồ Tôn Hiến và lão Thổ quan, chỉ còn lại 3 mối tình đáng kể: Kim Trọng, Thúc Sinh và Từ Hải với Kiều. Tôi có thể loại nốt cả hai mối tình sau. Như vậy là vì nhiều cớ. Cớ thứ nhất là do cái lý thông thường hiểu nghĩa chữ yêu. Tình yêu không thể đơn độc một chiều. Tình yêu chỉ có nghĩa khi người trong cuộc cùng đồng thanh xướng hoạ. Thúc Sinh có thể say mê Thuý Kiều, nhưng đáp lại Thúc, Kiều chỉ cảm thấy cái ý nghĩa lứa đôi. Từ Hải có thể thành thật yêu Kiều, nhưng đối với Từ, Kiều chỉ có lòng kính phục. Cớ thứ hai là do sự bất bình đẳng của người trong cuộc. Đối với Thúc và Từ, Kiều luôn luôn phải mang mặc cảm hàm ơn. Cớ thứ ba là do sự vắng mặt của một điều kiện căn bản của Tình yêu: sự tự do. Trong cái cảnh địa ngục lầu xanh tù hãm, Thuý Kiều không thể không hưởng ứng lời đề nghị của Thúc và Từ. Nói một cách khác, Thuý Kiều không có quyền chọn lựa bởi không thể từ chối.

Ba cái cớ vừa nêu lên lại là ba điều kiện tất yếu để tình yêu nảy nở. Ba điều kiện đó tôi nhận thấy đầy đủ trong mối tình Kim Kiều. Vậy theo dõi những bước tiến triển của mối tình này, ta chắc chắn sẽ gặp được những suy tư của Nguyễn về tình yêu.

tranh kiều4

Trước hết, về mọi phương diện phải công nhận rằng hai bên Kim Kiều đã rất xứng đôi vừa lứa. Tài ngang nhau, sắc ngang nhau, gia thế xấp xỉ như nhau, cả hai thẳng thắng vô tư đối diện: điều kiện bình đẳng đã trọn vẹn. Thế rồi hai bên ngẫu nhiên gặp gỡ. Sự lựa chọn hoàn tất trong một không khí tự do không ràng buộc hoàn cảnh, không ảnh hưởng tinh thần…

Người ta có thể nghĩ rằng Kim Trọng đã lưỡng lự khi nhận thấy:

Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai…

nhưng trong khoảng thời gian từ lúc:

Khách đà xuống ngựa…

đến lúc:

… tới nơi tự tình.

Nhưng trong thời hạn tâm lý giữa hai vần thơ liên tiếp:

Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai, 
Người quốc sắc, kẻ thiên tài…

thì Kim đã phải thôi do dự, Kim đã chọn, Kim đã yêu. Bởi Kiều cũng đã chọn, và Kiều cũng đã yêu. Cả ba điều kiện tất yếu họ Nguyễn đề ra thật đã hiện diện đầy đủ trong bước đầu Kim Kiều chập chững đi vào tình yêu. Tình yêu nở hoa trong yên lặng, trong tự do, trong sự đồng tình, giữa đôi lứa xứng đôi:

Người quốc sắc, kẻ thiên tài, 
Tình trong như đã, mặt ngoài còn e. 
Chập chờn cơn tỉnh cơn mê…

Chiều đã xuống tự lâu, có thể đêm đã bảng lảng bắt đầu. Nhưng trời đất chợt rung động trước mối tình vừa bén:

Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha…

Như đã nói ở trên, bước đầu chập chững đã qua. “Tiếng sét ái tình” giờ đây chỉ còn lại dư âm. Người trong cuộc có thể nhớ nhung canh cánh bên lòng, “nhớ cảnh, nhớ người”, “nhớ nơi kỳ ngộ” lại cũng có thể thẫn thờ ngắm một ngọn hải đường lả ngọn, lặng nghe những giọt sương đêm gieo nặng ngoài trời, gieo nặng trong lòng bề bộn, thẫn thờ tự hỏi:

Người đâu gặp gỡ làm chi…

Nhưng nếu người trong cuộc không có cơ hội gặp nhau, gần nhau, hiểu nhau, nếu bước đầu tình yêu bồng bột không được tiếp nối bởi những bước xây dựng tiếp theo, kết tinh qua một thời gian thử lửa thì… tình yêu mặc dầu có nở hoa, hoa tình yêu rồi ra cũng phải thui chột. Một tâm hồn đa tình như Nguyễn tất phải biết đến điều đó cho nên liền ngay cuộc gặp gỡ ngày hội Đạp thanh – giai đoạn thứ nhất – sẽ liên tiếp là 4 lần gặp gỡ.

Bốn lần gặp gỡ này hợp thành giai đoạn thứ hai của tình yêu tiến triển, giai đoạn đôi bên xây dựng tình yêu, giai đoạn của tình yêu kết tinh.

Lần thứ nhất là lần gắn bó: hai bên đối thoại, nói lên với nhau hai chữ yêu nhau:

Rằng trăm năm cũng từ đây…

Lần thứ nhì gây cơ hội phô tài để hai bên đi sâu vào sự hiểu nhau. Chàng Kim có dịp phô tài hội hoạ, Thuý Kiều cũng nhân dịp đáp lại, đã để cho người yêu chính mắt nhìn thấy mà thầm phục cái tài “nhả ngọc phun châu” của mình:

Tay tiên gió táp mưa sa…

tranh kiều3

Cũng trong lần này, Kim Trọng lại còn hiểu thêm người yêu trong tận cùng tiềm thức: Kim biết Kiều luôn luôn bị ám ảnh bởi một mặc cảm: mặc cảm đoạn trường:

Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn, 
Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay…

Lần thứ ba là lần thử lửa: người trong cuộc sẽ cùng nhau cảm thông trọn vẹn. Lúc bấy giờ đêm đã vào khuya, trăng xế đầu cành, thư phòng vắng vẻ, Kim Kiều đối diện. Bản đàn Bạc mệnh vừa buông tiếng cuối cùng: dư âm còn ngân vang, còn đọng lại nơi đầu mày cuối mắt của cả người gẩy đàn lẫn kẻ nghe đàn:

Hoa hương càng tỏ thức hồng, 
Đầu mày cuối mắt càng nồng tấm yêu. 
Sóng tình dường đã xiêu xiêu…

Và cả hai bên đều cảm thấy xiêu xiêu đến rợn người trước cơn lốc thu hút của vực sa ngã, lòng vực đen thẳm sẽ là nấm mồ của tình yêu, nếu người trong cuộc không kịp cầm lòng: họ đều biết rõ như vậy. Nhưng… trăng vẫn còn sáng, đêm vẫn còn khuya, men tình nồng nàn, men nhạc ngân lên đến tận ngọn núi Thần Châu, đến tận đỉnh hòn Vũ Giáp… cả hai muốn quên tất cả để lặng chuồi xuống dốc.

Nguyễn Du – chính Nguyễn, tôi chắc thế – cũng cảm thấy chóng mặt. Nguyễn nhận thấy cần phải chấm dứt cuộc thử lửa. Nguyễn dằn lòng hạ bút:

… đừng lấy làm chơi! 
Dẽ cho thưa hết một lời đã nao…

Kiều vụt tỉnh và cố gắng cầm lòng, cố gắng dìu Kim Trọng để cả hai cùng cố gắng dìu nhau vượt qua miệng vực sa ngã.

Nhưng Định mệnh đã lảng vảng từ lâu, chăm chú rình mò. Và giữa lúc tình yêu vừa qua cơn thử lửa để thăng hoa tới tuyệt đỉnh thì Định mệnh phũ phàng lên tiếng:

Tin đâu đã gõ cửa ngăn gọi vào…

Cũng vì vậy mà lần gặp gỡ thứ tư là lần ly biệt: gặp gỡ ngắn ngủi nhưng ly biệt dài tới mười lăm năm.

No automatic alt text available.

Thường thường sau khi kết tinh đến mực chín muồi, tình yêu sẽ bước sang giai đoạn cuối cùng: giai đoạn thể hiện, giai đoạn hôn nhân. Nhưng Nguyễn Du lại nghĩ rằng hôn nhân sẽ hạ thấp tình yêu – sự thể hiện nào mà có thể sánh kịp những ý tưởng còn đang tiềm tàng trong tâm não? Đối với Thuý Kiều, Kim Trọng không thể là một người chồng. Đối với Kim Trọng, Thuý Kiều không thể là một người vợ. Đối với nhau, cả hai chỉ có thể mãi mãi là những người yêu.

Cho nên với Nguyễn Du, giai đoạn thứ ba của mối tình Kim – Kiều không phải là giai đoạn hôn nhân. Giai đoạn thứ ba là đêm tái hợp, là đêm Kim Kiều thoả thuận:

Đổi duyên cầm sắt ra duyên cầm kỳ.

*

Đêm tái hợp nhắc đến đêm năm xưa hội ngộ. Bản đàn cũ khoan nhặt lại vang lên, nhưng để rồi tắt ngấm. Không khí nay đã khác hẳn. Người trong cuộc mang nặng thêm mười lăm năm quá khứ, nay cũng đã đổi thay. Người gảy đàn tự nhủ:

Cuốn dây từ đấy, về sau cũng chừa…

Và cả hai chợt hiểu: đối với họ, đối với mối tình của họ, giai đoạn thứ ba không thể là giai đoạn hôn nhân. Mối tình đầu đã thăng hoa đến chỗ tuyệt vời. Giai đoạn thứ ba chỉ có thể là giai đoạn mặc niệm. Trắng đêm lần tái ngộ, người trong cuộc tìm ra một lối thoát:

Duyên đôi lứa đổi làm duyên bạn bầy.

Và một thái độ: thái độ của một đôi giáo sĩ cùng chung một niềm thông cảm trước bàn thờ, nơi yên vị tự mười lăm năm cũ, một mối tình đầu thăng hoa đã đến tuyệt vời.

 

VŨ KHẮC KHOAN

[1] Chữ mượn trong cuốn Tình sử Trung Hoa
[2] Chữ mượn trong cuốn Tình sử Trung Hoa
[3] Chữ mượn trong cuốn Tình sử Trung Hoa

 

Kim Phượng st

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %07 %891 %2018 %15:%11
back to top