Nhạc sĩ Song Ngọc vĩnh biệt khán giả ái mộ
Nhạc sĩ Song Ngọc vĩnh biệt khán giả ái mộ
******
Tác giả ‘Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân’ qua đời
Nhạc sĩ Song Ngọc, tác giả ca khúc “Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân,” một trong số những nhà soạn nhạc tiền bối của nền âm nhạc Việt Nam vừa qua đời vào lúc 9 giờ 30 tối Chủ Nhật, 14 Tháng Mười, 2018, tại thành phố Houston, Texas vì bạo bệnh.
Nhạc sĩ Nam Lộc là người báo tin cho Người Việt.
Nhạc sĩ Song Ngọc, sinh năm 1943 ở Long Xuyên, tên thật là Nguyễn Thương Ngọc, là một cựu sĩ quan thâm niên của Quân Đội VNCH.
Ông sáng tác rất sớm, rất đa dạng và phong phú. Tác phẩm của ông được đón nhận nồng nhiệt liên lục suốt sáu thập niên qua, từ khi ông còn rất trẻ, cho đến những ngày gần đây, thậm chí thời gian nằm trên giường bệnh ông vẫn tiếp tục soạn nhạc.
Ngoài bút hiệu Song Ngọc, ông còn lấy tên Hàn Sinh, Nguyên Hà, Hoàng Ngọc Anh, Anh Tuyến cho các sáng tác của mình.
Nhạc sĩ Nam Lộc cho rằng, “Âm nhạc gần gũi với Song Ngọc như thức ăn và hơi thở. Ông mê sáng tác và hoàn tất nhạc phẩm một cách dễ dàng, dù là một ca khúc nhỏ hay lớn.”
“Rất tiếc là sinh hoạt nghệ thuật của người Việt tại hải ngoại đã không tạo đủ môi trường để một nhân tài như ông có đất dụng võ theo đúng khả năng thiên phú của mình. Tuy nhiên dù ông đã ra đi, nhưng hơn 300 tác phẩm âm nhạc của ông qua từng giai đoạn lịch sử của đất nước mà ông để lại cho đời, sẽ mãi mãi là một kho tàng văn hóa vĩnh cửu cho các thế hệ sau được học hỏi, được nghiên cứu và thưởng thức,” nhạc sĩ Nam Lộc nhận xét.
Từ phải: Nhạc sĩ Song Ngọc, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Nam Lộc và Từ Công tàiPhụng.
(Hình: Nam Lộc cung cấp)
Những bài hát gắn liền với tên tuổi Song Ngọc, cũng là những nhạc phẩm làm nên tên tuổi của nhiều ca sĩ như: Một Chuyến Bay Đêm, Chúng Mình Ba Đứa, Giờ Tý Canh Ba, Hương Đồng Cỏ Nội, Người Đàn Bà 2000 Năm Trước, Hà Nội Ngày Tháng Cũ, Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân… chắc chắn sẽ nằm mãi trong tim của người yêu nhạc. (Nam Lộc, N.L)
*****************
Song Ngọc Và Một Đời Sáng Tác
TÁC GIẢ và TÁC PHẨM
Nhạc sĩ: SONG NGỌC
Song Ngọc (tên thật Nguyễn Ngọc Thương) là một nhạc sĩ, ca sĩ người Mỹ gốc Việt. Ông nổi tiếng từ cuối thập niên 1960 tại Miền Nam Việt Nam với những ca khúc viết về tình yêu.
Sinh năm 1943 ở Long Xuyên, An Giang.
Là anh trai của ca sĩ Kiều Oanh
Viết nhạc từ năm 1957 với bài đầu tay Mưa chiều, nổi tiếng từ năm 1960 với bài Tiễn đưa phổ thơ Nguyên Sa, cho đến nay đã có trên 300 ca khúc.
Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, ông sang Hoa Kỳ, trở thành một thương nhân thành đạt, bên cạnh đó vẫn tiếp tục sáng tác.
Hiện nay ông đang định cư tại Houston Texas, Hoa Kỳ.
Song Ngọc là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng trước năm 1975: Tiễn đưa, Xin gọi nhau là cố nhân, Chiều thương đô thị, Tình yêu như bóng mây, Mưa ướt, Giờ Tý canh ba, Tuổi mùa xuân..., và sau 1975 như: Đàn bà, Hà Nội ngày tháng cũ, Hương đồng gió nội...
Ngoài Song Ngọc, ông còn dùng các bút hiệu: Hàn Sinh, Nguyên Hà, Hoàng Ngọc Anh, Anh Tuyến
Năm 2004, Trung tâm Thúy Nga có thực hiện chương trình Paris By Night 75 vinh danh ông và hai nhạc sĩ Huỳnh Anh, Nguyễn Hiền.
Trước năm 1975, ông có thực hiện 5 cuốn băng nhạc mang tên ông.
Song Ngọc 1: Chuyện tình & kỷ niệm
Song Ngọc 2: Những ngày xưa yêu dấu
Song Ngọc 3: Hoa bướm ngày xưa
Song Ngọc 4: Tình yêu & xa cách
Song Ngọc Xuân 1974: Mùa xuân hạnh phúc
Những sáng tác tiêu biểu nhất: Mưa Chiều, Bừng Sáng, Tiễn Đưa, Chúng Mình Ba Đứa, Một Chuyến Bay Đêm, Họp Mặt Lần Cuối, Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân, Thư Cho Vợ Hiền, Nó Và Tôi, Chuyện Tình Bé Nhỏ, Tình Yêu Như Bóng Mây..v..v…
Hiện định cư tại Houston Texas.
Vào đầu năm 1960, một trong những bài hát rất thịnh hành vào thời đó, tới phòng trà, đại nhạc hội hay phụ diễn tân nhạc đều nghe:
Người về chiều nay hay đêm mai
Người sắp đi hay đã đi rồi
Muôn vì hành tinh rung rung
Lung linh trên thềm ga vắng…
Ngay cả những ban nhạc tài tử trong các phường chung quanh thành phố, các bạn trẻ cũng cất tiếng hát ca vang. Bài hát thật nhẹ nhàng thơ mộng, trải dài trong quần chúng như một cơn gió nhẹ nhưng vô cùng mãnh liệt.
Bài thơ thật hay của thi sĩ Nguyên Sa, được nhạc sĩ trẻ Song Ngọc (18 tuổi ) biến thành bài Hát, vừa tung ra đã được hoan nghênh chào đón, trong giới văn nghệ cũng như ngoài quần chúng thưởng ngoạn.
Tuy còn trẻ, nhưng trước đó Song Ngọc đã đặt một số bài nhạc cho các đài phát thanh. Năm 1959, Anh đánh trống trong ban nhạc Dân Nam, lúc đó thần đồng Kiều Oanh (em gái Song Ngọc) đương trình diễn trên sân khấu Dân Nam và rất nổi tiếng. (Một số Ca Sỹ, Nhạc Sỹ sinh năm 1942: Song Ngọc (Nguyễn Ngọc Thưởng), Lê Uyên Phương (Nguyễn Văn Lộc) Trần Thiện Thanh (Nhật Trường ), Sỹ Phú, Vô Thường…)
Nương theo đà thành công với bài hát Tiễn Đưa” thơ Nguyên Sa, nhạc Song Ngọc, anh tiếp tục viết thật nhiều trong giai đoạn này, trong khoảng 15 năm từ 1960 đến 1975, Song Ngọc đã sáng tác trên 150 bài hát, trong đó có những bài, đã được rất nhiều người ưa thích như Mưa Chiều, Chiều Thương Đô Thị, Bừng Sáng (do ban Hợp Ca Thăng Long trình bày). Chúng mình 3 đứa, Một Chuyến Bay Đêm, Thư Cho Vợ Hiền, Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân… v..v.. . Đặc biệt trong thời gian thụ huấn lớp sỹ quan cao cấp tại Đà Lạt, Song Ngọc đã có bài vô cùng thơ mộng về thành phố sương mù, một tình yêu nhẹ nhàng như sương khói, long lanh như nước trên hồ Xuân Hương, một trong những ca khúc viết về Đà Lạt thật hay, thật buồn, nhẹ nhàng và thắm thiết “Tình Như Bóng Mây”;
Rồi mai tôi sẽ xa Đà Lạt
Thành phố này xin trả lại cho Em…
Một số nhạc sỹ thường đặt nhạc cùng một tiết điệu, riêng Song Ngọc viết nhạc với nhiều tiết điệu, hoàn cảnh, tâm tình khác nhau. Anh tâm sự “Tôi ưa đi lang thanh như một nhạc sỹ giang hồ, mỗi lần có hoàn cảnh thường đi khắp đó đây, ngoài ra thì cũng đi nhiều nơi vì công tác. Nơi đâu cũng có vẻ đẹp riêng, nơi thôn quê bát ngát, trăng thanh dịu dàng, chốn đô thành thì nhộn nhịp, tưng bừng. Tới vùng chiến tranh thì súng đạn tơi bời, bao nhiêu đau khổ, người bạn vừa gặp nhau, chuyện chưa nói hết thì anh ta đã chết. Vì đời gian truân, lăn lộn, nên mỗi khúc nhạc đều mang riêng hình ảnh đặc biệt của nó”.
Qua Mỹ năm 1975, đời Song Ngọc cũng giống như trong tác phẩm của Anh, rất nhiều màu sắc, thật nhiều khuôn mặt. Khởi đầu Anh là chuyên viên địa ốc (vẫn giữ nghề và môn bài cho tới nay) đầu tư, làm Chủ hơn 10 tiệm “Chạp Phô Mỹ” rồi mở Chợ, Nhà Hàng, hiện nay làm chủ “Quán Trọ” BEAR CREEK INN với trên 100 phòng. Làm bầu “Show” ca nhạc, mỗi năm tổ chức trên 20 lần.
Buổi sáng gặp anh, rõ rệt là một nhà thương gia xuất sắc, tính toán. Khi mặt trời xế bóng, con người thương mại để lại trong văn phòng. Trở lại căn nhà rộng thênh thang, khi nắng chiều còn vương nhẹ trên những cành thông trước cửa, tay cầm cây đàn, với tâm hồn chính xác, thanh khiết nhất, những giòng nhạc ào ào tuôn ra.
Cho dù sau 20 năm miệt mài vì đời sống “bạo tàn, gay cấn” trên đất Mỹ, anh vẫn sáng tác trên 100 bài hát, có nhiều bài khi nghe thấy, nếu chưa được giới thiệu tên tác giả, thì không ai có thể nhận ra được người viết là Song Ngọc, vì mỗi bài đều có nhịp điệu, thể điệu, âm điệu khác hẳn nhau như: Đàn Bà, Người Đàn Bà Năm 2000, Hương Đồng Cỏ Nội (thơ của thi sỹ Nguyễn Bính), Tiền, Hà Nội Ngày Tháng Cũ…
Gặp anh vào sáng ngày 15 tháng 5 năm 2001, nhân tiện hỏi Anh về vài vấn đề trong tân nhạc Việt Nam.
Hỏi: Xin anh cho biết, phải mất bao thời gian để hoàn thành một bài Nhạc?
Song Ngọc: Không thể nào có thời gian quy định cho việc hoàn tất một bài Nhạc. Có nhiều khi ý nhạc và lời cuồn cuộn trong lòng, phải viết ra không là Chết. Sau đó mất chừng vài tuần liên tiếp, sửa chữa và hoàn thành. Có nhiều bài đã làm xong, không ưng ý, cất vào tủ, ít lâu sau, lại mang ra sửa tới, sửa lui, đôi khi hơn một năm sau mới hoàn tất.
Hỏi: Còn bên Việt Nam, chỉ trong một thời gian mà anh đã sáng tác trên 200 bài.
Song Ngọc: Bên Việt Nam, việc chính của tôi là viết Nhạc, khi vào quân đội, trông coi ban văn nghệ, có nhiều thời gian. Ngoài ra là vấn đề phổ biến. Khi một bản nhạc đã hoàn tất, nhờ một ca sĩ trình bày trên đài phát thanh hay thâu Tape, khi nghe lại bài hát của mình, tạo ra nhiều hứng thú, sáng tác dồi dào hơn. Bên Mỹ thì ban ngày phải “đi cày” lo kiếm sống, chỉ còn lại buổi chiều và ban đêm, viết xong 1 bản nhạc, phải gởi đi cho các Ca Sỹ, không có phương tiện phát thanh, thâu Tape cũng mất một thời gian, lâu lắm mới nghe lại tác phẩm của mình, nên cảm hứng thường gián đoạn.
Hỏi: Xin anh cho biết, sự khác biệt về Tân Nhạc Việt Nam, trước năm 1975 và bây giờ.
Song Ngọc: Trước năm 1975, giới Nhạc Sỹ cũng như người dân Việt Nam, sống trong hoàn cảnh chiến tranh, đều cùng nhau mang chung niềm âu lo trong đời sống cũng như xã hội. Những biến chuyển thời cuộc liên tục dồn dập tạo nên những cảm xúc liên quan đến con người và thân phận … Do vậy, phải nói đa số tác phẩm văn chương, âm nhạc, đều tạo nên bằng những rung cảm từ “Trái Tim”.
Sau 75, tức là ra nước ngoài. Tiêu biểu những sáng tác tại nước Mỹ, nhất là các nhạc sỹ
trẻ tuổi, thường hay thiếu vắng chất liệu “Quê Hương”, ngoài ra đời sống xứ người gò bó, thời gian chật hẹp. Người nhạc sỹ không đủ thời gian, nguồn cảm hứng quá nhiều chi phối, bởi đời sống áo cơm, do vậy sự rung động trong tác phẩm có phần lạc điệu. Tuy nhiên, bù lại thì “kỹ thuật” có phần cao hơn, vì đời sống văn minh hiện nay là Computer, máy móc tối tân, phương tiện trau dồi.
Tóm lại có thể nói giản dị như thế này: “Trước 75 “viết Nhạc bằng trái Tim”. Sau 75 “viết Nhạc bằng Kỹ Thuật”. Tuy nhiên dù bằng kỹ thuật hay trái tim, cũng tham dự dù nhiều hay ít vậy.
Riêng âm nhạc Việt Nam từ trong nước sau 75, tôi thích một số ca khúc ca ngợi tình tự quê hương, vì lẽ đó là chất liệu mà người nhạc sỹ tại quên nhà đang được thừa hưởng .
Hỏi: Anh cho biết sự giá trị của hai loại nhạc đó.
Song Ngọc: Nhạc nào cũng hay, riêng nhạc viết băng Trái Tim thì dễ đi vào trái tim người nghe hơn.
Hỏi: Anh cho biết về giá trị văn chương của nhạc tiền chiến và bây giờ.
Song Ngọc: Nhạc tiền chiến (trước năm 1945) cũng như nhạc bây giờ và mai sau, lúc nào cũng có những bài sau này được mọi người ghi nhớ, chắc chắn là phải hay. Về kỹ thuật, con người mỗi ngày một tiến, theo quy trình thời gian và sự sáng tạo của con người. Riêng trong địa hạt văn chương thì không theo quy định đó, thời gian nào thì tâm hồn cũng sáng tạo như nhau. Có một bài thơ đã được làm 600 năm nay, mà văn chương hùng tráng còn vang dội tới ngày nay và mãi mãi: Bài Bình Ngô Đại Cáo của đức Ông Nguyễn Trãi (1380-1442) đã sáng tác năm 1428 sau khi quân xâm lược Trung Hoa (nhà Minh) phải lên đường về nước. Cũng như áng văn chương tuyệt tác của cụ Nguyễn Du (chuyện Kiều) đã có từ hơn 200 năm nay, hiện giờ vẫn còn lung linh trong đời sống Việt Nam.
Để tạo ra một nét riêng, mỗi một người nghệ sĩ hay thường dành cho mình một nghệ danh. Thế nhưng, cũng có nhiều nhạc sĩ, với những lý do riêng, họ có rất nhiều bút danh/nghệ danh. Chính vì vậy, mà không ít người nghe đã ngạc nhiên khi biết tác giả của một tác phẩm nổi tiếng này cũng chính là tác giả của một tác phẩm nổi tiếng khác, với hai bút danh khác nhau.
Một trong những người đó, là nhạc sĩ Song Ngọc, hay được biết đến như nhạc sĩ Hàn Sinh của ‘Xin gọi nhau là cố nhân’, hay Hoàng Ngọc Ân của ‘Định mệnh’, cũng chính là Song Ngọc của ‘Tiễn đưa’, người đầu tiên phổ thơ của cố thi sĩ Nguyên Sa.
“Người về chiều nay hay đêm mai
Người sắp đi hay đã đi rồi
Muôn vì hành tinh rung rung
Lunh linh thềm ga vắng
Có một người bạn gửi cho tôi một bài thơ của Nguyên Sa. Tôi nhìn bài thơ đó, thấy hay quá, trong vòng một đêm, tôi phổ nhạc cho bài ‘Tiễn đưa’.
- Nhạc sĩ Song Ngọc
Hay rượu tàn rung trên môi…” (Tiễn đưa)
“Có một người bạn gửi cho tôi một bài thơ của Nguyên Sa. Tôi nhìn bài thơ đó, thấy hay quá, trong vòng một đêm, tôi phổ nhạc cho bài ‘Tiễn đưa’. Về sau, nếu tôi không lầm, có thể tôi là người đầu tiên phổ thơ Nguyên Sa năm đó.”
Năm đó, nhạc sĩ Song Ngọc 19 tuổi, và bài thơ của cố thi sĩ Nguyên Sa có tên là ‘Tiễn biệt’.
Một điều thú vị là khi ấy, cố thi sĩ Nguyên Sa và nhạc sĩ Song Ngọc có thể nói là ở hai thế hệ, một thầy, một trò, nhưng họ đã gặp nhau qua một tác phẩm, và cùng tạo ra một tác phẩm khác.
Đối với chàng nhạc sĩ Song Ngọc lúc bấy giờ, ca khúc ‘Tiễn đưa’ là sự khởi đầu, để sau đó, những bản nhạc trữ tình được tiếp nối ra đời, đánh dấu cho dòng nhạc Song Ngọc đa dạng, phong phú về giai điệu lẫn thể loại.
“Bản nhạc này với bản nhạc kia nó khác, vì tính của tôi nó… kỳ kỳ. Tôi không thích một chỗ, tôi thích cái gì nó lạ hơn. Có những bản nhạc như Xin gọi nhau cố nhân khác hẳn với Định mệnh…”
“Tôi trở về đây lúc đêm vừa lên
Giăng mắc trời mưa phố xưa buồn tênh…” (Xin gọi nhau là cố nhân)
Tuy khác nhau, và tuy là mỗi ca khúc ông dùng một bút danh khác nhau, thế nhưng tất cả những nhạc phẩm của Song Ngọc đều có một điểm chung, đó là mỗi một bản nhạc là một kỷ niệm của riêng ông. Mỗi lời ca, giai điệu đều có liên hệ đến những nơi ông đã đi qua, những người ông đã gặp trong cuộc đời mình. Tất cả những điều ấy ông gọi là “kỷ niệm của dĩ vãng”.
Một trong những kỷ niệm ấy là câu chuyện ông gửi vào ca khúc ‘Tình yêu như bóng mây’.
“Rồi mai tôi sẽ xa Đà Lạt
Thành phố này xin trả lại cho anh
Ngàn thông buồn chiều nay im tiếng
Ngôi giáo đường lặng đứng suy tư…” (Tình yêu như bóng mây)
Đà Lạt năm đó theo ký ức của Song Ngọc là vào năm 1971, 1972, khi ông đang thụ huấn khoá chiến tranh chính trị. Ca khúc ‘Tình yêu như bóng mây’ được ra đời tại thành phố sương mù, một thành phố mà ông nói rằng ông đã yêu và để lại một tình yêu không nhỏ.
“Khi đó tôi đi học và ở trọ nhà của thiếu tá, thi sĩ Tô Kiều Ngân. Tôi viết hai bài, ‘Tình yêu như bóng mây’, và ‘Chẳng làm sao’, phổ thơ của Phan Khôi. ‘Tình như bóng mây’ có những chi tiết là thật. Ví dụ như cái nhà thờ mà ‘tôi cuối đầu từ giã Đà lạt ơi’ là nhà thờ Con gà tại Đà Lạt. Bài này thật sự có nước mắt của Song Ngọc.”
Đà Lạt từ ngàn xưa đã được gọi là thành phố mộng mơ, với thông reo, với sương giăng mờ những con dốc nhỏ. Nếu Đà Lạt trong ca khúc của Lê Uyên Phương là nơi bắt đầu cho những cuộc tình thì hình ảnh Đà Lạt trong ‘Tình yêu như bóng mây’ của Song Ngọc là nơi mà chỉ một ngày mai nữa thôi, sẽ là một cuộc chia xa.
Rồi cũng như bao thanh niên thế hệ thời ấy, nhạc sĩ Song Ngọc lên đường tòng quân, khoác lên mình chiếc áo trận. Và đó cũng là thời gian mà ông cho ra đời các ca khúc viết về đời lính, về nỗi nhớ của người trai xa đô thành, xa cố nhân, “vào đời manh áo chiến lúc tuổi còn xanh”
“Khi đi lính tôi 19 tuổi, thì anh Hoài Linh có viết thêm cho tôi lời của một bài nữa là ‘Chiều thương đô thị’ để tiễn Song Ngọc đi lính.”
“Hôm xưa tay nắm tay nhau... anh hỏi tôi rằng:
"Những gì trong đời... ta ghi sâu vào tâm tư
Không tan theo cùng hư vô
Không theo tháng năm phai mờ
Tình nào tha thiết anh ơi?"
Tình quê hương gợi sâu
Tình tôi anh bền lâu…” (Chiều thương đô thị)
“Năm đó khoảng chừng năm 1961, ngày đó trước ngày tôi đi lính. Thời gian đó cũng là thời gian chiến tranh, anh Hoài Linh đặt lời cho ‘Chúng mình ba đứa’. Sau đó tôi có viết một bài nữa là bài ‘Một chuyến bay đêm’.”
Dù là ở dòng nhạc trữ tình hay dòng nhạc lính, thì trong những sáng tác của Song Ngọc đều toát lên một nét đẹp vừa hào phóng, vừa lãng mạn. Hiện lên trong những ca khúc ấy, là hình ảnh của người nghệ sĩ lãng mạn mang khí chất oai hùng của một người lính. Ông đã bày tỏ hầu như trọn vẹn tinh thần của người trai đang ở lứa tuổi đẹp nhất đời người.
Người trai trả nợ tang bồng với núi sông bằng ước mơ bay cao, bay xa bên dãy Ngân Hà, xem chuyện đời nhẹ như những chuyến bay.
“Giữa lòng trời khuya muôn ánh sao hiền
Người trai đi viết câu chuyện Một Chuyến Bay Đêm
Cánh Bằng nhẹ mơn trên làn gió
Đời ngây thơ xưa lại nhớ, lúc mình còn thơ
Nhìn trời cao mà reo mà mơ ước như diều để níu áo Hằng Nga ngồi bên dãy Ngân Hà…” (Một chuyến bay đêm)
Cùng với những ưu tư của mình đã nhìn thấy và những hiện trạng bây giờ, tôi về viết bản nhạc đó, và gọi tên là Đàn bà.
- Nhạc sĩ Song Ngọc
Thế rồi, nợ tang bồng của Song Ngọc và của bao người trẻ thời đó gác lại sau một ngày cuối tháng Tư. Ông rời quê hương, xa hẳn những chuyến bay đêm và màu áo xanh. Lần từ giã này lâu và xa hơn rất nhiều so với ngày ông “cúi đầu từ giã Đà Lạt mơ”.
Nhưng có lẽ đã là nghệ sĩ, thì ở bất cứ hoàn cảnh nào, thời điểm, họ vẫn phải sáng tác. Tình yêu âm nhạc và sáng tác vẫn luôn đong đầy trong cuộc sống của nhạc sĩ Song Ngọc. Chỉ có rằng, theo thời gian và những xoay chuyển của cuộc sống, sáng tác của ông có thêm chỗ đứng cho sự mất mát và thất vọng. Cũng là xa cách, nhưng trong sự chia ly này giờ đây mang màu sắc của cô độc.
“Khi tôi qua Mỹ năm 75, khoảng thời gian năm 1983, 1984, người Việt Nam bên đây nam nhiều hơn nữ, nên những chuyện oan kiên trong tình yêu đầy dẫy. Tôi nhìn thấy nhiều chuyện mất hạnh phúc gia đình hoặc tan vỡ của các cặp tình nhân. Có lẽ những chuyện đó nó chạy vào tiềm thức của người sáng tác.”
Ca khúc ‘Đàn bà’ nổi tiếng ra đời từ câu chuyện đời của một người bạn của ông, với lời nói:
“Ảnh ngồi buồn và tâm sự với tôi, Song Ngọc à, làm cho tôi một bài không có đàn bà trong đời tôi. Cùng với những ưu tư của mình đã nhìn thấy và những hiện trạng bây giờ, tôi về viết bản nhạc đó, và gọi tên là Đàn bà.”
“Đã từ lâu tôi vẫn thường trong bóng đêm.
Mang nỗi buồn không biết tên.
Tôi đã thầm thề mây hẹn gió.
Tôi muốn lánh xa chuyện đời.
Tôi muốn quên đi loài người.
Tôi ước mơ trong cuộc đời không có đàn bà…” (Đàn bà)
Song Ngọc, người nhạc sĩ tự nhận rằng từ những năm 13 tuổi, ông đã đam mê những áng văn của Nhất Linh, Khái Hưng. Từ đó mà kỹ thuật dùng từ và âm hỏi, ngã trong nhạc phẩm của ông ảnh hưởng nhiều của Tự lực văn đoàn.
Và có lẽ cũng do sự ảnh hưởng ấy mà nhạc của ông vừa có giai điệu bay bổng, lãng mạn, vừa có ca từ đơn giản, không trưởng giả. Dù là ông viết về tình ca hay viết cho người lính, các ca khúc đều mang màu sắc riêng của một thời tuổi trẻ nhiều khát vọng.
***************
Lại thêm một nhạc sĩ tài hoa của miền Nam vừa ra đi.
Những tên tuổi đã góp phần xây dựng và phát triển nền âm nhạc tuyệt vời của Việt Nam Cộng Hòa cứ rơi rụng dần theo quy luật của Tạo Hóa, để lại bao nuối tiếc cho những người yêu nghệ thuật đích thực.
Nhạc sĩ Song Ngọc đã sáng tác hàng trăm ca khúc và có những nhạc phẩm rất nổi tiếng, được đông đảo khán thính giả yêu thích:
- Định Mệnh
- Tiễn Đưa
- Đàn Bà
- Em Còn Tuổi 15
- Lính Thành Phố
- Màu Tím Hoa Sim - thơ Hữu Loan
- Một Ngày Tàn Chinh Chiến
- Chiều Thương Đô Thị
- Người Nữ Đồng Đội
- Người Ra Vùng Hỏa Tuyến
- Thư Cho Vợ Hiền
- Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân
Viết chung với Vọng Châu:
- Nó Và Tôi
Viết chung với Hoài Linh:
- Chúng Mình Ba Đứa
- Một Chuyến Bay Đêm
- Phiên Khúc Một Chiều Mưa
- Thiệp Hồng Anh Viết Tên Em
Người yêu âm nhạc trước 1975 nói riêng, người miền Nam nói chung khi nghe những nhạc phẩm nêu trên sẽ luôn tưởng nhớ đến người con của vùng đất Long Xuyên, nhạc sĩ Song Ngọc.
Cầu chúc Ông an nghỉ nơi Vĩnh Hằng... (FB Quoc Gia Nguyen)
*****************
Đàn Bà... Đã Thôi Làm Con Tim Nhỏ Máu...
Tôi chắc một điều rằng: trong các cuộc vui Karaoke, mấy đấng mày râu sẽ có lúc gào lên trong vô thức:
"Ôi đàn bà là những niềm đau
hay đàn bà là ngọc ngà trăng sao
Ôi đàn bà lại là con dao làm tim nhỏ máu.
Ôi đàn bà dịu ngọt đêm qua
Hay đàn bà lạnh lùng hôm nay
Ôi đàn bà là vần thơ say
Khúc nhạc chua cay."
Và hình như gào thế thôi, chứ ít ai để ý và biết rằng: tác giả của Đàn Bà là nhạc sĩ Song Ngọc, mặc dù tác phẩm này ông chỉ viết thay lời muốn nói cho người bạn của ông!
Riêng tôi, mặc dù nhạc sĩ Song Ngọc có khá nhiều ca khúc tiêu biểu, nổi tiếng trong khoảng hơn 300 ca khúc trong cuộc đời sáng tác của mình như: Chiều Thương Đô Thị, Chuyện Ngày Cuối Năm, Chuyện Tình Buồn Trăm Năm, Đàn Bà, Định Mệnh, Một Chuyến Bay Đêm, Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân... Nhưng "Một Chuyến Bay Đêm" (viết chung với Nhạc sĩ Hoài Linh) là thích hơn cả... Nghe Một chuyến Bay Đêm.... không chỉ những ai trong lực lượng Không Quân xưa mới có cảm xúc sâu lắng, mà chính những người yêu nhạc cũng không thể không hát theo:
Giữa lòng trời khuya muôn ánh sao hiền
Người trai đi viết câu chuyện, một chuyến bay đêm
Cánh bằng nhẹ mơn trên làn gió...
Đời ngây thơ xưa lại nhớ lúc mình còn thơ.
Nhìn trời cao mà reo, mà mơ ước như diều
Để níu áo Hằng Nga, ngồi bên dãy ngân hà.
Giờ sống giữa lưng trời,
Đôi khi nhớ chuyện đời mỉm cười thôi...
Đêm nay chuyến bay trời xanh như màu áo
Đường Minh Đế nhàn du khắp tinh cầu,
Chạnh thương hai đứa giờ gối súng nơi nào
Lâu lắm chẳng gặp nhau.
Bạn bè dù cách xa nào khuây,
Tình nàng chưa nói nhưng mà say.
Giai nhân hỡi khóe mắt em u hoài
Theo tìm trong chuyến bay.
Có người hỏi phi công ước mơ gì?
Người ơi nhân thế muôn màu nào biết mơ ước chi?
Ước rằng từ khi tung nhịp cánh,
Tình ta yêu thương là gió... nhân tình của mây.
Ở đời ai hiểu ai, từng bay trắng đêm dài,
Thì thức giữa đại dương,
Dù yên giấc ven rừng,
Bạn có biết chuyện này
Tôi ghi lúc vũ trụ còn ngủ say."
... Và nay, người nhạc sĩ tài hoa Song Ngọc, người con của đất Long Xuyên - An Giang xưa... đã không còn "nhàn du khắp tinh cầu" vào hồi 9g 30 phút ngày 14/10/2018 tại Thành phố Houston, tiểu bang Texas - Hoa Kỳ, thọ 75 tuổi (FB Võ Khánh Tuyên)
Nam Mai st