Hành Trình Xuyên Việt # 11

Hành Trình Xuyên Việt # 11

 ** Nam Mai **

Quảng Ninh - Tràng An Ninh Bình - Hà Nội: Thứ sáu 13 tháng 1 năm 2017

Đúng 6:00 giờ sáng, mọi người đều đã sẳn sàng check out ra khỏi Hạ Long Pearl Hotel để lên đường tới thành phố Ninh Bình. Vì đi sớm quá nên cậu Tuyến đã dặn hotel box sẳn thức ăn sáng cho mọi người ăn ngay luôn trên xe để tiết kiệm thời giờ. Cậu Tuyến cho biết sở dĩ phải khởi hành sớm như thế vì trên đường đi mình phải chạy vòng vòng qua nhiều thành phố thì mới đến được Ninh Bình. Hơn nửa cậu cũng xin với mọi người là nhân thễ đang ở Ninh Bình thì cho phép cậu được ghé vào nhà Bố Mẹ Vợ vài phút để mang quà biếu Tết cho hai ông bà. Cả 4 bà nghe nói sẽ được chạy qua nhiều thành phố và ghé vào khu dân cư tại Ninh Bình thì đều thích thú, vì chuyến đi này mục đích là mong được nhìn thấy tận mắt những cảnh sinh hoạt của dân mình, được nhìn ngắm đất đai rộng rãi bao la của từng làng mạc mình đi qua được nhiều chừng nào thì tốt chừng ấy..... đi chơi để được nhìn ngắm tận mắt mọi thứ thì cứ nhẫn nha mà đi không có gì phải gấp rút cả nên ai cũng vui lòng cho cậu Tuyến muốn ghé đâu thì ghé.

Lên xe thì cậu Tuyến cho biết lịch trình đường đi hôm nay sẽ là: từ Bãi Cháy (Hạ Long) mình sẽ lên đường đi đến Quán Toan của thành phố Hải Phòng (mất vào khoảng 70 km, lúc đến đây thì đã vào khoảng 7:15 sáng). Sau đó từ Quán Toan sẽ đi thành phố Thái Bình (mất khoảng 60 km nửa, lúc 9:00 sáng thì xe vào đến địa phận của tỉnh Thái Bình). Rồi từ Thái Bình mình sẽ đi qua thành phố Nam Định, lúc 9:45 am xe đi ngang qua đền thờ Sinh của Ngài Trần Hưng Đạo (đền thờ nơi Ông sinh ra), chúng tôi không ghé vào thăm được vì không có trong chương trình, vả lại xe chỉ đi qua thành phố này trên đường cao tốc mà thôi. Rồi từ thành phố Nam Định mình sẽ chạy cho đến nơi muốn tới là thị trấn Phát Diệm của tỉnh Ninh Bình (vào lúc 10:30 sáng thì xe đi vào địa phận của tỉnh Ninh Bình). Từ Bãi Cháy ở Hạ Long đến tỉnh Ninh Bình sẽ lái xe vào khoảng hơn 200 km và mất hơn 4 giờ lái xe. Sau khi đến Ninh Bình thì xe trực chỉ đến thị trấn Phát Diệm để xem nhà thờ Đá Phát Diệm, và chúng tôi đã đến nơi vào lúc 11:30 am.

Vài hình ảnh chụp từ trên xe trên đường đi từ Bãi Cháy đến Ninh Bình:

Hình chụp khi đi qua thành phố Nam Định

Hình chụp đất đai ruộng lúa nhà cửa trên đường đi ngang qua các thành phố

Ba hình dưới đây được chụp trên đường khi đi gần vào đến thành phố Ninh Bình. Trước kia nhà cửa hai bên đều không có xây bằng gạch hay nhà lầu, hai bên đường của bến sông cũng không có được lát gạch trông "hiện đại" như trong hình đâu. Nhưng vào thời buổi "đô thị hoá" như hiện nay, hình ảnh của những làng quê với cây đa củ bến đò xưa, nhà tranh vách đất hay cầu tre lắc lẻo trước đây đã dần dần biến mất để thay thế bằng những hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy như trong hình bây giờ đây .....

 

Phát Diệm là một thị trấn ở phía nam đồng bằng sông Hồng. Đây là trung tâm huyện lỵ của huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình. Trụ sở thị trấn nằm cách trung tâm thành phố Ninh Bình 27 km. Phát Diệm nổi tiếng với nhà thờ đá Phát Diệm và nơi đây đã được ví như là "kinh đô công giáo" ở Việt Nam.

Nhà Thờ Đá Phát Diệm

Là một nhà thờ mang đậm kiến trúc phương Đông. Nhà thờ Phát Diệm cách Hà Nội 120km về phía nam, được xây dựng vào những năm 1875 – 1899. Phát Diệm có nghĩa là phát sinh ra cái đẹp, tên Phát Diệm do danh nhân Nguyễn Công Trứ đặt. Nhà thờ được xây dựng trong suốt thời gian 24 năm liên tục, với trình độ kỹ thuật và điều kiện giao thông của những năm cuối thế kỷ 19 thì chỉ với việc vận chuyển hàng nghìn tấn đá (có những phiến nặng đến 20 tấn), và hàng trăm cây gỗ lim về tới Phát Diệm để xây được nhà thờ thì cũng đã là một kỳ công. Kim Sơn trước đây vốn là vùng đất mới khai khẩn rất lầy lội, người ta đã phải chuyển cả một quả núi nhỏ cách 40km về Phát Diệm để khắc phục độ lún của khu đất trước khi xây dựng nhà thờ. Ngày nay khách đến thăm nhà thờ còn thấy núi Sọ, đấy chính là một phần của trái núi đã được dân dời về Phát Diệm trước đây. Nhà thờ được xây dựng trong khoảng thời gian gần 30 năm (từ 1875 – 1899) bởi linh mục Phêrô Trần Lục (là Linh mục giáo phận Phát Diệm từ năm 1865), nhà thờ được mô phỏng theo những nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam. Nhà thờ Phát Diệm là một công trình kiến trúc độc đáo và duy nhất không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới.

Hình chụp vào tháng 1-2017

Mộ phần linh mục Trần Lục được đặt trước cửa Nhà thờ chính tòa.

Toạ lạc trên diện tích rộng hơn 20 ha, quần thể nhà thờ gồm 11 công trình được xây cất, bố trí hợp lý, tạo thành một cảnh quan cổ kính tuyệt đẹp. Dù đã trải qua hơn 100 năm, các hạng mục vẫn còn gần như nguyên vẹn. Ngay trước khuôn viên nhà thờ là hồ nước hình chữ nhật có kè đá bao quanh. Giữa hồ có một hòn đảo nhỏ xanh mát bóng cây và bức tượng Chúa Giêsu bằng đá trắng dang hai tay, mắt nhìn thẳng phía trước.

Những hình ảnh chụp chung quanh nhà thờ vào tháng 1-2017.

 

Nhà thờ đá Phát Diệm đẹp ở phong cách kiến trúc của đình chùa Việt, được xây hoàn toàn bằng đá và gỗ, và tới nay quần thể nhà thờ đá Phát Diệm đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút hàng triệu du khách mỗi năm như một vùng văn hóa kiến trúc độc đáo có một không hai.

Vì không phải là ngày cuối tuần, cũng như khi đến nơi lại không đúng vào giờ nhà thờ có Thánh Lễ, vì vậy chúng tôi không có cơ hội được vào xem bên trong nhà thờ chính nên rất lấy làm tiếc. Vì không được vào bên trong nhà thờ mà chỉ đi vòng vòng xem phần bên ngoài thôi, cho nên sau khi chụp được một vài hình ảnh của nhà thờ thì mọi người đã lên xe rời khỏi đây vào lúc 12:00 giờ trưa để lên đường tới thăm khu du lịch Tràng An.

i

Hình chụp trên cầu lối vào khu du lịch Tràng An - Ninh Bình

Nơi group 4 muốn đến thăm hôm nay là khu du lịch sinh thái Tràng An - nằm trong quần thể danh thắng Tràng An của tỉnh Ninh Bình bao gồm khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, chùa Bái Đính, cố đô Hoa Lư... tuy nhiên các bà trong group người nào cũng đã hơn 1 lần được thăm Tam Cốc Bích Động và Cố Đô Hoa Lư rồi nên chương trình hôm nay chỉ đi xem Tràng An mà thôi. Tràng An là một khu du lịch sinh thái nằm trong quần thể di sản thế giới Tràng An thuộc tỉnh Ninh Bình. Tràng An với những dãy núi đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm, qua thời gian dài phong hóa bởi sự biến đổi của trái đất, của khí hậu, cùng biển tiến và biển thoái ....Tràng An đã mang trong mình hàng trăm thung lũng, hang động, hồ đầm. Danh thắng này là nơi bảo tồn và chứa đựng nhiều hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi, các di chỉ khảo cổ học và di tích lịch sử văn hóa. Hệ thống núi đá, sông suối, rừng và hang động ở Tràng An rất hiểm trở nên đã được Vua Đinh Tiên Hoàng chọn làm thành Nam bảo vệ kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ X và sau đó đã được nhà Trần xử dụng làm Hành Cung Vũ Lâm trong thời kỳ đánh đuổi quân Nguyên Mông (cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai năm 1285). Hiện nay nơi đây còn nhiều di tích lịch sử thời Đinh và thời Trần.

Nằm cách Hà Nội gần 100 km và cách trung tâm thành phố Ninh Bình 7km, khu du lịch sinh thái Tràng An thuộc dãy núi thành trì thiên tạo của kinh đô Hoa Lư xưa. Núi bao bọc xung quanh, ẩn dưới mỗi ngọn núi là các hang động kỳ ảo, được thông nhau bởi các thung nước chạy dài hàng cây số, hệ thống hang động nơi đây vô cùng đa dạng về hình thái và chủng loạị.

Bến thuyền là nơi khởi đầu cho một chuyến du ngoạn bằng thuyền để khám phá những vẻ đẹp tiềm ẩn của Tràng An. Vào những mùa lễ hội, tại nơi đây trên bến dưới thuyền vô cùng tấp nập. Từng chiếc thuyền nan nhỏ, mỗi chiếc chở 4-5 người sẽ đưa du khách ngắm cảnh núi non sơn thủy hữu tình, hay ngắm nhìn và ghé thăm các di tích lịch sử dọc theo đường thuyền đi.

Bốn người chúng tôi được cậu Tuyến thuê riêng cho 1 chiếc thuyền chèo bởi 1 bác gái tuổi cũng vào khoảng hơn 40.

Trong cái tour này, với thời gian khoảng 3 tiếng đồng hồ du khách sẽ được ngồi trên những cái thuyền nan mộc mạc, chèo bởi những người dân địa phương và họ sẽ đưa bạn đi qua 12 hang động, và sẽ ngừng lại 3 điểm tâm linh cho khách bước lên bờ để vảng cảnh Đền, Chùa và dâng hương, vừa đi vừa về khoảng 15 km. Bắt đầu đi từ bến thuyền trung tâm, đến đền Trần, qua các hang Địa Linh, hang Tối, Hang Sáng, hang Nấu Rượu, sau đó thuyền ngừng để du khách lên bờ viếng Đền và lại tiếp tục xuống thuyền đi qua hang Nấu Rượu đến hang Sính, Hang Si, hang Ba Giọt, hang Seo, qua hang Sơn Dương và sau đó lại lên viếng Phủ Khống (đây là di tích thờ vị quan đầu triều của nhà Đinh (không rõ tên húy), hiệu vị là Đinh Công tiết chế), rồi lên chùa Báo Hiếu, sau đó tiếp tục lộ trình đến hang Khống, hang Trần, hang Quy Hậu rồi trở về điểm xuất phát là kết thúc chuyến đi.

Bắt đầu, thuyền đưa chúng tôi lần lượt đi ngang qua các địa danh, hang động nổi tiếng tại Tràng An như:

Hang Địa Linh (với chiều dài gần 300m còn được gọi là hang Châu Báu. Do mới được khai thác, nên nhũ đá còn nguyên vẹn, trắng phau, đẹp lung linh như kim cương, vàng, ngọc. Nếu chiếu đèn vào nó giống như có một lớp thuỷ ngân lóng lánh. Tất cả tạo ra một vẻ đẹp huyền bí, linh thiêng đúng như tên gọi của nó: Địa Linh).

Qua khỏi hang Địa Linh, thuyền tiếp tục tới hang Tối. Trong hang rất tối, phải mang theo đèn pin mới xem được hang, chúng tôi phải dùng đèn pin của cell phone mới xem được. Trong hang có rất nhiều nhũ đá với các hình thù khác nhau. Nhiệt độ trong hang này thường cao hơn ngoài 2-3 độ C, vì giữa lòng hang có một mạch nước nóng …... hang Tối với chiều dài 320m, và cũng có thễ với sự quanh co, uốn khúc nên ánh sáng không vào được, mà người dân đã gọi là hang Tối.

Hang Sáng (tên gọi là hang Sáng, nhưng vào đây du khách vẫn phải dùng đèn vì hang dài 112m, rộng 12m và gấp theo hình thước thợ, trần hang có nơi cao 12m, xung quanh có nhiều khối nhũ đá đẹp, buông thả từ trên trần hang xuống gắn liền với nhiều tên gọi dân gian).

Hang Nấu Rượu (dài khoảng 250m, tương truyền rằng trong hang có mạch nước ngầm sâu hơn 10m, nối ra khu vực Cố đô Hoa Lư. Trong hang có một giếng nước sâu khoảng 15m, nước rất trong và mát. Tương truyền, tiền nhân xưa đã phát hiện ra giếng nước và dùng nước này để nấu rượu nên hang có tên từ đó. Trong quá trình nạo vét hang, người ta tìm được rất nhiều hũ, vại, vò và các dụng cụ dùng trong quá trình nấu rượu.)

Rồi thuyền lại đi qua các di tích lịch sử như Đền Trình (hay còn gọi là miếu Trình) ngôi đền nghìn tuổi nổi tiếng linh thiêng ở Ninh Bình, và đền Trần, một ngôi đền đá cổ, xây dựng vào năm 968 để thờ một vị tướng từ đời vua Hùng thứ 18.

Nếu như N nhớ không lầm thì thuyền đã đi qua hình như đến những 12 hang động, có hang thì ngắn, có hang thì dài, có hang thì cao với nhũ đá rất đẹp, có hang thì tối om om và thấp lè tè chẳng nhìn thấy được sự gì, đã vậy bác chèo thuyền lại luôn miệng nhắc nhở các cô phải cúi thật thấp đầu xuống không được ngẩng lên tị nào, nếu không sẽ đụng vào nhũ đá bễ đầu .... là ráng chịu. Hình như là khi qua hết hang Tối thì phải, bác chèo thuyền đã hỏi xem mọi người có muốn bác ngừng thuyền lại để các cô bước xuống thuyền lên bờ và sẽ leo gần 500 bậc đá để vào dâng hương tại đền Trần không? Mọi người đều le lưỡi lắc đầu không ai muốn lên. Cũng may một điều là hôm nay tuy trời âm u nhưng không bị mưa như mấy hôm trước, tuy nhiên gió rất to nên khi đi thuyền như thế này thì ai cũng bị lạnh ơi là lạnh, cho dù đã mặc 3, 4 áo, lại còn quàng khăn trong, khăn ngoài vậy mà cũng không chịu nổi, còn nghe sẽ phải leo đến mấy trăm bậc mới lên đến Đền thì chị nào cũng thấy .... oãi, đều muốn ngồi lì dưới thuyền không ai muốn ngừng lại để leo lên Đền cả.

Bác chèo thuyền khuôn mặt rám nắng, dáng người nhìn rất khắc khổ đã rất nhiệt tình chỉ dẫn mọi thứ trên đường đi để du khách có thể hiểu rõ hơn về vùng đất mang vẻ đẹp kỳ vĩ này. Hầu hết những người chèo thuyền đều là đàn bà và là người địa phương, hình như họ đã được học một cách khá bài bản về hệ thống hang động, về lịch sử của các di tích để có thể kiêm nhiệm luôn vai trò hướng dẫn viên du lịch cho bạn khi đi thuyền. N đoán như thế vì thấy Bác chèo thuyền của chúng tôi hai tay thì chèo thuyền thoăn thoắt và miệng thì nói thao thao bất tuyệt về các sự tích thú vị của những hang động, khi đến hang nào thì cũng chậm mái chèo lại để kể tường tận sự tích của hang đó, nó dài bao nhiêu, rộng bao nhiêu, tại sao lại có cái tên gọi như thế…, ở đó gắn liền với danh nhân gì...., rồi lại kể qua lịch sử của các chùa, đền khi thuyền đi ngang qua từng điểm một các bác ạ. N nghe mà thấy cảm phục trí nhớ của bác chèo thuyền này quá sức vì trong vòng gần 2 tiếng rưởi đồng hồ, bác đã nói không ngừng nghỉ, bác nói một cách thật nhuần nhuyển mà tuyệt nhiên không hề bị vấp váp chút nào cả, chính điều này đã làm cho N không ít lần phải ngạc nhiên trước sự am hiểu

tường tận của bác lái đò chân đất nhỏ bé này. Tụi N mắt thì còn bận nhìn ngắm phong cảnh đẹp tuyệt vời chung quanh mình và còn mãi lo "chớp hình", nhưng tai vẫn lắng nghe bác nói đều đều nên không còn thì giờ để hỏi thêm bác ấy những điều gì khác nữa.

Trên đường trở về bến (lúc này bác không còn phải "thuyết trình" nửa), tụi N có tò mò hỏi bác về đời sống của những cư dân tại khu này, cũng như về mức thu nhập của bà con mỗi tháng xem có khá không, khi phải vừa đội mưa đội nắng chèo thuyền cả ngày lại vừa phải kiêm thêm nghề "hướng dẫn viên" du lịch như thế này.... thì được bác cho biết :

“Khoảng vào năm 2001, ruộng của 2.000 hộ dân khu này bị thu hồi lại, để dành chỗ cho việc quy hoạch làm khu du lịch sinh thái Tràng An. Kể từ đó những người nông dân không còn ruộng nửa, mà thay vào đó là được làm nghề chèo thuyền chở khách du lịch. Hai ngàn hộ dân ở đây, mỗi hộ được cấp cho 1 chiếc thuyền để bắt đầu việc chở du khách khi khu du lịch Tràng An bắt đầu mở cửa. Đàn ông, thanh niên trong gia đình không còn làm ruộng nửa thì đi tìm việc làm ăn xa ngoài thành phố, chỉ còn lại những người già, và cánh phụ nữ như chúng

tôi thì xin tham gia vào việc chèo thuyền tại khu du lịch hầu kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Để có thể được nhận vào công việc chèo thuyền, các chị phải trải qua một lớp huấn luyện rồi phải thi kỹ năng, phải vượt qua những phần thi cam go thì mới được cấp thẻ hành nghề của đơn vị khai thác du lịch. Ngoài ra, vì chở khách Tây nhiều nên hầu hết lái đò ở khu du lịch Tràng An đều phải học thêm chút ít tiếng Anh để có thễ giao tiếp. Theo bác lái thuyền, đây cũng là một cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh quê hương, để người dân có điều kiện mở mang kiến thức, được gặp gở với nhiều người, trong đó có cả người nước ngoài nên chúng tôi thấy vui lắm, niềm vui đó là được gặp du khách từ khắp tất cả mọi miền của đất nước, được trò chuyện, hỏi thăm nhau về quê hương bản quán, về công việc của nhau .....

Từ nào đến giờ chúng tôi là những người nông dân quê mùa quanh năm cày sâu cuốc bẫm, chỉ sống với ruộng đồng nào có biết gì đến thế giới bên ngoài, từ khi Tràng An mở cửa đón khách du lịch, trình độ dân trí của người dân ở đây được nâng cao hẳn lên, tuy nhiên kinh tế của những người chèo thuyền như chúng tôi thì ....." nói đến đây bác bỏ lửng câu nói.

Bác kể rằng nghề chèo thuyền ở Tràng An khá vất vả, người lái phải có một tay nghề thực vửng chắc, bởi nhiều hang động có nhiều mô đá nhấp nhô trên đầu, có đoạn chỉ vừa lọt đúng một chiếc thuyền. Do đó, người lái thuyền phải làm sao lái cho thật chuẩn xác, vừa để lách qua được “cửa ải”, vừa để du khách không bị đập đầu vào đá. Công việc chèo thuyền của những người như bác có khi phải chèo liên tục trong 3 giờ đồng hồ, nhưng mỗi chuyến như vậy những người lái thuyền chỉ được trả khoảng từ 150.000 đến 200.000 đồng, và không phải khi về đến bến thì bác sẽ lại có thêm lượt khách nửa, mà bác phải chờ cho 1.999 chiếc thuyền khác chở khách đi, rồi sau đó thì mới lại đến lượt mình.

Bác chia sẽ: “Thuyền có số thứ tự, ai đến lượt thì mới được chở khách, các cô bảo 2.000 chiếc thuyền thì bao giờ mới tới lượt mình? Vào những mùa lễ hội, trung bình mỗi ngày tôi chở được một chuyến, còn những ngày bình thường không lễ lộc hoặc vào ngày mưa gió ít khách thì một tuần được một chuyến, tiền công mỗi chuyến thuyền có đáng là bao, ai may mắn thì được khách thương tình cho thêm vài đồng”.

Với thu nhập không ổn định từ nghề chở thuyền cho khách du lịch, bác cho biết vào những hôm không chở thuyền cho khách, bác phải đi tìm thêm việc làm lặt vặt, đi mò cua bắt ốc, hoặc ai mướn gì thì làm nấy để có thêm thu nhập lo cho cuộc sống gia đình.

Nghe có khỗ không hở các bác? Tự nhiên "người cày mất ruộng", không biết là khi mất ruộng thì họ đã được đền bù bao nhiêu, mà sau đó thì thấy cuộc sống khó khăn quá nhỉ? Nghe qua câu chuyện, thực tình mình chẳng còn biết nói sao nửa, chỉ thấy ngậm ngùi thương cho họ quá thôi.

Đang ở Ninh Bình nên sẽ kể cho các bác nghe thêm chuyện .... ăn uống. Ai cũng bảo, khi đến Ninh Bình thì nhớ nên ăn .... thịt dê các bác ạ.

Thịt dê núi là đặc sản nổi tiếng của Ninh Bình. Dê núi có thể chế biến thành nhiều món mà nhiều người vẫn hay gọi là Dê 7 món gồm : Nem dê, dê hấp, nhựa mận, dê nướng, tiết canh dê, mật, cà ngâm rượu và tái dê. Trong đó ngon nhất là món tái dê, món tái dê vẫn đứng hàng thứ nhất. Cái ngon của tái dê ngoài bí quyết chế biến khéo léo còn ở gia vị, và các loại lá, quả ăn kèm theo và đặc biệt là món tương gừng.

Món Tái Dê (hình N lấy ở Internet cho các bác xem, nhìn ngon không?

Mấy món khác thì N không dám đụng đủa vào, nhưng xin khai ra là N có dám thử món Tái Dê các bác ạ. Hm, ăn thì thấy cũng mềm và ngon, đặc biệt là có vài loại rau ăn kèm hơi lạ mà mình chưa nhìn thấy bao giờ .... còn tương gừng thì đại khái cũng pha chế như tương Cự Đà mình ăn bên này nhưng nó có hơi nặng mùi hơn. N cũng chỉ dám thử 1, 2 miếng cho biết thôi chứ không dám xơi nhiều vì sợ ...... ngộ nhỡ lại gặp anh họ Tào tên Tháo thì chết luôn.

Ngoài ra, Cơm cháy cũng là đặc sản nhưng lại là món ăn rất dân dã của Ninh Bình. Cơm cháy có màu vàng, rất giòn thường được ăn kèm với ruốc và loại nước sốt đặc biệt, chế biến theo cách rất riêng của Ninh Bình. Khi ăn, những miếng cơm cháy không hề khô khan mà cứ giòn tan béo béo trong miệng, thơm ngon mà phảng phất chút hoang sơ quyện trong từng hạt gạo.

Cơm cháy Ninh Bình (hình N lấy ở Internet cho các bác xem đỡ

N cũng có thử món này và ăn mạnh miệng hơn một chút vì mọi thứ đều chín. Khi ăn thì rưới cái nước sốt đặc biệt của nó lên cơm cháy, tuy nhiên N không thích rưới nước sốt này lên vì theo cái lưỡi của N thì nước sốt cũng không lấy gì ngon đặc biệt cho lắm, ngoài ra nó lại làm cho cơm cháy bị mềm không còn dòn nửa.

Ba tuần trước, N đã đưa các con cháu mình (group 25) đến Ninh Bình để thăm khu du lịch Tam Cốc Bích Động và đã có ăn thử 2 món đặc sản Ninh Bình này, (chứ không phải được ăn vào ngày hôm nay khi đi thăm khu du lịch Tràng An với group 4). Bây giờ ngồi suy nghĩ mãi mà vẫn không nhớ ra được là hôm đến khu du lịch Tràng An với group 4 thì mình đã ăn được thêm món đặc sản gì của Ninh Bình nữa.

Và đây là hình chụp chỗ mà N và gia đình đã vào ăn trưa (sau khi cho các cháu đi thuyền tại khu du lịch Tam Cốc Bích Động)

 Lúc 4 bà rời thuyền lên bến thì đã gần 4:00 giờ chiều rồi. Mọi người hối hả rời khu du lịch để tìm đường ghé vào nhà Bố Mẹ Vợ của Cậu Tuyến cũng ở tại thành phố Ninh Bình, để cậu còn mang quà biếu Tết cho hai cụ. Vậy là group 4 lại được có dịp đi vòng vòng trong khu làng mạc của bà con cư dân tại Ninh Bình. N để ý quan sát thì thấy nhà cửa trong làng đã được đô thị hoá nhiều, đất đai cây trái trồng trọt chung quanh nhà cũng thấy ít, đường đi trong làng đều được lát bằng xi măng rất khang trang và nhà cửa cũng đã được thay thế bằng nhà gạch xây chứ không còn là nhà tranh vách đất nửa ..... những cây cầu ao nguyên thuỷ cũng đã được thay thế bằng những bậc bệ xi măng trông sạch sẽ

hơn, nhưng khi nhìn nó thì mình vẫn thấy có một chút gì đó hơi .... "hoài cổ" vì chợt nhớ đến những cái cầu ao làm bằng ván, bằng tre trước kia vào những ngày xa xưa cũ .....

Hình chụp trên đường vào làng nhà Bố Mẹ Vợ cậu Tuyến

 Lúc 4:00 giờ chiều thì chúng tôi lên đường trở về Hà Nội. Từ đây (Ninh Bình) phải lái khoảng 110 km nửa thì mới về đến HN. Khoảng 4:45 pm xe chạy đến Phủ Lý (Hà Nam) thì ngừng để tìm mua thẻ phone cho chị TA.

Đúng 7:00 chiều thì xe về đến Hà Nội. Mọi người check in trở vào lại Thăng Long Opera Hotel. Chúng tôi sẽ ở tại khách sạn này đêm nay là đêm cuối, vì sáng mai ngày thứ bảy 14 tháng 1 năm 2017 chúng tôi sẽ chào tạm biệt giả từ miền Bắc và sẽ bay vào thành phố Đồng Hới của tỉnh Quảng Bình để tiếp tục hành trình đi thăm các tỉnh của miền Trung nước Việt Nam.

Suốt từ 6:00 giờ sáng đến 7:00 giờ tối ngày hôm nay, sau khi vượt hơn 300 km đường trường và đi bộ tới lui cả ngày nên ai nấy đều thấy thấm mệt rồi. Hai chị TN và TA rủ bọn này đi foot massage để cho thư giản nhưng bọn này phải từ

chối vì về đến HN với thời tiết lạnh lẻo và mưa phùn ẩm ướt như thế này, N và MT chỉ muốn được tắm 1 phát nước nóng xong leo lên giường nằm cho khoẻ chứ không muốn đi ra ngoài nửa. Cũng may mà cháu Hương biết "bà Trẻ" sẽ trở về Hà Nội tối nay nên cháu đã nấu xôi trắng và làm Chả Sương Sông đem đến tận khách sạn cho "bà Trẻ" ăn tối, vậy là đỡ phải lo chuyện dầm mưa đi ăn uống bên ngoài.

Ăn uống, tắm rửa xong xuôi thì N và MT vội vàng thu xếp hành lý rồi lên giường ngủ sớm, để sáng mai ra phi trường Nội Bài đáp chuyến bay vào Đồng Hới lúc 8:05 am. Ngày mai cũng sẽ là 1 ngày bận rộn với chương trình đi xem Động Thiên Đường tại Vườn Quốc Gia Phong Nha Kẻ Bàng trước khi rời thành phố Đồng Hới của tỉnh Quảng Bình để đi dần dần qua các tỉnh trên đường vào đến Huế.

 

Viết xong ngày Jun 06-2018 @ 8:00 pm

Bài kế tiếp: Xem Động Phong Nha tại Tỉnh Quảng Bình

 === Nam Mai ===

Thỉnh thoảng có những chiếc xe máy đi qua đó là các anh chị đi làm công nhân trên tỉnh, nhìn các anh chị đi cùng nhau vui vẻ thật là thích.

 

 

 

 

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %10 %165 %2018 %22:%06
back to top