Hồ Xuân Hương (1772 – 1822) là một thi sĩ sống ở giai đoạn cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX. Di tác của bà hoàn toàn là thơ và phần lớn là thơ viết bằng chữ Nôm. Thơ Hồ Xuân Hương luôn được trình bày theo phong cách thất ngôn bát cú hoặc thất ngôn tứ tuyệt, bút pháp được nhận định là điêu luyện nhưng phần chữ Nôm nhiều phần đặc sắc hơn chữ Hán. Ý tưởng trong thơ cũng rất táo bạo, dù là điều cấm kị đối với lễ giáo đương thời. Cho nên, Hồ Xuân Hương được xem như hiện tượng kỳ thú của dòng thi ca cổ điển Việt Nam khi tích cực đưa ra cái nhìn đối lập với truyền thống đạo đức, nhưng không vì thế mà tự trở nên suy đồi. Sau đây là một số bài thơ của Hồ Xuân Hương:
|
|
Hồ Xuân Hương, Người Đẹp, Người Tình
Việc nghiên cứu về thơ Hồ Xuân Hương đã có những tiến-bộ vượt bực trong vòng nửa thế-kỷ qua.
Từ một người mà Lữ Hồ ở trong Nam vào năm 1958 còn không chắc là có thật (“Có chăng một bà Hồ Xuân Hương?”, Sáng Tạo số 24 ra tháng 9/1958) cũng như Hoàng Trung Thông ở ngoài Bắc đến năm 1986 còn viết:
Người ta nói nhiều về
Hồ Xuân Hương
Nhưng người đó là ai?
Thật mỉa mai
Không ai biết rõ
Như có như không như không như có…
ngày nay, trái lại, chúng ta đã biết khá nhiều về bà.
Một nhà thơ chữ Hán
Nhờ Trần Thanh Mại công-bố về sự phát hiện của tập thơ Lưu Hương Ký vào hai năm 1963-64 (trên Tạp chí Văn học ở Hà-nội), chúng ta khám phá ra một Hồ Xuân Hương làm thơ chữ Hán mà một cụ bà rất giỏi Hán-Nôm ở hải-ngoại mô-tả là “tình tứ triền miên” một “người ít học không thể làm nổi loại thơ ấy.”
Gần như cùng lúc, Trần Văn Giáp và Cao Huy Giu cũng tìm ra tám bài thơ chữ Hán của bà mang tên “Đồ-sơn bát cảnh.” Đến năm 1983, Hoàng Xuân Hãn ở Pháp công-bố 5 bài thơ đề Vịnh Hạ-long mang tên bà trong sách Đại-Nam dư-địa-chí ước-biên mà dịch-giả Lê Xuân Giáo ở Sài-gòn cho biết là của Cao Xuân Dục, một tác-giả rất cẩn trọng và có uy-tín.
Rồi đến lượt Bùi Hạnh Cẩn cho biết còn tìm được ra trong tủ sách gia-đình của ông Trần Văn Hảo, làng Quần-phương, huyện Hải-hậu, Nam-định, một chùm 9 bài thơ mang tên Hương-đình Cổ Nguyệt Thi-tập (“Tập thơ Cổ Nguyệt ở Vườn Thơm”), cũng gần như chắc chắn là của bà bởi một nét đặc-sắc của bút-pháp Hồ Xuân Hương là chơi chữ:
Cổ Nguyệt = trong chữ Nho hai chữ này nhập lại thành chữ “Hồ,” họ Hồ Hương-đình có nghĩa là “Vườn Thơm” nhưng cũng có chữ “Hương” ở trong đó, nhắc cho ta tên của bà (Xuân Hương).
Cũng tựa như mấy chữ ghi bên cạnh tên sách Lưu Hương Ký: “Hoan-trung Cổ-nguyệt-đường Xuân Hương nữ-sử tập.” Tức đây là một cách ký tên của bà vào những tác-phẩm đó.
Do đó, ngày nay ta có thể mạnh miệng khẳng-định mà không sợ sai: Hồ Xuân Hương, “bà chúa thơ Nôm,” còn là một nhà thơ chữ Hán xuất chúng.
Một giai-nhân
Đã có lúc người ta dựa vào bài thơ Nôm “Quả mít” của bà để gán cho bà hai chữ xấu xí (“Da nó xù xì”), thậm chí có người còn mường tượng ra là bà mặt rỗ. Đó là quan-niệm của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến trong sách Giai-nhân di-mặc (1915), cuốn sách đầu tiên hư-cấu-hoá đời của bà, một quan-niệm được Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa khai triển ra thành một thuyết của Freud về “ẩn-ức” đem ứng-dụng vào văn thơ Việt-nam (trong “Cái ám ảnh của Hồ Xuân Hương,” Tiến hoá số 1, tháng 1/1936, và trong sách Văn nghệ bình dân VN, Thanh-hoá, 1951).
Song thuyết này hiển-nhiên không đứng vững khi như sau này, người ta khám phá ra bài “Quả mít” chính ra là một tác-phẩm của Đặng Thị Huệ, tức Bà Chúa Chè, người phi sủng-ái của Trịnh Sâm (1767-82), một người nếu không nghiêng nước nghiêng thành thì cũng không ai có thể nói được là không có nhan-sắc.
Thật ra, những bằng-chứng cụ-thể mà ta có về Hồ Xuân Hương đều nói đến một người đẹp. Như khi bà còn trẻ, chỉ khoảng 15-16 tuổi, một “danh-sĩ” ở làng Quỳnh-đôi, tức cùng làng với bà, Dương Tri Tạn, đã viện cớ “vịnh cái điếu bát của Cô” để mà làm mấy câu cợt nhả nhưng chắc cũng có phần nào gần sự thật:
Eo lưng thắt đáy thậm là xinh!
Điếu ai hơn nữa điếu cô mình?
Thoắt châm thoắt bén duyên hương lửa,
Càng núc càng say nỗi tính tình.
Trong thơ chữ Hán của những người giao thiệp với nàng, không ít bài ca tụng nhan-sắc có thể chim sa cá lặn của nàng. Ông Tốn Phong, chẳng hạn, khi mới gặp nàng đã tán tụng: “Hồng nhan nghi thị thác sinh nhân!” mà tôi đã từng dịch là “Ngỡ là Người Đẹp thác sinh xuống trần!” (trong bài “Tao huyền huyền thượng xuất Tao thần”). Theo cụ Hãn, đã có lần Tốn Phong đi gặp Hồ Xuân Hương về, sướng quá đã tưởng mình là “ông chài ở Vũ-lăng chèo thuyền tới Nguồn Đào, được gặp tiên.” (“Hồ Xuân Hương với Vịnh Hạ Long,” Tập san Khoa học xã hội số 11-12, tháng 12/1983)
Nhưng trong cái đẹp của nàng, nó như có cái gì bất thường. Bởi khi nàng về theo cha để mở trường dạy học ở làng Mương (nay là xã Sơn-dương, huyện Phong-châu, tỉnh Vĩnh-phú) thì có câu thơ:
Đánh gốc, bốc trà, may Tú Điếc;
Cá Kình mắc lưới, phúc Nho Trâm.
Cả ba người, Tú Điếc, Nho Trâm và “Tổng” Kình (tức Tổng Cóc) đều theo đuổi cô con gái xinh đẹp con của ông đồ Nghệ, nhưng chỉ có Tổng Kình “mắc lưới” còn hai người kia thì được xem như là thoát (“may” và “phúc”). Vậy rõ ràng nàng có thể đẹp nhưng cũng có cái nét gì để cho người ta phải coi là không được, là cần tránh. Nên khi Tổng Kình (Tổng Cóc) bắt được nàng thì lại bị coi là “mắc lưới,” chắc là do nàng tung ra.
Phải chăng nàng là một người lẳng lơ, sẵn sàng sấn tới (“Thoắt châm thoắt bén duyên hương lửa”), “aggressive” kiểu như người ta hay nói về một loại người đàn bà ở Mỹ–một loại “sexpot”?
Bởi về sau, khi đã lớn tuổi rồi, không còn bao nhiêu hứng thú trong chuyện làm tình, bà vẫn còn bị Chiêu Hổ hạ cho một đôi câu đối khá ác:
Người Cổ lại còn đeo thói Nguyệt,
Buồng Xuân chi để lạnh mùi Hương?
Những người tình trong đời bà
Cụ Hoàng Xuân Hãn đã dựa vào thơ còn lại trong Lưu Hương Ký để vẽ ra một lịch-trình người tình của Hồ Xuân Hương mà ta có thể làm thành một bảng vắn tắt như sau:
Tên Các Người Tình
Khoảng năm
Chức tước
Nguyễn Du (1765-1820) 1790-1793?
Sinh-đồ Mai Sơn Phủ 1799-1801?
Không rõ Tốn Phong 1807-1808
Thư-sinh Trần Quang Tĩnh 1808-1809
Hiệp-trấn Trần Phúc Hiển 1813- . . . .
Tham-hiệp Tốn Phong trở lại thăm, đề tựa LHK 1814
Thư-sinh Trần Ngọc Quán 1815-1816 Hiệp-trấn Trần Phúc Hiển cưới làm vợ bé1816
Tham-hiệp bị tù 1818 (thg 5 ta) bị xử tử 1819 (thg 5 ta) Xuân Hương mất 1821-1822?
Trên đây là ta theo cụ Hãn và trong chi-tiết ta có thể không đồng-ý điểm này điểm nọ. Nhưng có điều chắc chắn là những dan díu trên đây là có thật. Người thật, việc thật!
Như trường-hợp Nguyễn Du, hai nhà thơ thuộc vào hạng lớn nhất của ta ở đầu thế-kỷ XIX có thể thương yêu nhau, ít nhất là “ba năm vẹn,” phải được xem là một mối tình khá đẹp–mà ta lại còn có bằng-chứng trong bài thơ “Cảm cựu kiêm trình Cần-chánh Học-sĩ Nguyễn-hầu” với tiểu ghi: “Hầu Nghi-xuân Tiên-điền nhân” (“Ông là người làng Tiên-điền, huyện Nghi-xuân” nghĩa là không thể nhầm được).
Rồi đến Mai Sơn Phủ với những trang đẹp nhất trong thơ chữ Hán của bà dành cho ông, một người yêu chắc phải ăn ý lắm vì bà đã dành cho ông những câu thơ nồng nàn nhất (như trong bài “Xuân-đình-lan điệu”):
Tâm tại Vu-phong
Hồn tại Vu-phong
Ân ái thử tao phùng…
khi ta biết Vu-phong tức Vu-sơn, nơi Sở Tương-vương nằm mơ thấy đêm làm mây mưa (= làm tình) với Vu-sơn thần-nữ. Hay trong bài “Thuật ý kiêm giản hữu-nhân Mai Sơn Phủ” (“Thuật lại lòng mình cùng để thư cho ông bạn Mai Sơn Phủ”) bà viết:
Nhất tự sầu phân duệ
Hà nhân noãn bán khâm?
(“Từ lúc buồn chia biệt
“Ai người ấm nửa chăn?”)
Còn trong một bài thơ Nôm tặng Mai Sơn Phủ để nói lên nỗi nhớ da diết của bà, bà viết:
Nước mắt trên hoa là lối cũ,
Mùi hương trong nệm cả đêm thâu.
Vắng nhau mới biết tình nhau lắm:
Này đoạn chung-tình biết với nhau.
Để kết
Như vậy, ta có thể nói mà không sợ sai, Hồ Xuân Hương chủ-yếu là một nhà thơ tình, trong cả thơ chữ Hán lẫn thơ chữ Nôm, trong loại thơ truyền-tụng của bà.
Nếu trong thơ chữ Nôm của bà, chuyện làm tình không bao giờ xa ý của bà lắm, nó chỉ được giấu trong những ẩn-dụ mà ai cũng đọc ra được, thì trong thơ chữ Hán nó cũng không xa lắm, chuyện làm tình trong một số bài còn hiển hiện hơn nữa, thậm chí đi đến chỗ “bơ bải” nghe có vẻ phờ phạc (“Năm canh hồn bướm thêm bơ bải,” bà kết trong một bài thơ Nôm trong Lưu Hương Ký).
Thế còn những mối tình khác của bà như ta được biết trong thơ Nôm thì sao?
Cụ Hoàng Xuân Hãn bác bỏ tin cho rằng “Khóc ông phủ Vĩnh-tường” là do bà làm ra bởi, theo cụ, tên “phủ Vĩnh-tường” mãi đến năm 1833 dưới thời Minh Mạng mới có mà theo cụ, Hồ Xuân Hương đã chết khoảng năm 1821-22. Song năm chết của bà như cụ phỏng-đoán là không đảm bảo. Có khá nhiều bằng-chứng để cho ta thấy bà còn sống sang đến thời Minh Mạng.
Riêng chuyện tình với Tổng Cóc thì có lẽ nhiều cay đắng hơn là thương yêu:
Cong cóc đi đâu chẳng bảo tôi!
Nòng nọc đứt đuôi từ đấy nhé!
Nghìn năm không chuộc dấu bôi vôi.
Song thế vẫn không có nghĩa là đã không có lúc hai người ăn ở với nhau. Thành thử với Hồ Xuân Hương ta có một nữ-lưu rất tân-thời, rất hiện-đại, ngay cả trong vấn-đề đạo đức, phụ-nữ-quyền. Không còn tam tòng, tứ đức nữa mà là một phụ nữ khẳng-định chỗ đứng độc-lập của mình trong xã-hội, kể cả sự lựa chọn lấy ai, ăn nằm với ai.
Trong nghĩa này, Hồ Xuân Hương phá vỡ cái luân-lý Nho-giáo và đi trước thời-đại. Bà là một George Sand của văn-học Việt-nam, song bà còn đi trước cả George Sand (1804-1876) nữa bởi bà sống ở cuối thế-kỷ XVIII-đầu thế-kỷ XIX, nghĩa là trước nữ-sĩ người Pháp gần nửa thế-kỷ.
Nguyễn Ngọc Bích
Thơ Hồ Xuân Hương
Đánh cờ
Hồ Xuân Hương Chàng với thiếp đêm khuya trằn trọc,
Đốt đèn lên đánh cuộc cờ người.
Hẹn rằng đấu trí mà chơi
Cấm ngoại thuỷ không ai được biết.
Nào tướng sĩ dàn ra cho hết
Để đôi ta quyết liệt một phen.
Quân thiếp trắng, quân chàng đen
Hai quân ấy chơi nhau đà đã lửa
Thọat mới vào chàng liền nhảy ngựa,
Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên.
Hai xe hà, chàng gác hai bên,
Thiếp thấy bí, thiếp liền ghểnh sĩ.
Chàng lừa thiếp đương khi bất ý,
Đem tốt đầu dú dí vô cung,
Thiếp đang mắc nước xe lồng,
Nước pháo đã nổ đùng ra chiếu.
Chàng bảo chịu, thiếp rằng chẳng chịu
Thua thì thua quyết níu lấy con.
Khi vui nước nước non non,
Khi buồn lại giở bàn son quân ngà
Giếng nước
Hồ Xuân Hương
Ngõ sâu thăm thẳm tới nhà ông,
Giếng ấy thanh tân, giếng lạ lùng.
Cầu trắng phau phau đôi ván ghép,
Nuớc trong leo lẻo một dòng thông!
Cỏ gà lún phún leo quanh mép,
Cá giếc le te lách giữa dòng.
Giếng ấy thanh tân ai đã biết?
Đố ai dám thả nạ rồng rồng
Quả Mít
Hồ Xuân Hương
Thân em như quả mít trên cây.
Da nó xù xì, múi nó dầy.
Quân tử có thương thì đóng cọc,
Xin đừng mân mó, nhựa ra tay
Hang cắc cớ
Hồ Xuân Hương
Trời đất sinh ra đá một chòm,
Nứt làm hai mảnh hỏm hòm hom.
Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn,
Luồng gió thông reo vỗ phập phòm.
Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm,
Con đường vô ngạn tối om om.
Khen ai đẽo đá, tài xuyên tạc,
Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm.
Kiếp Tu Hành
Hồ Xuân Hương
Cái kiếp tu hành nặng đá đeo,
Ṿây mà chút tẻo tèo teo
Thuyền cừ cương muốn về Tây Trúc
Trái gió cho nên phải lộn leo.
Thương
Hồ Xuân Hương
Há dám thương đâu kẻ có chồng,
Thương vì một nỗi hãy còn không.
Thương con cuốc rũ kêu mùa Hạ,
Thương cái bèo non giạt bể Đông.
Thương cha mẹ nhện vương tơ lưới,
Thương vợ chồng Ngâu cách mặt sông.
ấy thương quân tử thương là thế,
Há dám thương đâu kẻ có chồng.
Vịnh cái quạt
Hồ Xuân Hương
Vịnh cái quạt (1)
Mười bảy hay là mười tám đây
Cho ta yêu dấu chẳng dời tay.
Mỏng dày từng ấy, chành ba góc
Rộng hẹp dường nào, cẵm một cay.
Càng nóng bao nhiêu thời càng mát.
Yêu đêm chưa phi lại yêu ngày.
Hồng hồng má phấn duyên vì cậy.
Chúa dấu vua yêu một cái này.
Dệt vải
Hồ Xuân Hương
Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau,
Con cò mấp máy suốt đêm thâu.
Hai chân đạp xuống năng năng nhắc,
Một suốt đâm ngang thích thích mau.
Rộng, hẹp, nhỏ, to, vừa vặn cả.
Ngắn, dài, khuôn khổ cũng như nhau.
Cô nào muốn tốt ngâm cho kỹ,
Chờ đến ba thu mới dãi mầu
Đèo Ba Dội
Một đèo, một đèo, lại một đèo,
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
Cửa con đỏ loét tùm hum nóc,
Hòn đá xanh rì lún phún rêu.
Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc,
Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo.
Hiền nhân quân tử ai là chẳng
Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo.
(1) Đèo Ba Dội hay Ba đèo tên chữ là đèo Tam Điệp, thuộc huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hoá.
Đánh Đu
Hồ Xuân Hương
Tám cột khen ai khéo khéo trồng,
Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông.
Trai đu gối hạc khom khom cật,
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.
Bốn mảnh quần hồng bay phất phới.
Hai hàng chân ngọc duỗi song song.
Chơi xuân ai biết xuân chăng tái!
Cột nhổ đi rồi, lõ bỏ không.
Mời ăn Trầu
Hồ Xuân Hương
Quả cau, nho nhỏ, miếng trầu ôi,
Này của Xuân Hương đã quệt rồi.
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá, bạc như vôi.
Qua kẽm trống
Hồ Xuân Hương
Hai bên thì núi, giữa thì sông,
Có phải đây là kẽm Trống không?
Gió đập cành cây khua lắc cắc,
Sóng dồn mặt nước vỗ long bong.
trong hang đá hơi còn hẹp,
Ra khỏi đầu non đã rộng thùng.
Qua cửa mình ơi, nên ngắm lại,
Nào ai có biết nỗi bưng bồng.
Tát Nước
Hồ Xuân Hương
Đang cơn nắng cực chửa mưa tè
Rủ chị em ra tát nước khe.
Lẽo đẽo chiếc gầu ba góc chụm,
Lênh đênh một ruộng bốn bờ be.
Xì xòm đáy nước mình nghiêng ngửa,
Nhấp nhỏm bên bờ đít vắt ve.
Mải miết làm ăn quên cả mệt,
Dang bang một lúc đã đầy phe.
Thiếu nữ ngủ ngày
Hồ Xuân Hương
Mùa hè hây hẩy gió nồm đông,
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng.
Lược trúc chải cài trên mái tóc,
Yếm đào trễ xuống dưới nương long.
Đôi gò Bồng đảo sương còn ngậm,
Một lạch Đào nguyên nước chửa thông.
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt,
Đi thì cũng dở, ở không xong.
Tranh hai Tố nữ
Hồ Xuân Hương
Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình?
Chị cũng xinh mà em cũng xinh.
Đôi lứa như in tờ giấy trắng,
Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh.
Phiếu mai chi dám tình trăng gió,
Bồ liễu thôi đành phận mỏng manh.
Còn thú vui kia sao chẳng thấy,
Trách ông thợ vẽ khéo vô tình!
Tự Tình 1
Hồ Xuân Hương
Canh khuya văng vẳng trống canh dồn.
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Chén rượu hương đưa, say lại tỉnh,
Vừng trăng bóng xế, khuyết chưa tròn.
Xuyên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con.
Chùa xưa
Hồ Xuân Hương
Thày tớ thung dung dạo cảnh chùa,
Thơ thì lưng túi, rượu lưng hồ.
Cá khe lắng kệ, mang nghi ngóp,
Chim núi nghe kinh, cổ gật gù.
Then cửa từ bi chen chật cánh,
Nén hương tế độ cắm đầy lô.
Nam mô khẽ hỏi nhà sư tí,
Phúc đức như ông được mấy bồ?
Quán Nước Bên Đường
Đứng tréo trông theo cảnh hắt heo,
Đường đi thiên thẹo, quán cheo leo.
Lợp lều, mái cỏ tranh xơ xác,
Xỏ kẽ, kèo tre đốt khẳng kheo
Ba trạc cây xanh hình uốn éo,
Một dòng nước biếc, cỏ leo teo.
Thú vui quên cả niềm lo cũ,
Kìa cái diều ai thả lộn lèo
ốc nhồi
Hồ Xuân Hương
Bác mẹ sinh ra phận ốc nhồi,
Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi.
Quân tử có thương thì bóc yếm,
Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi.
Động Hương Tích
Hồ Xuân Hương
Bày đặt đá ai khéo khéo phòm,
Nứt ra một lõ hỏm hòm hom
Người quen cõi Phật chen chân xọc,
Kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm
Giọt nước hươu tình rơi thánh thót,
Con thuyền vô trạo cúi lom khọm
Lam tuyền quyết cả phồn hoa lại,
Rõ khéo trời già để dở dom
Hồ Xuân Hương (1772 – 1822)
Hải Bằng & Bạch Cúc
Chân Dung và Thân Thế
Thơ Hồ Xuân Hương được độc giả mọi giới hâm mộ kể cà thi sĩ ngoại quốc. Thi sĩ Xuân Diệu (1916 – 1985) thán phục cách sử dụng chữ Nôm của bà nên đã gọi vinh danh bà là “Chúa Thơ Nôm” (Nôm là chữ quốc ngữ cũ viết theo kiểu chữ Nho và là tiền thân của chữ quốc ngữ mới). Thi sĩ Dimitrova người Bulgaria ca ngợi bà: “Hồ Xuân Hương là một trong những hiện tượng văn học độc đáo nhất của Việt Nam trong toàn bộ nguồn thơ mà tôi được biết trên nền thơ thế giới qua tất cả các thời đại.”
Tuy nhiên, bấy lâu nay, người đọc ít nhiều hãy còn bán tín bán nghi về nhân vật Hồ Xuân Hương (HXH) nổi tiếng với những bài thơ Ðường luật rất độc đáo lời lẽ vừa lịch lãm, thâm thúy lại vừa dí dỏm tục-thanh rất thu hút người đọc. Chẳng hạn, hai bài thơ một tao nhã, nghiêm trang; một bỡn cợt trêu ngươi như sau:
Ðài Khán Xuân
Êm ái chiều xuân tới Khán Ðài
Lâng lâng chẳng gợn chút trần ai
Ba hồi triêu mộ chuông gầm sóng
Một vũng tang thương nước lộn trời
Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn!
Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi?
Nào nào cực lạc là đâu tá?
Cực lạc là đây chín rõ mười
Vịnh Cái Quạt
Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa
Duyên em dính dán tự bao giờ
Vành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa
Mát mặt anh hùng khi tắt gió
Che đầu quân tử lúc sa mưa
Nâng niu ướm hỏi người trong trướng
Phì phạch trong lòng đã sướng chưa?
Gần đây, nhờ công trình sưu tầm công phu của một số nhà khảo cứu có uy tín trong văn học, thân thế, cuộc đời, và hoạt động thi phú của nữ sĩ họ Hồ đã dần dần được sáng tỏ giúp xây dựng lại con người trung thực của bà và giải đáp một số thắc mắc như HXH là ai? Ðẹp hay xấu? Tại sao có tới bốn đời chồng? Giăng mắc tình thơ với những ai? v.v. Thơ của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương được tìm thấy gồm: tập Lưu Hương Ký có 52 bài thơ vừa Hán (24) vừa Nôm (28) và một số bài thơ truyền tụng chép lại trong đó chắc chắn có nhiều bài không phải bà làm.
Nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương là một nhân vật có thật và không còn nghi ngờ gì nữa: HXH quả là một nhà thơ tài năng, hương sắc vẹn toàn nhưng cuộc đời lại truân chuyên. Hương sắc và thi tài của bà đã làm cho nhiều thi nhân có tiếng đương thời như Nguyễn Du, Tốn Phong thán phục và lấy đó làm nguồn thi hứng cho những tác phẩm của mình. HXH không còn phải là con người xấu xí, mặt rỗ, lại có thêm ẩn ức dồn nén về tình dục như có người đã tưởng tượng và phóng đại ra.
Các Nhà Khảo Cứu Tiên Phong
Khoảng năm 1956- 57, cụ Cử Nguyễn Văn Tú quê ở Hành Thiện tìm thấy trong tủ sách gia đình tập Lưu Hương Ký.
Năm 1963, cụ Cử Trần Thanh Mại phát hiện ra trong bài “Du Hương Tích Ðộng Ký” của Chu Mạnh Trinh có bài của Tốn Phong đề tựa cho tập Lưu Hương Ký.
Năm 1983, GS Hoàng Xuân Hãn (Paris) công bố các sưu tầm của ông trên Tập San Khoa Học Xã Hội Paris, số 10- 11 trong đó 5 bài thơ chữ Hán vịnh Vịnh Hạ Long; thơ của HXH truyền khẩu; những tình tiết về cuộc đời của HXH; các bản gia phả của họ Hồ Quỳnh Lưu; và các sách sử chép người chồng cuối cùng của bà là Quan Tham Hiệp Trấn Yên Quảng (bị tử hình, đời Gia Long).
Cụ Trần Văn Giáp, Hà Nội, tìm được 8 bài thơ chữ Hán vịnh Ðồ Sơn Bát Cảnh.
Năm 1974, Nguyễn Huệ Chi và Hồ Tuấn Niệm công bố trong Văn Học số 3 tập chép tay có 4 bài thuộc loại Lưu Hương.
Khoảng năm 1981 – 85, thi Sĩ Xuân Diệu tặng cho Nhất Uyên Phạm Trọng Chánh tập di cảo của ông trong đó có nhiều bài viết so sánh thơ HXH với thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Lê Thánh Tông. Xuân Diệu mệnh danh HXH là “Bà Chúa Thơ Nôm”.
Năm 1917, Ðông Châu Nguyễn Hữu Tiến viết cuốn Giai Nhân Dị Mặc trong dó có in nhiều bài thơ ghi là của HXH.
Từ 1913, ông Nguyễn Ngọc Xuân có máy in chữ quốc ngữ và mở nhà Xuất Bản Xuân Lan, bắt đầu in thơ của HXH. Xuân Hương Thi Tập lần đầu tiên xuất hiện phần lớn là các bài thơ châm chọc hay mô tả bóng gió cái tính giống mà nhà in không nói rõ xuất xứ từ đâu. Có thể một số bài được ngụy tạo để bán cho chạy.
Thân Thế Hồ Xuân Hương
Theo sưu tầm của Nhất Uyên Phạm Trọng Chánh: HXH tên thật là Hồ Phi Mai (nghĩa là hoa mai bay trên hồ) và hiệu là Xuân Hương. Một thi hữu thân tình của HXH là Tốn Phong đã nhắc đến chữ “Mai” trong 29/31 bài thơ tặng HXH. Tốn Phong tên thật là Phan Huy Huân (gốc gác Phan Huy Ích), hiệu là Nham Giác Phu (người ẩn trong núi mà biết việc đời). Suy luận này được GS Hoàng Xuân Hãn và Học Giả Trần Thanh Mại tán đồng.
HXH sinh năm 1772, gốc phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận, Thăng Long (Hà Nội). Ngôi nhà HXH ngụ trông ra Hồ Tây nơi có đền Khán Xuân, là nơi Vua Lê, Chúa Trịnh thường du ngoạn thưởng Xuân.
Thân phụ của HXH là ông Hồ Phi Diễn sinh 1703, mất 1786. Năm 20 tuổi, ông đậu Tam Trường (Tú Tài, 1723). Mẹ bà họ Hà ở Hải Dương, làm bé cho ông lúc đó ông đã gần 70. Ông Hồ Phi Diễn người làng Quỳnh Lôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, một gia đình tiếng tăm và lâu đời ở đó.
Hồ Quý Ly cũng xuất phát từ họ Hồ này. Có chi đổi ra họ Nguyễn như Hồ Phi Phúc sinh ra Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, và Nguyễn Lữ. Vua Quang Trung Nguyễn Huệ, Hoàng Giáp Hồ Sĩ Ðống, và HXH, và Tú Tài Hồ Phi Hội đều thuộc đời thứ 12 (theo gia phả của Hồ Phi Tích, thư viện Hoàng Xuân Hãn, Paris 8).
HXH học chữ nghĩa với cha. Nàng rất thông minh và trí nhớ tốt. Năm 13 tuổi đã làm thơ, và có biệt tài về thơ Nôm. HXH rất dạn trai, tính hồn nhiên. Bạn nàng là Dương Tri Tạn vịnh cái điếu bát (dùng hút thuốc lào) để tán tụng nàng:
Eo lưng thắt đáy thật xinh xinh
Ðiếu ai hơn được điếu cô mình
Thoát châm, thoát bén duyên hương lửa
Càng núc, càng say nỗi tính tình
Năm 1786, cha mất, thọ 84 và XH mới 14 tuổi. Nàng tự học và dạy trẻ kiếm thêm. Năm 18 tuổi, XH trổ mã rất xinh khiến Nguyễn Du Tố Như viết trong bài “Mộng Thấy Hái Sen” rằng “Hoa sen đẹp xinh xinh” và “Hoa sen ai cũng phải yêu”; “Nàng đến tự bao giờ?” “Cách hoa nghe cười nói”.
Cổ Nguyệt Ðường
Ðương thời, HXH giao du rộng rãi với những danh sĩ như Phạm Quí Thích (khắc và in thơ của Nguyễn Du), Phạm Ðình Hổ (tác giả Vũ Trung Tùy Bút),Nguyễn Huy Tự (Tác giả Hoa Tiên), Nguyễn Du, Mai Sơn Phủ, Tốn Phong, Cư Ðình, Trần Quang Tĩnh, và Trần Phúc Hiển, v.v. Họ thường tụ lại chia xẻ thơ văn tại Cổ Nguyệt Ðường được dựng nên khoảng 1815. Hậu thế chúng ta có thể xem đây là nơi bảo tồn và phát huy văn học Việt để trùng tu lại làm di tích để vinh danh HXH.
Chữ Cổ và Nguyệt ghép lại thành chữ Hồ. Cổ Nguyệt Ðường nhìn ra cảnh Hồ Tây trồng sen bát ngát hữu tình là ngôi nhà của HXH dùng làm nơi gặp gỡ đông đủ những tao nhân mặc khách vào cuối thế kỷ 18. Ðây chính là nơi có tổ chức thi thơ văn mà người đoạt giải quán quân là Trần Ngọc Quán. Bài thơ như sau:
Vào cắm Tao Ðàn một ngọn cờ
Ấy người thân đấy, phải hay chưa?
Lắc đầy phong nguyệt, lưng bầu rượu
Giắt lỏng giang hồ, nửa túi thơ
Ðình Nguyệt góp người chung đỉnh lại
Trời Hoan mở mặt, nước non xưa
Bấy nay tài tử bao nhiêu tá?
Thèo đảnh khen ai khéo đặt cho
Năm XH 35 tuổi, Tốn Phong vẫn còn làm nhiểu thơ có những câu ca tụng nàng như “Nét thanh xuân ấy, nghìn vàng cũng mua.” “Mười phần xuân sắc trời Nam”. “Người Tiên rạng rỡ từ mây đến”. “Như dáng cây mai xinh cốt cách, Mười phần xuân sắc rạng trời xanh”. Bài thơ số 22, Tốn Phong tán dương HXH như sau:
Tao Ðàn nay đã có thần
Gặp nàng đồng quận, bội phần hân hoan
Hỏi ra thật họ nhà quan
Ngắm dường tiên nữ thác thân xuống trần
Hoan Châu vốn tiếng đẹp thuần
Sao Khuê rạng rỡ mười phân vẹn toàn
Tình anh “Chín Chín Hồng Sơn”
Hoa Mai riêng chiếm trời xuân Ðế Thành
Chân Dung và Những Thẩm Ðịnh về Nữ Sĩ Họ Hồ
Ðề tựa cho thi tập Lưu Hương Ký của HXH (phát hiện năm 1964), Tốn Phong viết:
Tứ thơ dồi dào nhưng vẫn tỏ ra vui mà không buông tuồng; buồn mà không đau thương; khốn khổ mà không lo phiền; cùng mà không bức bách. Thật là do tính tình nghiêm chỉnh mà ra. Cho nên, khi hát lên, ngâm lên những lời thơ ấy, thì tay cứ muốn múa, châm cứ muốn dậm mà không tự biết. Lưu Hương Ký tuy đầy vẻ gió, mây, trăng, móc, nhưng đều tự đáy lòng mà phát ra, biểu hiện thành lời nói, lại cũng đều đúng với cái ý trên kia là xuất phát từ mối tình mà biết dừng lại trên ân nghĩa.
Cũng trong Lời Tựa trên, Tốn Phong đã dẫn lời khen của Cư Ðình tặng XH:
Cổ Nguyệt Ðường Xuân Hương học rộng mà thuần thục, dùng chữ ít mà đầy đủ, từ mới lạ mà đẹp đẽ, thơ đúng phép mà văn hoa. Thức là một bậc tài nữ.
GS Hoàng Xuân Hãn nhận xét:
Một người thẩm phán về mặt hình thức văn thái (Cư Ðình), một người xét về mặt ý tứ văn (Tốn Phong). Cả hai lời phẩm bình đều đúng. Riêng về mặt thơ Nôm, ta nhận thấy có kỹ thuật chắc, lời nghiêm nghị mà bóng bảy, từ thiết tha. Nhưng thơ trữ tình mà không có gì lả lơi hay bỡn cợt, trái với hầu hết những thơ Nôm mà ta thường đọc trong các sách báo dưới mục “Thơ Hồ Xuân Hương”.
Căn cứ vào tình ý và lời thơ chính thức của HXH trong Lưu Hương Ký và những lời nhận xét kể trên thì HXH là một người lúc trẻ có dung nhan đẹp, tính tình cởi mở, thích bỡn cợt trong mức độ, học thức rộng, có khiếu văn chương, giao thiệp rộng, và có tài sử dụng từ ngữ. Chắc hẳn rằng trước khi những sưu tầm về HXH được phổ biến rộng rãi, một số người muốn kiếm tiếng tăm hay lợi lộc nên đã thêu dệt thêm nhiều hư thoại về bà.
Ðiểm Ðộc Ðáo Trong Thơ Hồ Xuân Hương
Bàn về Thơ HXH, không thể không nói tới những nét thật độc đáo trong phẩm chất và trong thơ của bà.
Trước hết, nét thứ nhất phải nói đến là tư chất thông minh của bà thể hiện ở chỗ bà giỏi cả về chữ Hán lẫn chữ Nôm. Tại sao? Có thể dựa vào hai điều để chứng minh đề xuất này: (1) Bà ra đời mang huyết thống của một dòng dõi văn học (Hồ Quý Ky) và (2) Bà được sinh ra lúc Cụ đồ Diễn đã gần 70 tuổi: những người con sinh ra trong trường hợp cha muộn tuổi này thường rất sáng dạ, thông minh.
Nét thứ hai là thơ của bà toát ra ẩn ức (repression) của một người có tâm trạng bất đắc chí và không khép kín. Rõ ràng bà là người có văn tài mà đường chồng con lại rất hẩm hiu, không được như ý muốn (mấy đời chồng gẫy đổ và không có con). Có lẽ vì thế mà có một số người cho rằng thơ của bà mang tính “nổi loạn”, “cách mạng”, hay “khiêu dâm”. Tâm trạng bất mãn này hẵn đã đưa tới khuynh hướng giễu người và giễu chính mình trong thơ văn của bà qua những câu thơ như:
Ðền Sầm Nghi Ðống
Ghé mắt trong ngang thấy bảng treo
Kìa Ðền Thái Thú đứng cheo leo
Ví đây đổi phận làm trai được
Sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu
Bánh Trôi Nước
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bẩy nổi, ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son
Chê Thi Sĩ Dởm
Kheo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
Lại đây cho chị dạy làm thơ
Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa
Nét thứ ba là bà yêu chuộng văn Nôm mặc dầu thời đó có câu “Nôm na là cha mách qué” và bà sử dụng chữ Nôm rất tinh tế và sắc xảo, ít người sánh kịp. Hơn nữa, bà thường chọn những âm khó đọc (khổ độc) để hạ vần và rồi tạo thành những bài thơ rất tài tình và đầy thú vị trong đó ý thơ và tình thơ của bà trải ra như một bức họa mà nền của bức họa mang màu sắc đạo đức, tiếu lâm, hay châm biếm. Tỉ dụ như vần “uông”
Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông
Chúng bảo nhau rằng “ấy ái uông”
Ðặc biệt là bà ưa tiếu lâm bằng cách mô tả cái tính giống của phái nữ bằng cách lấy những vật bình thường như con ốc nhồi, quả mít, cái hang, hay cái quạt v.v. để tạo thành một bài thơ có ý tục mà lời lại thanh. Ðối với những người còn chưa có kinh nghiệm về “Hoa Dinh Cẩm Trận” (Love Battle, từ của nhà văn Hồ Hữu Tường đặt) thì đọc những bài thơ sau đây sẽ không thấy cái gì đáng đỏ mặt và ôm bụng cười cả.
Quả Mít
Thân em như quả mít trên cây
Vỏ nó xù xì, múi nó dầy
Quân tử có yêu thì dóng cọc
Xin đừng mân mó, nhựa ra tay
Con Ốc
Bác Mẹ sinh ra phận ốc nhồi
Ðêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi
Quân tử có thương thì bóc yếm
Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi
Tại sao bà thích loại tiếu lâm có tính khiêu dục này?
Có người cho rằng bà vốn lẳng lơ hay bị ám ảnh bởi đời sống sinh lý không được mãn nguyện. Nhưng tại sao không chỉ giản dị dựa vào văn phong tao nhã và sắc bén của bà thể hiện qua những bài thơ trữ tình nghiêm trang và dựa vào cái sở trường độc đáo dùng chữ tài tình của bà mà hiểu cho rằng: cũng tỉ như Vua Lê Thánh Tôn là người có cái thú làm thơ tả những nhân vật tầm thường như anh thợ cạo hay anh mõ làng thành những nhân vật anh hùng; hoặc cũng có thể tỉ như nhà văn nổi tiếng quá cố Lê Xuyên là người có cái thú tả dâm tình của nữ giới, nhưng cuộc đời của ông chứng tỏ ông đứng đắn và cương nghị. HXH cũng thế, bà chỉ là người thích chọn những đề tài thật độc đáo mà nhiều người khoái nghe nhưng lại rất ít người có thể mô tả ra bằng những lời lẽ bình dị và dễ nghe. Và, rất có thể là bà chỉ làm những câu thơ như thế để trổ tài hơn là có ý châm biếm hay giễu cợt ai. Thế thôi.
Những Mảnh Ðời Chắp Nối Của Hồ Xuân Hương
Tại sao HXH đã chịu phận làm lẽ với nhiều đời chồng và đều đứt gánh giữa đường?
Cuộc đời của mỗi con người nói chung đều gắn liền với hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh xã hội, và tâm tính của đương sự.
Hoàn cảnh gia đình và xã hội
HXH sinh vào một gia đình vốn dòng văn học: một người anh họ của HXH đậu Hoàng Giáp, nên hẳn là HXH hưởng được di truyền về tính nết văn chương của dòng họ. Nhưng gia cảnh của cha mẹ HXH lại lâm vào cảnh nghèo khó vì lúc đó đất nước ta đã và đang trải qua một thời kỳ hết sức loạn lạc, nhiễu nhương kể từ khi họ Mạc cướp ngôi Nhà Lê năm 1527, rồi Trịnh Nguyễn phân tranh, Tây Sơn khởi nghĩa, cùng với nạn bão lụt, mất mùa, quan lại nhũng lạm, giặc cướp nổi lên khắp nơi, thi cử bị bãi bỏ, cho mãi đến khi Gia Long lên ngôi (1802), đất nước mới tạm yên. Chắc hẳn cuộc sống ở quê nhà khó khăn nên cha của HXH phải di dời ra Thăng Long dạy học kiếm sống.
HXH sinh trưởng và lớn lên ở Thăng Long, đất kinh đô ngàn năm văn vật (con người và cảnh vật thanh tú). Vì có hương sắc lại thêm có tài văn chương nên HXH càng khó kiếm chồng. Vả lại, trong thời buổi loạn lạc, các khoa thi bị hoãn, nên cũng hiếm những chàng trai đồng lứa có danh phận để cưới HXH. Cuối cùng, có lẽ cũng vì số mệnh của một con người vừa có tài lại có sắc, cái số mệnh nêu trong thuyết của Nhà Nho rằng: “hồng nhan đa truân” và “tài mệnh tương đố” mà Nguyễn Du đã viết lên ngay trong mấy câu mở đầu của cuốn Ðoạn Trường Tân Thanh hay Truyện Thúy Kiều rằng:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Và nếu tin vào thuyết đó thì quả HXH cũng giống như Thúy Kiều:
Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan
Vô duyên là phận hồng nhan đã đành (câu 2660)
(Nguyễn Du: Kiều)
Vì không thể chờ đợi gặp được người vừa ý, HXH bắt buộc phải gá nghĩa với những ai có thể giúp nàng thoải mái về kinh tế để đỡ đần mẹ già, và có thì giờ giao lưu văn bút để thỏa tình thơ trong đó có những mảnh tình lãng mạn dành riêng cho một số tao nhân tri kỷ.
Ai là những người được làm chồng HXH?
Theo những truyện kể và dấu vết của các bài thơ thì có thể HXH có bốn đời chồng nhưng bà không để lại một bài thơ nói về những người chồng này trong tập Lưu Hương Ký mà chỉ thấy trong thơ truyền tụng, có lẽ vì các cuộc sống chung này đã không mang lại hạnh phúc gì cho XH.
HXH lấy chồng lần thứ nhất trong khoảng 1794 – 98 lúc XH khoảng ngoài 22 tuổi. Chuyện kể rằng người chồng thứ nhất là một thầy lang nên có bài:
Bà Lang Khóc Chồng
Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì
Thương chồng nên khóc tỉ tì ti
Ngọt bùi thiếp nhớ mùi cam thảo
Cay đắng chàng ơi vị quế chi
Thạch nhũ, trần bì sao để lại
Quy thân, liên nhục tẩm mang đi
Dao cầu thiếp biết trao ai nhỉ?
Sinh ký, chàng ơi, tử tắc quy
Người chồng thứ nhì bà lấy trong khoảng từ 1802 đến 1806. Lần này bà làm lẽ cho một vị chánh tổng tức là Tổng Cóc nên có bài thơ đề “Khóc Tổng Cóc”. Hai người sống chung được ít lâu rồi chia tay. Hiện nay ở Vĩnh Yên (Sơn Tây) vẫn còn từ đường của Chánh Tổng Cóc. Trong thân phận làm lẽ, bà tất phải cảm thấy tủi buồn vì không xứng với tài sắc của bà và bài thơ “Làm Lẽ” đã được cấu trúc với những tình ý thật não nùng mô tả trọn vẹn tâm trạng chung của người vợ lẽ khiến ai đọc cũng phải cảm thương.
Làm Lẽ
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Năm thì mười họa, chăng hay chớ
Một tháng đôi lần, có cũng không
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm
Cầm bằng làm mướn, mướn không công
Thân này ví biết dường này nhỉ
Thà trước thôi đành ở vậy xong
Theo bài viết nhan đề “Tổng Cóc với Xuân Hương” của nhà thơ Nguyễn Phú Long (Richmond, VA) đăng trong Tạp Chí Cỏ Thơm số 26 (2004) thì tên thật của Tổng Cóc là Cốc. Tên “Cóc” là do người dân Sơn Tây đặt cho ông để tỏ lòng kính phục ông đã có gan làm những việc phúc đức như vớt thây người chết trôi rồi mai táng lại. Người đời có những câu như “Gan cóc tía” và “Con cóc là cậu ông Trời”. Theo chuyện kể của Nguyễn Phú Long thì HXH lấy Tổng Cóc để có nơi nương tựa lúc gia đình gặp khó khăn. Rồi vì bị vợ lớn ghen nên bà bỏ đi, trở lại Khán Xuân. Lập luận này có hợp lý không khi mà việc bỏ vợ, bỏ chồng vào thời đó cũng phải được luật lệ cho phép? Bộ Luật Hồng Ðức tức Quốc Triều Hình Luật đời Vua Lê Thánh Tôn (1442- 1497) minh thị “Người vợ tự ý bỏ nhà chồng, dù là về với bố mẹ ruột, bị coi là phạm trọng tội”. Vả lại, bà vốn có ăn học, dòng dõi, nên tuy thích bỡn cợt, nhưng không vì thế mà bỡn cợt cả với chồng. Dù sao thì cũng có bài thơ mà không biết có phải của bà không?
Khóc Tổng Cóc
Chàng Cóc ơi! Chàng Cóc ơi!
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi
Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé
Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi
Người chồng thứ ba bà lấy trong khoảng 1810 – 1812. Lần này bà lấy một quan Tri Phủ nên có bài “Khóc Ông Phủ Vĩnh Tường”. Theo GS Hoàng Xuân Hãn thì sự kiện này không có vì Phủ Vĩnh Tường mãi tới năm 1822 mới có tên. Phủ đó mới đầu có tên là Tam Ðái rồi đổi thanh Tam Ða, rồi Vĩnh Tường. Do đó, GS HXH kết luận bài thơ “Khóc Ông Phủ Vĩnh Tường” không phải là của HXH.
Khóc Ông Phủ Vĩnh Tường
Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ôi!
Cái nợ ba sinh đã trả rồi
Chôn chặt văn chương ba thước đất
Tung hê hồ thỉ bốn phương trời
Cán cân tạo hóa rơi đâu mất?
Miệng túi càn khôn khép lại rồi!
Hăm bẩy tháng trời đà mấy chốc
Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ôi!
Người chồng thứ tư là quan Hiệp Trấn Yên Quảng Trần Văn Hiển cưới bà làm thiếp vào khoảng năm 1816. Trong giai đoạn này, HXH tham dự việc quan với chồng và bà có viết sáu bài thơ “Vịnh Ðồ Sơn Bát Cảnh” bằng chữ Hán. Chẳng may, quan Trần Văn Hiển bị vu cáo đòi hối lộ và bị Vua Gia Long phê “Tham nhũng như thế mà không giết thì lấy gì khuyên liêm.” Tháng Năm, 1819, Trần Văn Hiển bị tử hình. Ðó cũng là giai đoạn Vua Gia Long luận tội nhiều công thần như Hữu Quân Nguyễn Văn Thành, Tả Quân Lê Văn Duyệt, Ðại Công Thần Lê Chất.
Sau lần gãy gánh này, HXH phải là rất đau khổ nên lánh tu ở Chùa Hoa Yên, núi Yên Tử. Nhưng chắc HXH không có số tu nên được ít lâu, bà lại trở lại Khán Xuân, mở cửa Cổ Nguyệt Ðường tái giao lưu xướng họa với các bạn thơ mới và cũ như là để trả cái nghiệp thi văn mà bà còn nặng nợ. Bà mất năm 1822, hưởng dương 51 tuổi, mộ chôn tại làng Nghi Tàm, Hồ Tây. Thật là:
Ngẫm hay muôn sự tại Trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần, phải phong trần
Cho thanh tao, mới được phần thanh tao
Có đâu thiên vị người nào
Chữ tài, chữ mệnh dồi dào cả hai
Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần
Ðã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn Trời gần Trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài
(Nguyễn Du: Kiều, câu 3241 – 3252)
Chúng ta đã có một cái nhìn khái quát về chân dung và thân thế của nữ sĩ Hồ Xuân Hương: bà là một thi nhân vừa có hương sắc vừa có biệt tài về loại thơ Nôm dí dỏm mà Xuân Diệu, nhà thi sĩ hàng đầu của tình yêu, đã mệnh danh bà là “Bà Chúa của Thơ Nôm”, nhưng bất hạnh thay cho bà là số phận chồng con lại hẩm hiu khiến bà phải mở tung cửa trái tim đón nhận tình yêu của một số tri kỷ của bà qua thơ văn để thỏa mãn những khao khát tự nhiên của tâm hồn còn tràn đầy nhựa sống.
Những Mảnh Tình Thơ của Hồ Xuân Hương
Trước khi bàn về “Những Mảnh Tình Thơ của HXH”, xin hãy cùng nhau nhìn tổng quát xem trong cổ kim, đông tây, tình yêu (TY) đã được quan niệm như thế nào ngõ hầu có thêm ánh sáng soi rọi vào hoàn cảnh của nhà thơ nữ vừa đa tài vừa đa tình như HXH.
Không ai rõ loài người đã biết yêu đương từ bao giờ, nhưng có thể chắc chắn là tình yêu đã nẩy nở qua khúc nhạc ái ân trong đó Thần Tình Yêu Venus chỉ viết tặng cho phần dạo khúc (prelude) còn chính đôi tình nhân tự viết lấy lời ca (Lyric) cho cuộc đời mình. Có thơ rằng:
Tình Yêu đến từ vừng Thái Dương
Người yêu ơi đừng lạc bước quên đường
Thuyền ta đợi bến lâu rồi
Cùng lên dạo Khúc Ca Ðời
Kẻo ngày tháng trôi mau người ơi!
(Hải Bằng HDB)
Từ những khúc nhạc ái ân, nhiều đóa hoa TY nẩy nở ra và chia thành hai loại chính: tình yêu bao la và tình yêu hạn hẹp hay tình yêu vị tha và tình yêu vị kỷ. Nhà thơ Lamartine của Pháp viết:
Aimer pour être aimé, c’est de l’homme
Aimer pour aimer, c’est de l’ange
Thế nhân yêu để được yêu
Thiên thần yêu với tình yêu vô thường
Vâng, thế gian dễ gì có mấy người yêu chỉ để mà yêu? Ngoại trừ một số nhỏ những tu sĩ đã hiến dâng trọn vẹn con tim cho Thiên Chúa hay cho Ðức Phật, còn phàm nhân mấy ai thoát khỏi lưới TY?
Trong loại TY bao la có TY thiên nhiên và TY đồng loại. Trong loại TY hạn hẹp có TY quê hương gồm tổ quốc và nòi giống; TY gia đình gồm cha mẹ, vợ chồng, và con cái; TY nghệ thuật gồm văn, thơ, ca nhạc, và hội họa, và điêu khắc.
Nhưng bản chất của TY là gì? Bản chất của TY là sự say mê. Không say mê, không có TY. Tuy nhiên mức độ say mê tùy thuộc vào trình độ văn hóa và giáo dục của cá nhân. Do đó có dạng TY thô lỗ và dạng TY thơ mộng. Trong các dạng TY đó, TY lứa đôi (trai gái) có nội dung quan trọng nhất và nhiều màu sắc nhất vì nó tạo những rung cảm tột độ chi phối suốt cả cuộc đời con người:
Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm chưa dễ đã ai quên!
Nguyễn Công Trứ (1778- 1858), đồng thời với HXH, đã bẩy ba tuổi mà vẫn còn cưới nàng hầu và ngơ ngẩn vì tình. Và đây đoạn trích trong một bài hát nói của tiên sinh:
Trẻ Tạo Hóa ngẩn ngơ lắm việc
Già Nguyệt Ông cắc cớ trêu nhau
Kìa những người mái tuyết đã phau phau
Run rẩy kẻ đào tơ còn mảnh mảnh
Tân nhân dục vấn lang niên kỷ
Ngũ thập niên tiền, nhị thập tam
[Cô dâu muốn hỏi tuổi chàng
Năm mươi năm trước ràng ràng hăm ba]
Càng tài tử càng nhiều tình trái
Cái sầu kia theo hình ấy tạo ra
Mua sầu lại kẻ hào hoa
Trong các thế hệ sau đó bắt đầu từ đầu thế kỷ thứ 20, TY càng được các tài tử và giai nhân tỏ lộ nhiều hơn. Một TTKH vẫn không thể quên được Thâm Tâm, người yêu cũ:
Cho tôi ép nốt dòng dư lệ
Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên
Nhưng điển hình vừa lãng mạn vừa nghĩa khí là thi sĩ bất khuất Vũ Hoàng Chương (VHC, 1915- 1976, Nam Ðịnh) là tác giả hai câu thơ biếm sau 30.4.75:
Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý
Ðồng Khởi Vùng Lên mất Tự Do
(Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Công Lý, Ðồng Khởi, và Tự Do là những tên đường phố Saigòn mới và cũ).
Người yêu ban đầu của VHC là Tố Uyển lên xe hoa ngày 12.6.41 về nhà chồng làm quan Tri Huyện. VHC như muốn chết cả đời người và đã làm bài thơ “Mười Hai Tháng Sáu” (1941) có những câu như:
Mười năm thôi thế mộng tan tành
Mười năm trăng cũ ai nguyền ước
Tố của Hoàng ơi, Tố của anh!
Tháng Sáu, Mười Hai từ đây nhé
Chung đôi – từ đây nhé lìa đôi
Em xa lạ quá đâu còn phải
Tố của Hoàng xưa, Tố của tôi!
VHC, chàng thi nhân bị lỡ chuyến đò tình, đã tưởng tượng ra rằng Tố Uyển rất đau khổ vì bị ép duyên và sống không hạnh phúc. Nhưng 31 năm sau, tình cờ VHC được bà GS PhạmThị Nhung cho biết: Tố Uyển đã không bị ép duyên. GS Nhung nói với VHC: “Bà Tố không phải là người tham đó, bỏ đăng. Bà Tố đã chờ đợi trong hai năm mà gia đình ông không tới hỏi. Hai bên thật sự cũng chưa có hẹn ước gì, bà Tố lấy quyền gì, lấy tư cách gì để mà chờ đợi? Nên sau phải nghe lời cha mẹ mà lấy chồng …” (Cỏ Thơm số 39, Hè 2007, tr. 56).
Với một số tán luận về tình yêu nêu trên tưởng cũng tạm đủ để soi rọi cho thấy rằng TY trai gái quả là một cái gì thật kỳ diệu, bền bỉ như sức hút của nam châm, nóng bỏng như lửa rừng, mãnh liệt như nguồn thác, và cũng phẳng lặng như mặt nước hồ thu, hay rạng rỡ như bình minh mới ló dạng. Và, thật sự chưa một ai có thể đưa ra một định nghĩa hoàn chỉnh về TY nhưng có thể nói rằng: có bao nhiêu trái tim yêu thì có bấy nhiêu định nghĩa của TY và con người sẽ chết nếu không còn tình yêu.
Ðời chưa dứt Ngọn Lửa Tình
Ta còn phải viết chuyện mình thầm yêu
Hoa nào không rủ bướm?
Bướm nào chẳng quyến hoa?
Dù mảnh tình thoáng qua
Cũng cho đời hương lạ
Làm ngây ngất hồn ta
Chẳng bao giờ xóa nhòa
(Hải Bằng.HDB: Hương Yêu)
Và, không mấy người yêu thơ mà không biết bốn câu sau của nhà thơ tình Xuân Diệu:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu
HXH đã giữ hình ảnh của những ai trong trái tim tình của mình?
Trước hết phải nói rằng XH có một tâm hồn lãng mạn với một ý chí vững vàng. Tại sao vậy? – Bởi vì XH đẹp, lại có tâm hồn văn chương, và được giáo dục tốt. Người nào có tâm hồn văn chương mà không lãng mạn cũng như người nào có tâm hồn ăn uống mà lại nhịn ăn? Tưởng cũng nên để ý rằng vào cuối thế kỷ thứ 18, cái không khí lãng mạn trong thi văn đã tỏa ra từ nhiều tác phẩm thơ Nôm lục bát như Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự (1743- 1790) mô tả truyện tình giữa Lương Sinh và Giao Tiên, cả hai đều xuất thân từ quí tộc, cùng trải qua một cuộc tranh đấu giữa tình cảm và lý trí, giữa tình yêu tự do thoải mái và khuôn khổ lễ giáo khắt khe. Hay, truyện Phan Trần, thơ Nôm lục bát, khuyết danh (hai họ Phan – Trần, đời Tống, thế kỷ 11) mô tả một chuyện tình rất say đắm, ngọt ngào, và tự nguyện yêu nhau của một đôi trai tài, gái sắc diễn ra từ một ngôi chùa. Lời văn viết rất lãng mạn đến nỗi người ta có câu: “Ðàn ông chớ kề Phan Trần; đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều.” Xin trích dẫn một đoạn đối đáp giữa Ni Cô Diệu Thường (Trần Kiều Liên) và Phan Tất Chính lúc chàng đang khuya lẻn tìm đến chốn ni cô ngỏ lời van xin tỏ tình với nàng.
Họ Phan van xin:
Người ở trong đó có thương người ở ngoài này chăng? Nhờ có lời thăm hỏi khiến vãn sinh khỏi bệnh [tương tư] nên đánh bạo đến đây tạ lòng. Nàng đã có lòng thương hỉ xả bao dong cho, nỡ nào để vãn sinh chịu gió sương lạnh lùng ở ngoài này!
Diệu Thường kinh ngạc đáp:
Ở đây tai vách mạch rừng, lại giữa lúc đêm hôm khuya khoắt, xin người chớ có nhiều lời. Tiểu ni đã quyết giữ trọng một bề rồi, người có lòng thương, tiểu ni cũng đội ơn, mà người có trách thì tiểu nhi cũng đành chịu. Rút dây chẳng sợ động rừng hay sao mà người dám làm những chuyện lố lăng như vậy để cho miệng thế cười chê? Thôi, thôi, tiểu ni van lạy người hãy bỏ qua đi và trở về nghỉ ngơi tĩnh dưỡng kẻo bệnh tình tái phát thì nguy hiểm biết chừng nào.
Những lời văn ướt át như trên hiện vẫn còn tồn tại trong những vở tuồng cải lương có đệm theo với sáu câu vọng cổ thật là mùi. Cho nên, tâm hồn của XH không thể không chịu ảnh hưởng của loại văn chương lãng mạn của thời đại và quả XH đã yêu và đã không chỉ yêu có một người, vì mỗi thời điểm, mỗi hoàn cảnh đưa đẩy, XH lại tìm thấy những rung động mới của con tim chưa bị hoàn toàn chiếm hữu bởi một ý trung nhân nào và XH luôn luôn còn tự do để mà giăng mắc, vẫn trong vòng lễ giáo, với những người hiểu nàng, biết giá trị của nàng, và trên hết, thành thực có tình yêu với nàng, ít nhất là về mặt văn bút.
Người yêu thuở ban đầu của XH là ai?
Người đó là Nguyễn Du (ND) tự là Tố Như, mặc dầu lúc đó Nguyễn Du, 25 tuổi, đã có vợ (nghe lời anh lập gia đình vào năm 1786 và về ở bên vợ họ Ðoàn ở để có chỗ tạm nương thân, và rồi được đề bạt làm Chánh Thủ Hiệu tại Thái Nguyên, thời Chúa Trịnh) còn XH đang độ xuân-thì phơi phới 18 tuổi xanh. Trong khoảng 1790 – 1793, hai người đã “yêu vì nết, trọng vì tài” và chỉ tỏ tình với nhau qua thơ văn mà thôi.
Chắc vì nhà XH ở ven Hồ Tây và thường ngày XH xuống hái sen, nên ND mới làm bài “Mộng Thấy Hái Sen” kín đáo tỏ tình với XH bằng những câu như: “Hoa sen đẹp xinh xinh” và “Hoa sen ai cũng phải yêu”, “Nàng đến tự bao giờ? Cách hoa chỉ thấy tiếng cười” và “Hái sen chớ đụng ngó. Năm sau hoa chẳng sinh”.
Những lời tán tụng phát xuất tự con tim của chàng như thế làm sao trái tim yêu còn trinh nguyên của nàng không khỏi rung động bồi hồi? Ðấy là những dấu ấn của tình yêu thật khó phai. Thật là:
Trong cảnh Hồ Tây, trời thơ hôm đó
Ðóa sen nào?
Rung cánh trước hơi thở của tình yêu?
(Hải Bằng.HDB)
Tình yêu ban đầu của XH dành cho Tố Như được nàng thố lộ trong 14 bài gửi cho ND còn ND gửi cho XH 6 bài (theo biên khảo của TS Phạm Trọng Chánh) và mối tình này có lẽ kéo dài khoảng ba năm (1790- 1793). Ðây là một vài câu đối đáp giữa Tố Như và Xuân Hương:
ND viết: “Tây Hồ cảnh đã hoang vu”
XH đáp: “Phong cảnh Tây Hồ chẳng khác xưa” (phải chăng XH muốn nói nàng vẫn yêu ND?)
Rồi XH xác quyết thêm: “Cây có vầng xanh tỏ tấm lòng” [Ô, thật say sưa quá!]
ND đáp: “Một vầng trăng sáng tỏ tình ta” [Ô, thật mê ly quá!]
Nguyễn Du Tố Như tiên sinh có một bài thơ chữ Hán tựa đề là “Ðộc Tiểu Thanh Ký Cảm Tác”.
Theo lời kể lại của Tịnh Thủy Tôn Thất Tùng lúc qua Hàng Châu, Trung Quốc vào năm 1986, ngoạn cảnh Tây Hồ, ông được một người Tàu gốc Việt tên là Quách Hán cho coi bức tranh có bài thơ “Ðộc Tiểu Thanh Ký Cảm Tác” (ÐTTKCT) của Nguyễn Du làm lúc Nguyễn Du đi sứ năm 1813. Tố Như tiên sinh đã đọc truyện viết về nàng Tiểu Thanh dưới đời Vua Hiển Tông, Nhà Minh (1472). Tiểu Thanh là một người con gái có sắc đẹp lại giỏi văn thơ, nhưng lấy phải một người đã có vợ rất ghen tương. Bà này đối xử với Tiểu Thanh rất tàn tệ khiến nàng phải dọn ra ven Tây Hồ sống trong một túp lều tranh. Một ngày kia, người ta thấy túp lều bốc lửa, Tiểu Thanh bị chết cháy, và trong đống tro còn một số văn thơ của nàng. Một văn nhân nghe chuyện bắt lòng thương cảm mà viết thành truyện. Nguyễn Du tìm đọc được cốt truyện đó đem động lòng trắc ẩn mà cảm tác ra bài thơ nói trên được nhà thơ Vũ Tam Tập dịch như sau:
Ðộc Tiểu Thanh Ký (Cảm Tác)
Hồ Tây cảnh đẹp hóa gò hoang
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn
Son phấn có thần chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi
Cái án phong lưu khách tự mang
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng?
(Nguyễn Du, 1813, Hàng Châu, TQ)
Nguyễn Du làm bài này để khóc cho Tiểu Thanh thì là hẳn rồi. Nhưng duyên phận hẩm hiu của Tiểu Thanh thì giống với Xuân Hương. Như vậy, qua hình ảnh của Tiểu Thanh, Nguyễn Du có thể làm bài này cũng là để khóc cho cả XH nữa chăng? Tôi nghĩ: là một người vốn nòi tình (như Chu Mạnh Trinh tự thú rất say mê Thúy Kiều), và vốn rất đặm tình với XH, Nguyễn Du không thể chỉ cảm thương riêng với Tiểu Thanh, hay với Thúy Kiều.
Mặt khác, cũng qua bài “Ðộc Tiểu Thanh Ký Cảm Tác” này lại nẩy sanh thêm một điểm tranh cãi mới do nhà thơ Diệu Tần nêu ra trong bài “Ðọc Hồ Xuân Hương: Nàng Là Ai” (đăng trong Xuân Thu Hè 2202, tr. 10. Theo Tiến Sĩ (Khoa Giáo Dục, Sorbone, Paris) Phạm Trọng Chánh (tiếp nối GS Hoàng Xuân Hãn để hoàn thành cuốn Hồ Xuân Hương Toàn Tập) thì hai chữ Tố Như trong bài thơ ÐTTKCT không là tên tự (tên chữ Nho) của Nguyễn Du mà chỉ là một từ ngữ thông thường chỉ một người đẹp và vì thế TS P.T.Chánh đã chỉ viết hai chữ tố như với chữ thường (không hoa). Ngược lại, nhà thơ Diệu Tần thì khẳng định Tố Như là tên tự của Nguyễn Du. Ngoài ra, ông Diệu Tần cũng nêu lên thắc mắc: hai câu trong ÐTTKCT: “Bất tri tam bách dư niên hậu – Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa – và Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như – Người đời ai khóc tố như chăng?”, không rõ là hai câu “khẩu chiếm” (nói lúc sắp qua đời) của ND hay là ở trong ÐTTKCT? Theo lời kể của ông Tôn Thất Tùng vừa nêu trên thì có lẽ thắc mắc này đã được giải quyết. (Xin gõ vào Google: Ðộc Tiểu Thanh Ký sẽ thấy tài liệu.)
Theo tôi, Tố Như đúng là tên tự của Nguyễn Du. Trong thời Nho Giáo, con trai sinh trong dòng danh gia, vọng tộc (xuất thân văn học) còn ở tuổi vị quan (19 trở xuống) thì chỉ có tên tục hay húy do cha mẹ đặt cho. Khi người con tới tuổi nhược quan, nghĩa là coi như quan (20 tuổi), thì gia đình làm lễ “Gia Quan” tức là lễ đội “Mão” (quan ) cho cậu ta, coi như từ nay cậu là quan, quan trong nhà, và cậu ta được tự chọn một tên mới gọi là tên tự (chữ Nho) đặt sau tên húy để tỏ tâm chí của mình. Ðó là do cái lệ chỉ làm quan mới có mão vua ban, còn làm lính hay thường dân thì đội nón thôi. (Lính thú ngày xưa: Ngang lưng thì thắt bao vàng; đầu đội nón dứa vai mang súng dài).
Cũng kể từ đó, bạn hữu, gia nhân sẽ không lấy tên tục của cậu ta để gọi nữa mà dùng tên tự. Nhưng, riêng cậu ta lại chỉ dùng tên tục để xưng hô chứ không dùng tên tự. Ngoài ra cậu còn chọn một tên nữa gọi là tên hiệu (bút hiệu) nếu cậu có viết lách. Trong trường hợp này, nhà thơ Diệu Tần cũng nêu một tỉ dụ về lề lối giao tiếp ngày xưa là: trong Tam Quốc Chí, Lưu Huyền Ðức khi xưng hô, chỉ nói “Bị này …”, vì Bị là húy của ông ta. Nguyễn Du chọn tên hiệu là Thanh Hiên. Tên hiệu đặt trước họ; tên tự đặt sau họ: Thanh Hiên Nguyễn Tố Như.
Trở lại với HXH, Nguyễn Tố Như đã có tình thơ văn rất thân mật với nàng. Nhưng rồi mọi sự ở đời đều phải trôi qua, song chắc chắn rằng dù thời gian có phôi phai, những kỷ niệm của Ngày Xanh sẽ chẳng bao giờ xóa nhòa trong tâm trí của đôi kẻ yêu nhau, bởi vì:
Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm chưa dễ đã ai quên (Xuân Diệu?)
Và,
Người yêu thuở ban đầu khó quên
Người yêu đến như vừng Thái Dương
Người yêu ơi đừng lạc bước quên đường
Thuyền em đậu bến lâu rồi
Mời lên dạo khúc ca Ðời
Kẻo ngày tháng trôi mau người ơi!
(Hải Bằng.HDB: Hương Yêu, tr. 41)
Người tình thơ thứ nhì của XH là Mai Sơn Phủ trong khoảng 1799 đến 1801.
Sau khi mối tình thơ với ND đã tạm lắng xuống, XH giao duyên thi phú đậm đà với Mai Sơn Phủ, lúc đó còn là một thư sinh chưa có danh phận gì, nhưng nổi tiếng thi văn. Trong Lưu Hương Ký, XH đã lưu lại nhiều bài nhất trao cho chàng họ Mai này. Nhưng, duyên nợ của Hồ – Mai chưa có nên vào khoảng năm 1801, chàng từ biệt XH về thăm quê ở Hoan Châu rồi từ đó tin nhạn vắng tanh, khiến XH lòng buồn khôn xiết. Ðây là bài XH họa bài thơ của Mai Sơn Phủ trong Lưu Hương Ký nhắc lại một chút kỷ niệm đã cùng ngắm hoa và mặn nồng bên nhau:
Họa Sơn Phủ Chi Tác
Này đoạn chung tình biết mấy nhau
Tiễn đưa ba bước cũng nên câu
Trên tay khép mở tanh chiều nhạn
Trước mặt đi về gấp bóng câu
Nước mắt trên hoa là lối cũ
Mùi hương trong nệm tỏa đêm thâu
Vắng nhau mới biết tình nhau lắm
Này đoạn chung tình biết mấy nhau
Và đây là một đoạn trích trong bài “Nói Rõ Ý Trình Bạn Mai Sơn Phủ”:
Chàng có lòng
Ta cũng có lòng
Trong hồn mộng quyến luyến nhau dưới bóng liễu
Thơ ta cùng ngâm
Trăng ta cùng thưởng
Từ lúc buồn chia tay chàng
Ai là người chỉ ấm nửa thân?
Chớ gẩy đàn ly biệt mà oán bạn tri âm
Hãy cất chiếc đàn đi
Và hiểu thầm nhau trong lúc cao sơn lưu thủy
Ðừng buồn hận mà than cho nỗi xưa nay
Mối tình thứ ba của nàng là mối giao lưu văn bút rất đậm đà với Tốn Phong từ năm 1807.
Ðây là giai đoạn Vua Gia Long đã ổn định chủ quyền trên toàn quốc nên có nhiều xuất hiện thêm nhiều nhân vật danh phận, chức tước như Tốn Phong, Trần Quang Tĩnh, Trần Ngọc Quán, và Trần Phúc Hiển lui tới Cổ Nguyệt Ðường của XH làm cho Tao Ðàn mỗi ngày một thêm nhộn nhịp.
Trường hợp nào Tốn Phong gặp XH? Xin hãy đọc đoạn văn trích trong “Bài Tựa Tập Thơ Lưu Hương Ký” của Tốn Phong:
Mùa Xuân năm Ðinh Mão [1807] tôi đến Thành Thăng Long [thi Hương bị rớt]. Nhân cùng bạn là Cư Ðình nói chuyện vế các tài tử xưa nay, bạn ấy nói cho tôi biết cùng tỉnh với tôi có người phụ nữ là Cổ Nguyệt Ðường Xuân Hương, học rộng mà thuần thục, dùng chữ ít mà đầy đủ, từ mới lạ mà đẹp đẽ, thơ đúng phép mà văn hoa, thực là một bậc tài nữ.
Tôi liền tìm tới hỏi thăm. Khi hỏi đến tên họ mới biết cô ta là em một ông lớn họ Hồ, đậu Hoàng Giáp, người làng Hoàn Hậu, Huyện Huỳnh Lưu. Chúng tôi mới tình cờ gặp nhau lần đầu, mà đã thành ra đôi bạn thân thiết. Trong những khi uống rượu ngâm thơ, kẻ xướng người họa, tứ thơ dồi dào, nhưng vẫn tỏ ra vui mà không buông tuồng, buồn mà không đau thương, khốn mà không lo phiền, cùng mà không bức bách.
Từ đó, có những lúc tôi phải bôn ba vào Nam ra Bắc, không thể cùng nhau sớm hôm xướng họa. Còn Xuân Hương thì cũng vì mẹ già, nhà túng mà ăn ở không yên ổn.
Sang mùa Xuân Giáp Tuất [1814, lại rớt thi Hương] tôi tìm tới chỗ ở cũ của cô, hai bên vừa mừng, vừa tủi. Xuân Hương liền cầm tập Lưu Hương Ký đưa cho tôi xem mà bảo tôi rằng: “Ðây là tất cả thơ văn trong đời tôi từ trước tới nay, nhờ anh làm cho bài tựa.” Tôi mở tập ấy ra xem thì thấy những bài thơ năm chữ, bẩy chữ, những điệu ca, phú và từ chép đầy một quyển. Thoạt đầu tôi hết sức kinh ngạc lạ lùng, rồi dần dần càng đọc càng thấy lòng thư thái mà trở nên vui thích khoái trá. …
Sau đó, XH còn giăng mắc tình thơ thân mật với Quan Hiệp Trấn Sơn Nam Hạ Trần Quang Tỉnh (1808) và Quan Hiệp Trấn Sơn Nam Thượng Trần Ngọc Quán (1815).
Cả hai mối tình có lẽ đã đến sau mối tình của quan Tham Hiệp Trần Phúc Hiển cưới nàng về làm thiếp vào năm 1816 và đưa XH về ngụ ở vùng Vịnh Hạ Long.
Ðây là một trong năm bài thơ vịnh cảnh Hạ Long ghi trong Lưu Hương Ký, lời thơ rất trong sáng và trang nhã.
Qua Vùng Hoa Phong
Lá buồm thủng thỉnh vượt Hoa Phong
Ðá đụng bờ son mọc giữa dòng
Dáng nước lần theo chân núi chuyển
Mình lèn lên để lối duềnh thông
Cá rồng ẩn nấp hơi thu nhạt
Âu lộ cùng bay bóng xế hồng
Băm sáu phòng mây cùng động ngọc
Ðâu nào là chốn Thủy Tinh Cung?
(GS Hoàng Xuân Hãn dịch)
Sau khi Trần Phúc Hiển bị xử tử hình thì XH quá sầu đau bỏ lên Chùa Hoa Yên ít lâu cho khuây khỏa rồi lại trở về Cổ Nguyệt Ðường để ôn lại những chuỗi ngày đầy kỷ niệm vui buồn lẫn lộn. Hồi ức cuộc đời mình nhiều buồn tủi thương đau hơn là hạnh phúc đã khiến cho XH sớm từ giã cõi đời vào lúc mới 51 tuổi.
Năm 1842, Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, theo anh là Vua Thiệu Trị ra Thăng Long tiếp sứ Tầu, có làm 14 bài thơ tứ tuyệt liên hoàn lúc viếng cảnh Hồ Tây trong đó có đoạn việt về mộ của HXH như sau:
Ðầy hồ rực rỡ hoa sen
Sai người xuống hái để lên cúng dường
Chớ trèo qua mộ Xuân Hương
Suối vàng còn giận tơ vương lỡ làng
Son tàn, phấn rữa, mồ hoang
Xuân Hương đã khuất bên hàng cỏ xanh
U hồn say tít làm thinh
Gió Xuân mấy độ vô tình không hay
(GS Hoàng Xuân Hãn dịch)
HXH sinh ra và lớn lên bên đầm sen ở ven Hồ Tây và thường ra đó hái sen. Khi qua đời, mộ bà được chôn cất cũng bên cạnh đầm sen. Cuộc đời của bà như đã gắn liền với hoa sen. Bà là Ðóa Sen Chúa và có một cái gì rất gần gũi với bốn câu ca dao:
Trong đầm gì đẹp bằng sen?
Là xanh, bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng, bông trắng, lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
Tóm Lược Một Bài Viết về Thơ Hồ Xuân Hương
Dưới đây là nguyên văn của Huy Phong và Yến Anh viết trong Sự Hiện Diện của Dâm Thơ trong Dòng Văn Học Việt Nam:
Thật ra, nếu cứ gọi hết thẩy là văn chương tráo phúng đề cập ít nhiều đến cái “giống” hay chuyện ái ân đều là dâm thư thì có lẽ vấn đề đầu tiên là phải tách bạch phân chia các tác giả dùng nghệ thuật này để chọc cười đọc giả [HP và YA viết “đọc” chứ không phải : độc”] làm hai loại khác nhau.
1 . Thứ nhất là những người lấy cái “giống” và khai thác những chuyện chung quanh đó như thứ đề tài tích cực để gây cười trực tiếp, trắng trợn. …
2 . Thứ hai là những nghệ sĩ mô tả những hình ảnh chung quanh cái “giống” như một thứ cảnh tượng nửa hư nửa thực, nửa rõ nét, nửa chập chờn, nửa sống sượng, nửa bâng quơ; một loại màu sắc bóng bẩy; một câu chuyện vui nhẹ nhàng; một đề tài vừa bởn cợt, vừa xây dựng. …
Ðứng trên phương diện lịch sử văn học mà xét – và nếu có một cuộc trưng cầu ý kiến, hay thăm dò dư luận – để bầu tác giả, thuộc khuynh hướng thứ hai nói trên, có tài chọc cười thiên hạ bằng những bài thơ “tục” một cách thanh tao tài tình nhất, một cách phong nhã vui nhộn nhất, chắc chắn người được giải quán quân sẽ không ai khác hơn là Hồ Xuân Hương (? – ?), tác giả chọc cười một cách … tục nhứt trong văn học Việt Nam.
Huy Phong và Yến Anh nêu lên hai thắc mắc:
(1) “Hồ Xuân Hương là thi sĩ hay đó chỉ là tên gọi tập thể, một tên chung của người làm thơ, và trong đó có hơn một người đã làm nên thơ Hồ Xuân Hương nhứt định không phải là … đàn bà?!”
(2) “Thơ Hồ Xuân Hương đã bắt đầu xuất hiện từ thời nào? Nó hiện diện như một thứ ca dao được nhơn gian truyền miệng kể cho nhau nghe từ đời này sang đời khác hay chỉ mới có từ thế kỷ thứ XVIII như một số nhà văn học sử hiện đại đã chủ trương?”
Rồi Huy Phong và Yến Anh kết: “Nói chung, đề tài chánh của các bài thơ ký tên Hồ Xuân Hương là số phận của những người đàn bà sống đời ngoại biên, bị xã hội nông nghiệp cổ truyền bỏ quên, nếu không nói là ruồng rẫy, nên đã không thiếu người dễ dãi cho rằng Hồ Xuân Hương là một phụ nữ đa tài, đa tình, và đa … dâm!”
Ai dựng thi đàn Cổ Nguyệt Ðường?
Ấy Hồ nữ sĩ hiệu Xuân Hương
Ái ân trận chiến đầy trào lộng
Xướng họa giao lưu thật vấn vương
Ngạo nghễ tài hoa Con Tạo ghét
Khiêm nhường chí cả thế nhân thương
Văn chương dí dỏm người cầu học
Bà Chúa thơ Nôm vốn sở trường
CHÂN DUNG HỒ XUÂN HƯƠNG- HUYỀN THOẠI VÀ SỰ THỰC
Sách
GIAI NHÂN DI MẶC;
Hồ Xuân Hương
(In tại Hà Nội thời Pháp thuộc)
Người ta nói nhiều về
Hồ Xuân Hương
Nhưng người đó là ai
Thật mỉa mai
Không ai biết rõ
Như có như không như không như có
Nàng ở làng Quỳnh
Nàng lại ở phường Khán Xuân
Mờ mờ tỏ tỏ… “
Hồ Xuân Hương
Nhưng người đó là ai
Thật mỉa mai
Không ai biết rõ
Như có như không như không như có
Nàng ở làng Quỳnh
Nàng lại ở phường Khán Xuân
Mờ mờ tỏ tỏ… “
(Hồ Xuân Hương – người đó là ai?).
Mấy câu thơ ngắn của Hoàng Trung Thông ít nhiều gợi cho người đọc thấy được cái mơ hồ huyền thoại của một nhà thơ nữ hiếm hoi trong làng thơ Việt Nam mà xưa nay từ dân dã đến trí thức chẳng mấy ai không biết. Người ta thuộc thơ Hồ Xuân Hương, thuộc nằm lòng những bài thơ ngâm vịnh về đủ mọi thứ trên đời; giọng thơ tinh nghịch, đùa cợt pha chút mỉa mai thế tục – ấy vậy mà Hồ Xuân Hương sinh trưởng ở đâu? vào thời nào? cuộc đời của Hồ Xuân Hương ra sao, đã trải qua những nỗi bất hạnh nào để nên thơ? … thì đến nay người ta chưa xác định được. Đã có không biết bao nhiêu biện thuyết, bao nhiêu sách báo của bao nhiêu nhà nghiên cứu văn học, bao nhiêu tác giả trong nước: từ Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến (1)đến Dương Quảng Hàm, Hoa Bằng, Trần Văn Giáp, Nguyễn Triệu Luật, Trương Tửu, Xuân Diệu, Trần Bích Lan, Lê Xuân Giáo, Ngô Lãng Vân, Nguyễn Đức Quyền, Trần Thanh Mại, Kiều Thu Hoạch, Lê Trí Viễn… và gần đây như Nguyễn Lộc, Hoàng Xuân Hãn, Bùi Hạnh Cẩn, Đào Thái Tôn, Lữ Huy Nguyên, Hoàng Bích Ngọc… đến những người nước ngoài như Antony Landes(2), Maurice Durand(3) , John Balaban (4) … cũng đã bàn luận nhiều về thân thế, sự nghiệp văn chương của nữ sĩ họ Hồ này – và đáng buồn thay: các ý kiến này khác nhau thậm chí mâu thuẫn nhau. Sở dĩ vậy là vì bên cạnh những học giả, những nhà văn bản học Hán-Nôm chuyên nghiên cứu các tàng bản từ thế kỉ trước với tinh thần nghiêm túc, cẩn trọng (5) lại cũng có một số người viết chưa đủ tầm hoặc chưa có được những bằng chứng xác đáng, thường suy diễn theo cảm nhận chủ quan, võ đoán.
Tìm hiểu cuộc đời nữ sĩ Hồ Xuân Hương, trước hết, Dương Quảng Hàm trong Việt văn giáo khoa thư năm 1940 cho rằng “Hồ Xuân Hương là con gái ông Hồ Phi Diễn người làng Quỳnh Ðôi, huyện Quỳnh Lưu, xứ Nghệ An”. Cụ đồ Diễn đậu tú tài năm 24 tuổi; ra Hải Dương dạy học. Tại đây cụ lấy lẽ một cô gái họ Hà ở Bắc Ninh. Hồ Xuân Hương là con của cụ đồ Diễn và người vợ thứ này. Lúc này cụ đồ Diễn đã chuyển về sống tại phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận (gần Hồ Tây – Hà Nội bây giờ). Về sau, gia đình lại chuyển về thôn Tiên Thị, Tổng Tiên Túc, huyện Thọ Xương (nay là phố Lý Quốc Sư). Tại đây, Hồ Xuân Hương có một ngôi nhà riêng dựng gần hồ Tây, lấy tên là Cổ Nguyệt đường (6).
Đó chỉ là mới nói về nơi sinh trưởng và phụ mẫu còn thời gian sáng tác của Hồ Xuân Hương lại cũng tồn tại nhiều nghi vấn. Việc xác định được thời gian này là cần thiết vì thơ Hồ Xuân Hương là bằng chứng sống, khẳng định được sự lên ngôi của chữ Nôm trong văn học nước nhà. Chữ Nôm tuy đã xuất hiện từ bao nhiêu thế kỉ trước: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Thánh Tông đã có thơ nôm … nhưng phải đến Hồ Quý Ly và đặc biệt là đến đời Nguyễn Tây Sơn, nó mới thực sự có ngôi thứ rõ ràng, không còn “nôm na là cha mách qué” nữa, nó đã là thứ văn tự được luật pháp quy định dùng trong văn bản hành chính. Đến Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương thì văn chương chữ Nôm đã đạt đến trình độ điêu luyện, các tác phẩm chữ Nôm hay hơn hẳn những thơ văn Hán-Việt ở các đời trước cũng như cùng thời. Thơ Nôm lại có sức sống mạnh mẽ hơn thơ Hán-Việt vì phạm vi phổ biến rộng hơn; tác phẩm không chỉ gói gọn trong tầng lớp “sĩ” nữa mà trải rộng ra tất cả: những người nông dân chân lấm tay bùn, những thợ thuyền, những con hầu vú em… đều có thể đọc Kiều, thuộc thơ Hồ Xuân Hương. Vậy Hồ Xuân Hương có gốc gác họ tộc ở đâu? sinh trưởng trong khoảng thời gian nào?
Hồ Phi Tiến căn cứ các gia phả của họ Hồ ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An cho rằng kể từ Hồ Hồng là người khai cơ lập nên họ Hồ ở Quỳnh Đôi thì đến Hồ Phi Phúc là đời thứ 11. Hồ Phi Phúc (đổi họ Nguyễn) sinh Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.
Cũng đời thứ 11 này : Hồ Phi Diễn sinh Hồ Xuân Hương. Vậy nếu xem Hồ Hồng là thủy tổ (đời thứ nhất) ở Quỳnh Đôi thì đến Hồ Xuân Hương là thuộc đời thứ 12; Quang Trung-Nguyễn Huệ cũng thuộc đời thứ 12. (Hồ Xuân Hương và Nguyễn Huệ cùng chung ông tổ 5 đời là Hồ Thế Anh) (8) .
Về năm sinh năm mất: nhiều tài liệu cho rằng Hồ Xuân Hương sinh năm 1772, mất năm 1822. Vậy nhưng căn cứ vào: Xuân đường đàm thoại của Tam nguyên Trần Bích San (9) thì Hồ Xuân Hương lại sinh vào đầu triều Nguyễn và mất vào năm 1869(10) . Điều này khiến ta băn khoăn không ít bởi vì trongThương sơn thi tập của Nguyễn Phúc Miên Thẩm – tức Tùng Thiên vương có bài Long biên trúc chi từ được viết năm 1842 khi Tùng Thiên vương hộ giá vua Thiệu Trị ra Bắc tiếp sứ thần nhà Thanh, có tới viếng mộ Hồ Xuân Hương cạnh hồ Tây (11). Căn cứ bài thơ này có thể khẳng định Hồ Xuân Hương đã qua đời từ lâu trước 1842.
Vì những phức tạp trên, hôm nay về thời gian sinh trưởng của Hồ Xuân Hương, nhiều tài liệu chỉ xác định mơ hồ trong một khoảng thời gian khá rộng: cuối Lê-đầu Nguyễn, cùng thời với Nguyễn Du (1765-1820) (12). Suy cho cùng: có lẽ vì những định kiến khắt khe của cộng đồng xã hội xưa, Hồ Xuân Hương vốn dĩ đã bị người đời đương thời xem là phóng túng, lại là phận nữ nhi nên tác phẩm cũng như thân thế của Bà đã không được các nho sĩ trân trọng ghi chép cẩn thận như nhiều văn-thi sĩ khác. Cũng như thơ, những cuộc tình duyên của Hồ Xuân Hương đầy sóng gió với biết bao huyền thoại: Hồ Xuân Hương đã từng chung sống với những ai? Để trả lời câu hỏi này, các nhà nghiên cứu chủ yếu luận đoán qua văn thơ. Gần đây nhờ gia phả họ tộc của Xuân Hương ở Quỳnh Đôi cùng những ghi chép những bậc cao niên vùng Tứ xã ở Phú Thọ là nơi Bà đã từng sống một thời vàng son với Tổng Cóc, những đồn đoán lệch lạc từ trước mới được cải chính…(13)
Trước hết hãy nói đến Tổng Cóc – Tên gợi nên cảm nhận về người – Nghe tên, người ta tưởng tượng ra dung mạo một người xấu xí về hình vóc, thô bỉ về nhân cách. “Cóc” lại thêm có chữTổng ở trước : khiến người ta nghĩ đây hẳn là một tên cường hào ác bá ! Thật vậy, Nguyễn Hữu Tiến trong Giai nhân di mặc, đã cho là “lúc trẻ Xuân Hương bị mẹ ép phải lấy cường hào Tổng Cóc. Tổng Cóc đã dốt nát lại có tính ăn chơi bạt mạng, sau một lần đánh bạc thua nhẵn túi, gia sản khánh kiệt đã tiếc của mà chết. Xuân Hương bèn làm bài thơ nổi tiếng “Khóc Tổng Cóc” lời lẽ trào phúng; bởi đối với ông chồng không xứng ý này nàng chẳng có chút cảm tình nào…”
Thật oan cho Tổng Cóc. Nỗi oan này thật ra đã bắt nguồn từ chính bài thơ Khóc Tổng Cóc của Hồ Xuân Hương:
Chàng Cóc ơi! Chàng Cóc ơi!
Thiếp bén duyên chàng có thế thôi;
Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé.
Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi!
Bài thơ tài tình lắm trong câu chữ (cóc, bén (nhái), nòng nọc,chuộc (chẫu chuộc), bôi vôi…” ) nhưng đã để lại cho đời biết bao võ đoán. Cả trăm năm trước bài thơ đã bị nhiều người hiểu lệch; trước hết, đề bài thơ gợi cho người đọc nghĩ đến việc vợ khóc chồng vừa quá cố. Sự thực đâu phải vậy! Gs. Lê Trí Viễn có phân tích và cho rằng bài thơ vừa bộc lộ đau xót vừa thể hiện một sự tiếc rẻ, thậm chí một sự ân hận nếu không là hờn oán. Có vẻ như một bài thơ giận người bỏ đi. Thương cho mình hơn là khóc cho người. Bài thơ không ra lời tang mà là lời tự thương tự tiếc, không giận người mà chỉ tủi cho mình.
Cụ Dương Văn Thâm (14) làm rõ vấn đề hơn khi cho biết: dân làng Mương, làng Gáp biết thừa bài thơ “Khóc Tổng Cóc” của Hồ Xuân Hương chỉ là “khóc” cho mối tình đã qua chứ đâu phải khóc chồng vừa mất, bởi vì ai lại khóc chồng mà đi giễu nhau như là “cóc, nòng nọc, nhái bén, chẫu chuộc…” chả hóa ra là bạc ác độc địa lắm sao? Quả đúng như vậy; nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn (15) trong “Phóng sự điền dã”căn cứ vào cuộc trò chuyện với các cụ cao niên của làng Gáp xưa (nay là Tứ xã, Lâm Thao, Phú Thọ) (16)cho biết: Tổng Cóc là người làng Gáp. Theo lệ xưa, sợ khó nuôi, người ta thường chọn cho trẻ những tên thật xấu xí … Mặc dầu gia đình thuộc dòng dõi văn chương, Phó tổng Nguyễn Bình Kình (tự là Nguyễn Công Hòa), lúc bé đã có tên là “Cóc”. Tổng Cóc là con nhà gia thế (cháu của Nguyễn Quang Thành; đỗ Tiến-sĩ năm 1680, đời vua Lê Hi Tông) (17), hay chữ, lại giỏi võ nghệ, vẫn thường xướng họa với Xuân Hương chớ không phải dốt nát như người ta lầm tưởng. Giàu nghệ sĩ tính, cảm mến tài thơ văn, Tổng Cóc đã lấy lẽ Xuân Hương … và có thể Xuân Hương nhan sắc nên Tổng Cóc đã hết lòng chiều chuộng. Theo cụ Dương Văn Thâm: hơn 200 năm trước, đất đai, ao hồ nhà Tổng Cóc trải từ đầu đến cuối làng Gáp. Chiều ý thích của Xuân Hương, Tổng Cóc đã cho đắp một gò đất nổi giữa hồ, xây nhà thủy tạ có cầu bắc qua dành làm nơi nữ sĩ nghỉ ngơi, lấy cảm hứng làm thơ và dạy học; chung quanh hồ trồng toàn liễu, giữa hồ thả sen, nuôi cá…Tương truyền, vườn cây bên hồ, Tổng Cóc dành một sào đất, riêng trồng chanh cho Hồ Xuân Hương gội đầu. Dân làng kể, tóc bà Hồ Xuân Hương đen óng, dài chấm đất, mỗi khi gội, cuộn đầy một chậu, nên phải dùng nhiều chanh mới đủ(18).
Xuân Hương dù có một thời gian lúc bé sống ở quê nhưng đã sớm theo cha lên kinh thành. Giỏi văn chương lại là nữ lưu ở chốn kinh đô, tính cách của Xuân Hương mâu thuẫn trầm trọng với lối sống và định kiến của cộng đồng làng quê lam lũ. Xuân Hương có nhiều mối bất hòa với người trong gia đình Tổng Cóc. Cuộc tình nhiều trắc trở. Tổng Cóc bỏ nhà ra đi. Khi trở về, Xuân Hương lại cũng đã bỏ đi… và đã trở thành vợ lẽ của Tri phủ Vĩnh Tường. Bài thơ “Khóc Tổng Cóc” được Xuân Hương làm trong thời gian này là để khóc cho một cuộc tình đã chết . Một cuộc tình buồn! (19)
Người chồng thứ hai được người đời truyền tụng là Ông Phủ Vĩnh Tường. Xuất phát từ bài thơ “Khóc ông Phủ Vĩnh Tường”nhiều giả thuyết đã tồn tại với nhiều lí giải khác nhau. Theo Ngô Lãng Vân: sau khi góa Tổng Cóc, Xuân Hương mở quán bên đường làm kế sinh nhai. Nhiều khách văn chương tìm đến xin xướng họa rất nhiều, trong số có một đồ sinh đỗ Giải nguyên sau nhiều lần xướng họa, rất phục tài Xuân Hương cưới làm vợ lẽ, sau này thành ông Phủ Vĩnh-Tường.
Hoàng Xuân Hãn cũng có đề cập đến một người tên là Phạm Viết Đại (Hoàng Xuân Hãn đã ghi nhầm là “Phạm Viết Đạt”) được người ta cho là Tri phủ Vĩnh Tường, chồng của Xuân Hương nhưng ông không tin lắm vào tính xác thực của thơ Nôm truyền tụng và cho rằng bài “Khóc ông Phủ Vĩnh Tường quyết không phải của Xuân Hương và Xuân Hương không phải có chồng là Tri phủ Vĩnh Tường…” (20).
Về Phạm Viết Đại: Phương Tri (Tạp chí Văn Học, số 3/1974) cho biết ông Trần Tường dựa vào gia phả Trà-lũ xã và lời kể qua kí ức của các cụ già làng Trà Lũ đã phát hiện ra ông Phủ Vĩnh-tường tên là Phạm Viết Đại sinh năm 1802, đỗ Cử-nhân năm 1842; năm 1862 được thăng chức Đồng Tri phủ Vĩnh-tường. Nhiều giai thoại và thơ xướng họa giữa Phạm Viết Đại với Xuân Hương cũng được các cụ già trong làng Trà Lũ kể và đọc lại theo trí nhớ. Ông Trần Tường nhận thấy nhiều bài thơ vịnh cảnh của Xuân Hương trùng hợp với những nơi mà Phạm Viết Đại đã từng làm quan. Tuy vậy, nếu cho rằng Phạm viết Đại là Tri phủ Vĩnh Tường và bài thơ khóc Tri Phủ Vĩnh Tường là khóc Phạm Viết Đại thì không đúng vì theo sách Nữ Lưu của Lê Dư thì nữ sĩ Xuân Hương góa chồng lần cuối rồi mất sau chồng vài năm; nghĩa là sau khi Phạm Viết Đại mất vào năm 1862 thì Xuân Hương mất vào khoảng năm 1864. Điều này là sai với căn cứ của Thương sơn thi tập (Miên Thẩm) vốn được xem là tác phẩm là có nguồn gốc chứng cứ lịch sử rõ rệt. Căn cứ Thương sơn thi tập: Xuân Hương phải mất trước năm 1842. Điều này chỉ có thể chấp nhận được với Trần Bích San khi cho rằng Hồ Xuân Hương mất năm 1869.
Không công nhận Tri phủ Vĩnh Tường, Hoàng Xuân Hãn căn cứLưu Hương ký, Tục Hoàng Việt thi tuyểnvà Đại Nam thực lục cho rằng Hồ Xuân Hương có chồng là Trần Phúc Hiển làm quan Tri phủ Tam Đái; năm 1813 Phúc Hiển được thăng từ Tri phủ Tam-Đái lên chức Tham Hiệp trấn Yên Quảng; cưới Xuân Hương làm lẽ được khoảng một năm thì quan Tham hiệp bị tử hình năm 1818 (21).
Năm 1973, Hồng Liên Lê Xuân Giáo dịch Quốc sử di biên của Phan Thúc Trực. Căn cứ tác phẩm này, Lê Xuân Giáo cho rằng tài nữ được nhắc đến trong Quốc sử di biên chính là Hồ Xuân Hương nhưng lại cho rằng Trần Phúc Hiển là người chồng thứ ba (sau Tổng Cóc, Tri phủ Vĩnh Tường) .
Ngoài các đời chồng trên, Xuân Hương còn nhiều bạn văn chương với bao tình quyến luyến được ghi chép lại trong thơ. Người có nhiều thơ xướng họa là Chiêu Hổ. Nhiều nhà nghiên cứu (Trần Thanh Mại, Văn Tân, Nguyễn Triệu Luật …) vẫn cho rằng Chiêu Hổ là Phạm Đình Hổ (1768-1839; tác giả Vũ Trung tùy bút, Tang thương ngẫu lục ) cùng với Nguyễn Án và Xuân Hương đương thời mệnh danh là “Tam tài tử”. Tuy vậy Chiêu Hổ chắc chắn không thể là Phạm Đình Hổ được vì một lí do rất đơn giản là qua các bài thơ xướng họa với Xuân Hương Chiêu Hổ tỏ ra rất sành sỏi và rất thích thơ nôm, trong khi Phạm Đình Hổ ngay trong phần “Tự thuật” trong Vũ trung tùy bút đã tự nhận là “chữ Nôm ta không thể hiểu hết được”(22). Tác giả của Vũ Trung tùy bút không thích chữ Nôm; vậy không thể là Chiêu Hổ.
Chiêu Hổ là ai? đến nay chưa thể xác định.
Ngoài Chiêu Hổ, căn cứ Lưu hương ký, Hồ Xuân Hương còn nhiều bạn tình khác như Nguyễn Hầu, Trần Hầu (Hiệp trấn Sơn Nam Thượng-Trần Ngọc Quán(?), Hiệp trấn Sơn Nam Hạ Trần Quang Tĩnh, Tốn Phong, Mai Sơn Phủ, Thạch Đình, Cự Đình, Thanh Liên, Chí Hiên… Trong số những bạn văn chương có tình cảm đậm đà đáng lưu ý nhất là Nguyễn Du. Lưu Hương Ký có bài “Cảm cựu kiêm trình Cần chánh học sĩ Nguyễn Hầu (Hầu: Nghi Xuân, Tiên Ðiền nhân)”. Với tước hiệu, tên người, gốc gác nêu ở đề bài thơ thì ta có thể chắc chắn đây là bài thơ bày tỏ tình cảm với Nguyễn Du, với nhiều câu thơ nồng nàn tình cảm:
Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung,
Mượn ai tới đấy gửi cho cùng.
Chữ tình chốc đã ba năm vẹn,
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không.
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập,
Phấn son càng tủi phận long đong.
Biết còn mảy chút sương siu mấy,
Lầu Nguyệt năm canh chiếc bóng chong.
Căn cứ nội dung, bài thơ có lẽ đã được Xuân Hương viết năm 1813, năm Nguyễn Du được thăng Cần Chánh học sĩ sung Chánh sứ sang cống nhà Thanh, đi qua Thăng Long và gặp lại Xuân Hương.
Ngoài Nguyễn Du, những bạn văn chương khác cũng là những người tình rất đỗi gắn bó, thiết tha với Xuân Hương; ví dụ Mai Sơn Phủ được nói đến ở bài thơ “Họa Sơn Phủ chi tác” (họa thơ Sơn Phủ):
Này đoạn chung tình biết mấy nhau,
Tiễn đưa ba bước cũng nên câu.
Trên tay khép mở tanh chiều nhạn,
Trước mặt đi về gấp bóng câu.
Nước mắt trên hoa là lối cũ.
Mùi hương trong nệm cả đêm thâu.
Vắng nhau mới biết tình nhau lắm,
Này đoạn chung tình biết mấy nhau.
Riêng với Tốn Phong là người tình thân thiết với Xuân Hương nhiều năm và cũng là người viết bài tựa choLưu Hương ký: tình Xuân Hương tỏ ra rất đậm đà với người đã từng thề nguyền hẹn ước:
Kiếp này chẳng gặp nữa thì liều,
Những chắc trăm năm há bấy nhiêu.
Nghĩ lại huống đau cho phận bạc,
Nói ra thêm nhẹ với thân bèo.
Chén thề thủa nọ tay còn dính,
Món tóc thời xưa cánh vẫn đeo.
Được lứa tài tình cho xứng đáng,
Nghìn non muôn nước cũng tìm theo.
Những chắc trăm năm há bấy nhiêu.
Nghĩ lại huống đau cho phận bạc,
Nói ra thêm nhẹ với thân bèo.
Chén thề thủa nọ tay còn dính,
Món tóc thời xưa cánh vẫn đeo.
Được lứa tài tình cho xứng đáng,
Nghìn non muôn nước cũng tìm theo.
(Hoạ Tốn Phong nguyên vận).
Sau khi chia tay với Tổng Cóc, trong nhiều năm Xuân Hương đã quen biết nhiều văn nhân, tài tử. Cuộc đời, cuộc tình của Hồ Xuân Hương, nữ sĩ độc đáo trong nền văn học nước ta mịt mờ là thế. Việc xác định bằng một số sách sử của triều Nguyễn cũng khó khăn vì những quyển như Đại Nam thực lục chỉ chuyên chú ghi việc của chính quyền còn những chi tiết thuộc văn chương lại ghi rất sơ sài. Chỉ có cách là căn cứ vào một số sách bàn về văn thơ như Đại Nam đối thi, Hoàng Việt thi tuyển, Quốc âm thi tuyển (23) và các bài thơ truyền tụng đựợc cho là của bà chép trong nhiều tàng bản nôm (24). Việc tuyển chọn, xác minh những bài thơ Nôm này không đơn giản chút nào vì qua nhiều năm tháng, sao đi chép lại, nhiều bài đã có nhiều dị bản và nhiều mạo tác. Riêng gần đây có Lưu Hương ký là một tập thơ được Trần Thanh Mại phát hiện, giới thiệu trong bài “Bản Lưu Hương ký và lai lịch phát hiện của nó” trên tạp chí Văn học số 11 năm 1964. Mới đây, trên Giadinh.net.vn , trang Văn hóa ngày 01/9/2008, Nguyễn Thắng viết theo tư liệu của TS Nguyễn Xuân Diện – Phó Giám đốc Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm như sau:
“…GS Hoàng Xuân Hãn kể lại: “Khi tìm kiếm tài liệu về Hồ Xuân Hương, tôi lục trong các báo ở Việt Nam, từ năm 1954 trở đi có chừng 7 – 8 báo văn học có nói đến Hồ Xuân Hương, nhưng cũng chỉ bâng quơ chuyện thơ Hồ Xuân Hương tục hay không tục, chứ không đả động đến đời sống của bà. Duy chỉ có ông Trần Thanh Mại tình cờ đọc những sách của trường Viễn Đông Bác Cổ để lại có bài tựa sách của một người ký tên là Nham Giác Tốn Phong. Bài tựa đó nói đến một cuốn sách tên là Lưu Hương ký của Hồ Xuân Hương. Sau bài tựa ấy có những bài thơ của ông Tốn Phong tặng Hồ Xuân Hương. Ông Trần Thanh Mại mới nghĩ rằng nếu tìm được Lưu Hương ký sẽ biết thêm về Hồ Xuân Hương. Chuyện này vào khoảng 1963, ông Trần Thanh Mại đã kể lại trong Tạp chí Văn học. Sau đó, ông Trần Thanh Mại loan báo muốn tìm cuốn Lưu Hương ký và ông nhận được lá thư của một cử nhân (không rõ tên) thông báo đã gửi biếu cuốn Lưu Hương ký cách thời điểm đó 8 -9 năm. Từ lúc ấy, ông Trần Thanh Mại mới bắt đầu khảo cứu Lưu Hương ký.
Trong Tạp chí Văn học (Hà Nội), năm 1964, ông Trần Thanh Mại mới giới thiệu và dịch 16 bài trong số 52 bài. Sau đó miền Bắc bước vào chiến tranh chống Mỹ nên bẵng đi một thời gian rất dài, không ai trở lại vấn đề Hồ Xuân Hương và không ai mở lại Lưu Hương ký mà đọc nữa”.
Năm 1988, GS Tạ Trọng Hiệp, trong một chuyến công tác ở Hà Nội, đã được GS Hoàng Xuân Hãn uỷ thác việc xin chụp lại hoặc chép lại Lưu Hương ký. Khi GS Hiệp đến Viện Văn học là nơi có chức năng bảo tồn bản Lưu Hương ký quý báu đó thì không tìm ra. Các chuyên gia về văn học cổ Việt Nam đều cho biết cuốn ấy đã mất rồi. Được biết, sau khi ông Trần Thanh Mại mất, người kế tục công tác nghiên cứu Hồ Xuân Hương, lại là người giữ công việc gần như quản thủ thư viện sách Hán Nôm của Viện Văn học, ông Hồ Tuấn Niệm, đã đem theo trong ba lô cuốn Lưu Hương ký trong những năm sơ tán tránh bom Mỹ mà không để lại Hà Nội một bản chụp nào cả. Ông Niệm đã mất và tập Lưu Hương ký cũng biến mất theo (…)
Sau khi không tìm được Lưu Hương ký ở Viện Văn học, GS Tạ Trọng Hiệp quay sang Viện Hán Nôm. Viện này có chức năng – do sắc lệnh của Hội đồng Chính phủ ghi rất rõ khi sáng lập – là hễ có phát hiện những tư liệu quan trọng về cổ văn, cổ sử thì Viện Hán Nôm phải có một bản chụp hay bản sao. Cuốn Du Hương Tích động ký mà Trần Thanh Mại đọc được và lần ra đầu mối Lưu Hương ký chính là một bản thảo mang ký hiệu A.2814 lưu tại Viện Hán Nôm. Trong bản thảo đó, ngoài bài ký còn chép 31 bài thơ chữ Hán của một người có tên là Tốn Phong. Khi GS Hiệp xin chụp lại Lưu Hương ký thì Viện Hán Nôm đưa Du Hương Tích động ký ra vì cứ tưởng rằng đây chính là Lưu Hương ký của Viện Văn học. Chính vì thế họ mới không chụp lại Lưu Hương ký của Viện Văn học.
Theo GS Tạ Trọng Hiệp: “Chỉ còn một hy vọng nhỏ là có một người duy nhất ở Hà Nội may ra còn giữ được bản chép tay toàn bộ 52 bài thơ trong Lưu Hương ký, đó là ông Đào Thái Tôn – một tác giả cũng viết về Hồ Xuân Hương. Trong cuốn Thơ Hồ Xuân Hương của Nguyễn Lộc có nói rằng Đào Thái Tôn là người đã được giao cho đọc tậpLưu Hương ký và đã dịch trọn vẹn 52 bài. Hy vọng ông Đào Thái Tôn có chép bản chữ Hán và bản Nôm để dùng và kiểm tra bản dịch của ông. Trong đợt về Việt Nam công tác, tôi cũng có yêu cầu được gặp ông Đào Thái Tôn, nhưng không may ông lại đi công tác. Nếu ông Tôn không giữ được bản chép tay Lưu Hương ký thì đây là một tổn thất không thể nào cứu vãn được…”.
Vậy là nay bản gốc Lưu Hương Ký do Trần Thanh Mại tìm được
năm 1964 không còn. Một lần nữa chính bản tác phẩm của Hồ Xuân Hương lại chìm vào tăm tối.
Ngoài những mịt mờ trên, còn một nghi vấn lớn bởi một điều rất lạ : thơ Hồ Xuân Hương chia ra hai mảng riêng biệt với phong cách rất khác nhau.
Mảng thứ nhất là thơ Nôm truyền tụng. Vì là truyền tụng nên tính xác thực không cao lại có nhiều mạo tác. Hoàng Xuân Hãn trong Thiên tình sử Hồ Xuân Hương đã tỏ thái độ có phần gay gắt khi viết về thơ cùng những giai thoại về Hồ Xuân Hương trong các sách, tạp chí khoảng đầu thế kỉ XX như sau : “…Vác chuyện vui và các thơ nhảm được nhắc lại, thêm vào. Rồi chính phần thơ nôm sâu sắc, đứng đắn mất dần vì không được truyền bá…” (25).
Xét về nội dung thì nhiều bài thơ nôm truyền tụng bị một số người coi là “tục” thế nhưng rồi họ cũng phải công nhận là nó hết sức độc đáo vì diễn đạt được những ý thơ rất tinh tế, gần với suy tưởng của quần chúng lao động và đậm chất ca dao. Lời thơ thể hiện nghệ thuật cực kì điêu luyện, bộc lộ một thái độ ngổ ngáo của một phụ nữ phản kháng những định kiến, thói tục vô lí của xã hội thời phong kiến. Tác giả đã vận dụng hết sức tài tình cái tục thường thấy trong truyện cười để đả kích những gì tưởng chừng như rất ghê gớm, những gì luôn được trọng vọng được tôn vinh trong xã hội xưa. Chẳng hạn sau khi một lời hai ý tả rất sống động, rất hay Đèo Ba Dội với những lời thật dí dỏm, bình dân như “…cửa son đỏ loét, tùm hum nóc – bờ đá xanh rì lún phún rêu..” bài thơ lại kết lại thật thần tình bằng một cảm nhận đánh trúng ngay vào cái tầm thường-thế tục của “hiền nhân quân tử … ai mà chẳng – mỏi gối chồn chân cũng muốn trèo” . Rồi như bài Vịnh cái quạt : sau khi kể lể những điều mà ngay cả những người nghiêm túc nhất cũng phải bật cười “…chành ra ba góc, da còn thiếu – khép lại đôi bên, thịt vẫn thừa…” Xuân Hương lại cho chính những thứ xem ra rất “tục” ấy làm “mát mặt anh hùng” và “che đầu quân tử” . Thật tài tình và táo bạo hết sức và chính sự tài tình, táo bạo trong nghệ thuật thơ thuần Việt ấy đã nói lên những gì rất đúng, rất đáng nói trong cuộc sống bao đời tăm tối của nông thôn xưa – những điều mà người phụ nữ từ ngàn đời rất muốn nhưng chẳng khi nào dám nói. Lí do này khiến dễ hiểu tại sao thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương lại được đại đa số quần chúng – đặc biệt là người lao động nghèo, người nông dân chân lấm tay bùn thán phục, tôn vinh.
Sau những bài thơ nghịch ngợm đến xuất thần ấy là Lưu hương ký với 52 bài thơ (24 bài chữ Hán và 28 bài chữ Nôm) mới phát hiện năm 1964. Điều đáng ngạc nhiên là nội dung của các bài thơ sau này dù vẫn rất trữ tình nhưng lại khá nghiêm trang. Sự sai biệt này gợi lên một câu hỏi lớn: Thơ Nôm truyền tụng vàLưu Hương Ký có phải thuộc cùng một tác giả hay không? Nếu cùng một tác giả thì tại sao lại chuyển đổi phong cách thơ lạ lùng đến vậy? Thơ Nôm truyền tụng của Xuân Hương tinh nghịch, ngổ ngáo, thể hiện một thiên tài nghệ thuật Việt Nam có một không hai vậy mà đến Lưu Hương ký thì nghệ thuật lại trở nên rất đỗi bình thường và nếu có hay chăng thì cũng chỉ là hay ở tâm trạng chua chát, bi thương và sự nhịp nhàng cân đối trong điển tích, câu chữ như nhiều nhà thơ đời trước…hoặc cùng thời như Bà Huyện Thanh Quan chẳng hạn…
Đọc Lưu Hương Ký rồi so lại với thơ Nôm truyền tụng, người đọc ít nhiều thấy thất vọng với một thiên thần thơ Nôm gãy cánh, không còn tìm đâu thấy hương vị của một Hồ Xuân Hương ngày cũ.
Xem kĩ thêm chút nữa: thơ Nôm truyền tụng không hề đả động đến những người bạn văn chương vốn đã quen biết lâu như Tốn Phong, Trần Hầu, Nguyễn Hầu, Mai Sơn Phủ, Thạch Đình, Cự Đình, Thanh Liên, Chí Hiên…và ngược lại, tìm trong Lưu Hương Ký, người đọc lại không hề thấy có một câu, một chữ nào nhắc đến Tổng Cóc, ông Phủ Vĩnh-tường hay Chiêu Hổ.
Không biết đã có điều gì khuất tất?
———————————————————————————
CHÚ THÍCH:
(1) Nguyễn Hữu Tiến, bút hiệu: Đông Châu, là nhà Nho có thực học phụ trách chuyên mục “Tồn cổ lục” của Nam Phong tạp chí. Mục này chuyên khảo về văn thơ cổ.
(2) Người Pháp sống ở Việt Nam vào thế kỉ 19, đã sưu tầm biên soạn nhiều truyện dân gian và thơ Nôm Việt Nam rồi dịch ra tiếng Pháp;
(3) Người Pháp làm việc tại Viện Viễn Đông bác cổ Pháp (1947-1957), tác giả cuốn L’œuvre de la poétesse Vietnamienne Hồ Xuân Hương (Paris, 1968)
(4) Giáo sư văn chương Anh của trường đại học Carolina, người đã 4 lần đoạt giải thưởng Lamont của Viện Hàn lâm các Thi sĩ Mỹ, người thông thạo chữ Nôm, yêu thích và đã dịch thơ Hồ Xuân Hương ra tiếng Anh. (Khánh Ngọc, “John Balaban – Người giới thiệu Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du ra thế giới “; laodong.com.vn ; Lao Động Xuân 2007.)
Lý Lan (Thơ Hồ Xuân Hương đến với độc giả Mỹ – http://www.bacbaphi.com.vn) đã viết về tập thơ The Poetry of Hồ Xuân Hương như sau: “…Tập thơ gồm 48 bài thơ của Hồ Xuân Hương, mỗi bài được trình bày trang trọng dưới ba hình thức: bản tiếng Nôm, bản tiếng Việt, và bản tiếng Anh. ( … ) . Đọc đi đọc lại những bài thơ Hồ Xuân Hương bằng tiếng Anh, tôi càng cảm động và khâm phục nỗ lực của John Balaban; và càng nhận ra chữ nghĩa Hồ Xuân Hương không ai theo kịp suốt chiều dài thời gian mà cũng không có ai tương đương trong bình diện không gian…”
* Theo Thông tấn xã Việt Nam, Nhà văn Rumani Conxtantin Lupêanu vừa xuất bản tuyển tập gồm 64 bài thơ của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương do chính ông tổng hợp và biên dịch. Tuyển thơ dày 150 trang được in song ngữ tiếng Việt-Rumani, trong đó nhiều bài có thêm ký họa, minh họa và phần diễn giải ý nghĩa. Một số bài được dịch và gieo vần theo niêm luật của thơ Rumani.
(5) Gs. Kiều Thu Hoạch: Thơ Nôm Xuân Hương từ cách nhìn văn bản học.
(6) “cổ”古 ghép với “ nguyệt”月 thành chữ “ hồ” 胡;
(7) Hồ Tông thế phả do Hồ Sĩ Dương soạn – các hậu duệ chép bổ sung; Hồ gia thực lục-bản chi thế thứ tục biên của tú tài Hồ Phi Hội (1802-1875; người cùng thế hệ với Hồ Xuân Hương, Nguyễn Huệ); Ghi chép của Án sát Hồ Trọng Toàn (1801-1864); Hồ Quỳnh gia phổ của chi Hồ Phi Tích; Phả ký tộc Trung chi II họ Hồ Quỳnh Đôi (ghi phả hệ họ Hồ ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu Nghệ An từ đời ông tổ đầu tiên là trạng nguyên Hồ Hưng Dật sống vào thế kỷ thứ 10, sau đó có một khoảng thời gian 300 năm, tộc phả này bị thất truyền rồi lại tiếp tục được chép từ năm 1314 khi ông Hồ Kha từ Quỳ Trạch (Yên Thành) về Quỳnh Đôi xem địa thế và giao cho con là Hồ Hồng ở lại khai cơ lập nên làng Quỳnh Đôi. (http://www.informatik.uni-leipzig.de và http://www.vietnamgiapha.com )
(8) Cố giáo sư Trần Thanh Mại trên Tạp chí Văn học số 10 năm 1964 tuy cũng đồng ý Hồ Xuân Hương có nguyên quán tại Quỳnh Ðôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An nhưng lại cho rằng song thân của bà là Hồ Sĩ Danh và một người thiếp quê ở Hải Dương. Hồ Xuân Hương thơ và đời (Lê Xuân Sơn) cũng cho rằng Hồ Xuân Hương tên thật là Hồ Phi Mai con ông Hồ sĩ Danh (1706-1783) và là em cùng cha khác mẹ với Hồ Sĩ Đống (1738-1786) là một vị quan đầu triều thời chúa Trịnh.
(9) Trần Tường phát hiện và công bố trên Tạp chí Văn Học, số 3/1974, dưới nhan đề “Một số tư liệu mới tìm thấy về Hồ Xuân Hương“.
(10) …Xuân đường đàm thoại kể lại rằng: vào một ngày trong dịp tết lập xuân cuối mùa đông năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Tự Đức thứ 22 (1869), trong một bữa tiệc rượu ở vùng Bắc Ninh cũ, có một người đến muộn. Hỏi ra, mới hay rằng ông ta vừa đi mai táng “Nghệ An tài nữ, hiệu Cổ Nguyệt Đường, tự Xuân Hương” về! Thế là bên chiếu rượu, các “tao nhân mặc khách” cùng nhau phẩm bình về tài năng phẩm hạnh của người đã khuất. Mỗi người tỏ một thái độ khác nhau: người mừng rỡ là Hùng Lĩnh Xuân Mai; người buồn thương là Hoa Đường Ngọc Như. Cả hai đều ngâm vịnh, tưởng nhớ Xuân Hương theo cảm xúc của mình! Người ta còn nhận ra một người xem ra có vẻ điềm tĩnh hơn, ấy là người đi mai táng Xuân Hương, họ Hứa, tiểu hiệu là Ngô Ban. Ngô Ban “nghiêng cạn mấy chén uống ngay rồi ha ha cười, nói”. Theo ông ta, việc mai táng người tài nữ kia là “một việc đáng cười mà cũng đáng than”, chính ông và vài người đầy tớ đã chôn cất “nàng” ở cạnh núi Nguyệt Hằng, phủ Từ Sơn, huyện Đức Giang (thuộc Bắc Ninh cũ)…” (Đào Thái Tôn; Thơ Hồ Xuân Hương – Từ cội nguồn vào thế tục; trang 66. NXB Giáo Dục, 1996).
(11) 龍編竹之詞
並頭蓮花開滿池
花奴折去恭神裨
莫向春香墳上過
泉臺有恨錯牽絲
墜粉殘肢土一塋
春香歸去草青青
幽魂到氐今如醉
幾度春風吹不醒
Long Biên trúc chi từ:
Tịnh đầu liên hoa khai mãn trì,
Hoa nô chiết khứ cung thần ti.
Mạc hướng Xuân Hương phần thượng quá,
Tuyền đài hữu hận thác khiên ti.
Hoa nô chiết khứ cung thần ti.
Mạc hướng Xuân Hương phần thượng quá,
Tuyền đài hữu hận thác khiên ti.
Trụy phấn tàn chi thổ nhất doanh,
Xuân Hương qui khứ, thảo thanh thanh !
U hồn đáo để kim như tuý,
Kỷ độ xuân phong xuy bất tinh
Xuân Hương qui khứ, thảo thanh thanh !
U hồn đáo để kim như tuý,
Kỷ độ xuân phong xuy bất tinh
Hoàng Xuân Hãn dịch thơ:
Đầy hồ rực rỡ hoa sen;
Sai người xuống hái để lên cúng dàng.
Chớ trèo qua mộ Xuân Hương;
Suối vàng còn giận tơ vương lỡ làng.
Sen tàn, phấn rữa mồ hoang;
Xuân Hương đã khuất bên đàng cỏ xanh.
U hồn say tít làm thinh.
Gió xuân mấy độ thổi tình không hay
Sai người xuống hái để lên cúng dàng.
Chớ trèo qua mộ Xuân Hương;
Suối vàng còn giận tơ vương lỡ làng.
Sen tàn, phấn rữa mồ hoang;
Xuân Hương đã khuất bên đàng cỏ xanh.
U hồn say tít làm thinh.
Gió xuân mấy độ thổi tình không hay
(12) Sách giáo khoa hiện hành không nêu được thời gian sống của Hồ Xuân Hương mà chỉ nêu năm sinh, năm mất của Hồ Phi Diễn (1704-?) và Hồ Sĩ Danh (1706-1793); một trong hai người nghi vấn là thân sinh của Hồ Xuân Hương.
(13) Báo điện tử Phú Thọ ngày 09/2/2006 và 26/06/2008:
Ngôi nhà Tổng Cóc, nơi Hồ Xuân Hương đã sống và đề thơ, hiện giờ ông Kiều Phú đang ở (Sơn Dương, Lâm Thao, Phú Thọ).
“…Tổng Cóc quen cha con Hồ Xuân Hương khi cùng đi thi Hương. Chằng hiểu cơ duyên thế nào, cụ Đồ đầu xứ người Nghệ An đã dắt con gái về làng Sơn Dương (Phú Thọ) dạy học. Cô gái ấy là Hồ Xuân Hương (…) Ở Tứ Xã hiện nay, bà con còn giữ được nhiều kỉ vật của Tổng Cóc – Hồ Xuân Hương: Gia đình anh Bùi Văn Thắng đang giữ đôi lục bình bằng gỗ mít, phủ sơn then có khắc chữ Hán. Tương truyền khi còn ái ân mặn nồng, Tổng Cóc đã yêu cầu Hồ Xuân Hương đề thơ lưu bút. Đôi lục bình vốn được đặt trên bàn thờ nhà Tổng Cóc, sau này kinh tế sa sút, đã phải bán đi … Cách nhà anh Thắng một cánh đồng, ngôi nhà lớn, làm toàn bằng gỗ quí, lợp ngói âm dương của gia đình Tổng Cóc vẫn được gia đình ông giáo Kiều Phú trân trọng giữ gìn. Ngôi nhà được làm cầu kì tới mức, đến cả cái bậu cửa ra vào cũng được chạm lưỡng long chầu nguyệt (…) Cụ bà thân sinh ra ông Phú hơn 100 tuổi vẫn nhớ rất nhiều chuyện do cha mẹ kể lại liên quan đến Hồ Xuân Hương, cũng như sự tích ngôi nhà cổ của Tổng Cóc. Hiện, trên bức vách bằng gỗ mít phiến dày trong nhà, còn những dòng chữ được kể là của chính Hồ Xuân Hương đề : “Thảo lai băng ngọc kính/ Xuân tận hóa công hương; Độc bằng đan quế thượng/ Hảo phóng bích hoa hương”… Qua thời gian, do nhiều nhà quản lí địa phương, nhà nghiên cứu, người tham quan đã khiêng cả bức vách gỗ ra để bôi thuốc hiện màu vào nhằm in rập những nét chữ quí; qua nhiều mùa nước ngập, dòng chữ đã mờ đi rất nhiều.
Cụ Dương Văn Thâm, 93 tuổi, là nhà Nho và là người nghiên cứu công phu về cuộc đời Hồ Xuân Hương và Tổng Cóc với cả một kho bản thảo đồ sộ trong nếp nhà cổ giản dị. Nhờ cụ, các sinh viên, các nhà nghiên cứu về Tứ Xã (Phú Thọ) có được tư liệu chính xác về Hồ xuân Hương có quãng đời làm dâu trên quê hương Tổng Cóc.
Cụ Dương Văn Thâm
(15) Nguyễn Hữu Nhàn: Nhà văn có nhiều nghiên cứu về văn hóa dân gian Phú Thọ.
(16) Trong đó đứng đầu nhóm có các cụ Xứ Cơ (đỗ đầu xứ), cụ Cả Chấn, cụ Bá Lạc, cụ Đồ Tạo, cụ Đồ Quán, cư Tống Thuần (tổng sự), ông Lê Văn Tiềm (nay đã gần trăm tuổi, đặc biệt là cụ Dương Văn Thâm. (Theo Đinh Vũ; http://www.baophutho.org.vn)
(17) Lịch triều tạp kỷ : Nguyễn Quang Thành có tiếng là thần đồng, 24 tuổi thi đỗ Tiến sĩ xuất thân năm Canh Thân đời Lê, niên hiệu Chính Hòa (1680). Ông làm quan trong triều, giữ chứcThiêm đô ngự sử; nay còn bia số 80 ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội.
(17) Lịch triều tạp kỷ : Nguyễn Quang Thành có tiếng là thần đồng, 24 tuổi thi đỗ Tiến sĩ xuất thân năm Canh Thân đời Lê, niên hiệu Chính Hòa (1680). Ông làm quan trong triều, giữ chứcThiêm đô ngự sử; nay còn bia số 80 ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội.
(18) Nguyễn Hữu Tiến trong Giai Nhân Di Mặc có viết: “ Hồ Xuân Hương mặt hơi rỗ hoa, da hơi ngăm đen, không đẹp mà có duyên thầm…“. Những chi tiết này không biết Đông Châu đã căn cứ vào đâu (?).
Riêng Ngô Tất Tố trong truyện dã sử trong rừng Nho thì cho rằng nhan sắc Xuân Hương lúc ở Thăng Long đã làm cho nhiều Nho sinh phải mê mẩn: “…cái dáng dấp yểu điệu, cái dung nhan xinh đẹp của Xuân Hương lại làm cho lòng chàng nóng như lửa chất…”
(19) Theo Phạm Ngọc Dương; http://antg.cand.com.vn : Con cháu dòng họ Nguyễn Bình đã tìm được mộ cụ Tổng Cóc và đang trình dự án, thiết kế xây dựng với Sở Văn hóa – Thông tin và Thể thao tỉnh Phú Thọ để xây dựng mộ cụ, hoàn thành trước thời gian diễn ra cuộc hội thảo: “Tổng Cóc – Hồ Xuân Hương”, do Viện Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc dự tính chủ trì và tổ chức tại Tứ Xã (Phú Thọ) vào cuối năm 2008.
(20) Hoàng Xuân Hãn; Thiên tình sử Hồ Xuân Hương; NXB Văn học 1995; trang 270
(21) Theo ông Hoàng Xuân Hãn thì bài thơ Khóc ông Phủ Vĩnh-tường có thể là ngụy tác vì Trần Phúc Hiển chết năm 1819, lúc bấy giờ chưa có tên “Phủ Vĩnh Tường” (đến 1822, phủ Tam-Đái mới đổi tên thành phủ Vĩnh-tường).
* Có ý kiến cho rằng: Trần Phúc Hiển bị kêt tội tham nhũng và xử tử hình nhưng thật sự là do Lê Chất, Lê Văn Duyệt diệt vây cánh của Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường. Hiệp Trấn Sơn Nam Thượng Trần Ngọc Quán cũng tự tử chết.
(22) Vũ Trung tùy bút.(Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến dịch, NXB. Văn hóa – 1960).
(23) GS.Kiều Thu Hoạch; Thơ Nôm Hồ Xuân Hương – Từ góc nhìn văn bản học (Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 9/2007) có cho biết đã tìm được trong kho sách của Viện Hán-Nôm cuốnĐăng khoa lục sưu giảng của Trần Tiến (ký hiệu A.224) có chép một bài thơ Nôm kèm lời dẫn chữ Hán như sau: “Hà Nội tỉnh, nữ tử Xuân Hương hành lộ thất túc, thường lộ, tự vịnh” (Cô Xuân Hương ở tỉnh Hà Nội, đi đường sẩy chân ngã tốc váy, tự vịnh thơ):
Vén đám mây lên tỏ mặt trời
Lác coi từng đám rõ từng nơi
Giang sơn đâu đó nhô đầu dậy
Hoa cỏ quen hơi mỉm miệng cười
Ông Trần Thanh Mại rất thích thú với bài thơ này và nhận xét: “Bài thơ sinh động thật, ma quái thật, Hồ Xuân Hương thật!”
(24) Gs.Kiều Thu Hoạch; Thơ Nôm Hồ Xuân Hương – Từ góc nhìn văn bản học (Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 9/2007) cho rằng: …cho đến hiện tại, dù đã mất mát ít nhiều, văn bản thơ Nôm Hồ Xuân Hương trong kho sách Hán Nôm cũng còn được 3 bản khắc ván in và nhiều bản chép tay, tổng cộng khoảng trên dưới 20 văn bản Nôm có thể làm cơ sở tư liệu cho việc tuyển chọn thơ Nôm Hồ Xuân Hương.
(25) Hoàng Xuân Hãn; Thiên tình sử Hồ Xuân Hương, NXB Văn học 1995, trang 280.
(KIẾN THỨC NGÀY NAY số 663 ngày 10/01/2009). Bản của tác giả
Nguyễn Cẩm Xuyên