Úc Châu, một lục địa mà cũng là một hải đảo mênh mông, có bề rộng từ Đông sang Tây 4 000 cây số, bề dài từ Bắc xuống Nam 3 200 cây số. Một diện tích bằng phân nửa toàn lục địa Âu Châu hay 14 lần diện tích nước Pháp, nơi tôi cư ngụ. Một mảnh đất rộng lớn như vậy nên di chuyển từ thành phố này đến thành phố khác là môt hành trình dài, tính bằng cả ngàn cây số, y như ở xứ Hoa Kỳ vậy. Chính vì lý do đó nên chuyến đi đầu tiên của tôi đến Úc phải hạn chế ở một hai thành phố dù tôi có bạn ở những nơi xa vời khác, Perth, mà bạn tôi có ý muốn tôi ghé thăm. Thôi chờ chuyến đi khác, tôi sẽ đến thành phố của bạn nhé, Ngọc.
Khởi hành từ Paris tối ngày thứ bảy mà đến sáng thứ hai tôi mới đáp xuống phi trường Sydney, một hành trình dài 24 tiếng đồng hồ chồn chân ở ghế máy bay còn thêm 3 giờ chờ máy bay ngừng đổi hành khách. Sydney, 8 giờ sáng đã nhộn nhịp xe cộ dưới ánh mặt trời tỏa sáng (khác với Paris của tôi, 8 giờ sáng mặt trời vừa mới e ấp ló dạng ở chân trời). Nhìn đường phố, nhà cửa tôi thấy cũng giống như những thành phố ở Hoa Kỳ, kể cả ở ngọai ô Sydney, những ngôi nhà rộng rãi với sân cỏ xanh cắt bằng phẳng, chỉ khác là xe hơi ở xứ của Nữ Hoàng Anh này được lái bên phía trái. (Không như Hoa Kỳ, dưới sự chỉ huy của G. Washington và sự trợ giúp của một nhóm quân Pháp trong đó có Bá Tước La Fayette, đất nước này đã không chấp nhận sự áp đặt của Vương Quốc Anh, họ nổi dậy đòi độc lập vào những năm 1775-1782, và nền độc lập Hoa Kỳ đã được Anh công nhận vào năm 1783. Nước Úc trái lại, rất gắn bó với mẫu quốc của mình là Vương Quốc Anh, mà vào năm 1999, trong một cuộc trưng cầu dân ý, thêm một lần nữa 55% công dân Úc đã biểu lộ lại ý muốn vẫn chọn Nữ Hoàng Élizabeth Đệ Nhị là Quốc Trưởng của xứ mình, như điều đó đã thể hiện từ năm 1952 khi Bà lên ngôi báu)
Tôi ở Sydney hơn hai tuần lễ, trước nhất là dự Đại Hội Pétrus Trương Vĩnh Ký Toàn Cầu. Những cựu học sinh và Thầy Cô của họ hẹn gặp nhau trong không khí ấm cúng, thân mật từ chiều thứ sáu 13 tháng 9 đến sáng chủ nhật 15 tháng 9 ở một Trung Tâm Sinh Hoạt Công Giáo. Buổi họp mặt có phần thuyết trình của những nhân vật danh tiếng như Giáo Sư môn Khoa Học Hàng Không và Không Gian tại Đại Học Michigan, Nhà Văn, mà cũng là Cựu Tư Lệnh Không Quân VNCH : Nguyễn Xuân Vinh với chủ đề «Thiên Chức của Nhà Giáo» ; Luật Sư Lưu Tường Quang, Cựu Tổng Giám Đốc Đài Phát Thanh Sắc Tộc Úc Châu SBS với chủ đề «Thử tìm một Pétrus Trương Vĩnh Ký ở đầu thế kỷ 21» ; Nhạc Sĩ, Kỹ Sư Quách Vĩnh Thiện với chủ đề « Sáng Tác Nhạc Kiều theo tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh của Thi Hào Nguyễn Du ». Các Đài Truyền Hình VietFace, SBTN đã có mặt để quay phim tường thuật 3 ngày họp mặt của Cựu Học Sinh Pétrus Ký này mà Hội Trưởng Hội Ái Hữu Pétrus Ký Úc Châu là Trần Thạnh, một Tiến Sĩ Toán giảng dạy tại Đại Học Sydney. Ngoài ra một nhóm cựu học sinh cũng tài giỏi không kém, họ đã mở một trung tâm dạy học và hướng dẫn để sinh viên chuẩn bị vào Đại Học có tên là Pétrus Ký College – University Préparation College có trụ sở taị Bankstown. Ba ngày họp mặt Cựu Học Sinh Pétrus Ký diễn ra tốt đẹp, ăn ngon, ngủ yên và buổi tối thứ bảy có một màn văn nghệ thật hay do Nguyễn Đăng Thảo và Nghệ Sĩ Đăng Lan đảm trách.
Thầy Cô và cựu học sinh Pétrus Ký trong kỳ Đại Hội Thế Giới Úc Châu.
Quách Vĩnh Thiện – Nguyễn Xuân Vinh ở Đại Hội Pétrus Ký 2013.
Quách Vĩnh Thiện – Lưu Tường Quang ở Đại Hội Pétrus Ký 2013.
Ngoài phần họp mặt, ban tổ chức Đại Hội Pétrus Trương Vĩnh Ký Toàn Cầu cũng cho những người tham dự được du ngoạn, viếng thăm các thắng cảnh của Sydney và vùng lân cận, họ cũng hướng dẫn đi viếng Thủ Đô Canberra cách Sydney 280 cây số hay đi gần 1 000 cây số để viếng Melbourne.
Tuần lễ sau, thứ sáu 20 tháng 9 và thứ bảy 21 tháng 9 tôi được dự Đại Hội Gia Long Thế giới, với đông đảo cựu nữ sinh và giáo sư đến tham dự. Gia Long không có những phần thuyết trình như ở Đại Hội Pétrus Ký, chỉ các cựu Giáo Sư lên phát biểu và nhắc lại những kỷ niệm lúc còn dạy ở máy trường danh tiếng này. Họ không tổ chức sống chung trong 3 ngày như Pétrus Ký, nhưng họp mặt thứ sáu và thứ bảy ở hai nơi khác nhau trong hai nhà hàng sang trọng ngay trung tâm một thành phố, Bankstown, nơi có nhiều sinh hoạt của người Việt. Đêm Thứ Bảy sau bữa ăn được dọn đãi theo kiểu Tây Phương là phần văn nghệ đầy màu sắc do các cựu nữ sinh đến từ các nước Hoa Kỳ, Pháp, VN, Úc….trình diễn. Những màn vũ múa, trình diễn thời trang với áo quần lộng lẫy diễn ra đến nửa khuya. Cũng như Petrus Ký, Ban tổ Chức Gia Long hướng dẫn đi du ngoạn, có những chuyến đi thật xa đến Cairns và đến Tân Tây Lan….
Ở cả hai Đại Hội Petrus Ký và Gia Long, Ban Tổ Chức đều cho phát hành một Đặc San có nhiều tài liệu, bài vở giá trị để tặng các cựu học sinh tham dự.
Viet Face TV – Kim Hoàng ở Đại Hội Gia Long 2013.
SBTN TV – Dũng La ở Đại Hội Gia Long 2013.
Sau hơn hai tuần ở Sydney, tôi lấy máy bay đi Melbourne, thành phố đông dân thứ nhì sau Sydney với dân số hơn 4 triệu người. Melbourne đã được bình chọn liên tiếp trong 3 năm 2011, 2012, 2013 là « thành phố đáng sống » nhất thế giới vì những phẩm chất ngoại hạng của mình và cũng được xem là thủ đô văn hóa nước Úc. Chính vì vậy, ở Sunshine, ngoại ô Melbourne, nơi có nhiều người VN cư ngụ, vào ngày thứ Bảy 28 tháng 9 một buổi hội ngộ văn hóa Pháp-Úc đã diễn ra tại Đền Thờ Quốc Tổ mà cũng là Trung Tâm Bảo Tồn Văn Hóa Việt. Buổi hội ngộ có tên « Truyện Kiều, Thơ và Nhạc » do Hội AVA (Hội Văn Hóa Nghệ Thuật tại Úc) tổ chức để Nhạc Sĩ Quách Vĩnh Thiện đến từ Pháp có dịp trình bày cùng cộng đồng người Việt sống tại Melbourne công trình phổ nhạc toàn bộ 3254 câu thơ của tác phẩm Kim Vân Kiều của Đại Thi Hào Nguyễn Du.
Đền Thờ Quốc Tổ
Dáng Thơ – Quang Vũ
Nguyễn Bon
Nguyễn Thế Phong
Vào 2 giờ trưa, với đèn hương nghi ngút trước bàn thờ Quốc Tổ, sau phần chào cờ Úc-Việt, hai ông Nguyễn Bon, Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria (CĐNVTD) và ông Nguyễn Thế Phong, người trách nhiệm điều hành Đền Thờ Quốc Tổ, đã cùng Nhạc Sĩ Quách Vĩnh Thiện (NS QVT) dâng nén nhang đến các Bậc Tiền Nhân có công dựng nước và những chiến sĩ đã hy sinh tính mạng để gìn giữ san hà. Hai MC của hội AVA : Quang Vũ và Dáng Thơ đã chào mừng quan khách và mời Chù Tịch CĐNVTD ông Nguyễn Bon phát biểu. Sau đó là phần nói chuyện của ông Nguyễn Thế Phong, ông đã tóm tắt một cách rành mạch cốt truyện Kim Vân Kiều và nhân dịp cũng có một chút chua xót khi nghĩ đến những « nàng Kiều » VN hiện nay đã bị đem bán trên xứ người. Phần văn nghệ dựa trên những sáng tác của NS Quách Vĩnh Thiện phổ từ thơ trong tác phẩm « không tiền khoáng hậu » của nền văn học VN, Truyện Kiều, và được các nghệ sĩ tài năng trong nhóm AVA đảm trách. Họ chỉ là những nghệ sĩ nghiệp dư nhưng hết sức điêu luyện: một Minh Hiếu, đoan trang có 2 màn ngâm thơ Kiều và hát vọng cổ bài Chữ Tài Chữ Mệnh ( bài cuối cùng trong số 77 bài nhạc) ; một Thúy Lan xinh đẹp, duyên dáng cùng mặc chiếc áo dài màu tím hoa sim đồng phục với Kim Yến, cô đệm đàn Tây Ban Cầm để Thúy Lan cất tiếng hát truyền cảm bài Thúy Kiều Thúy Vân (bài đầu tiên trong 77 sáng tác KVK ); một nhóm múa Âu Cơ gồm sáu cô, áo quần rực rỡ múa những động tác dịu dàng, thu hút trong hai màn trình diễn. NS QVT cũng cống hiến một màn biểu diễn đàn Tây Ban Cầm.
Minh Hiếu
Thúy Lan – Phương Yến.
Nhóm múa Âu Cơ.
Nhóm múa Âu Cơ.
Nguyễn Thành Thụy
Kiều Tiến Dũng
Xen lẫn trong chương trình là phần nói chuyện : NS Quách Vĩnh Thiện tâm tình về cảm xúc khi đến Melbourne được các nghệ sĩ đón tiếp với tất cả sự nồng nàn ; về nguyện vọng khi để ra 5 năm trời phổ thơ Nguyễn Du mà vẫn giữ nguyên lời thơ của nhà Đại Văn Hào. Cái nguyện vọng khá to lớn là không để Truyện Kiều của Nguyễn Du chìm vào quên lãng và thêm nữa, với dòng nhạc, các trẻ em VN lớn lên tại hải ngoại sẽ biết đến Truyện Kiều rồi sẽ tìm hiểu sâu xa thêm về tác phẩm này. Cũng có anh Nguyễn Thành Thụy, một Kỹ Sư « Điên Nặng » (Điện) như anh dí dỏm tự giới thiệu, anh cũng là một nhà thơ, nhà văn viết nhiều bài rất đặc sắc. Anh Nguyễn Thành Thụy đã giới thiệu NS Quách Vĩnh Thiện với cách diễn đạt vui, hóm hỉnh đầy thú vị. Tiến Sĩ Kiều Tiến Dũng, một Giáo Sư Vật Lý giảng dạy tại Đại Học Melbourne mà cũng là Giám Đốc sáng lập Đài Truyền Hình VietNamTV và Radio Hồn Việt tại tiểu bang Victoria (tiểu bang mà Melbourne là thủ đô). Ông là một người VN tuổi trẻ tài cao, khi phát biểu ông đã đem kiến thức khoa học của mình để nhận xét về công trình sáng tác của Quách Vĩnh Thiện (QVT). Thi Sĩ, Nhạc Sĩ Dáng Thơ mà vài bài thơ của cô đã được Nhạc Sĩ Anh Bằng (người sáng lập Trung Tâm Nhạc Asia) phổ thành nhạc. Dáng Thơ, một phụ nữ mảnh mai, thanh lịch dáng dấp rất thích hợp với cái tên, cô đã lên trình bài về nét sáng tạo trong khi phổ nhạc Kiều của QVT.
Đôi nghệ sĩ Hoàng-Vân.
Ngoài ra, một đôi Nghệ Sĩ trẻ thật đẹp, Hoàng-Vân chồng đàn vợ hát đã tặng cho khán giả một bài nhạc tình của QVT : Nếu Một Mai Mình Xa Cách trong tiếng đàn điêu luyện của chồng và tiếng hát quyến rũ của vợ. Buổi trình diễn được Đài VietNamTV thu hình và phỏng vấn một số các khán giả tham dự.
Chương trình đã được hưởng ứng nhiệt liệt với những tràng vỗ tay ròn rã. Buổi hội ngộ văn hóa Pháp-Úc chấm dứt lúc 18 giờ. NS Quách Vĩnh Thiện đã có dịp ký tặng các CD và sách đến khán giả.
Cũng nên nói thêm là buổi hội ngộ đã được thành hình là do hội AVA, một Hội Văn Hóa Nghệ Thuật của một nhóm trẻ đầy tâm huyết, họ là những sinh viên như Quang Vũ (Hội Trưởng), Quách Giang (Thủ Quỹ)….dưới sự cố vấn, hỗ trợ âm thầm của Dáng Thơ (Sáng Lập Viên). Nhờ sự khéo léo, dịu dàng và lòng nhân hậu, ngay cả hy sinh việc gia đình, cô đã sát cánh, « đứng mũi chịu sào », cùng nhóm trẻ AVA hoạt động nhiều công tác xã hội điển hình là tổ chức thành công những buổi văn nghệ gây quỹ giúp đỡ các cô gái VN đang sa vào ổ mãi dâm tại Cambodge. Nhóm AVA cũng đã cho ra mắt 2 CD nhạc có tên Gom Nắng (Những Tình Khúc Khởi Nguồn Từ Melbourne-Sydney) Cả 2 CD đều có sáng tác của Nhạc Sĩ Anh Bằng và đặc biệt, lời đề tựa ưu ái của ông dành cho CD1. Nghe qua 2 CD này mà phẩm chất không kém các CD của các nhà phát hành chuyên nghiệp, ta khám phá thêm những tài năng mới, qua những bài nhạc trữ tình của Lê Phú, Viễn Trình, Dáng Thơ, Kiều Tiến Dũng…
Tượng điêu khắc của Lê Phú.
Ái Cơ Hoàng Thịnh và phu quân trong bữa tiệc tại nhà hàng Nhị Nương.
Nhóm AVA cũng có nhiều ủng hộ viên và cộng tác viên danh tiếng ở vùng Melbourne như Lê Phú, một cựu Chánh Trị Kinh Doanh Đà Lạt, anh vừa là họa sĩ, nhà điêu khắc và nhạc sĩ tài ba; như chị Ái Cơ Hoàng Thịnh, nhà văn, nhà thơ mà cũng là giáo sư giảng dạy Anh Ngữ, Việt Ngữ tại các trường Úc từ năm 1984 và được vinh danh Công Dân Danh Dự (Citizen of The Year 1994), Giáo Sư Danh Dự (Teacher of The Year 1977); như nhà văn, nhà thơ, nhà giáo Đường Sơn; như ông Nguyễn Khang, thi sĩ với nhiều thể loại thơ: châm biếm, thơ tình và còn là nhà nghiên cứu tử vi … ; như Tina Nguyễn; Nguyễn Thành Thụy v.v…
Dáng Thơ, Tina Nguyễn, Nguyễn Khang, QVT, Thanh Vân, Hồ Thu.
Tôi chỉ ở Melbourne 5 ngày nhưng là những ngày đầy ắp tình cảm. Những buổi họp mặt thân hữu với những món ngon ở quán Nhị Nương (Nhà hàng của 2 nghệ sĩ yêu kiều Thúy Lan và Kim Yến. Ở quán ăn này, thực khách có thể vừa thưởng thức món phở, bún bò Huế, bánh xèo, lẩu… vừa nghe tiếng đàn và tiếng hát của 2 phụ nữ say mê âm nhạc này), những bữa cơm được khoản đãi tại tư gia của đôi nghệ sĩ Hoàng-Vân hay tại tư gia ở một khu sang trọng bậc nhất Melbourne của vợ chồng Tiến Sĩ Kiều Tiến Dũng, bữa ăn thân mật ở nhà hàng Tàu vừa nói chuyện tử vi của nhà thơ Nguyễn Khang, bữa tiệc linh đình mừng sinh nhật Dáng Thơ (1 tháng 10), sự gặp gỡ lần đầu tiên với 2 đồng hương Vĩnh Long: Kim Phượng, Kim Oanh, hay sự gặp gỡ tình cờ với đôi vợ chồng Hạnh-Liên mà nụ cười hiền lành vẫn còn trong tâm trí tôi.
Sinh Nhật Dáng Thơ (áo đen) và Tina, Hoàng Vân, Đoan Trang.
Con đường dẫn đến nhà Tiến Sĩ Kiều Tiến Dũng ở trung tâm Melbourne.
Các bạn Úc Châu của tôi ơi, tôi trở về Pháp mà lòng còn đầy ắp những tình cảm chân thật mà các bạn đã tặng cho tôi, chỉ biết không nói được hết lời đa tạ của tôi đối với các bạn. Tôi tự hỏi: tại sao những người VN tại Úc Châu có lòng tốt và nhân hậu đến thế? Có lẽ « đất lành chim đậu » và một mảnh đất hiền hòa ở Nam Bán Cầu (một xứ chưa hề có chiến tranh) với nhiều tài nguyên phong phú (mỏ kim cương chiếm 50% dự trữ thế giới, mỏ than đá còn khai thác đến 400 năm, uranium là nguồn sản xuất đứng thứ nhì thế giới, chưa kể mỏ opale, một loại đá quí mà chỉ có ở Úc Châu…). Ngoài ra Úc Châu có cây ngon trái ngọt đủ loại, rau cải dư thừa, những trại chăn nuôi mênh mông, « chim bay thẳng cánh ». Những điều kiện đó cho người dân sống thoải mái, yên vui nên có thể làm cho bạn « dễ thương » hơn những người dân sống ở đất nước khác chăng? Tôi suy diễn vụng về như vậy để tìm câu trả lời. Nhưng đến phiên tôi, tôi mời bạn ghé ngang xứ Pháp của tôi, để tôi hướng dẫn bạn đi xem đền đài, dinh thự, phố xá Paris, Kinh Đô Ánh Sáng bạn nhé. Cũng xin cám ơn chị Huỳnh Mai và gia đình đã đón tiếp chúng tôi trong 2 tuần lễ tại Sydney.
Chúc các bạn sống yên bình, hạnh phúc trên miền đất mà thiên nhiên còn nguyên vẹn nên các con thú hiếm lạ sống thảnh thơi, Kangourou, Kaola và đủ loại chim màu sắc tuyệt đẹp, thật dạn dĩ đến hót víu von trong vườn nhà chị Huỳnh Mai. Thương nhớ các bạn nhiều. Hẹn tái ngộ.
Kim Phượng – Thanh Vân – Kim Oanh.
Tác giả Thanh Vân
Minh Châu sưu tầm