Tiếng rao khắp nẻo Sài Gòn
Tiếng rao khắp nẻo Sài Gòn
Vẫn biết rằng, người buôn bán ở bất cứ nơi đâu cũng thường cất tiếng rao nhưng chắc chắn không nơi nào tiếng rao phong phú và đa dạng như ở Sài Gòn, thủ đô một thời, đã đón bao nhiêu bước chân đến lập nghiệp cũng là đón bấy nhiêu âm quê trong khúc rao hàng.
Người Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An… lên Sài Gòn mưu sinh đem theo cả chất giọng rặt Nam bộ của mình: “Xu xoa… hột lựu… nước dừa… đây!”, “Ai giày dép, thao nhôm, đồ mủ, dze chai, lông dzịch, tập cũ, sách cũ bán hôn?”. Còn những mệ, những o xứ Quảng khi đến vùng đất Sài Gòn cũng gồng gánh trên vai những đặc sản quê hương với giọng rao trọ trẹ đặc trưng: “Ai mua bánh bột lọc không? Bánh ú đây!”. Có khi, trong những khúc rao, người ta còn nghe chất giọng miền Bắc phát âm sai của các cô gái nhà quê: “Có ai bánh lếp, bánh chưng, bánh giầy lào!”; “Ai cơm rịu, xôi vò không?”.
Thỉnh thoảng trong những lời rao lên bổng, xuống trầm lại bất gặp giọng rao lơ lớ của các chú người Hoa, nghe ngồ ngộ làm sao: “Dzăng dzàng, dzăng bạc, chồng dzăng bịt dzăng, dzứt dzăng, lau dzăng, dzổ dzăng hỏn lau, lau hỏn lái tèn” (răng vàng, răng bạc, trồng răng, bịt răng, nhức răng, đau răng, nhổ răng không đau, đau không lấy tiền), để đắt hàng, người bán cố tình tạo ra những khúc rao thật ấn tượng, có khi là những câu thơ ngộ nghĩnh như anh chàng kẹo kéo vẫn thường rao: “Cô nào chồng bỏ chồng chê, ăn cây kẹo kéo chồng mê chồng về”, có khi đi kèm với tiếng rao lại là loại âm thanh đặc trưng nào đó. Sáng sớm, nghe tiếng xích xe kéo rè rè, bà con lao động trong những hẻm nghèo lập tức nhận ra anh bán cháo sườn quen thuộc. Khi cái nắng nóng bắt đầu đổ xuống, lũ trẻ con khắp ngõ trên, xóm dưới lại nao nức đợi tiếng leng keng của chú bán kem.
Từ chiều đến tối là thời điểm thích hợp cho người bán hàng rong: tiếng kéo lách cách là dấu hiệu của chiếc xe đẩy bán gỏi khô bò; tiếng gõ nhịp lóc cóc là âm thanh của các xe mì, hủ tíu bình dân… Cứ thế, từ sáng sớm tinh mơ đến tận đêm hôm khuya khoắt, những khúc rao tạo thêm vẻ thú vị cho vùng đất này. Nét đặc trưng ấy làm cho người Sài Gòn mỗi lần đi đâu xa lại nhớ đến da diết những tiếng rao vừa lạ, vừa quen của thành phố mình. Ngược lại, người xa quê lên Sài Gòn lập nghiệp cũng cảm thấy ấm lòng khi nghe giọng rao bằng âm điệu quê hương.
Ngày nay, những khúc rao bổng trầm ngân nga nghe như có tình, có ý ngày xưa được thay thế bằng những câu giới thiệu vô hồn, vô cảm vang lên chát chúa từ loa phóng thanh. Dường như ai cũng cố làm sao để mọi người chú ý đến mình giữa một rừng âm thanh ồn ào của ô tô, xe máy…
Đã từng có lúc không ít người bực mình với khúc nhạc quảng cáo kem Wall, nghe quen đến nỗi cứ hễ thấy người bán mặc chiếc áo vàng, đi kèm với chiếc xe đạp chở thùng kem to tướng là lũ trẻ đã nhạo lại: “Không có tiền, không có tiền, không có tiền thì không có kem!”
Không chịu thua anh hàng kem, các mặt hàng khác cũng nhập cuộc bằng hàng loạt câu hét inh ỏi. Xe bánh mì rao: “Bánh mì Sài Gòn, đặc ruột thơm bơ, một ngàn một ổ”; xe keo dính chuột hét: “Xin trân trọng giới thiệu cùng quý vị, công ty hóa màu vừa cho ra đời một sản phẩm, đó là keo dính chuột. Keo dính chuột không độc hại, không gây ô nhiễm môi trường…”; máy cân đo sức khỏe lớn giọng: “Hoan nghênh đo chiều cao, cân nặng, thử sức kéo…”; còn khi nghe tiếng nhạc đập thùng thình có nghĩa là anh bán dạo băng đĩa nhạc và trăm thứ lỉnh kỉnh khác như lót giày, bơm ga bật lửa, móc chìa khóa… đang quanh quất đâu đó… Đúng là ăn ở theo thời thế, nhưng những cái gì xưa về một thuở Sài Gòn chúng ta đang thật sự càng ngày càng mất rất là nhiều.
hồng anh st