James Corbett nghệ sĩ đồng nát
James Corbett
nghệ sĩ đồng nát
James Corbett, nghệ sĩ tự học người Úc, đã từ bỏ nghề mua xe đồng nát để theo nghệ thuật điêu khắc, tạo hình. Tác phẩm của anh được quốc tế đánh giá cao nhờ tính sáng tạo và tài khéo léo “kết vần gieo điệu” từ những bộ phận của xe đồng nát thành tác phẩm nghệ thuật đặc sắc Úc châu.
James Corbett bên tác phẩm ‘Đười Ươi’ (Orang-Utan).
Cho đến đầu năm 2000, James Corbett vẫn còn là nhà tái chế xe hơi phế thải. Ý tưởng nghệ thuật của anh chỉ gói gọn trong vài hình vẽ nguệch ngoạc thời tiểu học. Thế mà chỉ 6 tháng sau, anh chàng 49 tuổi này đã thực hiện nhiều cuộc triển lãm tác phẩm ở ba thành phố. Và tròn một năm sau, nhà điêu khắc cách tân (néo sculpteur) đã tự sống được bằng nghệ thuật. Ðược hình thành bởi nhiều bộ phận rời thu hồi từ những chiếc xe hơi phế thải, ngày nay tác phẩm nghệ thuật của anh được bán ở ba châu lục với giá lên đến 30,000 usd / tác phẩm
Tác phẩm ‘Đưa chó đi công viên’.
Sự nổi tiếng nhanh như chớp này bắt nguồn từ một nghĩa cử hào hiệp. James Corbett giải thích: “Theo đề nghị của một người bạn, tôi đã tặng cho anh ta vài ‘món đồ cũ’ tách rời từ xe phế thải để tham gia cuộc triển lãm nhân đạo. Ðiều bất ngờ là vài tuần sau, anh ta đã mang về cho tôi ‘giấy chứng nhận tác phẩm hoàn hảo’ mà tôi trang trọng đặt trong tủ kính. Hàng ngày nhiều lần đi qua đi lại mấy ‘cục sắt ve chai’, tôi tự nhủ rằng mình có thể làm tốt hơn nữa những gì đã làm”. Và điều mà bản năng anh mách bảo quả không sai.
Tác phẩm ‘Bò’.
James bắt đầu tập hợp, lắp ghép… những bộ phận bằng thép tháo rời từ xe hơi phế thải mà anh cùng vợ, Jodie, thu mua và quản lý, đặc biệt là những chiếc xe hơi cổ của Pháp bởi xe đời mới sau này hầu hết các bộ phận làm bằng nhựa dẻo. Cho nên tìm ra được những bộ phận xe hơi cổ là khó khăn nhất mà anh phải vượt qua.
Tác phẩm ‘Ngựa’.
Sau thời gian đầu có phần rụt rè, anh dần cảm thấy tự tin vào sự thành công của tác phẩm đầy sáng tạo và có giá trị về mặt nghệ thuật được công chúng đánh giá cao. Ðiều này mang đến cho anh niềm hứng khởi và phấn chấn. Có thể do không am tường nhiều về mỹ thuật, anh đã sáng tác một cách tự phát mà không biết tác phẩm của mình rồi sẽ đi về đâu, được công chúng nhận xét và đánh giá ra sao.
Tác phẩm ‘Lực sĩ điền kinh’.
Lần đầu tiên anh trưng bày tác phẩm của mình trong một quán café ở thành phố Brisbane, bang Queensland, Úc. Cuộc trưng bày nghệ thuật chủ đề “xe hơi” chỉ diễn ra trong một buổi tối, nhưng đã mang lại thành công ngoài mong đợi khi 1/3 tác phẩm được người xem mua ngay tại chỗ. Hơn thế nữa, sự kiện “chớp nhoáng” đó đã mở cánh cửa đưa anh đến các cuộc triển lãm xe hơi ở Úc. Tại đây anh nhận được nhiều đơn đặt hàng làm mô hình từ các hãng sản xuất xe hơi. Ðặc biệt hãng Toyota yêu cầu anh điêu khắc một con cá mập làm quà cho nhà chơi golf Greg Norman. Sau Brisbane, James Corbett thực hiện nhiều cuộc triển lãm tác phẩm khác ở Sydney, Melbourne và Perth. Ðến giữa năm 2010, “điêu khắc” trở thành nghề mang đến cho anh nguồn thu nhập chính trong cuộc sống. Tuy nhiên anh vẫn chưa đủ can đảm bỏ nghề để tập trung toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật dù anh luôn nghĩ rằng nghệ thuật cuối cùng rồi cũng sẽ thắng…
Một góc phòng triển lãm tác phẩm ở Anh Quốc.
Một tác phẩm nghệ thuật của James Corbett có thể được hoàn thành trong một ngày hay nhiều tháng. Khó khăn là tìm“nguyên liệu” để sáng tác ngày càng khan hiếm. Anh tâm sự: “Tôi sử dụng chủ yếu là các bộ phận, mảnh kim loại cũ, rời và đầu tư nhiều thời gian tìm tòi, phát hiện ra cho bằng được những ‘mảnh nguyên liệu ấn tượng nhất, cá tính nhất’. Những chiếc xe thế hệ mới ngày nay có ít mảnh thép. Ða số bộ phận được làm bằng nhựa như thanh đỡ chống va chạm (pare-chocs) trước và sau thân xe, chụp đèn… Trong lúc làm việc ‘tại xưởng sáng tác’ ở thị trấn Ningi, Queensland, Úc, đầu tôi luôn đầy ắp những bộ phận, mảnh rời… cũng như những ý tưởng lắp ghép, tập hợp thành tác phẩm hoàn thiện”.
Tác phẩm ‘Máy kéo’.
Người hâm mộ thường hỏi James: “Anh có vẽ hình tác phẩm ra giấy trước khi sáng tác không?” Câu trả lời của anh: “Nói chung là không. Thông thường, tôi tưởng tượng ra trong đầu hình ảnh nhất định của tác phẩm mà tôi muốn sáng tác. Hình ảnh mà tôi tưởng tượng trong đầu như một món đồ, một con vật hay nhân vật, thường thiên về đặc điểm hơn là hình dáng cuối cùng của tác phẩm sẽ như thế nào. Ðôi khi, tôi vẽ một bản phác thảo rất nhanh để khắc sâu hơn trong tâm trí thế đứng, tư thế của nhân vật”.
James Corbett bên cạnh tác phẩm kangaroo.
James Corbett đã thực hiện ba cuộc triển lãm ở Anh quốc và một ở Palm Desert, California, Hoa Kỳ và đón nhận nhiều lời khen thích đáng từ công chúng đến thưởng ngoạn. Dự kiến trong năm nay, anh sẽ quay lại hai quốc gia trên. Không ngủ quên trên chiến thắng, anh cho biết: “Một nghệ sĩ phải luôn tự hoàn thiện theo dòng thời gian bằng cách khắc chế những khuyết điểm mà người hâm mộ góp ý để cho ra đời nhiều tác phẩm ngày càng nghệ thuật hơn”.
ÐDH – Sydney
Ngọc Lan st