Cam kết năm mới làm người tốt

Cam kết năm mới làm người tốt

Mỗi năm người ta vẫn thường nhủ với lòng mình sẽ thực hiện một sự thay đổi nào đó trong năm mới. Từ việc từ bỏ những thói quen có hại hay nhắm đến một hoạt động lành mạnh nào đó, cho đến việc cam kết trở thành một con người hoàn thiện hơn, người ta nhắm đến những điều tốt đẹp trong đời sống cá nhân. Trong vài năm qua, những lời cam kết năm mới về việc giảm cân, tập luyện thể dục, tự chăm lo cho sức khỏe của mình không còn đứng đầu trong những “New Year Resolution” của nhiều người mà đã chuyển sang việc tự cam kết sẽ trở thành một người tốt hơn, mang ý nghĩa nội tại  và nhắm đến những giá trị tích cực trong đời sống tinh thần của mỗi người, bên cạnh việc chăm lo vẻ ngoài. Xin chào năm mới, xin chào con người mới. Những người công bằng, tốt bụng.

cam-ket-nam-moi-lam-nguoi-tot4
nguồn getty images

Thói quen và truyền thống từ lâu của phương Tây khi bước vào năm mới vẫn thường có những điều tự cam kết sẽ thay đổi hay thực hiện điều gì đó trong năm. Chúng thay đổi theo nhận thức, thói quen cùng thứ tự ưu tiên của mỗi người. Dù những lời cam kết này cũng có thể tan nhanh như những bông tuyết mùa Ðông, nhưng truyền thống này xem ra vẫn là một điều tốt đẹp khi những lời thầm nguyện này hướng đến những thay đổi tích cực cho một cá nhân hay xã hội. Vì cho dù giữ được những điều tự đặt ra hay không thì nó vẫn hiện diện trong tâm tưởng mỗi người, chừng nào họ  còn chưa làm được.

cam-ket-nam-moi-lam-nguoi-tot3

Những lời cam kết này có thể thay đổi theo thời gian và cũng có thể nhắm đến những giá trị sâu xa hơn cùng với sự thay đổi những giá trị và cách nhìn của chính mình. Như chàng chủ nhân tài ba của Facebook  là Mark Zuckerberg từng tự hứa sẽ chạy bộ, ăn chay, học ngoại ngữ… cho đến việc đi và gặp gỡ người khác khắp các tiểu bang trong năm qua, thì năm 2018 này, mục tiêu của Mark là thay đổi  Facebook – nơi đang có hơn hai tỉ người sử dụng, sẽ không bị khai thác với những mục tiêu và hoạt động nguy hại.  Không chỉ cho mình mà cho người. Rất nhiều người. Dân Mỹ nói chung cũng vậy. Từ những điều bình thường nhưng khó giữ mục tiêu đặt ra như giảm cân, ăn uống điều độ, bỏ thuốc lá, bớt lo nghĩ, đọc sách nhiều hơn…, trong vài năm qua  người dân bắt đầu nhìn đến những điều khác hơn việc chăm lo bề ngoài của mình như nói trên để nhắm đến cách hành xử, đối đãi với người khác. Thăm dò cho thấy điều tự cam kết “thành một người tốt hơn” (being a better person) đã qua mặt việc giảm cân – vốn đứng đầu danh sách từ lâu nay. Một sự thay đổi cần thiết và nên làm. Như vậy việc tốt hay thành một “người tốt” là như thế nào và tại sao có xu hướng này?

cam-ket-nam-moi-lam-nguoi-tot
Nguồn Alamy

Người xưa bảo rằng “Nhân chi sơ tính bổn thiện”, con người sinh ra vốn đã thiện tâm. Nhưng đời sống, xã hội đã làm thay đổi không ít người. Chính vì lẽ đó mà các tôn giáo vẫn thường giáo huấn, nhắc nhở về những điều tốt-xấu, nên-không qua các lời răn, về thuyết ngày sau hay luật nhân quả. Ta bảo “Ở hiền gặp lành” thì Tây nói “One good turn deserves another” hay Ta dạy “Gieo gió gặt bão” thì Tây giảng “We reap what we sow“. Ðông hay Tây thì các giá trị cốt lõi xem ra không khác nhau. Nhưng những lời dạy này thường làm người ta mặc định những điều cao siêu hay hiển hiện phải như cứu nhân độ thế chẳng hạn… Trong khi lòng tốt đôi khi chỉ là những việc nhỏ nhặt thường ngày như lời cảm ơn hay sự nhường nhịn. Mà lắm khi một số người bỏ qua.

Chuyện kể có người phụ nữ lên xe buýt thì một chàng thanh niên đứng dậy nhường chiếc ghế cho chị. Quá xúc động và bất ngờ vì còn có người tốt bụng như vậy, bà ngã ra bất tỉnh. Khi tỉnh dậy chị lắp bắp cảm ơn thì đến chàng thanh niên… bất tỉnh. Vì không tin mình được cảm ơn. Tất nhiên chỉ câu chuyện trào lộng, nhưng nó nói đến một xu hướng xã hội có thật ngoài đời. Người ta dễ liên tưởng đến xã hội Việt Nam hiện nay vì nó rõ ràng và có nhiều lý do để lý giải. Mà quên rằng chính chúng ta, những người đang sống trong một xã hội văn minh và đề cao các giá trị và trật tự xã hội cũng cần chú tâm. Bởi chúng ta đi “mang theo quê hương” ra sao không biết nhưng rõ ràng mang theo cái “quê… một cục” thì chắc vẫn thường bắt gặp đó đây.

cam-ket-nam-moi-lam-nguoi-tot2
nguồn youtube

Tôi đến một thành phố lớn có đông người Việt. Gặp sáng Chủ Nhật nên cũng đi lễ tại một nhà thờ khang trang, to lớn. Về lại nơi mình ở, câu chuyện dẫn dắt sao mà nhắc cùng vài người chuyện xe ra vào chen lấn, chẳng ai nhường nhịn ai nơi này. Một anh bạn bảo rằng chuyện chẳng lạ, ở nơi anh đi cũng vậy. Tất nhiên không lạ vì bạn thử mở màn câu chuyện như vậy thì sẽ nghe được vô số lời than phiền tương tự tại bất cứ nơi nào. Chạy xe, chen lấn, cắt hàng, mất vệ sinh…, cứ đến nơi  đông người Á Châu thì có lẽ sẽ thấy ra sao. Cha xứ nơi nhà thờ tôi thường đi lễ cuối tuần cũng không ít lần nhắc nhở, than phiền những hành động như vậy. Mà thật, tôi luôn đợi và  ngồi quan sát ở bãi đậu xe cho đến khi có người “nhường” mình đi ra, có khi phải hàng chục xe mới ra được. Trẻ chạy tới cũng đi thẳng. Già đi lên cũng ngó lơ. Nam-nữ, cà-vạt hay com-lê cũng phớt tỉnh. Thật ra nào phải cần “nhường” ai. Cứ bên trái đến bên phải, hết xe này lại xe kia, xem như có cái bảng “Stop” trong đầu. Tuần tự và trật tự. Vừa ít nguy hiểm lại ra vào nhanh chóng. Việc đơn giản mà bao năm qua cũng vẫn chẳng thay đổi cho dù những bộ đồ, cái ví hay chiếc xe đã sang trọng hơn nhiều lần. Giá như phía bên trong những thứ xa xỉ này cũng có giá trị tương xứng. Nên nhiều khi tôi nghĩ, với một số người thì chỉ cần sự công bằng, phải lẽ thì cũng đã là “tử tế, tốt bụng” rồi. Chưa đòi phải làm những việc tốt đẹp đúng nghĩa.

cam-ket-nam-moi-lam-nguoi-tot1
nguồn vietravel

Lòng tốt không chỉ ở việc làm nhỏ như vậy mà còn trong lời nói. Ta thường chê “Tây” đãi bôi, miệng lưỡi lúc nào cũng khen tặng, “tốt, tốt”. Xét cho công bằng thì nó là một tính cách khá hay của phương Tây, khi quen khuyến khích, cổ vũ người khác. Thường khen tặng nhưng sẵn sàng lên tiếng, phản ứng khi gặp chuyện sai trái, bất bình, dám bảo vệ người khác. “Ta” thì ngược lại. Gặp chuyện sai trái, bất công thì né tránh, im lặng nhưng lại thường dè bỉu, chỉ trích, xâm phạm vào quyết định và quyền tự do cá nhân của người khác. Nhà Phật bảo rằng đó là khẩu nghiệp, cái nghiệp chuốc họa cho mình mà lại gây hại cho người với lời nói. Nên những lời nói dẫu có mộc mạc nhưng chân thành lại luôn là những lời hay, ý đẹp vì nó mang sự thông cảm, chia sẻ, thể hiện lòng tốt. Một danh ngôn của ai đó đã bảo rằng, “lòng tốt là ngôn ngữ mà người điếc có thể nghe và người mù có thể thấy”

Morning Dew Fresh Mauve Drops HD Pictures.Có những lời cam kết đầu năm rồi sẽ tan đi rất nhanh, người ta chóng quên khi không theo được mục tiêu mình đặt ra. Nhưng lời cam kết về lòng tốt của chính mình thì nên giữ lại. “Being a better person“, thành một con người tốt hơn là điều cần tái cam kết mỗi năm. Nó giúp cho lòng ta an lạc, thanh  tịnh và làm xã hội tốt đẹp và đáng sống hơn. Có người năm mới ước nguyện rằng, “Ông Thần Tài, xin hãy làm bạn cùng con trong năm nay”. Nếu vậy thì hãy thêm vào, “Bà Thần Hestia, xin đi cùng con trong năm mới này” cho Ðông-Tây hòa hợp. Và nếu bạn đã quên thì nữ thần Hestia trong thần thoại Hy Lạp tượng trưng cho đạo đức, lòng tốt bụng.

ĐYT

BCH ST

 
Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %23 %066 %2018 %19:%01
back to top