Chợ Bến Thành ngày xưa
Chợ Bến Thành ngày xưa
Chợ Sài Gòn cẩn đá,
Chợ Rạch Giá cẩn xi mon (xi măng)
Giã em ở lại vuông tròn,
Anh về xứ sở không còn ra vô
Chợ Bến Thành khi còn trên kênh Charner (Nguyễn Huệ)
chưa chuyển dời cuối thế kỷ 19 – Ảnh: Manhhaiflick
Câu hò của người xưa làm tôi ngờ ngợ. Nhưng chuyện ngờ ngợ của tôi được người cha tuổi hơn tám mươi của anh bạn giải thích “đá ở đây là đá hộc lát vỉa hè lề đường Lê Thánh Tôn phía cửa Bắc, chớ không phải đá cẩn trên vách tường”. Hồi xưa đường Lê Thánh Tôn được xem là một trong vài ba con phố chính của trung tâm Sài Gòn bởi có Dinh Xã Tây, một công trình có kiến trúc lớn và đẹp nhất thành phố lúc bấy giờ dùng làm nơi làm việc và họp hành của chính quyền Pháp. Hè đường lát đá hộc xanh vuông vức mười lăm phân kéo dài xuống Chợ Bến Thành, một ngôi chợ to lớn nằm giữa trung tâm đại diện bộ mặt Sài Gòn sầm uất.
Ông kể, hồi nhỏ (đâu năm 1940), gia đình có sạp bán trái cây ở phía ngoài hành lang cửa Bắc. Hành lang chợ bốn cửa lúc ấy đều tráng xi măng. Ông cũng nói thêm chợ Sài Gòn là cách gọi của người Sài Gòn. Thật ra ngôi chợ mới Bến Thành do người Pháp xây dựng năm 1912 và khánh thành năm 1914 gọi là chợ mới Bến Thành nằm trên phần đất của cái ao sình lầy chen chúc nhà cửa lợp tranh tre tạm bợ. Ông nói nghe những người lớn tuổi kể lại, chứ vào thuở tuổi thơ của ông, quang cảnh thị thành đã đổi khác nhiều rồi. Ngôi chợ mang tên Bến Thành, thế nhưng hồi ấy chẳng có cái bảng tên nào treo trên nóc chợ cho người ta biết dù chợ mới này là Chợ Bến Thành (cũ) dời tới.
Mấy đứa trẻ dùng thúng mang hàng cho người đi chợ ngày xưa
– Ảnh: Manhhaiflick
Trong bài viết “Tranh gốm ở Chợ Bến Thành”, tác giả Phạm Công Luận nhắc về chuyện bão lụt năm Thìn 1952, các mặt tiền chợ được chỉnh trang, người ta cẩn lên tường vách các bức tranh phù điêu. Những bức tranh gốm Biên Hoà ráp nối hình các loại gia cầm gia súc, thủy hải sản, trái cây thân quen rất đỗi dễ thương do nghệ nhân Lê Văn Mậu vẽ mẫu. Tuy nhiên, cha của anh bạn tôi vẫn khẳng định tuyệt nhiên không thấy trương lên bảng tên chợ. Toàn là bảng quảng cáo kem đánh răng treo kín mặt tiền chợ. Mãi đến sau năm 1975, bảng chữ “Chợ Bến Thành” mới được gắn lên ở cửa Bắc và cửa Nam.
Cái tên Chợ Bến Thành cũ trước đó cũng do người dân tiện miệng gọi ngôi chợ cất bên bến sông Sài Gòn gần Thành Gia Ðịnh (chỗ xưởng Ba Son ngày nay) khoảng giữa thế kỷ 19 nên người dân thuở đó gọi tên Bến Thành. Chợ chỉ có một nhà lồng, khung gỗ, mái lợp tranh. Bến sông lớn thuận lợi nên ghe thuyền trong nước và nước ngoài ghé đến tấp nập. Chính vì thế hàng hóa ngoại quốc xuất hiện ở chợ khá nhiều, thu hút người dân và người Pháp lui tới. Hàng buôn bán trong nước gồm tơ lụa, gốm sứ, thảo dược, gạo, khô, cau… từ miền Tây và các miền Trung chen nhau cập bến cùng với các loại thuyền ghe Gia Ðịnh mũi đỏ xanh lườn. Ghe ai mũi đỏ xanh lườn / Phải ghe Gia Ðịnh xuống vườn thăm em?
Ao Boresse (Bồ Rệt) ngày xưa phần đất cất Chợ Bến Thành mới
– Ảnh: Bưu thiếp
Sau khi Gia Ðịnh thất thủ, những binh lính người Việt âm thầm chống Pháp thiêu rụi ngôi chợ bên bến sông. Ðể thông thoáng cho tàu ghe lưu thông trên sông Sài Gòn, người Pháp dời chợ vô trong và cho đào kênh Charner (sau này lấp lại thành đường Nguyễn Huệ) để ghe thuyền buôn bán hàng hoá lưu thông dễ dàng, dựng lại Chợ Bến Thành gồm năm dãy nhà lồng cột gạch mái ngói. Về sau, chợ hư hỏng nặng, phải giải toả, xây dựng Chợ Bến Thành mới cùng nhà ga xe lửa Sài Gòn dời đến đầu đường Lê Lai.
Trong Bến Nghé xưa, nhà văn Sơn Nam miêu tả chút ít hình ảnh khu vực Chợ Cũ, còn phần nền chợ nhường cho toà nhà Kho bạc. “Khu vực từ đó gọi là Chợ Cũ chỉ còn những con đường lần hồi hoá ra nhỏ bé vì xe hơi nhập cảng ngày thêm nhiều và dân số càng gia tăng. Phố xá lợp ngói âm dương, rui mè bằng cây trở thành lạc hậu trong thời đại xi măng cốt sắt. Còn lại vài tiệm bán cơm thố, bán thịt heo quay, tiệm cà phê với ‘hương gây mùi nhớ’ mà người lớn tuổi còn tha thiết tới lui để sống lại những năm đầu thế kỷ 20, khi mà Sài Gòn bắt đầu được thực dân xây dựng, vào thuở máy móc còn chạy với nồi sup-de chụm than, chụm củi; ‘bà đầm’ đội nón giắt lông chim, lông cò, theo sau có anh bồi ‘ba-nhe’, ‘ban-bù’ đội thúng hoặc khiêng thức ăn với đòn gánh bằng tre”.
Chợ Bến Thành những năm 1920 – Ảnh: Manhhaiflick
Nghe chuyện ông Sơn Nam nhắc lại hình ảnh của các anh bồi “ba nhe, ban-bù”, tôi lại hình dung đó là những con người vạm vỡ, chuyên đứng ở chợ làm công việc bốc vác hay khiêng giúp hàng hoá của người mua kẻ bán. Nhưng khi xem lại bức ảnh tư liệu (không rõ tác giả là ai) chụp rất đẹp các em nhỏ tay ôm hoặc đầu đội thúng hồi đầu thế kỷ 20 thì tôi mới biết anh bồi chỉ là mấy đứa nhỏ. Có đứa còn bé quá, thuở đó chẳng ai lên tiếng chuyện bóc lột sức lao động trẻ con. Cha anh bạn tôi giải thích: “Thời đó xã hội nó vậy, giao thông chưa có nhiều nên mới sinh ra cái nghề khiêng vác. Người lao động kiếm sống ở Sài Gòn vất vả lắm mới có miếng ăn, người lớn trẻ con không đi học đều lao động kiếm tiền. Người lớn thì vác gánh, trẻ con thì đội thúng theo mấy bà đầm đi chợ như mấy đứa tiểu đồng”.
Chợ Bến Thành được dời về trung tâm Sài Gòn khi ấy người Pháp đã định hình ra một thành phố Sài Gòn theo thiết kế quy hoạch rộng chừng hơn 3 cây số vuông. Công trình chợ xây dựng sau khi lấp ao Boreses (Bồ Rệt). Theo nhiều tài liệu biên khảo về Sài Gòn xưa, dự án xây cất Chợ Bến Thành mới đã có từ năm 1884 nhưng lúc ấy chưa thực hiện được vì nhiều lý do kênh rạch tại trung tâm Sài Gòn khá nhiều, ao sình, nhà cửa tranh tre nứa lá của dân cư chen chúc. Muốn cất chợ, người Pháp phải mua đất và tính chuyện thiết lập hệ thống đường sá cho xe cộ (xe ngựa, xe kéo, xe đạp và xe hơi) lưu thông.
Chợ Bến Thành bị cháy năm 1950 do Việt Minh đặt bom và đốt
– Ảnh: Bưu Thiếp
Cha anh bạn kể, ngày xưa trước cửa Nam có bùng binh Cuniac (Cu-nhắc), nhộn nhịp nhất, chỗ giao nhau các đường nên mỗi dịp lễ hay Tết xe cộ, người bộ hành đổ về nườm nượp. Bên cửa Tây là đường Phan Chu Trinh tự nhiên thành bãi đậu taxi và xe hơi của mấy người nhà giàu đi chợ. Những căn nhà mặt tiền trên con đường ngắn bên hông chợ buôn bán vải lụa, phía đầu góc Lê Lai có vài tiệm vải của người Ấn. Bên cửa Ðông là đường Phan Bội Châu, phía bên chợ buôn bán đầy các món ăn rất ngon, bên phía kia đường là một dãy tiệm vàng, ngay góc đường Tạ Thu Thâu (Lưu Văn Lang sau này) khoảng giữa có nhà thuốc tây Nguyễn Văn Cao mà nhiều người lớn tuổi còn nhớ đến bởi tiệm này có đủ các loại thuốc, thậm chí biệt dược khó nơi nào có. Gần đó xuống tới góc đường Lê Thánh Tôn có tiệm bán nón cối trắng hồi thời Tây dành cho giới có tiền thích gu ăn vận theo người Pháp. Chợ có bốn cửa chính nhưng có đến 12 cửa phụ thông ra các đường. Tháp lầu bốn mặt xây ở cửa Nam nhưng chỉ có 3 mặt đồng hồ.
Có một sự kiện mà cha anh bạn nhớ suốt đời hồi năm 1950, lúc đó ông đang phụ bà mẹ chưng bày hàng trái cây ở hành lang cửa Bắc. Một tiếng nổ vang rất gần, bà con đi chợ chạy rần rần va vào mâm măng cụt ông vừa chất lên cao vút bên cạnh mâm cam sành, trái cây lăn đầy xuống lề đường giập nát. Hôm nay chưa bán mà lỗ không biết bắt đền ai, thì lại nghe bà con hô hoán lửa cháy ngút trời ngoài hiên cửa Bắc. Nhiều người bảo Việt Minh đốt chợ. May là phần thiệt hại chỉ một góc bên ngoài không có thương vong.
Có một thời gian ngắn Chợ Bến Thành còn được gọi là
Chợ Quách Thị Trang- Ảnh: Manhhaiflickr
Rồi đến giữa thập niên 1960, ngôi chợ được trương bảng tên hẳn hoi nhưng lại là tên Chợ Quách Thị Trang sau cuộc biểu tình của sinh viên chống cảnh sát đàn áp Phật tử. Quách Thị Trang bị bắn. Hội sinh viên tổ chức quyên góp tạc tượng (phần đầu) Quách Thị Trang và được chính quyền cho dựng gần tượng đài danh tướng Trần Nguyên Hãn. Tên Chợ Quách Thị Trang không chính thức cẩn vào tường vách mà chỉ làm bằng tôn sơn chữ gắn tạm phía trên ngoài hành lang chỗ cột cờ. Vài năm sau, bảng tên chợ trên tự dưng biến mất không kèn không trống.
Chợ Bến Thành trải qua vài lần trùng tu. Lần gần đây nhất là sau 1975, mái ngói chợ được thay mái tôn sơn màu đất đỏ. Tuy mái chợ không còn nét đẹp trầm lắng như trăm năm trước nhưng Chợ Bến Thành luôn là một trong những biểu tượng của Sài Gòn.
Trang Nguyên
Ngọc Lan sưu tầm