Kurios chiếc hộp kỳ bí
Kurios chiếc hộp kỳ bí
“Kurios: A Cabinet of Curiosities” là tên một vở xiếc mới của công ty Cirque du Soleil, nổi tiếng toàn cầu với nhiều kịch bản xiếc đủ loại từ thập niên 80. Những ai từng ghé thăm Las Vegas có thể đã xem qua các show của Cirque du Soleil thường trú tại đây như “KÀ”, “O”, “The Beatles Love”…
Một cảnh trong “Kurios: A Cabinet of Curiosities” – nguồn Internet
Cirque du Soleil (tạm dịch là Ðoàn Xiếc Thái Dương) khởi đầu chỉ là một nhóm nhỏ các diễn viên và nghệ sĩ xiếc tại Montreal, Canada, muốn thổi một luồng không khí mới vào bộ môn xiếc cổ truyền. Một trong những sáng kiến mới mẻ của họ là không sử dụng thú vật, mà trình diễn xiếc như một bộ môn nghệ thuật sân khấu, gồm cả nhạc sống. Ðiểm nổi bật trong các vở xiếc của Cirque du Soleil bao giờ cũng là phần âm nhạc cực kỳ đa dạng và phong phú, mang âm hưởng từ nhiều nền văn hoá khác nhau trên thế giới. Ði xem xiếc của Cirque du Soleil, ngoài những màn nhào lộn đẹp mắt ta còn được nghe nhạc hay, khi thì là nhạc thâu trước (như trong “Beatles Love”) khi thì là nhạc sống.
Ngoài ra, kịch tính cũng là một yếu tố chủ yếu trong Cirque du Soleil. Kurios xoay quanh một câu chuyện khoa học giả tưởng trong bối cảnh những thập niên cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi loài người vừa tìm ra điện lực, chế tạo các loại máy móc lạ kỳ cùng các phương tiện di chuyển mới mẻ như xe lửa, máy bay. Ðây là thời điểm giao mùa giữa tương lai và quá khứ, giữa khoa học và nghệ thuật, giữa mới và cũ. Nhân loại hoang mang, không phân biệt được đâu là thế giới thật, đâu là ảo. Tầm nhìn của con người đang từ từ rộng mở, khởi động một cuộc khai phóng trong tư duy và tâm thức.
Poster quảng cáo Kurios – nguồn Epoch Times
Một nhà khoa học kiêm nghệ sĩ mang danh hiệu “Người Ði Tìm” (The Seeker) tin rằng trong chiếc hộp bí ẩn của ông chứa đựng những ý tưởng táo bạo cùng những giấc mơ lạ kỳ có thể biến thành sự thật. Ông tìm mọi cách để tiếp cận chúng. Kurios đưa ta đi theo ông đến những nơi chốn huyền hoặc, gặp gỡ những nhân vật kỳ bí, có khi là những thực thể nửa người nửa thú, nhưng tất cả đều có những khả năng đặc biệt được thể hiện qua các màn xiếc dàn dựng công phu và đẹp mắt.
Không cần nói, ai cũng biết các tiết mục xiếc là phần chủ lực của Cirque du Soleil. Tuy nhiên, các bộ môn xiếc truyền thống khi vào tay các nhà đạo diễn của Soleil đều được nghệ thuật hoá, không còn là những màn nhào lộn hay đu dây thuần túy. Mỗi một màn xiếc trong vở Kurios đều được lồng trong bối cảnh câu chuyện “đi tìm sự thật” của The Seeker. Mà sự thật là gì?
Tiêu đề của vở kịch Kurios hé lộ cho ta câu trả lời: “Reality is Relative” – “Hiện Thực chỉ Tương Ðối”. Ðiều này giúp lý giải những điều ảo diệu xảy ra trên sân khấu mà người xem không thể tin vào mắt mình. Như trong một bữa tiệc nọ, nhiều người đang ngồi quanh một cái bàn ăn. Tự dưng một người khách bắt những chiếc ghế lên trên bàn và từ từ trèo lên để vói chiếc đèn trên trần nhà đang được kéo lên càng lúc càng cao. Bỗng nhiên ta thấy từ phía trần nhà (thật ra là trần chiếc lều vĩ đại của rạp xiếc) có một chiếc bàn ăn với những người khách giống y như vậy đang treo ngược đầu xuống đất, y như hình phản chiếu trong gương. Thế rồi cũng có một người đàn ông tương tợ đang trèo ngược xuống, cũng để tiến gần đến chiếc đèn.
Nhân vật trong Kurios
Ðến đây thì não trạng của người xem thực sự bị bối rối vì không hiểu đâu là thực, đâu là giả. Phải định thần một hồi ta mới vỡ lẽ rằng cái mà ta tưởng là ảo giác chính là người thật việc thật!
Hoặc cảnh một người cố giữ thăng bằng trên những chiếc ống, chiếc hộp chồng chất lên nhau vô cùng cheo leo và nguy hiểm, đặt trên một chiếc đu khổng lồ đong đưa giữa không gian. Những cảnh tượng khó tin nhưng có thật như vậy cứ được lặp đi lặp lại, như để nhấn mạnh rằng các ý niệm lưỡng cực thực-hư/chân-giả trong tâm thức ta đều là tương đối cả.
Và cũng sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến đóng góp của những nhà thiết kế y trang cho chương trình. Trong bất cứ vở xiếc nào của Cirque du Soleil ta đều nhận thấy các diễn viên đều ăn mặc rất lạ nhưng bắt mắt. Ðặc biệt trong Kurios, vì bối cảnh thời gian là một thế giới nửa xưa cũ nửa hậu hiện đại, các nhà thiết kế đã phải nghĩ ra nhiều cách để diễn đạt điều này. Một nhân vật nữ mặc chiếc váy bằng những vòng kim loại để “nhận tín hiệu sóng alpha từ vũ trụ”. Một nam nhân có chiếc bụng bằng sắt thật to, bên trong chứa một người đàn bà (người thật) nhỏ xíu ăn vận giống phụ nữ thời Victorian bên Anh quốc. Hay những con robot do “Người Ði Tìm” chế tạo để giúp ông ta trong hành trình tìm sự thật cũng hết sức ấn tượng.
Một trong những yếu tố làm cho Cirque du Soleil thu hút khán giả là sự bất ngờ và bất tuân thông lệ. Ông Guy Laliberté, người sáng lập Cirque du Soleil xuất thân là một anh nghệ sĩ đường phố. Kinh nghiệm làm việc với các kịch sĩ và nhạc sĩ đường phố đã giúp cho Laliberté tạo cho nhóm xiếc của mình một phong cách diễn xuất hoàn toàn khác thường. Sau này, nhờ sự giúp đỡ của một số diễn viên chuyên nghiệp đến từ trường Ðào Tạo Xiếc Quốc Gia (Canada) cộng với sự tài trợ của chính quyền thành phố Quebec, Laliberté bắt đầu dựng nên Cirque du Soleil với những yếu tố độc đáo mà họ vẫn giữ được cho đến ngày hôm nay.
Cảnh luyện tập của một đoàn xiếc Việt Nam – photo Christian Rodriguez
Trước hết, như đã nói ở trên, Laliberté quan niệm chương trình xiếc của mình phải có nhạc sống từ đầu đến cuối. Thứ nhì, mỗi show đều phải có một đề tài riêng và phải kể một câu chuyện, tức là phải có kịch tính. Thứ ba, tất cả diễn viên phải kiêm luôn vai phụ đài, tự tay chuyển đổi sân khấu từ màn này sang màn khác. Laliberté cho rằng phải xử lý như vậy thì câu chuyện mới trôi chảy, không bị ngắt quãng.
Thoạt nghe thì dễ, nhưng để thực hiện cả ba điều đó và phối hợp chúng với những tiết mục xiếc đòi hỏi phải có sự sáng tạo, tinh thần phiêu lưu cao độ, dám thử nghiệm, và trên hết phải dày vốn. Mặc dù ngày nay Cirque du Soleil có số nhân viên gần 5,000 người và thu nhập khoảng $800 triệu USD hàng năm, nhưng ít ai biết rằng vào những năm 1985-1987 Cirque du Soleil đã xém sập tiệm. Năm 1987 Laliberté rút hết vốn mang đoàn xiếc sang Los Angeles trên chuyến bay một chiều để trình diễn trong một hội chợ. Nếu không thành công, họ sẽ không đủ tiền để mua vé trở về Canada, nói nôm na là đã đến bước đường cùng. May sao chương trình ấy thành công mỹ mãn và tên tuổi Cirque du Soleil bắt đầu được các nhà sản xuất Mỹ biết đến. Từ đó Cirque du Soleil ngày càng phát triển – từ Mỹ sang Âu châu, Nhật, Mexico…
Ðến nay Cirque du Soleil đã cho ra đời trên 30 show. Một số được diễn thường trực tại những địa điểm cố định như Orlando, Tokyo, Mexico, Las Vegas, v.v… Một số khác là các show lưu diễn (như Kurios). Ngoài ra còn có những chương trình dựa theo nhạc của các nhạc sĩ nổi tiếng như Michael Jackson, Elvis Presley, the Beatles. Thêm vào đó, Cirque du Soleil đang dự định xây một khu giải trí ở Mexico giống như Disneyland với chủ đề là các môn xiếc.
Ðể làm được bao nhiêu đó show, Cirque du Soleil phải có một đội ngũ “xiệc sĩ” vô cùng đông đảo. Ða số họ đến từ các nước có truyền thống xiếc lâu đời như Nga, Ðông Âu, thậm chí Trung Hoa. Trong Kurios có một màn vô cùng đẹp mắt do bốn nghệ sĩ người Nga gốc Tàu biểu diễn, đóng vai bốn con vật giống như một loài bò sát, uốn éo trên một bàn tay bằng sắt thật to trong những tư thế dị kỳ nhưng hết sức lôi cuốn. Một màn khác do một tay nghệ sĩ Nhật biểu diễn yo-yo, thoạt nghe tưởng trò chơi trẻ con nhưng dưới bàn tay điêu luyện của nghệ nhân lại vô cùng hấp dẫn.
Tuy đa số khán giả của Cirque du Soleil là Mỹ trắng, nhưng lần này ta có thể thấy con số trẻ em Tàu và Ấn Ðộ được cha mẹ dẫn đi xem khá đông. Không biết có phải vì show này có sự có mặt của các diễn viên Á Châu hay không (có vài bài nhạc trong chương trình mang nặng âm hưởng nhạc Ấn Ðộ). Dù gì chăng nữa, phải công nhận Cirque du Soleil rất biết cách làm tiền. Ngoài việc bán vé (khá mắc) họ còn bày bán vô số các món hàng lưu niệm như dĩa nhạc CD, áo thun, đồ chơi trẻ em, v.v… Quày bán nước cũng chém đẹp không kém: $12 một bịch popcorn, $5 một chai nước lọc! Nhưng nhiều khán giả đã vào trang Facebook của Kurios để khoe họ đã phải lái xe từ Oklahoma hay tuốt từ Kansas xuống Dallas chỉ để coi show này; dĩ nhiên là coi xong họ không có ân hận gì cả, thậm chí còn cho điểm 5 sao.
Xem những chương trình công phu như thế này ta không khỏi ngậm ngùi cho ngành xiếc của Việt Nam. Biết đến bao giờ nghệ nhân Việt mới có cơ hội làm việc cho những đoàn xiếc tầm cỡ như vầy. Gần đây, một nhiếp ảnh viên người Uruguay tên Christian Rodriguez đã sang Việt Nam để thực hiện một loạt hình về một gánh xiếc. Những bức ảnh của anh miêu tả một thế giới khá u ám, nhưng khác với Kurios, chúng phản ảnh một Hiện Thực rất là… không Tương Ðối!
-ianbui – 2017.03
Ngọc Lan st