Trong văn hóa truyền thống, “Nhà nho” hay “Nho sĩ” là cách gọi thay cho những người được xưng là “Sĩ”, tức là người có học, là đại biểu cho những người thuộc tầng lớp trí thức. Trong “Lễ ký. Nho hành”, Khổng Tử đã ghi lại đức hạnh và phong thái của người trí thức như sau:
Một lần, vua của nước Lỗ là Lỗ Ai Công hỏi Khổng Tử: “Y phục của tiên sinh, hay nói chung chung là y phục của Nhà nho, có điểm gì là đặc biệt?”
Khổng Tử trả lời: “Ta thuở nhỏ ở nước Lỗ thì mặc y phục của nước Lỗ, lớn lên ở nước Tống thì mang mũ áo của nước Tống. Ta nghe người ta nói rằng: Người quân tử có yêu cầu đối với chính mình là học vấn phải uyên bác, y phục phải nhập gia tùy tục, không theo đuổi cái khác người. Ta không biết trên đời này còn có cái gì gọi là y phục của Nhà nho?”
Lỗ Ai Công lại hỏi: “Xin hỏi tiên sinh, hành vi của Nhà nho có những điểm gì?”
Khổng Tử đáp: “Vội vàng mà nêu ra từng cái một thì trong một thời gian ngắn khó có thể nói hết được. Để nói hết được thì cần phải có thời gian lâu dài, chỉ e hết thời gian trực của tôi tớ cũng chưa nói xong.”
Lỗ Ai Công liền sai người chuẩn bị tiệc thiết đãi Khổng Tử. Khổng Tử ngồi bên Lỗ Ai Công và giảng giải:
Đức hạnh của Nhà nho tựa như trân báu trên bàn tiệc, chờ đợi quân vương nước chư hầu mang đi biếu nước lớn. Sớm tối nỗ lực học tập, chờ đợi người khác hỏi ý kiến. Trong lòng luôn trung tín, chờ đợi người khác tiến cử. Tự bản thân luôn nỗ lực gắng sức, chờ đợi người khác tuyển chọn. Tự lập tu thân của Nhà nho là như thế.
Y phục, nón mũ của Nhà nho là giống với người bình thường nhưng làm việc lại phi thường cẩn trọng. Ở những sự tình lớn thì khiêm nhượng khiến người khác cảm thấy có chút “kiêu kỳ”, ở những sự tình nhỏ thì khiêm nhượng khiến người khác cảm thấy có chút “làm bộ”. Khi xử lý những vấn đề lớn thì thận trọng, dè dặt. Khi xử lý những sự tình nhỏ thì không qua loa đại khái. Vẻ ngoài của Nhà nho là như thế.
Trong cuộc sống sinh hoạt đời thường, Nhà nho thường tương đối nghiêm túc. Mỗi một cử chỉ, ngồi xuống đứng lên đều cung kính, mỗi một lời nói ra đều phải coi trọng chữ tín, làm việc nhất định phải coi trọng sự công bằng chính trực. Họ không tranh cãi những việc nhỏ, mùa đông không tranh cãi với người khác nơi nào có ánh mặt trời, mùa hè không tranh cãi với người khác nơi nào lạnh giá. Mục đích làm như vậy là để chở đợi thời cơ bởi vì quý tiếc sinh mệnh. Cái “lưỡng lự” của Nhà nho là như vậy.
Trong suy nghĩ của Nhà nho, vàng ngọc cũng không phải là thứ đáng quý giá nhất mà “trung tín” mới là thứ đáng quý giá nhất. Họ không cầu được đất đai, ruộng vườn mà xem việc đưa ra đạo nghĩa mới là đất đai của họ. Họ không cầu có được nhiều tiền tài, của cải mà xem việc nắm giữ được nhiều tri thức mới là tài phú của họ. Mời họ ra làm quan quả thực là khó khăn, bởi vì họ không truy cầu quan to lộc hậu, cho dù có mời được thì cũng không giữ được họ lâu dài. Nếu không phải là thời điểm nên làm thì họ ẩn cư, không làm quan, đây chẳng phải là rất khó mời sao? Cho dù là ra làm quan, nếu quân vương không tôn trọng ý kiến đúng đắn của họ họ cũng một mực từ chức không làm, đây chẳng phải là có mời được cũng không giữ được lâu dài sao? Đối với họ, trước nhất là nói về làm việc, sau mới là nói đến bổng lộc, đây chẳng phải là không để tâm đến bổng lộc sao? Đối nhân xử thế của Nhà nho là như vậy.
Có một số Nhà nho, cho dù mang rất nhiều tài sản vàng bạc biếu tặng cho họ, cho dù là dụ dỗ họ, họ cũng sẽ không vì nhìn thấy lợi mà quên nghĩa. Cho dù có dùng nhiều người đến uy hiếp họ, dùng vũ khí để đe dọa họ, họ cũng thà rằng chết chứ không thay đổi tiết tháo của mình. Khi chống lại thế lực tà ác hay tiếp nhận nhiệm vụ gian khó họ sẽ không tiếc năng lực của bản thân, chỉ cần là đúng đắn thì sẽ kiên quyết làm. Nếu là việc đúng đắn, họ có làm qua cũng không hối tiếc, những việc chưa làm cũng sẽ không lo lắng quá nhiều. Lời nói sai sẽ không nói lại, đối với những lời đồn thổi, họ sẽ không đi tìm hiểu sâu. Họ thời thời khắc khắc bảo trì uy nghiêm, việc nói làm thì sẽ làm, tuyệt đối không do dự. Cách làm việc của Nhà nho là như vậy, không giống người bình thường khác.
Nhà nho có thể thân mật nhưng không thể bị uy hiếp, có thể thân cận nhưng không thể bị ép buộc, có thể mất đầu chứ không thể bị nhục nhã. Chỗ ở của họ không coi trọng sự xa hoa, ẩm thực không coi trọng sự phong phú. Sự cương nghị của Nhà nho là như vậy.
Nhà nho xem “trung tín” như bao tử của mình, xem “lễ nghĩa” là tấm chắn, là nhà của mình, luôn thời thời khắc khắc thủ giữ lễ nghĩa. Vô luận là ở trong tình thế nào, thậm chí là bị hãm hại cũng không thay đổi phẩm đức của mình. Thủ giữ phẩm đức của Nhà nho là như thế.
Tuy rằng điều kiện sinh sống của Nhà nho không cao, phòng ở tuy nhỏ hẹp, ăn uống đạm bạc nhưng một khi đã được bên trên trọng dụng thì cũng không hoài nghi năng lực của mình không đủ, khi không được bên trên trọng dụng thì cũng không dùng cách nịnh nọt, bợ đỡ để cầu tiến. Thái độ đối với chức vị của Nhà nho là như thế.
Nhà nho tuy rằng học vấn đã uyên bác sâu rộng nhưng vẫn không ngừng học tập, đức hạnh tuy đã lương thiện thuần phác nhưng vẫn không ngừng tu dưỡng. Lúc ở ẩn thì không làm chuyện xấu, lúc làm quan thì hành theo chính đạo, theo lễ nghĩa. Lấy trung tín làm mỹ đức, vừa có thể tiến cử người hiền tài, vừa có thể dung nạp được người thường, vừa có tính nguyên tắc, vừa có tính linh hoạt. Trí huệ của Nhà nho là rộng lớn như thế.
Nhà nho khi tiến cử người tài đức với bên trên chỉ suy xét người ấy có hay không có thực tài thực đức, không quan tâm đó là người nhà hay người ngoài, thậm chí là kẻ thù. Chỉ cần người ấy có thể giúp sức được quân vương, tạo phúc cho đất nước thì tiến cử, bản thân cũng không cầu được ban thưởng, báo đáp. Cách tiến cử người tài của Nhà nho là như thế.
Khi đối xử với bạn bè, nghe được lời có ích liền bảo cho bạn, gặp việc có ích liền chỉ cho bạn, nhìn thấy tai họa sắp ập đến bạn thì suy xét đầu tiên là hiến dâng bản thân mình. Nhà nho đối với bạn là như vậy.
Nhà nho không ở trước mặt người địa vị thấp mà cao ngạo, tự cho mình là giỏi, không ở trước mặt người có công lao ít mà khoe khoang công lao của mình, gặp phải loạn thế cũng không buông bỏ tín niệm, đối với người có cùng quan điểm sẽ không dùng lời lẽ để tâng bốc, ca tụng. Đối với người có quan điểm bất đồng, họ cũng sẽ không ngông cuồng chỉ trích. Phẩm đức của Nhà nho là như vậy.
Nhà nho không bởi vì nghèo hèn mà khốn đốn mất chí hướng, không bởi vì phú quý mà kiêu ngạo, xa xỉ và mất khí tiết, không bởi vì bị người bề trên vũ nhục, người ngang cấp cản trở, người bên dưới gây khó dễ mà mất tiết tháo.
Lỗ Ai Công sau buổi tiếp chuyện với Khổng Tử, nghe xong những lời này càng thêm tin tưởng lời nói của Nhà nho, cũng càng thêm coi trọng hành vi của họ. Hơn nữa, ông còn nói: “Ta cả đời này cũng không dám đùa giỡn với Nhà nho!”
An Hòa
Kim Phượng st