Khám phá mâm cỗ Tết trên ba miền Việt Nam
Khám phá mâm cỗ Tết trên ba miền Việt Nam
Bữa cơm cuối năm là thời điểm hết sức đầm ấm, gắn kết mọi người lại ôn chuyện năm cũ, bàn chuyện năm mới. Bởi thế mà, trong sâu thẳm tiềm thức của mỗi người dân đất Việt dù ở vùng nào, xứ nào thì mâm cơm ngày Tết luôn gắn kết tình thân và luôn mang ý nghĩa thiêng liêng trong mỗi gia đình Việt.
Mâm cỗ Tết miền Bắc
Vào Tết, ở miền Bắc trời rất rét nên cỗ Tết thường có rất nhiều món ăn nóng, gia vị ấm áp và nhiều màu sắc. Quy định về bày trí mâm cỗ của người miền Bắc thường rất nghiêm khắc và phải tuân thủ đúng bài bản. Mâm cỗ ít nhất phải có bốn đĩa và bốn bát không kể những đĩa xôi và các bát nước chấm. Những gia đình khá giả còn có thể bày đến tám đĩa, tám bát. Đặc biệt, trên mâm cỗ tất niên phải luôn có một đĩa xôi gấc để mong ước nhiều may mắn trong năm mới.
Ngoài ra, còn có đĩa xôi ăn với gà luộc rắc lá chanh, giò lụa, giò xào, nem rán, kèm đĩa nộm nhiều rau củ để bữa cỗ thêm ngon miệng. Món nước cũng không kém phần phong phú: nào giò heo hầm với măng lưỡi lợn, bóng nấu thập cẩm, miến nấu lòng gà, rồi bát mọc nước. Người ta còn chuẩn bị thêm nồi cá chép hoặc cá trắm kho riềng, nồi thịt bò kho quế, món nào cũng đậm đà hương vị.
Bánh chưng xanh là linh hồn của ngày Tết cổ truyền, thể hiện tinh hoa đất trời qua bàn tay khéo léo của con người. Trên bàn thờ tổ tiên người miền Bắc dịp Tết không thể thiếu cặp bánh chưng xanh. Thịt đông là món riêng có của mùa đông xuân Bắc bộ. Trong làn không khí lạnh, thịt đông trở nên ngon hơn.
Mâm cỗ Tết miền Trung
Ngoài ra, mâm cỗ ngày Tết ở miền Trung còn có các món như thịt bò, thịt heo ngâm nước mắm. Miền Trung còn là nơi nổi bật với thói quen “cuốn” cho nên mâm cỗ ngày Tết của các tỉnh miền Trung vì vậy không thể thiếu các món bánh tráng, rau sống cuốn. Bên cạnh đó còn có các món trộn như: thịt gà trộn rau răm, vả trộn, măng trộn, mít trộn làm khai vị. Huế là kinh đô xưa, nổi tiếng với bản sắc ẩm thực độc đáo thu hút không biết bao nhiêu sự tò mò, tìm hiểu của khách thập phương. Mâm cỗ Tết ở Huế, ngoài những nét chung của mâm cỗ miền Trung thì có phần phong phú và đặc sắc hơn. Cỗ Tết xứ Huế được bày biện công phu với món ăn được chế biến nhỏ, lúc ăn uống cũng từ tốn, đài các, mang phong cách thanh lịch chốn cố đô. Mâm cỗ Tết ở Huế trước đây gồm hai hạng: mâm cỗ cung đình và mâm cỗ dân gian. Đối với mâm cỗ cung đình thì chỉ có bánh chưng mà không có bánh tét, vật phẩm dâng cúng là bộ tam sinh (trâu, heo, dê) để nguyên con chưa qua chế biến, lễ vật này còn gọi là cỗ thái lao. Còn trong dân gian, mâm cỗ Tết lại chú ý nhiều đến các món bánh mứt cũng như các món ăn thể hiện sự khéo léo, chăm chút của người làm.
Ngày Tết trên mâm cỗ Huế bao giờ cũng có thịt bò dầm nước mắm, thịt bò nấu riềng tỏi, thịt heo dầm giấm, dầm nước mắm, nem, tré, chả lụa, chả thủ, giò heo rút xương, thịt lợn muối chua… Bình thường nhà nào khi Tết về cũng có bánh tét, mứt gừng, hàng chục thứ dưa món (củ hành muối, củ kiệu muối, dưa món, kim chi…).
Tục ăn Tết và bày mâm cỗ Tết từ lâu đã là một phong tục đáng quý đặc trưng của người Việt, là phương tiện mà qua đó con cháu thể hiện sự tưởng nhớ, lòng biết ơn đối với ông bà, tổ tiên. Ngày nay, cuộc sống bộn bề nhiều mối bận tâm nên nhiều gia đình đã không còn quá cầu kỳ trong việc chuẩn bị mâm cỗ Tết. Có khi mâm cỗ ấy lại còn là chỗ giao thoa của đủ loại món ăn đặc trưng cho đủ loại “văn hóa Tây - Ta”. Song những ước mong cho một năm mới nhiều thành công, sung túc, ấm no gửi gắm trong từng món ăn trong mâm cỗ ấy thì sẽ chẳng bao giờ thay đổi, nối tiếp đời đời, trường tồn với thời gian.
Mâm cỗ Tết miền Nam.
Trái ngược với thời tiết giá rét của miền Bắc, miền Nam vào Tết không khí vẫn còn vương chút nắng chút nóng, cộng thêm đặc thù nhiều sản vật trù phú, cây trái sum sê nên cỗ Tết của phương Nam có phần phong phú và ít nặng về nghi thức, kỹ lưỡng như của miền Bắc.
Món ăn Tết miền Nam vô cùng phong phú. Bánh tét không chỉ có nhân thịt heo đậu xanh mà còn biến tấu thành nhiều kiểu như bánh tét chay (chỉ có đậu đen, dừa nạo trộn với nếp); bánh tét ngọt (nhân đậu xanh hay nhân chuối); bánh tét nhân thập cẩm (tôm khô, trứng muối, lạp xưởng, nấm đông cô…), đặc biệt là bánh tét lá cẩm, lá gấc, bánh tét ngũ sắc.
Ngoài ra, Tết ở miền Nam không thể thiếu nồi thịt kho tàu. Thịt phải là miếng ba rọi ăn mới không khô, kho với trứng vịt và nước dừa xiêm, miếng thịt mềm rục mà không nát, ăn kèm với dưa giá cải chua. Khổ qua hầm thịt cũng là món đặc trưng ngày Tết của người miền Nam. Người ta ăn khổ qua với mong ước năm mới Tết đến mọi sự khổ cực đều qua đi, mang lại niềm may mắn cho cuộc sống. Nem bì, lòng heo khìa, giò heo nhồi, lạp xưởng tươi, gỏi gà xé phay trộn củ hành, củ kiệu chua, tôm khô kiệu chua cũng là những món ăn Tết thường có. Nếu ngán những món quá nhiều thịt mỡ, người ta làm cá lóc nướng hay hấp, cuốn với bánh tráng, vừa bổ sung thêm rau xanh, vừa dễ ăn.
Ngày nay, do sự giao thoa về văn hóa, mâm cỗ Tết mỗi miền có thể thêm sự góp mặt của món ăn miền khác, tùy theo sở thích của gia đình. Vì vậy, món ăn ngày Tết ngày càng trở nên phong phú, đa dạng và ngon miệng hơn.
Bánh tét người miền Nam có hai loại là bánh mặn với nhân là đậu, thịt lợn và bánh ngọt có nhân chuối hoặc nhân đậu xanh. Bánh tét của miền Nam có cách gói gần giống với bánh tét của người miền Trung, cũng gói thành đòn dài với lớp lá chuối bọc bên ngoài, bên trong là nếp, tùy bánh ngọt hay mặn mà sử dụng loại nhân cho phù hợp. Ngoài việc dùng để cúng ông bà, làm quà biếu, bánh tét kết hợp với tôm khô củ kiệu còn là món ăn ngon miệng không thể thiếu trong những ngày Tết.
Tết là dịp để mọi người được trở về bên gia đình, là khoảng thời gian mỗi đứa con xa quê đều đau đáu ngóng trông, là sự mong đợi, háo hức của của cả người lớn, trẻ nhỏ. Dù cuộc sống có bao nhiêu thay đổi; dù mỗi thế hệ có trưởng thành, hội nhập và hiện đại đến đâu; dù bao năm tháng cứ thế trôi qua… thì truyền thống ngày Tết vẫn luôn nguyên vẹn trong mỗi trái tim, tinh thần và nếp sống của mỗi người dân Việt. Không chỉ là những món ngon cho gia đình sum họp mà mâm cỗ Tết còn thể hiện sự tưởng nhớ, lòng biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên.
Hồng Vân sưu tầm