Nước Mỹ sạch sẽ
Nước Mỹ sạch sẽ
Sean Bảo
Bạn không thể tưởng tượng hơn 150 năm trước đây, các thành phố Châu Âu và cả ở Mỹ dơ đến mức nào! Nhớ lại hình ảnh của một thành phố đặc trưng như Chicago vào thời ấy. Hầu hết các đường phố tráng nhựa vội vã cho kịp hàng trăm ngàn xe ngựa, xe bò qua lại hàng ngày.
Di dân đến từ làng mạc ngày càng nhiều. Nhà cửa xây lên nhiều, không có cống rãnh và hệ thống vệ sinh trong thành phố. Ðường sá thì dần đông đúc người, phân ngựa và rác thải ngập đầu gối bên vỉa hè, ở các chỗ thấp trũng. Rác bẩn gây hôi thúi và là mầm bệnh tai hại, buộc thành phố phải tìm giải pháp. Kỹ sư Ellis Chesbrough được thành phố Chicago thuê để tìm cách xây hệ thống ống cống dưới lòng đất. Vấn đề nan giải là thành phố Chicago hồi ấy đã phát triển sầm uất, người ta không thể đóng cửa các tòa nhà thương mại, dịch vụ vì điều đó đưa đến ngưng trệ về kinh tế. Vấn đề kế tiếp là Chicago quá bằng phẳng, để xây hệ thống cống rãnh cần có độ nghiêng cho nước thoát. Và giải pháp đầu tiên Ellis Chesbrough tìm ra nhờ các con đội (jack screw). Khi nhìn thấy các con đội này có thể nâng đoàn tàu lửa lên cao để chuyển đường ray, Ellis Chesbrough đã dùng hàng ngàn con đội này để nâng cao hàng trăm tòa nhà, có khi là cả dãy phố. Khi cả tòa nhà được nâng lên cao, hệ thống ống thải được lắp đặt phía dưới. Thành phố Chicago không hề bị gián đoạn công việc mua bán giao dịch.
Một khách sạn ở Chicago được nâng cao năm 1857. Khách đứng xem ngoài ban công.
Image via WikiMedia Commons
Một du khách người Anh đã kể lại: Ông ta chứng kiến một khách sạn 22 ngàn tấn được nâng lên, trong khi người ta vẫn vào ra, ăn ngủ trong khách sạn mà không hề bị trở ngại…Một tòa nhà 5 tầng rộng gần mẫu tây, nặng 35 ngàn tấn được nâng lên bằng 6 ngàn con đội. Những khu phố xem ra không thể nâng lên được thì người ta đã cho dời đi từng căn. Ðến năm 1860 thì toàn thành phố được nâng lên và có hệ thống cống rãnh. Ðường sá và lối đi bộ được chỉnh trang và thành phố sạch đẹp.
Ellis Chesbrough
Giải quyết được cống ngầm nước thải ra các sông hồ, thì lo đến vấn đề sử dụng nguồn nước uống và sinh hoạt của thành phố bị ô nhiễm. Riêng ở thành phố Chicago người ta đã mất gần 40 năm và 4 tỉ đô la để đào các đường hầm dưới lòng đất sâu cả trăm mét, dẫn đến một khu đất trống, một lòng chảo khổng lồ như một khu mỏ hoang có thể chứa đến 8 tỉ gallon nước, phòng ngay cả khi mưa bão lớn trút nước vào thành phố.
Con đội
Tách được nước thải thì nước uống và dùng cho sinh hoạt trong gia đình phải được giải quyết. Vào thời gian ấy ở Luân Ðôn, bệnh dịch tả, lỵ hoành hành. Hàng năm có đến 100 ngàn người chết trên thế giới. Giới y khoa thời ấy tin rằng bệnh lây lan qua không khí. Mãi đến khi vị bác sĩ trẻ John Snow đến khu Soho nơi sản xuất và tiêu thụ nhiều beer, ông điều tra làm thống kê với các bản đồ từng căn nhà bị dịch tả có người chết trong khu phố thì nhận ra khu phố thường xuyên uống beer lại không bị nhiễm bệnh. Từ đó xác định nguồn gốc lây bệnh là từ nước uống. Cũng nhờ phương pháp thống kê và nghiên cứu dữ liệu dựa trên bản đồ mà nền y khoa thế giới đã thay đổi. Phát giác của bác sĩ John Snow về vi khuẩn trong nguồn nước giúp người ta ngừa bệnh nhưng làm sao giải quyết vấn đề nước uống? Phải đến khi John Leal, một vị bác sĩ đầu thế kỷ 20 bị ám ảnh bởi cái chết của cha mình trong cuộc nội chiến Nam Bắc do uống nước bẩn. Ông đã tìm cách bỏ ít “chất độc” calcium hypochlorite vào trong nước để diệt khuẩn, đó chính là Chlorine. Khám phá này được thành phố tin dùng và giao cho ông nhiệm vụ giải quyết 7 triệu gallons nước uống cho công ty cung cấp nước ở New Jersey. Dù không ít người dè dặt với thử nghiệm bỏ chất độc chlorine vào nước uống này. Trong vòng vài năm sau, các dữ liệu thống kê chứng minh rằng chlorine hữu dụng khi diệt khuẩn với liều lượng ít. Tỉ lệ các bệnh thương hàn, tả lị giảm nhanh chóng cùng các con số tử vong của trẻ sơ sinh.
Trong vòng 30 chục năm, 20 thành phố lớn nước Mỹ đã có hệ thống thoát nước ngầm. Sau khi giải quyết được cống rãnh thì người Mỹ tiếp tục giải quyết rác.
Đến năm 1914 thì trên 70 thành phố được cung cấp dịch vụ thu hốt rác. Năm 1930, các xe xịt rửa đường phố và các khu thu gom rác thải được xây dựng khá tối tân. Trong khi ấy ở Châu Âu và trên thế giới các hệ thống hạ tầng cơ sở cũng được xây dựng dưới lòng đất, song song với việc xây lắp hệ thống cống rãnh và giải quyết chất thải đặc. Năm 1863 hệ thống Metro chạy bằng hơi nước dưới lòng đất Luân Đôn bắt đầu, tại Paris thì Metro hoàn thành năm 1900 và sau đó là New York Subway. Các lối đi cho bộ hành, cầu vượt, hệ thống xa lộ xuyên bang và bây giờ là các đường dây điện, điện thoại, fiber-optic nối mạng internet…. được đan đầy ở dưới lòng đất.
Khám phá dùng chlorine không dừng lại ở đó! Sau thế chiến I hàng ngàn phòng tắm công cộng được mở ra ở Mỹ, hàng vạn hồ bơi được xây ở nhà, người ta an tâm vùng vẫy trong hồ nước. Và thế là những thời trang áo tắm 2 mảnh nhỏ nhắn bùng nổ. Tất cả cũng nhờ John Leal và chlorine.
Một đường phố New York 1908
Vài năm sau đó, 5 thương gia ở San Francisco góp vốn 100 đô la để đầu tư sản xuất một loại thuốc tẩy chứa chlorine gọi là Clorox. Số bán Clorox rất ít, phải đến khi Annie Murray vợ của một nhà đầu tư quyết định làm nhẹ hơn nồng độ chlorine và chiết ra bán từng chai nhỏ đến mỗi hộ gia đình, thì Clorox mới thực sự thành công, có mặt trong các ngăn bếp dùng cho tẩy rửa nhà cửa.
Người Mỹ càng ngày càng sạch hơn. Nhất là khi kỹ nghệ sản xuất TV và phim ảnh bùng nổ, các chương trình “show” kịch tính lâm li bi đát nhiều kỳ (như As the World Turns, Days of Our Lives …) phát hành ngày được tài trợ quảng cáo bởi các hãng làm xà-phòng (soap) nhắm vào các bà nội trợ. Thế là Soap Opera ra đời và tên gọi còn mãi đến hôm nay. (Ngày nay người tiêu thụ phải trả cho kỹ nghệ làm sạch trong sinh hoạt gia đình lên đến 80 tỉ đô la.)
Cần phải kể thêm vài chuyện xoay quanh vấn đề vệ sinh phòng bệnh liên quan đến con người. Một người đầu bếp di dân Ireland đến New York, tên bà ta là Mary Mallon. Bà không xem chuyện rửa tay là cần thiết vào thời ấy. Các bánh bà làm ra và bán cho khách hàng đều bị nhiễm vi trùng Salmonella. Bà không biết vì sao nơi nào bà làm việc thì mọi người đều bị bệnh. Phải đến năm 1907, chuyên gia về vệ sinh dịch tễ George Soper điều tra về nguồn gốc gây dịch và đến bắt bà ta đi. Mary đã dùng dao nĩa kháng cự. Cuối cùng người ta cũng đã biệt giam bà trong 3 năm và thả ra sau khi bà hứa sẽ không làm đầu bếp. 5 năm sau một trận dịch thương hàn lại bùng phát, do phát hiện sớm chỉ có 2 người chết và 25 người nhiễm bệnh. Cán sự y tế lại đến bắt bà đầu bếp. Lần này tên bà là Mary Brown. Bà chỉ đổi họ. Người ta gọi bà là “Mary Thương Hàn” và nhốt tù chung thân. Bà chết ở trong tù.
Một đường phố New York 1908
Trở lại chuyện sạch sẽ đường phố, chiếc xe hơi chạy bằng điện do Detroit Electric làm năm 1918 đã làm người dân thôi còn dùng ngựa, nhưng xe điện đắt đỏ lại không chạy được xa, phải đến khi Henry Ford Motor cho ra đời hàng loạt xe Model T giá rẻ (825 đô thời ấy) thì chỉ sau 5 năm, 90% xe ngựa đã bị thay thế và vắng bóng trên đường phố New York. Cùng thời gian đó trong mỗi căn nhà người Mỹ đã có người đem máy hút bụi Hoover bán lẻ tận nhà. Edison’s General Electric đã sản xuất tủ lạnh để bảo quản thực phẩm tươi sạch.
Năm 1920 ấy, giấc mơ của người Mỹ là có nhà, có xe hơi và tủ lạnh. Với kỹ nghệ sản xuất dây chuyền hiện đại nên giấc mơ ấy nằm trong vòng tay mọi người. Tuy vậy khoa học kỹ thuật nhằm giúp đời sống con người tốt đẹp hơn cũng góp phần ảnh hưởng xấu đến môi trường. Các chiếc xe chạy bằng xăng dầu thường bị “cà giựt” chết máy do xăng đốt quá nhiều, buộc kỹ sư Thomas Midgley Jr. phải pha thêm chì (lead) vào xăng. Ông ta gọi là Ethyl Gasoline để làm người tiêu thụ bớt quan tâm về sự độc hại của chì. Chính ông ta đã bị nhiễm độc chì và được điều trị ở Florida. Sau đó người ta biết được rằng chì lại được thải ra trong khói bụi xe, làm ô nhiễm không khí. Phải đợi đến năm 1996 nước Mỹ mới ban luật cấm dùng xăng pha chì. Cũng ông Thomas Midgley này đã sáng kiến thay thế khí gas dùng trong tủ lạnh bằng freon. (Trước đây khi tủ lạnh dùng bằng khí hay bị nóng và nổ cháy) nhưng khí freon chính là CFC (chlorofluorocarbon) đã làm hủy diệt lớp ozone của khí quyển trái đất. Trong vòng 10 năm ông kỹ sư này đã “sáng chế” ra 2 nghiên cứu tai hại làm ô nhiễm bầu không khí. Mãi đến năm 2007 gần 200 nước trên toàn thế giới mới họp lại và quyết định cấm sử dụng khí CFC vào năm 2020…
Thomas Midgley Jr.
Ngẫm lại chuyện xưa người Mỹ lo cho cái sạch, đẹp, vệ sinh của thành phố và môi trường sống con người, mới thấy thán phục họ. Ðời sống chúng ta ngày càng sạch đẹp và tiện nghi hơn dẫu những mặt trái tai hại về lâu dài của nó tiềm ẩn, chúng sẽ dần dần được điều chỉnh và hoàn thiện. Làm được cái tốt – sạch – đẹp không dễ. Người Mỹ biết điều đó!
Sean Bảo
...(¯`•´¯)___(¯`•´¯)__Hồng Anh st__(¯`•´¯)___(¯`•´¯)...