Christmas Carols Thánh Khúc Giáng Sinh
Christmas Carols
Thánh Khúc Giáng Sinh
ianbui
Carolers trong trang phục thời Victoria tại McKinney Square – photo: ianbui
Ðến mùa Noel, đi ra các khu shopping mall ta thường thấy những người ăn bận như thế kỷ 19 bên Anh Quốc, hát những bản nhạc Giáng Sinh tiếng Anh gọi là Christmas carol. Những người ca sĩ hát rong này được gọi là carolers. Có bao giờ bạn thắc mắc truyền thống này bắt đầu từ đâu không?
Mấy ngàn năm trước, vào ngày đông chí (winter solstice) hàng năm, cổ dân châu Âu có tục lệ ăn mừng ngày ngắn nhất trong năm bằng cách múa hát xung quanh các tảng đá được xếp theo hình vòng cung gọi là Stone circles. Bên Anh Quốc hiện nay vẫn còn sót lại vài di tích, lớn và nổi tiếng nhất là Stonehenge gần làng Wiltshire.
Thế nhưng, Christmas Carol như ta biết ngày nay đã biến dạng rất nhiều từ các điệu hát thời xa xưa. Muốn hiểu rõ vì đâu có những sự thay đổi này ta cần đi ngược thời gian, quay về những thế kỷ đầu tiên sau Tây Lịch.
Ca Đoàn Thiếu Nhi Quận Hạt Collin, Christmas 2016 – photo: ianbui
Thuở ban đầu, những người theo Ki Tô giáo chỉ ăn mừng ngày Chúa Giê Su sống lại, tức là lễ Phục Sinh. Còn ngày Chúa ra đời thì không ai biết đến vì chính Thánh Kinh cũng chẳng ghi rõ. Mãi đến thế kỷ thứ tư, Giáo Hoàng Julius mới chỉ định dùng ngày 25 tháng 12 hàng năm làm sinh nhật của Chúa Giê Su. Lý do ngày này được chọn, theo ý kiến của đa số sử gia, là vì nó trùng hợp với lễ hội đông chí đang được hầu hết mọi dân tộc Âu Châu thời đó dùng như cái cớ để… xả xì-trét. Tuy mỗi xứ có những tập tục khác nhau, nhưng từ Bắc Âu xuống đến La Mã dân vùng nào cũng dành ra vài tuần lễ giữa mùa Ðông để ăn nhậu. Nhờ vậy, Giáng Sinh nhanh chóng biến thành một lễ hội lớn tại Âu Châu, lôi cuốn luôn cả những người không có đạo.
Và như chúng ta đều biết, nơi nào có ăn nhậu thường có thêm các tiết mục đàn hát tài tử. Cho nên không lạ gì khi nhiều bản nhạc carol cũng đã ra đời để phục vụ mùa Giáng Sinh. Không ai biết rõ những bản dân ca cổ đó ra sao vì chúng là thứ âm nhạc truyền khẩu, không được ghi xuống. Nhưng dấu tích xưa nhất của nhạc Thiên Chúa là bài “Angel’s Hymn” (Thánh Ca Của Các Thiên Thần), sáng tác bởi một vị giám mục La Mã vào năm 129AD. Ðiều này chứng tỏ Giáo Hội La Mã ngay từ đầu đã quan tâm đến việc làm nhạc cho dân chúng hát, trước cả khi có ngày Giáng Sinh chính thức.
Ðến khoảng thế kỷ thứ 8 xuất hiện nhiều nhạc sĩ chuyên soạn nhạc Giáng Sinh, nhờ đó mà loại nhạc này có cơ hội lan rộng. Tuy nhiên, vì carol thời đó còn dùng toàn tiếng La Tinh nên vẫn không được nhiều người hát cho lắm. Ðến thế kỷ 13 thì đa số dân chúng đã phát chán, nhạc Giáng Sinh không còn mấy ai để ý đến nữa.
Những người gốc Celtic làm lễ đón đông chí tại Stonehenge, Anh Quốc – photo: Getty
Ðể khắc phục tình trạng này, vào năm 1223 Thánh Francis Assisi đã cho dựng những vở kịch dân gian kể lại sự tích Chúa ra đời. Những hình ảnh quen thuộc ngày nay như máng cỏ, chiên, lừa v.v… đều là sản phẩm đến từ các kịch bản của Assisi.
Ðể thêm phần hấp dẫn, Francis còn cho chêm vào vở kịch những bài nhạc ngắn, gọi là “canticle”. Ðiểm khác biệt quan trọng nhất so với carol trước đó là các bài canticle đa số được hát bằng thổ ngữ thay vì tiếng La Tinh, nhờ vậy chúng được dân chúng ưa chuộng hơn. Một điểm khác nữa là chúng thường được hát tại tư gia của người dân và được phổ biến bởi những người hát dạo, lưu diễn từ làng này sang làng khác. Một trong những bản canticle cổ xưa vẫn được lưu lại đến nay là giai điệu bài “I Saw Three Ships”, ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 15.
Sáng kiến dựng nhạc kịch của Assisi đã thổi một luồng sinh khí mới cho mùa Giáng Sinh. Dân chúng bắt đầu ăn mừng lễ Noel trở lại, thậm chí có nhiều phần tận tình hơn xưa. Việc này đã dẫn đến một tệ nạn khác là tình trạng ăn nhậu quá mức làm cho Giáng Sinh dần dần đánh mất ý nghĩa nguyên thủy của nó. Ðến thế kỷ thứ 16, nghị viện Anh Quốc dưới bàn tay sắt của nhà độc tài Oliver Cromwell đã ban hành những đạo luật nghiêm ngặt cấm dân chúng ăn mừng Noel. Luật ghi rằng ngày 25/12 chợ búa không được đóng cửa mà phải buôn bán như thường lệ; mọi sinh hoạt ăn uống nhậu nhẹt trong các tửu quán bị cấm tiệt; ai vi phạm sẽ bị phạt nặng. Vào ngày này người Ki Tô Giáo (gần như tuyệt đại đa số dân chúng) phải kiêng cữ để ăn năn chuộc tội cho những lỗi lầm của mình trong năm qua.
Khỏi phải nói, những đạo luật khắt khe này không được người dân khoái cho lắm. Người ta vẫn tiếp tục ăn nhậu và hát carol, tuy không lộ liễu như xưa nữa. Mãi cho đến thế kỷ 19, thời đại mở cửa và bành trướng của Nữ Hoàng Victoria, carol mới được hồi sinh nhờ có vài sử gia chịu khó thu gom các bài dân ca carol xưa để in thành sách.
Thời đó, không phải ai cũng có quyền hát carol nơi công cộng. Thường thì chỉ những người của công quyền, được phép nhận tiền đóng góp của công chúng, mới được tổ chức những buổi trình diễn hát nhạc vào đêm trước Giáng Sinh. Các ca đoàn “chính thống” này còn được gọi là “The Waits”, tức “Người Ðợi”, hàm ý họ là những người chờ đợi giây phút Chúa ra đời. Họ mới đích thực là những nghệ sĩ nhân dân đúng nghĩa, được đám đông quần chúng yêu mến và ủng hộ tài chánh. Chính nhờ họ mà bộ môn caroling đã được phục sinh và biến thành truyền thống văn nghệ tài tử không thể thiếu trong mùa Noel, với những ca sĩ trang phục như thời Victoria mà ta hay thấy ngày nay.
Cũng cần nói thêm, một trong những tác phẩm văn học nổi tiếng nhất được viết vào thời Victoria là quyển “A Christmas Carol”(Bài Thánh Ca Giáng Sinh) của đại văn hào Charles Dickens. Câu chuyện cảm động đầy tình người này đã đóng góp rất nhiều cho việc khôi phục những giá trị nhân bản của mùa lễ Giáng Sinh nói chung, cũng như cho dòng nhạc carol nói riêng. “A Christmas Carol” đã được dựng thành kịch và làm thành phim rất nhiều lần trong mấy chục năm qua.
Ấn bản thứ nhất quyển “A Christmas Carol“, 1843 – nguồn: Internet
Ngày nay các ca đoàn thiếu nhi là nơi nhạc Giáng Sinh được hát nhiều nhất, vì nội dung các bản nhạc luôn luôn thích hợp cho trẻ em. Tại các nước Âu Mỹ các đoàn ấu ca rất thịnh hành. Ở những thành phố lớn đa sắc tộc như Dallas, các ca đoàn của người Mỹ ngày càng thu hút nhiều trẻ em Á Châu, đặc biệt là Tàu và Ấn Ðộ. Hy vọng trong tương lai nhiều gia đình Việt cũng sẽ cho con em mình tham gia những sinh hoạt văn nghệ như vậy.
Ngoài các bài carol cổ điển ra, thể nhạc Giáng Sinh càng ngày càng lớn mạnh với những sáng tác ra đời trong thế kỷ 20 và 21 như “Jingle Bells”, “Rudolph”, “Santa Claus Is Coming To Town” và vô số những bài khác, đủ mọi thể loại – từ country đến hip-hop, từ rock đến jazz – nhiều không kể xiết. Nhưng nổi danh nhất vẫn là bài “White Christmas” của soạn giả Irving Berlin – một người Mỹ gốc Do Thái không theo đạo Ki Tô, viết vào thời Ðệ Nhị Thế Chiến. Bài này đã được rất nhiều ca sĩ nổi tiếng trình bày – từ Elvis cho đến Lady Gaga. Nhưng bán chạy nhất vẫn là bài gốc do Bing Crosby hát năm 1943. Vào những ngày cuối tháng Tư năm 1975 bài này cũng đã được dùng làm hiệu lệnh trên đài radio của quân đội Mỹ tại Nam Việt Nam để khởi động cuộc di tản.
Ngày nay nhạc Giáng Sinh đã trở thành một kỹ nghệ bạc tỷ, với hàng triệu dĩa hát, hàng ngàn chương trình ca nhạc và vô số ca đoàn lớn nhỏ khác nhau. Nhiều bài carol đã được dịch sang đủ thứ ngôn ngữ. Trong số này, nổi tiếng nhất vẫn là bài “Stille Nacht” của Franz Gruber, phổ nhạc từ một bài thơ của Cha xứ Joseph Mohr tại một làng nhỏ bên Ðức. Ðến năm 1859 bài này mới được dịch sang tiếng Anh với tựa là “Silent Night”. Hiện nay bài này đã được chuyển dịch sang khoảng 140 thứ tiếng trên khắp thế giới. Ðể kết thúc bài viết này, xin gởi đến các bạn bản tiếng Việt dưới đây do người viết soạn vào năm 1993, như một món quà Giáng Sinh nho nhỏ cho quý độc giả của báo.
Tiếng Hát Thiên Thần
Ðêm yên lành, đêm thanh bình.
Ðêm gió ngừng. Ðêm thiên thần
vang tiếng hát, câu ca mừng Chúa ra đời.
Trong đêm giá chiên lừa đứng im chờ.
Ðêm cao vút. Một vì sao giáng
xuống trần gian mang phận người.
Ðêm Mẹ hiền, đêm Cha trời
đem máu hồng dâng cho đời.
Ðem ánh sáng soi đường đến tim người.
Vinh danh Chúa mang ơn đức cao vời.
Ðêm thanh vắng, máng cỏ êm ấm–
tiếng ai vừa khóc đêm ra đời.
Ôi vui mừng! Ôi tưng bừng!
Bao thiên thần reo vang lừng.
Ðêm nay Chúa giáng sinh, xuống cõi người
đem bác ái yêu thương cứu nhân loài.
Ngôi sao sáng trong một đêm đó
có ta nhìn thấy phía chân trời.
-ianbui – 12’93
●▬▬▬▬๑ Kim Quy st ๑▬▬▬▬●