Hạnh phúc ở trong ta

Hạnh phúc ở trong ta

By NTZung

Hình minh họa

Câu chúc mà chúng ta thường gặp nhất nhân dịp năm mới là chúc nhau hạnh phúc. Từ ngàn xưa đến nay, hạnh phúc luôn là chủ đề trọng tâm của loài người. Hàng năm có đến hàng nghìn đầu sách được xuất bản trên thế giới về chủ đề này. Bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 cũng có ghi ba quyền cơ bản nhất của con người là: sống, tự do, và mưu cầu hạnh phúc.  Và Tuyên ngôn về quyền con người của Pháp năm 1789 cũng có ghi ngay trong lời nói đầu rằng mục đích của xã hội phải là đem lại hạnh phúc cho mọi người.
Hạnh phúc là một khái niệm cơ bản, nhưng cũng rất phức tạp, được tạo bởi nhiều yếu tố khác nhau như: khỏe mạnh, sung túc, thỏa mãn, hưởng khoái lạc, sống có mục đích, có đạo đức, có hiểu biết, có niềm tin, có tương lai, có con cái, hòa hợp tự nhiên, được quí trọng, thành công, may mắn, v.v. Do mỗi người có đánh giá khác nhau về việc cái gì là quan trọng hơn cái gì trong các yếu tố tạo nên hạnh phúc (hay sự thiếu vắng nó tạo nên khổ đau, trái ngược lại của hạnh phúc), nên chúng ta có rất nhiều quan niệm về hạnh phúc khác nhau. Và có những người coi là chỉ có những thời điểm hạnh phúc, trong khi những người khác coi hạnh phúc là cả quá trình dài, có khi là cả cuộc đời và cả những gì xảy ra  sau khi chết.
 
Thậm chí, một số triết lý tôn giáo coi phần lớn những yếu tố đem lại hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại không phải là hạnh phúc đích thực, mà chỉ có “tu luyện” để đạt hạnh phúc “ở những kiếp sau” hay “ở trên thiên đàng” mới là hạnh phúc thực sự.  Có những nhà triết học như Nietzsche coi rằng hạnh phúc không quan trọng bằng các thứ khác, “thà làm một Socrates đau khổ còn hơn làm một con bò hạnh phúc”. Tuy nhiên, có thể hiểu ý của họ là “Socrates đau khổ” vẫn “hạnh phúc hơn” so với “con bò hạnh phúc”. Những câu hỏi kiểu “người ta hạnh phúc là vì người ta sống tuân thủ đạo đức, hay ngược lại bản thân chuyện người ta thấy  hạnh phúc chứng tỏ người ta đạo đức ?” cũng có thể bàn luận rất lâu.  Trong khuôn khổ bài viết này, tôi không đi sâu vào khía cạnh triết học của hạnh phúc, mà chỉ muốn bàn về câu hỏi thiết thực sau: làm sao để mỗi chúng ta có được hạnh phúc hơn, trong điều kiện hiện tại ?
Trước hết, có thể thấy rằng, có rất nhiều con đường hạnh phúc khác nhau, thậm chí nhiều khi có vẻ trái ngược nhau. Giống như là một bài toán có thể có nhiều cách giải, con đường này đúng không có nghĩa là con đường  khác sai.  Ví dụ, khi một người rất muốn một cái gì đó mà không thể đạt được, thì đó là lý do gây bất hạnh. Có thể giải quyết bằng cách từ bỏ ham muốn (như đạo Phật), hoặc giữ lạc quan và quyết tâm phấn đấu để đạt nó (nét đặc trưng của nhiều người thành công lớn), hoặc thay thế bằng các ham muốn khác dễ đạt được hơn mà vẫn đem lại sự thỏa mãn, v.v. Dù là con đường nào thì cũng có hai cách chính: giảm các yếu tố gây bất hạnh và tăng các yếu tố gây hạnh phúc.
 
Quyển sáchThe happiness paradox (nghịch lý hạnh phúc) của nhà tâm lý học Ziyad Marar xuất bản năm 2004 có bàn về sự đối ngược nhau của các trường phái khác nhau. Ví dụ có trường phái tôn vinh tự do, theo nghĩa dám thoát khỏi lề thói, thì lại có trường phái tôn vinh sự hòa mình vào cộng đồng. Cuối cùng thì tất cả các thái cực đó đều là các khía cạnh khác nhau của cùng một vấn đề. Mỗi người có thể tự chọn cho mình một con đường thích hợp với tính cách, với “sứ mệnh” của mình nhất, miễn sao không làm hại người khác.
Thứ hai, yếu tố lớn nhất để một người cảm thấy hạnh phúc nằm trong chính bản thân người đó, trong não của người đó. Để cảm thấy hạnh phúc, thì điều quan trọng nhất là phải chọn hạnh phúc, tin vào hạnh phúc. Kể cả không có chân có tay như anh Nick Vujicic vẫn rất hạnh phúc. So với anh ta thì các nỗi đau khổ của nhiều người tự coi mình là bất hạnh có lẽ chhưa thấm vào đâu, chỉ cần họ thay đổi quan điểm là sẽ thấy mình hạnh phúc lên nhiều. Người Anh có câu: “Pain is inevitable, but suffering is optional” (có những tai họa không tránh được, nhưng không nhất thiết phải đau khổ). Nói theo hòa thượng Thích Nhất Hạnh, chúng ta đau khổ chủ yếu là do hiểu nhầm bản chất vấn đề, khi hiểu đúng sẽ hết đau khổ. Kể cả những người phải đối mặt với cái chết của người thân hay của chính mình cũng sẽ trở nên bình thản khi hiểu đúng bản chất của cuộc sống.
 
Giáo dục chính là một yếu tố quan trọng đem lại hạnh phúc, vì nó làm tăng sự hiểu biết. Các thống kê trên thế giới cho thấy, những người được học nhiều hơn, có hiểu biết cao hơn, thì cảm thấy hạnh phúc hơn. Và những người ở độ tuổi từ trung niên trở ra ở Mỹ lại cảm thấy hạnh phúc hơn là những người còn thanh niên. Một lý do chính có lẽ là những người này hiểu biết hơn về bản chất cuộc sống so với thanh niên, và ít bị bất mãn do không còn đặt cho mình những kỳ vọng không tưởng.
 
“Chọn hạnh phúc” có nghĩa là chọn cách nhìn lạc quan, hay nói theo nhà tâm lý học hiện đại Martin Seligman là chọn “positive thinking” (suy nghĩ tích cực). Theo cái nhìn lạc quan, thì chúng ta thấy có rất nhiều thứ đáng để chúng ta hạnh phúc, nhiều hơn nhiều so với những thứ làm chúng ta khổ đau. Bản thân việc chúng ta được làm người biết suy nghĩ cũng đã là một yếu tố hạnh phúc vô cùng lớn lao. Người lạc quan cũng ít bị bệnh tật hơn, dễ dàng vượt qua bệnh tật khi có bệnh hơn, sống lâu hơn, làm việc hiệu quả hơn, v.v. so với là người bi quan. Bởi vậy hãy lạc quan lên!
Nói thì dễ, nhưng làm có lẽ khó hơn. Về mặt lý tưởng, con người sinh ra là để hạnh phúc. Nhưng trên thực tế, tỷ lệ người cảm thấy bất hạnh trên thế giới còn rất lớn, và không có vẻ giảm đi theo thời gian, dù rằng loài người đã đạt được rất nhiều tiến bộ. Một phần là do khi điều kiện sống tốt lên, thì đòi hỏi và kỳ vọng của con người cũng tăng lên theo. Ví dụ như hệ thống nước nóng trong nhà, khi mới có thì sướng, nhưng khi quen rồi thì coi nó là nghiễm nhiên, không sướng thêm nữa, mà thiếu nó thì thấy khổ. Mặt khác, có nhiều nhu cầu cơ bản phi vật chất của con người mà xã hội hiện đại chưa chắc đã đáp ứng tốt hơn ngày xưa, ví dụ như nhu cầu về cái “tôi”, về tình bạn, nhu cầu được yên tĩnh, v.v.
 
Quyển sách The happiness trap (cái bẫy của hạnh phúc, hay nói chính xác hơn là những cái bẫy trên đường tìm hạnh phúc) của bác sĩ Russ Harris xuất bản năm 2006 có đưa ra những con số thống kê rất đáng ngại về tỷ lệ người cảm thấy bất hạnh: Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thì bệnh trầm cảm đang trở thành căn bệnh lớn thứ hai về tác hại trên thế giới. Trong bất kỳ một tuần nào cũng có khoảng 10% dân số rơi vào trầm cảm  ở mức bệnh lý. Và có đến gần một nửa số người trưởng thành sẽ gặp phải những giai đoạn trong cuộc đời khiến họ đau khổ đến mức suy nghĩ về chuyện tự tử trong ít nhất 1-2 tuần liền.Việt Nam có lẽ cũng không là ngoại lệ, vì theo một bảng xếp hạng gần đây về thỏa mãn trong cuộc sống thì nước Việt Nam chỉ đứng thứ 95 trên thế giới.
Những người có các vấn đề về tâm lý, không phải do người ta muốn vậy, mà thường là do hoàn cảnh xô đẩy và các yếu tố ban đầu từ khi còn bé tạo nên vậy. Ví dụ, một trẻ nhỏ được giáo dục kiểu quá hà khắc, không dám thể hiện các ý thích của mình, thì khi lớn lên dù có thành công trong công việc và được bạn bè yêu quí vẫn đem trong người một nỗi ức chế về tình cảm khó vượt qua. Rất may,  khoa học về thần kinh (neuroscience) ngày nay đã phát triển đến mức đưa ra được những lời giải đáp mang tính  khoa học tự nhiên cho các hiện tượng bất hạnh về tâm lý, và qua đó các nhà tâm lý và y học có thể đề ra được các biện pháp hiệu quả nhằm cải thiện tình hình.
 
Bộ não của con người rất phức tạp. Nhưng để đơn giản hóa cho dễ hình dung, ta có thể dùng mô hình mà tiến sĩ tâm lý học Steve Peters , cố vấn tâm lý cho các vận độc viên olympic quốc tế, trình bày trong quyến sách “The chimp paradox: the mind management programme for confidence, success and happiness” (Nghịch lý con khỉ) xuất bản năm 2012. Theo mô hình này, các bộ phận có chức năng suy nghĩ và quyết định của não được chia thành 3 phần:phần “lý trí” là phần não ở phía trước, phần “bản năng” là phần não nằm trong, và phần “tự động” là phần não nằm ở hai bên. Ba phần đó được gọi một cách ví von là phần “Người”, phần “Khỉ”, và phần “Máy tính”. Cả ba phần hợp lại với nhau tạo thành nhân cách của con người.
Về tốc độ suy nghĩ thì “Máy tính” nhanh gấp 20 lần “Người”, và “Khỉ” nhanh gấp 5 lần “Người”.  Trong mỗi thời điểm, phần nào mà được máu chảy vào nhiều hơn thì đó là phần được sử dụng nhiều hơn để suy nghĩ và ra quyết định. Hầu hết các việc làm “theo thói quen” như đi lại, ăn uống, hay ngay các động tác đá bóng, là do “Máy tính” đảm nhiệm một cách “tự động”, hay có thể gọi là “vô thức”, không cần sự chú ý của “Khỉ” và “Người”. Mỗi khi có thông tin lạ, gây chú ý, thì nó qua “Khỉ”
trước rồi mới đến “Người”. “Khỉ” suy nghĩ theo cảm xúc, và được kích hoạt mạnh khi có tín hiệu gì đó đụng đến bản năng sống còn. (“Bạn tình đấy, thích quá, xông đến đi”, “nó chiếm lãnh thổ của mình, giận quá, tấn công nó đi”, “sợ quá, chạy đi”, v.v.), còn nếu nó không thấy tín hiệu có tính sống còn thì nó để cho “Người” hoặc “Máy tính” xử lý.
Nhiều quyết định do “Khỉ” tạo ra có thể hợp với môi trường hoang dã, nhưng không hợp với xã hội tiện tại, và chỉ dựa trêm cảm giác chứ không dựa trên phân tích kỹ. Bởi vậy mà con người có những lúc có thể có những hành vi “như khỉ”: bộp chộp, thiếu suy nghĩ, thiếu lý trí (irrational), v.v. Khi phần “Người” kịp suy nghĩ, dựa trên các thông tin chính xác hơn chứ không chỉ là cảm giác, thì dẫn đến các quyết định tinh tế hơn “Khỉ”, có thể theo chiều hướng hoặc trái lại quyết định của “Khỉ”. Ví dụ, “Khỉ” giân dữ nhưng “Người” kiềm chế lại các hành động thô bạo. Tuy nhiên, nếu “Khỉ” không hài lòng với quyết định của “Người”, thì nó sẽ dằn vặt không yên, gây khó chịu trong nội tâm.
Mỗi khi có “mâu thuẫn nộ bộ” mạnh, nếu “Người” đối đầu vời “Khỉ” thì sẽ thua, vì “Khỉ” khỏe hơn “Người” gấp mấy lần. Cách giải quyết là “điều khiển Khỉ”, bằng 3 bước khác nhau: bước 1) “Cho Khỉ xả hơi”. (Đang buồn thì cứ để khóc lóc, đang cáu thì cứ để chửi bới, cho hết cơn đi, miễn sao không ảnh hưởng xấu đến người khác). Trong lúc “Khỉ” đang tuôn ra như vậy thì không “đấu lý” với “Khỉ” được, phải đợi một lúc sau khi Khỉ đã tuôn ra đủ rồi và mệt rồi, thì mới đến bước 2) “Cho Khỉ vào hộp”. Ở bước này, dùng lý lẽ logic phân tích về quyết định của phần “Người” để trấn an “Khỉ”. Ngoài ra, còn có thể dùng một bước thứ 3, độc lập với hai bước trên, đó là “Cho Khỉ ăn chuối”. Ví dụ, ta có một đống email phải trả lời, mà con “Khỉ” trong ta lại không muốn ta làm việc. Khi đó, nếu ta đặt phần thưởng “sau khi trả lời 5 email sẽ được uống cà phê” thì có thể “Khỉ” vì cà phê mà giúp ta tập trung viết email trả lời. Tuy nhiên, bước 3 này chỉ nên coi là một bước bổ sung, không nhất thiết phải dùng.
 
Để làm cho phần “Khỉ” dễ điều khiển hơn, ít mâu thuẫn nội tâm hơn, thì ta phải “nuôi nấng” nó, tức là tìm cách thỏa mãn các nhu cầu bản năng của nó.  Ví dụ, nếu “Khỉ” có bản năng về quyền lực cao, thì tham gia các môn thể thao có thể là một cách làm thỏa mãn bản năng đó. Nhà tâm lý học Freud của thế kỷ trước có xu hướng qui các nhu cầu bản năng về tình dục. Nhưng thực ra, ngoài tình dục, con “Khỉ” trong ta còn có các nhu cầu bản năng sống còn khác, như là: ăn uống, an toàn, bầy đàn (vì lẻ loi trong rừng thì dễ bị tiêu vong), chăm sóc con (đặc biệt đối với phụ nữ), lãnh thổ, quyền lực, chỗ trú ẩn, khám phá xung quanh, cái “tôi”, v.v. Một ví dụ thú vị là, một cách bản năng, trẻ em ở đâu cũng thích chơi trốn tìm. Nếu một nhu cầu bản năng mạnh mẽ quan trọng nào đó mà không được đáp ứng thì dễ gây ra bất hạnh.
 
Phần “Máy tính” trong não người chứa 4 thứ khác nhau, được gọi tên là: các autopilot (lái tự động), các gremlin (quỉ nhỏ), các goblin (quỉ dữ), và stone of life (tảng đá cuộc sống). Cả bốn phần này đều là do thông tin từ “Khỉ” và “Người” nhập vào “Máy tính” sau các trải nghiêm. Các autopilot là các kỹ năng, hành vi tự động có ích cho ta trong cuộc sống. Ví dụ, kĩ năng đi xe đạp là một autopilot, ngồi lên xe là đi được mà không cần nghĩ xem phải làm thế nào. “Tảng đá cuộc sống” là các điều cơ bản về cuộc sống mà người ta coi là đúng đắn, coi là các sự thật và giá trị đạo đức, dựa vào đó mà đưa ra các quyết định hành động.Vi dụ, một sự thật cơ bản là “cuộc sống không công bằng”. Tất nhiên, chúng ta muốn được thế giới đối xử công bằng, nhưng phải chấp nhận một điều là không phải lúc nào cũng có công bằng. Biết như vậy, thì khi ta là nạn nhân của một điều mà ta coi là bất công, ta sẽ bình tĩnh suy nghĩ nên xử sự ra sao chứ không vội vàng nóng nảy.
Các gremlin là những thói xấu hay những sự hiểu sai mà có thể sửa được, tống khứ được ra ngoài nếu phát hiện ra. Một ví dụ là khi một cô gái bị bạn trai lừa, thì phần “Người” có thể ghi vào trong “Máy tính” là “bạn trai có thể lừa mình”, nhưng phần “Khỉ” có thể tạo ra  một gremlin dạng “bọn con trai toàn Sở Khanh”. Con gremlin đó sẽ ảnh hưởng xấu đến quan hệ của cô cái với các đàn ông khác, một yếu tố cản trở hạnh phúc, nhưng có thể loại nó ra khỏi đầu nếu nhận biết ra nó. Các goblin là những thứ xấu mà đã được khắc sâu vào não, thường là do được “nhồi sọ” từ bé, hoặc do những chấn động rất mạnh tạo ra, nói chung không thể tẩy rửa được, mà chỉ có thể chung sống với nó và hạn chế ảnh hưởng xấu của nó.  Ví dụ, khi một phụ nữ dã bị nhồi sọ từ bé là “đàn bà là hèn hạ hơn đàn ông” thì rất khó vượt khỏi mặc cảm về thân phận phụ nữ. Hay một ví dụ khác, nếu một đứa trẻ từ bé tí đã được “dạy” là các thành tích là quan trọng nhất, thì lớn lên sẽ bị bệnh chạy theo thành tích dù đó là thành tích rởm.
Hình minh họa
“Máy tính” không chỉ có chức năng “xử lý tự động”, mà còn có chức năng “thư viện” cho “Khỉ” và “Người”. Mỗi khi cần tra cứu để xử lý cái gì đó thì “Khỉ” và “Người” gọi đến “Máy tính”. Cũng có những khi “Khỉ” đúng mà “Người” lại sai. Đó là khi “Khỉ” sự dụng được tảng đá cuộc sống và các autopilot, trong khi “Người” lại vớ phải các gremlin và goblin trong “Máy tính”. Ví dụ  ta gặp một người không đáng tin, con “Khỉ” cảm nhận được điều đó trong khi “Người” dùng lý trí xét thấy mọi thứ có vẻ OK.
Trong bộ não của ta có thể chứa nhiều con gremlin và goblin làm hại ta, gây cho ta bất hạnh. Các gremlin và goblin này được phân tích trong nhiều tài liệu khác nhau về vấn đề hạnh phúc. Ví dụ, như trong sách “F**k it therapy: The profane way to profound happiness” của John Parkin  xuất bản năm 2012 có chỉ ra, khi chúng ta coi trọng cái gì quá, tưởng chừng như không thể sống thiếu nó (bất kể là cái gì), thì đó cũng là một thứ gremlin hay goblin gấy bất hạnh, chỉ cần nhìn ra xung quanh sẽ thấy bao nhiêu người không có cái đó vẫn sống hạnh phúc được có sao đâu. Nói theo văn hóa phương Đông, là nên coi mọi thứ “nhẹ tựa lông hồng” thì sẽ dễ bình thản, có “hòa bình trong nội tâm”, dễ đạt hạnh phúc hơn. Những mặc cảm (bất kể về cái gì), những định kiến, những sự không tưởng, những oán hận, v.v. cũng đều là các gremlin hay goblin cản trở hạnh phúc. Hành động tha thứ không những chỉ có tác dụng cho người được tha thứ, mà có lợi cho cả người tha thứ, vì khi tha thứ là tống khứ được một gremlin ra khỏi đầu.
 
Ngoài việc “nuôi dưỡng Khỉ” (thỏa mãn các nhu cầu bản năng), “điều khiển Khỉ” (giải quyết các xung đột nội tâm), và tìm và tống khứ các gremlin (các con quỉ nhỏ) ra khỏi đầu,  một việc làm rất cần thiết khác để đạt hạnh phúc là tích lũy nhiều thêm các “autopilot” và củng cố thêm “tảng đá cuộc sống” qua luyện tập và trau dồi kiến thức văn hóa, và nhận biết các “goblin” để khống chế chúng. Ví dụ, cuốn sách thú vị The 100 simple secrets of happy people của tiến sĩ David Niven xuất bản năm 2000 (và đã được dich ra 30 thứ tiếng khác nhau) có đưa ra 100 lời khuyên cụ thể cho việc củng cố “Máy tính”, kèm theo trích dẫn về các công trình nghiên cứu của hàng trăm nhà khoa học khác nhau làm cơ sở cho các lời khuyên đó. Ví dụ một số lời khuyên trong đó: tình bạn quan trọng hơn là tiền bạc, bận bịu tốt hơn là nhàn chán, từ thiện đi đôi với hạnh phúc, hãy chấp nhận mình dù mình ra sao, nên nhập một hội nào đó, v.v.
Không chỉ phần “Khỉ” cần được thỏa mãn, mà phần “Người” cũng cần được thỏa mãn để đạt đến hạnh phúc ở tầm cao hơn. Phần “Người” hướng tới các giá trị tinh thần. Khi đạt được một giá trị tinh thần lớn nào đó, ví dụ như khi một nhà khoa học khám phá được một qui luật tự nhiên quan trọng, một nhà công nghệ nhìn thấy sản phẩm “con đẻ” của mình, hay khi một nhà cải cách nhìn thấy sự tiến bộ xã hội theo ý mình, thì có thể đạt được một sự hạnh phúc vô cùng lớn lao, có thể ví như là một nguồn năng lượng lớn bên trong người giúp vượt được qua mọi thử thách khác. Tương tự như vậy, những người có một niềm tin lớn lao vào một cái gì đó (ví dụ như là những người theo tôn giáo thực sự, bất kể tôn giáo nào) thì niềm tin đó như là một phần của tảng đá cuộc sống, giúp người đó có được cảm giác hạnh phúc và vượt được lên trên các nỗi đau khổ thường ngày.
 
Nếu có được sự trợ giúp của người hướng dẫn hay chuyên gia tâm lý nào đó thì việc củng cố tinh thần của chúng ta càng thuận tiện hơn. Trong những trường hợp mất thăng bằng nặng (ví dụ như bị bệnh trầm cảm), thì cần có sự hỗ trợ của bác sĩ, và có thể cần uống thuốc để điều các chất hóa học trong cơ thể cho thăng bằng lại. Chúng ta cũng có thể giúp đỡ những người xung quanh đạt được bộ não hạnh phúc hơn cũng bằng các biện pháp như trên. Đặc biệt là đối với trẻ em, rất cần được quan tâm chăm sóc đến các nhu cầu bản năng (được ăn uống, được có cảm giác an toàn, được yêu thương, được hoạt động, được chơi với bạn, v.v.) và được giáo dục những điều đúng đắn ngay từ bé, thì lớn lên mới dễ có được hạnh phúc nội tại.
 
 
 
¤÷(`[¤*  Kim Kỳ st  *¤]´¤
 
Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %31 %872 %2016 %15:%07
back to top