Nhân cách của Michelangelo
Nhân cách của Michelangelo
Nguyễn Đình Đăng trích dịch
từ Giorgio Vasari, “Michelangelo Buonarotti of Florence,
Painter, Sculptor and Architect (1475-1564)“
Một hoạ sĩ vẽ một bức tranh trong đó đẹp nhất là con bò đực. Có người hỏi vì sao hoạ sĩ vẽ con bò giống thật hơn tất cả các thứ còn lại. Michelangelo trả lời: “Hoạ sĩ nào cũng có thể tự vẽ mình đẹp.”
Danielle da Volterra (1509 – 1566)
Chân dung Michelangelo
Trí tưởng tượng của Michelangelo hoàn hảo đến mức, khi không thể dùng tay để khắc hoạ các ý tưởng vĩ đại và khủng khiếp của mình, ông thường bỏ dở và phá hủy nhiều tác phẩm. Trước khi qua đời không lâu, ông đã tự tay đốt rất nhiều hình vẽ và ký hoạ của mình. Mọi người đều biết Michelangelo thích sống cô độc, như thể ông chỉ phải lòng có nghệ thuật mà thôi. Tuy nhiên ông kết thân với nhiều vĩ nhân và những người có học, trong số đó có nhiều hồng y giáo chủ và giám mục. Hồng y Ippolito de Medici rất quý mến Michelangelo, và có lần, nghe nói Michelangelo thích một con ngựa Thổ Nhĩ Kỳ của mình, bèn gửi tặng luôn con ngựa đó cho Michelangelo, kèm theo 10 con la thồ cỏ khô cho ngựa ăn và cả một người hầu để chăn ngựa. Michelangelo thích giới nghệ sĩ và thường giao du với họ. Người nào nói ông không dạy là nói sai, bởi ông sẵn sàng chỉ dẫn cho bất cứ ai tới hỏi. Nhưng ông không may mắn với những đồ đệ sống trong nhà ông; bởi Piero Urbano có tài nhưng lười; Antonio Mini sẵn sàng làm bất cứ việc gì nhưng không thông minh lắm, và khi sáp đã rắn lại thì khó nắn; Ascano dalla Ripa Transone rất chăm chỉ nhưng chẳng làm được gì nên hồn: cậu ta mất hàng năm trời để vẽ một bức tranh theo hình hoạ Michelangelo đưa cho, nhưng cuối cùng mọi kỳ vọng đã tan thành mây khói. Michelangelo đã rất cảm thông những khó khăn vẽ tranh của cậu và từng ra tay giúp cậu.
Dessin của Michelangelo
Ông thích đọc thơ, đặc biệt là Dante và Petrarca, sáng tác thơ tình và sonnet. Ông gửi nhiều bài văn xuôi và thơ cho nữ hầu tước xứ Pescara [1], người ông rất say mê, và bà cũng rất ngưỡng mộ ông. Nhiều lần bà đi từ Viterbo tới Rome để thăm ông, và Michelangelo đã làm nhiều thứ cho bà. Ông rất thích sách thánh hiền, bởi ông làmột người sùng đạo. Ông kính trọng các tác phẩm của cha Girolamo Savoranola và đã từng nghe cha giảng đạo. Ông sống rất đạm bạc, đã quen từ khi còn trẻ chỉ dùng ít bánh mì và rượu vang khi làm việc. Tuy giàu có nhưng ông sống rất khổ hạnh, không bao giờ nhận quà cáp từ người khác. Ông ngủ ít, nhưng thường tỉnh dậy ban đêm để làm việc. Ông tự làm một cái mũ giấy, cắm một cây nến vào giữa để có thể rảnh tay làm việc. Vasari thường thấy ông đội cái mũ đó và dùng nến bằng mỡ dê chứ không phải bằng sáp ong, vì thế đã sai người, vào một buổi tối, mang tặng Michelangelo 4 bó nến nặng 18 kg. Khi Michelangelo từ chối nhận, người hầu của Vasari nói: “Thưa ngài, con suýt gãy cả tay bê đống nến này đến đây, vì thế con sẽ không bê nó về đâu. Trước cửa nhà ngài có một đống đất nhão. Con sẽ cắm tất cả nến vào đó và thắp cho chúng cháy sáng.” Michelangelo đành trả lời: “Thôi để lại đây. Ta không muốn mi dở trò khỉ trước cửa nhà ta.” Khi còn trẻ, Michelangelo thường làm việc tới mệt nhoài đến nỗi cứ mặc nguyên quần áo nằm ngủ. Một số người nói ông keo kiệt nhưng họ nhầm, bởi ông thường cho không các hình vẽ, tranh và mẫu tượng của mình, mà nếu đem bán ông có thể thu về hàng ngàn crown.
Và hơn nữa, ai dám bảo ông là keo kiệt nếu ông dùng tiền kiếm được bằng mồ hôi, học vấn và lao động của mình để giúp nhiều người nghèo, bí mật trợ giúp nhiều cô gái cưới chồng, và giúp người hầu Urbino. Urbino đã phục vụ Michelangelo nhiều năm. Một lần Michelangelo hỏi: “Nếu ta chết thì ngươi sẽ làm gì?” Urbino trả lời: “Con sẽ phục vụ người khác.” “Ôi, anh bạn đáng thương,” Michelangelo nói: “Ta sẽ giải quyết cảnh nghèo cho ngươi.” Rồi ông tặng luôn cho Urbino hai ngàn crown, một món quà dành cho vua chúa hoặc giáo hoàng.
Ông là người có trí nhớ dai nhất. Ông có thể nhớ và vẽ lại các tác phẩm của người khác mà chỉ cần nhìn thấy chúng một lần, trong khi đó ông không bao giờ lắp lại tác phẩm của chính ông, bởi ông nhớ tất cả những gì ông đã làm. Hồi còn trẻ có lần ông ngồi với các bạn hoạ sĩ. Họ thách nhau vẽ lại theo trí nhớ hình vẽ trông thấy trên tường. Người nào vẽ đẹp nhất sẽ được ăn tối không mất tiền. Michelangelo đã thắng tất cả các hoạ sĩ. Ông rất tức giận khi có người gây tổn thương cho ông nhưng ông không bao giờ trả thù.
Dessin của Michelangelo
Hội thoại của ông thường rất thông tuệ và hấp dẫn, pha nhiều câu nói thông minh và hài hước. Có lần một người bạn nói về cái chết và bảo chắc Michelangelo sợ chết lắm vì thấy ông lao động nghệ thuật liên tục; nhưng ông trả lời: “Tất cả cái đó chẳng là gì cả, và nếu cuộc sống làm chúng ta thích thú, thì cái chết cũng được làm vẫn từ chính tay của một Bậc Thầy và không thể làm chúng ta không thích.” Một lần khác có người thấy ông tại Orsanmichele ở Florence và đang chiêm ngưỡng bức tượng Thánh Mark của Donatello. Người này hỏi ông nghĩ sao về bức tượng. Ông trả lời chưa từng nhìn thấy khuôn mặt nào trung thực hơn, và nếu Thánh Mark thực sự giống như vậy thì chúng ta có thể tin tất cả những gì ngài đã viết ra. Một hoạ sĩ vẽ một bức tranh trong đó đẹp nhất là con bò đực. Có người hỏi vì sao hoạ sĩ đó vẽ con bò giống thật hơn tất cả các thứ còn lại trong bức tranh. Michelangelo trả lời: “Hoạ sĩ nào cũng có thể tự vẽ mình đẹp.”
Michelangelo thích chơi với một số người như Il Menighella, một hoạ sĩ tầm thường, hay đến nhờ Michelangelo vẽ phác hình Thánh Rocco hoặc thánh Antonio để anh ta vẽ thành tranh theo đặt hàng của vài người nông dân. Và Michelangelo, người thường rất khó bị thuyết phục để vẽ cho vua chúa, gác việc mình đang làm, phác hoạ ngay vài hình hoạ đơn giản theo ý muốn của Il Menighella. Ông cũng gắn bó với Topolino, một thợ đá, người tự cho mình là một nhà điêu khắc sáng giá. Anh ta sống nhiều năm tại vùng núi Carrara để đẽo đá cẩm thạch gửi cho Michelangelo. Và khi gửi các lô đá đến, bao giờ anh ta cũng nhét vào vài bức tượng anh ta tạc nham nhở khiến Michelangelo bò lăn ra cười. Sau khi từ Carrara trở về, anh ta bắt tay vào hoàn thành bức tượng thần Mercury bằng đá cẩm thạch. Một hôm, khi bức tượng đã được tạc gần xong, anh ta mời Michelangelo đến xem và nhận xét.
“Cậu điên rồi,” Michelangelo nói, “Cậu không thấy bức tượng của cậu từ đầu gối đến bàn chân bị ngắn đi mất một phần ba cánh tay à?” “Ồ, không sao, nếu chỉ có thế thì em chữa đượcngay.” Michelangelo lại cười vì suy nghĩ đơn giản của Topolino. Nhưng sau khi Michelangelo ra về, Topolino cắt bỏ phần dưới gối của bức tượng, ghép một khúc đá cẩm thạch mới vào và tạc thành Mercury đi đôi ủng. Khi anh ta cho Michelangelo xem lần nữa, Michelangelo lại cười xong ông cũng ngạc nhiên khi thấy những người dốt nát như Topolino, lúc cấp bách lại có thể làm những thứ táo bạo mà các điêu khắc gia tài giỏi không bao giờ nghĩ ra.
30.12.2014
Kim Quy st