Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt **** Lưu Như Hải
***** Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt *****
Lưu Như Hải
Vì Văn Học và Ngữ Nghĩa Học (Semantics) không phải là những môn Khoa Học Chính Xác (Sciences exactes) như Toán Học cho nên mới có những bất đồng ý kiến về kết quả bình chọn các tác phẩm xứng đáng đoạt giải văn chương ở cấp quốc tế hoặc quốc gia.
Ở lãnh vực nhỏ hơn như văn phạm (ngữ pháp), cách dùng từ hoặc là chính tả (đánh vần) vẫn còn tồn tại một số ý kiến khác biệt hay không nhất quán.
Nước ta hình như chưa có Hàn Lâm Viện để đưa ra chuẩn mực thống nhất cho nhiều lãnh vực cơ bản.
Phần I.
Tản mạn về Ngữ pháp (Văn phạm)và Ngữ vựng.
Ngữ vựng (NV) thay đổi mau lẹ trong khi Ngữ pháp (NP) thay đổi rất chậm. Vì sao? Vì NV biến đổi theo không gian, thời gian, và nhiều yếu tố khác luôn thay đổi như chính trị, ngành nghề, học vấn, giới trong xã hội (giới giang hồ, giới lao động, giới chủ nhân, v.v.), trong khi NP một khi đã định hình thì bảo thủ, khó thay đổi hơn.
Nay ta thử xem lại sách báo thời thập niên 1940 với thời thập niên 1990 thì sẽ thấy số từ vựng mới phát sinh rất nhiều, trong khi ngữ pháp chỉ có vài biến thái không phổ quát và có khi bị đào thải nhanh.
NV: tài xế => tài => lái xe (động từ "lái" dùng như danh từ "người lái")
Chở / Đèo / Lai => thồ, xe thồ
Chuyên viên => chuyên gia
Đả tự viên => người đánh máy chữ
Người làm đài phát thanh/truyền hình => nhà đài
Ký giả => nhà báo
Giáo sư trung học => giáo viên
bác học => nhà khoa học
Cách trí => thường thức
Người môi giới => cò
Buôn lậu => chui, con phe
Đi khai hoang => đi kinh tế mới
* và còn nhiều lắm, chưa thấy bản liệt kê chính thức.
NP:
(1) danh từ dùng như tính từ với nghĩa mới: hoàn cảnh (danh từ) hoá thành tính từ, nghĩa là khó khăn: anh ấy hoàn cảnh lắm
(2) Thêm chữ BỊ bừa bãi, không theo quy tắc đã định hình là "Bị + động từ" và ám chỉ hậu quả xấu: Chị ấy BỊ đẹp: câu này đã bị đào thải
(3) Ghép 2 nghĩa không tương thích cho ra 1 nghĩa mới gượng ép
Phẩm chất (quality) không đếm được
Ghép với số lượng (quantity) đếm được thành "chất lượng" với nghĩa phẩm chất:
Sản phẩm này chất lượng lắm (?!)
Phần II
Bài này chỉ có tính cách "cỡi ngựa xem hoa" để bà con cô bác giải trí cho vui, và không phải là một bài nghiên cứu khoa học. Mong bạn đọc mở rộng thêm nội dung cho phong phú hoặc hiệu đính những chỗ sai sót nhằm mục đích cùng gìn giữ tính trong sáng của tiếng Việt. Cảm ơn bạn đọc.
Nay cho tôi trình bày một số thí dụ minh hoạ ngữ nghĩa chưa ổn thỏa.
(1) "nạn nhân vô tội (?)" => nhiều bản tin có nhóm chữ (cụm từ), đại khái là "tai nạn làm thiệt mạng hàng chục nạn nhân vô tội" ==> Bạn đọc không thể không tự hỏi: - Thế còn có nạn nhân có tội sao? Và người không phải là nạn nhân thì có tội sao?
(2) "vân vân và vân vân": rườm rà, chỉ cần vân vân viết tắt là "v.v." là đủ rồi. Không cần v.v... với 3 cái chấm.
(3) "báo chí và truyền thông": điệp ý vì trong "truyền thông/truyền thông đại chúng/các phương tiện truyền thông đại chúng" đã có báo chí rồi!
(4) "cố tổng thống": Hình như Nhà Báo Nguyễn Thông đã có lần nhắc nhở cho bạn đọc đại ý rằng câu văn tương tự như vầy là sai: "trong ảnh là cố tổng thống XYZ trước khi qua đời" ==> sai vì trong ảnh là tổng thống XYZ lúc còn sống, chưa "chuyển sang từ trần" thì không gọi là "cố" được!
(5) "sông Hồng hà/sông Cửu Long giang": khi "hà/giang" không viết hoa (H/G) thì đồng nghĩa với "sông" rồi, không cần lập lại. Tuy nhiên, nếu Hà/Giang viết hoa thì Hồng Hà /Cửu Long Giang tạo ra một khối danh từ riêng thì có thể thêm "sông" chăng?
Như chúng ta đã biết, ngôn ngữ luôn luôn thay đổi. Tuy nhiên, thay đổi cũng phải theo quy luật, không thể thay đổi tuỳ tiện. Thí dụ, tiếng Việt (V) đã có qui định về trật tự (thứ tự) chữ (word order) trong một nhóm chữ (cụm từ), như:
Danh từ + tính từ, ngược với thứ tự chữ tương ứng trong tiếng Hoa (H)/tiếng Anh (A) là Tính từ + danh từ
Bây giờ, nếu thay đổi tiếng Việt tùy hứng mà nói/viết: "xanh mực, trắng mây, đen quạ" thì không được.
Hoặc là, danh từ "hoàn cảnh" mà dùng làm tính từ với nghĩa khó khăn, bi đát như trong câu "chị Dậu hoàn cảnh lắm" thì ý nghĩa không rõ ràng, không trong sáng.
Rồi thụ động cách/thể bị động (passive voice) với hàm ý xấu thì công thức là BỊ + động từ --> nó bị đánh
Còn hàm ý tốt là ĐƯỢC + động từ --> nó được thưởng
Nay nếu nói: Nó bị đẹp/bị giàu/bị khôn thì câu này sẽ sớm bị đào thải.
Nếu đối chiếu với tiếng Anh/Pháp thì --- riêng về thụ động cách --- tiếng Việt có 2 cách nói với 2 nghĩa biểu cảm (emotional connotation) tuỳ theo ĐƯỢC hay BỊ:
Thí dụ: (a) Anh X được yêu. (b) Chị Y bị phạt.
Trong khi đó, ngược lại, cấu trúc của Passive Voice/Voix Passive trong tiếng Anh/Pháp không cho thấy nghĩa biểu cảm là được (hạnh phúc) hay bị (đau khổ).
Lưu Như Hải
”*°•.˜”*°••°*”˜.•°*”˜ .•*˜”*°•.˜”*°••°*”˜.•°*”˜ .•*˜