Sự Tế Nhị - Thầy Chu Văn Hiền

SỰ TẾ NHỊ

 http://images.alobacsi.vn/Images/Uploaded/Share/2015/10/12/hoa-dai.jpg

Trong Thánh Kinh,  chữ Tế Nhị (Sensible) đồng nghĩa với, và luôn luôn được hiểu là, sự Khôn Ngoan (Wisdom, prudence).

          Chữ Tế Nhị (sensible) bắt nguồn từ chữ sense (sens), là cảm nhận, cảm quan,  cảm giác, bao gồm  đủ ngũ quan: Thị  giác, thính giác, khứu giác, vị giác, và xúc giác, do chữ La-tinh "sensus".

          Chữ Tế Nhị (sensible), La-tinh là  "sensibilis", còn có nghĩa là sự thông minh, cảm giác bén nhậy, hay  sự nhậy cảm, sự hiểu biết tinh tế, sâu sắc (prudentia et intelligentia).

          Trong dụ  ngôn mười người trinh  nữ đi đón đôi  tân hôn trong một bữa tiệc cưới ban  đêm, năm cô khờ dại cầm đèn  đi mà  không mang theo thêm dầu dự  trữ (lúc đó dĩ nhiên chưa có  điện), còn năm cô khôn ngoan thì  nhớ mang theo thêm dầu để  phòng hờ. Vì buổi tiệc cưới và cuộc  rước dâu bị trễ, nên  cô nào cô ấy ngủ  gà ngủ gật.

          Tới lúc tân lang  và tân giai nhân tới thì chỉ  có năm người khôn ngoan đem theo dầu dự trữ nên mới có đủ dầu mà thắp cho đèn sáng, và theo  tục lệ người Do  Thái bấy giờ, tiệc  cưới thường được tổ chức ban đêm,  nên chỉ những ai mang theo  đèn thắp sáng mới được mời vào dự tiệc cưới.

          Chữ khờ dại dĩ nhiên là "foolish", nhưng chữ khôn ngoan thì các nhà chú giải Thánh Kinh đều dùng từ "sensible" và "wise".

          Trong  "Tổng Luận  Thần  Học"  (Summa Theologica,  I-II, Q.49-89) Thánh Thomas tiến sĩ đã xếp sự  Khôn Ngoan vào một trong bốn nhân đức nồng cốt,  hay cột trụ, chính yếu  (cardinal virtues) của con người trong số những nhân đức  về luân lý (moral virtues).                   

Đó là:

·       Khôn Ngoan,

·       Công Bình,

·       Tiết Độ,  và

·       Can Đảm.

Trong nhóm Công Bình thì gồm có:

·       Lòng sùng mộ đạo  đức và

·       Tuân Phục.

Trong nhóm Tiết Độ thì gồm có lòng:

·       Trinh Sạch và

·       Sự Khiêm Nhu hòa nhã.

1.TẾ NHỊ  LÀ … KHÔN NGOAN

          Trong rất nhiều hoàn  cảnh của đời sống, sự Tế Nhị  đã thực sự là điều  khôn ngoan,  là sự  thông minh,  và là  điều cần tuyệt đối.

          Người khôn ngoan, là người tế nhị, là người  luôn biết quan tâm tới nhu cầu của người khác, biết lưu ý, lắng nghe để cảm nhận những ý nghĩ, ý thích, ước muốn  của người khác, lo lắng cho  người khác một cách thích nghi, đúng lúc, đúng nơi và đúng việc.

          Sự tế  nhị khôn ngoan bao  trùm toàn thể con  người, với mọi tài năng suy luận, phán đoán, lời nói, dự tính, và mọi hoạt động cũng như việc làm, qua mọi cung cách, mọi cách cư xử, và những cách ăn ở, xử thế với mọi người, và như  Sách Thánh đã chép:

"Để trước Tôn Nhan Thiên Chúa, anh chị em được chứng tỏ là Thánh Thiện, Thanh Sạch, và Toàn Hảo" (Col  1:22)

          Lòng  tốt thì  quí giá. 

          Nhưng trong  nhiều trường  hợp, lòng tốt không mà thôi, thì chưa đủ, mà còn cần  phải có sự tế nhị  khôn ngoan.

          Cái câu nói rằng, "Của cho không bằng cách cho" nói lên nhiều lắm lắm.

          Có biết  bao trường hợp,  vì lòng hăng  say và tinh  thần bác ái, thấy người khác khổ, hoặc gặp những rủi ro, thì người ta đã dấn thân "reach out" để  giúp đỡ, để chia sẻ, rất tận tâm, rất nhiệt tình. Nhưng vì thiếu tế nhị, thiếu khôn ngoan, nên người được giúp  đỡ, đã không biết  ơn mà còn sinh  oán thù, giận ghét, bực bội. Có cả  ngàn ngàn những câu chuyện đã xẩy  ra giữa ông di cư và người  bảo trợ Mỹ sau 75,  và trong suốt cuộc chiến  ở Việt Nam từ lúc bắt đầu người Mỹ  dính líu tới cuộc chiến Việt Nam. Vì thiếu hiểu biết, thiếu tế nhị và khôn ngoan trong những khác biệt giữa văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, và tập quán, cả phe họ lẫn phe mình, nên khi tự ái bị đụng  chạm, cả hai bên đều chỉ muốn choảng nhau!

          - Đã thế thì thôi!

2.TRONG THỰC TẾ       

Chúa Giêsu dậy:

          "Chúng con cần khôn lanh như con rắn, và cần đơn sơ như con chim bồ câu" (Mat  10:16)       

Chúa ôi!  Xin giúp chúng con sống được như lời Chúa dậy vì đây là một nguyên tắc cần vô cùng cho chúng con trong đời sống xã hội của loài người, trong mọi hoàn cảnh giao tế của đời sống.         

     * Vì thiếu khôn ngoan tế nhị giữa  "supervisor" và "supervisee", nên nhiều khi  xếp thì phải dùng  quyền, còn người thuộc  cấp thì bực mình, nổi xùng,  căm hờn, giận ghét, nhiều bữa  mất ăn mất ngủ và cảm thấy  cuộc đời " miserable, tortureous, and painful", thêm nhiều cay đắng như bị tra tấn và cực hình! 

     * Vì thiếu khôn ngoan tế nhị, nên  không biết mấy lần tình nghĩa vợ chồng bị  căng thẳng, bị sứt  mẻ. Người vợ cảm  thấy cay cực, khổ sở, còn người chồng thì chỉ muốn nổ tung như trái mìn “claymore”.

     * Vì thiếu khôn ngoan tế nhị nên  từng trăm, từng ngàn những ông thày, bà cô đã không biết tới những biến chuyển trong tâm tư, tình cảm, và những ý nghĩ thầm  kín của từng triệu  thiếu niên, những đứa  trẻ trong lớp tuổi  dậy thì, đầy  biến động và  đổi thay, những  trạng thái bâng khuâng, mơ  màng, mộng mị, hoặc cảm thấy  lạc lõng trong gia đình, nơi học đường, hay trong cộng  đồng, mà lẽ ra bậc cha mẹ và thày  cô phải  lưu tâm  đến nhưng  đã không  làm, không quan tâm, không để  ý. Kết quả  là từng triệu  đứa trẻ bỏ  nhà đi hoang mỗi năm, rồi bị cuốn  lôi vào những vũng sình lầy sa  đọa tối tăm, và thê thảm.  Rất nhiều trường  hợp chỉ là  do sự vô  tình, vô ý, sự thiếu khôn ngoan tế nhị của những người có trách nhiệm.

    * Vì thiếu hiểu biết, thiếu tế nhị và khôn ngoan trong những vấn đề thuộc chân lý, niềm tin, và sự  khác biệt giữa các tôn giáo, từng trăm, ngàn, vạn, triệu, người đã chỉ đề cao  tôn giáo của mình. Nhưng đồng thời, lại hạ  bệ, chê bai, coi  rẻ niềm tin của  người khác, khinh chê, nhạo báng tôn  giáo của người khác, gây nên  không biết bao nhiêu đổ vỡ, nát tan trong tình người.

     * Rồi cũng  vì thiếu tế nhị, thiếu khôn ngoan, nhà  đạo đã lấn vào việc đời,  chuyện đời xen vào nhà đạo, tôn giáo, nhà thờ, nhà chùa  xâm lấn, dẫm chân lên việc quốc gia, nên từng ngàn lẻ một những  rắc rối, cãi nhau, thù hằn, chửi bới, rủa xả đã kéo dài qua nhiều thế hệ!

     * Vì thiếu khôn ngoan tế nhị (Hay  thiếu trình độ? Hay thiếu cơ cấu tổ chức và luật pháp lỏng lẻo?) nên mấy linh mục và mấy thày chùa đã dùng địa vị tôn giáo để xâm lấn cửa quan hầu tạo uy thế và lợi lộc cho phe  nhóm mình, trong lúc mấy tay  hoạt đầu chính trị cũng tìm cách để lợi dụng lại để hưởng lời? Đấy là hoàn cảnh trước 1975 ở Miền Nam Việt Nam.

     * Vì  thiếu khôn  ngoan tế  nhị, không  thiếu những  người cha, hay những người mẹ, đã để con cái cảm  thấy bơ vơ vì cuộc sống trong gia đình là tẻ nhạt,  buồn nản, là gánh  nặng, là xiềng xích, là nhà tù lỏng, nên chúng đã bỏ  nhà đi hoang.

     * Vì thiếu tế nhị, có những bậc cha mẹ, qua cung cách đối xử và ngôn từ, ăn nói, đã coi con cái như một gánh nặng, một "nợ đời",  một "qủa báo" thay vì nhìn vào chúng như là một niềm vui, một sự hãnh diện, một hồng ân được Tạo Hóa thương ban.  Mà vì thế, trong nhiều trường hợp, nhiều gia đình, con cái đã thực sự trở thành những tai tương, những khốn khó cho cha mẹ! Dĩ nhiên việc con  cái hư hỏng thì do cả ngàn lý do khác nhau,  nhưng rất nhiều trường hợp chỉ là do những căn nguyên rất bé nhỏ mà ba  má không thèm để ý đến, hoặc tỏ ra không thể thông cảm để đối thoại và uyển chuyển thích nghi.

3.NỖI LÒNG TUỔI THƠ

          Một trong nhiều trăm người tuổi trẻ đã tâm sự với tôi:

          - Con cảm thấy quá cô đơn. Con không có một ai để tâm sự, lúc vui cũng như lúc buồn. Con buồn khổ  quá. Con chỉ muốn chết. Con ghét tất cả  những người chung quanh  và con ghét ngay  chính bản thân con. Con  không hiểu tại sao  ông Trời lại sinh  ra con trong một gia đình khốn khổ  như gia đình con. Tối ngày ba  má con cãi lộn, chửi nhau, cắn xé  nhau vì tiền bạc. Ông bả coi  mấy đồng bạc quí như trời như đất. Ba con nghi má giấu đi rồi cho bà ngoại. Má con dò xét rình mò xem ba con có giấu tiền riêng để cho đào.       

Một bé gái 16 tuổi khác:

          - Con nghĩ con sinh  ra dưới một ngôi sao xấu. Ba  con hành hạ mẹ con, la mắng và hằm hằm với  con tối ngày. Con nghi ổng bị mental health hay sao đó.  Mở miệng ra là ổng nói với  má con những điều cục mịch,  xỗ xàng, cộc lốc.  Ổng la con những  cái chi mô, không đâu ra đâu hết trọi. Ổng la miết  rồi con không thèm để ý gì tới ổng nữa.

          Trong   một   buổi   sinh   hoạt,   dưới   hình   thức  một  cuộc “seminar/workshop”, một bé gái 17 tuổi, khi chia sẻ về những ý nghĩ thực của mình về gia đình, đã phát biểu:

          - Ước mơ duy nhất của tôi là cha  mẹ tôi biết học hỏi để biết đối thoại với nhau  một cách tốt đẹp hơn. Tôi  không hiểu làm thế nào để nói cho  ông bả biết được rằng trong  cuộc sống chung, đôi khi chỉ cần  những chuyện rất nhỏ,  những cái rất đơn  giản nhưng gói ghém sự tế nhị trong cách ăn ở, trong những lời nói, những cử chỉ với nhau, ông bả sẽ hiểu nhau hơn và sẽ hạnh phúc hơn.

          Khi được  yêu cầu để em  đó đưa ra những  thí dụ cụ thể  về những việc mà em đó nghĩ sẽ cần thiết một cách rõ rệt, em đó đã nói:

          - Tôi mong rằng cha tôi trước mỗi  bữa ăn sẽ cùng lo phụ giúp với mẹ tôi trong việc dọn bữa, phụ  giúp với mẹ tôi và tôi trong việc thu dọn sau đó, không la mắng  và cằn nhằn chúng tôi trong bữa ăn để mọi người có được một bữa ăn thoải mái ngon lành. Không gì bực mình bằng cứ tới  bữa ăn là cha tôi đem những  chuyện nhỏ mọn chi mô vớ vẩn ra để cằn nhằn. Điều  mà cha tôi nói là dậy bảo ấy thì là không  đúng lúc và  thật ra đó  chỉ là những  điều ổng nhai đi nhai lại, nói hoài nói mãi, suốt ngày nọ qua ngày kia chứ thực ra có điều gì gọi là mới mẻ để mà dậy với dỗ đâu!

          Đã đến lúc, có những câu hỏi cần phải đặt ra. Thí dụ như:

          - Có phải ông bà cứ nhiều lời mới là dậy không?

          - Có phải ông bà cứ nhắc đi nhắc lại "ba cái câu luân lý cổ truyền ngày xưa" thì là đã dậy dỗ, giáo dục xong rồi đấy, phải không?

4.TẾ NHỊ ĐỂ LẮNG NGHE

          Trong một dịp khác, khi một em đã bỏ nhà đi hoang, đã về, rồi lại đi tiếp,  rồi lại về.  Khi em trở  lại học đường  và được gửi tới tôi, người "counselor" của em, em đó đã nói:

          - Ba má tôi  hiểu về sự tự do  một cách khác. Tôi hiểu  chữ tự do một cách hoàn  toàn khác với ba má  tôi. Ông bả không hiểu  gì về chúng tôi,  không biết gì về  thế giới trẻ, không  hiểu gì về tâm trạng những người  mới lớn như tôi. Không bao  giờ muốn đối thoại với tôi  trong cung cách lắng  nghe để tìm hiểu.  Ông bả chỉ muốn rằng hễ ông bả nói gì, thì tôi phải nghe, phải làm y như vậy. Không làm như ông bả muốn, như ông bả biểu, thì là mất dạy, là bất hiếu. Vì ông bả đã  nghĩ là tôi bất hiếu, gán cho tôi cái tội bất hiếu, tội mất  dạy, nên tôi mất dạy luôn, tôi bất hiếu luôn!

          - Vâng, xin thưa ông bà! Cháu nó có  thể ngang bướng đấy, nhưng chưa  chắc nó đã "mất dậy", chưa chắc nó đã "bất hiếu" đâu. Nhưng vì ông bà bực quá, nên, nhất là đã quen dùng cái lối hành  văn tiêu cực (negative) để ca thán, la mắng,  kêu than, thay  vì khích  lệ,  lắng nghe, và  tỏ ra cảm thông với  những cái thích của  chúng.

          Rất thật rằng  trong nhiều trường hợp, chúng chưa mất dậy, chưa bất hiếu đâu nhưng vì bị kết tội là bất hiếu, là mất dậy, nên  muốn tỏ những thái độ ngang ngược, ngông nghênh đó, khi thấy mình bị đẩy vào chân tường thôi đấy. 

5.MÁI ẤM VÀ TẾ NHỊ

          Không tìm được sự ấm cúng ở  gia đình, mà ngược lại chỉ thấy gia đình là những cấm đoán, những mệnh lệnh khắt khe, những bó buộc ngộp thở, người tuổi trẻ này đã đi tìm những thú  vui ngoài xã hội và gần nhất là bạn bè. Những  thú vui xấu của tuổi trẻ  không khác gì những chất ma túy  và bạch phiến, alcohol  và xì-ke, phóng xe  bạt mạng trên đường phố. Bị police đuổi ư? Càng tốt, càng có dịp để trổ tài lái xe chì!

          Hạnh phúc của mỗi người, còn trẻ cũng như lớn khôn, là mái ấm gia đình. Trong khung cảnh gia đình  đầm ấm, những bữa cơm chiều quây quần bên nhau, sẻ chia những niềm  vui, những vất vả của một ngày đã qua, nâng đỡ nhau lúc hoạn nạn, cho nhau những nụ cười và tình người đầy ắp. Hạnh phúc chính là những  cảnh ấy.

          Hạnh phúc đổ tràn xuống  trên cha mẹ  và con cái  khi trao cho  nhau những lời ngọt ngào,  những cái nhìn âu  yếm, những cử chỉ  thương yêu thơm ngát như cánh hoa tươi, lan  tỏa và chuyền thông giữa những người thân tình trong gia đình. Quí quá đi thôi! Dễ thương quá đi kìa!

          Rất nhiều người vì thiếu tế nhị, thiếu khôn ngoan nên họ bị nhiễm  lây những cái tập quán... rất  không nên có, cái tật nói cộc, cái tật nói nhát gừng, cái tật nói móc họng, cái tật hay la hét, cái tật chửi phủ đầu,   không thèm nghe, không cần để cho vợ hoặc  con có dịp  nói lên đầy  đủ những ý  nghĩ, những ý kiến, những ước muốn  thật chính đáng của... nó! 

6.LẠM DỤNG QUYỀN BÍNH

          Tệ  nhất là cái tật ưa dùng  quyền, thích  dùng quyền,  mà  đúng  ra là  lạm dụng  quyền bính (authority abuse).

          Cái nguy hại  của việc áp đảo, áp  chế -- tức là lấy  quyền mà bắt người ta im  đi, bắt người khác theo  ý mình -- thì luôn  luôn đưa tới kết quả rất độc hại. Đó là tạo ra những chống đối ngấm ngầm, bất mãn ngầm. Y hệt như những đợt sóng ngầm, gây nên những bất mãn dài lâu, tùy theo nồng  độ của việc  bất mãn và  hoàn cảnh bất  mãn.

Đã có bất mãn, thế nào cũng  có chống đối, và áp xuất đè  nặng trong đầu óc, trong lồng ngực. Gặp lúc thuận tiện là những bất mãn, những chống đối đó sẽ nổ tung.

          Có rất nhiều  người cha, ông thày và bà  cô, hoặc supervisors -- nói chung là giới lãnh đạo-- rất hay ưa thích  dùng quyền.

          Họ quên rằng, về  tâm lý, những ai càng cần phải dùng  tới uy quyền nhiều, thì  tỏ ra uy tín của  họ càng giảm thiểu. Chứng tỏ rằng uy tín  của họ đã bị giảm sút quá nhiều nên họ đành phải ra oai, lấy quyền mình là bố, là xếp, là thày để ra oai.  Rất tiếc khi  đã mất uy  tín thì càng  dùng quyền, người dưới càng thiếu kính trọng, và càng ngấm ngầm coi thường mình.

 

Chu Văn Hiền

http://static.kieu.com/upload_images/images/hinh-40(4).jpg

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %10 %154 %2015 %21:%12
back to top