Chiếc xe kéo của vua Thành Thái đã trở về Việt Nam
Chiếc xe kéo của vua Thành Thái
đã trở về Việt Nam
Chiếc xe kéo của vua Thành Thái bị thất lạc hơn 100 năm
Sáng 22/4 tại nhà Tả Trà, Cung Diên Thọ (Đại Nội Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã lần đầu cho ra mắt trưng bày chiếc xe kéo của Hoàng thái hậu Từ Minh – món quà vua Thành Thái dành tặng đã bị thất lạc hơn 100 năm nay.
Vào chiều qua (21/4), chiếc xe kéo có giá trị lịch sử này (lần đầu tiên phía Việt Nam nói chung và Huế nói riêng đấu giá thành công ở nước ngoài) đã được đưa từ Hà Nội về Huế bằng đường xe. Cách đó 4 ngày vào 17/4, xe kéo theo đường máy bay chuyển từ Pháp về sân bay Nội Bài, Hà Nội, ghi dấu ấn “hồi cố hương” sau hơn 100 năm thất lạc, kể từ khi sau khi vua Thành Thái bị thoái vị.
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, người có công lớn trong sự kiện này từ ngày đầu đến nay cho hay “Đây là một sự kiện rất có ý nghĩa vì lần đầu tiên Việt Nam đấu giá thành công tại sàn đấu giá quốc tế và đưa được cổ vật về lại quê hương. Thành công ấy có sự đóng góp về vật chất và tinh thần của cộng đồng bà con Việt kiều tại Pháp và một số doanh nghiệp trong nước; thành công ấy còn là kết quả sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao mà trực tiếp là Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.
Hơn thế nữa, sự kiện này cũng đồng thời đặt nền móng cho việc Việt Nam tham gia công ước quốc tế về trao trả cổ vật, mở ra triển vọng Việt Nam có thể đàm phán với các nước thành viên khác để tìm giải pháp đưa cổ vật Việt về quê hương”.
Chiếc xe kéo tưởng chừng phải tháo nhiều bộ phận ra rồi lắp ráp lại, nhưng phía Pháp đã để gần như nguyên vẹn, chỉ tháo 2 phần hộp đèn trên thân xe. Toàn bộ chiếc xe kéo tay được đóng kiện cẩn thận và chuyển về Việt Nam. Qua quan sát, chiếc xe vẫn gần như giữ lại được dáng vẻ như ban đầu dù thời gian đã hơn 1 thế kỷ. Càng xe, chỗ ngồi có bọc nệm, khung xe, bánh xe, lưng xe được chế tác, chạm trổ tinh xảo.
Theo TS. Phan Thanh Hải, kể tất cả chi phí bảo hiểm, vận chuyển, đấu giá… xe kéo có trị giá khoảng 1,7 tỷ đồng. Nhiều người cho rằng giá cao nhưng khó có gì đo lường giá trị cổ vật. Qua tham khảo nhiều ý kiến chuyên môn và so sánh các xe kéo còn lại ở Việt Nam, đây có thể xem là 1 trong những chiếc xe kéo đẹp nhất, quý nhất, tinh xảo nhất.
“Hơn nữa, cổ vật còn hàm chứa những giá trị đặc biệt khi được vị vua yêu nước Thành Thái đặt mua tặng cho mẹ mình là Hoàng thái hậu Từ Minh. Có nghĩa chiếc xe này gắn liền với những nhân vật đặc biệt đầu thế kỷ 20. Sau khi vua Thành Thái bị phế truất ngôi, chiếc xe đã bị bán và đưa ra nước ngoài từ năm 1907. Đến nay xe đã có hơn 100 năm lưu lạc. Do vậy, chúng tôi đánh giá xung quanh chiếc xe còn có những câu chuyện rất đặc sắc có giá trị lịch sử và văn hóa. Trong tương lai, chiếc xe sẽ là một trong những cổ vật rất đáng quý của Triều Nguyễn và của Huế”.
Chiếc xe kéo đầy những sự hoài niệm và tưởng chừng thất lạc hoàn toàn đã về lại Huế quê hương
Đường nét thanh thoát, là một trong những xe kéo đẹp nhất Việt Nam
Phần nệm xe vẫn còn như nguyên vẹn
Chỗ ngồi của xe thiết kế riêng cho một mình Hoàng thái hậu ngồi thoải mái
Phần đặt chân
Xe có 2 hộp đèn với lỗ thông khí để bỏ đèn sáp khi đi trong đêm
Nghệ thuật khảm xà cừ tuyệt đẹp với nhiều họa tiết hoa lá hợp với Hoàng Thái Hậu
Cổ vật xe kéo tay cũng là chiếc xe kéo duy nhất hiện có tại cố đô Huế - một "biểu tượng" về câu chuyện đấu giá thành công lần đầu tiên của Việt Nam ở nước ngoài.
Chiếc xe kéo được phía Huế đấu giá thành công vào ngày 13/6/2014 tại Chateau de Cheverny (Cộng hòa Pháp) do Văn phòng Rouillac tổ chức. Xe cao toàn bộ 136cm, dài 230cm (kể cả phần tay kéo), rộng 102cm, làm chủ yếu bằng kim loại và gỗ. Phần gỗ được thực hiện bằng kỹ thuật sơn mài, khảm xà cừ, một loại hình phổ biến ở hoàng cung xưa. Đặc biệt các hoa văn chạm khảm xà cừ cho thấy sự khéo léo của các nghệ nhân thuở ấy. Trên xe kéo còn ghi xuất xứ của nơi chế tác do hiệu Quảng Hưng ở Hà Nội, Bắc Kỳ chế tạo. Theo hồ sơ đấu giá, đây là chiếc xe kéo do vua Thành Thái tặng cho mẹ mình là Hoàng thái hậu Từ Minh để dạo chơi trong vườn ngự uyển.
Kim Quy st