Âm nhạc

Âm nhạc (118)

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Sed id auctor orci. Morbi gravida, nisl eu bibendum viverra, nunc lectus.

TÌNH BỖNG KHÓI SƯƠNG - Pham Anh Dũng

TÌNH BỖNG KHÓI SƯƠNG

Phạm Anh Dũng


    Sinh ngày 1-1-1949 tại Duyên Hà, Thái Bình. Hiện tại đang hành nghề Y Khoa Gia Đình ở Santa Maria, California.
    Học sinh VTT lớp 59-66
    Đã phát hành:
    1991: Tập nhạc Tình Khúc Hồi Hương gồm 12 tình khúc trong đó có 6 bản là thơ phổ nhạc của các thi sĩ trong gia đình Y Khoa như Đinh Tuấn, Phạm Thế Trường... Bìa và phụ bản do họa sĩ Mùi Quý Bồng. Nhạc sĩ Phạm Duy đề tựa. Duy Cường soạn hòa âm cho tây ban cầm.
    1992: CD Tình Khúc Hồi Hương do chính tác giả hát các nhạc phẩm trong tập nhạc Tình Khúc Hồi Hương. Quốc Dũng hòa âm.
    1993: tái bản tập nhạc Tình Khúc Hồi Hương.
    1993: CD Đưa Người Về Phương Đông gồm 12 tình khúc trong đó 6 bản là nhạc phổ thơ của những thi sĩ nổi tiếng như Nguyên Sa, Du Tử Lê... Duy Cường phụ trách hòa âm. Các ca sĩ trình bầy: Tuấn Ngọc, Thái Hiền, Duy Trác, Mai Hương, Lệ Thu. Họa sĩ Khánh Trường vẽ bìa.
    2002: CD Tình Bỗng Khói Sương, gồm 10 luân vũ khúc phổ thơ Phạm Ngọc. Quốc Dũng hòa âm. Các ca sĩ là Mỹ Tâm, Mỹ Lệ, Bảo Yến, Nhã Phương, Vân Khánh, Khắc Dũng.
    2003: CD Quên, 12 tình khúc phổ thơ Vương Ngọc Long. Quốc Dũng hòa âm. Ca sĩ: Bảo Yến, Mỹ Lệ, Quang Minh, Tấn Đạt, Nhã Phương, Đoan Trang. Bìa CD do Đinh Cường vẽ.
    2004: CD Nắng Mùa, tiếng hát Mỹ Khanh, nhạc Phạm Anh Dũng phổ thơ Phạm Ngọc, Quang Anh hòa âm, Đỗ Duy Ngọc trình bầy.
    2004: CD Dạ Quỳnh Hương, tình ca Phạm Anh Dũng phổ thơ Đinh Hùng, Phạm Ngọc, Trần Ngọc, Vương Ngọc Long, Hoàng Xuân Sơn, Huỳnh Nguyễn Thanh Tâm, Thơ Thơ, Mỹ Ngọc, Hồng Khắc Kim Mai và Hoàng Ngọc Quỳnh Giao, Quốc Dũng hòa âm, Đỗ Duy Ngọc trình bầy. Các ca sĩ là Bảo Yến, Nhã Phương, Quang Minh, Hạnh Nguyên, Khắc Dũng, Đoan Trang, Vân Khánh.
    2005: CD Mùa Xuân Thung Lũng Hoa Vàng, tình ca Vũ Đức Nghiêm - Phạm Anh Dũng. Duy Cường, Lê Huy, Quang Đạt, Giang Đông, Nguyễn Quang hòa âm. Các ca sĩ là Tấn Đạt, Ái Vân, Bảo Yến, Quang Minh, Quỳn Lan, Nguyễn Hoàng Hương, Lệ Thu, Mỹ Lệ, Thái Hiền.
    2005: CD Nghiêng, tình ca Phạm Anh Dũng, 15 bài nhạc phổ thơ, phổ thơ Phạm Anh Dũng, Du Tử Lê, Bảo Trâm, Trường Đinh, Phạm Ngọc, Y Dịch, Huỳnh Nguyễn Thanh Tâm, Hoàng Ngọc Quỳnh Giao, Đình Nguyên, Cung Vũ, T.G., Thơ Thơ và Trần Mộng Tú. Duy Cường Quang Đạt Đông Nguyễn hòa âm, Đỗ Duy Ngọc trình bầy. Các ca sĩ là Quỳnh Lan, Duy Trác, Quang Minh, Tuấn Ngọc, Quỳnh Giao, Khắc Dũng.

 ***********

Có lẽ tôi chỉ là một người " đi chậm " so với " thời cuộc " khi nhắc lại CD Tình Bỗng Khói Sương của nhạc sĩ Phạm Anh Dũng mà trong đó là trọn vẹn 10 bài thơ của nhà thơ Phạm Ngọc được phổ thành nhạc từ năm 2002 .


Bây giờ là năm 2004 , tôi mới cầm bút viết những dòng này , có thể là muộn... so với những người đã được nghe, nhưng sẽ là không muộn ( với những người chưa từng được nghe ) . Đối với những người như chúng tôi , ở một nơi khá đông người Việt sinh sống nhưng thật ... xa nơi phát hành CD thì qủa thực CD Tình Bỗng Khói Sương cho đên giờ phút này, vẫn còn là rất mới .

Sở dĩ cho tới lúc này tôi mới viết cảm nghĩ của mình , cũng bởi là vì , tuy CD được phát hành từ lâu , nhưng tôi không có CD gốc trong tay mà phải chờ đến khi CD được bỏ lên mạng , tôi nhờ nhiều người giúp đỡ để có thể thu hết hoàn chỉnh vào CD cho riêng mình .

Tôi chỉ muốn nhắc lại một chút về ngày ấy ... Khi tôi mới làm quen với trang web Đặc Trưng , chân ướt chân ráo tham dự , tôi có biết nhạc sĩ Phạm Anh Dũng qua bài Quỳnh ... ( cũng phổ từ thơ ra và trong một lúc ... tôi còn dám cả gan " họa " tặng lại anh bài thơ ấy ... Tôi bắt đầu đi tìm hiểu về người nhạc sĩ này qua những bản nhạc , lời thơ anh đưa lên ... Thật bất ngờ khi một lần tôi " tò mò ".

- Thế anh Phạm Anh Dũng làm nghề gì chính ? nhạc sĩ ư ?

- Không đâu ND , anh ấy là Bác Sĩ - ND phải gọi bằng " chú " đó vì ... lớn tuổi rồi .
( người bạn trả lời )

Tôi bật cười câu " chú " ngồ ngộ mà người bạn nói . Nhưng lại thật sửng sốt khi biết nghề chính của anh , người đời vẫn dành cho 5 chữ trân trọng " Lương Y Như Từ Mẫu " khi nhắc đến - ( không biết 5 chữ đó xuất xứ của ai .. mà quan trọng gì là của ai ) nhưng với tôi đó là câu nói hay để chỉ những người làm nghề cứu người .
Vâng , một bác sĩ ( tôi không muốn gọi anh là người áo trắng ) mà chỉ muốn gọi anh bằng đúng từ đúng chữ của nghề nghiệp chính anh đã , đang làm ... Một bác sĩ - mà có một số lượng văn , thơ , nhạc đồ sộ thật khâm phục . Tôi không trò chuyện với anh bao giờ , vì thế những gì tôi viết chỉ là cảm nhận riêng tôi trên con đường theo ... và nghe nhạc anh .

Nhạc Phạm Anh Dũng - nhiều lần tôi tự hỏi , đó có phải là sản phẩm của trí tuệ , của tình cảm không ? Vâng - có đấy nhạc của anh thanh cao , tinh khiết và đôi khi mơ hồ . Nó ảo diệu như một làn sương mai và đẹp như những giọt nước mắt của những người ... lớn tuổi . Có thể tôi hơi ví von mà nói vậy . Nhưng mà , tôi đã nghĩ như thế . Bởi vì với nghề nghiệp của anh ... có điều gì ? Hạnh phúc hay đau khổ mà anh chưa từng gặp đâu .Và âm nhạc của Phạm Anh Dũng là như thế ... hàng chuỗi âm thanh ... lúc bập bùng , lúc thánh thót bỗng trở nên mê hoặc đến lạ thường . Từng giọt , từng giọt nhạc của anh ngấm vào tâm hồn tôi , và ngấm cả vào tâm hồn những người đang nằm trên giường bệnh chịu đựng những cơn đau thể xác , có thể ngày mai họ sẽ còn , có thể ngày mai họ vĩnh viễn ra đi ... Cứ thế âm nhạc Phạm Anh Dũng được tôn vinh , vượt qua cả giá trị thuần túy đời thường để chảy vào hồn người với tất cả những gì Anh - và những người làm thơ được anh phổ nhạc dẫn dắt .- Phải chăng đó là sự đồng cảm giữa anh và người làm thơ ? ( điều này có lẽ rất hiếm xảy ra ). Vâng , những bản nhạc của anh với chúng tôi ở đây nói chung và với riêng tôi thật quá đỗi ngọt ngào , nó chảy vào tâm khảm từng người , nó xoa dịu nỗi đau và làm thăng hoa những tâm hồn khắc khoải giữa cuộc đời rộng lớn . Nhạc của anh cũng như nghề nghiệp của anh trọn vẹn trong hai chữ " nhân ái " ... Phần lớn những ca khúc của anh dành cho thiên nhiên cho con người ... Cho nên những cảm xúc trong anh trở thành thơ , giấu kín tâm tình của anh để rồi bằng âm nhạc đã bay lên , đã ngân nga hiện hữu trọn vẹn và đầy đủ những suy cảm của anh . Vậy nên tôi thật sự ngạc nhiên khi trong âm nhạc của anh lại thấm đượm tính trữ tình , lãng mạn và lời ca giàu chất thơ , hàm súc những ý tưởng sâu sắc của anh như thế .

Bây giờ , tôi muốn trở lại với CD Tình Bỗng Khói Sương . Tôi đã nghe , những bài hát trong đó không biết bao nhiêu lần, kể từ ngày có riêng CD tự làm ấy ... Có những bản tôi đã thuộc lòng , đôi khi còn hát khe khẽ theo nữa . Có lẽ vì trong đó có giọng ca của ca sĩ Bảo Yến .. người mà tôi biết đã từ lâu , dạo Bảo Yến mới từ Cần Thơ lên Sài Gòn và suốt ngày xuất hiện trên ti-vi cùng em gái là ca sĩ Nhã Phương . Các bạn đừng cười tôi , nếu tôi thành thật nói rằng ... tôi cũng từng " chạy " theo sô diễn của Bảo Yến khi ấy chỉ để .. nghe không thôi - Giọng ca của Bảo Yến vẫn là một giọng ...lạ ... khó bắt chước mà khi nghe bất cứ bài hát nào thì tôi cũng dường đều bắt gặp chính tôi trong đó ...

Ở CD Tình Bỗng Khói Sương , tôi lại lần nữa gặp Bảo Yến mà tôi thích dạo nào ... Với lời thơ Phạm Ngọc ...


Nhắc đến nhà thơ Phạm Ngọc , tôi cũng không hề biết anh, cũng chưa trò chuyện cùng anh bao giờ như với nhạc sĩ Phạm Anh Dũng ... Tôi chỉ theo anh ... theo dòng thơ của anh mà tôi thường cho là lạ , nhưng da diết , thắm thiết , xót xa , huyền bí nhưng cũng tươi sáng chưá đầy nhạc tính ... Những ngôn từ anh viết là mới là thật tình cảm . Mà nét đặc sắc ấy tôi chỉ tình cờ phát hiện ra khi vô tình lang thang net và đọc bài phỏng vấn về anh của chị Hương Kiều Loan, thơ Phạm Ngọc ... Có lẽ cũng là một hiện tượng lạ như anh trả lời phỏng vấn là " mê Triết hơn thơ " . Lạ hơn nữa và cũng là một bất ngờ khá thú vị khi anh Phạm Ngọc là một nhà hoá học ....Lẽ ra thì thơ anh sẽ chỉ có những hiện tượng ... " hoá học " thôi chứ ... Nhưng không - mặc dù thơ ca không là sự nghiệp của anh . Những vần thơ anh viết dường như chỉ dành cho những người thân chứ không phải gọt rũa đem đăng báo có lẽ vậy nên thơ anh mang tính chân thật của cảm xúc , tạo nên một vẻ hấp dẫn riêng như nhạc Phạm Anh Dũng chăng ? Với tôi , có lẽ thơ của anh là nỗi giải tỏa và thư giãn của một nhà làm khoa học đó là nét đáng yêu nhất của riêng anh . Tình Bỗng Khói Sương là nhạc phổ nguyên vẹn từ thơ Phạm Ngọc . Có lẽ chỉ đọc qua tựa đề thôi bạn hay tôi sẽ cảm thấy qua những bài thơ ấy tác giả muốn ghi lại một cảm xúc gì thật thanh khiết để dành riêng cho mình cho người thân khỏi quên đi, phai nhạt mất chăng? Nhưng Tình Bỗng Khói Sương đã từng làm tôi trăn trở trong mối liên hệ của nhạc sĩ và nhà thơ ... cả hai người Anh - Bác sĩ Phạm Anh Dũng và Anh - nhà hoá học Phạm Ngọc đều đến với nghệ thuật này bằng ... tay trái , đều có mối giao cảm tuyệt vời giữa một bác sĩ phổ nhạc và một nhà hoá học làm thơ ... Giữa hai người có lẽ phải có mối tương quan đồng điệu lắm mới có thể để lại một CD đáng nhớ đáng nghe, nghe bao nhiêu cũng không chán như vậy. Với tôi Tình Bỗng Khói Sương có lẽ một thành công nhất của nhạc sĩ Phạm Anh Dũng ( rất xin lỗi nhạc sĩ Phạm Anh Dũng về quan điểm này ) nhưng tôi đã " trót "" nghĩ vậy . Bởi những ca từ , những giai điệu trong suốt 10 nhạc phẩm thật sự là ấn tượng và lay động lòng người . Họ đã là dấu + ( cộng ) của nhau giữa nhạc và thơ ... phải chăng sức thu hút , thuyết phục trong CD này chính là vì những yếu tố đó tạo thành để chúng ta có thể nghe liền một lúc 10 bài liên tục .

Chúng ta hãy nghe bắt đầu từ "Tình Bỗng Khói Sương":

"Một ngày tình bỗng khói sương
Tôi về gom chút tàn hương cuối trời
Hồn sầu mộng giấc chơi vơi
Tàn canh quạnh vắng Trăng rời phố khuya"

Được ca sĩ Bảo Yến trình bày, có biết bao nhạc sĩ , hay nhà thơ cũng viết về Tình ... Nhưng tình đang yên đang lành bỗng trở thành " khói sương " Tôi không dám hỏi cả nhạc sĩ lẫn nhà thơ câu hỏi vì sao lại " tình bỗng khói sương " làm tựa chính của CD mà tôi chỉ cảm nhận xuyên suốt bài thơ nhạc ấy là một sự rung động rằng tình yêu không phải đẹp và thơ mộng như tôi nghĩ. Người ta xem tình yêu như trò đùa chơi, thích thì giữ,không thích thì bỏ đi không hề tiếc nuối. Giữa xã hội bây giờ,tình yêu không còn là một thứ tình cảm thiêng liêng và đẹp đẽ như mọi người vẫn thường tưởng tượng. Có mấy ai giữ mãi lời thề với người mình yêu? Có mấy ai ngăn cản được trái tim mình trước một hình bóng mới lạ? Có ai chờ được một người suốt cả cuộc đời? Hay người ta chỉ đến với nhau vì tiền,vì danh vọng hay lợi dụng nhau để thoải mãn mục đích? Có đôi khi tôi giật mình ngồi lại,cố thoát ra khỏi cái thế giới ồn ào bên ngoài để cố nhận ra xem mình đang sống giữa thế giới như thế nào đây? Một thế giới sống với nhau bằng sự giả tạo và lừa dối, một thế giới sống bằng sự ganh ghét và đố kị. Và chính dòng đời , dòng người sẽ biến trái tim thành sỏi đá , xây dựng lên một bức tường thành để cuối cùng " gom chút tàn hương cuối đời " với nỗi niềm cô đơn bởi không quên đuợc mối tình. Hơn ai hết có lẽ tôi cũng hiểu Bảo Yến khi trình bày thành công ca khúc này đến mức độ nào. Vâng, đó là tiếng lòng của ca sĩ Bảo Yến .

Chập chùng thôi, với " Vàng Thu Ta Mất Nhau " một chút âm hưởng khiến tôi liên tưởng đến " Chiếc Lá Thu Phai " của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tất nhiên , hai ngôn từ khác hẳn nhau , nhưng tâm sự thì cũng như nhau khi với Trịnh Công Sơn là

" Người đâu mất người ...về bên núi đợi
Ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay "

thì Phạm Ngọc , Phạm Anh Dũng là

"Em đi về mùa lá đổ
Tôi ngồi ôm nỗi đau
Xa rồi con phố nhỏ
Vàng thu ta mất nhau"

Vâng , em đến , con tim tôi đổi thay , em đi con tim tôi đau xót tác giả mượn muà thu mà gửi gắm nỗi niềm ước mơ, trái ân tình mãi ngát hương ấy để khi người bội ước quay đi thì còn lại vẫn mình ta nơi đây . Tất cả chỉ còn là nỗi đau của ngày hôm qua , chỉ là giọt nước mắt muộn giữa muà thu và không thể xoa dịu nỗi đau trong ai .

Với "Phiến Đá Buồn" Phạm Ngọc - Phạm Anh Dũng và ca sĩ Bảo Yến lại dẫn dắt người nghe trở về trái tim rất thực trong từng người .

" Ta phiến đá buồn
Em cơn mưa nhỏ
Rơi từng giọt nhẹ
Gõ đời ta đau,
Ta là lữ khách
Lạc bước rừng sâu
Đông, Tây, Nam, Bắc
Hướng nào? Về đâu?,
Ta phiến đá buồn
Phủ kín rong rêu
Em cơn mưa nhỏ
Rơi xuống một chiều ..."

Mỗi người sống trên cuộc đời này cần gì cho tháng này trôi qua, một bờ vai thật dịu dàng và nhẹ nhàng luôn chở che những khi mưa gió, một ánh mắt luôn biết cảm thông và luôn biết sẻ chia những lời ai kia chưa nói, một cánh tay luôn luôn biết nâng đỡ những vấp ngã trên đường dài, Và tình yêu đến nhẹ nhàng như" mưa " để rồi tồn tại vĩnh hằng trong tâm hồn nhau, rất thật , rất đời thường trong từng cuộc tình . dù có là " về đâu " giữa bốn hướng khi tình đã xa , khi chỉ con một bàn tay , một lời ca chưa kịp hát , một cung nhạc dang dở phủ kín " rong rêu " thì cũng vẫn mãi là " Em - Anh " đến trong một chiều để nhớ mãi khôn nguôi . Những lời nhạc có một chút gì như đối thoại , như tự sự với chính bản thân chứ không với một ai khác dù ngôi thứ hai luôn là " em ". Cuộc đời ngày càng trở nên quá phức tạp. Và cái cảm giác không có ai để mà tin tưởng tuyệt đối chắc hẳn đều đã từng hiện diện trong mỗi chúng ta. Tôi đã từng nghe một người nói rằng thà tin nhầm người còn hơn là không tin những người bạn ấy yêu quý. Tôi thấy rất đúng. Có thể, nếu một lúc nào đó, người mà mình đặt niềm tin sẽ làm cho mình phải thất vọng nhưng còn dễ chịu hơn là bạn phải sống trong một tâm trạng nơm nớp không tin vào bất cứ ai. Và theo mình nghĩ nếu bạn đã đặt lòng tin vào ai đó một cách chắc chắn, cứ tin rằng người đó sẽ không phụ lòng bạn. Có lẽ như vậy nên Phạm Ngọc - Phạm Anh Dũng vẫn "Ru Em"

"Ru em giấc mộng tơ vương
Ru ta thức trắng miên trường cô liêu
Em còn ân sủng bao nhiêu
Cho ta xin được một chiều riêng em
Ru em từng gót chân son
Ru ta từng bước chân hoang lạc loài
Ta ngồi trên những tàn phai
Nghe mùa thu tới song thưa
Ru em vào cõi tình tình thơ
Ru ta tượng đá trơ vơ giữa trời
Mưa dầm nắng hạn chơi vơi
Rêu phong phủ kín cuộc đời trăm năm"

Lời ru ấy không phải là phù du , mà là một phép nhiệm màu . Bởi vì em, anh sẽ mở chiếc khoá của thời gian để cho tình yêu được tự do không bị ràng buộc... là mọi đau khổ sẽ trôi qua... tim không còn đau nữa... chờ đến một ngày khi lá từ từ rơi trước mắt... nỗi đau mãi không còn nữa... cuối cùng hãy tin tưởng vào khoảnh khắc hạnh phúc của tình yêu nồng nàn và mãnh liệt-cho một "cuộc đời trăm năm" và dù có là

"Em đã xa phố không còn nắng
Chỉ mưa về réo gọi đời nhau
Bốn bức tường không gian quạnh vắng
Ôm nỗi buồn ủ kín hồn đau "

Bản nhạc "Đã Xa" đạt đến tinh hoa trong từng câu chữ và cả ca từ

"Biển đã xa nắng không còn nhớ
Cát cũng buồn sóng chẳng đổ xô
Tảng đá nằm im nghe tiếng gió
Con thuyền xưa bỏ bến xa bờ
Trăng đã xa sao không đợi
Trăng tắt lịm dần theo ngày tháng qua
Đời lưu lạc quanh bóng tối
Biết về đâu, về giữa cõi thiên hà"

Con người và biển cả, tình yêu với biển cả và tình yêu giữa anh và em được ví như tình yêu của biển và thuyền . Tôi không thể diễn tả nổi cảm xúc của mình về bài hát này. chỉ biết mỗi lần nghe tôi như được lắng đọng lại với thời gian và những cảm giác mênh mông bất tận Khi bên em, anh nghĩ rằng dù có xa nhau anh cũng vững vàng, vượt qua mọi gian khó. Nhưng không phải vậy. Chỉ vừa xa em thôi, anh đã cảm thấy lẻ loi và cô đơn như vầng trăng kia, dù có muôn vàn vì sao bên cạnh.Anh cứ tưởng rằng mình rộng lớn, bao la như biển cả, vậy mà chỉ một giây lát vắng em, vắng cánh buồm nhỏ bé, biển kia đã thấu hiểu nỗi cô đơn. Thiếu em, cuộc đời chẳng có ý nghĩa gì với anh, dù biển kia có dậy sóng.

"Trên giòng sông quên
Thuyền ta trôi dạt
Trong tình yêu em
Hồn ta bát ngát"
( "Rực Vầng trăng Khuyết" )

"Bờ cỏ xanh
Chim muông hát
Lời mật ngọt
Tình mong manh
Mùa thu mây biếc bến bờ xưa
Biền biệt xa xứ chong mắt đỏ
Ngày ươm nắng quái phong trần rủ
Dòng sông dậy nhớ
Cuồn cuộn trôi"
( "Từ Xa Em" )

Được tạo dựng bằng những âm thanh nét đẹp quyến rũ , chuyển động trong một nhịp điệu Valse chậm rãi , mộc mạc và tình tế khắc họa thật thuyết phục khung cảnh tran đầy chất thi ca nồng nàn say đắm .

Vâng , 10 bài thơ của nhà thơ Phạm Ngọc được nhạc sĩ Phạm Anh Dũng phổ nhạc và các ca sĩ trình bày để lại trong tôi một ấn tượng khó quên , tôi cũng sẽ không nhắc đến, một vài giọng ca không thể diễn tả được hết tâm tư của nhà thơ và nhạc sĩ trong CD này , tôi chỉ muốn nói đến khiá cạnh ca từ , giai điệu , hoà âm mà tôi nghe được thôi . đó là những cảm xúc chân thành của tôi khi nghe CD Tình Bỗng Khói Sương , những giai điệu mượt mà êm dịu và tha thiết là tôi yêu thích CD này ( tất nhiên , tôi không phủ nhận rằng trong CD này có một vài giọng ca tôi không thích nghe mặc dù ca sĩ đó đã từng trình diễn thành công vượt trội một số bản nhạc của các nhạc sĩ khác )

Vâng , tôi chỉ là người nghe CD này muộn hơn những khác đã nghe , nhưng tôi yêu thích Bảo Yến , yêu thích sự dịu dàng như chính con người Bảo Yến trước những bão tố của đời ... và đã vượt qua được nó để sống trong tình yêu trong những niềm mơ , hãy lắng nghe những ngân nga của Bảo Yến được phát ra từ lồng ngực , từ trái tim người phụ nữ thật sâu sắc biết bao .

Cái hay của lời thơ Phạm Ngọc mà nhạc sĩ Phạm Anh Dũng phổ thành nhạc có lẽ đó là : Tình yêu không phải là sự chế ngự mà là sự thu phục. Không là sự lấn át mà là niềm đồng cảm. Mỗi một tình yêu qua đi, có thể còn lại biết bao nhiêu là kỷ niệm.những lâu đài tình yêu có thể tưởng tượng như một công trình kiến trúc được xây dựng từ những viên gạch kỷ niệm và rồi tình yêu tan vỡ,cánh cửa tình yêu khép lại.Thế nhưng với tôi, nó vẫn thật thiêng liêng . Qủa thật có những lời thơ , những bản nhạc của cả hai người Phạm Ngọc - Phạm Anh Dũng hoặc của một số nhạc sĩ khác khi tôi nghe nhạc , đọc lời và đưa lên trang nhạc , tôi đã bật khóc bởi vì đã diễn cảm quá sâu sắc. Vâng , với Tình Bỗng Khói Sương như một lời nhắn nhủ hãy đến với nhau bằng tất cả sự thương yêu từ sâu thẳm trong đáy lòng mình, đừng lừa dối và...tình yêu chiến thắng tất cả ngoại trừ con tim cũa kẻ phản bội... hãy trân trọng những gì mình đang có bởi vì khi đánh mất rồi ta chẳng thễ nào tìm lại được hạnh phúc đã xa bay....

Xin chân thành cảm ơn nhà thơ Phạm Ngọc , cảm ơn nhạc sĩ Phạm Anh Dũng , nhạc sĩ Quốc Dũng và ca sĩ Bảo Yến cùng các ca sĩ đã trình bày thành công CD Tình Bỗng Khói Sương cho tôi cùng bạn bè tôi thưởng thức một CD tuyệt vời.

Vâng , thì những lúc một mình bạn hãy cứ nghe , cứ khẽ hát lên đi, hát cho chính mình. Hát để biết tháng năm đâu có vô tình, để biết trong đời ta vẫn luôn tìm thấy một niềm vui, để rồi lại yêu tha thiết.

Đây chỉ là những cảm xúc riêng tôi với những lời viết thô vụng về dạng văn xuôi của tôi , không thể nào thay thế được Thơ - Nhạc " Tình Bỗng Khói Sương " của Phạm Ngọc - Phạm Anh Dũng. Rất mong nhận được sự đồng cảm của bạn.. cũng như tôi về một CD tưởng chừng " đã cũ " . Xin cảm ơn


Ngọc Dung
2004


    

Xem thêm...

Tháng Tư Nghe Những Bài Nhạc Về Sài Gòn Xưa - Huỳnh Công Ân

Tháng Tư Nghe Những Bài Nhạc Về Sài Gòn Xưa

  Huỳnh Công Ân

Sài Gòn trước 1975 được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông. Sài Gòn lúc đó không thua kém gì Singapore và Hồng Kông. Nếu Singapore và Hồng Kông thừa kế văn minh Anh thì Sài Gòn chịu ảnh hưởng văn hoá Pháp. Ngay khi ở lớp năm (lớp 1 bây giờ), lứa tuổi của tôi đã học tiếng Pháp. Tôi còn nhớ bài học tiếng Pháp vỡ lòng là:
 
“Voici ma main, elle a cinq doigts
“En voici deux, en voici trois”
(Đây là bàn tay của tôi, nó có năm ngón
Đây này hai ngón, đây này ba ngón)
 
Thành phố Sài Gòn văn minh và thanh lịch đó đã được ghi nhớ trong kho tàng âm nhạc phong phú của miền Nam qua thời kỳ cực thịnh của nền văn hoá miền này sau khi tiếp nhận sự đóng góp của các văn, nghệ sĩ di cư đến từ miền Bắc năm 1954 và sau 1975 được nhắc đến trong tiếc nuối của các nhạc sĩ ra được hải ngoại.
 
Mô tả vẻ xinh đẹp, nhộn nhip, vui tươi của Sài Gòn , nhạc sĩ Y Vân đã viết bản nhạc Sài Gòn:
 
“Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai
Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay
Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này
Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!”
 
 
Cũng nhạc sĩ Y Vân mô tả một “Saigon by night” không kém gì một “Paris by night” với muôn ánh đèn màu qua bản nhạc Đêm Đô Thị:
 
“Màn đêm xuống dần, muôn ánh đèn đột nhiên như ngời sáng.
Kìa bao phố phường, bao mái lầu chìm trong bóng đêm”
 
 
Sau khi ra trường tôi về dạy học ở tỉnh Vĩnh Bình (Trà Vinh) cách xa Sài Gòn khoảng 200 cây số. Đêm đêm nhờ về Sài Gòn hoa lệ tôi mở bản nhạc Nhớ Thành Đô của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ:
 
“Tôi xa đô thành một đêm trăng mông mênh.
Tuy ra đi rồi mà vẫn nhớ vẫn thương hình bóng ấy,
Người em thơ đang từng giờ đợi chờ.”
 
Rồi, thân trai trong thời chinh chiến, tôi nhập ngũ và lao mình trong lửa đạn. Những đêm nằm ngoài chiến tuyến mở nho nhỏ chiếc Radio Transistor nghe bản nhạc Chiều Thương Đô Thị của nhạc sĩ Song Ngọc, lòng tôi hướng về Sài Gòn nơi có người em gái hậu phương đang chờ mình từng phút từng giây:
 
“Đêm nay tôi nhớ đến em mơ về kinh thành
Những chiều gió lộng ta đi trong lòng phố vắng
Tâm tư qua làn khói trắng mưa rơi ướt hai mái đầu”
 
Nhạc sĩ Anh Bằng ví thành phố Sài Gòn chiều cuối tuần như một vườn hoa của mùa xuân tình yêu trong bản nhạc Sài Gòn Thứ Bảy:
 
“Ѕài Gòn thứ Bảу ngàn hoa trên đường...
Lòng mình cứ tưởng mùa xuân уêu đương”
 
Người lính chiến miệt mài chiến đấu nên đôi khi lo rằng người yêu mình có thể sa ngã vì sự xa hoa của Sài Gòn như trong bản nhạc Thư Về Em Gái Thành Đô của ca nhạc sĩ Duy Khánh:
 
“Giờ đây, nghe nói em đang vui say
Chiều hoa lệ thành đô
Vòng tay ngà đua mở
Cùng hoa đèn sáng dở
Dìu em vào giấc ngủ
Quay cuồng tiếng hát đam mê”
 
Nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng nhớ Sài Gòn qua Những Bước Chân Chiều Chủ Nhật:
 
 
“Ðêm vẫn chưa buông nhưng chiều dần tàn
Mây tím giăng ngang trên trời Sài Gòn“
 
Nhà thơ của tuổi học trò Nguyên Sa đã gợi cảm hứng cho nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên phổ bản nhạc Áo Lụa Hà Đồng trong nắng Sài Gòn:
 
“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng”
 
 
Nhạc sĩ Văn Phụng ca tụng Sài Gòn ngày xưa là bến bờ mà du khách thế giới muốn tới trong bản nhạc Ghé Bến Sài Gòn:
 
“Cùng nhau đi tới Saigon
Là nơi du khách dập dồn
Từ năm châu tới viếng thăm Thủ Đô"
 
Sài Gòn là nơi đô hội quyến rũ nên Lê Uyên Phương đã phổ nhạc của Kim Tuấn thành bản Khi Xa Sài Gòn để diễn tả nỗi bâng khuâng của người Sài Gòn khi phải rời xa nó:
 
“Sài Gòn bây giờ trời mưa hay nắng
Sài Gòn bây giờ ai khóc thương ai
Sài Gòn giới nghiêm che kín đêm dài
Sài Gòn khói bay, Sài Gòn nắng đổ
Sài Gòn đã buồn như trời sớm mai“
 
Nhưng biến cố 30/4/75 đã làm Sài Gòn mất tên và người Sài Gòn mất những thời gian tuyệt vời trước đó như trong bản nhạc Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt của Nam Lộc:
 
“Sài Gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời
Sài Gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời“
 
 
Và từ đó những người tha hương luôn nhớ về Sài Gòn qua những kỷ niệm còn đọng trong ký ức như những lời ca bùi ngùi tiếc nhớ trong bản nhạc Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên của Nguyễn Đình Toàn:
 
“Sài Gòn ơi!
Thôi hết rồi những ngày hát nhớ nhau
Nhớ Phạm Duy với tình ca sầu
mắt lệ rơi khóc thuở ban đầu
Còn gì đâu“
 
Trong tận cùng của tuyệt vọng, Nguyệt Ánh sáng tác bản Một Lần Đi như là một lời trối trăng của người vong quốc:
 
“Sài Gòn ơi, ta có ngờ đâu rằng
Một lần đi là một lần vĩnh biệt
Một lần đi là mất lối quay về
Một lần đi là mãi mãi thương đau.”
 
Năm nay, tháng Tư lại về, những thương đau của quá khứ gần nửa thế kỷ một lần nữa lại ùa về, chúng ta nhớ Sài Gòn da diết. Ai cũng tự trách mình sao để mất một viên ngọc quý của đời mình vào tay những kẻ không đáng hưởng.
 
Còn gì đâu!
 
Montréal, 19/4/2022
Huỳnh Công Ân
 
Kim Phượng sưu tầm
Xem thêm...

TÌNH YÊU TRONG NHẠC KHÊ KINH KHA

TÌNH YÊU TRONG NHẠC KHÊ KINH KHA

Nghe nhạc đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của tôi.

Đã từ lâu, tôi vẫn thường thích nghe nhạc của các nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng…và tôi nghĩ không riêng gì tôi mà rất nhiều người cũng vậy.

Điều này cũng dễ hiểu vì nhạc của các nhạc sĩ trên đã đi vào lòng công chúng qua bao thế hệ, những nhạc phẩm này đã thuyết phục chúng ta không những bằng âm nhạc mà còn do ca từ hay, khi thì quyến rũ lãng mạn, khi thì mộc mạc chân quê, khi thì từ bi thánh thiện để rồi có lúc vụt trở nên lộng lẫy, kiêu sa…

Và việc yêu thích những dòng nhạc trên của tôi đã trở nên bảo thủ, đã hình thành trong tôi một thói quen bất khả xâm phạm và cứ thế tôi luôn muốn bảo vệ thành trì nghe nhạc của mình một cách cố chấp, bằng chứng là tôi vẫn tìm đến những nhạc phẩm của những nhạc sĩ trên mỗi khi muốn nghe và cả những khi nghêu ngao một mình cũng thế.

Một chiều lang thang trên mạng, tình cờ trang FB của tôi nhận được một bài hát (chuyện này vẫn thường xảy ra trên mạng xã hội), nhạc phẩm mang tên 20 NĂM TÌNH SẦU của Khê Kinh Kha( thật ra tới thời điểm đó tôi vẫn chưa biết KKK là nhạc sĩ nổi tiếng ở hải ngoại, điều này cũng dễ hiểu vì tôi thì hiện đang sống tại Việt Nam)

Mạng xã hội FB thật gần gũi và không biên giới, bởi vậy khi được bạn post cho một bài gì thì tôi xem và comment lại cho bạn và thế là tôi nghe bài hát 20 NĂM TÌNH SẦU của KKK với mục đích là để comment cho bạn mà thôi ,nhưng không ngờ tôi đã nghe bài này với cả tâm tình. Sức hút vô cùng mãnh liệt của tiếng hát Ánh Tuyết khi thể hiện cùng với lời ca khúc như tiếng lòng của chính tác giả đã thật sự giữ chân tôi lại, phá vỡ thành trì cố hữu trong tôi và chị đưa tôi về câu chuyện tình đẩm lệ thật buồn …

Tôi đã khóc, khóc thật sự với 20 NĂM TÌNH SẦU, mặc dù tôi đang sống rất hạnh phúc bên gia đình mà sao khi nghe Ánh Tuyết hát tôi cứ ngỡ mình là người trong cuộc, dù số phận trong 20 NĂM TÌNH SẦU là của một người đàn ông mà sao vẫn chạm đến tim tôi, một phụ nữ đang sống đầy yêu thương. Bài hát đã cho tôi một cảm xúc rất thật và tôi đã đê mê, lặng người với cảm xúc đó, cho dù đó là một cảm xúc đau khổ đến tột cùng…Tiếng hát Ánh Tuyết đã lột tả hêt được những gì lời bài hát muốn nói.

Để rồi từ đó tôi bắt đầu cuộc hành trình tìm thêm các ca khúc khác của nhạc sĩ Khê KInh Kha do ca sĩ Ánh tuyết trình bày để thưởng thức qua CD TÌNH PHỤ, gồm 13 cakhúc của nhạc sĩ Khê Kinh Kha.

Những hình ảnh mặc nhiên và vĩnh cửu của thiên nhiên như: sương khướt núi đồi, cơn gió ngàn đời lang thang, làm sao đong được mưa rơi, làm sao đo được ánh mặt trời, vì sao mặt trời vẫn lên, vì sao cơn gió ngàn đời lang thang, hoa nở rồi tàn, đã được nhạc sĩ Khê Kinh Kha đưa vào nhạc phẩm ĐỪNG HỎI VÌ SAO để thấy rằng tôi yêu em đến độ nào, tình tôi yêu em ngàn đời mãi mãi như mây trôi và cũng để thấy rằng vì sao tình nồng chỉ có trăm năm. Tiếng hát Ánh Tuyết đã thuyết phục tôi nghe đi nghe lại bài này nhiều lần đến nỗi giờ tôi đã hát được bài hát này và lẩm nhẩm hát theo chị.

Em còn nhớ những chiều mưa giăng trên phố, chúng mình đã từng cùng nhau môi hôn nồng ấm, những lời thề xưa em hứa, em còn nhớ hay đã cố quên, thì tiếc thương làm gì em hỡi, hãy để tôi sống ơ hờ với những tháng ngày còn lại không em. Em đi mang hết tình nồng cứ ngỡ trăm năm của chúng mình, em đi mang cả mặn nồng trong tôi, để tình mình giờ như những chiếc lá thu không bờ bến, rã mục nơi phương trời vô định. Bàn chân em quên lối mang theo cả hương tình một thuở mình yêu nhau, còn lại tôi nụ cười buốt giá với thương yêu em vẫn còn ăp đầy. Làm sao mà quên được vòng tay em từng xiết chặt tình chúng mình, để giờ đây em đi bỏ mặc lại tôi.

Đó là những gì Ánh Tuyết kể lại cho chúng ta, một câu chuyện tình bằng ca khúc VỀ ĐI EM.

Em về đi, thoạt nghe như lời tôi phụ phàng em nhưng thật ra tôi đã không giữ được em rồi, em đã phụ tôi..phụ tôi và đó cũng là những gì mà nhạc sĩ KKK muốn gởi gắm qua nhạc phẩm VỀ ĐI EM.

Mượn hình ảnh con gió ngàn năm vẫn rong chơi, cánh mây lãng đãng muôn đời, chiếc lá lạc giữa núi rừng, con suối reo trong đá trên ghềnh….để nói đến phận người hiện hữu ở thế gian này, rồi hôm nào chợt bâng khuâng bởi một mái tóc mềm và LẠC BƯỚC đi tìm trái tim.

Thành phố mộng mơ này, công viên những lần mình hẹn hò, vạt áo dài lang thang trên phố với giòng tóc em buông lả lơi trong những chiều mùa hạ mưa rơi, đã làm tim tôi thổn thức đợi chờ với những ước mơ dại khờ cho cuộc tình sỏi đá ngây ngô. Bao nhiêu tình nồng của tuổi ngọc đam mê cùng với lời thề tôi đã trao em. Giờ đây, cuộc tình đã vỡ em làm sao có thể TRẢ LẠI TÔI. (Live Show-Ngoc Ha.)

Đời như bóng đêm kể từ ngày em xa tôi, còn ai để đón đưa, lòng phố hoang vu quanh chốn này và ngày trở nên dài vô biên. Tình như mây khói với năm tháng mịt mù, xin em một lần gọi tình yêu đến cho nồng nàn về giữa tim em. Bao đêm dài tình biết say cùng ai dù hương người chưa phai kể từ EM XA RỒI.

Một chiều về thăm phố nhỏ, lòng đầy thương nhớ về người của một thuở xa xưa, thầm gọi tên ai , chỉ hàng cây lặng im buồn cúi mặt, mưa ướt lạnh cho phố nhỏ buồn xác xơ. Tình vẫn vẫn ngậm ngùi trong tôi và còn đầy theo năm tháng. Giòng sông cứ trôi mãi, người ơi tình vẫn đợi, đợi NGƯỜI VỀ TƯƠNG TƯ.

Một mình trong đêm khuya với một hồn đầy mưa gió khi tình vừa hư hao để nhớ bóng ai ngồi nghiêng tóc. Biết tìm lại đâu con tim nồng ru hồn nằm êm ái, tóc ai đầy cứ ngỡ mây bay. Đời đã nắng tắt, biết tìm đâu, tìm đâu khi TÌNH CÒN BƠ VƠ.

Người đi để lại những năm tháng dài, bao đêm lệ uống tràn mắt môi. Mộng tuổi xuân cạn héo cho tim úa dần.Rồi chiều nay mưa gió cho buồng tim thổn thức trong mắt buồn. Nhớ thương người xưa, đã xa bao năm tháng mà tình vẫn cứ như mây theo gió về, để từng đêm tình vẫn làm lệ xót xa, lệ xót xa nên LỆ NỒNG MÔI KHÔ.

Chút nắng reo trong gió thu, mùa thu đã về, cho tôi nhớ lại từng thu cũ, bước em về cùng áo lụa dài bay giữa trời thu lạnh, mưa phùn lất phất ướt bờ vai em. Đường xưa không em giờ hoang vắng, tôi nhặt lá vàng mà mắt tràn mưa bay trông ngóng đợi chờ em. Không em thu vẫn về, giữa phố xưa tôi âm thầm trong nỗi nhớ, em đã quên rồi mùa thu, mùa thu của chúng mình để lại mình tôi ngậm ngùi với từng GIỌT LỆ THU khóc cho tình mình đã chết.

Rồi mùa thu qua và mùa đông

cũng bỏ đi, tình anh như gió lướt qua đời em, như mây trời bay xa mãi

Từng mùa trăng đã phôi pha và dòng sông cũng đã xa ngàn khơi mà vẫn không anh đến trong đời em. Bao mùa hoa cúc vàng rơi, bao mùa heo may đến tình anh vẫn biền biệt chân trời bỏ lại mình em trông ngóng ngậm ngùi dù anh đã TÌNH PHỤ. Phụ em anh đã phụ rồi anh ơi.

Lời hứa trăm năm anh đã quên cho tim em thấm lệ, còn lại em nhạt nhòa phấn son, giòng tóc khô cằn, bờ môi tê lạnh và ngày trở nên dài hoang vắng vì ANH ĐÃ PHỤ EM.

Với những ca từ sâu lắng thật tình tứ, thật lãng mạn, gợi nhớ những kỷ niệm trong cuộc đời mỗi người của chúng ta, trên đây là những nỗi niềm mà nhạc sĩ Khê Kinh Kha đã đưa vào các ca khúc trong CD TÌNH PHỤ do ca sĩ Ánh Tuyết thể hiện. Từng nỗi niềm đã được tác giả thổi hồn vào để từ đó nỗi niềm thăng hoa mang vào mình một hoàn cảnh, một số phận và ca sĩ Ánh Tuyết đã mang hoàn cảnh đó, số phận đó đến với chúng ta bằng một cảm xúc rất thật, rất gần gũi như hơi thở, như nắng sớm, như mưa chiều………

Giờ đây nỗi niềm không còn là của riêng ai (kể cả tác giả) mà là của MỌI NGƯỜI để có thể BẠN, có thể TÔI bắt gặp mình trong đó.

Sau này, tôi được biết ca khúc 20 NĂM TÌNH SẦU nhạc sĩ KKK đã viết lại từ tâm sự có thật.

Hai Mươi Năm Tình Sầu

Hai mươi năm trở lại
Giòng sông còn trôi mãi
kỷ niệm như dao cắt
ngọt ngào giữa tim tôi

hai mươi năm trở lạI
lòng xưa vẫn mộng nhiều
hương tình đầy trên lốI
hương người đâu nữa hỡi em yêu

hai mươi năm đi giữa đời
một đời đầy sóng nổi
hai mươi năm ôm mối tinh
mà hồn rách tả tơi

hình như tôi khóc đây em
hai mươi năm em theo chồng
bỏ lại đời tôi
những tháng ngày tăm tốI
và đường trần đầy quạnh hiu
và lòng sầu lắm cô liêu

hai mươi năm trở lại
mộ em đầy cỏ dại
hai mươi năm góp lại
nén nhan buồn chiều nay

hai mươi năm còn gì cho nhau
tình xưa như áo rách
làm sao ai vá được
mảnh hồn đã xác xơ
hai mươi năm tình sầu
hẹn người đến kiếp sau

LÊ THANH BÌNH

 

 

Khê Kinh Kha

Khê Kinh Kha là bút hiệu của Nguyễn Xuân Hùng, sinh tại làng Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Năm '68 đi du học tại Hoa Kỳ, và tốt nghiệp Thạc Sĩ Kỹ Sư Hóa Học (Master in Chemical Engineering) và Thạc Sĩ Thần Học ( Master of Theology). Hiện cư ngụ tại bang Virginia và cũng là Deacon (Phó Tế) giúp họ đạo nhà thờ và những người khốn khó. KKKha bắt đầu sáng tác thơ từ lúc học Đệ Tứ. Tự học nhạc và sáng tác đầu tiên vào năm 1971. Chủ biên của trang nhà VĂN HỌC NGUỒN CỘI

Kim Phượng sưu tầm

Xem thêm...

Nhớ cánh hoa mong manh Ngọc Lan

Nhớ cánh hoa mong manh Ngọc Lan

Kỷ niệm 23 năm vắng tiếng hát của ca sĩ Ngọc Lan (2001-2024)

Trường Kỳ

(Ảnh: iloveNgocLan)

Vào sáng ngày 7 Tháng Ba năm 2001, tôi cũng như những người thân trong gia đình đã thật bàng hoàng khi nghe tin Ngọc Lan qua đời một ngày trước đó, vào hồi 8 giờ 25 sáng tại bệnh viện Vencor, Huntington Beach.

Người báo tin cho tôi biết là Kỳ Phát, chủ nhiệm tạp chí Trẻ ở Nam California và là người từng theo sát Ngọc Lan trong suốt thời gian trung tâm Mây thực hiện riêng cho cô hai video vào năm 1991, dưới quyền đaọ diễn của Đặng Trần Thức, đạo diễn phim “Hè Muộn” trước năm 1975.

Cho đến nay hai video này vẫn là hai video ca nhạc dành riêng cho một nghệ sĩ được coi là giá trị nhất về mặt nghệ thuật. Khi tiếp xúc với Trần Thăng – giám đốc trung tâm Mây, là trung tâm đầu tiên đã đưa Ngọc Lan đến với khán thính giả trên những chương trình “Hollywood Nights” – qua điện thoại, anh không dấu được sự xúc động với giọng nói nghẹn ngào trên đường đến dự lễ phát tang của người nữ ca sĩ dễ mến, đã từng cộng tác với anh trong suốt 15 chương trình video “Hollywood Nights.”

Cũng trong ngày 7 Tháng Ba, tôi được hân hạnh phát biểu cảm tưởng của mình về sự qua đời của Ngọc Lan trong một bản tin phát về Việt Nam của đài VOA, và sau đó đã giới thiệu nhạc phẩm Tình Buồn do cô trình bày.

Xin ghi lại nguyên văn sau đây như sự tưởng niệm một nghệ sĩ thân thiết với gia đình tôi: “Tôi đã vô cùng xúc động khi biết được tin Ngọc Lan đã qua đời mặc dù đã biết cô mang một căn bệnh hiểm nghèo từ lâu. Ngọc Lan gần như mỗi lần sang Montreal, Canada lưu diễn đều cư ngụ tại nhà chúng tôi. Qua tính tình dịu dàng, khả ái và bản tính khiêm nhượng của cô, trong những bài viết trên sách báo, tôi đã mệnh danh Ngọc Lan là một Công Nương Diana của nền tân nhạc Việt Nam hải ngoại. Do đó sự ra đi của cô là một mất mát lớn đối với những người yêu nhạc, yêu tiếng hát buồn man mác của cô. Trong khi nói những lời này thì hình bóng Ngọc Lan vẫn phảng phất trong căn nhà này với chữ ký còn rõ nét của cô trên chiếc giường được gọi là “Chiếc Giường Nghệ Sĩ ” của gia đình chúng tôi.”

Chưa bao giờ khán thính giả khắp nơi lại dành cho một người nghệ sĩ sự ưu ái to lớn đến như vậy như đối với Ngọc Lan. Hàng ngàn người đã đến viếng thăm linh cữu cô tại nhà quàn Dilday Brother ở Huntington Beach trong hai ngày 8 và 9 Tháng Ba năm 2001.

Số người dự tang lễ của Ngọc Lan tại Thánh Đường Giáo Xứ Thánh Linh ở Fountain Valley vào hồi 10 giờ sáng ngày 10 Tháng Ba cũng chật ních đối với sức chứa gần 1,000 người của nhà thờ này, trong khi những người đứng ở ngoài cũng lên tới con số tương đương như vậy.

Sau đó trên 2000 người đã tiễn đưa cô đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Chúa Chiên Lành ở Huntington Beach khi tang lễ hoàn tất.

Tang lễ đã được cử hành trong một bầu không khí trang nghiêm và cảm động do linh mục Nguyễn Văn Luân – quản nhiệm cộng đoàn Thánh Linh, Huntington Beach – chủ tế. Ngoài ra đồng tế với linh mục Luân còn có 5 vị linh mục khác đến từ những thành phố lân cận: Linh mục Nguyễn Văn Tuyên, quản nhiệm cộng đoàn Tustin; Linh Mục Nguyễn Uy Sỹ, quản nhiệm cộng đoàn Westminster; Linh Mục Nguyễn Trường Luân thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Long Beach; Linh Mục Nguyễn Nhật Huy, giáo phận Los Angeles, và Linh Mục Nguyễn Trần Tuấn Anh, thuộc cộng đoàn Westminster.

Ngọc Lan qua đời vì một căn bệnh hiểm nghèo đã hành hạ cô trong suốt một thời gian dài. Đó không phải những biến chứng của bệnh tiểu đường như những lời đồn đãi. Cũng không hẳn là do một cục bướu trong óc đã gây ra cái chết này. Căn bệnh của Ngọc Lan được giới chuyên khoa gọi là Multiple Sclerosis (gọi tắt là MS) tức là chứng “đa thần kinh hóa sợi.”

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Đức, người từng viết nhiều bài liên quan đến sức khỏe cũng như về những chứng bệnh hiểm nghèo trên nhiều tờ báo ở Hoa Kỳ, cho biết sự tác hại của chứng “đa thần kinh hóa sợi” này khiến các giây thần kinh nơi óc, nơi mắt và nhiều nơi khác tơi nhỏ ra để đưa dần tới sự tê liệt hoàn toàn của cơ thể. Cũng theo những y sĩ chuyên khoa thì chứng thần kinh hóa sợi không thể chữa trị và bệnh nhân không thể có hy vọng sống sót.

(Ảnh: iloveNgocLan)

Linh mục chủ tế Nguyễn Văn Luân trong phần phát biểu về Ngọc Lan dùng những lời lẽ thật là giản dị nhưng cảm động để nói về cá tính và con người của cô đối với gia đình, với sinh hoạt cộng đồng và với quê hương đất nước. Ông cũng đã tỏ ra rất xúc động trước cái chết của Ngọc Lan và ví cô như “một con chim sơn ca đã từng bay đi khắp thế giới để đem lại niềm vui và nụ cười đến cho nhân loại.”

Cũng trong chương trình tang lễ, Nam Lộc – người từng thực hiện cuộc phỏng vấn đầu tiên Ngọc Lan trên video ” Hollywod Nights 1″ – được mời lên phát biểu thay cho một số thân hữu của Ngọc Lan và những nghệ sĩ không có mặt (Ghi chú: gần 30 nghệ sĩ đã lên đường trước đó để trình diễn ở Trump Marina tại Atlantic City vào ngày cử hành tang lễ Ngọc Lan. Cùng ngày đó một số ca sĩ từ Việt Nam sang cũng đã trình diễn tại thành phố này, ở sòng bài Trump Plaza).

Anh đã ngỏ lời phân ưu cùng gia đình Ngọc Lan trước sự mất mát lớn lao này. Nam Lộc đã gọi Ngọc Lan là một ngôi sao sáng của nền âm nhạc Việt Nam, nhưng  “tuy là một ngôi sao sáng nhưng cô lại là một người có đức tính rất là khiêm nhường, hòa thuận và nhã nhặn với bạn bè, không ganh đua đố kỵ.”

Anh còn nói thêm: “Ông Trời nhiều khi thật là bất công. Trong những năm gần đây, ông đã mang đi rất nhiều những nhân vật, những khuôn mặt được bao nhiêu người yêu thương, được cả nhân loại mến mộ khi họ còn rất trẻ. Và Ngọc Lan ở trong trường hợp bất công đó.”

Để kết luận, Nam Lộc thốt ra những lời vĩnh biệt thật cảm động: “Tuy là một tên tuổi rực rỡ nhưng Ngọc Lan có một cuộc sống rất là kín đáo và thầm lặng. Và chính sự thầm lặng và kín đáo đó đã tạo ra biết bao nhiêu huyền thoại kỳ lạ và đẹp đẽ về cô. Và cũng trong thầm lặng và kín đáo, Ngọc Lan đã ra đi trong sự kín đáo và thầm lặng đó. Thôi chúng ta hãy ôm Ngọc Lan trong những huyền thoại tuyệt vời. Vĩnh biệt Ngọc Lan!”

Một chương trình truyền hình do Nam Lộc và Thụy Trinh thực hiện về Ngọc Lan trên hệ thống Truyền Hình Văn Nghệ Việt Nam cũng đã được phát hình trước đó, trong cùng một ngày, với những chi tiết về chương trình tang lễ mà nhờ đó nhiều người đã biết được để có mặt trước ở nghĩa trang Chúa Chiên Lành (Good Sheeper) trên đường Talbert ở Huntington Beach để tiễn đưa lần cuối người nghệ sĩ họ mến mộ và thương yêu.

Những cặp mắt rưng rưng lệ và những tiếng khóc nghẹn ngào đã nói lên được sự tiếc thương vô bờ đối với một người nữ ca sĩ hồng nhan bạc mệnh đã sớm ra đi khi mới được 44 tuổi. Tên tuổi Ngọc Lan đang ở trong thời kỳ cao chót vót vào khoảng 5 năm đầu thập niên 90 nhưng sau đó cô đã phải giảm bớt những hoạt động và dần dần ngưng hẳn sau khi lâm trọng bệnh, khởi đầu ngay từ năm 92, 93.

Không ít người đã từ xa – như San Jose, San Diego, Seattle, Portland, vv..- cũng đã không quản ngại để đến đưa tiễn Ngọc Lan về nơi an nghỉ cuối cùng. Những năm gần đây, Ngọc Lan rất ít xuất hiện, tuy nhiên nếu có cũng cần được một người em gái đi theo phụ giúp trong việc đi đứng do thị lực kém cỏi cũng như trí nhớ bị sa sút trầm trọng.

Chồng của Ngọc Lan là Kelvin Khoa với tên thật là Mai Đăng Khoa, một nhạc sĩ hòa âm và cũng là người cùng với Ngọc Lan điều hành trung tâm Ngọc Lan musique cùng với những người em trai của cô đã khiêng quan tài của người nữ ca sĩ vắn số đến nơi an giấc ngàn thu trong niềm bùi ngùi vô hạn, trong một ngày nắng đẹp rực rỡ mà có người đã ví von “rực rỡ như tiếng hát, rực rỡ như nét mặt thiên thần của Ngọc Lan,” trong khi những ngày trước đó bầu trời miền nam California thật buồn thảm như thương tiếc cho một người ca sĩ tài hoa nhưng vắn số.

Thân phụ cô, ông Lê Đức Mậu – thay mặt cho gia đình trong chương trình tang lễ cầu cho linh hồn Ngọc Lan đã xúc động đến nghẹn ngào khi đưa tiễn người con gái thứ 5 của gia đình về nơi vĩnh cửu.

Trước đó vào năm 1993 ông và gia đình đã từng đau đớn vì cái chết của người chị Ngọc Lan là nhà văn Lê Thao Chuyên, thiệt mạng trong một vụ cướp. Mọi người đã không cầm được nước mắt khi ông cất tiếng ngâm bài thơ “Lá Vàng Khóc Lá Xanh” để tưởng nhớ người con gái yêu dấu từng sống những chuỗi ngày mong manh như cánh hoa trong cơn giông tố của bệnh tật.

Người chị cả của Ngọc Lan là Lê Kim Liên cũng đã khiến mọi người không cầm được nước mắt khi đọc bài thơ đưa tiễn đưa người em gái của mình tại nghĩa trang. Thân xác Ngọc Lan đã được vùi sâu trong lòng đất, nhưng tiếng hát đượm một nỗi buồn man mác, khuôn mặt thanh cao với cặp mắt buồn u uẩn của cô chắc chắn sẽ mãi còn trong trí nhớ của mọi người.

(Ảnh: iloveNgocLan)

Ngọc Lan tên thật là Lê Thanh Lan, sinh năm 1956 tại Nha Trang và là người con thứ năm trong số 8 người con trong một gia đình khá giả tại thành phố vùng biển này. Ngọc Lan trải qua lứa tuổi ấu thơ tại đây trong sự chiều chuộng thương yêu của cả nhà, tuy nhiên nét mặt cô lúc nào cũng phảng phất một nét buồn vời vời như chính lời cô kể lại với một ký giả trong cuộc phỏng vấn cô dành cho anh tại Toronto trong dịp thu hình của trung tâm Asia tại đây vào năm 96: “Nếu mà buồn thì cái mặt Ngọc Lan từ bé mẹ đã nói là mặt mày giống như đưa đám ma mà!”

Không những luôn mang một nét buồn trên một khuôn mặt thiên thần, Ngọc Lan còn có tính tình rất nhút nhát như theo lời một số bạn của cô kể lại trong thời kỳ theo học cùng với cô ở trường Thánh Tâm, trong thời gian gia đình cô cư ngụ tại Xóm Mới, Nha Trang trong một villa lớn, kín cổng cao tường.

Vào những ngày chủ nhật, Ngọc Lan cũng như các chị em đều theo bố mẹ đi lễ ở Nhà Thờ Núi Nha Trang và đã tỏ ra rất sùng đạo từ khi còn trong tuổi ấu thơ. Lớn lên trong sự yêu thương đùm bọc của mẹ, Ngọc Lan đã tỏ ra hết lòng thương yêu người mẹ yêu quí của mình và thường nhắc đến bà trong những lần tâm sự.

Khi còn ở Việt Nam, Ngọc Lan đã từng có một thời gian theo học nhạc với nhạc sĩ Lê Hoàng Long và đã từng có những hoạt động với các ca đoàn công giáo trong thời gian cô cùng gia đình cư ngụ tại Gò Vấp. Đến năm 1980 Ngọc Lan cùng với gia đình vượt biên và đã trải qua những ngày hãi hùng trên biển cả. Sau một thời gian ở trại tỵ nạn, gia đình cô đặt chân tới tiểu bang Minnesota và cư ngụ tại đây trong hai năm trước khi cả nhà quyết định dời về Nam California.

Đến Cali vào năm 1982, Ngọc Lan vì muốn có tiền để tiếp tục việc học vấn nên đã nghĩ tới việc đi bán hamburger. Nhưng chưa thực hiện điều này thì Ngọc Lan được một người bạn quen từ khi còn ở Việt Nam giới thiệu với một quán cà phê cũng mang tên Lan ở vùng Little Sài Gòn để hát, thay vì đi bán hamburger như cô dự tính: “Thì Lan thấy nghe lời cô ấy cũng được nên Lan đến Lan xin để Lan được hát. Bà chủ quán tối hôm đó bà ấy kêu Lan lên hát thử. Bà ấy mới hỏi Lan là cô tên là gì, thì Lan nói dạ, dạ em tên Thanh Lan. Bà ấy nói không được đâu, đã có Thanh Lan rồi, tại sao mà còn lấy Thanh Lan nữa. Thôi tên Kim Lan đi. Thế rồi bà ấy lên giới thiệu là đây ca sĩ Kim Lan.”

Cuộc đời của Ngọc Lan bắt đầu đi vào một khúc quanh sau khi cô đi hát lần đầu tiên tại quán cà phê Lan này vào năm 1983 với cái tên Kim Lan với hai nhạc phẩm “Dấu Tình Sầu” và  “Giáng Ngọc.” Đây là hai nhạc phẩm cô được một người quen tập cho trong thời gian ở trại tỵ nạn.

Nhưng cái tên Kim Lan cô được giới thiệu khi bước lên sân khấu lần đầu tiên đó chỉ được biết đến trong một lần xuất hiện với tất cả sự hồi hộp và lo lắng của cô. Vì qua tối hôm sau, Ngọc Lan đã được giới thiệu đi hát ở một quán cà phê khác có tên là Hoài Hương. Cô kể: “Qua ngày mai Lan hát ở một cái quán khác tên là quán Hoài Hương thì cái ông chủ, ông ấy mới nói là lấy tên Ngọc Lan đi, đừng có tên Kim Lan kỳ lắm. Thì lúc đó Lan đâu có nghĩ mình là ca sĩ, Lan cũng chẳng có định trước cái gì. Lan nói rồi… tên Ngọc Lan cũng được. Giới thiệu Lan lên thì Lan hát ở đó một tuần lễ thôi.”

Thế là cái tên Ngọc Lan định mệnh bắt đầu có từ đó sau ba đêm cuối tuần hát ở quán Hoài Hương với số tiền thù lao là 35 mỹ kim. Đối với Ngọc Lan với số tiền đầu tiên kiếm được trong cuộc đời đi hát đã khiến cho cô rất hài lòng vì dù sao cũng nhẹ nhàng hơn công việc bán hamburger. Lan được trả 35 đồng mà rất là happy. Happy hơn bây giờ nữa. Rất là happy tại vì đâu có tìm được số tiền nào khác… tại trong lúc đó mình đâu có tiền gì đâu. Mà đi làm như vậy, Lan thấy cũng dễ dàng hơn là bán hamburger.

Tuy nhiên vì chưa quen hát nhiều, nên sau khi hát liên tiếp ba đêm cuối tuần vì quá mệt mỏi nên Ngọc Lan quyết định xin nghỉ.

Vào ngày cuối cùng trước khi quyết định thôi hát tại quán Hoài Hương thì định mệnh đã đưa đẩy Ngọc Lan gặp được Trần Ngọc Sơn là người điều hành trung tâm Dạ Lan lúc đó, tức tiền thân của trung tâm Asia hiện nay. Nhận thấy Ngọc Lan có một giọng hát khá cùng với một sắc đẹp lôi cuốn, nên Trần Ngọc Sơn đã xin số điện thoại của cô để sau đó gọi lại mời cô thu tiếng trong những băng nhạc của trung tâm Dạ Lan.

Với bản tính nhút nhát, Ngọc Lan cho biết khi mới vào nghề cô rất ngại xuất hiện trước khán giả. Cũng chính vì vậy cô đã quyết định không tiếp tục cộng tác với quán Hoài Hương. Nay nhận được lời mời thu băng nhạc nên cô thấy thoải mái hơn là đứng trên sân khấu, trước khán giả. Qua những băng nhạc đầu tiên với Dạ Lan, tiếng hát ngọt ngào của cô, lúc đó có nét phảng phất giống như tiếng hát của nữ ca sĩ Thanh Lan, đã chiếm ngay được cảm tình của thính giả.

Sau một thời gian hát tại một số quán cà phê ở vùng Little Sài Gòn như Lan, Hoài Hương, Đỉnh Thiêng, Tay Trái,… tên tuổi Ngọc Lan bắt đầu được biết đến, tuy nhiên vẫn ở trong một phạm vi nhỏ. Đến năm 1985, Ngọc Lan chính thức bước vào con đường nhà nghề khi được nhạc sĩ Ngọc Chánh khuyến khích vì nhận thấy cô có hội đủ những yếu tố để trở thành một ca sĩ tên tuổi. Ngọc Lan nhận lời và được trả thù lao là 250 mỹ kim cho một tuần.

Sau gần một năm đi hát ở vũ trường Ritz của nhạc sĩ Ngọc Chánh, tên tuổi Ngọc Lan được biết đến nhiều hơn để cô bắt đầu nhận được nhiều lời mời đi show ở các tiểu bang Hoa Kỳ và Canada. Ngọc Lan từ đó đã thật sự trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp và chiếm được lòng ưu ái của mọi người. Nhất là đối với những nhà tổ chức những chương trình ca nhạc, Ngọc Lan luôn biểu lộ một sự thông cảm. Những buổi tổ chức nào không được đông khách cô đều giảm bớt thù lao của mình xuống, để coi đó như một sự chia xẻ với người tổ chức.

Ngọc Lan tâm sự là trong thời gian bắt đầu đi hát ở vũ trường Ritz, cô vẫn còn có một sự lưỡng lự, đắn đo, không biết có nên dấn thân hẳn vào con đường này hay không. Qua những lần tiếp xúc với nhà thơ Nguyên Sa, cô luôn được nhà thơ này khuyến khích để trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp và được cô kể lại như sau qua cuộc phỏng vấn với ký giả Việt Tiến ở Toronto, lúc đó ông Nguyên Sa hay gọi Lan nói chuyện.

Ông nói “không thể gọi cháu là amateur được, vì cháu đã lấy tiền, đi hát thì phải là ca sĩ chuyên nghiệp rồi. Mà nếu là ca sĩ chuyên nghiệp thì phải có một cái gì chứ, chứ lem nhem không được. Khi có con, cháu sẽ nói với con là ngày xưa mẹ cũng đi hát, rồi con nó nói làm sao, con nó nói là ủa sao mẹ đi hát mà con không biết mẹ là ai, không biết người ta nói gì đến mẹ thì cháu sẽ nghĩ xấu hổ như thế nào.”

(Ảnh: iloveNgocLan)

Từ câu nói của nhà thơ Nguyên Sa, Ngọc Lan sau khi suy nghĩ kỹ càng, đã quyết định đi theo con đường ca hát nhưng vẫn có một thắc mắc không biết đó là một sự may mắn hay xui xẻo. Lan suy nghĩ, đúng rồi, vậy thì phải đi hát chứ. Không biết cái đó là một dịp may, một cái may mắn đến với Lan hay là một cái xui xẻo, Lan không biết bây giờ Lan bước vào ngành hát, có may mắn không.

Nhưng dù sao một khi đã quyết định như vậy, Ngọc Lan đã bỏ công sức ra để trau dồi thêm về tài nghệ cùng một lúc nhận được sự chỉ dẫn của nhạc sĩ Thanh Lâm trong thời gian đầu tiên cô hát với ban nhạc Shotguns của Ngọc Chánh. Dần dần giọng hát ngọt ngào của cô đã chiếm được cảm tình của khán thính giả trong những bài tình ca Việt Nam. Đặc biệt hơn nữa, cô còn trình bầy được cả nhạc Mỹ, nhất là nhạc Pháp, được coi là rất hiếm người trình bầy một cách xuông xẻ.

Đến năm 1991, tên tuổi Ngọc Lan hoàn toàn chinh phục được cảm tình của mọi người, sau khi trung tâm Mây thực hiện riêng cho cô hai chương trình video đặc biệt dưới quyền đạo diễn của Đặng Trần Thức, người đã đạo diễn phim “Hè Muộn” trước năm 75 với Như Loan, Bội Toàn,…

Video thứ nhất mang tựa đề “Như Em Đã Yêu Anh” (Mây 1) sau khi tung ra thị trường đã được coi như một video bán chạy nhất lúc bấy giờ. Và cho đến hôm nay vẫn xứng đáng là một video giá trị nhất về mặt nghệ thuật được thực hiện riêng cho một giọng ca. Video thứ 2 được tung ra sau đó không lâu với tựa đề “Mặt Trời Bên Kia Mùa Hạ” (với một số nhạc phẩm của Đức Huy và Alan Nguyễn) cũng đã nhận được một sự chiếu cố nồng nhiệt nơi những người yêu nghệ thuật.

Những năm kế tiếp, Ngọc Lan đã dành cho mình được một chỗ đứng cao trong làng ca nhạc Việt Nam hải ngoại sau những lần xuất hiện trên những chương trình “Hollywood Nights” của trung tâm Mây mà chương trình đầu tiên – và cũng là video ca nhạc đầu tiên thực hiện tại Hoa Kỳ, trong thời gian trung tâm Thúy Nga còn quay tại Paris – với sự có mặt của Ngọc Lan, được thu hình tại Irvine vào ngày 10 Tháng Ba năm 1992. Đây là lần đầu tiên Ngọc Lan trả lời một cuộc phỏng vấn trước ống kính thu hình.

Một điểm đáng lưu ý đây cũng là lần xuất hiện đầu tiên của Nguyễn Cao Kỳ Duyên trên video với vai trò MC và cũng là video đánh dấu cho lần xuất hiện đầu tiên của Ý Lan. Qua cuộc phỏng vấn, Nam Lộc đã đặt cho Ngọc Lan ba câu hỏi.

Câu hỏi đầu tiên, là mẫu người đàn ông lý tưởng của Ngọc Lan ra sao? Cô trả lời là nhân vật Dũng trong tác phẩm “Đoạn Tuyệt ” của Khái Hưng. Đối với cô, không những Dũng là người có tình cảm gia đình, còn là người có tâm hồn đối với quê hương và đất nước. Câu hỏi thứ hai, Ngọc Lan có dự định đóng phim hay không, vì nhiều người đã nhận thấy cô rất có khả năng về điện ảnh qua hai video thực hiện riêng cho cô trước đó. Ngọc Lan trả lời rất thích nếu có được cơ hội phát triển tài năng của mình. Khi trả lời câu hỏi cuối cùng về cảm nghĩ của cô đối với nền âm nhạc Việt Nam, Ngọc Lan cho rằng phải đổi theo sự đòi hỏi của huynh hướng nơi thế hệ sau để phù hợp với xã hội hiện tại.

Cũng theo Nam Lộc, anh không ngờ lại cũng là người phỏng vấn Ngọc Lan lần cuối cùng trước ống kính thu hình vào năm 1998 và cũng vào ngày 10 Tháng Ba như lần phỏng vấn đầu tiên.

Một sự trùng hợp lạ kỳ khác là đúng vào ngày 10 Tháng Ba, anh cũng lại là người thay mặt một số anh chị em nghệ sĩ tuyên bố những lời đưa tiễn Ngọc Lan đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Trong thời kỳ đầu tiên tiếng hát của Ngọc Lan thường được khán thính giả cho là có nét phảng phất giọng ca của Thanh Lan. Cũng chính vậy khi thu thanh tiếng hát của cô, một số trung tâm nhạc vì mục đích thương mại đã chỉ chọn những bài do Thanh Lan đã trình bầy trước đó để cho cô hát… .Nhưng sau đó Ngọc Lan đã tìm cho mình một hướng đi riêng biệt để thoát ra khỏi ảnh hưởng của một người nữ ca sĩ đàn chị.

Nhưng càng lâu thì Lan càng nhận thức là tại sao mình lại phải giống một người khác. Mình phải có cái hay của mình chứ, mình giống người khác nó có nhiều cái xấu hổ quá mà. Tại sao mình phải giống người khác? Lan thấy không được cho nên Lan tìm một cái đường đi riêng cho mình. Và Ngọc Lan đã thành công với con đường riêng biệt của cô trong nghệ thuật trình bầy những nhạc phẩm tình cảm, điển hình là nhạc phẩm “Mưa Trên Biển Vắng,” được cô coi là nhạc phẩm đã gắn liền với tên tuổi của mình.

Một điều không may xẩy đến với Ngọc Lan khi tên tuổi cô đang ở trong thời kỳ chói sáng nhất thì bệnh hoạn đã bắt đầu nhen nhúm nơi cô ngay từ năm 1992, 1993 như cô đã trả lời với những tiếng khóc nghẹn ngào trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1996 trong dịp sang thành phố Toronto thu hình cho trung tâm Asia. Đó cũng là lần xuất hiện cuối cùng của cô trên những chương trình ca nhạc của trung tâm này.

Chính cô, cũng như các y sĩ điều trị ở bệnh viện UCI tại thành phố Irvine nơi cô cư ngụ cũng không hề biết nguyên nhân nào đã gây ra chứng bệnh thần kinh hóa sợi. Và vào một buổi sáng, chứng bệnh này đã tác hại đến cơ quan thị giác của cô. Lan không biết có phải tại ăn uống hay là tại vì sao, thì có một lần tự nhiên là tự nhiên một buổi sáng thức dậy Lan không nhìn thấy như là… nếu nói mờ cũng không đúng…nó bị đen đen tối tối.

Sau khi nhuốm bệnh, Ngọc Lan phải giảm hẳn những sinh hoạt của mình một thời gian dài. Từ đó nhiều tin đồn được loan truyền về tình trạng bệnh hoạn của cô. Có tin cho là cô bị bệnh tiểu đường. Cũng có tin cô cho là cô bị một cục bưới trong óc, ảnh hưởng đến thần kinh thị giác và trí nhớ, không kể những tin đồn thất thiệt khác tạo nên một huyền thoại quanh người nữ ca sĩ khả ái nhưng kém may mắn này. Nhưng đối với Ngọc Lan, cô chỉ âm thầm chịu đựng và chấp nhận, không hề lên tiếng cải chính.

Trong thời kỳ đầu tiên, bệnh tình của Ngọc Lan chưa gây ra những tác hại nặng nề nên cô vẫn còn có khả năng thu thanh với nhiều trung tâm nhạc như Dạ Lan, Đời, Giáng Ngọc, Nhã Ca,… tổng cộng lên tới hàng chục CD. Ngoài ra cô vẫn còn xuất hiện được trên những chương trình Hollywood Nights với tất cả 15 chương trình. Trong khi đó thì Ngọc Lan được coi như tuyệt tích trên sân khấu trình diễn, không nhận một lời mời nào để có mặt trong những lời mời lưu diễn tới tấp đến với cô.

Đến Tháng Tư năm 1994, Ngọc Lan mới bắt đầu đi hát trở lại tại một số tiểu bang Hoa Kỳ và một vài thành phố lớn ở Canada. Mãi cho đến ngày 22 Tháng Mười cùng năm, Ngọc Lan chính thức xuất hiện trở lại trong đêm “Ngọc Lan Và Thính Giả Thương Yêu” tại Marriott Hotel, Anaheim, California với ban nhạc Mây Bốn Phương cùng một số ca sĩ như Tuấn Ngọc, Don Ho, Linda Trang Dài, Thanh Hà, Quốc Thái,… trong một buổi dạ vũ do MT Productions tổ chức.

Khán giả náo nức rủ nhau đi nghe Ngọc Lan, nhất là đi xem Ngọc Lan sau một thời gian vắng bóng như thế nào. Và cô đã không phụ lòng khán giả với giọng ca ngọt ngào và truyền cảm, chỉ khác là khuôn mặt cô còn đượm nét ưu tư.

Từ đó Ngọc Lan bắt đầu xuất hiện trở lại nhưng với một nhịp độ rời rạc tại một số địa điểm cũng như bắt đầu xuất hiện trong những chương trình video của các trung tâm Thúy Nga và Asia trong những năm 1995, 1996. Qua những chương trình video cuối cùng của cô, người ta dễ dàng nhận ra những nét mệt mỏi trên gương mặt cũng như trong giọng hát. Tuy vậy, khán giả lại càng dành cho cô nhiều cảm tình hơn và luôn mong mỏi cô được sớm bình phục để trở lại sinh hoạt một cách bình thường trong sự chờ đón của mọi người.

Vào ngày 10 Tháng Mười Hai năm 1994, Ngọc Lan chính thức kết hôn với Kelvin Khoa tại một nhà hàng nhỏ ở thành phố Long Beach trong vòng tham dự thân mật của một số người thân và bạn bè. Kelvin Khoa với tên thật là Mai Đăng Khoa là một nhạc sĩ trong ban nhạc Bolero, sau đó đã cùng cô chung sống tại thành phố Irvine trong một ngôi nhà khang trang, cũng là nơi trung tâm Ngọc Lan Musique được thành lập để liên tiếp cho ra đời một số CD với tiếng hát Ngọc Lan như “Vĩnh Biệt Tình Anh,” “Em Vẫn Cần Anh,”… và CD cuối cùng là  “Tình (sic) Say” hát chung với Duy Quang được phát hành vào năm 1998.

Qua đến cuối năm 1996, Ngọc Lan lại lui vào trong bóng tối của bệnh hoạn đang có một sự tác hại gia tăng mạnh mẽ. Lại nhiều tin đồn được tung ra, thậm chí có nguồn tin cho là người thiếu nữ tuổi Bính Thân này đã từ trần vì bệnh hoạn hay đã có nhiều lần tự tử vì quá tuyệt vọng.

Rất nhiều thắc mắc nơi khán thính giả được đặt ra về sự vắng mặt của cô. Thời kỳ này Ngọc Lan gần như không còn cố gắng được nữa để tiếp tục hoạt động mặc dù trước đó mỗi lần đi lưu diễn hoặc thu hình video, đều có một người em gái đi theo để giúp đỡ cô trong việc đi đứng vì thị lực của cô đã trở nên quá kém cỏi cũng như trí nhớ cô ở trong tình trạng sa sút trầm trọng. Tuy nhiên với mục đích đánh tan những tin đồn không tốt đối với tên tuổi của mình, Ngọc Lan cùng Kelvin Khoa đã dành cho Nam Lộc và Thụy Trinh một cuộc phỏng vấn truyền hình, phát hình vào ngày 14 Tháng Ba năm 1998 trên băng tần 18 của đài “Văn Nghệ Việt Nam” trên KSCI tại Nam California.

Qua cuộc phỏng vấn này, với mái tóc ngắn, một khuôn mặt gầy, Ngọc Lan đã tạo cho mình được một nét xinh xắn, gọn gàng. Tuy nhiên những nét mệt mỏi vẫn được dễ dàng nhận thấy được trên đôi mắt vốn dĩ đã luôn đượm vẻ u buồn.

Theo lời diễn tả về bệnh trạng của vợ mình với tác giả bài viết này trước đó cũng như với Nam Lộc và Thụy Trinh, nhạc sĩ Kevin Khoa cho biết là Ngọc Lan bị sưng một sợi giây thần kinh thị giác nên tầm nhìn của cô đã bị giảm sút từ 30-35%. Cũng theo Kelvin Khoa, các bác sĩ điều trị cho biết bệnh tình của Ngọc Lan đang trên đà thuyên giảm và sức khỏe đã khá hơn những ngày trước.

Riêng Ngọc Lan cho biết cô cũng cần hạn chế tham dự các buổi lưu diễn. Ngay cả những buổi thu hình trực tiếp trong các phim trường cho những chương trình video cũng không có mặt Ngọc Lan, thay thế vào đó là phần thu hình ngoại cảnh.

Trả lời cho câu hỏi về những tin đồn như Ngọc Lan bị mù, bị tê liệt, bị “tẩu hoả nhập ma” vì bùa ngải,… Ngọc Lan cũng như Kelvin Khoa chỉ cười và cho rằng óc tưởng tượng của người đời quả là phong phú. Ngọc Lan cũng cho biết là cô rất buồn về nguồn tin cô đã qua đời vì một căn bệnh hiểm nghèo, khởi nguồn từ một CD lậu ở Việt Nam. Theo cô đây là một kế hoạch lừa dối khán giả yêu mến giọng hát của cô để trục lọi bán băng nhạc cũng như CD của Ngọc Lan tại Hoa Kỳ cũng như ở Việt Nam.

Ngoài những lời đồn đại về tình trạng sức khỏe của Ngọc Lan vừa dược nhắc tới và đã được cô và chồng là Kelvin Khoa giải tỏa và chính thức trình bầy những sự kiện một cách công khai, còn có tin đồn cho rằng Ngọc Lan đã mang bầu và sanh con trong thời gian vắng bóng đó. Trước tin đồn này, vợ chồng Ngọc Lan cho biết đó cũng là điều mà họ dự tính và mong muốn. Nhưng rất tiếc vì tình trạng sức khỏe nên cô chưa có thể thực hiện được điều mơ ước này theo lời khuyên của bác sĩ.

Như thế những điều cần biết về tình trạng lúc đó của Ngọc Lan được coi như đã được giải đáp một cách thỏa đáng cho những người mến mộ cô. Với người viết bài này, Ngọc Lan cũng đã dành cho một cuộc phỏng vấn đặc biệt vào năm 1998 và cũng là lần phỏng vấn cuối cùng trong cuộc đời cô dành cho giới truyền thông mà trước đó cô rất ngại tiếp xúc.

Cuộc phỏng vấn này do chính Kelvin Khoa thu thanh tại ngay phòng thu của Ngọc Lan Musique, đại ý cũng giống như những điều cô đã trình bầy trong cuộc phỏng vấn truyền hình. Không ai ngờ rằng lần xuất hiện đó của Ngọc Lan là lần xuất hiện cuối cùng của cô để sau đó cô đã lùi hẳn vào trong bóng tối, tránh tất cả mọi tiếp xúc, dù ngay cả với bạn bè thân thiết.

Bệnh tình của Ngọc Lan càng ngày càng trầm trọng, nên trước tình trạng đó Kelvin Khoa phải đưa Ngọc Lan về sống với gia đình cô tại Huntington Beach để được săn sóc chu đáo hơn bởi bàn tay của những người ruột thịt cho đến khi cô nhắm mắt lìa đời tại bệnh viện Vancor vào ngày 06 Tháng Ba năm 2001 do chứng bệnh được chính thức gọi là “đa thần kinh hóa sợi.”

Trước đó không lâu, cô nhờ nhạc sĩ Ngọc Trọng sáng tác cho riêng mình một nhạc phẩm với nội dung giã từ sân khấu, nhưng Ngọc Trọng chưa hoàn tất điều mong muốn của cô thì Ngọc Lan đã ra người thiên cổ. Nhạc sĩ Trần Chí Phúc cũng cho biết anh đang nhen nhúm trong đầu để viết một nhạc phẩm với đề tài này và chắc chắn sẽ hoàn tất dù là muộn màng.

Trước đó Ngọc Lan cũng đã có dự định thực hiện một video thứ ba riêng cho mình cô. Nhưng dự định của Ngọc Lan không còn cơ hội hình thành. Tất cả đã theo cô vào trong lòng đất. Chúng ta, những người mến mộ Ngọc Lan không còn biết gì hơn là nói lên tiếng vĩnh biệt cô với lời cầu nguyện cho linh hồn Maria Lê Thanh Lan sớm được vào nước Thiên Đàng.

 

Kim Phượng sưu tầm

 

 

Xem thêm...
Theo dõi RSS này