Sáng tác

Sáng tác (46)

Cười - Nguyễn Giụ Hùng

Cười 

Nguyễn Giụ Hùng 

 

     Ôi thôi, trên giải đất cong hình chữ S của đất nước ta, từ Bắc chí Nam, chỗ nào cũng vang lên những tiếng cười. Cười từ thành thị tới thôn quê, từ chỗ cao sang quyền quý tới chỗ nghèo hèn và từ trẻ tới già.

     Cười là một phần đời sống tinh thần thật phong phú và tinh tế. Nó chiếm một chỗ đứng có nhiều ưu thế trong văn hóa và văn học nước ta. Cười của ta đa dạng

lắm vì nó có đủ khả năng diễn tả mọi trạng thái hỉ, nộ, ái, ố, cũng như sự biến đổi tâm lý phức tạp trong mọi tình huống của đời sống hàng ngày.

     Cười biến hóa khôn lường như rồng bay, ẩn hiện trong mây. Ta chỉ cần thay đổi một chút âm điệu tức thay đổi một chút cung bậc, cường độ của âm thanh là ý nghĩa của "tiếng cười" thay đổi hẳn. Mà cung bậc âm thanh của cười, cũng chẳng khác cung bậc âm thanh trong âm nhạc, nó biến hóa vô cùng, nên ý nghĩa của cười cũng theo đó mà biến đổi với thiên hình vạn trạng. Đấy là chưa kể đến sự diễn tả tinh tế trên nét mặt hay thân thể khi cười. Cũng có khi cười chẳng cần đến âm thanh, nghĩa là không thành tiếng, mà nó vẫn có khả năng diễn tả đầy đủ ý nghĩa của cười một cách hữu hiệu. Do đó, chẳng ai dám tự nhận mình có thể hiểu hết được cái cười của người Việt Nam, dù được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất ấy.

     Cười không phải chỉ để diễn tả sự hoan lạc không thôi, nó còn mang một triết lý sâu xa của văn hóa, trong đó sự biến động của lịch sử và xã hội đã đóng góp vào cười một phần không nhỏ. Chính vì thế, theo tôi nghĩ, cái cười của một dân tộc chịu nhiều thử thách và thăng trầm như dân tộc ta, ắt hẳn tiếng cười ấy phải có những nét đặc thù và giầu có lắm kể cả về mặt số lượng lẫn ý nghĩa mà nhiều dân tộc khác không thể có được.

     Cười cũng được sử dụng thay tiếng nói để gửi gấm tâm tư hay tình cảm của mình cho người khác hay cho chính bản thân mình. Tiếng cười của ta mang tình thương yêu, hoan lạc nhưng cũng có khi để bầy tỏ sự chịu đựng hay phẫn nộ, hoặc đấu tranh quyết liệt lẫn ngang tàng kể cả sự hèn hạ lẫn đểu cáng, hay chỉ để "cười cười" vô nghĩa.

     Cái cười của dân ta thì phong phú như thế. Trong khi đó, trong buổi thuyết trình của ông Đỗ Thông Minh, nhà báo sống ở Nhật nhiều năm, với đề tài "Văn Hóa Nhật" được tổ chức ở San Jose, ông nói người Nhật lo ngại sau này sẽ dần dần mất đi tiếng cười của họ. Dù câu nói đó có thể chỉ là câu nói đùa hoặc có tính cường điệu của ông, nhưng khi tôi có dịp đi thăm nước Nhật gần đây, tôi thấy câu nói ấy không hẳn là không có căn cứ. Và như thế, tôi có cảm tưởng như văn hóa của ta đứng về mặt "cười" có thể "phồn thịnh" hơn, không những so với người dân Nhật mà kể cả so với nhiều dân tộc khác trên thế giới nữa.

     Các cụ ta có câu "một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ".

     Không phải cười chỉ là những liều thuốc bổ mà nó còn là những “dược liệu” quý báu để chữa bệnh nữa đấy, y khoa đã chứng minh điều ấy nên xin không kể ở đây. Và nhất là đặc biệt chúng được dùng để chữa bệnh tâm thần dành cho những chàng trai suốt ngày ca câu “Đời tôi yêu ai cũng dở dang ... đời tôi yêu ai cũng không thành” (bài hát) hay “Rưng rưng tôi gục xuống bàn rưng rưng” (bài hát) vì nỗi nhớ thương, thương nhớ cô hàng xóm; hay dành cho những cô hàng xóm của tôi luôn than thở, thở than cho duyên kiếp của mình “Buồn rầu, buồn rĩ, buồn nỉ, buồn non, Buồn vì một nỗi sớm con muộn chồng” (ca dao).

     Ta hãy quay trở lại với cười qua danh sách "tiếng cười" của nhà văn Nguyễn Tuân đã sưu tầm. Tôi dựa trên bảng liệt kê của cụ và thêm thắt ít chữ tự sưu tầm được, rồi thử phân loại chúng theo những hình thức khác nhau. Tôi biết sự phân loại này không mấy chính xác vì tiếng cười đôi khi được hoán chuyển qua lại, lẫn lộn với nhau tùy theo từng trường hợp mà người sử dụng muốn dùng nó vào mục đích nào.

 

     Tiếng cười được diễn tả dựa theo âm thanh: Cười hề hề, cười hà hà, cười ha hả, cười hì hì, cười hô hố, cười hăng hắc, cười hềnh hệch, cười khanh khách, cười khúc khích, cười sằng sặc, cười the thé, cười giòn giã

     Tiếng cười được diễn tả với sự biến đổi trên khuôn mặt: Cười nheo mắt, cười chảy nước mắt, cười mép, cười mũi, cười ruồi, cười trâu, cười híp mắt, cười tít mắt, cười nheo mắt, cười phổng mũi, cười hở lợi, cười chúm chím, cười ra nước mắt, cười nửa miệng.

     Tiếng cười được diễn tả với thân thể: Cười nôn ruột, cười lăn cười bò, cười ngả ngớn, cười vãi đái, cười bò lăn bò càng, cười đau cả bụng,

     Tiếng cười được diễn tả khi vui: Cười vang, cười ngất, cười phá, cười ngặt nghẽo, cười giòn giã, cười hả hê, cười ha hả, cười khúc khích, cười phào.

     Tiếng cười được diễn tả khi không được vui hay khi buồn: Cười gượng, cười chua chát, cười nhạt, cười khẩy.

     Tiếng cười diễn tả khi không vui mà cũng không buồn: Cười khì, cười xòa, cười xí xóa, cười cười.

     Tiếng cuời diễn tả khi tức giận hay khi không vừa lòng: Cười gằn, cười mỉa, cười mỉa mai, cười khẩy, cười khinh khỉnh, cười cộc lốc.

     Tiếng cười có tính cách giao tế: Cười đón cười đưa, cười theo, cười cầu tài, cười lấy lòng, cười xã giao, cười thơn thớt, cười nịnh, cười cầu hòa, cười giã lả.

     Tiếng cười dùng cho vấn đề trai gái: Cười tình, cười nụ, cười hoa, cười ba lơn, cười động cỡn, cười bù khú, cười đú đởn, cười nham nhở, cười dê, cười duyên.

     Tiếng cười diễn tả về uy quyền: Cười trịch thượng, cười Thái sư.

     Những tiếng cười nêu trên chỉ có tính cách liệt kê chứ không mang tính cách giới hạn vì chắc chắn ngoài những tiếng kể trên, còn nhiều tiếng cười khác nữa vì có những tiếng chỉ được dùng cho từng địa phương mà thôi, không phổ biến rộng rãi.

     Tiếng cười cũng có đời sống của nó, có nhiều tiếng mới đựơc sinh ra và cũng có nhiều tiếng nay ít người dùng hay không còn được dùng nữa, chúng đã trở thành "tử ngữ". Có những tiếng cười đôi khi chỉ được dùng cho một người, có khi chỉ dùng cho nhiều người, hay chỉ cho con trai hoặc chỉ cho con gái … mà không thể dùng lẫn cho nhau được. Có những cái cười như cười tủm tỉm, cười chúm chím, cười mỉm ... cười ruồi, nói chung là "cười cười" thì thật khó mà suy đoán được ý nghĩa thực của nó, nghĩa là không hiểu nổi cái thông điệp mà người cười muốn gửi đi. Lúc đó ta phải nhận diện thêm những yếu tố khác như sự diễn tả trên nét mặt, âm điệu hay tình huống xẩy ra cái cười ấy. Trong trường hợp khó khăn như thế ta chỉ nên cười góp và có khi sự cười góp một cách ngớ ngẩn lại mang họa vào thân. Khó thật!

     Ngoài ra ta còn có một loại cười đứng riêng biệt, đó là cười thầm. Cười thầm thì không thể phát ra tiếng được dù là rất nhỏ mà nó chỉ là trạng thái "cười ngầm trong bụng". Tuy cười một mình, không thành tiếng, nhưng nó lại không thuộc loại cười mỉm, cười ruồi, hay "cười cười" đâu nhé, vì cười thầm không mang tính chất diễn tả mà thông thường nó chỉ mang tính chất ẩn ý như để chê bai hay không đồng ý về một điều gì đó nằm trong ý nghĩ, cũng có khi là một ý nghĩ ngộ nghĩnh, hóm hỉnh kín đáo riêng tư của mình.

     Để hiểu được tiếng cười của dân ta thì thật vô cùng khó khăn và gian nan. Cụ Nguyễn Văn Vĩnh có ý chê trách dân ta cái gì cũng cười, vui cũng cười mà buồn cũng cười nên đôi khi làm mất vẻ trang nghiêm. (Dân An Nam ta gì cũng cười, nhăn răng hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang ...) Chê trách như thế cũng có phần đúng, nhưng cũng có thể cụ hơi khắt khe với cái cười của dân ta chăng? Và cũng có thể cụ chưa để ý xét hết cái cá tính đặc thù của người mình qua những câu của các cụ ta xưa kia để lại, như "khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười", đấy là chưa kể đến "vô duyên chưa nói đã cười" hay cười chỉ là động tác để "cười hở mười cái răng" mà thôi.

     Cười, nói chung không phải chỉ được diễn tả bằng những "tiếng cười" mà còn được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau trong đời sống như sinh hoạt xã hội và cả trong văn học nghệ thuật nữa. Riêng trong văn học, qua văn chương từ bình dân cho tới bác học, cười đã đóng góp vào đó một cách sâu xa và đáng kể. Cười được thể hiện qua những câu ca dao tục ngữ dân gian dí dỏm, những truyện tiếu lâm truyền khẩu hay thành văn, hoặc những bài văn thơ trào phúng, tự trào, cũng như châm biếm, mà mỗi khi đọc lên ta không thể không cười, dù nhiều hay ít.

     Qua một vài nhận xét thô thiển trên, tôi thấy cái cười của dân ta thật phong phú làm sao. Cười còn thì dân tộc Việt Nam còn và Việt Nam còn thì cái cười ắt hẳn phải càng ngày càng phong phú hơn. Chúng ta đã may mắn được sinh ra trong một đất nước có nhiều tiếng cười như thế, đương nhiên nó phản ảnh rõ tinh thần lạc quan, đa dạng trong cuộc sống của dân ta. Vui cũng cười, buồn cũng cười, dù hoàn cảnh khó đến đâu ta cũng cố cất tiếng cười hay để trên môi một nụ cười, có thể dù chỉ là cười gượng. Cười thường là nguồn hoan lạc đem đến cảm giác dễ chịu cho mình và cho mọi người chung quanh. Từ đó ta suy ra được cái cười của dân ta cũng còn phản ảnh được nếp sống văn hóa lấy nhân bản làm gốc, vì mình và cũng vì người.

 

   NGUYỄN GIỤ HÙNG

 

Xem thêm...

CHUYỆN LÁI MÁY BAY - Phương Toàn

CHUYỆN LÁI MÁY BAY
Phương Toàn
 
▂ ▃ ▅ ▆ █☆★█ ▆ ▅ ▃ ▂ 
 
Hai vợ chồng tôi lấy nhau được hơn một năm thì vượt biên, vị chi đến nay định cư ở Mỹ được hai chục năm.
Ngày mới sang đến trại tị nạn, hăm hở lắm với những tin đồn được đãi ngộ tại Mỹ. Tôi là phi công của Không quân, vợ tôi là phụ tá nghiệm chế ở Dược khoa, chắc Mỹ chẳng bỏ rơi mình.
Đúng, Mỹ nó chẳng bỏ rơi hai vợ chồng tôi khi đặt chân đến phần đất mới này. Nó cho vợ tôi cái nghề rửa chén, và cho tôi một cái xẻng để làm helper đi đào đất chôn ống cống. Mỹ còn ưu ái hơn, cho chúng tôi mỗi đứa một số quần áo ''tốt'', tha hồ lựa ở kho Salvation Army. Hai vợ chồng từ đó biết thân phận mình, vừa làm, vừa học và vừa góp tiền cắc để gửi về giúp gia đình.
Một hôm, hình như cám cảnh cái nghề mới của tôi, vợ tôi hỏi:
- Kể cho em nghe, tại sao anh lại trở thành phi công"
- Tại anh có chí tang bồng hồ thỉ, muốn làm Đường Minh Hoàng đêm đêm du nguyệt điện.
Đây là lần đầu tiên nói dối vợ, không hiểu tại sao vợ tôi lại biết, nó bĩu môi đáp:
- Xạo ke.
***
Thú thực đời phi công của tôi bắt đầu chẳng phải vì chí tang bồng, mà nó bắt đầu bằng một sự ngẫu nhiên.
Biết khả năng mình chẳng thế nào lái nổi chiếc máy bay. Vì di truyền sao đó, có thể tại ông già bị má tôi dợt cho quay mòng mòng hoài, nên cứ ngồi lên cái gì nhúc nhích là tôi nhức đầu, kể cả ngồi võng.
Tôi ở Rạch giá, thời học trò thỉnh thoảng được về thăm quê, cứ mỗi lần xe đò chạy tới
Bình Chánh là tôi bắt đầu ói mửa như con gái có bầu. Nghĩ đến Không Quân, tôi cũng khoái lắm, khoái không phải vì bay bổng mà là vì khỏi lội sình. Nhưng cứ nghĩ sang Không Quân mà không bay được, thế nào nó cũng đuổi về Bộ Binh thì quê lắm.
Tôi gia nhập khóa 1/69 Bộ Binh, đang thụ huấn tại Quang Trung thì Không Quân sang tuyển người. Tôi chẳng tha thiết gì nhưng thằng Trương Phương Tuyên dụ:
- Ghi danh vào Không Quân, theo xe về Trung Tâm Y Khoa khám sức khoẻ, mỗi ngày mình chỉ cởi quần áo cho ông bác sĩ xem, nhảy tưng tưng mấy cái cho ổng đo, rồi vù ra phố chơi chiều về lại quân trường, đã lắm.
Tôi và nó ghi danh vào Không Quân và đúng như nó nói, hai thằng nhởn nhơ một tuần lễ đi khám sức khoẻ. Khám chẳng được là bao, nhưng chiều nào về ngang qua Ngã ba Chú Ía, hai thằng cũng không quên vẫy tay chào mấy nàng Kiều cho thắm tình Quân Dân cá nước.
Mãn khóa Quang Trung, tôi được chuyển về Thủ Đức học tiếp để chờ ngày ra trường. Một hôm chuẩn bị ra tuyến ứng chiến, tôi được lệnh trả quân trang để về Không Quân. Thằng Tuyên nói:
- Chỉ còn 6 tuần nữa ra trường, mang lon chuẩn uý, bây giờ về Không Quân mang Alpha dài dài.
Hai thằng bèn hạ quyết tâm ở lại.
Tôi nói với ông Thượng Sĩ già:
- Thượng Sĩ, tôi không về Không Quân đâu.
Ông trợn mắt lên nạt:
- Giỡn chơi cha non, quân đội chứ ở nhà hay sao" Bộ muốn làm gì thì làm hả " Đến 8 giờ tối mà không ký giấy trả đồ, An Ninh nó ghép vô tội nội tuyến là bỏ mẹ.
Nghe nói tới An Ninh là tóc tôi dựng đứng đàng sau, tôi bèn trả đồ và lấy sự vụ lệnh để về Không Quân.
Tôi được xếp học khóa 69A, toàn là những tay thông minh và gốc bự, như thằng Phan Huy Bách, ba nó là Thủ tướng Phan Huy Quát, thằng Hà Thúc Việt chi chòm ông Hà Thúc Ký, Hồ Văn Anh Tuấn con cháu Hồ Biểu
Chánh (Nó thề độc là mình không có dính dáng gì đến Hồ Chí Minh). Chỉ có tôi là bần cố nông mê muội, ngay cả ông già cũng chết ngắc ngày còn nhỏ.
Ra đến Nha Trang tôi được niên trưởng chào đón và dạy dỗ rất chí tình. Khóa đàn anh, tôi gọi là niên trưởng, khóa lớn hơn tôi gọi là đại cồ, lớn nữa thì gọi là siêu đại cồ rồi dần dà lên đến Thiếu uý sinh viên sĩ quan, Trung uý, Đại uý... Có một ông niên trưởng tự xưng là Đại tá sinh viên sĩ quan siêu đại cồ niên trưởng. Hôm mới ra Nha Trang ông bắt tôi chào con Đại bàng ở cổng, ông cầm khẩu carbine lên đạn lách cách tuyên bố:
- Bắn bỏ ba mươi phần trăm không cần làm báo cáo.
Tôi hoảng hồn. Té ra tôi chọn lầm binh chủng rồi, ở đây nó coi mạng sống con người rẻ như bèo.
Ông niên trưởng hay ví von thời gian đi lính của tôi ít hơn ngày ông khai bịnh lậu ở quân trường. Ông dạy tôi về tinh thần ''thượng mã'' của phi công, ông nói ra trận, hạ máy bay địch, nếu phi công nó nhảy dù ra thì bay ngang, lắc cánh mà chào chứ không bắn pilot. Ông dạy về chữ: ''Không bỏ anh em, không bỏ bạn bè''. Ông nói:
- Tất cả mọi người đeo con rồng lên ngực, sống chết có nhau, là ăn cùng mâm, ngủ cùng giường.
Thằng Hà Thúc Việt cười phá lên , ông niên trưởng đến gần gằn giọng:
- Ông này cười cái gì"
- Dạ cười ngủ chung với Tiếp Viên Hàng Không.
Ông ngạc nhiên nhìn nó, đi tới đi lui, ngẫm nghĩ, chợt ông đừng lại gằn giọng:
- Mặt ông ngu hơn thằng chăn trâu, Tiếp Viên nào cho ngủ chung mà mơ.
Nó dí dỏm đáp:
- Dạ tại niên trưởng nói ai đeo con rồng lên ngực thì mình được ngủ chung một giường.
Ông bực lắm, với giọng kẻ cả, ông giải thích:
- Có nhiều loại rồng, rồng Không Quân là rồng khạc lửa, rồng Nữ Tiếp Viên là rồng...lộn.
Đến lượt thằng Tuyên phì cười. Ông quát:
- Ông kia cười cái gì"
Nó bí thế đáp:
- Dạ cười con rồng.
Ông trợn mắt hỏi :
- Con rồng có gì mà cườI"
Tuyên đáp bằng giọng Huế:
- Dạ, tại nó... lộn.
Cả hàng quân cười ồ lên, ông thấy mấy thằng đàn em này lếu láo qúa, ông phải ra oai kẻo chúng lờn, ông nạt tiếp:
- Rồng lộn có gì mà cười "
- Dạ con rồng lộn không có gì để cười, nhưng Nữ Tiếp Viên rồng lộn thì buồn cười.
Ông tức mình bắt hai thằng móc giò lên cửa sổ, miệng hô to một trăm lần câu: ''Nữ Tiếp Viên rồng lộn không có gì phải cười''.
Tưởng như chưa đã nư, ông đến gần một thằng thấp nhất khóa, gằn giọng hỏi:
- Tại sao ông đã xấu, mà lại còn dám lùn"
Thằng Tú ngơ ngác vài giây rồi đáp sảng:
- Dạ tại... ông già lùn.
Ông niên trưởng lại đi thêm một bài giáo khoa thư:
- Xe trước đổ thì xe sau tránh, cây đắng thì phải cố sinh trái ngọt, ông già lùn thì con phải cao, ông biết vậy mà còn ngoan cố cứ lùn. Móc giò lên đuôi bom cho tôi.
Giải quyết xong thằng Tú, ông bước sang đứa kế, ông hỏi:
- Ông tên gì?
- Khóa sinh Lê Văn Nãi, khóa 69A trình diện niên trưởng.
Ông nhìn thằng Nãi đẹp trai, cố kiếm một tội để ghép. Ông chửi:
- Gái bán Bar cũng biết ông thuộc khóa 69A, tôi hỏi tên, khai chi cả khóa. Ông họ Lê, biết Lê Long Đĩnh không"
- Dạ không.
- Mặt ông và mặt Lê Long Đĩnh giống nhau như đúc mà còn chối, Lê Long Đĩnh là vua dâm dật Lê Ngọa Triều, ông tổ mười đời của ông mà ông còn chối thì mai sau ông sẽ chối bỏ bạn bè. Từ nay mỗi lần trình diện, ông phải nói: Khóa sinh Lê Văn Nãi, cháu đích tôn Lê Ngọa Triều, ông quên thì thác cô hồn với tôi.
Ông niên trưởng chừng như thấy quá mất giờ để phạt từng thằng, ông dõng dạc tuyên bố:
- Chưa có một khóa nào ngu như khóa này, mặt ông nào cũng đần đần độn độn, tôi đếm từ một tới năm, không muốn thấy một cái chân ông nào còn đứng trên quả địa cầu.
Ông bắt đầu đếm, hàng quân như ong vỡ tổ, mỗi đứa cố gắng kiếm một vị trí để móc cẳng mình cao hơn mặt đất, không cứ là móc lên cái gì, miễn là đôi giày bốt không còn chạm mặt đất cho ông niên trưởng hài lòng.
Tôi cắn chặt hai hàm răng, sợ bật cười sẽ bị ông ra lệnh móc cẳng lên ngọn cây dương thì khốn.
***
Thấm thoắt một năm trôi qua, tôi được đi Mỹ để học lái máy bay.
Đây là lần thứ ba tôi được leo lên chìếc máy bay. Hai lần trước đều ngồi bệt dưới sàn chiếc C119 thủng đít đi từ Sài Gòn ra Nha Trang và về lại, lần nào mưa cũng hắt ướt như chuột lột, lần này chiếc máy bay của hãng Braniff International không dột mà lại có ghế đàng hoàng, cô chiêu đãi viên đẹp hết cỡ, cô ta hỏi chuyện tôi nhiều, nhưng tôi không hiểu mấy. Một lần tới bữa ăn cô hỏi:
- Do you want coffee, tea or milk"
Nhìn chiếc xe cô đẩy, tôi hiểu ngay rằng cô hỏi tôi muốn ăn uống gì không.
Tôi trả lời là Yes. Cô lại hỏi:
- You want some coffee"
Tôi lập lại là Yes, với chữ S kéo dài thêm, ý nói muốn lắm.
Cô đưa cho tôi một ly cà phê đắng nghét. Mỉm miệng cười duyên, chắc cô đoán chuyến phi cơ này đụng toàn thứ thiệt, không cần phải hỏi thêm thằng Việt, cô đưa cho nó một ly sữa tươi. Cô hỏi hai đứa :
- Do you want some sugar"
Tôi tưởng cô hỏi muốn thêm cà phê không, nên trả lời rất lịch sự:
- No, thank you Sir .
Uống xong ly cà phê đắng, tôi hỏi thằng Việt, sao mầy được uống sữa, nó trả lời cũng không hiểu tại sao. Tôi nói ở quê tao sữa bột pha ra toàn cho heo ăn, người uống đau bụng chết. Nó nói, họ đưa gì thì uống nấy chứ bộ chọn được sao" Tôi than phiền phải uống cà phê đắng, nó nói chắc Mỹ nó không uống đường, hôm nay mình sang Mỹ tập uống cà phê đắng cho quen .
Sang đến Lackland Air Force Base tôi được học Anh ngữ và mãn khóa, lúc này trình độ Anh ngữ khấm khá lắm rồi, ông thầy Anh văn dưới quê bị tôi bỏ xa. Dù sao tôi cũng phải mang ơn ông vì ông đã dạy cho tôi biết những câu vỡ lòng, như chữ ''bacon'' nghĩa là thịt mỡ, "hot dog'' là thịt chó nóng hổi và ''chase the girl'' nghĩa là rượt con gái. Tôi cũng đã biết chắc chắn rằng đồng mười xu tuy nó nhỏ hơn đồng năm xu nhưng giá trị gấp đôi.
Cuối cùng ngày chờ đợi đã đến, đó là ngày chuyển trại để đi học lái máy bay ở Fort Wolters, Texas, tôi lo lắm, vì cái bệnh say gió của mình thế nào cũng bị rớt đài. Hôm đầu tiên ra phi đạo, thằng thầy cho tôi lên chiếc TH55 nhỏ như cái trứng gà, lại không có cửa, nó bay lên tắp tít mây xanh nghiêng qua nghiêng lại phát khiếp, mỗi lần như vậy tôi phải uốn người vào trong cho máy bay thăng bằng trở lại, chỉ sợ mình rớt ra ngoài. Có nhiều lần tôi phải gồng tay lại nắm lấy thành ghế cho chắc. Sau gần một giờ biểu diễn, thằng thầy đáp xuống phi đạo, nhìn tôi cười cười, tôi ra hiệu cho nó, ý nói phải ngừng ngay tại chỗ cho tôi nhảy xuống, bằng không tôi sẽ ói thẳng vào mặt nó. Thằng thầy đứng lại cho tôi ói. Tôi ói một cách thoải mái cho dù biết rằng cú ói này sẽ chấm dứt cuộc đời bay bổng của mình.
Lạ quá, sau khi đưa máy bay vào chỗ đậu, nó khen tôi chịu đựng giỏi và tiên đoán là tôi sẽ bay được. Tôi vận dụng khả năng Anh ngữ để hỏi là tại sao ói mà bay được" Nó cười cười trả lời:
Chẳng có thằng nào mà không ói ngày nó bay thử đầu tiên cả.
Tôi mừng lắm, thì ra tôi ói là do thằng này nó chơi, có lẽ cái sự quay mòng mòng của má tôi nó không áp phê ở xứ Mỹ này. Chắc là được Chúa Phật độ trì, sau gần một năm tôi thi mãn khóa và đậu. Bạn bè có đứa xì xào rằng tôi đậu vớt.
Về nước và chuyển về Không đoàn 43 Chiến thuật ở Biên Hoà. Một hôm đi hành quân ở biên giới Kampuchia, thả Biệt kích Lôi Hổ, đang mơ mộng nhìn con suối thì đạn AK nổ như bắp rang, phi cơ tôi như cục sắt rớt cái bịch xuống sườn đồi, tôi chẳng còn nhớ tí ti gì về phương pháp đáp khẩn cấp mà trường đã dạy. Nhìn ra ngoài, thấy chiếc phi cơ móp bẹp như con cóc tía, cánh quạt chém cây rừng đổ te tua và chiếc cánh quạt cũng te tua chẳng kém ngọn cây rừng. Hai chiếc Cobra của Mỹ hộ tống bắn rocket rầm rầm làm tôi hoảng quá, rút vội cái chốt gắn khẩu đại liên cùng thằng xạ thủ phóng ra rừng chạy một mạch. Chạy khoảng 200 mét, tôi hoàn hồn chút đỉnh và mệt quá, tôi chọn chiếc gò mối cao, căng chiếc càng đại liên ra, chuẩn bị một xạ trường để chiến đấu. Thằng VC nào vô phúc nhào lên là nhất định sẽ sinh Bắc tử Nam. Tôi thấy thiếu một cái gì mà nghĩ hoài không ra, bỗng thằng xạ thủ hỏi:
- Thiếu uý, mình không có đạn à?
Lúc bấy giờ tôi mới nhớ, thì ra vác cây đại liên mà chạy, tôi quên phéng ngay thùng đạn còn nằm trên phi cơ, tôi vội tháo lấy chiếc nòng, rồi vứt cây súng M60 vào bụi rậm và... chạy tiếp.
Tôi còn một cây P38 và hai viên đạn, lúc này mới thấy nguy hiểm quá chừng, hai viên đạn thì làm được trò trống gì. Ngày lãnh súng, tôi được phát 6 viên đạn, ráp đầy các lỗ của trái khế trong ổ súng, tôi thấy hơi ít, hỏi ông Phi đoàn phó, ông nói:
- Pilot đi đâu cũng chỉ đeo có một cây súng và hai viên đạn, mày có 6 viên còn ít ỏi gì. Nghe nói thế sau này mỗi lần đi bay gần bãi trống tôi hay bắn bia và cuối cùng còn lại đúng hai viên. Trên tay còn cái nòng súng M60, tôi nghĩ, Việt cộng đội nón cối, mình lựa thế, giến cho một nòng đại liên bằng sắt lên đầu, có mà trời cứu. Nghĩ thế nên tôi vững bụng đôi chút. Cũng may lần này có hai chiếc gunship hộ tống và mấy chiếc H34 thả Lôi Hổ ở Lào đang bay về gần, xuống bốc bọn tôi về an toàn.
Thấy hai thằng Võ Trang bay vòng vòng có vẻ đỡ hơn đi thả Lôi Hổ, tôi có ý định xin về bay Gunship, chưa kịp xin thì hên quá, sếp của tôi cho tăng cường vào Phi đội Gunship. Bay Gunship thì mệt một chút nhưng không phải lơ lửng trên ngọn cây đưa bụng cho chúng bắn.
Một hôm đi hành quân ở gần Bến Thế, Bình Dương, tôi phải yểm trợ cho Bộ Binh hành quân. Quân bạn cho biết họ ở sát bờ nam con rạch, địch ở phía bắc. Tôi nghĩ thầm, mấy cha Bộ Binh hay lừa mình, thôi thì bay cách hướng Nam con rạch hai cây số, bắn về phía Bắc, rồi cách con rạch một cây số ta vòng lại, nếu máy trục trặc thì cũng rớt lên đầu quân bạn. Tôi vào trục, nhắm mục tiêu bóp cò, rocket không nổ, tôi lượn ra mới hay mình bật lầm nút. Tôi nhào vào lại, bắn được hai quả rocket, một quả tịt, một quả nổ ở hướng nam con rạch, thì thấy đạn phòng không bay tứ phía, phi cơ bốc cháy ở bình xăng, tôi phải cho máy bay, bay ở vị thế nghiêng, cho khối lửa dạt ra ngoài, kẻo nó tràn vô phòng lái.
Theo bài bản học khi ở trường lái, nếu máy bay cháy, việc đầu tiên là phải bấm nút release cho hai bó rocket rớt khỏi thân tàu, kẻo nó bắt lửa nổ là bỏ mẹ cả đám. Tôi tính làm như vậy nhưng chợt nhớ lời ông già dặn hồi nhỏ: Đánh nhau, nếu bị thằng hàng xóm đấm vào mặt, không đấm lại được, thì lấy đất cày mà phang vào mái nhà nó, gặp thằng keo kiệt, tiền sửa mái nhà làm nó đau hơn bị đấm thiệt. Nên thay vì release hai bó rocket, tôi bèn bật nút cho nó nổ ''la-phan''. Ôi thôi mười sáu quả còn lại thi nhau chui khỏi giàn phóng, quả thì nổ ở hướng bắc con rạch, quả thì bay tuốt sang bên kia sông Sài gòn nổ ở tận mật khu Bời Lời. Tôi quẹo 180 độ và cho phi cơ nhào đại xuống con rạch gần đó.
Chiếc máy bay cày tung bùn như con cá thòi lòi phóng dưới bãi sình và tôi phóng vội ra ngoài. Cụ mẹ cuộc đời, tôi bị lừa, Bộ Binh nó cách con rạch tới hai cây số. Sau này hỏi lại, tôi được trả lời là nó sợ tài bắn của tôi, nếu không nói vậy lỡ tôi bắn trúng đầu nó thì sao. Mà nó hay thiệt, nếu nó ở phía nam con rạch như lời nó nói, thì quả rocket vừa rồi đã làm nó chạy té đái trong quần.
Cũng may số tôi còn lớn, thằng Gunship 2 kề kịp và bốc tôi lên an toàn, bỏ lại chiếc máy bay cháy mịt mù ven bờ suối. Về đến Phú Lợi, tôi mới hoàn hồn hẳn và nhận ra Phi hành đoàn thiếu một người. Tôi hỏi Cơ Phi là thiếu ai, nó nói thằng Xạ Thủ nóng quá phóng ra lúc còn ở cao độ hơn trăm bộ. Và cũng may mắn là nó rớt xuống cái bàu và thằng C & C hành quân gần đó bốc lên rồi.
Hôm sau đơn vị cho biết, tôi sẽ được Anh Dũng Bội Tinh, công bắn mười sáu quả rocket, trúng hầm đạn VC gây nhiều tiếng nổ phụ, tôi còn được Chiến Thương Bội Tinh vì vết phỏng trên tay do quên mang chiếc găng tay chắn lửa Nomex, cộng thêm chiếc Phi Dũng Bội Tinh vì tôi bay hay quá, máy bay đã cháy mà còn lết cả mấy trăm thước mới chịu rớt.
***
Trời phú cho tôi cái tính hay sợ chết, sau lần chết hụt này, tôi nhắm xem có loại phi vụ nào ngon hơn bay Gunship hay không.
May thay, phi đoàn trưởng nói tôi có tướng ''sát phi''. Cả phi đoàn có không đầy hai chục chiếc phi cơ bay được, tôi đã nướng hết hai, ông không muốn mất thêm nữa, nên cho tôi bay những phi vụ liên lạc, và bay VIP thật là nhàn hạ.
Một hôm nhận lệnh bay cho Phủ Phó Tổng Thống, đáp ở bãi đáp VIP Air Vietnam. Tôi tưởng là mình sẽ chở tướng Kỳ hoặc bay theo chiếc Triệu Minh Vô Kỵ của ông, tôi đáp chỗ ấn định thì chẳng thấy tướng tá nào, chỉ thấy một ông già râu tóc bạc phơ cùng hai cô bé thơm như mít tố nữ, tháp tùng bằng một anh Đại uý với chiếc máy truyền tin PRC 25.
Ông Đại uý hách xì xằng này ra lệnh cho tôi đi Trà Vinh. Tôi hỏi Trà Vinh là ở đâu? Ông trợn mắt nhìn tôi như nhìn một dị nhân, có lẽ ông nghĩ sao có thằng phi công ngu như vậy. Nhướng đôi lông mày, ông nói Trà Vinh nó ở Vĩnh Bình. Tôi tưởng rằng mình sẽ bay vòng vòng ở Quân khu 3 nên hỏi: Vĩnh Bình có gần Phước Bình không? Ông hỏi: Phước Bình nào? Tôi nói Phước Bình ở gần núi Bà Rá trên Phước Long. Ông chán đời nói: Mình đi Vùng 4. Tôi nói là không có bản đồ đi Vĩnh Bình ở Vùng 4 vì tôi hành quân ở vùng 3 Chiến thuật, ông nói cứ bay đi rồi ông chỉ.
Tôi bay xuống Vĩnh Bình, ông liên lạc sao đó, Tỉnh trưởng ra đón vào tòa hành chánh, để lại tôi và hai em bé xinh xinh chờ ở phi trường.
Tôi hỏi:
- Hai cô đi đâu mà xuống đây?
- Dạ em đi ăn giỗ ngoại.
Bây giờ thì tôi biết là phi vụ của tôi có nhiệm vụ đưa hai cô gái về quê ăn giỗ ông ngoại.
Chiếc xe Jeep của tỉnh chạy ra chở thêm mấy người nữa, có ông già búi tó, có bà mặc bà ba. Ông Đại Uý lại ra lệnh cho tôi:
- Mình đi Chợ Lách. Tôi lại hỏi:
Chợ Lách nó ở đâu?
- Ông chán nản nhìn tôi và lặp lại câu cũ:
- Bay đi rồi tôi chỉ.
Ông khoác tay chỉ tôi bay về hướng Vĩnh Long, qua con sông Mỹ Thuận, rồi vòng vòng một hồi, ông chỉ một con sông, bảo tôi theo đó mà bay. Đến một con rạch nhỏ, ông dòm xuống một xóm làng và bảo tôi đáp xuống một con đê, gần đồn Nghĩa Quân. Ông ra lệnh:
- Tắt máy rồi mình vào đây ăn giỗ, chiều về.
Bốn thằng Phi Hành Đoàn tụi tôi nhìn nhau, tôi không dám để chiếc máy bay nằm đây cho Nghĩa Quân coi để vào ăn giỗ, sợ vợ nó xúi hút xăng về nấu rờ sô hoặc bỏ muối vào bình xăng chút ra đề khó nổ. Tôi năn nỉ ông cho bọn tôi về Mỹ Tho hay đâu đó để kiếm cơm bình dân mà ăn. Ông nói đi đâu thì đi 4 giờ trở lại đón Phái đoàn. Tôi bực mình cho phi cơ bay về Vĩnh Long đáp xuống bãi nổi ở bờ sông trước dinh Tỉnh trưởng. Một anh Địa Phương Quân ra đuổi, nói bãi đó dành riêng cho tỉnh trưởng, thằng Cơ Phi cương ẩu:
- Tỉnh Trưởng lớn bằng Phó Tổng Thống không? Phi cơ này của phủ Phó Tổng Thống.
Anh Địa Phương Quân chạy vào trong, lôi ra một anh Đại Uý, anh này khúm núm như tôi là Phó Tổng Thống vậy, anh hỏi tôi cần gì, tôi mượn một xe Jeep đi ăn cơm. Cơm xong tôi phanh ngực áo bay, tụt phẹc-ma-tuya tới gần háng cho mát, giăng võng nằm ngủ. Ông Đại Uý thỉnh thoảng ra dòm chừng, có lẽ ông thắc mắc, sao Phi hành đoàn của Phó Tổng Thống mà quá bình dân và xấu trai như vậy. Gần bốn giờ chiều, trở lại Chợ Lách đón phái đoàn. Hôm sau kể chuyện lại cho thằng Tuất nghe, nó trợn mắt:
- Mày điếc không sợ súng, vùng đó tụi tao ít thằng nào dám la cà vào, bay thấp thì AK nó bắn, bay cao thì SA 7 nó chào.
Tôi ngẫm nghĩ, phi vụ nào cũng nguy hiểm cả, như thế làm sao sống nổi cho đến ngày biết yêu. Tôi hỏi ông Phi đoàn Trưởng có phi vụ nào đỡ nguy hiểm hơn không, ông nói:
- Có, ở ngoài Phù Cát bay đỡ nguy hiểm hơn, vì toàn là cát và nước biển, có rớt cũng rớt êm êm.
Thực ra ông chỉ nói chơi thôi, vì tôi là thằng cuối cùng luân phiên thuyên chuyển sau bốn năm ở phi đoàn. Tôi ra Phù Cát, an toàn thật, vì thời điểm này Mỹ cắt viện trợ, một tháng chỉ bay vài phi vụ, còn lại là chuyên học nhảy đầm và luyện Tae Kwon Do.
Đến hôm di tản chiến thuật về Nha Trang, tôi đang uống cà phê ở Câu lạc bộ thì nghe súng nổ tứ tung, chạy ra ngoài thấy lính Không Quân chạy đầy phi đạo, tôi vội chạy ra chiếc phi cơ của mình, còn cách khoảng 20 mét thì thấy nó tự động vọt lên trời, bên trong đen ngòm là người. Quýnh quá, tôi vòng ngược trở lại, thấy một chiếc phi cơ cũng đầy là lính, trên ghế lái có một anh mặc đồ bay ngồi đó, chiếc ghế trưởng phi cơ còn trống, tôi phóng lên ngồi, cả phi cơ đều nhìn tôi. Tôi hỏi ông phi công:
- Vọt đi chứ cha, nó tràn ngập bây giờ.
Anh phi công nói:
- Em bay không được.
Tôi vội chụp cần lái, mở máy, cho phi cơ vội vọt lên trời và theo đoàn phi cơ hướng về Nam, đáp xuống Tân Sơn Nhất. Tôi hỏi ông phi công ngồi bên trái:
- Ông là phi công gì mà không biết bay"
- Dạ em chưa ra trường, với lại hôm nay máy bay nhiều quá, mà em thì không có Checklist để mở máy.
Đó là phi vụ cuối cùng của tôi, nó chấm dứt cuộc đời bay một cách vô duyên, có lẽ cũng giống như nó đã bắt đầu cuộc đời bay bổng vô lý của tôi. Nó không bắt đầu bằng mộng mây trời và cũng không kết thúc bằng những chiến công oanh liệt.
Phi công của Không Quân toàn là những anh hùng, những người hào hoa và bay bướm, không hiểu tại sao lại đọa ra một thằng như tôi, vừa cù lần vừa dấm dớ. Hơn 5 năm khoác chiếc áo bay, tôi chẳng làm được cái gì nên tích sự, ngoại trừ lừa được một người con gái khờ, đó là má bầy trẻ của tôi bây giờ. Cho tới nay bà vẫn tin là tôi ngon lắm, hơn hẳn những thằng phi công khác, cho dù cứ mỗi lần tôi gáy, thì theo thói quen, bà vẫn đồng ý bằng câu trả lời cũ ''xạo ke''.
Hiện nay đã''An cư lạc nghiệp'' tại Mỹ, tuy cũng rất cùi đày chẳng kém ai, nhưng vào cuối tuần, tôi cũng hay la cà ở quán cà phê nghe anh em bàn chuyện thế sự.
Quán cà phê chỗ tôi ở, có đủ mọi chuyện dài ''Nhân dân tự vệ'', từ những ông đội đá vá trời một thuở, bây giờ làm Lã Vọng ở nhà ăn trợ cấp, đến những người biết quá nhiều nghề, chẳng nơi nào xứng đáng cho ông làm, bèn đi thụt bi-da chờ thời. Tôi biết mình từng là pilot xạo ke thủa nọ, không dám gáy nồ trước đám đông, chỉ ngồi nghe kể chuyện thế thái nhân tình.
Hôm qua, có một ông sau khi kể thành tích long trời lở đất, thấy tôi ngồi im như Bụt, ông hỏi:
- Thế chú ngày xưa làm gì"
Bản tính bần cố nông của tôi tự nhiên vùng lên, không tự chế được mình, tôi gáy:
- Bay cho Phủ Phó Tổng Thống.
Cả quán bi-da quay lại nhìn tôi, có nhiều câu bàn tán nhưng một câu tôi thấy thấm thía nhất do một anh thanh niên nói: “Xạo ke.”
Chuyện đóng góp vào cuộc chiến của tôi không có gì đáng ghi vào công trận, mà toàn là những chuyện làm mất mặt pilot và binh chủng. Tôi chỉ mong các phi công của Không lực thứ lỗi cho vì tôi bắt đầu nhận ra chân lý: ''Nhận cái dở mình có, hay hơn đánh bóng cái hay mình không có''.
Tuần rồi dự lễ ra trường của đứa con gái, nhìn lên câu khẩu hiệu mà lớp 2001 dùng làm kim chỉ nam cho cuộc đời tương lai của chúng, tôi suy nghĩ mãi. Câu nói rất giản dị của Tony Arata: 'I will do my dreaming with my eyes wide open and I will do my looking back with my eyes closed''.
Tuy phải lưu vong ở quê người, ngày ngày đóng vai thằng phu ống nước, kiếm đồng bạc nuôi con ăn học, khó có hy vọng trở về quê cũ cầm lại cần lái chiếc trực thăng, tôi vẫn cầu mong sao, kiếp sau nếu có làm người, tôi sẽ cố gắng trở thành một phi công đàng hoàng hơn để xứng đáng với lời hát: ''Phi công ra đi lướt trên ngàn mây gió''.
Tôi cũng mong sao tập thể phi công không buồn lòng khi có một thằng ''Pilot ke'' dám kể chuyện ''Xạo ke'' mà tỏ ra chẳng ''ke'' gì về dĩ vãng, ở cái mảnh đất tạm dung này. Thật là đa tạ, đa tạ.
 
Phương Toàn
 

--

 * Cám ơn nhà văn Yên Sơn chuyển.

 

'Flying Anachronism': Douglas A-1 Skyraider Was a Vietnam War Warrior ...

Xem thêm...

Mưa - Nguyễn Giụ Hùng

 

 MƯA

NGUYỄN GIỤ HÙNG

THƯ GỬI BẠN

 

Mấy hôm nay San Jose mưa dai dẳng cứ kéo dài liên tục không ngừng.

         Ngoài trời mưa vẫn đổ, mây xám đen nặng trĩu vẫn đang vần vũ bay. Tôi ngồi một mình, bâng khuâng nhìn qua cửa sổ. Hoa trắng trên cây mận sau vườn rung rinh trong gió và run rẩy dưới cơn mưa đang trút xuống. Những cánh hoa mận mỏng manh không níu được cành, buông mình rơi xuống đất, trôi lẫn vào trong đám lá khô.    

         Không hiểu tại sao, những cơn mưa làm lòng người chùng xuống đến như thế, chùng xuống hơn cả những ngày âm u của mùa thu khi ngồi nhìn lá vàng rơi.

Bướm ơi bướm hãy vào đây,

Cho ta hỏi nhỏ câu này chút thôi.

...

Tầm tầm trời đổ cơn mưa,

Hết hôm nay nữa là vừa bốn hôm.

...

Cô đơn buồn lại thêm buồn,

Tạnh mưa bướm bướm biết còn sang chơi ...

       (Cô Hàng Xóm-Nguyễn Bính)

         Các anh có kỷ niệm nào về mưa không? Hồi còn ở Việt Nam, các anh có bao giờ ngồi trong lớp học, qua cửa sổ kính, mơ màng ngắm nhìn những làn mưa rào nặng hạt đùa chạy trong sân trường theo từng cơn gió mạnh; hay ngắm bóng cây si trước cổng phủ mờ trong nước và nghĩ đến người con gái học lớp dưới xinh xinh mà mình đơn phương ấp ủ yêu thương ... Các anh có thường thả hồn tĩnh lặng ngồi nghe những hạt mưa thảnh thơi rơi lõm bõm đều đặn từ mái hiên nhà, hay tiếng "loong boong" trong chiếc chậu thau hứng nước, hay tiếng mưa rào trên mái tôn trong đêm khuya. Mưa không chỉ gợi cho ta những kỷ niệm qua hình ảnh mà còn qua cả âm thanh của nó nữa.

         Với tôi ư? Tôi hẳn phải có nhiều kỷ niệm với mưa. Thường là kỷ niệm của tuổi học trò, cái tuổi còn hay mơ mộng với nhớ nhớ thương thương.

         Tôi còn nhớ, nhớ rõ lắm, lần đầu tiên tôi đến thăm "cô hàng xóm" vào một buổi chiều mưa. Thời gian đó chúng tôi vừa mới quen nhau. Một sự tình cờ thú vị làm chúng tôi nhớ mãi, đó là khi tôi vừa bước chân vào nhà nàng thì trên đài phát thanh cho phát đi bài nhạc Em đến thăm anh một chiều mưa của Tô Vũ. Tôi chỉ cần đổi một tý, từ "Em đến thăm anh" thành "Anh đến thăm em" là hợp cảnh rồi. Và cũng từ hôm đó, những ngày kế tiếp anh đến thăm em để:

Quên niềm cay đắng và quên đường về. (Tô Vũ)

        Hay có những hôm, tôi phải đứng trú mưa đợi người yêu. Khi tới, nàng run rẩy, đôi bàn tay giá lạnh đan quấn vào nhau. Lúc đó tôi nắm chặt lấy hai bàn tay ấy để truyền sang một chút ấm áp và muốn gửi đến nàng tất cả tình yêu nồng ấm của mình. Cái nắm tay, dù thật đơn giản, nhưng sao nó cho ta sự cảm nhận vừa thanh cao, vừa quyến luyến đến thế. Có tiếng YÊU nào có thể nói cho nhau nghe lại đằm thắm bằng một cái nắm tay siết nhẹ? Trong tình yêu, tiếng nói “yêu” đôi khi thật dư thừa.

        Trong miền Nam có những cơn mưa đầu mùa rất lớn. Cũng ở cái thuở học trò ấy, tôi thích đạp xe dưới những cơn mưa như thế. Tôi ngửa mặt lên trời để đón lấy những hạt mưa nặng đến rát mặt. Nước mưa chảy thành dòng, tan trong thân thể tôi. Cái mát ban đầu dần dần biến thành lành lạnh, rồi cái lành lạnh ấy cứ thấm dần thấm dần vào da thịt cho đến khi bị rùng mình, tôi mới biết là đã lạnh lắm rồi.

       Có hôm tôi đứng trú mưa, không phải vì sợ mưa, mà chỉ vì trong hàng hiên ấy có bóng dáng cô học trò cùng lứa tuổi. Đứng dưới hàng hiên cùng người "đẹp" thật là một niềm vui, dù chỉ là đứng chung trong một khoảng không gian nhỏ bé để cùng nhìn mưa rơi và nhìn “bong bóng” chạy. Tôi chẳng bao giờ dám làm quen dù rằng rất muốn. Đến lúc người con gái bỏ đi khi cơn mưa vừa tạnh, bấy giờ tôi mới thấy như có cái gì bâng khuâng, mất mát và nuối tiếc. Nuối tiếc vì mỗi khi cô thoáng ngoảnh mặt nhìn tôi, tôi vội quay mặt đi nhìn chỗ khác hay làm ngơ vì tôi sợ cô ta biết rằng trước đó, tôi đã liếc trộm nhiều lần. Tôi cứ thường tự hỏi sao trong trường hợp đó tôi lại ngoảnh đi, thay vì lên tiếng làm quen. Cái tuổi học trò sao nó dễ thương và khờ khạo đến thế. Biết đâu cô ấy lại chẳng muốn mình làm quen trước nhỉ?

       Nếu các anh lớn lên ở miền Bắc, chắc chắn các anh sẽ yêu thích những bến đò. Bến đò đã từng là hình ảnh gợi cảm xúc của biết bao nhiêu thi nhân. Mưa vốn đã buồn, nhưng cảnh mưa tại bến đò thì cái buồn đó sẽ được tăng lên gấp nhiều lần.

Tre rũ rợi ven bờ chen ướt át,

Chuối bơ phờ đầu bến đứng dầm mưa.

Và dầm mưa dòng sông trôi rào rạt

Mặc con thuyền cắm lái đậu trơ vơ.

 

Trên bến vắng, đắm chìm trong lạnh lẽo,

Vài quán hàng không khách đứng xo ro.

Vài bác lái ghé buồm vào hút điếu

Mặc bà hàng sù sụ sặc hơi, ho. 

 

Ngoài đường lội họa hoằn người đến chợ  

Thúng đội đầu như đội cả trời mưa.

Và họa hoằn một con thuyền ghé chở

Rồi âm thầm, bến lại lặng trong mưa.

(Bến Đò Ngày Mưa - Anh Thơ)

 

     Tôi thấy thi sĩ Anh Thơ đã nhân cách hóa cảnh vật để cùng "người" chia sẻ tâm sự u buồn của một ngày mưa: tre thì rũ rượi, chuối cũng bơ phờ, quán hàng đứng co ro. Những hình ảnh bến đò dưới cơn mưa của nhà thơ Anh Thơ sao nó âm u quá, gần như đến thê lương. Thê lương nhưng vẫn có cái “thấm” nhẹ nhàng riêng cuả nó trong lòng chúng ta.

     Thôi, các anh hãy cùng tôi đi vào cơn mưa nhẹ nhàng hơn và thanh thoát hơn. Chúng ta hãy đón nhận những hạt mưa của nhà thơ Huy Cận nhé:

Đêm mưa làm nhớ không gian,

Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la ...

 

Tai nương nước giọt mái nhà

Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn.

 

Nghe đi rời rạc trong hồn

Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi ...

 

Rơi rơi ... dìu dịu rơi rơi ...

Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ ...

 

Tương tư hướng lạc, phương mờ ...

Trở nghiêng gối mộng, hững hờ nằm nghe.

Gió về, lòng rộng không che,

Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư ...

(Buồn Đêm Mưa – Huy Cận)

      Những câu thơ của Huy Cận có vẻ nhẹ nhàng hơn, chải chuốt hơn phải không? Khi đọc nó, ta không bị lún quá sâu xuống trong nỗi buồn như bài thơ của nữ sĩ Anh Thơ. Mưa của Huy Cận chỉ là cơn mưa nhỏ với tiếng mưa nhè nhẹ trong đêm.

Rơi rơi ... dìu dịu rơi rơi ...

Trăm muôn giọt lệ nối lời vu vơ...

     Chính vì mưa nhẹ như thế nên nhà thơ Huy Cận mới:

           Trở ngiêng gối mộng, hững hờ nằm nghe

     Và để rồi:

Gió về, lòng rộng không che,

Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư ...

     Khung cảnh thanh thoát ấy sao không làm lòng người mở rộng ra và “không che” cho được. Cái âm hưởng nhẹ nhàng trong sáng trong bài thơ của Huy Cận âu cũng có lý do của nó vì nó bắt nguồn từ cái gì êm đềm của những "giọt nhẹ" êm êm. Dù rằng cũng có lúc ta cảm thấy buồn rất nhẹ:

Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn.

     Tôi xin mở dấu ngoặc ở đây. Chúng ta không bình thơ mà chúng ta chỉ đi tìm những rung cảm với thơ và trải rộng lòng ra để thưởng thức cái hay cái đẹp của thơ giống như khi ta nghe và thưởng thức một bản nhạc hay vậy. Tôi còn nhớ có một lần tôi đi dự buổi ra mắt mấy tập thơ của thi sĩ Cung Trầm Tưởng tại San Jose. Ông Cung Trầm Tưởng đã tuyên bố rằng ông không làm thơ cho ai và cũng không yêu hộ ai. Ông có thể đúng, nhưng với riêng tôi, tôi đã rung cảm với thơ của ông, nên ông đã làm thơ hộ tôi và ông đã yêu giùm tôi rồi đấy chứ. Khi ta rung cảm với dòng thơ nào thì dòng thơ ấy cùng thuộc về mình. Thi sĩ Cung Trầm Tưởng có lầm tưởng không nhỉ? (Cười)

     Ngoài trời mưa vẫn bay và gió vẫn thổi. Cây thông cao khẳng khiu đứng im lìm sau vườn làm tôi chợt thấy như sao nó cô đơn và lẻ loi quá. Tôi liên tưởng đến một chàng trai đang đi dưới mưa, nhớ đến người trinh nữ vừa nằm xuống đêm qua trong thơ Nguyễn Bính:

Nàng đã qua đời để tối nay,

Có chàng đi hứng gió heo may,

Bên hồ để mặc mưa rơi ướt,

Đếm mãi bâng quơ những dấu giày.

(Trích bài Viếng hồn Trinh Nữ-Nguyễn Bính)

 

     Thôi, tôi không muốn đem cái buồn của mưa đến cho các anh nữa dù là rất nhẹ, mà trái lại chúng ta hãy tận hưởng nó như khi ta thưởng thức vị đắng của một cốc cà phê. Nhìn từng giọt cà phê nhỏ đều đặn xuống, đen đậm và quánh đặc như những "giọt buồn" mang đầy quyến rũ đam mê.

     Tôi muốn gửi đến các anh một chút gì thanh bình, lắng đọng với từng giọt nước mưa đang rơi nhẹ từ chiếc lá cây trà hoa nữ trước cửa sổ phòng tôi; hay với cùng những hạt mưa lóng lánh như kim cương đậu dọc dài theo cành cây mận sau vườn, lung linh huyền ảo biết là bao

Rơi rơi ... dìu dịu rơi rơi ...

Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ...

      Tôi cũng xin gửi đến các anh bản nhạc "Mưa" với âm điệu vui tươi của nhạc sĩ Văn Phụng như đang vang lên:

Mưa không muốn ai buồn

Mưa yêu nước non này

Mưa yêu mến dân cầy

Mưa cho lúa ngô hơn gạo đầy.

hòa cùng với cái tha thiết của điệp khúc trong bản nhạc “Phố buồn” của nhạc sĩ Phạm Duy:

Hạt mưa, mưa yêu áo rách
Yêu đôi sát nách
Mưa ngưng không đành
Hạt mưa, mưa gieo tí tách
Mưa lên tiếng hát
Ru cơn mộng lành.

 

       Xin mượn lời và âm thanh của hai bản nhạc nói trên để tạm khép lại bức thư này.    

 

NGUYỄN GIỤ HÙNG

 

Mời nghe 2 bản nhạc

MƯA

PHỐ BUỒN

 

Xem thêm...

VỜ _ Nguyễn Giụ Hùng

VỜ

NGUYỄN GIỤ HÙNG

 

"Khôn chết dại chết vờ thì sống"(1). Cổ nhân có câu nói như thế.

Quả thật không ngoa.

Này nhé, ta hãy thử nhìn về một đất nước xa xăm kia thì rõ. Câu nói trên không những là một câu phương châm, mà còn là một thứ "kinh nhật tụng" của đại đa số người dân sống trong xã hội đó. Một nhà văn nọ miêu tả trong tác phẩm của ông, cứ hiểu theo như ý ông viết, muốn tồn tại và vinh thăng trong cái xã hội ấy thì phải biết vờ, vờ nói, vờ nghe, nghĩa là khi nói, biết mình nói dối nhưng vẫn phải vờ nói dối một cách thành thật, khi nghe, biết mình không muốn nghe nhưng vẫn phải vờ nghe một cách thành khẩn. Như thế, ta thấy vờ là một triết lý sống rất sinh động trong một vài xã hội ngày nay vậy.

    Nói cho thực và cho rộng ra, vờ chiếm một phần không nhỏ trong đời sống, không những của chính ta mà còn của cả loài người và mọi loài trên trái đất này. Nó chiếm một vị thế quan trọng trong mọi sinh hoạt từ cổ chí kim và từ Đông sang Tây.

   Ấy chẳng thế mà ông Thu Giang Nguyễn Duy Cần đã coi vờ của người xưa như một gương sáng và được ông viết trong cuốn "Thuật Xử Thế Của Người Xưa" mà ông cho là hậu thế nên noi theo đó như một thứ đạo học làm người. Vì tác phẩm này tôi đọc hồi còn nhỏ nên chỉ nhớ lõm bõm được vài điều xin được kể cùng các bạn nghe.

   Truyện thứ nhất, ý kể rằng:

   Trong truyện Tam Quốc Chí, khi Lưu Bị còn nằm trong tay Tào Tháo. Tào Tháo đa nghi và ngờ Lưu Bị là kẻ anh tài nên muốn kiếm cớ giết đi để trừ hậu họa. Một hôm, Tào Tháo mời Lưu Bị vào dinh ăn cơm để dò ý tứ ra sao. Trong khi chè

chén, Tào Tháo vờ khen Lưu Bị là kẻ anh hùng trong thiên hạ. Nghe thế, Lưu Bi rụng rời chân tay. May thay, nhân nghe thấy tiếng sấm nổ ầm lúc đó, Lưu Bị vội giả vờ đánh rơi đũa vì sợ sấm to. Tào Tháo thấy thế trong bụng không còn coi Lưu Bị là kẻ anh hùng đáng lo nữa nên Lưu Bị đã thoát chết về tay Tào Tháo. Nhờ biết vờ sợ sấm mà Lưu Bị thoát chết.

   Truyện thứ hai, ý kể rằng:

   Ở bên trời Tây kia, có hai chàng “công tử” cùng yêu một cô gái xinh đẹp con của một vị thượng lưu giầu có nọ. Hai chàng ra công lấy lòng ông bố để hy vọng được ông gả con gái cho mình. Một chàng thì lúc nào cũng tỏ ra mình tài giỏi hơn ông bố vợ tương lai. Một chàng thì lúc nào cũng vờ tỏ ra thua kém ông ta về mọi mặt. Vì cảm thấy luôn được hơn người nên ông bố cô gái đặt tình cảm thiên về chàng trai hay vờ. Rồi một hôm, hai chàng trai và ông bố cùng thi đua ngựa. Chàng trai háo thắng luôn cố vượt lên trên ông bố, còn chàng trai hay vờ thì vờ ngã ngưạ để cho ông bố có dip ra tay nghĩa hiệp. Quả thế, ông bố trúng “đòn vờ” nên quyết định gả con gái cưng cho anh chàng vờ này. Nhờ biết vờ mà anh ta được vợ.

   Trong Binh thư yếu lược của đức Trần Hưng Đạo cũng nêu lên chiến thuật vờ trong thuật dụng binh. Dùng dương mà người ta không lường được là dương, thì dương mà hóa ra âm vậy. Dùng âm mà người ta không lường được là âm thì âm mà hóa ra dương vậy ... Người giỏi dùng binh, không đủ thì tỏ là có thừa, có thừa thì tỏ là không đủ. Địch không biết thế nào mà lường cho đúng được. Tóm lại là ngài dậy ta vờ.

   Vua Ngô Quyền thắng quân Nam Hán ở thế kỷ thứ 10 và đức Trần Hưng Đạo thắng quân Nguyên ở thế kỷ thứ 13 cùng trên sông Bạch Đằng, ấy cũng là nhờ biết vờ thua dụ địch vào chỗ “hiểm” mà đánh. Biết vờ nên dựng được nghiệp lớn.

   Nếu ta đọc truyện Tầu tất ta thấy nhan nhản những chuyện vờ. Cũng như trong truyện Tam Quốc Chí, trận đánh hỏa công lừng danh trong lịch sử Trung Quốc là trận Xích Bích trên sông Trường Giang. Trận này sao thực hiện được nếu không nhờ tướng Hoàng Cái vờ chịu để Chu Du đánh đập làm nhục giữa doanh trại để có cớ trá hàng Tào Tháo hầu thực hiện dứt điểm cuối cùng cho trận hỏa công lừng danh thiên hạ ấy, đem chiến thắng về cho Đông Ngô. Đấy là những cái vờ của những bậc đại chí.

   Thật ra, cuộc đời là những tấn tuồng, người ta hay nói như thế, mà tuồng vờ thì được diễn nhiều hơn cả. Vờ thì không phân biệt giới tính, tuổi tác, tầng lớp xã hội hay văn hoá ... gì cả, ai cũng diễn được và ai diễn cũng hay như nhau, bên tám lạng bên nửa cân.

   Vờ len lỏi khắp mọi nơi, xen vào mọi công việc, mọi tính toán. Vờ không phân biệt thời gian lẫn không gian, nghĩa là lúc nào, chỗ nào cũng vờ được cả. Vờ từ việc chung cho đến việc riêng. Nếu bỏ vờ đi, trời đất sẽ tối sầm. Loạn.

   Này nhé, ta cứ nghe nhà thơ Tú Mỡ vờ:

      "Vắng mặt chủ nghịch nô như quỷ sứ, tầm váo tầm vênh

     Thấy hút Tây, vờ vĩnh khéo ma bùn, nhớn nhơ nhớn nhác."

   Hay ông Tú Mỡ thấy thiên hạ vờ.

 

     Làng kia có bác kỳ hào,

     Kể trong thứ vị cũng vào bậc trung.

     Những khi đi họp hội đồng,

     Thường đeo cổ áo lòng thòng sợi dây.

     Hẳn là ân tứ chi đây,

     Kim tiền, kim khánh, mề đay, thẻ ngà.

     Đầu dây lẫn dưới áo là,

     Đố ai biết được nó là cái chi.

     Người đoán lại kẻ đoán đi,

     Có người kết luận: thường khi dây ... vờ.

     Một anh ba rọi ỡm ờ,

    Kéo dây nửa thực, nửa đùa đòi xem.

    Kim tòng vừa mới kéo lên,

    Đầu dây chỉ thấy ... đồng kền năm xu.

 

Ta có thể nghe cụ Nguyễn Công Trứ nói về "Cách ở đời ":

 

     Ăn ở sao cho trải sự đời,

     Vừa lòng cũng khó há rằng chơi.

     Nghe như chọc ruột tai làm điếc,

     Giận dẫu căm gan miệng mỉm cười.

 

Có kẻ nghèo vờ làm sang, kẻ dốt vờ làm giỏi, kẻ ác vờ làm hiền, kẻ hèn vờ làm anh hùng ... hay đôi khi ngược lại.

Như có người trẻ lại muốn vờ làm người già:

 

     Trước mắt long lanh đôi kính trắng,

     Dưới cằm lún phún sợi râu xanh,

     Đứng ngồi khệ nệ oai nghi giả,

     Ăn nói mầu mè đạo đức tuyênh.

    (Tú Mỡ)

Hay có kẻ già lại vờ làm trẻ:

 

     Đầu tóc nhuộm đen hầu trẻ lại,

     Râu ria cạo trụi rõ ... trai lơ.

     Đua chơi ra phết ông còn trẻ,

     Làm việc lơ mơ cụ kiếu già.

     (Tú Mỡ)

    Có các cô các cậu mới lớn hay "chúa vờ" khi đối diện nhau.

    Có những trường hợp vờ "muốn ăn gắp bỏ cho người ".

vờkhông thực nên còn gọi là giả, giả thì có giả vờ, giả đò, giả bộ, giả ngô giả ngọng, giả điếc giả câm ... Cứ như:

 

Trong thiên hạ có anh giả điếc

Khéo ngơ ngơ ngác ngác ngỡ là ngây,

Chẳng ai ngờ sáng tai họ điếc tai cầy,

Lối điếc ấy sau này ta muốn học.

...

Sáng một lúc lâu lâu rồi lại điếc

Điếc như thế ai không muốn điếc,

Lối điếc anh dễ bắt chước ru mà,

Hỏi anh anh cứ ậm à.

(Cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến)

vờ trong ca dao:

 

Thò tay ngắt ngọn cọng ngò,

Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ.

 

Thương anh hãy đứng xa xa,

Đừng có đứng cận người ta nghi ngờ.

Thương anh hãy đứng cho xa,

Con mắt anh liếc bằng ba đứng gần.

 

Không khóc thì tội bụng chồng,

Khóc thì lạt lẽo như dưa hồng mắc mưa.

Ớ chị em ơi!

Cho tôi xin tí nước mắt thừa,

Tôi về tôi khóc tiễn đưa mẹ chồng.

Khóc rồi, tôi đổ xuống sông,

Cá mương, cá diếc, cá hồng ních no ...!

 

   Bản thân của vờ thì hiền lành vô hại, nhưng đôi khi vờ lại được vận dụng vào một số trường hợp nào đó trong đời sống để vờ bị hoá thân thành lừa hay bịp tùy theo tình huống.

   Lừa thì có thể áp dụng cho những mục đích tốt hay xấu, nhưng bịp thì không thể nào hiểu theo nghĩa tốt được, nó thuộc loại:

 

Thầy bói, thầy cúng, thầy đồng,

Nghe ba thầy đó cái lông không còn.

(Ca dao)

Hay:

 

Phù thủy, thầy bói, lái trâu,

Nghe ba thầy đó, đầu lâu không còn.

(Ca dao)

Để chấm dứt lá thư này, tôi dặn các bạn, dù có biết ai vờ cũng mặc đấy nhé. Biết cái vờ của thiên hạ chỉ mang cái vạ vào thân, như Dương Tu (trong Tam Quốc Chí), một trong những nguyên nhân bị chết thảm dưới tay Tào Tháo cũng chỉ vì Dương Tu biết rõ về những cái vờ của Tào Tháo vậy. Cứ kệ.

 

NGUYỄN GIỤ HÙNG

 

(1) Sửa lại từ câu “Khôn chết dại chết biết thì sống” (Trang Tử).

Xem thêm...
Theo dõi RSS này