Sáng tác

Sáng tác (46)

Midnight Crisis - Yên Sơn

Midnight Crisis
 Yên Sơn

Tui hổng biết, hổng nghe, hổng kinh nghiệm gì với midlife crisis, nhưng tui biết chắc tui có midnight crisis… last night, thảm bại lúm!Đêm qua gió mưa phũ phàng, cá thành phố Houston như chìm trong biển nước! Tui phải đợi tới 10PM mới rời sở cho chắc ăn. Trời vẫn mưa không thấy đường chạy nhưng gần 50dặm đường về nhà… ôi đường trường xa, con chó nó na con mèo! Tui chạy cũng mịt mù trong mưa!Tới gầm cầu Beltway 8 và xa lộ 59 thì phần

không có đèn đủ sáng, phần mưa như thác đổ nên đèn pha của xe vẫn không thấy rõ. Thế nên xe cứ vô tư phóng thẳng vào dòng sông flash flood!!! Xe bị ngập hơn nửa, vội vàng mở cửa phóng ra ngoài thì ôi thôi ai tai, ngập nửa ghế ngồi! Nước cuốn chiếc xe tàng tàng trôi xa! Thằng tui ngoi ngóp dưới nước như con chuột, hì hục đẩy con thuyền xe vào bờ; nếu không, chắc nước cuốn sẽ đụng vào chân cầu! Mưa và lạnh mà đổ mồ hôi mới thiên tài chứ!

Không gọi được cảnh sát, xe câu… nên loay hoay dưới mưa với cái cell vô dụng! Gọi về nhà thì bà quận tưởng là chạy ra tiếp cứu chồng để nhìn thấy cảnh “anh phải sống” hay sao đó nhưng cũng may là nàng đã không thể tới vì sém chút thì xe nàng cũng bang vô nước herself trên đường tới. Đành chỉ có cell qua cell lại la trời ở gần nhà! Thằng tui loay hoay mãi mới đẩy được chiếc xe lên chỗ cao rồi mò mẫm tát nước trong xe ra… để bắt cá! Mưa vẫn rơi nặng hạt và bắt đầu thấm lạnh.

Tui quyết định lên xa lộ tìm cách hitchhike về hướng nhà, cách đó khoảng hơn 20 dặm đường. Vừa đi bộ vừa đưa ngón tay đúng điệu con nhà homeless, nhưng chỉ có nước trên đường bắn tung tóe vào người mỗi lần xe chạy qua. Nhìn lại bộ dạng mình đâu có thấy giống Osama gì cho cam mà không có con ma nào chịu mở lòng từ bi bất ngờ cho đi ké ?! Mãi một quảng khá xa dưới mưa dầm thì có một xe ngừng lại, mừng bở hơi tai chạy tới, gặp chú Mỹ đen, trong đầu có chút cảm khái, “Mỹ đen mí thương thân phận dân thiểu số!” Chưa kịp mở cửa vô thì thằng ông nụi biểu đưa cho nó $10 để nó cho đi một khúc!Hơi bất ngờ nhưng cũng hỏi nó lấy check được không vì không có đủ cash trong túi! Nó trả lời Cash only! Giời ạ! Con chỉ có $3, biểu nó chạy tới trạm xăng nào đó sẽ đổi tiền mặt! Thằng ông nụi không chịu! Vậy mà nó nỡ lòng cho mình đi bộ dưới mưa để làm thơ tiếp!

Lại tiếp tục làm thơ! Tiếp tục vừa đi vừa giơ tay càng lúc càng nhuyễn nhừ! Mãi lâu mới lại được một xe dừng lại, cô nương Mỹ trắng đi với anh kép và một người bạn và một carseat! Họ nói họ happy to give you a ride! Mừng quên già luôn! Nhưng chỉ đi được một khúc vì họ đi về một hướng khác, ít nhất cũng tới được chỗ trú mưa cho đỡ lạnh!

Mưa nhẹ hạt và bà quận vẫn không hy vọng gì tới nơi, nghe qua điện thoại có tiếng mếu máo! Tui tiếp tục đi bộ về hướng nhà và chia đều nhiệm vụ cho hai tay cho đỡ mỏi! Một đỗi nữa thì được một chàng Mỹ trắng trung niên cho lên xe. Chàng cho biết là manager cho tiệm Luther BBQ gần đây, mới cào nước trong tiệm xong đi về! Ed nói chuyện rất hiền lành và tình nguyện đưa Tiên Bác về đến nhà nếu có thể.

WOW! Nó về đường khác, nhà mình đường khác mà tình nguyện như vậy làm tui cảm động quá! Để thấy trên đời này, trong cái xã hội kim tiền và thù nghịch này cũng có biết bao tấm lòng nhân ái! Tui nói với Ed là bà quận đang kẹt phía bên kia hồ nước khi chúng tôi đối diện! Tui cám ơn rối rít xong bì bõm lội qua bên kia hồ lên xe về với nàng! Bấy giờ là 1g30 sáng. Được vợ lấn quấn mang đồ ấm, hâm canh nóng và xức dầu cù là… hà hà! Hổng có cù là! Tiên Bác uống mấy ounce rượu tỏi để cho ấm và phòng bệnh. Xong cấp tốc nhảy lên giường như chuyện tình không suy tư, không mộng mị cho tới khi cái đồng hồ đánh thức la réo um trời! Một ngày đầy triển vọng không khá trước mắt!!!

Dù nói vậy, chứ suốt đêm trong lòng nơm nớp lo sợ xe bị cảnh sát kéo đi thì mất công tìm kiếm và trả thêm vài bớp nữa như không! Bạn dân tôi thời nào cũng vậy! Giúp thì ít thấy chứ phạt thì nhanh nhẩu lắm, cảnh sát là bạn dân mờ!

 Sáng sớm thức dậy đưa bà quận đi ra xe bus để mượn xe lo hậu sự! Chạy ra chỗ để xe thì hắn vẫn nằm đấy có thêm vài đứa bạn chung số phận lưu vong đêm qua! Tôi gọi cảnh sát không được, xe kéo không được! Thấy xe cộ ê càng dọc đường rất nhiều nên đánh liều chạy vô sở sau khi ghi vội số điện thoại và địa chỉ để trên dashboard, để nhỡ bị kéo đi thì họ biết chủ nhân ở đâu mà gọi tới trả tiền đem xe về. Cả ngày vừa làm vừa nơm nớp lo nghĩ đến số phận chiếc xe!

Chiều về… mừng ơi! Chiếc xe vẫn ngủ yên trên đường cùng bè bạn. Phải mất hơn vài tiếng đồng hồ nữa mới kéo được chiếc xe về shop sửa! Buồn thì buồn chung số phận nhiều người, nhưng có nỗi niềm riêng khó nói đó là chiếc xe không có bảo hiểm full coverage vì ỷ y “nó còn mới” (2001) đã trả nợ hết rồi!

Buồn nào hơn buồn này! Crisis nửa đời chưa nếm mùi nhưng crisis nửa khuya thì… ôi thôi, ai tai! Buồn ơi xin chào mi! Viết vài hàng chia sẻ cho đời lên hương! Ai bảo vui vẻ có nhau, hoạn nạn chia nhau làm chi?

29.10.2012

 

Xem thêm...

Merry Christmas & A Happy New Year - Sỏi Ngọc

Merry Christmas & A Happy New Year 

Sỏi Ngọc

 

 

Hình internet 

 Tôi nắn nót từng nét chữ vụng về trên chiếc Christmas card chúc mẹ thật nhiều sức khỏe, thật nhiều niềm vui bên những người bạn thân yêu của mẹ trong ngày Giáng Sinh; cẩn thận xếp tấm card với tất cả lòng yêu thương gởi gấm đến mẹ, bỏ vào bao thơ, dán lại, gởi bưu điện ngay chứ không thì sẽ không kịp ngày, Giáng Sinh chỉ còn vỏn vẹn mười ngày nữa thôi.

Năm nay tôi lại không có mặt bên mẹ, chắc mẹ sẽ buồn và thất vọng lắm, nhưng tôi không thể nào làm khác hơn!  

 

Từ khi mới sinh, tôi vẫn quen với tấm hình duy nhất của người đàn ông trên bàn thờ mặc bộ đồ lính VNCH rất oai hùng, với một bông mai bạc gắn trên vai áo. 

Lớn một chút, tôi mới hiểu đó là bố tôi đã từng đi lính VNCH để bảo vệ tổ quốc, sau đó khi miền Nam bị cưỡng chiếm, bố bị đi “học tập cải tạo” 6 năm; khi được thả về, bố vượt biên đến bốn năm lần mới qua được Pulau Bidong; gặp mẹ trên đảo, hai người yêu nhau, rồi sang Mỹ làm đám cưới, khi bố đã hơn 40 tuổi.

Vì đi tù ở khu rừng thiêng nước đọng, làm việc nhiều, nhịn đói, nhịn khát, ăn uống qua quýt, toàn là sắn và khoai, có khi ăn cơm độn bobo, sạn lẫn trong gạo, nhiều lúc cắn nhầm thì gẫy răng, nuốt nhầm thì đau bụng lăn lộn mà không ai cho thuốc men, đi ngoài ra máu cũng ráng chịu. Khi qua Mỹ, cơ thể ngày càng yếu, bố sống không thọ, đã qua đời ở tuổi 48, bỏ lại mẹ mới 35, còn tôi chỉ mới 4 tuổi. 

Trước khi mất, bố đã trăn trối với mẹ:

  • Nhất địnhnuôi thằng cu cho lớn khôn, thành tài và không để nó đi lính! Cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng tránh nhập ngũ vì sẽ làm cho con người ta hận thù, tổn hại tinh thần, sức khỏe… Hãy hứa với anh nhé! 

Hình ảnh bố cương trực, người trai của sông núi thuở ấy chắc phải đẹp và can trường lắm, tôi tìm thêm sách vở đọc về người lính sĩ quan của những năm 1965, càng khâm phục và hãnh diện được làm con trai của bố hơn nữa.

Có một lần trường học tổ chức cho chúng tôi, những em học sinh viếng trại quân binh ở thành phố Westpoint, New York, để biết thêm cách sống, sinh hoạt, sự hy sinh của những người lính để thấy rõ sự sống linh động cho một môn học; tôi được thấy tận mắt từng đoàn quân binh tập bước chân đi thật đều đặn, kỷ luật; những động tác chào, tuy nhỏ nhặt nhưng dứt khoát và oai hùng làm sao ấy, đã thấm nhuần vào đầu óc non nớt của cậu bé 10, 12 tuổi; sự khát khao được vào quân đội Mỹ như ngọn lửa nhen nhúm vào trong tim lúc nào không hay và thôi thúc khôn nguôi!

 

Vào lần sinh nhật của tôi, mẹ dắt vào hàng Toy’r us để mua quà sinh nhật, mẹ lấy ra cả khối đồ chơi cho tôi chọn: nào là ống nghe của bác sĩ, cái kìm nhổ răng, khẩu súng trường, cái chảo nấu đồ ăn, cây bút chì, cái bàn máy tính computer… Tôi sung sướng tung tăng chọn ra hai thứ, mỗi tay cầm một cái: kìm nhổ răng và khẩu súng trường. Mẹ giật mình lấy ra khỏi tay tôi khẩu súng vứt ra xa, tôi dậm chân khóc, nhất định chạy nhặt lại khẩu súng cho bằng được. Năm ấy tôi lên 6.

Từ lúc đó, mẹ cẩn thận coi chừng tôi thật kỹ, không cho tôi xem những bộ films kích động mạnh, bắn súng, chém giết, mà chỉ xem những băng hoạt hình nhẹ nhàng, yêu thương ở lứa tuổi tôi, tập cho tôi chơi với các bạn hiền tốt ở trường, hướng cho tôi trở thành người có ích cho xã hội và biết giúp đỡ người chung quanh.

 

Cuối năm 16, sắp vào 17 tuổi, sau khi đi học về, thấy mẹ đang làm cơm trong bếp, tôi vứt cặp ngoài salon, chạy vào ôm lấy mẹ:

  • Mẹ ơi, thằng Timy trong lớp con sẽ đăng ký quân đội Hoa Kỳ… Mẹ cho con đi với nó nhe?
  • Không thể được, con còn nhỏ đang đi học sao lại đi lính? Con…
  • Mẹ đừng lo, con đăng ký đi lính nhưng sẽ vẫn tiếp tục đi học, như nó…
  • Mẹ không muốn con đi lính con hiểu không? bố đã dặn mẹ phải nuôi con đi học, ra trường thành người tốt có ích cho xã hội, không được đi lính!
  • Tại sao? Tại sao lại không được đi lính? Đi lính cũng có ích cho xã hội vậy, sẽ bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc…như bố!
  • Không thể nào được, con chưa hiểu đó thôi! con có thấy bố đi lính ở một chế độ, sau này chế độ đó không còn nữa bố phải trả giá bằng cả cái mạng đó. Mình sống ở nước Mỹ được tự do, tại sao con không học thành bác sĩ, kỹ sư như bao người khác mà phải đi lính chứ? Ai bắt con phải lấy cái nghề hy sinh mạng sống của mình như vậy? rồi lỡ họ điều con qua mấy nước Trung Đông đánh nhau thì sao?... Mẹ chỉ có mình con thôi! Mẹ không bằng lòng!
  • Mẹ! mẹ nghe con nói đây, con hứa sẽ học thành nha sĩ nhưng con muốn được vào lính, con sẽ vừa đi học trường, vừa tập hành quân như những anh lính trong quân đội vậy. Đó là ước nguyện của con, mẹ bằng lòng nhe mẹ?!
  • ….

Mẹ giận tôi, không nói gì nữa bỏ vào phòng ngủ.

Tôi nhìn lên hình bố vừa thầm thì vừa đưa tay vuốt mặt bố:

  • Bố ơi, hãy đổi ý cho con được nhập ngũ nhe, con hứa sẽ cố gắng học giỏi, sẽ làm nha sĩ giúp ích cho người dân, cho bố mẹ vui lòng.

Hình internet

Trong lớp khá nhiều bạn Mỹ nhập ngũ khi vừa mới 17 đúng, tụi nó vẫn đi học, lâu lâu thấy chúng nó vào trường với bộ đồng phục xanh màu lá cây trộn lẫn vằn vện với màu nâu đen của đất đá, đầu đội mũ beret, chân đi boots ống cao, nhìn thật oai phong; sau những buổi tập quân sự bò lê, trườn sát, nhảy xào… thấy chúng nó càng cứng cỏi, da ngâm đen lẫn với màu đỏ của nắng cháy làm hấp dẫn tôi thêm nữa. 

Tôi không thể chờ lâu được nữa, biết nếu có xin mẹ hòai cũng không được, đánh bạo, tự đem nộp hồ sơ vào quân đội và bắt đầu làm những bài kiểm tra về sức khỏe, vì còn tuổi vị thành niên dưới 18 tuổi, cần phải có chữ ký của mẹ, làm sao đây? Buổi tối về, tôi cùng ăn uống với mẹ, hai mẹ con nói chuyện thật vui, bất chợt tôi nói vu vơ:

  • Nếu một ngày nào đó mẹ ăn cơm một mình, không có con thì mẹ có buồn không?

Mẹ nhìn tôi một lúc rồi như dấu cái buồn cho riêng mình, mẹ cười vang lên:

  • Con tưởng mẹ lúc nào cũng phải cần có con hay sao? Con còn phải có cuộc sống của riêng con, tương lai của con, nếu một mai con đi học xa ở một tỉnh khác thì mẹ sẽ phải ăn cơm một mình thôi! Cuộc đời là thế, không lo!
  • Mẹ … không buồn và giận con hả?

Mẹ ôm lấy tôi như đứa con nít:

  • Giận gì mà giận! mẹ sẽ rất vui nếu con làm nên sự nghiệp của riêng mình, mẹ bằng lòng ở một mình và có niềm vui khác với các bạn của mẹ, có sao đâu! Miễn sao lâu lâu con về thăm mẹ, hay phone cho mẹ là được rồi.

Hôm đó thấy mẹ vui, tôi lấy từ trong cặp ra tờ đơn xin nhập ngũ vào quân đội, rón rén để lên bàn, năn nỉ mẹ:

  • Mẹ hãy đọc và ký tờ consent form này cho con nhe…

Mẹ cầm đọc, mặt từ từ đổi từ vui sang nghiêm trang:

  • Mẹ nói mãi con không hiểu hả? bố đã trăn trối nói không muốn con vào lính mà, con không nghe lời hả? mẹ sẽ không ký đâu!
  • Nếu mẹ không ký con sẽ chờ đúng 18 tuổi để tự mình đăng ký đó.

Mẹ ngước mặt nhìn tôi vừa buồn, vừa thất vọng lẫn tội nghiệp đứa con trai duy nhất.

Rốt cuộc mẹ vuốt tóc tôi:

  • Thôi, con cứ đi ngủ đi, mẹ suy nghĩ đã…

Sáng hôm sau thức dậy, tôi đã thấy tờ đơn đã ký để trên bàn salon, mẹ đã đi làm từ sáng sớm, tôi hôn lên chữ ký trên tờ giấy, mừng quá nhảy cỡn lên như đứa con nít, đến bên bàn thờ của bố tâm sự:

  • Bố ơi, con cám ơn bố, cám ơn bố rất nhiều đã run rủi cho mẹ chịu ký đơn cho con, con biết điều này làm bố mẹ không vui, nhưng con yêu được làm người lính, được đứng vào hàng ngũ của quân đội, được mặc bộ đồ quân binh oai hùng như bố để bảo vệ đất nước… Con hứa sẽ học ra nha sĩ quân đội để dùng đôi tay và khối óc này phục vụ quân đội … Bố! tha lỗi cho con đã đi ngược lại điều bố muốn nhe! 

Kể từ ngày nhập ngũ vào cuối mùa thu, những tân binh không được về phép mà phải tập luyện liên tiếp kéo dài từ 4 đến 6 tháng, bù vào khoảng thời gian mà chúng tôi đã mất ở đại học. Vào trường quân sự phải tập trườn, bò, lết, trèo, rồi có lúc mới 4 giờ sáng, khi nghe tiếng còi hụ tất cả phải thức dậy, làm giường thật thẳng tắp, không một chút vết nhăn nào cả, làm vệ sinh, mặc quần áo thật nhanh và chỉnh tề ra xếp hàng bên ngoài sân; có một tên tân binh mới được 17 tuổi một ngày, mắt nhắm mắt mở thế nào mà chân phải mang một chiếc boot, chân trái mang chiếc giầy thường, hắn bị anh chỉ huy bắt phạt nhẩy xổm 5 vòng cả một khoảng sân thật rộng.

Chúng tôi tập chạy ban đầu 5km, sau đó tăng dần lên 10km với chiếc ba lô nặng sau lưng. Lúc đầu tôi mệt nhoài, thở không ra hơi, chóng mặt muốn xỉu, tưởng sẽ bỏ cuộc nhưng dần dần thân thể đã quen được với lối tập luyện khổ nhọc này, tôi có thể chạy xa hơn với sức nặng 30 kg trên lưng. Chúng tôi được tập khâu vá quần áo, ủi đồ, giặt đồ, lau giầy, làm cơm. Đây là những công việc của mẹ mà tôi chưa bao giờ đụng đến nên khi tôi tập vá áo, hai hàng nước mắt chảy xuống ướt cả mặt vì nhớ công lao mẹ đã nuôi, đã khâu vá áo cho tôi mỗi khi tôi chạy nhảy rách quần áo từ lúc còn nhỏ. Từng miếng sandwich kẹp thịt cũng được mẹ làm cho, nay phải tự làm, tôi thấy mình thật may mắn và tình yêu thương, biết ơn mẹ dâng trào trong tim.

Sau ba tháng tập luyện chuyên sâu trong quân đội, tôi mong ngóng ngày về, chưa bao giờ tôi xa mẹ lâu đến thế. mong được nhìn thấy mẹ, được ôm lấy mẹ bằng da, bằng thịt và hít hương thơm nhẹ từ mái tóc dài của mẹ.

Nhưng một buổi tối, tiếng còi hụ tập họp tất cả những tân binh, họ ra lệnh phải ở lại trại qua mùa Giáng Sinh! Tôi nghe mà điếng cả lòng, thất vọng vô cùng, thấy tim đau thắt lại, hình ảnh mẹ hiện ra trong đầu lẻ loi bên cửa sổ ngóng trông tôi. Bất giác giọt nước mắt lăn xuống má, tôi vội chùi ngay sợ có ai thấy lại bảo tôi quá tình cảm ủy lụy. Tôi cắn răng chịu đựng cho cảm xúc qua đi, thầm nghĩ chắc họ muốn thử thách lòng can trường của những tân binh trẻ tuổi!

Trong trường học quân sự, một cây thông thật, cao vút được dựng lên, với một ngôi sao to lấp lánh trên ngọn, xung quanh được bao quanh bởi những dây đèn đủ màu xanh đỏ vàng chớp nháy thật rực rỡ, dưới gốc cây cả ngàn gói quà cho các tân binh để đón chào họ đến trường quân sự năm đầu tiên, hưởng mùa Christmas xa nhà đầu tiên và cùng các chiến hữu đón ngày Chúa sinh ra đời đầm ấm bên nhau.

Bên cạnh cây thông với những ánh điện tỏa sáng ấy, một hang đá với máng cỏ, bên trong có tượng chúa Hài Đồng, tượng Đức Mẹ Maria, xung quanh là những thiên thần, tượng Ba vua, thánh Giuse, những chú lừa rải rác.

Ban hậu cần để nhạc “we wish you a merry Christmas…. And a happy New Year” 

Ai nấy đều vui, hớn hở khi nghe bài hát này, chỉ riêng tôi đứng xa xa nhìn mà cảm thấy thật vô vị.

Những mùa Giáng Sinh năm trước tôi đều nghe bài hát này, cảm thấy Giáng Sinh là mùa gia đình đoàn tụ quây quần bên nhau, nhưng hôm nay xa nhà, xa mẹ đã hơn 3 tháng, tôi thấm thía nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ vô cùng! Nhưng tôi vẫn không hối hận với quyết định của mình đã chọn. 

Tôi thầm hát nho nhỏ: “Mom, I wish you a Merry Christmas and all the joy, peace, love at this time”

Thiệp Giáng Sinh đã gởi đi rồi, chắc mẹ đã nhận được, mẹ buồn lắm, nhưng sẽ chịu đựng cho qua thôi, tôi phải tuân thủ chỉ thị cấp trên!

***

Đúng vào đêm 24 tháng 12, ngày Lễ Vọng (Christmas Eve), 12 tiếng chuông nhà thờ vang lên ở đâu đây, hồi hộp đứng bên ngoài ngôi nhà thân yêu của chúng tôi, vòng hoa holly với chiếc nơ đỏ dài được trang trí ngay ngắn ở chính giữa cửa, đây không phải là giấc mơ chứ! Tôi hít một hơi thật sâu, tay xoay nắm cửa bước vô. 

Ánh đèn nhấp nháy đủ màu hắt ra từ cây thông trong góc nhà, dáng mẹ ngồi yên bên sofa, khuôn mặt hướng ra cửa như chờ đợi một điều gì đó, cặp mắt bất giác mở to khi thấy dáng tôi đứng sừng sững giữa khung cửa, mẹ không tin vào mắt mình, lấy hai tay dụi mắt, không nhận ra tôi, nhìn tôi từ đầu đến chân, vì cái đầu lính trọc lóc của tôi, bộ quần áo nhà binh làm tôi như lớn hơn, già giặn hơn.

Vài phút trôi qua, mẹ đứng lên ôm chầm lấy tôi trong làn nước mắt:

  • Thằng Cu… con đã về!
  • Mẹ! mẹ … khỏe không? con nhớ mẹ lắm!

Tôi chưa bao giờ yêu mẹ đến chảy nước mắt nhưng đây là lần đầu tiên, tôi ôm chặt lấy mẹ, biết ơn mẹ, dụi đầu vào mái tóc thơm của mẹ hít hà, mẹ lắp bắp :

  • Ủa, sao…sao con được về vậy? con nói là phải ở đó qua Giáng Sinh mà?
  • Vâng, lẽ ra là vậy, nhưng hôm nay ông trưởng đoàn cho những tân binh trong gia đình có con duy nhất được về với gia đình nên con mới được về đây!
  • Vậy có đông người là con duy nhất không?
  • Khoảng 250 người trong cả ngàn người đó mẹ.
  • Quân đội Mỹ cũng có lòng nhân từ quá, biết nghĩ đến người cha/ mẹ cô đơn lẻ loi ở nhà trong ngày lễ nhỉ.

Tiếng hát thánh thót phát ra từ chiếc TV gần đó:

I wanna wish you a Merry Christmas

I wanna wish you a Merry Christmas

I wanna wish you a Merry Christmas

From the bottom of my heart

Cùng nắm tay hát vang, ngày giáng sinh an lành

Cầu chúc cho mỗi người, hạnh phúc với nhau trong hương bay ngọt ngào. (Féliz Navidad)

 

Mẹ cắt cho tôi miếng bánh mừng ngày Giáng Sinh, đặt muỗng bánh vào miệng tôi nói:

  • Mẹ ơi, đây chính là mùa Giáng Sinh đẹp nhất …
  • …và sự trở về nhà của con là một món quà hạnh phúc nhất của Chúa ban cho gia đình mình vào ngày Chistmas Eve!

 

Sỏi Ngọc

14 Dec’2023

Thy Ánh sưu tầm

Xem thêm...

BÀI TỰA “THIỀN TÔNG CHỈ NAM” CỦA VUA TRẦN THÁI TÔNG


 

BÀI TỰA “THIỀN TÔNG CHỈ NAM”

CỦA VUA TRẦN THÁI TÔNG

NGUYỄN GIỤ HÙNG

Phần 1

MỘT BUỔI SỚM MAI

Lời mở đầu:

-Nội dung câu chuyện được ghi lại theo ký ức của một người xa quê lâu năm nhớ về “những năm tháng ấy” tại quê nhà vào giai đoạn đầu thập niên 1950, trước hiệp định Geneve 1954 ở miền Bắc nước ta.

 

      Hà Nội chưa thức giấc!

    Tôi, Thi và Uyên, cả ba chúng tôi đạp xe song song bên nhau trên đường phố Hà Nội. Chẳng ai nói với ai lời nào, nhưng sao tôi vẫn thấy thật gần gũi và thân thương với nhau quá. Gần gũi như những cây sấu mọc dọc hai bên đường, đương vươn cành, khoác vai nhau thủ thỉ dưới ánh đèn điện lờ mờ trong sương sớm.
    Tất cả cảnh vật chung quanh, bỗng dưng tôi cảm nhận như có một cái gì rất “của riêng mình” để yêu chúng hơn, để thấy mình là chúng và chúng cũng chính là mình. Cái cảm giác lâng lâng đầy hòa ái ấy, phải chăng nó xuất phát từ sự tinh khiết, yên tĩnh của một buổi sáng sớm thanh bình. Hay nó đến từ hình ảnh của Thi, người con gái đang đạp xe bên tôi mà tôi hết mực yêu thương. Tôi tự mỉm cười với ý nghĩ đó.
    Hình ảnh của tôi và Thi không thể tách rời nhau và cũng không thể tách rời ra khỏi thành phố Hà Nội. Thành phố này đã ghi lại biết bao nhiêu kỷ niệm kể từ những ngày chúng tôi vừa mới thân nhau. Tôi nhớ lại, những ngày Thi còn như con chim nhỏ truyền cành, tung tăng trên đường phố trong những dịp đi chơi cùng tôi. Nàng thường nắm tay tôi kéo đi cho nhanh hơn mỗi khi tôi la cà dừng chân hay đi chậm lại. Chợt đến một ngày, cái ấm áp mềm mại của đôi bàn tay ấy như có một điều gì khác lạ. Và tôi nhận ra một sự thay đổi lớn sâu kín trong tôi: tôi đã yêu nàng. Sự khăng khít cứ tăng lên mãi theo ngày tháng bên nhau. Và để hôm nay, không thể nghi ngờ, nàng sẽ là người đi bên tôi đến trọn cuộc đời như một định mệnh đã được an bài.
    Tôi đưa tay sang xoa nhẹ bàn tay Thi. Hai chúng tôi nhìn nhau cùng mỉm cười. Uyên cũng mỉm cười với chúng tôi một cách bâng quơ.
    Chúng tôi đạp một vòng theo bờ hồ Hoàn Kiếm, một cái hồ mang dấu tích lịch sử của thời vua Lê Lợi, và người ta từng ví nó như hình ảnh của một đóa hoa đẹp được đặt giữa lòng thủ đô Hà Nội. Vài cây cổ thụ quanh hồ chìa cành nằm xoài mình trên mặt nước, soi bóng lung linh dưới ánh đèn đường. Tháp Rùa mờ mờ trong sương.
    Tầu điện chưa chạy nên thiếu tiếng leng keng. Lác đác vài chiếc xe xích lô đi tìm khách sớm, chậm chạp, uể oải như người còn đang ngái ngủ. Thỉnh thoảng lắm mới có một hai chiếc ô–tô con chạy đi vội vã, phá tan bầu không khí yên tĩnh của phố phường.
Hà Nội vẫn ngủ!
    Ba chúng tôi vui chân đạp xe về hướng Hồ Tây. Hồ Tây là hồ lớn nhất Hà Nội. Xung quanh Hồ có nhiều thắng cảnh, cộng thêm vào với nhiều truyền tích dân gian. Có những truyền tích ngàn năm, tới bây giờ vẫn chưa ai giải mã được.
    Gió mát quá!
    Chúng tôi khóa xe bên cây cổ thụ rồi lững thững đi bộ trên con đường nhỏ dọc theo bờ hồ. Bóng chùa Trấn Quốc ẩn hiện lờ mờ. Đèn điện dọc đường Cổ Ngư và ven Hồ Tây không đủ sức phá tan đi sương sớm đang bao phủ mặt hồ. Không gian nơi đây trở nên huyền ảo, trầm mặc và thật nên thơ.
    Tôi nắm tay Thi cùng chạy lên phía trước. Uyên bước vội theo sau. Chạy được một quãng ngắn, trong lúc “ngẫu hứng”, tôi nhắc bổng Thi lên quay một vòng. Thi ép mặt vào vai tôi cười khúc khích. Tôi đặt nàng xuống rồi lại nắm tay nhau chạy tiếp. Chạy thêm một quãng nữa mới dừng chân, cùng dang tay rộng hít thở vài hơi thật dài. Tôi khoác vai Thi đi ngược trở lại phía sau đón Uyên cũng đang bước tới.
    Ba chúng tôi lại cùng đi bên nhau. Tôi hứa với Uyên, có dịp nào thuận tiện, tôi sẽ đưa Thi và nàng đi chơi một vòng Hồ Tây. Tôi sẽ giảng giải cho nàng về những thắng tích quanh vùng. Uyên nhìn tôi cảm động với đề nghị ấy.
    Vừa đi, tôi vừa kể cho Uyên nghe về những kỷ niệm ban đầu của tôi và Thi đã từng trải qua trên con đường này, thường vào những buổi chiều nhàn rỗi hay trong những ngày nghỉ học cuối tuần. Uyên bóp nhẹ vào cánh tay Thi như để chia sẻ niềm hạnh phúc của cô em. Thi không thể che dấu được sự sung sướng của mình trên nét mặt. Đôi lúc, Thi bụm miệng cười mỗi khi tôi “kể xấu” về nàng.
    Trời bắt đầu sáng dần. Hà Nội đã tỉnh dậy. Sinh hoạt của thành phố bùng lên rất nhanh. Tiếng xe cộ, tiếng rao hàng, tiếng người qua lại chẳng mấy lúc đã trở nên ồn ào huyên náo.
    Giữa những tiếng ồn ào của nơi đô hội ấy, tiếng chuông chùa Trấn Quốc bỗng ngân lên và văng vẳng vang xa. Tiếng chuông chùa dõng dạc, điểm từng tiếng một, bình thản như bước chân thiền hành của các vị thiền sư, đi để mà đi chứ không phải đi để tới nơi nào. Dõng dạc, bình thản nhưng nó vẫn huyền diệu, có khả năng đưa lòng người về với “chân như”.
    Chúng tôi nhìn nhau như hỏi ý. Và cũng không cần ai phải lên tiếng, chúng tôi cùng quay bước về phía chùa Trấn Quốc, nơi phát ra tiếng chuông ngân.
 
    Chùa Trấn Quốc nằm trên một ốc đảo ngay ven bờ Hồ Tây. Những hàng cây cau và những cây cổ thụ quanh chùa in bóng trên mặt nước. Chùa có lịch sử lâu đời. Nơi đây, Thái hậu Ỷ Lan – thời nhà Lý – thường có những buổi đàm luận với các vị sư nổi tiếng đương thời về nhiều đề tài liên quan đến Phật giáo. Cũng nhờ vào đó, ngày nay chúng ta mới có thêm những tài liệu quý báu để truy tìm ra được phần nào về lai lịch và sự phát triển của Phật giáo Việt Nam ở vào thời kỳ đầu. Chùa đã bị đổi tên nhiều lần và cũng mang nhiều dấu vết thăng trầm. Trịnh Sâm đã từng biến chùa này thành “cung hành lạc” để vui thú cùng cung nữ. Bà Huyện Thanh Quan đã có bài thơ trách cứ về sự việc này.
Chúng tôi bước theo dải đất dài, nối liền từ bờ hồ ra ốc đảo, dẫn đến cổng chùa. Chùa mang dấu vết rêu phong của thời gian hàng nhiều thế kỷ. Càng vào sâu bên trong, chùa càng được mở rộng ra. Ngoài chính điện to lớn là dẫy nhà ngang dùng làm nơi sinh hoạt và tiếp khách thập phương hàng ngày. Bên trong chính điện, ngoài thờ Phật ở chính giữa, còn thờ thần như các bà Thánh Mẫu ở hai bên hông điện, một hình ảnh về sự hòa hợp của hai tôn giáo Phật–Nho và tín ngưỡng thờ Mẫu rất riêng biệt của Việt Nam ta.
 
    Tiếng chuông “đại chung” vẫn dõng dạc ngân vang. Tôi và Thi tò mò trèo lên tháp chuông. Nơi đây, một chiếc chuông to treo trên “giá” gỗ. Tôi nghe nói chuông này được đúc vào năm Cảnh Hưng thứ ba đời Tây Sơn. Một chú tiểu độ chừng mươi tuổi, ngồi bên đánh chuông với nét mặt thật hồn nhiên. Tôi bấm tay Thi đi xuống cầu thang để đừng làm kinh động tới chú.
    Bước vào chính điện, tôi thấy Uyên đang thắp hương, đứng lẩm bẩm khấn vái trước bàn thờ các bà Thánh Mẫu. Tôi và Thi cùng thắp hương lễ Phật. Đứng bên nhau, tôi liếc mắt sang Thi thấy nàng nghiêm trang và “người lớn” hẳn lên. Tôi mỉm cười. Lễ xong, Thi quay sang hỏi tôi:
    – Em liếc thấy anh mỉm cười. Đang lễ Phật mà anh cười à?
    Tôi không trả lời Thi. Ra tới ngoài sân tôi mới hỏi đùa lại:
    – Đang lễ Phật mà em liếc anh à?
    Thi che miệng cười nhỏ.
    Uyên vén vạt áo dài ngồi xuống thềm chùa, trên nét mặt vương vất một chút gì trầm mặc, ưu tư. Nàng nói với tôi:
    – Mỗi lần bước vào chùa, em thấy lòng mình thật thanh thản. Mọi hình ảnh trầm luân của cuộc đời dường như được xóa đi trong tâm trí em. Mùi nhang thơm đưa em về một nơi nào thật an bình. Em mới hiểu các vị vua đầu đời Trần, các ngài không muốn làm vua mà chỉ thích đi tu. Vừa làm hết trọng trách với đời là vội vàng tìm về với đạo. Người xưa hay hơn chúng ta bây giờ nhiều anh nhỉ?
    Tôi nhìn Uyên và chia sẻ với lời tâm sự của nàng:
    – Anh hoàn toàn đồng ý với Uyên. Cứ như vua Trần Thái Tông, ngài trốn triều đình lên núi Yên Tử tìm cầu làm Phật. Triều đình phải đến tận nơi đó mời ngài trở về cung. Khi thắng quân Nguyên năm vừa tròn bốn mươi (40) tuổi, ngài nhường ngôi cho con là vua Trần Thánh Tông rồi vào Hoa Lư lập cung Thái Vi để tu hành. Nhưng thật ra, ngài đã thực hiện con đường đời–đạo song hành: khi làm vua lo việc nước, ngài vẫn chăm lo tu học; khi đi ẩn tu, ngài vẫn để tâm lập hậu cứ ở Hoa Lư để phòng chống quân Nguyên sau này. Uyên còn nhớ câu chuyện ấy chứ?
    – Thưa anh, em còn nhớ!
    – Tốt lắm! Về nhà nhớ nhắc anh nói thêm cho Uyên nghe về một bản văn của ngài, tức bài tựa “Thiền Tông Chỉ Nam” của vua Trần Thái Tông còn lưu lại tới ngày nay.
Uyên nhìn tôi với ánh mắt biết ơn:
    – Em cám ơn anh nhiều lắm!
    Thi cũng nắm cánh tay chị nói thêm:
    – Anh ấy đọc quên cả ăn! Em phải dục mãi anh ấy mới chịu buông sách. Anh nói phải đọc gấp vì chị sắp lên chơi.
    Uyên nắm tay Thi:
    – Chị cũng cám ơn em luôn! Hai người là một mà!
    Chợt Thi xoa bụng mình, nhõng nhẽo:
    – Em đói!
    Tôi nói đùa:
    – “Con gái mười bẩy bẻ gẫy sừng trâu” có khác, lúc nào cũng kêu đói!
    Thi nhăn mặt cãi lại:
    – Em sắp mười sáu mà!
    Tôi cười to:
    – Em thích làm người lớn! Anh tưởng em đòi tăng tuổi mình lên tới mười tám nữa đấy chứ!
    Thi biết mình bị lừa nên “véo” tôi một cái nhẹ:
    – Em ghét anh!
    Tôi và Uyên cùng cười. Tôi cũng bắt chước Thi xoa bụng mình:
    – Anh cũng đói! Để anh vào trong bếp xem có cơm chay không nhé! Cơm chay ngon lắm đấy!
    Uyên vội cản:
    – Mới sáng sớm, nhà chùa làm gì đã có cơm chay!
    Thi nhẩy nhẹ lên, khẽ vỗ tay như hoan hô ý kiến “xin ăn” của tôi. Đúng lúc có chú tiểu đi ngang qua sân, tôi liền hỏi:
    – Chú tiểu ơi, nhà chùa có cơm chay cho khách thập phương không chú!
    – Thưa thí chủ, nhà chùa chỉ ăn một bữa vào giờ Ngọ (giữa trưa) thôi ạ!
    Tôi vờ ôm bụng tỏ ra thất vọng. Tôi hỏi đùa thêm:
    – Thế nhà chùa còn cơm nguội không chú?
    Chú tiểu biết chúng tôi hỏi đùa nên chỉ mỉm cười bước vào chính điện.
    Chúng tôi sợ “thất lễ” với chú tiểu nên phải “bấm bụng” nhịn cười cho tới khi chú đi khuất.
    Thi lườm tôi:
    – Anh không tha cho ai hết! Vào chùa mà cũng còn đùa nghịch. Phật phạt anh bây giờ!
    Uyên nói ngay:
    – Anh ấy không sợ Phật phạt đâu, mà chỉ sợ cô em gái của chị phạt đấy thôi!
    Tôi nói với Uyên:
    – Phạt gì thì phạt! Cô ấy đừng “véo” và đừng “cắn” anh là được.
    Thi hỏi:
    – Thế phạt anh bằng cách nào?
    Tôi đi lùi nhanh ra phía cổng chùa, tay chỉ chỉ vào má tôi như có ý bảo “phạt anh bằng cách hôn anh đây này”. Thi phồng má “không!” một tiếng nhẹ rồi đuổi theo tôi. Tôi vừa chạy ra khỏi cổng chùa thì đi chậm lại.
    Thi nhõng nhẽo:
    – Em phạt anh! Anh phải cõng em ra xe!
    Tôi vờ ghé lưng như để cõng Thi lên. Thi nhìn chung quanh rồi cười:
    – Em tha cho anh lần này đấy!
    Nói xong nàng quay lại để đi cùng với chị.
    Tôi đề nghị:
    – Anh mời hai cô đi ăn phở nhé!
    Thi nắm tay chị kéo đi:
    – Đi ăn phở đi chị! Anh ấy mới “lĩnh lương” mà.
    Uyên rút tay ra khỏi tay Thi:
    – Ăn ngoài tốn tiền lắm! Về nhà ăn cơm với món gà kho gừng của mẹ mới gửi cho.  
   Không ăn mẹ giận đấy!
    Thi ngúng nguẩy, nũng nịu đi theo chị.
    Nắng sớm đã lên cao. Chúng tôi lấy xe, đạp thẳng về nhà.
 
 

Hình minh họa

***

Mời nghe bản nhạc:

Tỉnh thức

 

Mời xem tiếp PHẦN 2

Nguyễn Giụ Hùng

 

 

Xem thêm...

NỢ - NGUYỄN GIỤ HÙNG

THƯ GỬI BẠN

NỢ

NGUYỄN GIỤ HÙNG

 

 

Trong trần thế duyên duyên, nợ nợ,

Duyên cũng đành mà nợ cũng đành.

(Nguyễn Công Trứ)

 

Cái nợ hình dung nó thế nào?

Khiến người ngao ngán, ngẩn ngơ sao!

(Trần Tế Xương – “Cái nợ”)

 

         Chúng ta quen thuộc với “Nợ” từ thuở “mẹ cho mang nặng kiếp người” (TCS). Nợ chất cao hơn núi, trải rộng hơn biển cả. Nợ luân lưu trong vũ trụ được ví như đồng tiền luân lưu trong xã hội loài người. Nợ được trao đổi từ người này qua người khác, từ sinh vật này qua sinh vật khác một cách đều đặn và bất tận như một thứ nợ đồng lần.

         Nợ thì nhiều lắm, nó nhiều từ nghĩa đen cho đến nghĩa bóng, từ thực thể “cân đo đong đếm” được cho đến những ý niệm trừu tượng có tính xấu, tốt, lẫn linh thiêng ... Nợ không phân biệt nam phụ lão ấu, cứ có sự hiện hữu là đã có nợ rồi. Nợ không chừa một ai, nợ được coi như một định mệnh của con người, không ai tránh được, kể cả những người tưởng như suốt cả cuộc đời chỉ biết có cho vay.

         Nợ bao trùm trong mọi sinh hoạt hàng ngày. Nó được thể hiện từ trong nhà ra ngoài làng xã, từ việc cỏn con cho đến việc to lớn, từ việc trang nghiêm đến việc bông lơn, từ việc ban đêm đến việc ban ngày, chỗ nào cũng có mặt của nợ. Nợ nhiều quá đến nỗi đôi khi ta đã phải quên đi hay phải tảng lờ hoặc không còn biết nó là nợ nữa. Tỷ như hơi thở của ta là món nợ truyền kiếp liên quan đến sự sống

còn, ấy thế, mà mấy ai nhớ tới đó là món nợ của ta đối với Trời Đất đâu. Nợ xảy ra trong từng “sát na”. Sống có cái nợ của sống, chết có cái nợ của chết. Nợ mang đủ sắc thái, mọi hình thức, biến hoá vô lường, lúc nào nó cũng ở bên mình ta như “cái của nợ”. Nợ không chỉ đến từ cái ăn cái mặc, cái nhà cái cửa, cái nhăn răng hì một tiếng (nói theo cụ Nguyễn Văn Vĩnh), ... nó cũng còn đến từ công ơn dưỡng dục, tình nghĩa thâm sâu, nhân quần xã hội ... kể sao cho hết.

         Nào như nợ trong thi ca của cụ Nguyễn Công Trứ, chữ “nợ” được thể hiện qua những trích đoạn sau.

        - Nợ quốc gia, nợ quân thần:

Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái

Cái công danh là cái nợ nần

Nặng nề thay đôi chữ quân thân

Đạo vi tử, vi thần đâu có nhẹ.

(Trên vì nước dưới vì nhà)

       - Nợ tang bồng:

Mình một bóng đành rằng nông nỗi thế

Hỏi thư kiếm có hay chăng nhẽ

Nợ tang bồng giả đặng lúc này chăng

Ra tay chữa lệch cho bằng.

(Đi quân thứ)

Truyện đố kỵ sá chi con tạo

Nợ tang bồng quyết trả cho xong

Đã xông pha bút trận thì gắng gỏi kiếm cung

Cho rõ mặt tu mi nam tử.

(Làm cho tỏ mặt nam nhi)

        - Nợ đèn sách:

Chí tang bồng hẹn với giang sơn

Đường trung hiếu chữ quân thân là gánh vác

Đã mang thân ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông

Nợ sách đèn đem nghiên bút trả xong

Cầu xe ngựa lúc đi về mới tỏ.

       - Nợ phong lưu:

Suy mới biết ở đời ai cũng hớ

Vì tài tình nên vướng nợ phong lưu

Kho trời cho tiêu phí thấm vào đâu

Chơi là lãi, dẫu chưa giàu nhưng chẳng kiết.

       - Nợ tài hoa:

Trời đất cho ta một cái tài

Giắt lưng dành để tháng ngày chơi

Dở duyên với rượu khôn từng chén

Trót nợ cùng thơ phải chuốt bài.

(Tự cao)

Chưa chán ru mà quấy mãi đây

Nợ nần dan díu mấy năm nay

Mang danh tài sắc cho nên nợ

Quen thói phong lưu hoá phải vay.

(Than nghèo)

       - Nợ tình:

Đa tình là nợ

Mắc míu vào đố gỡ cho ra.

(Chữ tình)

       - Nợ duyên:

Ừ duyên nợ ắt đà hơn một

Mà nét xuân kia vẹn cả mười.

(Bỡn cô đầu già)

       Nào nợ vật chất trong thi ca cụ Trần tế Xương:

Van nợ lắm khi trào nước mắt,

Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi.

(Than nghèo)

       Nào như nợ trong ca dao:

Bốn bề công nợ eo sèo

Chỉ vì một nỗi tôi nghèo mà thôi.

Eo sèo công nợ tứ bề

Kẻ lôi người kéo, ê chề lắm thay.

       Trong các loại nợ, có một loại nợ rất đa dạng, đầy đủ hỉ nộ ái ố nhất, đó là nợ duyên, nợ tình được ca dao đặc biệt nhắc đến.

Vô duyên vô phúc húc phải ông chồng già

Ra đường bị hỏi là cha hay chồng?

Nói ra đau đớn trong lòng

Ấy cái nợ truyền kiếp, chớ phải chồng em đâu!

 

Chồng con là cái nợ nần

Thà rằng ở vậy nuôi thân béo mầm.

 

Mỗi người một nợ cầm tay

Đời xưa nợ vợ, đời nay nợ chồng.

 

Mực đen vô giấy khó chùi

Chồng chồng, vợ vợ, nợ đời trăm năm.

 

Nợ đòi trả trả vay vay

Nợ tình biết trả đến ngày nào xong?

 

Buồn riêng thôi lại tủi thầm

Một duyên, hai nợ, ba lầm lấy nhau.

 

Lạy trời phù hộ cho em

Cho em chóng lớn em lên cõi già

Khỏi đền duyên nợ rầy rà

Khỏi mang tiếng xấu như là những ai.

       Ấy thế, không phải nợ duyên, nợ tình lúc nào cũng đáng sợ đâu nhé mà nhiều khi người ta lại ùa nhau tự nguyện đi vác những cái nợ ấy vào thân:

Đem thân ở dưới cõi trần

Hỏi rằng duyên có nợ nần chi không

Bao nhiêu giá một ông chồng

Thì em cũng bỏ đủ đồng ra mua.

 

Một duyên, hai nợ,

Anh sợ em sắp có chồng.

Anh chẻ tre bện sáo, ngăn sông

Cầm duyên em lại để kết đạo đồng cùng anh.

 

Gió thổi pho pho, đưa đò lên Huế,

Trăng non đoài vội xế về Vinh

Em đây vốn thiệt một mình,

Có ai vô gầy dựng duyên nợ,

Gá nghĩa chung tình cho vui.

      Không được mắc vào nợ duyên, nợ tình với nhau thì mè nheo, than thở:

Gió đưa nước, nước sao vời vợi

Gió đưa mây, mây hỡi mịt mù

Anh với em duyên nợ sầm sờ

Em còn thủ tiết, mà chờ đợi ai?

 

Đường đi lên quăn quăn quéo quéo

Đường đi xuống quẹo quẹo vườn dâu

Hai đứa mình ân ái đã lâu

Ai vô đây bày mưu sắp kế

Cho duyên nợ hầu rẽ phân.

 

Nghĩ tơ duyên quá dở

Giận căn nợ bời bời

Đau lòng quá lắm em ơi

Xui chi gặp gỡ chẳng trọn đời với nhau.

      Khi được nợ duyên, nợ tình rồi thì lại phụ duyên, phụ tình nhau:

Còn tiền còn duyên còn nợ

Hết tiền hết vợ hết chồng.

 

Ngọn cỏ phất phơ, ngọn cờ phơ phất

Nồi đồng sôi, nồi đất cũng sôi.

Anh với em duyên nợ hết rồi

Để cho người khác đứng ngồi với em.

 

Ôi thôi, tôi muốn bứt rời duyên nợ

Anh đi kiếm vợ em lại kiếm chồng.

      Ngôn ngữ dân gian liên quan đến “Nợ” của ta thì giàu có lắm, như những câu tục ngữ:

      Mang công mắc nợ, nợ ngập đầu, nợ như chúa Chổm, nợ như tổ đĩa, nợ tiền kiếp, nợ van quan khất, rút ruột tằm trả nợ dâu, trả nợ quỷ thần, tất tưởi như nợ đuổi sau lưng, tốt vay dày nợ, nợ có vay có trả, may gặp duyên chẳng may gặp nợ, nhất tội nhì nợ, một là vợ hai là nợ, nhà gần chợ để nợ cho con, nặng nợ giang hồ, kéo cầy trả nợ, một vay hai nợ ... cũng ôi thôi, kể sao cho hết.

      Nhân nhắc tới thành ngữ “nợ như chúa Chổm” tôi cũng xin kể các bạn nghe một câu chuyện mang ý nghĩa của một người mắc nợ nhiều. Theo tục truyền, chúa Chổm là nhân vật có thật. Thuở hàn vi, chúa Chổm phải vay nợ nhiều lắm. Khi được tôn lên làm chúa và được rước về kinh thành Thăng Long thì chúa bị đòi nợ suốt dọc đường. Chủ nợ thật cũng có mà chủ nợ “hôi” cũng có, chúa Chổm không thể nào nhớ hết. Lúc đầu ai đòi thì trả, sau thấy càng trả nợ thì số chủ nợ càng đông

nên ra lệnh: chúa Chổm chỉ trả nợ cho tới khi chúa về đến ngã tư cổng thành Cửa Nam. Do đó, chỗ ngã tư này được gọi là ngã tư Cấm Chỉ (Ở cạnh Hàng Bông gần Cửa Nam).

      Nợ có hai đối tượng, “vay” và “trả”. Có vay thì có trả. Có vay mà không trả thì gọi là “quịt nợ”, cho vay mà không đòi thì gọi là “xóa nợ”, nợ mà cứ lần khân chưa chịu trả thì gọi là “trây nợ” dù đã “khất nợ” nhiều lần.

      Có những món nợ không phân định rõ là ai vay, ai trả, như tình tôi đối với những cô hàng xóm, “ai vay ai?” thì chỉ có “Ai” biết và “ai trả ai?” thì cũng chỉ có “Ai” biết. Trong trường hợp này thì phải hiểu nôm na đó là cái “nợ đời”. Và như thế, sự tương quan giữa người chủ nợ và người vay nợ, nếu ta quán chiếu cho sâu, quả thật không có sự cách biệt là bao. Nợ của người này chính là cái vay của kẻ khác và ngược lại. “Vay trả” đôi khi được hiểu giống như là “Đạo”. Theo Lão Tử, Đạo thì không thể nói được, nói được thì không còn là Đạo, nên thôi, tôi chẳng bàn thêm về “vay trả” ở đây.

      Muốn hiểu hết ý nghĩa của nợ thì thật gian nan. Không hiểu được ý nghĩa của nợ thì ta khó có thể biết cách trả nợ, không trả nợ đúng cách thì cũng kể như ta quịt nợ dù vô tình hay cố ý. Vay nợ, mang nợ, trả nợ đều có những ẩn số phức tạp của nó như vay ra sao, trả như thế nào đòi hỏi một trình độ ứng xử cho thích nghi cho phù hợp với từng hoàn cảnh, ý nghĩa của nó.

      Nợ có nhiều mức độ khác nhau, kẻ nợ nhiều người nợ ít. Để nhìn nợ một cách gần gũi và thực tế hơn thì nợ luôn đi kèm theo một yếu tố được thể hiện ở một mức độ nhất định nào đó là có vay có trả. Đối với những người có quan niệm có ơn phải sợ có nợ phải đền thì thái độ của những loại người này luôn luôn là muốn trả nợ cho xong.

Kiếp này trả nợ cho xong

Làm chi để nợ một chồng kiếp sau!

      Trong số những người muốn trả nợ cho xong này phải kể đến nàng Thúy Kiều đã đem cả vốn liếng nghìn vàng của mình ra trả nợ chuộc tội cho cha. (Không như Thúy Vân chỉ biết vô tình ăn no ngủ kỹ cho mập ú đến khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang chứ không chịu chia sẻ với chị theo đúng tinh thần “fair” của người Mỹ, mỗi cô một nửa, nghĩa là mỗi người còn giữ lại một nửa để dành làm vốn lấy chồng. Cười.)

      Có loại người lại không sợ nợ như:

Dầu cho nợ bắt nợ đòi

Phong lưu ta cũng cứ nòi phong lưu.

      Vì trong đời có người nọ kẻ kia đối với nợ như thế nên các cụ ta có câu:

Ở đời có bốn cái ngu

Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu.

      Nghe tôi nói thế, chẳng biết nghe câu được câu chăng, ất giáp thế nào, ba cô hàng xóm xinh đẹp trước cửa nhà tôi chạy ùa sang, nói vọng vào đòi “ngu”.

- Cho em “gác” với.

- Cho em “cầm” với.

- Cho em “lãnh” với.

      Tôi chỉ còn biết ngao ngán nhận cái ngu còn lại là “làm mai”. Ai muốn thì xin dơ tay. Các cô ấy đang hăng say đòi “ngu” cũng như các cô ấy đang hăng say đòi “được nợ” vậy.

      Các bạn ơi, vừa nghe tới chữ “làm mai” và “được nợ”, ba cô hàng xóm xinh đẹp tung cửa chạy túa vào nhà tôi.

      Nhà Phật có câu thật cao siêu “Găp Phật giết Phật, gặp Ma giết Ma.” Theo chân nhà Phật, tôi sẽ giết và nhất định giết hết ba cô hàng xóm xinh đẹp này đêm nay trong giờ thiền định. Gặp NỢ tôi cũng giết luôn: xoá nợ.

      Xin chấm dứt câu chuyện tào lao về NỢ ở đây.

Trong trần thế duyên duyên, nợ nợ

Duyên cũng đành mà nợ cũng đành

(Nguyễn Công Trứ - Già cưới nàng hầu)

 

NGUYỄN GIỤ HÙNG

 

Mời nghe bản dân ca quan họ

Nợ Duyên

 

Xem thêm...
Theo dõi RSS này