Sáng tác

Sáng tác (46)

KHAI BÚT ĐẦU NĂM

Khai bút đầu năm

▂ ▃ ▅ ▆ █☆★█ ▆ ▅ ▃ ▂

Bây giờ đã hơn một giờ đêm ở Houston và cũng là ngày đầu năm Giáp Thìn. Lúc nãy, theo thông lệ hằng năm, tôi tự xông nhà lấy. Chẳng phải vì mê tín dị đoan nhưng tôi cố giữ tập tục này để dạy cho các con tôi về những phong tục ngày tết của Việt Nam. Điều này bố tôi thường hay làm trước kia khi còn sống từ những năm 40 ở ngoài bắc mà tôi đọc từ những trang nhật ký của ông. Thấy hay hay nên tôi bắt chước từ khi lập gia đình và có nhà riêng. Năm nào cũng vậy, cứ gần đến giao thừa, tôi lại quần áo chỉnh tề, rời nhà độ 15 phút trước giao thừa, đi một vòng trong khu nhà để rồi trở về nhà khoảng 5 phút sau nửa đêm để xông nhà.

Năm nay trời hơi lạnh lại thêm mưa phùn nên dù đã mặc hai lần áo lại thêm cái áo khoác ngoài mà hơi lạnh vẫn thấm vào tận trong xương. Không khí trong lành và lạnh ban đêm làm cho mùi hoa anh đào nhà ai đó trồng đã thơm lại càng thêm ngát. Không gian yên tĩnh làm cho tâm hồn tôi cảm thấy thật thanh thản, tâm trí như bay bổng vào quá khứ thật đẹp của những cái tết xa xưa trước năm 75.

Thuở đó, cứ mỗi chiều giao thừa là tôi và chị kế thường hay chở nhau đi một vòng từ chợ Bến Thành, Tân định, cho đến Bà Chiểu bên Gia Định để xem những người bán hoa vội vã bán tống bán tháo những chậu hoa cuối cùng để còn kịp đón chuyến xe chót về quê ăn tết. Thuở ấy, chợ hoa vào ngày cuối năm không xô bồ như về sau này, không có cảnh người bán phải đập đổ những chậu hoa mình đã bỏ công lao cả năm để vun trồng vì bị người mua bắt chẹt vào giờ phút cuối. Đi để xem những nhân viên sở vệ sinh đô thành hối hả dọn những đống rác khổng lồ trước khi xe cứu hỏa dùng vòi rồng phun nước để rửa sạch những con đường mà một tuần trước đó thật bừa bãi và nhơ nhớp. Không biết từ bao giờ, hai chị em tôi đều có cùng tâm trạng là thương cho những người lao động phải làm việc cho đến những giờ phút cuối cùng của năm trong khi những người khác, ai nấy đều đã về nhà sum họp với gia đình để sửa soạn đón giao thừa.

Hồi nãy khi trở về nhà, vợ con tôi đã khăn áo chỉnh tề chờ sẵn để mở cửa, chúng tôi chúc tết lẫn nhau. Tôi lì xì, mừng tuổi các con trong năm mới.

Bây giờ ngồi viết những dòng chữ này, đầu óc tôi lại miên man về quá khứ khi còn bé dựa theo những gì tôi đọc được trong nhật ký của bố tôi.  Mỗi năm, sau khi dự lễ giao thừa ở nhà thờ Thị Nghè, bố tôi tự xông nhà lấy và thường ngồi vào bàn làm việc viết vài hàng gọi là khai bút đầu năm sau khi đốt một phong pháo hiệu điện quang Gò Vấp để đón năm mới. Gọi là vài hàng chứ có năm, ông viết đến gần chục trang giấy tùy theo những gì đã xảy ra trong năm. Chẳng hạn như tết năm 1955, cái tết đầu tiên ở trong nam, hồi tưởng lại những cái tết ở Hà Nam, Phủ Lý hoặc năm 1962 khi bà nội tôi mất vào đúng ngày 28 tết. Trong dịp này, bố tôi thường “ôn cố tri tân”, viết vắn tắt lại những gì xảy đến trong năm cũ và tạ ơn thượng đế về những ơn lành Ngài đã ban cho gia đình tôi.

Những bản nhạc xuân lại đưa tôi về những ngày thơ ấu vào những ngày giáp tết. Mẹ tôi cũng như bao người phụ nữ khác, lo toan đi chợ, mua sắm những món ăn cho ngày tết, đặc biệt là những món bắc như giò thủ, thịt đông, dưa nén, bánh chưng... Nói đến bánh chưng, năm nào mẹ tôi cũng gói độ 2,3 chục chiếc, vừa để ăn, vừa để biếu một vài người thân. Bánh gói nhà, tuy không vuông vức và đẹp như ở chợ nhưng ngon vì gạo nếp, đậu xanh mẹ tôi mua từ người quen tận Long Xuyên và vì lá dong bao giờ cũng được rửa thật kỹ trước khi gói. Thông thường, mẹ tôi cố thu xếp mọi việc đâu vào đấy ngày 29 tết để ngày 30 còn đi tết các bác và người thân. Năm nào cũng vậy, cứ gần tết là bố tôi lại hay ngâm nga bài thơ ông đồ của Vũ Đình Liên. Ông thích bài thơ này vì ý thơ hay nhưng phần lớn vì tác giả là thầy dạy văn cùa bố tôi ở trường Thăng Long, Hà Nội. Theo lời kể, một ngày trước tết năm 1936, thay vì giảng dạy như thường lệ thì ông cho học trò nghe bài thơ ông đồ mà ông mới sáng tác. Nghe mãi nên nhớ, mỗi năm khi đi bộ trong khu nhà trước khi trở về để xông nhà lúc giao thừa, tôi đều nhẩm đọc lại bài này khi nhớ đến bố tôi.

Năm vừa qua, một biến cố thật lớn xảy đến cho đại gia đình chúng tôi. Nhạc mẫu của tôi đột ngột qua đời sau vài ngày nằm trong bệnh viện mà cho đến bây giờ vẫn chưa rõ nguyên do. Một khoảng trống thật lớn cho anh em chúng tôi vì tuy rằng ai cũng đã lớn, con cháu đầy đàn, nhưng tự bao giờ, mẹ vẫn là mái ấm, là bầu trời che chở chúng tôi. 

Mới năm ngoái đây còn lăng xăng, đôn đốc các con đi mua gạo, thịt để gói bánh chưng mà giờ đây mẹ đã đi thật xa rồi. Năm nay, mẹ không còn nhưng anh em chúng tôi vẫn cố gắng tụ tập lại để gói bánh chưng và cũng để cho các cháu, sinh ra và trưởng thành ở Mỹ, có dịp học hỏi và…"kế thừa" nồi bánh chưng mà mẹ chúng tôi vẫn dùng để nấu từ bao nhiêu năm nay. Bên bếp lửa hồng, nồi bánh chưng sôi sùng sục, khói bốc lên nghi ngút như muốn đưa mùi thơm của bánh mới nấu, thay cho đàn con, dâng lên mẹ đang ở một cõi xa xăm đang nhìn xuống con cháu. 

Cứ đến ngày ba mươi tết, cho dù đã xa quê hơn 40 năm, hình ảnh những đêm giao thừa ngày xưa như một khúc phim thật hay quay chậm lại trong đầu tôi. Trong khung cảnh thật tịch mịch của đêm trừ tịch, tôi thích nhất là hình ảnh người ta bày bàn thờ trước cửa nhà với mâm cỗ đầy đặn, thành khẩn rước ông bà, cha mẹ về ăn tết trong tiếng pháo đì đùng từ xa. Nếu ngày xưa những hình ảnh đã thật đẹp và có ý nghĩa  thì bây giờ, nó lại càng nhắc lại cho tôi hãy biết trân quý những gì mình đang có. Nếu như sự ra đi của nhạc mẫu làm tôi luyến tiếc, có một đôi chút hối hận, về những gì đáng lẽ mình có thể làm để báo hiếu khi người  còn sống thì đây cũng là sự nhắc nhở về hạnh phúc mà tôi vẫn còn đang có, đó là mẹ ruột tôi, 101 tuổi, vẫn còn ở bên cạnh. Chiều nay trên đường đi làm về tôi có ghé thăm và trò chuyện với mẹ. Thăm mẹ chiều 30 tết, tôi muốn tận hưởng sự may mắn, niềm hạnh phúc mà bạn bè thường hay đùa là ở cái tuổi có Medicare rồi mà vẫn còn có mẹ, không cần phải mời mọc, đón mẹ vào đêm giao thừa như nhiều người khác khi cúng vái.

Giờ đây, trong khung cảnh thật yên lặng của những giây phút đầu năm, hình ảnh của bố tôi vào những ngày cuối năm lại hiện ra như đang cùng tôi đọc lại những vần thơ trong bài ông đồ già:

“Mỗi năm hoa đào nở

 Lại thấy ông đồ già

 Bày mực tàu giấy đỏ

 Bên phố đông người qua

 Bao nhiêu người thuê viết

 Tấm tắc ngợi khen tài

 Hoa tay thảo những nét

 Như phượng múa rồng bay

 Nhưng mỗi năm mỗi vắng

 Người thuê viết nay đâu

 Giấy đỏ buồn không thắm

 Mực đọng trong nghiên sầu

 Ông đồ vẫn ngồi đó

 Qua đường không ai hay

 Lá vàng rơi trên giấy

 Ngoài đường mưa bụi bay

 Năm nay đào lại nở

 Không thấy ông đồ xưa

 Những người muôn năm cũ

 Hồn ở đâu bây giờ”

Không có bàn thờ với khói hương nghi ngút nhưng nhưng dòng chữ này như một nén hương lòng, tôi hy vọng là những “người muôn năm cũ”, bố tôi, bố mẹ vợ, tất cả anh chị em, người thân đã khuất lúc nào cũng phù hộ cho đại gia đình trong năm mới thật nhiều may mắn.

 

Đầu năm Giáp Thìn

 

Viết Hiển
 
 
  
Xem thêm...

Đoản văn “Buồn vui chợt đến chợt đi”

Đoản văn “Buồn vui chợt đến chợt đi”

▂ ▃ ▅ ▆ █☆★█ ▆ ▅ ▃ ▂

Buổi sáng thức dậy, nằm rán trên giường, lòng miên man suy nghĩ về những ngày Tết đã qua. Miệng lẩm bẩm, “Tết, tết, tết,” mà nghe âm thanh dội lại vào lòng xa lạ, dửng dưng! Tôi lại lẩm nhẩm trong đầu:

Tết đến trong lặng lẽ

Tết đi như người dưng

Không một lời chào đón

Nghe tấc lòng bâng khuâng

Tôi uể oải ngồi dậy, vào phòng tắm làm vệ sinh cá nhân xong ra bếp để pha cà phê như thường ngày. Một ngày như mọi ngày, nhà tôi đã dậy sớm và đang làm việc trên computer. Nghĩ lại tôi mỉm cười, cám ơn cái thằng Cúm Vũ Hán. Vì kể từ ngày lũ nầy lan tràn khắp địa cầu thì việc sở MD Anderson cho nhà tôi làm việc luôn ở nhà. Nhà thì phòng ốc thênh thang mà nàng lại chọn cái bàn ăn sáng làm “văn phòng,” chỉ vì tiện nghi. Tiện nghi vì mọi thứ lỉnh kỉnh bếp núc trong tầm tay với. Và cũng vì cái tiện nghi đó nên tôi thường được ăn đủ loại bánh trái mỗi khi nàng cần xả hơi.

Tôi nói nhà rộng thênh thang vì khi mua nhà lũ con còn nhỏ; còn bây giờ thì lũ chim non ngày nào đã thừa lông khoẻ cánh, bay biến vào giông bão của cuộc đời, bỏ lại hai con khỉ già như hai chú ong tò vẽ. Cũng may nhờ ơn chú Tập. Tôi thường hay nghĩ, nếu nàng đi làm hàng ngày như xưa chắc tôi không chịu nổi suốt ngày vò võ một mình. Ừ cũng tại chú Tập mà tôi đã phải bỏ trường bỏ lớp bỏ học trò – sau nhiều chục năm tạo dựng – chỉ vì gánh chịu không nổi chi phí thuê mướn trong mùa dịch mà không nhận được sự giúp đỡ nào của chính phủ. Dù còn khoẻ mạnh nhưng đã lỡ thầy lỡ thợ rồi, đành phải về vui với cảnh vườn… không hoa bướm!

Cà phê cũng vừa xong, tôi pha cho nhà tôi một tách, tôi một tách trên tay đi thẳng vào phòng làm việc để bắt đầu ngồi thiền… internet.

Vừa mở computer ra thì thấy một lô email mới. Ngó lướt qua một vòng thấy có email của cô nương Trịnh Duy Hân bên Canada gửi. Email nhắc các tác giả có tên trong danh sách – sẽ được giới thiệu trong chương trình tác giả và tác phẩm vào tháng 5 sắp tới ở Toronto do cô và nhóm văn nghệ sĩ Toronto tổ chức – gửi bài đăng trong các số báo tới do nàng chủ trương để làm quen độc giả.

Đọc xong email thì đôi bàn chân ham vui nổi ngứa, lòng xôn xao vui, “tức cảnh sinh tình” gõ ngay vào bàn phím thành một bài thơ ngắn gửi hồi âm.

Tháng Năm… Nghe lời hẹn

Lòng nôn nao, xôn xao

Như chờ ngày Tết đến

Như bé thơ năm nào

Một thoáng như sống lại

Thuở thanh bình năm xưa

Thâu đêm canh bánh tét

Chờ đợi phút giao thừa

Ba Mẹ ngồi tràng kỷ

Chờ cháu con… dạ thưa

Nầy bộ quần áo mới

Mùi long não thơm nồng

Nầy bao lì xì đỏ

Anh chị em đợi mong…

Cảnh vật mờ trước mắt

Mùa Xuân nay không về

Lòng nhớ thương quay quắt

Bao năm rồi xa quê!

Viết đến đây thì lòng buồn vô hạn. Bao nhiêu kỷ niệm dấu yêu của một thời như cuộn phim quay chậm, nghe rè rè, nghe xôn xao trong hồn. Đỗ Trung Quân viết “Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi…” nghe thật thấm thía. Có lẽ nào “một đi không trở lại?” Làm sao trở về khi con người không có tự do, không có nhân quyền với một xã hội bát nháo, một nền văn hoá của dân tộc đã bị phá sản. Làm sao trở về khi cường quyền Cộng sản còn bóp nghẹt cả dân tộc, giày xéo giang sơn trong lúc con người càng ngày càng trở nên ích kỷ, càng mánh mung tư lợi, phó mặc vận nước điêu linh!

Đang miên man miên man với nỗi nhớ thương, bỗng nhớ đến bản nhạc tôi đã viết mấy năm trước. Tôi lục tìm rồi ngồi dọc lại, ngồi nghe, ngồi hát theo trong bồi hồi xúc động.

 

Mời nhấn vào tựa bài để xem youtube

Tiếng Gọi Quê Nhà

Bao năm qua kể từ chim gãy cánh

Lòng nhớ thương tìm không thấy quê nhà

Nghìn trùng xa mắt trông vời cố xứ

Biết còn không dòng sông cũ năm nao

Xa quê hương cõi lòng tôi khô héo

Tình non sông canh cánh nặng bên đời

Ngày chóng qua phương về sương mờ lối

Sợ cánh chim mỏi cánh tận trời xa

Ra đi ai biết sẽ xa càng xa

Bao năm mây trắng vẩn vơ bên trời

Từ ngàn trùng xa nghe tiếng quê hương gọi tên

Rạt rào niềm đau tiếng dế nỉ non bên thềm

Cuộc đời buồn tênh như gió qua thềm vắng

Như cánh chim bên trời gọi nhau bốn mùa

Quê hương ơi bao giờ xuân sẽ đến

Người xứ xa mừng vui kéo nhau về

Cùng nắm tay chúng ta xây đời mới

Quyết cùng nhau dựng xây nước non ta

Trăng nơi đây ươm vàng trong nỗi nhớ

Lòng xót xa vời trông hướng quê nhà

Sợ mai đây lá vàng theo gió cuốn

Cuối chân trời mây trắng cũng bâng khuâng./-

 

Thế là hết một buổi sáng cuối tháng 2/2024

 

Yên Sơn

 

 

Xem thêm...

MẮT qua ca dao tục ngữ - NGUYỄN GIỤ HÙNG

THƯ GỬI BẠN

MẮT

Qua Ca Dao Tục Ngữ 

Nguyễn Giụ Hùng

 

Lời mở đầu: Tôi viết bức thư này gửi tới anh bạn tôi vừa đi mổ mắt về nhóm bạn cùng tới thăm.

     Thế này nhé, khi đi mổ mắt về, ta có nhiều điều vui và cũng lắm điều buồn. Vui vì ta được nhìn thấy rõ và ta cũng buồn vì bị nhìn thấy rõ những sự việc xẩy ra quanh ta. Như tôi nhìn cô hàng xóm, trước khi mổ mắt thì thấy cô ấy "đèm đẹp" theo cái nhìn "mờ mờ nhân ảnh" của mình, và sau khi mổ mắt thì nhận ra cô ta có những cái đẹp lên nhưng cũng có cái xấu đi theo cái "tinh tường" của đôi mắt ấy.

     Trong cuộc sống hàng ngày, đôi khi không cần phải đi mổ mắt mà vẫn được "sáng mắt ra" vì những nghịch cảnh luôn luôn xảy ra cho chính mình hay cho những người chung quanh. Tóm lại, ôi thôi, có đủ thứ làm ta “sáng mắt sáng lòng”.

     Nay tôi chỉ xin nói chuyện với các anh về vài điều liên quan tới "mắt" qua ca dao tục ngữ, tiếng nói tinh tế và chân chất của người Việt Nam ta. 

 

     Này nhé, tôi đố các anh:

         - Con gì trên lông dưới lông, tối lồng làm một?

         - Đó là con mắt.

         - Đúng!

 

       Trước hết tôi xin nói về TÊN CỦA MẮT.

     Vì mắt được ví von “mắt là cửa sổ của tâm hồn”, và ta cũng có thể ví “mắt là cửa chính của tâm hồn” tức là muốn đi vào tâm hồn của ai thì ta phải đi qua cái cửa ấy. Mắt là “cửa tâm hồn”, dù là cửa sổ hay cửa chính, nên mắt cũng có nhiều dáng kiểu và kích thước khác nhau như cửa nhà vậy và tên gọi của chúng cũng khác nhau theo đúng tinh thần “nhìn mắt đặt tên” (chứ không phải “nhìn mặt đặt tên”)

     Khi đặt tên cho mắt, người ta thường dùng theo hình dáng của vật thể hay của sinh vật nào đó mà gán ghép cho chúng: Mắt to và lộ ra ngoài thì gọi là mắt lồi, mắt ốc nhồi hay mắt cá vàng; mắt nhỏ và dài như lá tre hay lá rau răm thì gọi là mắt lá răm. Mắt tròn và đen nháy như mắt chim bồ câu thì gọi là mắt bồ câu . . . Và cứ như thế ta có một số tên gọi của mắt như nào là (ti hí) Mắt lươn, Mắt (bé như) hạt đậu, Mắt cú vọ, Mắt diều hâu, Mắt dơi (mày chuột), (giương như) Mắt ếch, Mắt lợn luộc, Mắt rắn ráo, Mắt sắc (như dao cau), Mắt thánh (tai hiền), (lừ lừ) Mắt voi, (mày ngài) Mắt phượng. . .

          Thấy em nhỏ thó lại có hồng nhan, chân mày loan con mắt lộ

          Anh đi giáp lục tỉnh này, không ai ngộ bằng em.

     Ngoài hình dáng ra, mắt còn có tên theo màu sắc như mắt đen, mắt nâu, mắt xanh, mắt long lanh, mắt thủy tinh, mắt đỏ, mắt trắng (môi thâm) . . .

 

          Cầu đây có gái bán hàng

          Có đôi rùa đá có nàng bán cau

          Mắt xanh tươi thắm môi trầu,

          Miệng cười núm má cho cầu thêm xinh.

 

          Người khôn con mắt đen sì,

          Người dại con mắt nửa chì nửa than.

 

          Hò ơ . . . Phù sa nước đục khó dòm,

          Nhớ anh em khóc... (ờ)

          Hò ơ... nhớ anh em khóc đỏ lòm con ngươi.

     Mắt không phải chỉ được phân biệt bằng cái tên qua hình dáng, màu sắc không thôi mà mắt còn được áp đặt vào chúng bằng những cảm quan, nhận thức, sinh hoạt, triết lý . . . tùy theo tình huống của những cái "nhìn mắt đặt tên" và "xấu đẹp tùy người đối diện" của mỗi người. Nghĩa là tên của mắt còn được đặt để vào đó một linh hồn vô cùng sống động.

          Người khôn con mắt dịu hiền,

          Người dại con mắt láo liên nhìn trời!

 

          Một thương tóc bỏ đuôi gà,

          Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.

          . . .

          Chín thương em ngủ một mình,

          Mười thương con mắt hữu tình cho ai.

 

          Chém cha con mắt đa đoan,

          Càng lắm nhân ngãi càng mang tiếng thù.

 

          Con mắt trừng trừng,

          Thầy vơ cả đĩa.

 

          Chồng em rỗ sứt rỗ sì,

          Chân đi chữ bát, mắt thì ngưỡng thiên.

 

          Hai nách cô thơm như ổ chuột chù,

          Mắt thì dán nhấm, lại gù lưng tôm.

 

          Chả tham nhà ngói anh đâu,

          Tham vì con mắt bồ câu liếc người.

 

          Rạng ngày mai con mắt lim dim,

          Chân đi thất thểu như chim tha mồi.

 

          Những người con mắt lá răm,

          Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền.

 

          Ông già ổng chết đã lâu,

          Con mắt thao láo hàm râu vẫn còn.

     Cũng từ những cảm quan, nhận thức kể trên mà tên gọi của mắt cũng dựa vào những sự phê phán khen chê được diễn dịch qua tướng số hay kinh nghiệm. Tất nhiên chúng ta không thể hoàn toàn tin vào sự khả tín của những lời phê phán có tính cảm quan này:

 

          Con lợn mắt trắng thì nuôi,

          Những người mắt trắng đánh rồi đuổi đi.

 

          Máy mắt ăn xôi,

          Máy môi ăn thịt,

          Máy đít phải đòn.

 

          Mắt ốc bươu làm cho ai sợ,

          Miệng hỏa lò ăn vỡ nghiệp cơ.

 

          Người khôn con mắt đen sì,

          Người dại con mắt nửa chì nửa than.

 

          Những người ti hí mắt lươn,

          Trai thì trộm cướp, gái buôn chồng người.

 

          Rèm xưa ba bức mành mành,

          Mắt cô thế ấy tu hành được đâu.

 

          Người khôn con mắt dịu hiền,

          Người dại con mắt láo liên nhìn trời!

 

Kéo dài chi kiếp sống thừa,

          Cho cay mắt thấy, cho chua lòng sầu.

 

     Mắt dùng để NHÌN, để ngó, để trông, để ngắm, để dòm, để liếc . ..Và để diễn tả những tình cảm vui buồn, tức giận, nghi ngờ, thất vọng hay là những thông điệp của tình thương yêu dùng thay cho lời nói. Nói tóm lại mắt còn có đủ khả năng diễn tả đầy đủ sự "hỷ nộ ái ố" của con người.

          Anh thương em không biết để đâu,

          Để trong túi áo lâu lâu lại nhìn (dòm).

 

          Chiều chiều ra chợ Đông Ba,

          Ngó về hàng Bột trông ra hàng Đường.

 

          Nhìn mai, ngắm liễu, xem hường,

          Cô nào đẹp nhất xin nhường cho tôi.

 

          Ra đường con mắt ngó nghiêng,

          Về nhà chui chốn buồng riêng vê mồng.

 

          Tóc em như lông con chó xồm,

          Xức dầu thì xức, ai thèm dòm, bớ em Hai.

 

          Em là con gái cửa dinh,

          Qua dinh cụ lớn, cụ rình cụ nom.

          Của em chẳng để ai dòm,

          Cáo già hết ngóm, mèo non cũng chừa.

 

          Mẹ em tham thúng xôi rền,

          Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.

          Em đã bảo mẹ rằng đừng,

          Mẹ lườm mẹ nguýt mẹ bưng ngay (xôi) vào.

          Bây giờ chồng thấp vợ cao,

          Như đôi đũa lệch so sao cho bằng.

 

          Ngó lên chữ ứ,

          Ngó xuống chữ ư.

          Anh thương em thủng thẳng em ừ,

          Anh đừng thương vội, phụ mẫu từ nghĩa em.

 

          Bất bình cũng cứ dửng dưng,

          Cũng đừng liếc xéo, cũng đừng cười khinh.

 

          Dao cau rọc lá trầu vàng,

          Mắt anh anh liếc, mắt nàng nàng đưa.

 

          Ô kìa con cái nhà ai,

          Cái váy thì dài, áo ngắn ngang hông!

          Thấy ai dương mắt ra trông,

          Nghề nghiệp chẳng có, chổng mông kêu trời!

     Ngoài những cái “nhìn” của thế gian, ta còn có cái “nhìn của đạo Phật”. Mắt là một trong sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), nó là nguyên nhân của vui sướng hoặc khổ đau trong nhận thức u minh về xấu đẹp khi ta tiếp xúc với những hình ảnh bên ngoài. Muốn tránh khổ đau ta phải "quán chiếu" để thấy được cái "thực tánh" của mắt và nhìn, nghĩa là, nói theo một vị Thiền sư thì những người đạt đạo, họ vẫn thấy cái đẹp và cái xấu nhưng họ không bị khống chế, lôi cuốn bởi những cái xấu đẹp ấy vì họ thấy được trong cái đẹp có sự góp phần của cái xấu và trong cái xấu có sự góp phần của cái đẹp. Cái nhìn ấy được chuyển thành lòng từ bi với tâm giải thoát. Đó chính là cái nhìn của trí tuệ bát nhã trong đạo Phật vậy.

     Nói đến mắt ta không thể không nhắc đến KHÓC: Khóc oà, Khóc thét, Khóc gào, Khóc nức nở, Khóc thầm, Khóc thút thít, Khóc vụng trộm, Khóc ti tỉ, Khóc tỉ tê, Khóc nỉ non, Khóc mùi, Khóc như ri, Khóc như mưa, Khóc như cha chết, Khóc đứng khóc ngồi . . . Khóc là để diễn tả một trạng thái tự nhiên của xúc cảm, có thể do vui và cũng có thể do buồn một cách cao độ, trừ khi khóc "vờ", hoặc để làm "vũ khí" tác động vào lòng thương của người khác, hoặc để "vòi vĩnh":

 

          Cha đời con gái mười ba,

          Đêm nằm với mẹ khóc la đòi chồng.

          Mẹ giận mẹ phát ngang hông,

          Đồ con "chết chủ" đòi chồng thâu đêm.

 

          Chuối non giú ép chát ngầm,

          Trai tơ đòi vợ, khóc thầm thâu đêm.

          Khóc rồi bị má đánh thêm,

          Tiền đâu cưới vợ nửa đêm cho mày?

 

          Anh ở làm sao cho vợ anh thôi,

          Bây giờ khóc đứng, than ngồi với ai?

 

          Con cò lặn lội bờ sông,

          Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non.

          Nàng về nuôi cái cùng con,

          Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng.

 

     Đã khóc thì không thể thiếu NƯỚC MẮT: Khóc hết nước mắt, Đổ mồ hôi sôi nước mắt, Khóc không ráo nước mắt, Mau nước mắt, Mồ hôi nước mắt, Nước mắt cá sấu, Nước mắt chảy xuôi, Nước mắt lưng tròng, Nước mắt nước mũi, Tuần chay nào cũng có nước mắt, Trai khôn lắm nước đái gái khôn lắm nước mắt, Cười ra nước mắt . . .

 

          Ai ơi đừng rơi nước mắt ớt,

          Đừng rớt nước mắt gừng,

          Nhân duyên trời định nửa chừng mà thôi.

 

          Tay chùi nước mắt ướt nhem,

          Tại anh chậm bước nên em lấy chồng.

 

          Thôi thôi đừng nhỏ nước mắt hồng,

          Đừng pha tiếng ngọc mà cầm duyên em.

          Đừng vợ đừng chồng, đừng gì hết thảy,

          Anh có nơi rồi rún rẩy duyên em.

 

          Năm bảy tháng trước còn bưng, còn bợ,

          Năm bảy tháng sau lỡ bợ, lỡ bưng.

          Trực nhìn nước mắt rưng rưng,

          Khai hoa nở nhụy, khổ quá chừng anh ơi!

          

           Ớ chị em ơi!

          Cho tôi xin tí nước mắt thừa,

          Tôi về tôi khóc tiễn đưa mẹ chồng.

 

          Anh về em chẳng dám đưa,

          Hai hàng nước mắt như mưa tháng mười.

 

      Tuy nhiên con mắt không phải là lúc nào cũng làm tròn nhiệm vụ của mình một cách hoàn hảo. Khi mắt nhìn không rõ thì gọi là mắt mờ, mắt loà; khi không nhìn thấy gì cả thì gọi là mắt đui hay mắt mù. Và cứ như thế ta còn có một loạt những BỆNH CỦA MẮT như mắt già, mắt cận, mắt viễn, mắt thong manh, mắt lòi, mắt chột, mắt toét, mắt quáng gà, mắt lộ . . .

 

          Hoan hô các cụ trồng cây,

          Mười cây chết chín, một cây gật gù!

          Các cháu có mắt như mù,

          Mười cây chết tiệt gật gù ở đâu?

 

          Trăm lạy ông trời chớ điếc, đừng đui,

          Để hai con mắt coi người thế gian.

 

          Đã có mắt thì xem đàng,

          Có phải cận thị ngó quàng ngó xiên.

 

          Thôi tôi biết vợ anh rồi,

          Vợ anh toét mắt bán xôi chợ chùa.

     Do mắt có thể có khuyết tật hay bệnh nên mắt cần được chăn sóc và bảo vệ vì "thứ nhất đau mắt, thứ nhì dắt răng".

     Ngày nay, với nền văn minh tân tiến, mắt còn được những nhà giải phẫu thay hình đổi dạng theo như ý muốn. Mắt đôi khi còn được trang điểm bằng những cặp lông mi dài, tô thêm quầng mắt, lông mày hay bằng những cặp kính gọng đắt tiền.

          Phì phà thuốc điếu kẹp tay,

          Mắt đeo kiếng mát xem ai ra gì.

 

      Rồi MẮT còn qua những câu tục ngữ phổ biến trong dân gian như:

      Mắt tinh đời, Ăn phùng má trợn mắt, Mắt la mày lét, Mắt hau háu như quạ thấy gà con, Có mắt không ngươi, Con mắt to hơn cái bụng, Đổ đom đóm mắt, Đổ mồ hôi sôi nước mắt, Gái một con trông mòn con mắt, Giàu hai con mắt khó hai bàn tay, Hai mắt đổ dồn lại một, Mắt lá răm kiêu căng có tiếng, Mắt lơ mày láo, Bé người to mắt, Rậm râu sâu mắt, Che mắt thế gian, Cắn răng chằng mắt, Chết không nhắm mắt, Mắt hau háu như quạ thấy gà con, Chớp mắt bỏ qua, Chướng tai gai mắt, Coi người bằng nửa con mắt, Mắt thấy tai nghe, Mắt tròn mắt dẹt, Mắt trợn trừng, Mắt trước mắt sau, Mắt xanh mỏ đỏ, Lấy vải thưa che mắt thánh, Lựa được con dâu sâu con mắt, Lúa bông vang thì vàng con mắt, Mong đỏ con mắt, Móc mắt moi mề, Múa rìu qua mắt thợ, Ngang tai trái mắt, Nghe tận tai nhìn tận mắt, Ngủ ngày quen mắt, Người trần mắt thịt, Nhắm mắt đưa chân, Nhắm mắt làm ngơ, Nhắm mắt xuôi tay, No bụng đói con mắt, Quạ chẳng mổ mắt quạ, Thấy của tối mắt, Tai nghe không bằng mắt thấy, Trêu cò cò mổ mắt, Trời cao có mắt, Tuần chay nào cũng có nước mắt, Thứ nhất đau mắt thứ nhì nhức răng, Tiếc rỏ máu mắt, Tối mắt tối mũi, Trái tai gai mắt, Vừa mắt ta ra mắt người, Yêu gà gà mổ mắt yêu chó chó liếm mặt . . .

     Tóm lại, cặp mắt là bộ phận vô cùng quý giá và đa dụng của con người. Thật là bất hạnh cho chúng ta biết bao nếu thiếu đi cặp mắt hay bị giảm đi một phần khả năng của nó. Có lẽ cũng chính vì cái quý giá và đa dụng của mắt nên mới có nhiều từ ngữ để nói về mắt và những gì liên quan tới mắt trong ca dao, tục ngữ mà trong giới hạn bài này tôi chỉ có thể liệt kê được một phần rất nhỏ trong cái muôn vàn từ ngữ hoặc tình huống liên quan đến mắt trong kho tàng ngôn ngữ dân gian phong phú của dân ta mà thôi.

     Và cũng qua đây, tôi xin được nói thêm, ta phải thấy vô cùng hãnh diện về sự giầu có và tinh tế của ngôn ngữ dân ta, đặc biệt được thể hiện trong văn chương bình dân truyền khẩu của ông cha để lại qua tục ngữ ca dao. Bổn phận của chúng ta phải gìn giữ và phát triển ngôn ngữ ấy, nhất là thế hệ con cháu sống nơi hải ngoại.

     Kết luận:

     Hãy gìn giữ ngôn ngữ nước ta như ta đang gìn giữ con mắt của chính mình vậy.

 

NGUYỄN GIỤ HÙNG

     Mời nghe 

THƯƠNG CA TIẾNG VIỆT

Sáng tác: Đức Trí

Lời: Hà Quang Minh

Biểu diễn: Kyo York & Ju Uyên Nhi

 

Ca sĩ: Mỹ Tâm

 

Xem thêm...

MỘT THOÁNG HƯƠNG XƯA - Yên Sơn

MỘT THOÁNG HƯƠNG XƯA

Yên Sơn

 

ngày 4.03.13

Ta ngồi chép lại pho tình cũ
Gọi trái tim đau nhỏ mực buồn

Yên Sơn

Thư hắn nhận được trong một buổi chiều tháng 12/77, sau một ngày làm việc mệt nhọc. Hắn vô cùng sung sướng khi thoáng thấy phong bì có viền xanh đỏ chung quanh trên tay anh Khang, người bạn cho hắn thuê phòng, hắn biết chắc đó là thư đến từ Việt Nam. Hắn gần như giật lấy lá thư. Anh Khang nheo mắt cười nói với hắn: “Thư của bà bác nào đó mà làm gì dữ vậy?” Nhìn địa chỉ người gửi, thấy tên mẹ của Thu Dung, hắn càng hồi hộp hơn! Hắn nhủ thầm “Thu Dung ơi! Hơn một năm rồi không có tin tức nào của em”! Hắn không kịp thay quần áo, chưa cởi cả giày, hắn cẩn thận mở thư ra đọc…

Vừa đọc hàng chữ đầu: “Tuấn thương mến, Bác viết thư này báo tin cho con rõ là con gái của Bác, Thu Dung, đã lập gia đình rồi!”, mắt hắn đã như hoa lên, trước mặt tối sầm lại! Hắn vội vào phòng riêng đóng cửa, buông mình trên giường, căng mắt đọc lại từng dòng, từng chữ!

Sàigòn, ngày… tháng… năm…
Tuấn thương mến,
Bác viết thư này báo tin cho con rõ là con gái của Bác, Thu Dung, đã lập gia đình rồi. Dù lập gia đình với người không yêu mà chỉ là một ân nhân cứu mạng. Cậu ấy là một bác sĩ, thuộc chế độ cũ, làm việc tại bệnh viện Chợ Rẫy, đã cứu giúp Thu Dung sau một tai nạn xe cộ tưởng đã nguy hiểm đến tính mạng.

Bác biết gần một năm dài chắc cháu lo lắng lắm vì không thấy thư hồi âm của Thu Dung sau cái thư đầu tiên nó gửi cho cháu. Bác nghĩ là cháu phải lo lắng lắm, mong đợi ghê lắm! Bác đã rất vui mừng khi được tin cháu còn sống, nhưng vô cùng hoảng hốt khi biết Thu Dung liên lạc với cháu. Sau lần đó, Bác đã dặn ông phát thư, vốn là người quen biết trong xóm, chỉ đưa thư của cháu tận tay Bác, vì Bác sợ lọt vào tay chồng của nó sẽ làm tan vỡ gia đình. Bác đã nhận đầy đủ thư của cháu gửi về, dù địa chỉ đã thay đổi. Thu Dung cũng nhiều lần gặng hỏi Bác có nhận được thư từ gì của cháu gửi về không, Bác đành lòng nói dối nó! Bác xin lỗi đã đọc hết thư của cháu, những lời lẽ thống thiết, chân tình đối với Thu Dung làm Bác rất nhiều lần rơi nước mắt! Bác không dám đưa thư cháu gửi cho Thu Dung chỉ vì muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình của nó. Bác cũng không biết ăn nói với cháu ra sao nên không trả lời.

Tuấn ơi! Cháu tha lỗi cho Bác vì đã nuôi hy vọng cho cháu cả năm nay. Cháu thông cảm cho sự khổ tâm của Bác, cháu nhé? Tuấn ơi! Ngoài bổn phận làm Mẹ muốn bảo vệ tương lai, hạnh phúc cho con, Bác cũng rất yêu mến cháu nên Bác nghĩ rằng thật là không công bằng cho cháu nếu cứ để cháu nuôi hy vọng mà lỡ làng cả tương lai, sự nghiệp của cháu. Thế nên Bác cũng không thể giữ yên lặng hoài, tội nghiệp cho cháu!

Viết đến đây lòng của Bác vô cùng thương cảm, không cầm nổi nước mắt! Cầu xin Chúa ban phước lành cho cháu và hai cậu em. Cháu cũng nên nghĩ đến tương lai, nên lập gia đình và cứ xem như Thu Dung đã chết! Vĩnh biệt cháu!

Bác Đoàn

**********

Hắn bàng hoàng, đau đớn đến nghẹt thở! Hết nằm, tới ngồi, đi đi lại lại quanh phòng, đọc tới đọc lui nhiều lần như muốn lật tung những dòng chữ khắc nghiệt để tìm kiếm những điều khả dĩ cho hắn niềm tin là bà Cụ đã viết cho hắn những điều không thật. Bức thư đã nhàu nát, suy tính đến quẩn trí mà có tìm thấy chút hy vọng nào đâu! Càng suy nghĩ càng thấy vô vọng vì hắn biết bà Cụ rất mực thương yêu con, quý mến hắn. Hắn ngã sấp lên nệm, lấy chiếc gối phủ kín đầu, để mặc cho những đau thương dày xéo! Thế là bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu đợi chờ đều tan biến! Hắn dấu mình trong phòng bỏ cả buổi cơm tối khiến anh chị Khang rất lấy làm lo lắng, lâu lâu lại hỏi thăm cho hắn méo mó cười, nói dối là mình không đói bụng!

Hắn nằm miên man suy nghĩ. Có suy nghĩ gì khác hơn ngoài hình bóng của Thu Dung và thời gian bên nhau trong những ngày xưa cũ! Mà có xưa cũ gì cho cam?! Chỉ mới đây, hơn hai năm mà sao vời vợi mơ hồ! Nụ cười tươi thắm, ánh mắt dịu hiền như đang thấp thoáng mong manh; tiếng nói hồn nhiên tuổi học trò như còn văng vẳng bên tai nhưng sao bỗng nhiên nghe chừng xa lạ! Phải! Xa lạ rồi! Xa lạ vĩnh viễn như nguồn nước cạn sau cơn địa chấn kinh hoàng! Bây giờ em đã làm vợ người ta! Anh và em mỗi bên bờ đại dương có bao lần mây che núi chắn! Những lời hẹn ước cũng tan như bọt nước biển khơi; cơn bão lốc đã đưa em về bến lạ để riêng anh ngơ ngẩn cuối trời! Ngả rẽ cuộc đời dù em đã chọn lựa trong đớn đau và nhiều nước mắt nhưng cũng đã kết thúc mối tình đằm thắm đôi ta! Anh thông cảm với em đã không thể thổ lộ khi viết lá thư duy nhất cho anh năm rồi, vì anh tự đặt anh vào hoàn cảnh của em chắc anh cũng không có đủ can đảm nói lên sự thật!

Không nhận được thư em, anh đã nghĩ có lẽ em đã rất bàng hoàng khi biết anh còn sống, em đã rất đau lòng cho hoàn cảnh chúng ta, có lẽ em đã sống qua một thời gian xáo trộn nhất trong đời. Anh cũng nghĩ tại hoàn cảnh nghiệt ngã của đất nước mình, đâu có ai biết ai còn ai mất sau cuộc bể dâu, nên anh thấy thương em nhiều hơn hờn trách, cho dù con tim anh đang rướm máu! Không, anh không buồn trách gì em, chỉ thương cho anh với bao nhiêu hoài vọng! Chỉ thương cho em trước phong ba bão táp của cuộc đổi đời!
Những suy tư triền miên làm hắn cay mắt, chập chờn đi vào giấc ngủ muộn phiền với bao nhiêu mộng mị! Trong mơ hắn thấy đã vuột tay nàng khi nhảy lên phi cơ vội vã rời thành phố đầy những tiếng bom đạn khắp nơi. Hắn tính nhảy xuống trở lại nhưng bị trượt chân, đập mặt xuống sàn tàu khi máy bay cất cánh. Dường như có bàn tay ai đó lôi lưng hắn lại, khi hắn cố nhoài người ra ngoài cửa nhìn cánh tay vẫy gọi trong tuyệt vọng của Thu Dung càng lúc càng nhỏ dần, ở một khoảng trống đầy sương mù nhưng lố nhố tụi nón cối đang chĩa nhiều họng súng về hướng phi cơ, giữa một cánh đồng bạt ngàn lau sậy…

**********

Đang mơ mơ màng màng bỗng hắn nghe tiếng gõ cửa dồn dập, rồi tiếng anh Khang nói lớn:
-Tuấn ơi dậy đi! Sắp tới giờ lên phi trường đón người tỵ nạn rồi nè!

Hắn không hiểu tại sao anh Khang lại biết hắn cần đón người hôm nay, nhưng hắn cũng ngồi bật dậy, chạy vào phòng rửa mặt, xong vội vã ra đi. Chị Khang kịp lúc dúi vào tay hắn mấy cái bánh sandwich trét bơ đậu phọng biểu hắn ăn cho đỡ đói.

Cũng như những lần trước đón người tỵ nạn, hắn đến phi trường San Francisco sớm hơn cả tiếng đồng hồ. Những chuyến bay có đưa người tỵ nạn vào nội địa Hoa Kỳ thường đến rất khuya và thường không đúng giờ. Lên đến phi trường, hắn xem chuyến bay qua màn ảnh mới biết sẽ đến trễ cả tiếng đồng hồ. Dù phi trường lúc nào cũng đông đúc người tới kẻ đi, nhưng càng về khuya càng thấy thời gian như càng chậm lại. Hắn uống hết mấy ly café rồi mà vẫn bị con buồn ngủ đè nặng lên mi mắt. Hắn cố nuốt mấy miếng sandwich nhưng sao đắng ngắt đành vất bỏ đi!

Hắn đã tình nguyện làm bán thời gian với Hội Thiện Nguyện USCC (United States Catholic Charity) này từ đầu năm nay, 1977, khi mấy anh em hắn mới chân ướt chân ráo dọn về đây từ vùng nắng cháy San Antonio. Làm ở đây với hy vọng tìm biết được tin tức gia đình, bè bạn. Vì lẽ đó, chuyến đón người Việt tỵ nạn nào hắn cũng là người đầu tiên tình nguyện. Lại nữa, hắn cũng rất lấy làm sung sướng làm người hướng dẫn cho những gia đình mới tới mà không nề lao nhọc. Cũng có rất nhiều lần hắn cùng rơi lệ sung sướng với người mới tới, khi họ biết chắc gia đình họ đã thật sự đặt chân an toàn xuống vùng đất hứa.

Cuối cùng, chuyến bay cũng vào bến đậu! Hắn đứng bật dậy đưa cao tấm bảng có hàng chữ Trần Phi Thọ khi thấy hành khách bắt đầu xuất hiện ở cổng ra. Tấm bảng hắn vừa vẽ vội vã trên một bìa giấy cứng hắn lượm được trong thùng rác khi nãy.

Hắn nóng ruột ngóng cổ đợi chờ, hết người này tới người khác vẫn chưa thấy bóng dáng một người Việt Nam. Hắn bỗng nghiệm ra một điều là hầu hết những người tỵ nạn, luôn là người cuối cùng rời khỏi phi cơ? Theo kinh nghiệm của hắn, ngồi sau đuôi bao giờ cũng mệt hơn nhiều trong những lần phi cơ chuyển hướng hoặc đổi cao độ. Hắn tự nghĩ có thể đó là giao kèo giữa hãng hàng không và Cao Ủy Tỵ Nạn chăng? Hành khách tỵ nạn chắc phải là ưu tiên sau cùng cho đầy chuyến bay!

Gia đình hắn đón lại là những người rời máy bay sau cùng trong một chuyến tàu có cả mấy trăm hành khách. Cặp vợ chồng rất trẻ dắt đứa con gái nhỏ đi chập chững vừa ra khỏi cổng, mắt dáo dác tìm kiếm đầy vẻ lo âu. Hắn vội bước tới:

– Thưa chắc đây là gia đình anh Nguyễn Phi Thọ?
– Dạ xin chào anh, chúng tôi là Nguyễn Phi Thọ tới từ trại Songkla! – người chồng mừng rỡ.
– Chào anh chị! Tôi là Tuấn, nhân viên của hội USCC, đặc trách đón gia đình anh chị về nơi tạm trú! Anh chị yên tâm, mọi chuyện sẽ đâu vào đó!

Hắn bắt tay người chồng thật chặt như cố tình chuyền cho anh sự an tâm. Hắn xoay qua, cúi mình một chút, chào cô vợ. Hắn khựng người khi bắt gặp đôi mắt ngó hắn đăm đăm! Chỉ một thoáng thôi, rất vội vã, rồi bối rối ngó xuống đất, nói lí nhí một điều gì đó nghe không rõ. Hắn bế đứa con gái nhỏ trên tay, tính đưa mọi người ra xe về lại Oakland. Nhưng dường như có cái gì thúc giục, hắn lại xoay qua ngó người đàn bà. Hắn lại bắt gặp đôi mắt quen thuộc đang vừa đi vừa nhìn hắn trân trối và cánh tay đưa lên đầu gở kẹp cho mớ tóc dài phủ bềnh bồng xuống đôi bờ vai nhỏ. Hắn thảng thốt gọi lớn:

– Thu Dung!
– Anh Tuấn!

Thu Dung nước mắt ràn rụa, buông xách tay xuống đất. Hắn trao tay đứa con gái nhỏ cho Thọ rồi quay qua Thu Dung, hai người ôm nhau chặt cứng trong khi hai cha con Thọ ngơ ngác đứng nhìn. Hắn run lên vì sung sướng, quên cả hiện tại. Phi trường bỗng nhiên im vắng lạ lùng, chỉ nghe tiếng tim đập liên hồi như muốn thoát ra khỏi lồng ngực. Giọng Thu Dung sũng đầy nước mắt, thương cảm gọi tên hắn liên hồi. Hắn cũng không cầm nổi nước mắt với bao nhiêu xúc cảm nghẹn ngào.

Hắn bồi hồi đặt môi hôn lên vùng tóc rối, ân cần hỏi:

– Anh mới nhận thư của Má em hồi chiều, nói rằng em đang có chồng Bác sĩ, làm việc tại bệnh viện Chợ Rẫy mà sao gặp lại nơi đây?
– Dạ anh Thọ là Bác sĩ chồng em đây, tụi em vượt biển qua tới Thái Lan hồi đầu năm nay.

Thu Dung xoay về hướng Thọ, tay vẫn ôm chằm lấy hắn. Rất ngỡ ngàng, hắn buông thỏng hai tay, nhẹ nhàng gỡ tay Thu Dung, nhìn Thọ với cảm giác tội lỗi:

– Xin lỗi anh Thọ nha! Gặp lại Thu Dung tôi mừng quá quên cả ý tứ!

Dường như ánh mắt Thọ thoáng một chút khó chịu:
– Không sao anh, tôi hiểu! Chuyện rất dài, khi nào có dịp chúng tôi sẽ kể anh nghe.
– Thôi chúng ta ra xe, tôi đưa gia đình anh chị về nơi tạm trú.

Vợ chồng Thọ và đứa con gái ngồi cả phía sau. Rất im lặng! Hắn muốn gợi chuyện nhưng sao cũng ngại ngùng sau mấy lần hỏi chỉ để nghe câu trả lời ngắn gọn gần như cụt ngủn. Dù vậy, hắn cũng được biết rằng, một bệnh nhân của Thọ vốn là cán bộ cao cấp của quân đội Bắc Việt, đã móc nối và tổ chức vượt biên cùng với gia đình Thọ. Chuyến đi rất may mắn, suông sẻ đến Thái Lan. Ở trong trại không đầy 6 tháng, gia đình Thọ được Hội USCC bảo lãnh đi Hoa Kỳ.

Xa lộ về khuya đường vắng. Từng ngọn đèn đường chiếu màu xám xịt trong sương đêm dày đặc. Hình dạng chiếc cầu Bay Bridge cũng mờ mờ ảo ảo, ẩn hiện trong sương. Hắn rùng mình vì thấm lạnh, vội vàng quay cửa kính lên và bật máy sưởi. Sự im lặng làm cho hắn thấy ngột ngạt khó chịu. Hắn nhìn vào kính chiếu hậu thấy hai người đang dán mắt vào cửa kính nhìn ra ngoài.

– Mình đang qua cầu Bay Bridge, chiếc cầu nối liền San Francisco với Oakland. Cầu này dài hạng nhì ở trong vùng. Cầu dài nhất là cầu San Mateo, nằm ở phía Nam, dài khoảng 12 dặm, sát mặt nước, cách đây không xa lắm; và cây cầu nổi tiếng nhất vẫn là cầu treo Golden Gate, bên phía Tây Bắc thành phố. Nếu không có sương mờ, mình có thể nhìn thấy rất rõ từ Oakland.

– Rồi đời sống trong những ngày tới của chúng tôi ra sao anh Tuấn ? – Thọ hỏi với vẻ âu lo.

– Anh chị đừng lo. Dù thế nào cũng không thể tệ như ở trại tỵ nạn, và chắc chắn tốt hơn cả trăm lần so với Việt Nam bây giờ. Chuyện tương lai thì từ từ tính. Chuyện trước mắt là Hội USCC đã nhờ tôi thuê cho gia đình anh chị một căn chung cư hai phòng ngủ, đầy đủ tiện nghi. Tiền đã trả trước ba tháng. Ngày mai tôi đưa anh chị vào văn phòng làm giấy tờ. Họ sẽ cấp cho mỗi đầu người ba trăm đồng, một lần một, để chi dụng. Người ta hy vọng sau ba tháng anh chị sẽ có thể tự lập. Tôi sẽ tận lòng hướng dẫn cho anh chị như đã từng giúp đỡ người khác. Mong anh chị yên tâm.

– Chúng tôi thật may mắn gặp được anh! Cám ơn Thượng đế và xin cám ơn anh trước!
Thọ mau mắn nói. Hắn cố tình gợi chuyện với Thu Dung:
– Cháu Thảo được bao nhiêu tuổi rồi Thu Dung?

Thời gian ngưng đọng lại để nghe câu trả lời. Hắn lại liếc vào kính chiếu hậu thấy Thu Dung cúi đầu xuống thấp, kéo vạt áo lau vội nước mắt. Tiếng Thọ đỡ lời vợ: “Dạ sắp hai tuổi!” Câu trả lời làm hắn ngờ ngợ tự hỏi: “mới lập gia đình hơn một năm mà sao đã có con gần hai tuổi?” Nghĩ như vậy nhưng hắn không tiện mở lời.

Những giọt nước mắt của Thu Dung làm hắn xốn xang trong lòng. Hắn bâng khuâng nhớ về khung trời cũ, kỷ niệm xưa. Cũng những giọt nước mắt sụt sùi đã rơi thánh thót trong buổi chiều ở vườn cây ăn trái Lái Thiêu, khi hắn nói với nàng nếu một mai hắn không còn hiện hữu, ở lần gặp gỡ sau cùng! Nàng đã khóc vùi, thốt câu: “em sẽ phải sống ra sao nếu không có anh”.

Hắn thầm nghĩ: “Thu Dung ơi, anh mừng cho em vì bây giờ em đã biết sống ra sao khi bên em đã có một người đàn ông khác”. Phải, với nàng, hắn kể như đã chết! Hắn đã không chết tan xác cùng với con tàu trên vùng trời quê hương đất nước, như hắn đã chuẩn bị, mà chết trong đời sống của nàng, chết trong sự chia lìa bất chợt!

Bỗng nghe tiếng kèn inh ỏi, hai vệt đèn sáng chói, rọi thẳng vào mắt làm hắn không nhìn rõ phía trước nhưng biết chắc xe hắn đang trước đầu một xe khác ngược chiều. Tiếng thắng bánh xe kêu rít trên mặt nhựa làm đầu óc hắn tê cứng. Theo phản ứng tự nhiên, chân hắn đạp mạnh lên thắng, lách nhanh tay lái qua bên phải, nghe tiếng va mạnh vào thành cầu, rồi chiếc xe lao thẳng xuống khoảng không gian đen ngòm bên dưới. Hắn cảm thấy nhẹ lâng lâng trong trạng thái chơi vơi chới với. Hắn nghe hai tiếng thét hãi hùng bên tai quyện lẫn vào tiếng hét kinh hoàng của chính hắn. Trong phút giây vô vọng đó, hắn bỗng nhiên thấy bình tĩnh dị thường, vội buông tay lái, xoay người ra phía sau cố nắm bàn tay Thu Dung đang chới với đưa về phía hắn, nhưng có lẽ sức rơi của chiếc xe quá nhanh khiến hắn không tài nào nắm được!

**********

Hắn mở choàng mắt ra thấy anh chị Khang đứng trước khung cửa mở toang. Hắn tự vả vô mặt mình để biết mình quả thật còn sống. Bấy giờ hắn mới nhận ra rằng mình đang nằm dài trên sàn, tay nắm bức thư nhàu nát, cả người ướt đẵm mồ hôi! Hắn bỗng bật ngồi dậy mừng rỡ như điên trước hai cặp mắt kinh ngạc của anh chị Khang. Anh Khang ôm hai vai hắn lắc mạnh:

– Chú Tuấn, chú Tuấn! Chú có sao không, chú đừng làm tôi sợ đó nha!
– Dạ thưa không sao ạ! Tuấn vừa trải qua cơn ác mộng hãi hùng!

Hắn mỉm cười vả lả đứng dậy ngồi ở mép giường. Anh Khang buông hắn ra, thở phào. Chị Khang nhẹ nhàng lên tiếng:
– Trời đất! Cái chú này ngủ mơ thấy gì mà la hét um trời, khiến anh Khang phải tông cửa xông vào vì tưởng chú… ! Hay là lại thấy Việt Cộng rượt đuổi như anh Khang vẫn bị?

– Dạ không, Tuấn thấy sắp bị “head-on” với một chiếc xe chạy ngược chiều trên cầu Bay Bridge, rồi lao thẳng xuống biển đen ngòm!
– Cầu Bay Bridge có từng đi qua, từng đi về riêng biệt làm sao head-on cho được?
– Chắc cha tài xế say rượu chạy lộn đường!
– Dường như chú còn trong mơ!?
– Ừ nhỉ!!!

Hắn mỉm cười tỏn tẻn, với chiếc khăn vắt trên đầu tủ, lau mồ hôi nhễ nhại và nói:
– Thôi anh chị đi ngủ lại đi, Tuấn xin lỗi! Chắc khuya lắm rồi phải không ạ!
– Khoảng 4 giờ sáng rồi! Tối nay chú vẫn chưa ăn. Chú có đói không chị đi nấu cho chú tô mì gói? – Chị Khang ái ngại hỏi.
– Dạ cám ơn chị, Tuấn vẫn không đói! Anh chị đi nghỉ đi, mai còn đi làm sớm!

**********

Hắn tắt đèn nằm vật xuống nệm, vắt tay lên trán, suy nghĩ về giấc mơ như thật vừa qua mà cũng cảm thấy lòng dạ bùi ngùi. Hắn lại bật đèn mở thư ra đọc tiếp dù đã thuộc nắm lòng! Hắn thì thầm trong bóng tối: “Thu Dung ơi, em đã vuột khỏi tầm tay anh ở cuộc sống bon chen này; mỗi chúng ta đã thực sự bước vào ngả rẽ. Em đã quay lưng bước đi, chỉ riêng anh đứng lại trông theo với nhiều nuối tiếc! Anh cầu xin đấng thiêng liêng ban cho em thật nhiều hạnh phúc và may mắn trong đời! Anh biết chắc, rất khó để anh có thể quên được hình bóng của em. Anh cũng chưa biết anh sẽ bắt đầu từ đâu trong cuộc sống tha hương khắc khoải này, sau những hoài mong diệu vợi!”

Hắn cố dỗ giấc ngủ trở lại nhưng không thể nào chợp mắt được. Tiếng kim đồng hồ gõ từng nhịp giữa đêm thanh vắng nghe rõ mồn một làm hắn sốt ruột vô cùng. Hắn ngồi dậy lấy bút viết vội những trào dâng trong tâm khảm:

Ta ngồi chép lại pho tình cũ
Gọi trái tim đau nhỏ mực buồn
Sầu đọng chân mây trời viễn xứ
Vo tròn hoài niệm góc quê hương

2005

 

Xem thêm...
Theo dõi RSS này