SẢN VẬT LẠNG SƠN

SẢN VẬT LẠNG SƠN (PHẦN 1)

Lạng Sơn là thành phố nằm phía Đông Bắc Việt Nam nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Du khách đến với Xứ Lạng không chỉ mãn nhãn với cảnh sắc hùng vĩ, thả hồn cùng sông núi, mà còn được thưởng thức nhiều sản vật mang đậm hương vị vùng núi rừng nơi đây.



Hồng không hạt Bảo Lâm

Hồng không hạt Bảo Lâm là loại cây ăn quả đặc sản của huyện Cao Lộc, nằm trong danh sách 50 loại trái cây đặc sản của Việt Nam.

Theo lời kể của những vị "già làng" trong vùng, lịch sử của những cây hồng không hạt đã có trên 100 năm, khi lớn lên họ đã thấy cây hồng hiện diện trong vườn, trên đồi nhà từ khi nào. Từ đó cây hồng không hạt đã gắn bó với biết bao thế hệ con người, gắn bó với đồng bào dân tộc Tày, Nùng trên vùng đất đồi núi biên giới nơi đây.

Hồng không hạt Bảo Lâm.

Giống hồng không hạt Bảo Lâm quả tròn, nhỏ có hình trái tim, không có hạt. Trên cuống có bốn tai nhỏ, khi hồng chín các tai hóa gỗ có màu nâu và hơi cong lên phía trên. Thân quả có 4 - 6 rãnh kéo dài từ cuống đến giữa quả làm nổi nhẹ 6 - 8 múi.

Quả chín vỏ có màu vàng đỏ hoặc màu vàng đất có ánh xanh lục, vỏ dày, nhẵn không bóng, thịt quả màu đỏ vàng da cam hoặc vàng đậm, mịn. Thịt quả ăn giòn, thơm, ngọt đậm, mặt cắt ngang của quả có hình hoa thị 8 - 12 cánh đều nhau, màu vàng đỏ đậm, hầu như không có đốm đen.

Giữa tháng 8 âm lịch là mùa hồng Bảo Lâm chín rộ được người dân thu hái bán tại vườn.

Người dân thường chọn cây hồng quả to đẹp, thân cây cao lớn chắc chắn rồi chặt lấy một đoạn rễ dài khoảng 30 - 40 cm, sau đó ươm cho đến khi nảy mầm. Với cách trồng này, khoảng 8 - 10 năm sau cây sẽ bói quả; nếu trồng bằng phương pháp ghép cành chỉ khoảng 3 - 5 năm. Giống cây hồng Lạng Sơn này chỉ hợp với thổ nhưỡng và khí hậu tại một số xã của huyện Cao Lộc.

Vùng núi giáp biên phía Trung Quốc cũng trồng hồng, nhưng chất lượng và vị ngon không thể bằng hồng Bảo Lâm. Theo kinh nghiệm của người dân, hồng Bảo Lâm tai quả nhỏ, hơi vểnh lên, rãnh sâu, còn hồng Trung Quốc tai quả cụp xuống, khi ăn không ngọt đậm đà.

Đào Mẫu Sơn

Sức hấp dẫn kỳ diệu của Mẫu Sơn thoạt tiên có lẽ bởi từ những cánh hoa dào độc đáo, đỏ thẩm huyền diệu và quyến rũ. Đào Mẫu Sơn nổi tiếng bởi vẻ đẹp rực rỡ của hoa, vị thơm ngon đậm đà của trái. Đào Mẫu Sơn cho hoa rực đỏ vào mùa xuân, cho quả ứng hồng, thơm ngon vào mùa hạ.

Đào Mẫu Sơn thường được trồng ở các khe núi sâu ở vùng núi Mẫu Sơn có vị ngọt thanh đậm chất núi rừng.
 
Mỗi năm, tại Mẫu Sơn chỉ có duy nhất một mùa đào và chỉ diễn ra trong vòng một tháng. Cũng vì lẽ đó mà những trái đào dường như đã trở thành một sản vật vô cùng quý giá mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng riêng cho vùng đất này.

Có người lý giải rằng, do giống đào này trồng ở độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển, giữa khí lạnh và mây trời nên khi chín, quả có màu xanh nhạt, sáng trắng lên, ăn có vị ngọt lịm mà lại giòn tan, thịt đào đỏ au, có mùi thơm dịu dàng rất đặc trưng mà trái đào nơi khác không thể nào có được.

Quýt vàng Bắc Sơn

Quýt vàng Bắc Sơn được coi là cây xóa đói giảm nghèo cho các hộ đồng bào dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, H’Mông nơi đây. Mùa quýt chín vào khoảng cuối tháng 11 dương lịch đến tháng 1 năm sau, cũng là thời điểm giáp Tết Âm lịch.

Quýt vàng Bắc Sơn
 
Cây quýt vàng Bắc Sơn là giống cây ăn quả bản đặc điểm tự nhiên là ưa ánh sáng, độ ẩm vừa phải, sinh trưởng tốt trong khe núi, thung lũng. Quýt nơi đây có hai lọai là quýt quả tròn và quýt quả dẹt.

Quýt quả tròn khi chín có màu vàng ươm, vỏ mỏng trung bình, dóc vỏ, ít sơ, vị ngọt đậm, thơm, trọng lượng quả từ 80 - 150g, khi bóc có lỗ rỗng ở giữa quả. Quýt quả dẹt có hai đầu lõm, hình hơi dẹt, khi chín có màu vàng ươm, vỏ mỏng trung bình, dễ bóc vỏ, có ít sơ, vị ngọt hơi chua, trọng lượng quả trung bình từ 100 - 150g. Quýt vàng Bắc Sơn của tỉnh Lạng Sơn là một trong những giống quýt có hương vị ngon nhất hiện nay.

Quýt Bắc Sơn có màu sắc hấp dẫn, vỏ căng mọng, bóng, ít hạt, vị ngọt đậm và hơi chua rất đặc trưng mà nơi khác không có được.

Theo người dân nơi đây, sở dĩ quýt vàng Bắc Sơn thơm ngon đặc biệt là bởi quýt vàng Bắc Sơn được trồng trên một vùng đất đai màu mở chủ yếu là đất feranit nâu đỏ hoặc màu vàng, ở độ cao 500 - 700m so với mực nước biển.

Sinh trưởng trong các thung lũng, các khe núi với khí hậu trong lành, mát mẻ nên cây sinh trưởng phát triển tốt đơm hoa kết quả tạo ra thứ quýt ngon với hương vị thanh mát hiếm có.

 
 

SẢN VẬT LẠNG SƠN (PHẦN 2)

 
Lạng Sơn là thành phố nằm phía Đông Bắc Việt Nam nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Du khách đến với Xứ Lạng không chỉ mãn nhãn với cảnh sắc hùng vĩ, thả hồn cùng sông núi, mà còn được thưởng thức nhiều sản vật mang đậm hương vị vùng núi rừng nơi đây.


Na Chi Lăng

Na Chi Lăng đúng như tên gọi là loại quả được trồng ở huyện Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn. Giống na huộc loại ngon có tiếng mà chỉ người sành ăn mới biết đến vì món đặc sản này số lượng không có nhiều, chỉ có những vườn na ở huyện Chi Lăng mới cho quả na đạt hương vị thơm ngon nhất.


Na nơi đây có vị đặc trưng khác biệt hơn so với các vùng khác trồng bởi na Chi Lăng được trồng trên những núi đá vôi cao hơn 200m so với mặt nước biển. Điều đặc biệt, càng lên cao, cây na càng phát triển tươi tốt và cho quả rất to. Vào khoảng tháng 7 âm lịch là mùa thu hoạch na rộ nhất, na cho nhiều quả to, trung bình quả nặng từ 0,6 đến 0,8 kg.

Na Chi Lăng thịt trắng, ít hạt.

Quả na Chi Lăng được chia làm hai loại bao gồm na bở và na dai. Quả na dai thường sẽ để được lâu hơn, thịt trắng, ít hạt không dễ nát, ăn ngọt và quả dễ bóc. Khi ăn, dễ nhằn hạt khỏi múi và múi quả cũng dai ngon hơn. Trong khi đó loại na bở có vị ngọt tự nhiên nhưng vỏ na lại khó bóc hơn.

Mắt na Chi Lăng to và đều, chỉ cần nhẹ nhàng bóc vỏ, tách đôi quả sẽ thấy lớp cơm trắng ngần hiện ra ngon lành. Thêm nữa, múi na dày thịt trắng ngần xen lẫn hạt ít nhỏ màu đen nhánh có vị ngọt đậm, hương thơm quyến rũ khiến bất cứ thực khách nào đã ăn 1 lần là nhớ mãi không quên.

Na theo dây cáp treo, từ từ xuống núi.

Vì cây na chủ yếu được trồng trên vách núi đá cao vút, nên để thu hoạch những quả na từ trên đỉnh núi xuống, người dân nơi đây đã chế tạo ra những chiếc ròng rọc chạy từ trên cao xuống tận chân núi. Cứ thế na được vận chuyển nhanh chóng, an toàn xuống tận chân núi cách đỉnh hàng trăm mét thẳng đứng. Chính vì na được hái cách đặc biệt như thế, nên nhiều du khách ví von rằng lên Chi Lăng được ăn "na đu dây".

Hoa hồi Lạng Sơn

Người dân địa phương coi hoa hồi Lạng Sơn là báu vật, không chỉ gắn với kỷ niệm của mỗi người mà còn gắn liền với sự phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Nó đã trở thành chỉ dẫn địa lý, niềm tự hào đối với bạn bè quốc tế của mỗi người dân xứ Lạng.


Cây hồi Lạng Sơn vốn là một loại cây thân gỗ lâu năm cao từ 6 - 10m, xuất hiện nhiều ở vùng núi phía Bắc nước ta. Cây có đặc điểm là lá xanh quanh năm, mọc so le với nhau, có hình lưỡi mác, nhọn dần về đuôi lá.

Mặc dù gọi là “hoa hồi” nhưng đây thực chất là quả hồi. Do có hình dạng bông hoa nên người dân quen gọi như vậy. Ngoài ra hoa hồi còn được gọi bằng những cái tên khác như: đại hồi, tai vị, quả hồi, hoặc bát giác hồi hương. Khi non hoa hồi có màu xanh lục, khi về già đài hoa sẽ khô lại và có màu nâu sẫm quen thuộc.

Cây hồi thường cho hoa từ tháng 3 - 5, khoảng tháng 7 - 9 hoa hồi bắt đầu chín và người dân có thể thu hoạch. Thông thường một cây đại hồi có tuổi đời từ 5 năm trở lên mới được lấy quả, mỗi năm cũng chỉ được thu hoạch 2 vụ nên đây được xem là mặt hàng thuộc dạng “quý hiếm”.

Hình ảnh ngôi sao đặc trưng của hoa hồi khi đã chín
 
Hoa Hồi Lạng Sơn vẫn được đánh giá là sản phẩm có chất lượng tốt nhất, hàm lượng tinh dầu cao và đặc biệt trong tinh dầu không có độc tố.

Tinh dầu hồi là nguyên liệu quý sản xuất thuốc xoa bóp, tiêu hóa, chế biến những đồ mỹ phẩm, hương liệu. Thân cây hồi có những hương vị đặc trưng như hạt giống, được ăn như rau. Hạt thì được chế biến và sử dụng trọng một số sản phẩm thực phẩm. Bột hoa hồi rất thích hợp cho việc làm bánh và là gia vị chủ yếu cho nhiều công thức nấu ăn như thịt vịt, thịt lợn…

Mắc mật Lạng Sơn

Cây mắc mật thường được trồng chủ yếu ở Lạng Sơn, Cao Bằng và Quảng Ninh. Cả lá, quả và hạt mắc mật đều được sử dụng làm nguyên liệu và gia vị tẩm ướp trong các món ăn của người dân tộc Xứ Lạng.

Đặc biệt mắc mật có mùi tinh dầu thơm nên được dùng tạo hương vị trong các món ăn. Quả mắc mật có vị hơi chua ngọt, rất thanh, giàu hàm lượng vitamin C, có thể ăn tươi, sấy khô và dùng để nấu. Còn hạt mắc mật thì đem phơi khô, xay thành bột, dùng để làm gia vị.

Mắc mật Lạng Sơn - bí quyết tạo nên văn hóa ẩm thực Xứ Lạng.

Mắc mật là tên gọi theo tiếng Tày, Nùng của người dân nơi đây, có nghĩa là quả ngọt. Mắc mật thuộc loại cây gỗ nhỏ, thích hợp sinh trưởng ở nơi có điều kiện khí hậu ôn hoà. Cây ra hoa từ tháng 4 - 5, quả chín từ tháng 7 - 8. Khi chín quả mắc mật gần giống như quả hồng bì, có màu trắng vàng nhạt hoặc trắng trong, vỏ mịn, sẽ nhìn thấy các đường vân và chứa từ 1 đến 2 hạt. 

Quả mắc mật có vị hơi chua ngọt được dùng để nấu, kho trong một số món ăn của người Tày hoặc dùng để ngâm măng ớt. Trong đó, mắc mật ướp măng ớt là món nổi tiếng hơn cả. Theo đó, quả mắc mật được đem rửa sạch, để ráo nước; măng tươi thái lát mỏng và chuẩn bị một ít ớt tươi. Tất cả cho vào hũ thủy tinh, đổ ngập nước muối pha loãng. Sau khoảng nửa tháng, mắc mật lên men là sử dụng được.

Quả mắc mật có thể ăn tươi khi chín vàng hoặc làm gia vị để chế biến

Với món ăn độc đáo này, mắc mật ướp vẫn giữ được vị chua ngọt và hương thơm đặc trưng lại có thêm vị chua giòn của măng, vị cay thơm của ớt. Điểm đặc biệt của món ăn này là để bao lâu cũng không sợ hỏng, dùng để khai vị, pha nước chấm, nêm nếm vào các món kho hoặc xào...


 
 

SẢN VẬT LẠNG SƠN (PHẦN CUỐI)

 
Lạng Sơn là thành phố nằm phía Đông Bắc Việt Nam nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Du khách đến với Xứ Lạng không chỉ mãn nhãn với cảnh sắc hùng vĩ, thả hồn cùng sông núi, mà còn được thưởng thức nhiều sản vật mang đậm hương vị vùng núi rừng nơi đây.


Bánh ngải cứu nhân vừng

Bánh ngải cứu nhân vừng hay còn có tên gọi khác như: bánh ngải, bánh giầy ngải. Nguồn gốc của loại bánh này xuất phát từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng. Ở Lạng Sơn, đây được xem là loại bánh đặc sản, có vị ngọt thơm, mềm dẻo. 

Bánh ngải là món ăn truyền thống của dân tộc miền núi trung du Bắc Bộ. Món ăn thơm ngon, thanh mát và đặc biệt tốt cho sức khỏe.

Bánh ngải thường được làm nhiều vào dịp Tết Thanh minh, những dịp mừng lúa mới. Giống như tên gọi của nó, nguyên liệu chính của bánh là lá cây ngải - loại cây thuốc và cũng là một loại thực phẩm quý, có vị đắng, có tác dụng tuyệt vời trong việc an thai, cầm máu, điều hòa khí huyết, giúp lưu thông máu,...

Nguyên liệu chính làm bánh từ lá ngải tốt cho sức khỏe.
 
Bánh ngải khá kén gạo và không phải bất cứ loại gạo nào cũng được chọn làm bánh. Theo chia sẻ của người dân địa phương ở đây bí quyết để có món bánh ngải thơm ngon gạo phải là nếp hương và không được lẫn gạo tẻ. Ngải cứu được chọn làm bánh phải là loại còn non và tươi.

Nhân bánh là thành phần chính tạo ra hương vị thơm ngon cho bánh. Nhân được làm từ vừng đen rang chín giã nhỏ trộn với đường phên đã được nấu chảy trên bếp nóng và để đặc lại.

Bánh hấp dẫn với màu xanh đẹp mắt.

Bánh ngải thực ra là món bánh chay, làm từ gạo nếp nhưng rất dễ ăn, ăn rất thanh mát và không bị ngấy. Qua nhiều công đoạn chế biến tỉ mỉ người ăn sẽ không cảm nhận được vị đắng và hắc của lá ngải, thay vào đó thấy mùi thơm dịu, dẻo của gạo nếp, vị ngọt của đường và mùi hương từ vừng mang hương vị khó quên của người dân xứ Lạng.

Bánh chưng đen

Bánh chưng đen (còn gọi là bánh chưng cẩm) được biết đến là một món bánh độc đáo của người dân tộc Tày ở huyện Bắc Sơn. Sở dĩ món bánh này được nhiều người yêu thích bởi nó có màu đen của tro rơm nếp, có vị thơm, mềm và ăn mát hơn so với bánh chưng truyền thống. Bởi vậy mà thực khách gần xa khi biết đến và thưởng thức bánh chưng đen đều rất thích thú, gọi là món bánh "hạ hỏa".

Bánh chưng đen là món ăn không thể thiếu trong dịp lễ, tết của người Tày.

Để có bánh chưng đen, khâu chuẩn bị rất công phu và không hề đơn giản, cần đến sự khéo léo, tinh tế. Tất cả các nguyên liệu làm bánh từ lúa nếp, thảo quả cho đến thịt lợn, đỗ xanh… đều đặc biệt vì mang đậm phong vị vùng cao.

Ngay từ tháng 10 âm lịch, người Tày đã rục rịch chuẩn bị những công đoạn đầu tiên để gói bánh chưng đen. Sau vụ gặt lúa mùa, người ta chọn những cọng rơm nếp to, vàng ươm đem về phơi khô rồi đốt thành tro. Sau đó, họ vò kỹ, rây lấy phần mịn nhất rồi trộn với gạo nếp thơm để tạo ra màu đen bóng.

Gạp nếp đạt “chuẩn” phải chọn giống ngon nhất, hạt to tròn đem vo thật kỹ, xóc với một chút muối tinh. Thịt lợn là thịt ba rọi thái mỏng ướp với gia vị, thảo quả khô giã nhỏ trộn cùng tiêu, ớt bột. Cuối cùng, nhân bánh là đỗ xanh trộn hành mỡ, hạt tiêu và được bọc trong lá dong rừng tươi.

Nét độc đáo của bánh chưng đen Lạng Sơn là nhờ vào những nguyên liệu đặc trưng.

Bánh chưng đen được gọi là "đạt chuẩn" phải tròn trịa, đậm đà, khi bóc ra đường lạt gói phải hằn đều lên thân bánh.

Khi thưởng thức, người dân lấy chính sợi lạt quấn quanh thân bánh để cắt thành từng khoanh. Nhìn từ phía ngoài, bánh dẻo quánh, nhân đỗ vàng ươm, dậy mùi thơm của hành mỡ, hạt tiêu, lá dong....

Nem nướng Hữu Lũng

Nghe đến món nem nhiều người sẽ nghĩ ngay đến món nem chua nức tiếng gần xa của Xứ Thanh. Nếu như nem chua Thanh Hóa với vị chua dịu nổi tiếng gần xa thì nem Hữu Lũng lại được yêu thích bởi hương vị chua nồng thơm đặc trưng khi nướng lên.

Nem Hữu Lũng thường có kích thước lớn hơn so với các loại nem khác.

Nem nướng được làm từ các nguyên liệu gồm: thịt lợn, bì lợn, muối tinh, thính, bột ngọt… Thịt làm nem phải là thịt mông dai và mua lúc lợn mới mổ, còn hồng tươi, mang về thái bằng dao sắc, mỏng. Bì lợn cũng được luộc sơ, thái thật mỏng. Sau đó, thịt, bì đều được ướp với gia vị mắm, muối, hạt tiêu khoảng 30 phút rồi trộn đều với bột thính.

Thưởng thức hương vị thơm ngon khó cưỡng từ nem nướng Hữu Lũng

Nem nướng Hữu Lũng có vị thơm, ngậy riêng chính là nhờ bột thính. Thính được làm từ gạo bao thai pha với gạo nếp thơm, rửa sạch, phơi cho khô nước. Sau đó, đem rang đều tay, đến khi vừa đủ độ vàng, giòn, có mùi thơm nức thì đem xay nhỏ thành bột. Một chiếc nem thường được làm từ khoảng 2 - 3 lạng thịt, gói bởi 3 lớp lá chuối, bên ngoài buộc lạt tre hoặc dây tơ dứa.

Nem để nguyên lá đem nướng trên than hoa hồng rực cho đến khi cháy xém hết lớp lá chuối, trong quá trình nướng phải lật nem liên tục để tránh nem bị cháy một bên. Không nên để nem quá lâu mới đem nướng, nem sẽ rất chua.


Món nem này nếu nhìn bề ngoài chẳng khác mấy so với nem chạo, nem thính khá nổi tiếng ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên, nem nướng Hữu Lũng Lạng Sơn rất đặc biệt với hương thơm nồng khi nướng, mùi chua ngai ngái của thịt đã lên men quyện vào nhau, khi ăn kẹp cùng với lá đinh lăng, lá sung chấm tương ớt. Vị chua, ngot, cay dịu tạo nên hương vị độc đáo khiến du khách đã thưởng thức một lần là nhớ mãi.


Thành Trung / Theo: doanhnhan
 
 
 
 
Nam Mai sưu tầm.
 
 
 
 
Chỉnh sửa lần cuối vào %AM, %14 %574 %2023 %08:%08
back to top