Màu kỷ niệm khó phai (NGUYÊN SA)

Màu kỷ niệm khó phai

(NGUYÊN SA)

▂ ▃ ▅ ▆ █☆★█ ▆ ▅ ▃ ▂

Nguyên Sa là một nhân vật đa diện, và những ai ở gần ông có lẽ cũng thấy ông là một nhân vật phức tạp. Quỳnh Giao chỉ thấy ở ông hình ảnh học trò của mình. Hình ảnh đó đang trở về và mấy chục năm kỷ niệm đã lại xanh mởn ở trong tôi. Ngày xưa và cho đến nay, tôi vẫn gọi ông là Thầy Lan vì đã từng theo học ông. Gặp ông năm ngoái, tôi còn ôn lại một kỷ niệm cũ…
Hôm đó, lũ học trò con gái chúng tôi lao xao trước lớp chờ thầy tới. Không hiểu sao, hôm đó mình lại mau mắn quá sức mà hỏi giật các bạn:
“Lan Phệ” đến chưa?
Lan Phệ là hỗn danh lũ học trò chúng tôi vẫn dùng để gọi lén Thầy Lan. Tiếng trả lời ngay phía sau làm tôi bủn rủn tay chân trong tiếng khúc khích của lũ bạn:
“Nó đây rồi!”
Người trả lời chính là thầy Trần Bích Lan, ông thầy dạy môn triết mà vóc dáng lại chẳng có vẻ gì là khô cằn khắc khổ của một triết nhân như lũ học trò chúng tôi vẫn hình dung. Ông tỉnh khô bước vào lớp, riêng tôi thì tự nhủ, từ đó đến giờ, là sẽ không bao giờ bạo mồm bạo miệng như vậy nữa. Tuổi học trò của tôi có những kỷ niệm khó quên như vậy là nhờ những ông thầy triết nhân kiêm nghệ sĩ và thi sĩ. Thơ Nguyên Sa đến với chúng tôi ở lứa tuổi đó, và giờ đây nếu chẳng còn nhớ gì về môn triết thì thơ của ông vẫn khơi dậy nơi tôi những cảm xúc học trò.


Tuổi ấu thơ của chúng tôi cũng trùng hợp với tuổi xuân của Việt Nam Cộng Hoà, của miền Nam tự do sau Genève.

Lúc đó, mọi người như đều khao khát những cái gì rất mới. Một phần có lẽ để đoạn tuyệt với một nửa đất nước đau thương bên kia Bến Hải, một phần nữa để tìm kiếm xây dựng một không khí mới. Lúc đó, hình như một thế hệ nhà thơ đã xuất hiện, trong đó, không ít là du học từ bên Pháp về. Nguyên Sa là một, và có lẽ nổi bật nhất, trong lớp người đó. Nhưng, ngoài bài thơ cho Nga ông viết trên thiệp báo hỷ, mà người ta nhắc tới quá nhiều, chúng ta không bắt gặp cái chất enfants terribles của các nhà thơ từ Paris có “ga Lyon đèn vàng” trở về.

Nguyên Sa từ Paris về lại thổi vào Sài Gòn cái hương vị dịu mát của Hà Nội.


Bài Áo Lụa Hà Ðông của ông có tác dụng đến như vậy mà không là lạ lùng sao? Từ bài đó, Quỳnh Giao tin rằng tất cả những người di cư từ miền Bắc đều nhớ về Hà Nội, hoặc cái khí hậu tưởng như Hà Nội, khi nghe thơ Nguyên Sa. Và không mấy ai băn khoăn về Paris nữa, dù lúc đó rất thời thượng. Sau này, tôi mới biết rằng Paris có một ma lực rất lớn với những người làm thơ ở Sài Gòn, nhưng, lại không thấy ở Nguyên Sa nỗi ám ảnh đó. Paris, đối với ông có lẽ đã là tiền kiếp, chứ Hà Nội, chứ miền Bắc và những kỷ niệm ấu thời trước buổi di cư mới là hiện tại trong thơ Nguyên Sa.

Hơn vậy, thơ Nguyên Sa còn làm người ta từ chỗ cảm thông với học trò di cư mà bước luôn vào sân trường, để thấy lòng mình mát rượi với mối tình đầu. Ðọc thơ Nguyên Sa – lúc đó, chúng tôi mới chỉ đọc thôi, riêng tôi thì chưa nghe và chưa hát – đọc thơ Nguyên Sa, lũ học trò chúng tôi đều thấy bồi hồi đến nóng đôi má vì ông viết thơ tình mà không hiểu sao, chúng tôi nhất quyết rằng đó là thơ tình cho học trò.

Giờ này, Quỳnh Giao vẫn nghĩ như vậy, và chỉ mong là thế hệ nào cũng có những cậu học trò pha mực làm thơ, làm các cô gái đến tuổi đôi tám lại phân vân khi chọn màu áo đi học.

Ðiều cũng đáng ghi nhớ là thơ tình của ông dù nhẹ nhàng và rất Tây, rất mới, mà vẫn khác ý thơ Paul Geraldy mà về sau tôi có thấy ở nhiều bài thơ tình của thời đó, như trong thơ Nhất Tuấn chẳng hạn. Thú thật là thời đó, lũ học trò con gái chúng tôi hầu như đứa nào cũng giấu trong cặp một vài bài thơ, không Nguyên Sa thì Nhất Tuấn. Những nhà thơ đó đã làm thơ cho lũ con gái kẹp tóc thời Sài Gòn còn thanh bình, và kỷ niệm ấm êm đó giờ đây vẫn là những gì tôi cho là đáng quý nhất của quê hương và tuổi thanh xuân của mình.

Không phải vậy sao, mỗi khi thấy mưa rào nổi bong bóng trên sân là mình lại nhớ về quê nhà, về tuổi mộng mơ còn vầy mưa ngoài ngõ, và thơ Nguyên Sa lại khua trong trí nhớ cả một trời ấu thơ đã mất. Giờ này, vừa rời Cali thì được tin ông mất, Quỳnh Giao hồi tưởng lại, là khi bắt đầu đi vào nghệ thuật ca hát, mình xa dần thầy Lan dạy triết mà gặp lại thơ Nguyên Sa trong âm nhạc.



Một điều có lẽ phải nói ngay là thơ Nguyên Sa được phổ nhạc không nhiều bằng một số nhà thơ khác, nhưng bài nào đã được đưa vào nhạc là ngự trị mãi ở một vị trí rất cao. Quỳnh Giao trộm nghĩ rằng thơ Nguyên Sa khó phổ nhạc hơn nhiều bài khác vì tự nó đã có nét nhạc riêng, ở tiết tấu nhịp điệu riêng. Có bài đọc lên là đã như hát rồi.

Mưa Tháng Sáu là một ví dụ làm tôi liên tưởng tới một bài luân vũ dìu dặt nhịp ¾. Bài Cần Thiết cũng có giai điệu riêng, đọc lên đã thấy chất nhạc rất mới ở ý thơ. Người nhạc sĩ thật rất khó phả thêm hồn nhạc vào bài thơ đã có sẵn cái thần của nó. Có lẽ, đây là lý do vì sao thơ Nguyên Sa không được đem vào nhạc nhiều hơn nữa.



https://www.youtube.com/watch?v=L1akYsEjgvM


Ngược lại, thơ của ông còn đòi hỏi nơi nhạc sĩ một sự hy sinh lớn, đó là dụng công làm nổi chất nhạc vốn có của bài thơ. Trước có Phạm Ðình Chương và sau có Ngô Thụy Miên là đã thành công như vậy. Và nếu có yêu Màu Kỷ Niệm của Phạm Ðình Chương hay Áo Lụa Hà Ðông của Ngô Thụy Miên, Quỳnh Giao tin rằng chúng ta nên cảm ơn sự cố gắng đầy tài hoa của hai nhạc sĩ này. Vì họ đã đem nhạc của mình làm đẹp cho bài thơ, chứ không dùng bài thơ diễn tả chất nhạc của mình.



https://www.youtube.com/watch?v=JSLU-QazliA


Hai điều đó khác nhau rất xa, và khi trình bày các ca khúc này, ca sĩ là người trước tiên cảm được điều đó.


Những người quen ông thường nói rằng ông chính là một enfant terrible, một nhân vật võ hiệp Kim Dung (ông dùng bút danh Hư Trúc trong các bài phiếm của mình) mà làm gì cũng phải đi tới thành công thì thôi, chứ không phải là con người thơ, lãng mạn với thơ tình. Quỳnh Giao không dám luận bàn về những điều đó. Với tôi, Nguyên Sa đã đi tới thành công ở thơ.


Ông là người làm thơ đã thổi vào tuổi thơ của nhiều thế hệ chúng tôi những rung động đầu đời, khi thấy cây lá xôn xao nơi sân trường. Và với Quỳnh Giao, điều đó là đáng kể nhất. Nguyên Sa không còn nữa, nhưng cầm thơ ông trên tay, đọc thơ ông ở trong trí, hát thơ ông khi nhìn ra ngôi vườn, tôi thấy màu xanh của kỷ niệm vẫn mãi mãi nuột nà không phai mờ.

Ông để lại một cây cầu vẫn đưa chúng tôi về quê hương và tuổi thanh xuân của mình. Mất ông như vậy, làm sao mà không tiếc?


Quỳnh Giao

____________

Tám phố Sài Gòn xưa

Trong một lần “trà dư tửu hậu” có đủ các tay văn nghệ sĩ của cả ba miền nước Việt ở 81 Trần Quốc Thảo, một anh bạn bỗng cao hứng ngâm mấy câu thơ “Sài Gòn đi rất chậm buổi chiều/ Cánh tay tà áo sát vòng eo/ Có nghe đôi mắt vòng quanh áo/ Năm ngón thơ buồn đứng ngó theo…” (Tám phố Sài Gòn, Nguyên Sa), rồi đặt câu hỏi với mọi người: “Theo nhà thơ Nguyên Sa, thì Sài Gòn có… tám phố, vậy mấy ông ở Sài Gòn lâu năm có biết đó là tám phố nào không?”. Cuộc cãi vã, tranh luận ì xèo nổ ra, nhưng rốt cuộc cũng chẳng ông nào, bà nào xác định đủ Sài Gòn có bao nhiêu phố?…

2.

Khác với Hà Nội xưa được mặc định với 36 phố phường và gắn với cái tên “Hàng” như Phố Hàng Bạc, Hàng Thau, Hàng Đào… Sài Gòn được thành lập từ năm 1698 với tên là Phủ Gia Định, và sau này trở thành “Đô thành Sài Gòn”, thủ đô của Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”, song cũng chẳng có quy định nào về phân chia cụ thể từng phố, ngoại trừ khu vực tập trung về văn hóa và giải trí ở quận Nhất, bao gồm các con đường lớn như Bonard (Lê Lợi), Tự Do, Nguyễn Huệ, kéo dài từ rạp Rex đến chợ Bến Thành và nhà ga xe lửa thời bấy giờ, là những địa điểm tấp nập nam thanh, nữ tú, người dân khắp nơi đổ về dạo chơi mua sắm vào mỗi chiều Thứ Bảy, Chủ Nhật thời bấy giờ, và đó cũng là khoảng thời gian mà nhà thơ Nguyên Sa sáng tác bài thơ “Tám phố Sài Gòn” (khoảng cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970). Bài thơ được ông Nguyễn Đình Vượng đăng trên báo Văn, tờ tạp chí có uy tín nhất về văn học lúc đó ở miền Nam.

“Tám phố Sài Gòn” được tiếp nối với khổ đầu mà anh bạn văn nghệ vừa ngâm nga là “Sài Gòn phóng solex rất nhanh”, rồi ở khổ thứ ba là “Sài Gòn ngồi thư viện rất nghiêm”. Đấy là “Thư viện Quốc gia” nằm ở đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng), thu hút rất đông những người trí thức, sinh viên, học sinh đến đọc sách và cũng là thú vui thanh nhã của người Sài Gòn. Ở khổ thơ thứ tư, Nguyên Sa viết “Sài Gòn tối đi học một mình”, chỉ về thời gian, và chắc nhắc đến các lớp học ngoại ngữ, vì lúc đó Sài Gòn rất ít nơi học thêm và cũng ít người học thêm.

Rồi ông chuyển sang “Sài Gòn cười đôi môi rất tròn”, “Gối đầu trên cánh tay”, “Sài Gòn nắng hay Sài Gòn mưa”… là những trạng thái tâm lý tình cảm của những con người yêu nhau, và cái chính là họ “Thứ Bảy Sài Gòn đi Bonard”, một đại lộ chính, trung tâm như đã nói ở trên để đến rạp Rex, Vĩnh Lợi, hay ghé thương xá Tax, vào các quán bar hay vũ trường lả lướt bay bướm trong các bước nhảy tân kỳ của lớp trẻ bấy giờ… Để rồi cuối cùng ở khổ thơ thứ tám nhà thơ viết: “Sài Gòn mai gọi nhau bằng cưng/ Vành môi nghiêng cánh xuống phân vân/ Lưng trời không có bầy chim én/ Thành phố đi về cũng đã xuân…”.

Rõ ràng, toàn bài thơ cũng chẳng nói đến cụ thể một phố nào cụ thể ở Sài Gòn, ngoại trừ tên đại lộ Bonard lúc ấy người Sài Gòn ai cũng biết!

3.

Phải đến hôm nay, khi ngồi viết về thơ Nguyên Sa, ngẫm nghĩ về người thầy giáo dạy Triết Trần Bích Lan, cùng những giai thoại về ông, cùng nguyên nhân ra đời của bài thơ cũng rất hóm hỉnh, khi ông Nguyễn Đình Vượng, chủ nhiệm tạp chí Văn, đề nghị nhà thơ Nguyên Sa viết bài cho tạp chí với yêu cầu “viết về xuân” (ý cho báo Xuân), sau đó lại mở rộng ra là… “viết gì cũng được”.

Nguyên Sa đã viết và  nộp bài thơ “Tám phố Sài Gòn”, gồm tám khổ thơ, 32 câu thơ và duy nhất chỉ có câu thơ cuối cùng có một chữ “Xuân” (Thành phố đi về cũng đã Xuân), và chợt ngộ ra trong những câu chuyện rất… tiếu lâm của nhà thơ khi kể chuyện cho học sinh trong giờ dạy Triết, ông hay sử dụng từ “bát phố”, có nghĩa là “đi chơi phố, đi dạo phố”, và người Hà Nội xưa cũng hay nói “đi bát phố” và người Sài Gòn thấy hay hay nên cũng nói theo. Mà “Bát” là từ Hán Việt, Có nghĩa là “rời, ra khỏi nhà, đồng âm với từ “Bát” có nghĩa là “tám”, bài thơ cũng có “tám khổ” do đó nhà thơ thuận tay đặt luôn là “Tám phố Sài Gòn”, tức dạo phố Sài Gòn, chứ Sài Gòn nào có “tám phố” mà tranh cãi. Đúng không mọi người?…

 Kim Phượng sưu tầm
Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %11 %169 %2022 %23:%07
back to top