NHỮNG NGƯỜI HOA GÓP "VỊ" CHO SÀI GÒN

NHỮNG NGƯỜI HOA GÓP "VỊ" CHO SÀI GÒN

<0><0><0>

 Lịch sử di cư, văn hóa, tính cách người Hoa ở Việt Nam

Người Hoa ở Sài Gòn có 4 nhóm chính, từ "khách trú" trở thành người Việt mình ở Chợ Lớn, làm đa dạng thêm văn hóa cho thành phố này. Cũng là họ mang đến đây những đầu bếp đường phố trứ danh, khiến Sài Gòn không những "đẹp" mà còn "ngon".


PHÓNG KHOÁNG NHƯ NGƯỜI QUẢNG ĐÔNG

Giỏi làm ăn và tính tình rộng rãi, phóng khoáng là mô tả đúng nhất về người Quảng Đông. Điều này còn thể hiện rõ ràng qua ẩm thực của họ, mà nổi bật nhất là dimsum (đọc là “tỉm sấm”), dịch ra là “điểm tâm”, thường được phục vụ vào buổi sáng. Mỗi lần đi ăn điểm tâm, tôi phải kéo thêm ít nhất hai người nữa đi cùng vì độ “thịnh soạn” và một chút “tốn kém” nếu ăn một mình (mà thật ra, đi một mình thì bạn không thể nào ăn hết nổi).
 
 
 
Tên gọi này cũng có một điển tích rất hay. Người ta truyền rằng ngày xưa vào thời Đông Tấn, vì muốn thể hiện sự cảm kích với binh lính ngày đêm đổ máu nơi chiến trường, một vị đại tướng đã cho làm các món bánh để mang ra tận tiền tuyến thiết đãi họ. “Điểm tâm” ở đây nghĩa là “chạm tới trái tim”.
 

Ngày nay, điểm tâm được chế biến trên nhiều nguyên liệu khác nhau như tôm, sò điệp, cua, thịt, v.v, cùng với tay nghề đầu bếp mà cho ra các phần ăn bắt mắt và hấp dẫn. Vì nhu cầu của thực khách, nhiều nhà hàng cũng đã mở bán cả ngày. Đến Sài Gòn, nhất định không thể bỏ qua những hàng dimsum của người Quảng Đông!

Một số món ăn khác: sủi cảo, chè sâm bổ lượng, tôm chiên hoàng kim

TIẾT KIỆM NHƯ NGƯỜI TRIỀU CHÂU

Người Triều Châu, hay người Tiều Châu, cũng thuộc tỉnh Quảng Đông nhưng họ lại giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ riêng gọi là tiếng Tiều. Người Tiều siêng năng, chăm chỉ và rất tiết kiệm, có lẽ vì cuộc sống phiêu bạt, hàn vi đã rèn luyện cho họ nhiều điều. Các món ăn Tiều thường thanh nhạt, đạm bạc.


Nhiều lần tôi dắt bạn bè đi ăn, họ còn ngạc nhiên vì các món ăn trông không hề bắt mắt như những món Hoa khác. Như lần gần nhất, tôi cùng cậu bạn gọi ra một đĩa lòng heo xào cải chua, kèm một tô canh xương củ sen phục vụ cùng cơm trắng và một bát cháo. Bạn tôi có vẻ chần chừ, cho đến khi cậu gắp miếng đầu, rồi trong phút chốc hết một bát cơm. “Bắt miệng ghê mậy!”. Không ngon làm sao được! Công thức nấu các món đó tưởng là đơn giản nhưng thật ra ngoài các gia vị chính, chủ quán còn cho thêm những hương vị riêng, như một bí kíp cha truyền con nối.
 
 

Cải chua có lẽ là linh hồn của các món Tiều. Họ hầm ngày qua ngày đến khi miếng cải chua thanh thanh, mềm tan trong miệng và chính nhờ vị chua đặc sắc này làm những thành phần chính như thịt, mỡ, nội tạng bớt ngấy đi. Nhắc đến đây, tôi nhớ đến món heo quay hầm cải chua của một số gia đình người Việt ở Sài Gòn và miền Tây. Mỗi khi gia đình có cúng kiếng, phần heo quay ăn không hết sẽ chặt nhỏ, bỏ vào nồi và nấu chung với cải chua ăn dần. Có lẽ, người Việt mình cũng học tập từ tính tiết kiệm này của người Tiều sau nhiều năm chung sống.

Một số món ăn khác: hủ tiếu sa tế nai, hủ tiếu hồ

TÀI HOA NHƯ NGƯỜI HẸ

Người Hẹ (Hakka, hay Khách Gia) có lẽ là nhóm có số lượng người ít nhất trong cộng đồng người Hoa ở Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng. Người ta cho rằng người Hẹ thuộc một bộ phận người Hán, mà phải là Hán cổ vì ngôn ngữ riêng của họ có nguồn gốc từ đó. Tuy nhiên, có quá nhiều giả thiết khiến cho nguồn gốc của họ vẫn chưa xác định rõ ràng và chắc chắn.

Người Hẹ vốn có tay nghề nấu ăn rất ngon và độc đáo. Trong thời Pháp thuộc, các đầu bếp được lựa chọn để nấu cho các “quan Tây” phần lớn đều là người Hẹ. Họ biết cách kết hợp nhuần nhuyễn giữa ẩm thực Tây - Tàu bằng các nguyên liệu như hành tây, ớt chuông, vân vân mà các dân tộc Hoa khác không làm được.
 
Một bữa cơm của người Hẹ

Ở Sài Gòn hiện giờ, vẫn còn một quán ăn của người Hẹ tồn tại gần 80 năm trong một con hẻm nhỏ xíu trên đường Lý Thường Kiệt. Quán phục vụ khách trên tầng một, còn tầng trệt vẫn là gian nhà ở và khu bếp. Lần đầu tìm đến đây, tôi gọi một đĩa khâu nhục (“khâu” nghĩa là hầm cho đến khi mềm rục, “nhục” là thịt), một đĩa đậu hũ Đông Giang, gà hấp muối theo lời giới thiệu của anh chủ quán. Phải nói rằng món khâu nhục ấn tượng vô cùng, phần thịt heo mềm mại ăn kèm những miếng khoai môn cắt miếng dày xếp xen kẽ với thịt, đi cùng là nước hầm thịt đậm đà vị chao đỏ. Ăn miếng nào nhớ tuổi thơ mình miếng đó, một bữa cơm trưa ngon đến cảm động.

Đậu hũ Đông Giang
 
Khâu nhục

Một số món ăn khác: cơm gà xối mỡ, nui xào bò, mì xào bò

NỨC TIẾNG NHƯ NGƯỜI PHÚC KIẾN

Nhắc đến người Phúc Kiến, tôi nhớ ngay đến văn hóa thờ bà Thiên Hậu. Từ một tín ngưỡng nhỏ ở đảo Mị Châu, người Phúc Kiến đã lênh đênh trên biển lớn, mang văn hóa của họ đến các quốc gia trên toàn thế giới và được UNESCO công nhận.
 
Một quán ăn trước chùa Thiên Hậu

Phúc Kiến có một món ăn mà tôi nghĩ chắc người Sài Gòn nào cũng biết đến, đó là mì Phúc Kiến. Mì Phúc Kiến cũng như những sợi mì vàng khác nhưng dày, dai và béo hơn, có thể đem xào hoặc nấu với nước dùng như các loại hủ tiếu, mì khác của người Hoa. Đến bây giờ, mỗi lần nhà có giỗ, ba tôi vẫn chạy lên tận Chợ Lớn mua cho đúng sợ mì để cúng ông bà.
 

Ngoài ra, ẩm thực Phúc Kiến còn nổi danh với món “Phật nhảy tường”. Món ăn này thuộc loại sơn hào hải vị, bao gồm rất nhiều nguyên liệu để chế biến như sò điệp, bào ngư, vi cá và cả nhân sâm nữa. Hàm ý của món ăn này là “ngon đến nổi các nhà sư cũng phải trèo tường và ngã mặn vì nó”.

Một số món ăn khác: vịt hầm Phúc Kiến, bò bía
 
Chú bán thịt heo ở Chợ Lớn, nay đã gần 80 tuổi nhưng vẫn vui vẻ làm việc

Văn hóa và ẩm thực người Hoa ở Sài Gòn đa dạng và phong phú đến nỗi không thể nào diễn giải hết được qua trang giấy. Không chỉ là việc ăn, nêm nếm hương vị độc đáo của ẩm thực, bạn còn phải ở đó ngắm nhìn những ngôi nhà, cửa hiệu cũ kĩ, trang trí tỉ mỉ với các bức tường màu pastel xinh xắn của người Hoa, rồi qua lại một hai câu chào để cảm nhận sự bình dị, chân phương của họ…, bữa ăn lúc ấy mới thật sự trọn vẹn.
 
Một góc "cũ" trong tiệm cafe vợt ở chợ Phùng Hưng
 
 
 
Wanderful Dreamers - Ảnh: Quân Đoàn, Ngọc Trần
 
*******
 
Ở Sài Gòn, cộng đồng người Hoa "phủ sóng" gần như khắp các quận, huyện, nổi tiếng với những món ăn có tuổi đời đến mấy chục năm. Trong đó, có 4 khu ẩm thực mang sức hút đặc biệt với tôi nhất.


LOANH QUANH CHỢ “NHÀ GIÀU”

Tên khai sinh của chợ chính xác là chợ Phùng Hưng, đúng tên đường mà khu chợ “đóng đô”. Tuy nhiên, cái tên được nhiều người biết đến nhất chắc là chợ “nhà giàu”, hay chợ Thủ Đô. Sở dĩ có cái tên chợ “nhà giàu” vì ở đây giá cả có đắt hơn những chợ khác, nhưng luôn đảm bảo chất lượng nhất vì chợ chỉ bán thực phẩm tươi sống vào buổi sáng và nhường chỗ cho các hàng ăn uống mở cửa vào buổi trưa và chiều tối. Kế bên chợ là Rạp Thủ đô huyền thoại. Vào thời kỳ vàng son của cải lương, ở Sài Gòn chắc không ai không biết đến rạp này. Do đó, để xác định vị trí của chợ tốt nhất, tên gọi chợ Thủ Đô ra đời.

Phố bán đồ trang trí Tết lớn nhất Sài Gòn rực rỡ sắc đỏ | Báo Dân trí

Chợ nằm lọt thỏm giữa những khu tập thể của người Hoa, vẫn giữ được kiến trúc cũ kỹ và đậm chất truyền thống Hoa kiều. Nếu có thời gian đi chợ vào buổi sáng, bạn có thể ngỡ ngàng tưởng mình đang ở Hong Kong vì người dân ở đây giao tiếp với nhau hoàn toàn bằng tiếng Quảng Đông. Họ bán đầy đủ các thiết bị điện gia dụng, trang phục và cả hàng ăn nữa.

Empty

Thời điểm tôi thấy thích nhất ở chợ là vào khoảng 3 giờ chiều. Lúc đấy, dòng người đông đúc đi chợ đã vãn để các hàng ăn bắt đầu mở ra, thơm phức đến nức mũi. Tôi có thể tìm thấy tất cả các món ăn tuổi thơ của mình ở đây: bánh bột khoai môn, khổ qua cà ớt, hay điểm tâm cực ngon mà giá cả lại rất vừa túi. Giữa chợ là quán cà phê vợt Ba Lù nổi tiếng mà tôi tin chắc rằng những ai yêu thích khu Chợ Lớn phải ghé đến một lần để thưởng thức, để nghe câu chuyện về món cà phê gia truyền và những thay đổi của Chợ Lớn từ xưa đến nay.
 
Món khổ qua cà ớt
 
Cafe vợt

CHỢ XÃ TÂY LÃNG MẠN MỘT THỜI

Ở khu vực Chợ Lớn từng có một tòa nhà gọi là “Đô chánh thành phố Chợ Lớn”, người dân gọi tắt là “Xã Tây” (tòa nhà thị xã của người Tây - vào lúc đó là người Pháp), và vì có ngôi chợ nằm gần đấy nên họ gọi luôn là chợ Xã Tây cho dễ nhớ.

Chợ Xã Tây đã từng có một quá khứ đầy lãng mạn. Khu chợ này được chọn là bối cảnh phim “Người tình” (L’Amant) đình đám. Bộ phim dựa trên câu chuyện tình có thật của một cô gái người Pháp và chàng Hoa kiều Huỳnh Thủy Lê, con nhà đại điền chủ ở Sadec. Những mái ngói âm dương nguyên sơ, những mảng tường vàng đậm màu thời gian được đưa vào phim rất ngọt ngào. Khu chợ hiện tại dù không còn giữ được nguyên vẹn như trên phim thể hiện, cũng chỉ nhỏ nhắn với chiều dài tầm khoảng 200-300 m, nhưng những con hẻm nhỏ dẫn vào khu dân cư của cộng đồng người Hoa vẫn đủ làm người ta đôi khi thấy rung động.


Đến chợ vào những ngày Rằm, tôi ấn tượng nhất là món cà ri chay được nấu quá khéo léo ở ngay đầu chợ, không chỉ tôi mà những đứa bạn về sau vẫn cứ tấm tắc khen ngon. Ở chợ Xã Tây, bạn có thể dễ dàng tìm kiếm các món ăn vặt khác như chè, các loại bánh như bánh củ sắn, bánh hẹ, bánh khoai môn... Ngồi ăn ở trong chợ có khi vừa được nghe tiếng Hoa, vừa được nghe kinh của người đạo Hồi vào những giờ salat (giờ cầu nguyện của người Hồi giáo) vì ngay cạnh chợ là một nhà thờ Hồi giáo, nơi các bạn có thể thử những món ăn Halal. Còn với tôi, địa điểm quen thuộc mỗi lần đi qua chợ là hàng bán nước sâm mát lạnh, sau những buổi trưa lang thang nóng nực.
 
TUỔI THƠ TRẢI DÀI QUẬN 11

Quận 11 là “con” của cả quận 5 và quận 6, được hình thành trên cơ sở tách đất từ hai quận trên. Do đó, nói quận 11 thuộc Chợ Lớn cũng đúng, mà nói nằm ngoài Chợ Lớn cũng không sai.

Đây có lẽ là nơi tôi gắn bó nhiều nhất từ nhỏ cho đến lớn nên mỗi lần đi loanh quanh khu này, tôi đều cảm thấy bồi hồi dù mọi thứ cũng đã thay đổi kha khá qua thời gian. Tôi nhớ như in những giờ tan trường cấp 1 vẫn thường đi lang thang khu vực cổng trường chờ ba đón, ăn một chén chè sương sáo hoặc bịch bánh tráng trộn với “xá bấu” (củ cải muối xào), hay những trái ớt, trái cà chua bằng đậu xanh. Khu Xóm Đất nơi tôi học còn nổi tiếng với các món điểm tâm buổi sáng, những chảo hủ tiếu xào nghi ngút khói, hay mấy lò bánh mì thơm lừng cả xóm. Những hàng quán tuổi thơ ấy đến bây giờ vẫn còn, chất lượng không thay đổi, chỉ có giá tiền thì nhẹ nhàng tăng lên theo thời gian.


Ảnh: Ngọc Trần
 
Ảnh: Ngọc Trần

Sẽ thật thiếu sót nếu đến quận 11 mà bỏ qua con đường Hà Tôn Quyền với món mì sủi cảo vang danh, hồi nhỏ chỉ cần nghe đến tên là lũ con nít chúng tôi đều thòm thèm. Cả một con đường trải dài chỉ bán duy nhất một món, mà bất kể bạn vào quán nào cũng sẽ cảm nhận được vị ngon theo một cách riêng của quán đó.
 
Một quán sủi cảo nổi tiếng trên đường Hà Tôn Quyền

Có một tên gọi vui mà giới trẻ truyền tai nhau về quận 11, đó là “quận nới rộng… vòng 3”. Các bạn có dám thử không?

PHỐ TÀU GIỮA TRUNG TÂM THÀNH PHỐ

Người ta vẫn cho rằng cộng đồng người Hoa chỉ tập trung duy nhất ở quận 5, 6 hay 11, nhưng thực ra giữa quận 1 cũng có một khu người Hoa cực kỳ đặc trưng, đó là phường Nguyễn Thái Bình, xung quanh chợ Dân Sinh. Tôi đến đây lần đầu tiên vào 5 năm trước, khi tham quan Bảo tàng Mỹ Thuật, cảm thấy vô cùng ấn tượng và trở lại loanh quanh cũng khá nhiều lần sau này để khám phá những con hẻm nhỏ.


Ở đây có những hàng cà phê nơi người lớn tuổi tụ tập, kể chuyện rồi thi thoảng lại cười phá lên. Mỗi sáng mua một hộp xôi mặn kiểu người Hoa và một ly cà phê, rồi cứ ngồi đó mà nhẩn nha nghe các chú người Hoa nói chuyện; những âm thanh dung dị có thể khiến con người ta cảm thấy tràn đầy năng lượng vào buổi sớm. Có lần tò mò bắt chuyện, tôi được các chú kể cho nghe về khu ăn chơi khét tiếng một thời ở Sài Gòn tên là Kim Chung, cũng chính là khu vực này. Ngày xưa ở đây còn bán quân trang, quân phục cũ của quân đội Mỹ, đến sau này bắt đầu chuyển qua bán cơ khí và phụ tùng xe.


Người ta còn tìm đến đây để thưởng thức những món hủ tiếu người Hoa như hủ tiếu cá, bao tử và sườn sụn rất đặc trưng. Giá cả dĩ nhiên sẽ cao hơn một chút so với khu Chợ Lớn nhưng cũng là một trải nghiệm mà du khách nên thử. Đâu có đồng tiền nào mua được trải nghiệm, đúng không?
 
  

LƯU Ý KHI KHÁM PHÁ CÁC KHU VỰC NGƯỜI HOA

- Đừng nói quá nhanh khi giao tiếp với người dân ở đây, đặc biệt là những người lớn tuổi.

- Đừng nhại giọng họ. Khi nói tiếng Kinh, giọng họ sẽ hơi “lạ” một chút vì họ quen giao tiếp bằng tiếng Quảng với nhau.

- Chuẩn bị một chiếc bụng thật đói và ví tiền rủng rỉnh, bạn sẽ không cưỡng lại được những món ăn phong phú ở đây đâu.

- Quán cà phê vợt Ba Lù ở chợ Thủ Đô bán từ 4 giờ sáng, đóng cửa vào khoảng 5 giờ chiều.

- Chợ Xã Tây dù ngắn nhưng có tận 3 con hẻm. Tất cả đều có tên gọi và câu chuyện riêng.

- Nếu bạn muốn thử món chay và thích náo nhiệt, hãy đến vào các ngày Rằm.

MỘT SỐ “TỪ KHÓA” CHO DU KHÁCH

- Hẻm: Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về cộng đồng người Hoa thì đây là chìa khóa cho bạn. Những con hẻm thường sẽ có câu chuyện rất thú vị. Ví dụ hẻm 720 Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5… (hãy đến tìm ăn một quán địa phương và hỏi về chú “Tường giá đỗ”).

- Các cụ già: Thêm một từ khóa nữa cho những ai thích nghe kể chuyện. Đa số người Hoa rất thân thiện và mến khách nên đừng ngần ngại bắt chuyện, hỏi chuyện và xin chụp ảnh nhé!

- Chú Hỏa: Loanh quanh khu vực Chợ Lớn và chợ Dân Sinh, bạn hãy hỏi về lai lịch của ông - một trong “tứ đại hào phú” của Sài Gòn xưa.

- Chùa: Hãy vào tất cả các đình, miếu, chùa của người Hoa mà bạn bắt gặp trên đường, để khám phá xem văn hóa thờ cúng của họ có khác gì với nơi mình sống.
 
Dinh thự khi xưa của chú Hỏa, nay là Bảo tàng Mỹ thuật (Ảnh: Trần Hồng Ngọc)
 
 
Nam Mai sưu tầm
 
 
 
 
Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %02 %776 %2022 %12:%03
back to top