NGUYỄN TRƯỜNG TỘ KIẾN TRÚC SƯ ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM

NGUYỄN TRƯỜNG TỘ 
 KIẾN TRÚC SƯ ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM
Là một người Tây học, Nguyễn Trường Tộ đã có những công trình đóng góp cho sự hình thành thành phố Sài Gòn, đó là nhà thờ Saint Enfance, tu viện Saint Paul de Chartres và nhất là bản điều trần trước triều Nguyễn về việc canh tân đất nước. Rất tiếc triều đình Huế không nghe theo lời của ông mà hậu quả của nó đưa đất nước Việt Nam lạc hậu kéo dài tới tận ngày nay.
 
Còn những công trình kiến trúc của ông giờ chỉ còn tu viện Saint Paul de Chartres riêng nhà thờ Saint Enfance đã bị phá hũy từ thời mới thành lập thành phố Sài Gòn. Vì những công trạng và sự đức độ của ông người ta đã đặt tên ông cho một con đường ở quận 4 và tên một trường kỹ thuật ở số 2 Phạm Đăng Hưng (Mai Thị Lựu) quận 1.
 
 
 Tu viện Sainte Enfance của các soeurs dòng thánh Phao Lô (St Paul de Chartres) là tu viện nữ tu đầu tiên ở Việt Nam. Vào tháng Ba năm 1860, theo lời mời của Đức Giám Mục Dominique Lefebvre, hội dòng của các nữ tu dòng Saint -Paul de Chartres đã gửi hai sơ đến Sài Gòn, nơi mà họ lập một trại mồ côi cho trẻ em đường phố tên là Sainte - Enfance và cơ sở tạm thời gần tòa giám mục đầu tiên trên đường Nguyễn Công Trứ hiện nay (Quận 1). Trong năm sau, mẹ bề trên Reverend Benjamin đến từ Hồng Kông để quản lý các cơ sở này.
 
 Năm 1862, Đô đốc - đốc Bonard đã đáp lại yêu cầu của mẹ bề trên Reverend Benjamin cho một cơ sở lớn hơn là một lô đất rộng lớn trên đại lộ de la Citadelle (đường Cường Để - Tôn ĐứcThắng hiện nay), nằm giữa Chủng viện St Joseph và xưởng đóng tàu hải quân. Nguyễn Trường Tộ được bổ nhiệm là kiến trúc sư , và tháng 5 năm 1864 phức trường Sainte - Enfance - bao gồm trẻ mồ côi, nhà nguyện và nhà nguyện tu viện - đã được khánh thành. Hình trên của Émile Gsell chụp năm 1866 tức hai năm sau khi xây xong. Tòa nhà này sau đó vào cuối thế kỷ 19 được thay thế xây lại như còn lại hiện nay (tháp chuông không còn) – (Collection Gsell, 1866, ancien fonds du musée des colonies).
 
 
 
SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỦA NGUYỄN TRƯỜNG TỘ
(1828 -1871)
 
 
Sinh năm 1828, ở làng Bùi Chu, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, trong một gia đình theo đạo Gia tô, nhưng Nguyễn Trường Tộ học thông tứ thư ngũ kinh của Nho giáo. Năm 27 tuổi, ông được giám mục Gauthier đưa vào chủng viện Tân ấp thuộc xứ đạo Xã Đoài để dạy chữ Hán cho giám mục, và được giám mục dạy lại cho chữ Pháp cũng như kiến thức khoa học châu Âu. Năm 1858, giám mục Gauthier đưa Nguyễn Trường Tộ sang Pháp để tạo điều kiện học tập, nâng cao kiến thức nhiều mặt.

 
Hơn hai năm ở Paris, chẳng những ông hiểu biết nhiều về khoa học - kỹ thuật, có trình độ như một kiến trúc sư, một người biết khai mỏ, mà còn đọc rộng về các mặt chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao, pháp luật, v.v... và tìm hiểu được một số hoạt động công nghệ của nước Pháp.
 
Trên đường đi sang Pháp và trở về Việt Nam, Nguyễn Trường Tộ còn có dịp ghé qua Rome, dừng chân ở Singapore và Hongkong.
 
Năm 1861, Nguyễn Trường Tộ trở về Tổ quốc, phải cập bến Sài Gòn, khi tỉnh thành Gia Định đã bị quân viễn chinh Pháp và Tây Ban Nha chiếm đóng.
 
Gần ba năm sống trong lòng địch, Nguyễn Trường Tộ bất đắc dĩ phải làm việc với quân Pháp, phiên dịch các công hàm trao đổi giữa triều đình Huế với Soái thủ Pháp ở Gia Định. Nhiều lần ông sửa bớt chữ nghĩa trong công hàm của đôi bên, tránh những lời lẽ quá khích, xúc phạm tới triều đình hoặc phương hại cho việc "tạm hòa". Nhiều lần ông tìm cách thông báo cho các sứ thần của triều đình như Nguyễn Bá Nghi, Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ một số âm mưu quỷ kế của giặc Pháp.
 
Năm 1863, Nguyễn Trường Tộ tìm cách thoát ra khỏi khu vực chiếm đóng của quân Pháp, liên hệ được với triều đình Huế. Từ đây cho đến cuối đời ông viết hàng loạt điều trần, luận văn, tờ bẩm, trình nhiều kiến nghị có tầm chiến lược nhằm canh tân đất nước, tạo thế vươn lên cho dân tộc để giữ nền độc lập một cách khôn khéo mà vững chắc.
 
 
Hơn sáu mươi di thảo của Nguyễn Trường Tộ đã sưu tầm được, bàn về nhiều phương diện:
 
- Về mặt kinh tế, Nguyễn Trường Tộ vạch ra đường lối làm cho "nước giàu mà dân cũng giàu". Ông khuyên triều đình ra sức mở mang nghề nghiệp, học cách làm ăn của các nước văn minh Tây Âu, tránh bế quan tỏa cảng, mời các công ty kinh doanh nước ngoài đến giúp Việt Nam khai thác tài lợi để có thêm của cải và học cho được kỹ thuật cũng như cách làm ăn tiên tiến của họ. Có như vậy mới giữ được độc lập trong tư thế làm chủ đón khách... (xem Dụ tài tế cấp bẩm từ).
 
- Về mặt văn hóa - xã hội, Nguyễn Trường Tộ khuyên triều đình tìm mọi cách nâng cao văn hóa đất nước theo hướng coi trọng khoa học - kỹ thuật, để sớm nâng cao đời sống của nhân dân. Ông phê phán tình trạng kinh đô Huế luộm thuộm, mất vệ sinh, công thự dột nát, lương bổng quan lại quá ít ỏi,v.v... Ông nêu hàng loạt vấn đề quan trọng như: nên sáp nhập các tỉnh để giảm bớt số quan lại và có điều kiện tăng lương cho quan lại nhằm giảm tệ tham nhũng, khuyến khích tính liêm khiết; đề nghị sửa đổi chính sách thuế, đánh thuế nhà giàu nặng hơn nhà nghèo, đánh mạnh vào xa xỉ phẩm, mặt khác không nên cấm dân dùng đồ đẹp, đồ sang khiến cho văn vật ngày càng kém, áo xiêm ngày càng tồi; đề nghị sửa đổi chế độ thi cử, chú trọng bồi dưỡng nhân tài về nhiều mặt, thành lập các môn học thực dụng, dùng quốc âm trong công văn thay cho chữ Hán, lập địa đồ quốc gia và các tỉnh, kiểm kê dân số, lập trại tế bần, viện dục anh (nhà trẻ), v.v... (xem Điều trần về cải cách phong tục, Học tập bồi dưỡng nhân tài, Tế cấp bát điếu...).
 
- Về mặt ngoại giao, Nguyễn Trường Tộ phân tích cho triều đình thấy rõ cục diện chính trị trên toàn thế giới, để biết ứng xử một cách linh hoạt (xem Thiên hạ đại thế luận). Ông chỉ ra những mâu thuẫn giữa Pháp với Anh và Tây Ban Nha và khuyên triều đình nên chủ động mở rộng bang giao với nhiều nước, nhất là với nước Anh, để chế ngự bớt tham vọng và khả năng xâm lược của Pháp. Khi nước Pháp có sự biến lớn năm 1870 - 1871, vua Napoléon III mất ngôi, chế độ cộng hòa Pháp phục hồi, Nguyễn Trường Tộ nêu một loạt kiến nghị, hướng dẫn triều đình xúc tiến ngoại giao trực tiếp với Chính phủ Pháp, khéo léo đối phó, ngăn chặn bọn chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Soái phủ Sài Gòn, nhằm tìm cách thu hồi lại sáu tỉnh đã bị chiếm (xem Lục lợi từ và các tờ bẩm cuối năm 1866 đến tháng 2-1871).
 
- Về mặt quân sự, Nguyễn Trường Tộ tuy là một người "chủ hòa", nhưng không có tư tưởng "chủ hàng" hoặc hòa bình vô nguyên tắc. Năm 1867, ông khuyên triều đình "ra sức cải tu võ bị", đề phòng quân Pháp từ Nam Kỳ đánh lan ra cả nước. Ông là người đầu tiên nêu lên một chính sách quân sự có hệ thống như: trọng võ ngang trọng văn, quý trọng người lính, ưu đãi sĩ quan, biên soạn lý luận binh pháp, đào tạo cán bộ chỉ huy, tạo dựng một quốc thể về mặt binh bị, chuẩn bị điều kiện tác chiến trong thành phố, tìm cách dùng người trong vùng địch chiếm, v.v...
 
 
Ngoài những bản điều trần và luận văn tạo nên một công trình trí tuệ vĩ đại vô giá, Nguyễn Trường Tộ còn để lại một số hoạt động thực tiễn xuất sắc như: Năm 1862 - 1863, ông thiết kế xây dựng tòa nhà nguyện của dòng tu nữ ở Sài Gòn. Năm 1864 - 1866, ông thiết kế xây dựng bốn ngôi nhà trong giáo khu Xã Đoài. Mấy công trình này của ông thuộc về những công trình kiến trúc đầu tiên theo kiểu châu Âu ở Việt Nam giữa thế kỷ 19.
 
Cũng giữa những năm 60 thế kỷ 19, khi hoạt động ở quê nhà, ông đã giúp Tổng đốc Nghệ An Hoàng Tá Viêm đào Kênh Sắt, một công trình xưa kia Cao Biền rồi Hồ Quý Ly dự định làm mà không làm nổi. Ngoài ra, ông còn vận động dân chúng ở Xuân Mỹ, quê hương bên nhà vợ ông, cùng nhau dời làng từ trong núi rừng đầy lam chướng ra nơi thoáng đãng, thuận lợi canh tác.
 
Trí tuệ lỗi lạc của Nguyễn Trường Tộ đã vượt hẳn lên trên tầm thời đại giữa thế kỷ 19 ở Việt Nam. Vua Tự Đức tuy đã có lúc triệu ông "vào kinh để hỏi việc lớn" và phái ông sang Pháp thuê thầy thợ, mua sách vở, máy móc, định du nhập kỹ thuật (năm 1866 - 1867), nhưng nói chung, triều đình nhà Nguyễn cũng như các nho sĩ, văn thân thời ấy chưa hiểu nổi luồng tư tưởng của ông, nên chưa coi trọng đúng mức những kiến nghị cách tân của ông. Trí tuệ lỗi lạc của Nguyễn Trường Tộ bị lãng quên như một luồng ánh sáng rọi vào đám sương mù dày đặc.
 
Ông chết âm thầm ở làng quê Bùi Chu ngày 10 tháng 10 năm Tự Đức thứ 24, tức 23 tháng 11 năm 1871.(Huỳnh Ái Tông)
 

Kho báu cõi thiêng trước cơn lốc kim tiền

~~<><><><>~~

Ngôi nhà thờ xưa thanh thoát, kiểu kiến trúc Roma, gợi nhớ Vatican kỳ vĩ. Những bậc thềm lát gạch xưa cũ. Bên trong nhà nguyện yên ắng, lung linh ánh sáng vàng phản chiếu ở các ô cửa. Các nữ tu, mặc áo trắng, ngồi nguyện cầu lặng lẽ. Không gian ở đây bay bổng và thánh thiện, khác hẳn sự huyên náo bên ngoài.
Một ngày cuối thu, theo chân một đoàn chuyên viên khảo sát di sản, tôi đến tu viện Saint Paul ở số 4 Tôn Đức Thắng, gần nhà máy Ba Son. Sau khi đi xem nhà nguyện và tháp chuông, chúng tôi bước xuống chiếc cầu thang ra vườn hoa của tu viện. Bất ngờ, chúng tôi đi ngang qua chiếc cửa gỗ màu nâu bóng của một tầng hầm. Sơ ơi, đây là gì?

 
Vườn hoa bên trong tu viện Saint Paul, phía bên phải là nhà nguyện xây dựng 1864,
bên trái là nhà văn phòng xây dựng 1947. Ảnh KTS. Vĩnh Phúc
 
Cánh cửa quá khứ
 
Sơ đại diện tu viện hướng dẫn đoàn mở khóa cửa tầng hầm. Đèn sáng lên, chúng tôi bước vào quá khứ 155 năm của dòng tu Saint Paul. Ngay giữa tầng hầm là một sa bàn mô hình toàn cảnh các kiến trúc liên hoàn của tu viện. Nhìn sa bàn có thể nhận ra nhiều phần của tu viện trước đây đã bị chia cắt cho nhiều cơ quan khác. Chung quanh sa bàn, là các gian trưng bày, kể chuyện lịch sử dòng tu được thành lập và hoạt động giúp dân nghèo như thế nào. Rất cao cả và ý nghĩa, từ xa xưa dòng tu Saint Paul đã mở ra nhiều bệnh viện, phòng khám, trường học tại Sài Gòn, Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác.

 
Chuông cổ 1896. Ảnh KTS. Vĩnh Phúc
 
Mỗi gian trưng bày đều có tranh ảnh, sơ đồ, hiện vật và hình mẫu mannequin sắp xếp rất phong phú và ấn tượng. Đặc biệt, các tủ kính có khá nhiều đồ vật thường dùng trong đời sống của hai thế kỷ trước.
 
Trong đó, tôi chú ý trước nhất là chiếc máy ảnh hình hộp có chân đứng, với giấy xác nhận xuất xưởng năm 1870. Kế đến, những chiếc đồng hồ để bàn, radio, máy ảnh, máy đánh chữ, máy quay phim... Và rồi máy quay ronéo, máy đóng sách, sổ sách, cặp sách cổ xưa... Thêm nữa, những dụng cụ y tế, dụng cụ âm nhạc, đàn organ xếp trong vali, máy hát dĩa, bát dĩa và quần áo của nhiều dân tộc... Nhiều đồ vật xưa đẹp chưa thấy có mặt trong bảo tàng thành phố, xứng đáng thuộc về danh sách những đồ cổ quý hiếm.
 

Chiếc máy chụp ảnh 1870
 
Ký ức thiêng liêng
 
Ở một góc khuất của tầng hầm là khu vực hầm mộ của các linh mục và nữ tu đầu tiên, có từ năm 1894. Những bình gốm đơn giản đựng tro của người mất, xếp ngay ngắn trầm mặc, đối diện một bức tranh chúa Jesus với quả tim đỏ thắm. Tu viện và dòng Saint Paul ở Việt Nam đã tồn tại xuyên qua ba thế kỷ.
 
Bản thân kiến trúc tu viện được coi là “trưởng lão” của Sài Gòn. Nguyện đường, tháp chuông và nhiều dãy nhà tại đây được hoàn thành năm 1864, cùng thời gian với tòa nhà Bến Nhà Rồng. Người thiết kế và chỉ huy xây dựng tu viện chính là Nguyễn Trường Tộ - một sĩ phu nổi tiếng về những bản điều trần thúc giục triều Nguyễn canh tân đất nước.
 

 
Bảo tàng Saint Paul
 
Bằng ấy chi tiết đã cho thấy tu viện Saint Paul không chỉ là một di sản kiến trúc phương Tây cổ điển ở một vùng đất phương Đông. Đó còn là kho báu lưu giữ ký ức của không chỉ một dòng tu mà hơn thế nữa lưu giữ ký ức của Sài Gòn và nhiều vùng đất. Thêm nữa, lưu giữ ký ức của nhiều thế hệ phụ nữ trong và ngoài nước tự nguyện cống hiến cuộc đời cho Chúa và cộng đồng. Chúng tôi thấy mình thật hạnh phúc khi được vào thăm một không gian ký ức xưa sống động đã may mắn tồn tại được sau nhiều năm tháng biến động.
 

 
Tủ kính đồng hồ, radio, máy điện thoại xưa. Ảnh KTS. Vĩnh Phúc
 
Tôi háo hức nghĩ đến việc tu viện Saint Paul sẽ trở thành một viện bảo tàng văn hóa - lịch sử mở cửa rộng rãi cho người xem trong và ngoài nước. Thế nhưng, sơ đại diện tu viện hướng dẫn đoàn trầm ngâm, chỉ cho chúng tôi xem dãy nhà bên cạnh, hiện là giảng đường và ký túc xá của Đại học Sài Gòn, tiếp giáp góc đường Tôn Đức Thắng và Nguyễn Hữu Cảnh.
 
Trước năm 1975, đây là một phần của tu viện dùng làm nơi dạy học. Sau đấy, tu viện chuyển cho nhà nước làm trường đào tạo giáo viên mẫu giáo. Nhiều năm nay, tu viện chỉ mong phần cơ ngơi này tiếp tục dùng cho giáo dục và giữ nguyên kiến trúc xưa. Nhưng gần đây, râm ran có tin Đại học Sài Gòn sẽ cho phá ra, xây lại từ các dãy nhà cổ. Đại học này trước đây là trường cao đẳng sư phạm, bây giờ phát triển đa ngành, đang cần thêm nhà cửa.
 
Mặt khác, Đại học Sài Gòn có thêm ngành kinh doanh và du lịch. Không biết nay mai người ta có nhân danh các ngành nghề đào tạo mới để đập bỏ kiến trúc cũ, xây khách sạn và nhà hàng “làm nơi thực tập cho sinh viên”? Nhất là khi, đối diện với tu viện, khu nhà máy Ba Son sẽ dời đi, trở thành khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp. Phải chăng người ta định xây khách sạn, nhà hàng là để đón trước cơ hội buôn bán, làm ăn nhộn nhịp ở nơi này?

 
Bên trong nguyện đường Saint Paul. Ảnh Phúc Tiến
 
Chẳng biết rồi đây cơn lốc kinh doanh đang tràn lan các đô thị và tỉnh thành sẽ tiếp tục hủy diệt đến mức nào các di sản, các không gian có một không hai của lịch sử? Không thể khoanh tay trước những cơn lốc dã man đã và đang xóa bỏ ký ức đẹp của Sài Gòn và những vùng đất yêu dấu của người Việt. Mong thay những di sản như tu viện Saint Paul cần được trả lại đầy đủ không gian lịch sử của nó, trả lại sự trân trọng và tôn kính trước đóng góp của tiền nhân. (Phúc Tiến)
 
 
HÌNH ẢNH LIÊN QUAN ĐẾN TU VIỆN
 
 
 
 
Trong bản đồ phối cảnh SG 1881 do Favre vẽ cũng thấy có ngôi nhà thờ này (gần góc dưới bên phải)
 
 
 
 
 
 
Kim Quy st 
--------
 
 
back to top