Sài Gòn xưa: Tín Nghĩa ngân hàng

Sài Gòn xưa:

Tín Nghĩa ngân hàng

 

Ông Thần Tài cầm xâu tiền là Logo Tín Nghĩa Ngân Hàng

trước 1975 (Ảnh: Mike Vogt)

Trong cuốn hồi ký của mình, ông Nguyễn Tấn Đời viết: “Muốn có sự thành công, chúng ta phải tự thân vận động, lao động bằng chính bàn tay khối óc. Và phải biết tận dụng mọi cơ hội nhưng cũng phải có tâm, ngay thẳng.”

Là người không qua trường lớp kinh doanh nhưng ông tích lũy kỹ năng kinh doanh qua “ông thầy” trường đời. Ðối với ông, sự may mắn chỉ là cơn mưa bụi; chỉ có lao động cật lực mới đưa đến thành công. Và chính thành công đã mang lại cho ông ngọn lửa đam mê, lao vào mọi lĩnh vực mà nó có thể kiếm ra tiền.

Nhìn lại cuộc đời của ông Nguyễn Tấn Ðời, ta không thể không công nhận ông là một thương gia kiên cường. Từ một người trong túi không tiền, không bạc, không người thân thích, chân ướt chân ráo lên Sài Gòn, may mắn được giới thiệu vào làm công tính toán sổ sách cho một hãng buôn của Pháp.

Làm được một thời gian, tích lũy được một số vốn, ông bỏ việc nhảy sang lãnh vực mua bán vật liệu xây dựng, vải vóc tự làm chủ lấy mình. Rồi lại nâng cao một bước nữa, chuyển sang lĩnh vực môi giới hưởng chênh lệch tỷ giá đồng franc và tiền Ðông Dương. Việc làm ăn lên như diều gặp gió. Thế nhưng cuộc đời không như là mơ, năm 1949 ông bị phá sản.

Cú ngã đau đớn ấy, đối với ông lại trở thành một bước ngoặt mới. Ðứng dậy, trở lại với nghề vật liệu xây dựng, làm ăn khấm khá, mạnh dạn mở xưởng sản xuất cung cấp vật liệu cho nhu cầu xây dựng nhà cửa đang bùng nổ ở Sài Gòn. Nguyễn Tấn Ðời hiên ngang làm ông chủ vì biết nắm lấy thời cơ.

Vấn đề ở đây chính là ông biết nhận ra sở trường kinh doanh của mình. Cứ mỗi lần thành công thì ngọn lửa đam mê kiếm tiền của ông lại tăng một bậc. Ông xây dựng nhà phố, mua bán cho thuê.

Và đến những năm đầu thập niên 1960, ông lao vào xây dựng khách sạn cho người Mỹ thuê, không phải một mà là vài ba toà nhà cao tầng của ông mọc lên trong thành phố Sài Gòn. Vật liệu xây dựng nhà máy của ông cung cấp, nhưng tiền đầu tư lấy đâu ra? Ông tham gia kinh doanh một ngành mới tinh: ngân hàng.

Vào thời gian này, ngành ngân hàng ở Việt Nam bắt đầu phát triển. Nếu trước đó chỉ có Ngân Hàng Quốc gia, Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín và một số ngân hàng nước ngoài, thì giữa thập niên 1960, tổng số ngân hàng tư nhân của người Việt thành lập lên đến con số 14 trong đó có 13 ngân hàng sở hữu của người nước ngoài.

Năm 1965, một số thương gia và người có địa vị trong chính quyền cũng như quân sự ở Sài Gòn có ý tưởng thành lập một ngân hàng tư nhân, lấy tên là Tín Nghĩa Ngân Hàng. Tuy nhiên, số vốn của cổ đông vẫn chưa đủ 200 triệu theo quy định của nhà nước. Họ thuyết phục ông Nguyễn Tấn Ðời tham gia. Không cần đắn đo, ông trở thành cổ đông với 20% góp vốn. Mặc nhiên ông trở thành thành viên của Hội đồng quản trị.

Tín Nghĩa ngân hàng bị niêm phong hồi năm 1973 (Ảnh: tài liệu)

Tín Nghĩa Ngân Hàng hoạt động sau một năm thì thua lỗ do hệ thống quản trị yếu kém, theo lối mòn giống như các ngân hàng khác. Thống đốc Ngân Hàng Quốc Gia khuyến nghị ông Nguyễn Tấn Ðời mua lại cổ phần của các cổ đông để nắm việc quản trị điều hành và Ngân Hàng Quốc Gia sẽ cho vay một số vốn để Tín Nghĩa Ngân Hàng duy trì hoạt động.

Ban đầu ông Nguyễn Tấn Ðời còn do dự nhưng sau khi nghiền ngẫm chiến lược cải cách cho mục tiêu kinh doanh mà ông trăn trở bấy lâu, ông đồng ý trở thành Tổng Giám đốc. Lại thêm một bước ngoặt mới trong cuộc đời của ông bắt đầu từ đây.

Việc cải cách đầu tiên của ông là hệ thống nhân sự và các chi nhánh. Mở rộng chi nhánh khắp nơi từ thành phố cho đến các tỉnh ở miền Nam, từ nơi trung tâm thành thị đến các khu gia cư lao động ven đô.

Phát huy nguồn nhân lực, thu hút nhân tài có chuyên môn về kinh tế tài chánh đầu quân cho ngân hàng, nhân viên với bộ đồng phục được huấn luyện chuyên nghiệp. Xây dựng hình tượng logo ông Thần Tài hai tay cầm xâu tiền, mặt tiền các chi nhánh thống nhất cách trang trí xây dựng.

Tường hiên hay lam gió xây bằng gạch cách điệu hình đồng tiền do hãng gạch của ông làm ra. Nếu hồi năm 1967, chỉ có 2 văn phòng với gần 100 nhân viên, thì trong 5 năm cải cách, số chi nhánh tăng lên 32 với gần 1,000 nhân viên làm việc cho Tín Nghĩa Ngân Hàng.

Số tiền gởi tính đến cuối năm 1972 lên đến khoảng 30 tỉ (trong khi tổng số tiền ký thác tại các ngân hàng tư nhân khác cộng lại chỉ là 18 tỷ). Không dừng lại ở đây, ông Nguyễn Tấn Ðời cho cập nhật thống kê bằng các loại máy tính hiện đại nhập từ Canada và cấp sổ chi phiếu cho khách hàng không tốn lệ phí; giao cho bộ phận chuyên môn nghiên cứu hệ thống thanh toán bằng thẻ tín dụng. Từ đây, Tín Nghĩa Ngân Hàng vang danh khắp chốn. Nguyễn Tấn Ðời trở thành ông “vua” ngân hàng.

Khoảng thời gian này, tôi bắt đầu biết tên Tín Nghĩa Ngân Hàng và sự hiện diện chi nhánh Hoà Hưng. Số là cuối năm 1972, ba tôi bán được căn nhà ở Phú Lâm. Tôi nghe ba má bàn nhau là nên đưa số tiền đó vào Tín Nghĩa Ngân Hàng.

Lãi suất cao lắm, chỉ sau hai ba năm sẽ dư một số tiền lớn. Sự việc không biết thế nào, cho đến một buổi sáng, má tôi sai tôi đạp xe ra Cống Bà Sếp mua ít đồ dùng trong nhà. Khi chạy ngang qua chi nhánh Tín Nghĩa đối diện chợ Hoà Hưng trên đường Lê Văn Duyệt, thì tôi thấy một chiếc xe cảnh sát đậu bên vệ đường.

Cửa chi nhánh ngân hàng đóng lại, người dân nhốn nháo bu quanh, la ó đòi ngân hàng mở cửa rút tiền. Ðứng nghe ngóng một hồi, tôi quay xe đạp nhanh về nhà, kể lại sự việc mắt thấy tai nghe cho má tôi hay. Má tôi tỉnh queo: “Ba mầy dùng tiền đó mua lại căn nhà của bác Ba bên cạnh rồi, đang làm giấy tờ.”

Tập ngân phiếu của Tín Nghĩa Ngân Hàng dành cho khách hàng.

Nhiều khi những chuyện mắt thấy tai nghe như vầy nhưng sự thật không phải là như vậy. Trong hồi ký của bà Trần Bạch Yến, lúc còn làm việc ở Sở Nghiên cứu của Tín Nghĩa Ngân Hàng Trung ương (sau đó làm Giám đốc chi nhánh Phú Nhuận), viết nguyên nhân và việc đề xuất điều chỉnh lãi suất của ngân hàng như sau:

Số là, một hôm, sau khi đi phép một tuần ở Phú Quốc về, chưa kịp ngồi xuống bàn, thì chị Nga, Chánh Sở đã quở liền: “Chà, chị đi tắm biển vui quá hén! Ở nhà tụi này đang điên đầu vì tính không ra đây này, giờ tới phiên chị nghiên cứu đi!” “Nghiên cứu vấn đề gì?” “Ô.

TGÐ muốn xin Ngân Hàng Quốc Gia tăng lãi suất tiết kiệm định kỳ, vì Công khố phiếu (CKP) của Chính phủ đang trả lãi suất 20% lấy tiền lời trước, khách hàng đang rút tiền tiết kiệm của ngân hàng tư ra đi mua CKP ào ào. Ký thác của ngân hàng mình bị sụt quá trời, tiền đâu cho vay, phải nghĩ cách cứu nguy. Chị có nghĩ ra cách gì không? Tôi lấy một tờ giấy nháp và một cây bút chì, ngồi xuống, ngoáy liền một Tờ trình lên Thống Ðốc Ngân Hàng Quốc Gia:

Ngày… Tháng… Năm…

TÍN NGHĨA NGÂN HÀNG

Kính gởi: Ông Thống Ðốc NHQG Việt Nam

Trích yếu: v/v Xin tăng lãi suất Trương Mục Tiết Kiệm Ðịnh Kỳ

Kính thưa Ông Thống Ðốc,

Công Khố Phiếu của Chính Phủ hiện nay đang trả tiền lời trước 20% cho khách hàng mua CKP. Thí dụ: Một khách hàng đem $1,000,000 đi mua CKP. Người này nhận được ngay $200,000 tiền lời trả trước.

Ðến cuối năm, khách hàng rút tiền ra, sẽ nhận được $1,000,000 y nguyên. Như vậy, số tiền mà khách hàng thật sự bỏ ra chỉ có $800,000 thôi. Bỏ ra $800,000, cuối năm lấy lại được $1,000,000.

Như vậy, nếu tính theo tiền lời trả sau, sẽ là: (200,000 / 800,000)= 0.25 hay 25%. Do vậy, chúng tôi kính xin Ông Thống Ðốc cho phép chúng tôi được tăng lãi suất TK định kỳ 1 năm của Tín Nghĩa Ngân Hàng chúng tôi lên 24%, tiền lời trả sau.

Rất cám ơn Ông Thống Ðốc…

Tôi đưa tờ nháp cho chị Nga. Ðọc nhanh qua, không nói không rằng, chị đi tuốt vào văn phòng TGÐ. Chỉ một lát sau, thấy Ông Ðời đi ra: “Yến à, mầy giỏi lắm! Nga, đưa văn thư này cho Ông Thuấn, biểu ổng cho đánh máy để tao ký gởi đi ngay. Một mặt cho đăng báo quảng cáo ngay lãi suất mới đi. Tiên hạ thủ vi cường mà!”

Tín Nghĩa Ngân Hàng tăng ký thác ào ào như nước ngay sau đó. Phải chăng cạnh tranh tiền tệ với nhà nước khiến ông Nguyễn Tấn Ðời (lúc đó còn là Dân biểu) trở thành tội đồ cùng với sự sụp đổ một ngân hàng mạnh nhất lúc bấy giờ?

Ông Nguyễn Tấn Đời cắt băng khai trương nhà hàng Kobe ở

Toronto, Canada sau khi ra nước ngoài định cư.

Ngày 21/4/1973 cảnh sát đến nhà bắt ông, mãi đến ngày 29/4/1975 ông mới được tha, do TT Trần Văn Hương ký lệnh. Sau đó, ông di tản qua Canada rồi sang Mỹ. Những chi tiết về chuyện vu oan và tống giam ông trong hai năm được ông ghi lại trong tập hồi ký của đời mình.(Trang Nguyên)

 

 

Chuyện lập nghiệp của ông chủ rạp Hưng Đạo


Trước đây, khi đi ngang qua đường Trần Hưng Đạo, Q.1, Sài Gòn, người ta dễ dàng nhìn thấy một rạp hát bề thế, mang tên Hưng Đạo, nhưng có lẽ ít người biết rõ quá trình hình thành của nó.

Vào khoảng thời gian bắt đầu nổ ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2, Sài Gòn vẫn còn khá lạc hậu, với phương tiện giao thông cá nhân chủ yếu là xe đạp

Năm 1940 tại góc đường Général Marchand và Gallieni (Nguyễn Cư Trinh và Trần Hưng Đạo ngày nay) thường ngày vẫn có một cậu con trai khoảng 18 – 20 tuổi ngồi cặm cụi sửa vá xe đạp bên vệ đường. Thời đó người dân chính gốc thành phố còn thất nghiệp dài dài, nói chi đến những dân nhập cư từ tỉnh thành xa, do đó người ta xem việc một thanh niên sửa xe như vậy là chuyện bình thường.

Rạp Hưng Đạo xưa.

Những người lui tới con đường đó, đặc biệt là những khách hàng từng đôi ba lần xe đến sửa xe, đều nhận thấy cậu thanh niên ấy là một chàng trai hiền hậu, dễ thương, lại chăm chỉ, cẩn thận.

Xe hư đâu sửa đó, đảm bảo chất lượng, tiền công vừa phải, đôi khi với những khách hàng già cậu ta còn tự nguyện sửa miễn phí “để làm quen”. Lâu dần, khách hàng càng lúc càng đông, thậm chí có người bị hư xe ở xa cũng ráng dẫn bộ tới, để cậu sửa. Chàng trai ấy tên là Niệm.

Một năm sau ngày ra nghề, người ta thấy chỗ bức tường phía sau lưng anh thợ sửa xe ngồi, có treo lủng lẳng vài chiếc vỏ, ruột xe đạp, cùng với một ít những phụ tùng khác. Anh giải thích: “Để khi nào khách có cần thì mình thay cho tiện”.

Thời đó không có chợ phụ tùng hoặc các loại phụ tùng xe được bày bán khắp nơi như ngày nay, cho nên việc phục vụ linh hoạt của cậu Niệm được bà con ủng hộ. Hai năm sau, khách hàng nhìn thấy có thêm một hai chiếc xe đạp lắp ráp hoàn chỉnh dựng ở đó.

Cậu Niệm lại giới thiệu: “Nhân tiện ráp sẵn, nếu bà con nào có cần thì mình nhường lại, giá phải chăng”. Tất nhiên, bởi sẵn có uy tín, hàng của cậu ta ráp đến đâu bán được đến đó.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp, trong lúc Sài Gòn đang hoảng loạn vì những cuộc dội bom của phi cơ đồng minh xuống thành phố, dân chúng lo chạy tránh bom, thì góc đường đó, chàng trai sửa xe vẫn cứ bám trụ với “cơ ngơi” của mình, gồm 4 chiếc xe đạp vừa mới ráp, cộng với một thùng phụ tùng mới. Với cậu, giữa cái chết do bom đạm và chết đói, cậu ta sợ chết đói hơn, vả lại trong đầu cậu trai nghèo này, chừng như còn nuôi một hoài bão.

Rạp Hưng Đạo xưa.

Chiến tranh thế giới thứ hai vừa kết thúc, cũng là lúc người ta ngạc nhiên khi thấy chàng trai đó đứng ra thuê hẳn một góc nhà (chỗ căn phố mà suốt mấy năm qua cậu ta vẫn ngồi phía trước hiên nhà để hành nghề) và khai trương bảng hiệu: “Nguyễn Thành Niệm, sửa xe và bán phụ tùng xe đạp”.

Thì ra, do khéo dành dụm trong nhiều năm qua, đến lúc đó cậu ta đã có được số vốn nho nhỏ, đủ để “dựng tiệm”. Cậu tâm sự với những người quen biết: “Cái nghèo nó làm cho mình phải bỏ dở chuyện học hành, mà không học thì khó bề lập thân. Bây giờ chỉ có một cách là phải chí thú làm ăn, phải đi lên con đường thương mại…” 

5 năm sau, đầu thập niên 50, cả một dãy phố từ đầu đường Nguyễn Cư Trinh chạy dọc theo đường Trần Hưng Đạo, đến gần đường hẻm Nguyễn Văn Dụng, đã quy về một mối, do một người làm chủ: Nguyễn Thành Niệm.

Cậu ta trúng nghề phụ tùng xe đạp là chủ yếu, nhưng cũng phải kể đến yếu tố cần kiệm và óc nhạy bén với thị trường. Chỉ trong vòng 10 năm, từ một chàng sửa xe đạp tầm thường, Nguyễn Thành Niệm tậu được đến gần 30 căn phố mặt tiền đường Gallieni (Trần Hưng Đaọ).

Có người nói, sở dĩ Nguyễn Thành Niệm mua được nhiều nhà như thế là bởi vì thời đó mọi người vừa trải qua một giai đoạn khủng hoảng do cuộc chiến tranh, bị lung lạc tinh thần, muốn bán rẻ nhà cửa để hồi hương lập nghiệp, nên giá nhà rẻ, và Niệm đã chộp đúng thời cơ. 

Con đường “lập thân” của Nguyễn Thành Niệm đã mở rộng. Anh ta chuyển sang kinh đoanh đa dạng hơn, gồm cả phụ tùng xe gắn máy, xe hơi, máy móc cơ giới nói chung. Và thế là một công ty nhập khẩu phụ tùng xe, máy được hình thành.

Công ty Indo – Comptoir của Nguyễn Thành Niệm cuối thập niên 50 là một trong 10 công ty xuất nhập khẩu phụ tùng xe cơ giới lớn nhất Sài Gòn có chi nhánh ở khắp miền Nam, vươn tới Nam Vang, Vientian, Pakse (Lào). Nguyễn Thành Niệm trở thành một tỷ phú.

Đầu thập niên 60, tại dãy phố góc đường Nguyễn Cư Trinh – Trần Hưng Đạo, cạnh trụ sở của công ty Nguyễn Thành Niệm, người ta thấy mọc lên một toà nhà đồ sộ với chữ hiệu trên mặt tiền rất nổi: Rạp hát Hưng Đạo.

Thì ra, đúng nơi mấy chục năm trước Niệm ngồi sửa se đạp, giờ đã được dựng lên một rạp hát lớn nhất thành phố, lại do chính ông làm chủ. Có lần Nguyễn Thành Niệm đã nói với bạn bè: “Cuộc đời cũng giống như một sân khấu, mình cố làm sao cho sân khấu lộng lẫy thì càng hay…”

 

Thượng Hồng
Theo Dân Sài Gòn xưa

Ngọc Lan st

back to top