Năm Tý nói chuyện Chuột

Năm TÝ Nói Chuyện CHUỘT
 
 
 
 
Nguồn gốc loài chuột:

Không ai biết được nguồn gốc của chuột phát sinh từ đâu mà ra. Tất cả thế giới đều cho đó là hiện tượng do thiên nhiên tạo dựng nên các sinh vật trên trái đất, giống như chuyện trong kinh thánh nói về việc tạo dựng nên vũ trụ và con người phát xuất từ đất bùn, Chúa nặn lên tổ tiên của loài người là Adam và Eva.

Có một câu hỏi đặt ra, mà cho đến ngày nay vẫn chưa có câu giải đáp. Tại sao tổ tiên của chúng ta lại chọn loài chuột đứng đầu cho 12 con giáp? Mà lại không chọn con vật khác?? Chưa có câu trả lời chính xác.

Nhưng có giả thuyết cho rằng: Sở dĩ chuột được đứng đầu trong 12 con giáp, vì theo các khoa học gia cho biết vào giờ Tý khoảng từ 23 giờ khuya đến 02 giờ sáng là giờ chuột hoạt động rất mạnh, đi cắn phá và kiếm ăn. Giờ đó chúng rất tỉnh táo và bén nhậy.
 
Lồng trong thời điểm đó, đa số các cặp vợ chồng chọn là giờ để ân ái, giao hợp với nhau. Giờ này yên tịnh, những người thân hoặc con cái trong gia đình đang yên giấc ngủ. Lợi dụng giờ giấc này, các cặp vợ chồng thức dậy, khều nhau cùng diễn trò mây, mưa, “trùm mền múa lân”. Nên phụ nữ thường hay cấn thai vào giờ Tý.
 
Do đó mới có sự phát sinh ra nhân loại lan tràn trên trái đất. Vì vậy chuột được coi là con vật làm chuẩn đứng đầu 12 con giáp. Đây chỉ là một giả thuyết thôi, không có sự xác minh chính thức.

Đã có sự thống nhất ở một số quốc gia Á châu, trong đó có người Việt Nam. Cha ông chúng ta đã chọn 12 con vật tiểu biểu cho 12 con giáp. Có 7 con vật là loại chăn nuôi: Trâu, mèo, ngựa, dê, gà, chó, heo.

Còn 4 con vật khác thuộc loại hoang dã: Chuột, hổ, rắn, khỉ và 1 con vật coi như là thần linh, đó là Rồng.


Các loại chuột và họ nhà chuột:

Chuột sinh sống ở khắp nơi trên thế giới, có nhiều loại khác nhau, riêng chuột (Rattus) có tới 570 loại giống, đó là một số lượng giống vật nhiều loại nhất, so với bất cứ loại động vật có vú nào. Chuột nhắt (Mus) cũng có khoảng 370 loại. Cũng theo ước tính của các nhà khoa học thì hiện nay trên thế giới có khoảng trên 4 tỉ con chuột, nghĩa là bằng khoảng 2/3 dân số loài người trên thế giới..

Chuột đàn rất mắn đẻ, sau khi giao cấu, chuột cái có bầu từ 19 đến 22 ngày, khoảng 3 tuần là đẻ. Chúng đẻ rất nhiều, mỗi năm chuột cái sinh sản từ 5 đến 7 lứa và mỗi lứa đẻ từ 6 đến 10 con. Chuột cái con (female), lớn chừng 3 tháng tuổi là có thể giao cấu, thụ thai và sanh con. Cứ 3 tháng chuột cái lại sanh một lần. Tuổi thọ của chuột sống tối đa khoảng từ 3 đến 4 năm.

Theo thống kê cho biết: Chuột cái, nếu cứ mỗi lần sanh sản “mẹ tròn, con vuông” thì khoảng sau 3 năm, nó sẽ có đến 5 đời: Con, cháu, chắt, chút, chít có thể lên đến hàng triệu con. Nếu không có loài người và những sinh vật sát hại chúng như: Mèo, chó, rắn, diều hâu, chồn, cáo. .vv.. Giết và ăn thịt chuột, thì chẳng bao lâu chuột sẽ sinh nở kín trái đất.

Chuột thuộc loại gặm nhấm và sinh sản nhiều, cho nên chúng được xếp vào loại động vật có quân số đông nhất trên địa cầu. Chuột có nhiều loại:

-Chuột Bạch -Chuột Cống (hay chuột Na Uy) -Chuột Chù -Chuột Đại thử (hay còn gọi chuột Kangaroo) -Chuột Đồng -Chuột Giunea pig -Chuột Nhà -Chuột Nước -Chuột Nhảy -Chuột Sạ -Chuột Sao -Chuột Sóc -Chuột Túi -Chuột Vòng..v.v.. Chuột vòng và chuột bạch nuôi làm cảnh trong nhà.
 


Chuột cũng biết ghen:

Theo các nhà nghiên cứu cho biết: Khi chuột nhà gặp một con chuột lạ xuất hiện, trưởng bày chuột sẽ xua đuổi hoặc chiến đấu với tên chuột lạ cho tới khi chuột lạ biến mất, hoặc tiêu diệt tên đó. Chuột tiết ra một mùi riêng để chúng dễ nhận diện ra bà con.
 
Trong trường hợp chuột chồng phải đi xa kiếm ăn, hoặc vắng nhà. Chuột vợ ở nhà cho chồng mọc sừng. Hoặc có tên chuột đực nào gian manh đến tán tỉnh, tằng tịu với chuột cái, chuột chồng về, sẽ trừng trị chuột cái cho đến khi cái mùi của tên chuột đực dê xồm được gió cuốn bay đi hết khỏi lông của chuột vợ, thì chuột vợ mới được chồng tha…
 


Thực phẩm của chuột:

Chuột ăn được các loại thực phẩm mà con người, hay bất cứ sinh vật nào trên trái đất có thể ăn được. Chúng ăn, gặm nhấm và phá hoại mùa màng, lương thực của dân gian khoảng 42.5 triệu tấn trong một năm, từ ngoài cánh đồng vào đến các kho dự trữ.
 
Số lượng lương thực này được Hội Lương Nông Quốc Tế LHQ ước tính bằng tổng sản lượng lương thực của 25 nước nghèo trên thế giới cộng lại. (trong đó có VN).

Cứ mỗi vụ mùa, một con chuột tha về hang, ổ khoảng từ 3 đến 5 kílô thóc gạo. Chuột ăn một ngày khoảng 100gr thức ăn, bằng 50 hay 80% trọng lượng toàn thân của nó. Các nông gia ước tính, cứ mỗi hecta ruộng, rẫy, có khoảng 20 hang chuột.


Qua một cuộc nghiên cứu và thí nghiệm, trong phòng Lab. Người ta bắt một con chuột nhắt thả vào trong một hũ gạo. Kết quả ghi nhận được như sau: Chuột nhắt ăn một năm hết 18.2kg gạo và bài tiết ra 25,000 cục phân, tổng cộng nặng 1.8kg và xả ra khoảng 4,640cm khối nước tiểu. Lượng gạo bị nhiễm bẩn, hư hại không dùng được, nhiều gấp 10 lần số gạo chuột đã ăn.


Thịt chuột:

Thịt chuột là món đặc sản của người dân miền Tây Việt Nam. Ai về miệt dưới, hướng Rạch Giá, Long Xuyên Châu Đốc, đi qua hai đầu cầu bắc, bến phà Vàm Cống đều nhìn thấy những quán cơm bán thịt đồng quê, nơi đây có những quán bán thịt chuột đã lột da, được xếp trong những cái khay, hoặc xiên thành từng vỉ, treo lủng lẳng trước quán để cho khách lựa chọn.
 
 
Khách chỉ cần mua về, chặt thịt ra từng mảnh, ướp gia vị, nướng rôti hay kho sả ớt, ăn cũng rất thú vị. Trước khi làm món thịt chuột, người ta bắt chuột còn sống, cầm cái đuôi, dốc đầu chuột xuống, quay vài vòng cho chuột chóng mặt, rồi đập đầu chuột vào vật cứng như gỗ, đá hay đất cho chết.
 
Chặt bỏ đầu, chân, đuôi và lột da vất đi. Mổ bụng, bỏ ruột, chỉ lấy độc nhất cái thân mà thôi. Rửa thịt cho sạch, sau đó chặt ra làm 4 hay 6 miếng tùy theo món chế biến, ướp gia vị với hành, tỏi, sả, ớt cho thơm…đem xào, chiên hay kho cũng ngon.

Bắt chuột miền quê:
 
Năm 1954 di cư vào Nam, chúng tôi thấy những người dân miền Nam bắt rắn, bắt chuột về ăn thịt. Lúc đầu chúng tôi nhìn thấy họ làm thịt rắn và chuột. Nghĩ tới lúc ăn, sao tôi thấy ơn ớn. Nhưng về sau được những người bạn miền Nam cho ăn thử, thấy ngon và có lý, nên chúng tôi cũng học theo, đi săn bắt chuột và rắn về mần thịt.

Khởi đầu dân Bắc Kỳ di cư vào Nam được chính phủ Ngô Đình Diệm đưa đi định cư nơi vùng dinh điền Cái Sắn, nằm giữa liên tỉnh lộ Long Xuyên - Rạch Giá.

Cái Sắn là một cánh đồng hoang vu ngập nước từ tháng 5 đến tháng 12, cỏ dại mọc cao khoảng từ 2 tới 3 mét, đồng ruộng thẳng cánh cò bay. Đến mùa khô, chính phủ gửi một đội quân máy cày, có Mã Lực mạnh, kéo loại giàn cày 3 chảo, khoảng vài chục chiếc xuống dinh điền Cái Sắn, giúp dân chúng phá hoang lập ấp.
 
 
Đội máy cày, kéo giàn cày chạy trước, chúng tôi dẫn chó chạy theo sau, để săn bắt những con chuột đồng bụ bẫm và những chú rắn hổ hành bự, trông rất dự tợn. Bày chó giúp chúng tôi bắt chuột, rắn và rùa rất nhanh chóng, gọn gàng và hữu hiệu.
 
Chó rượt theo chuột, cạp ngang lưng con chuột hay đuôi rắn kéo về, chúng tôi chỉ cần lấy cây đập đầu rắn hoặc tóm cổ chuột, bỏ vào bao hay rọ là xong ngay.

Chúng tôi thường đem theo những cái bao bố (empty bags) đã được Cơ Quan Viện Trợ Mỹ dùng để đựng gạo và bột mì phát cho dân chúng, để nhốt chuột và rắn. Chúng tôi dẫn chó theo đoàn máy cày chừng vài tiếng đồng hồ là có một vài bao chuột, rùa và rắn đem về mần thịt.

Ở miền Tây vào mùa nước lớn chúng tôi dẫn chó theo lên xuồng, chống sào vào các bụi tre hay các bụi rậm, lấy đòng đâm chuột, nhiều chú chuột bị động, sợ nhẩy xuống nước trốn, chó rượt theo bắt lại.
 
Vào mùa khô chúng tôi dẫn chó ra cánh đồng, thấy hang, ổ nào nghi là có chuột, chúng tôi đốt nùi rơm, hun khói thổi vào trong hang, chuột, rắn bị ngộp chui ra, phóng chạy, chó thoải mái rượt theo, cạp lưng chuột mang về giao cho chúng tôi. Ở miền Tây, người ta thường ra đồng bắt chuột đem về làm mồi nhậu với rượu đế, nấu gạo nếp than Bắc kỳ, nhậu tuyệt cú mèo, xỉn vút cần câu.


Trước 1975 ở Cần Thơ có quán Bảy Rùa nằm kế Bến Xe Mới gần Lộ 20. Quán này chuyên nấu các món nhậu thịt đồng quê như: Rùa, rắn, cua đinh, cua đơ và thịt chuột khá ngon.
 
Dân nhậu Miệt Vườn thường hay ghé vào quán Bảy Rùa để lai rai thưởng thức các món thịt hoang dã đồng quê. Cần Thơ còn có thêm quán Vĩnh Ký và vài quán nữa cũng nấu các món đồng quê thuộc loại số dách.

Bây giờ hồi tưởng lại qúa khứ, vẫn còn thấy thèm “Món Nhậu Đồng Quê”. Ông bạn miệt vườn của tôi ở Cái Răng có treo trên tường 4 câu thơ:

Bao giờ bạn đến thăm nhà

Thưởng thức đặc sản đậm đà tình quê

Mùa đông tôi đón bạn về

Ăn món thịt Chuột hương quê tự hào


Nhậu thịt Chuột 7 Món:

1. Chuột luộc ướp lá chanh. Thịt chuột luộc, ép với lá chanh. Sau khi luộc vớt thịt ra, lấy 2 cái kẹp bằng tre, ép cho ra hết nước, rồi chặt thành từng miếng nhỏ vừa ăn, bày ra đĩa, rắc lá chanh thái chỉ và hành ngò lên trên, ăn ngon như thịt gà…

2. Chuột xào. Thịt chuột chặt thành miếng cỡ bằng 3 ngón tay, cho vào chảo xào chín với nước sốt. Đậu phộng giã nhỏ, rau thơm, hành, ngò, lá răm thái nhỏ, rắc lên trên, món này ăn với bún hết xẩy.
 


3. Chuột chiên dòn, rắc ngò gai, ngò ôm, ớt thái mỏng trộn với chanh trên dĩa thịt, chấm với nước mắm pha lạt, dầm với củ kiệu, cà rốt thái mỏng, món này nhậu bí tỷ. Ngoài ra còn có mục:

4. Thịt Chuột nấu đông

5. Thịt Chuột giả cầy

6. Thịt Chuột xào chua ngọt

7. Thịt Chuột sốt cà chua

Nghe đồn, ở miền Bắc có 2 tỉnh nổi tiếng về chợ bán thịt chuột và nấu món ăn thịt chuột là tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh. Nhất là làng Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh có quán thịt chuột 7 món. Giá thịt chuột vào những ngày gần Tết ở vùng này khoảng từ 12,000 đến 15,000 đồng VN/ kg.(Phỏng theo hành trình văn hóa VTV4)


Theo khách du lịch kể lại, bên Trung Quốc ở tỉnh Vũ Hán có một khách sạn lớn, chuyên nhận chiêu đãi du khách đặc sản thịt chuột 10 món. Những món thịnh soạn này được các chú Ba biến chế từ 100 con chuột đồng.
 
Món Fillet chuột được nhiều thực khách ưa chuộng. Chợ tỉnh Quảng Tây bán chuột sống, chợ Quảng Đông bán thịt chuột đóng hộp. Dân Phúc kiến cho rằng, thịt chuột có cái lườn là ngon nhất.

Trung Quốc cũng còn món thịt chuột độc đáo nữa là thịt “Chuột Bao Tử”. Món này được chế biến từ loại chuột đồng baby, được bắt đem về nuôi từ lúc còn nhỏ, cho chúng ăn bằng gạo trộn lẫn với trứng gà và các vị thuốc bắc, uống nước sâm và nước ép trái lê. Khi chuột đủ lớn, thụ thai vừa sanh con, chuột con còn sống được cột chặt, cho vào làm nhân bánh, như nhân bánh bao.
 
Khi người ăn đưa bánh vào miệng cắn ăn, sẽ nghe tiếng kêu của chuột nhí còn sống bên trong. Đây là một trong 7 món đặc biệt mà Từ Hy Thái Hậu đã chiêu đãi các sư thần vào đêm giao thừa khoảng năm 1877 Tân Tý. (Trích theo hội thi chuyên gia nấu ăn Trung Quốc)

Thịt Chuột là một món ăn thú vị nhất của Mèo.

Tôn Giáo Chuột:

Bên Ấn Độ có một tôn giáo thờ Chuột. Trong một đêm khuya, tôi tình cờ mở TV coi đài số 2 ABC, chương trình Thế Giới chung quanh chúng ta, tường thuật thời sự bên Ấn Độ có đạo thờ chuột. Nguyên một làng thờ chuột, tôi không nhớ rõ tên làng này.
 
Đạo Trưởng cấm các tín đồ không được nuôi những gia súc sát hại chuột, vì chuột là thần thánh, mọi người phải nuôi chuột và cho chúng ăn. Tôi nhìn thấy chúng sống và chạy nhầy luẩn quẩn chung với người. Hàng hàng, lớp lớp chuột chạy khắp mọi nơi trong nhà ngoài ngõ, nhìn thấy mà nổi da gà. Có lẽ đây là một tôn giáo có tín ngưỡng hơi quái đản.
 
Theo tạp chí National Geographic, ngôi đền của đạo Hindu có tên là Karni Mata ở Rajasthan còn được gọi là “Đền Chuột” (Rat Temple). Nơi đây có khoảng 25.000 con chuột sinh sống và được mọi người “tôn kính”. Đó là “thiên đường” của chuột. 
 
 
“Dân số chuột” ở đền Karni Mata ngày càng phát triển mạnh. Chúng sinh sống một cách “tự nhiên như ở nhà” mà lại còn được… tôn kính vì thờ phượng chuột vốn là một trong những truyền thống của đạo Hindu từ thế kỷ thứ 15. 
 
Karni Mata  là tên của một vị nữ thần, bà ước muốn có một ngôi nhà cho loài chuột mà kiếp trước là “những người hành nghề kể chuyện” (storytellers). Vào năm 1900, một ngôi đền được xây dựng để vinh danh thần Karni Mata và… những con chuột. Một đội ngũ nhân viên hơn 500 người có nhiệm vụ hàng ngày nuôi chuột bằng hạt ngũ cốc và sữa, đồng thời họ cũng có trách nhiệm làm vệ sinh trong đền. 

Chuột Trong Kinh Thánh (trích theo các sách)

Lê Vi - Chương 11 -29Trong số các loài vật nhỏ lúc nhúc trên mặt đất, các ngươi phải coi những loài này là ô uế: Chuột chũi, chuột nhắt, mọi thứ thằn lằn,

Samuel I - Chương 6 -4Người Phi-li-tinh hỏi: “Của lễ đền tội chúng tôi phải nộp cho Người là gì?” Họ đáp: “Năm cái khối u bằng vàng và năm con chuột bằng vàng, tính theo số các vương hầu người Phi-li-tinh, vì cũng một tai hoạ đã giáng xuống trên tất cả anh em và trên các vương hầu của anh em”.

Samuel I - Chương 6 -5Anh em hãy làm những hình ảnh các khối u của anh em, và hình ảnh các con chuột đang phá phách xứ sở, và hãy tôn vinh Thiên Chúa Ít-ra-en. May ra Người sẽ nhẹ tay với anh em, với các thần của anh em và xứ sở anh em.

Samuel I - Chương 6 -11Chúng đặt hòm bia Đức Chúa lên xe, cùng với cái tráp đựng các con chuột bằng vàng và hình ảnh các khối u của chúng.

Samuel I - Chương 6 -18Ngoài ra còn có các con chuột bằng vàng, tính theo số tất cả các thành người Phi-li-tinh thuộc về năm vương hầu, từ thành kiên cố cho đến làng bỏ ngỏ. Tảng đá lớn trên đó người ta đã đặt hòm bia Đức Chúa là bằng chứng cho đến ngày hôm nay, trong cánh đồng ông Giơ-hô-su-a người Bết Se-mét.

Isaia - Chương 2 -20Ngày đó, con người sẽ ném cho chuột chù, cho dơi những tà thần bằng bạc, tà thần bằng vàng của họ mà họ đã làm ra để thờ.

Isaia - Chương 66 -17Những kẻ tự thánh hiến và tự thanh tẩy để vào các khu vườn sau một người đứng ở giữa, những kẻ ăn thịt heo, thịt các thú vật kinh tởm và thịt chuột, đều sẽ chết cả lũ.

-Sấm ngôn của Đức Chúa.

Như vậy lược sơ qua các bộ kinh thánh, chúng ta chỉ tìm thấy có Chuột được nói đến trong kinh thánh Cựu Ước. Còn kinh thánh Tân Ước thì không hề đá động gì đến loài chuột cả.

Tục Ngữ Chuột

Chuột sa hũ gạo. Mèo vờn chuột. Loắt choắt như chuột nhắt. Hôi như chuột chù. Lù đù như chuột cống. Thúi như chuột chết. Lấm lép như chuột ngày.

Nghệ thuật chuột: Bên VN, vào những ngày Tết, người ta hay bày bán những bức tranh Đồng Hồ vẽ cảnh “Đám Cưới Chuột” “Mèo Vờn Chuột”.vv.

Tại làng Mái, tỉnh Bắc Ninh, miền Bắc, nổi tiếng về nghệ thuật sáng tác tranh Đông Hồ, đặc biệt là Bức tranh dân gian “Đám Cưới Chuột” toàn cảnh bức tranh diễn tả một chú Rể chuột thi đỗ làm quan, vinh quy bái tổ về quê cưới vợ “Võng anh đi trước, võng nàng theo sau” Chuột xếp thành 2 hàng đi rước Dâu.
 
 
Chú Rể chuột bảnh chọe, oai phong, đội mũ cánh chuồn, trông ra dáng vẻ quan tước, cưỡi ngựa đi trước đoàn rước Dâu, đang ngoảnh mặt lại, nhìn cô Dâu chuột ngồi trong cỗ kiệu hoa, cùng đi với bầu đoàn thê tử nhà chuột, có che lọng vàng, tán hoa.

Hàng rước thứ 2 của đoàn chuột kế bên phía trong tranh là đại diện cho gia tộc nhà chuột với những thanh nam và nữ tú chuột, ăn mặc chỉnh tề, đang xếp hàng đi đến trước mặt chú Mèo ngồi bệ vệ chặn đường.
 
Hai họ nhà chuột khúm núm đến lễ Mèo, đút lót, hối lộ. Kẻ thì bưng chim gáy, người thì xách cá. Theo sau là một ban kèn chuột đang hòa tấu khúc nhạc, ca tụng mèo. Chú Mèo ngồi chễm chệ chặn đường, phùng má, trợn mắt, vênh râu, múa vuốt ra oai, hù dọa đám rước Dâu chuột.

Nhìn kỹ bức tranh có ghi câu đối:

“Thử bối đệ ngư: Chí! Chí! Chí!”

“Miêu nhi thủ lễ: Mưu! Mưu!Mưu!”

Hai câu đối này có nghĩa là:

“Bày Chuột dâng cá kêu: Chí! Chí! Chí!”

“Chú Mèo giữ lễ kêu: Meo! Meo! Meo!”

Thêm mấy hàng chữ nhỏ góc trên, phía bên trái: “Tác Lạc” nghĩa là: “Mua vui” với câu:

“Khôn khôn đá co dễ. Đỗ cao cưới vợ tiếng rằng hời”

Theo các cụ ngày xưa cho biết: Thì bức tranh này gợi ý qua câu chuyện ngụ ngôn “Đám Cưới Chuột”. Nội dung câu chuyện được kể như sau: Một hôm giòng họ nhà Chuột quyết định làm đám cưới cho hai con.
 
Chuột mẹ tất tưởi lo mọi công việc chuẩn bị cho đám cưới, kể cả việc đi coi tuổi cho cô Dâu, chú Rể, rồi định ngày lành tháng tốt để cưới hỏi. Có một việc quan trọng, cả họ phải lo, là lỡi ngãi hối lộ quan bác Mèo Già để tránh bị phiền hà, Mong sao quan Mèo làm ngơ cho đám cưới được diễn tiến tốt đẹp.
 
Đến ngày cưới, họ hàng nhà chuột, quần áo chỉnh tề, trong nghi thức cổ truyền dân tộc đầy hân hoan rạng rỡ. Hôn lễ cử hành trong nghi thức đơn giản, không rườm rà, đã được quan bác Mèo thông cảm cho hoàn tất êm đẹp.
 
Thế nhưng một bi kịch đã không xảy ra trong ngày đám cưới chuột, mà lại xảy ra vào ngày vợ chuột sinh con đầu lòng. Vợ chuột vừa qua cơn đau đẻ “Vượt biển một mình” cứ tưởng sẽ được “Mẹ tròn, con vuông”. Nào ngờ đâu, bất chợt quan Mèo già xuất hiện, bắt trọn ổ cả nhà chuột đem đi hành hình xơi tái, kết liễu tang thương một gia đình trẻ nhà chuột.

Thơ Đám Cưới Chuột


Trạng Chuột ơn vua cưới vợ làng

Kiệu sơn lộng lẫy, lọng hoa vàng

Nàng Dâu xứ Chuột đi chân đất

Ngón nhỏ, bùn đen vẫn dính chân

Có con Mèo mướp ngồi trên trốc

Chồm hổm, vênh râu, đợi để dâng

Chú chuột thổi kèn, chân rúm lại

Con Chép đồng quê, vẩy ngấn vàng

Không biết quan Mèo có chịu yên,

Có đòi lễ vật phải nhiều thêm?

Mà bao năm tháng, trên tranh Tết

Tiếng trống vinh qui vẫn rộn ràng

Ngựa hồn, quan trạng giong cương bước

Chuột vợ chưa hay mình đã quan

Một bước lên bà là thế đấy,

Khối cô Chuột khác, nghĩ mà thèm!

Chao ôi! Chuyện học xưa nay thế!

Đời trước, đời sau vẫn ước mơ,

Hoa tay dân giã, người không vẽ

Vẽ Chuột nhung nhăng đến tận giờ!


(Văn Phú)
 

Chuột và Khoa Học Y Khoa

Công dụng của chuột: Chuột hầu hết được các nhà khoa học sử dụng trong các phòng thí nghiệm để theo dõi các dịch vụ thử nghiệm y tế như: Thử nghiệm y dược, để biết công hiệu của từng loại dược phẩm trước khi áp dụng chữa trị cứu sống con người.

Chuột truyền dịch hạch:

Chuột cống là loại chuột nguy hiểm nhất. Chúng truyền dịch bệnh sang người qua các ký sinh trùng bám trên lông của chúng. Các loại bọ chuột này là những vi trùng: Dịch hạch, đậu lào, sốt ban nóng. Chuột còn tiềm ẩn 5 hay 6 loại giun ký sinh trùng, dễ lây lan sang loài người. Cần phải phòng ngừa và tiêu diệt chúng.

Diệt chuột trên đảo Pulau Bidong

Năm 1979 chúng tôi vượt biển đến trại tỵ nạn Pulau Bidong, vào thời điểm này dân số tỵ nạn của trại lên đến 50,000 người. Thực phẩm được Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cho tàu chở tới tấp sang đảo tiếp tế.
 
Đây cũng là dịp cho các bày chuột phát triển sinh sôi nảy nở. Chúng xâm nhập vào các nơi để đồ ăn của dân tỵ nạn, thừa hưởng các thức ăn, rác rến dư thừa do dân tỵ nạn thải bừa bãi xuống gềnh núi, lạch suối chung quanh trại, nên chẳng bao lâu chuột đã sinh sản tràn lan, hằng hà sa số khắp mọi nơi trên đảo.
 
Cao Ủy LHQ và Ban Điều Hành trại phải phát động phong trào vệ sinh phòng dịch bằng cách khuyến khích và cổ động dân chúng diệt chuột thường xuyên.

Khi nghệ sĩ Hùng Cường vượt biên đến đảo Bidong, anh gia nhập khối thông tin văn nghệ và đã sáng tác ra bản nhạc Diệt Chuột. Cứ vài tiếng đồng hồ thì Ban Thông Tin trại lại cho phát thanh bản nhạc Diệt Chuột do Hùng Cường hát, mà bây giờ tôi vẫn còn nhớ:

Bắt con chuột đó! Bắt con chuột đó!

Không bắt được, nó sẽ chui vô hang,

gây mầm bệnh giết hại chúng ta


Sau đó Ban Điều Hành trại phát cạm bẫy và thuốc diệt chuột cho từng gia đình trong trại. Mỗi sáng Ban Vệ Sinh thu gom xác chuột bị chết hoặc mắc cạm, dồn vào bao cho xuống xà lan rác, kéo ra giữa biển ngâm tôm, cho cá ăn. Có nhiều bà con tỵ nạn, ban đêm đang ngủ ngon giấc thì bị những chú chuột lén vô gặm, cạp chân, đau chết cha, chết mẹ.

Phương pháp diệt chuột tự nhiên:

Có một nông gia đề nghị ra một phương pháp diệt chuột bằng cách “Lấy độc trị độc” không tốn tiền.

Bắt sống một vài tên chuột bự, rồi lấy chỉ khâu chặt đít chuột lại, đem ghìm chặt đuôi của chúng xuống đất hay cột chân chúng vào cọc với một sợi dây dài, nơi khu vực nào có nhiều bọn chuột xuất hiện. Hãy cho mấy tên chuột bị khâu đít, ăn thật no. Mấy ngày sau khi bị khâu đít, chuột không “ị” được, khó chịu, sẽ bực tức đuổi theo bất cứ tên chuột nào đến gần, cắn xé đến chết cho bõ ghét. Như vậy các tên chuột đang tự do ở ngoài sẽ sợ, không dám đến gần.

Những đội quân sát thủ, giết chuột phải kể đến: Mèo, chồn, cầy hương, diều hâu, cú, chim lợn, rắn.

Ngày nay người ta còn chế ra nhiều phương cách bắt chuột và diệt chuột. Quốc gia nào cũng có các cơ xưởng sản xuất cạm, bẫy bắt chuột, hoặc chế tạo thuốc diệt chuột. Một phát minh mới, là một loại Keo để trên điã.
 
Chuột bước vào đĩa kiếm mồi ăn, chân đạp lên keo, sẽ bị keo dính chặt, giữ lại. Chủ nhà chỉ việc bắt, rồi đập chết hoặc đem đi thiêu hay cho mèo ăn, khỏi phải mất công đi tìm những con chuột chết thúi đâu đó, vì bị ăn trúng bả thuốc.

Ngoài miền Bắc Việt Nam trước kia, những làng quê toạ lạc bên bờ sông Lam, tỉnh Nghệ Tĩnh thường tổ chức ngày Lễ Hội Xuất Quân Diệt Chuột vào đầu năm, với một chương trình văn nghệ đặc sắc, diễn các hoạt cảnh bắt chuột, diệt chuột, để dân chúng trong các làng noi gương, thi đua diệt chuột bảo vệ mùa màng..

Viết về chuột thì còn vô số chuyện, không sao kể hết..( Jos. Vĩnh)

 

Phương Tây cũng “khoái” chuột qua nhân vật của Walt Disney (1901-1966). Ông là “cha đẻ” của chuột Mickey nhí nhảnh, duyên dáng đã chiếm trọn cảm tình của mọi người. Đúng ra thì ngành công nghiệp giải trí của Disney chỉ khởi đầu vỏn vẹn có 2 con chuột và 2 con vịt. Ấy thế mà doanh thu hàng năm lên đến hơn 2,2 tỷ đô la!

Mickey chính thức ra “chào đời” năm 1928 qua phim hoạt họa “Mickey Mouse”. Trước đó, nhiều người sợ chuột nhưng chuột Mickey đã chiếm được cảm tình, từ trẻ em cho đến người lớn đều ưa thích. Xét ra, cái công “vinh danh loài chuột” của Mickey là không nhỏ.

Ngôi sao chuột Mickey cho đến ngày nay vẫn sáng chói trên Đại lộ Danh vọng Hollywood bên cạnh tên tuổi của những tài tử nổi tiếng khác.

 

Nói đến Mickey ta phải nhắc đến cô bạn gái của chàng là Minnie. Nàng có một nhan sắc “chim sa, cá lặn” với cái nơ trên tóc và bộ váy màu đỏ điểm những chấm trắng. Nhìn cặp “nhân tình” quấn quýt bên nhau ai dám bảo là… đời chuột nhiều gian nan, khổ cực?

Cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại và chuột cũng đi vào lịch sử của máy tính với “computer mouse”, tiếng Việt gọi là “con chuột máy tính”. Đây chính là “thiết bị ngoại vi” giúp người sử dụng có thể theo dõi sự di chuyển trên màn hình.

Douglas Engelbart phát  minh ra nó năm 1963, ông gọi là “con chuột” chỉ vì cái đuôi có dây nối với máy vi tính giống như… con chuột. Ngày nay còn có “chuột không dây” nhưng vẫn bị gọi “chết tên” là… con chuột!

Để chấm dứt bài viết “Năm Tý nói chuyện Chuột” chúng tôi mời các bạn thưởng thức một bức tranh vui kể lại cái thời mới có máy vi tính. Chuyện kể cậu con trai gửi cho bố mẹ một cái máy vi tính, dặn rằng phải có “con chuột” mới sử dụng được. Khốn nỗi lại quên gửi “con chuột” đi kèm.

Thế là ông bố tìm cách bẫy được một con chuột và bà mẹ điện thoại cho con: “Bố mày đã bắt được một con chuột rồi nhưng không biết dùng như thế nào?”

 

Nhân dịp năm mới Canh Tý 2020, xin chúc mọi người

và mọi nhà sung túc, đầy đủ tựa như… “chuột sa hũ nếp”!

 

PS: Sau khi bài viết này được post lên, có một bạn đọc nhắc nhở “Sao không thấy nói về “Tom and Jerry”?

 

Quả thật người viết có quên chú mèo Tom và chú chuột Jerry trong một cuộc đối đầu mà phần thông minh của chuột Jerry vượt trôi hơn hẳn mèo Tom. Thường thì Tom hiếm khi bắt được Jerry vì dù “lớn xác” nhưng vẫn không thể sánh được với trí thông minh của chuột.

 

Theo một thống kê trong 163 tập phim, Jerry đã giành chiến thắng 123 lần còn Tom giành chiến thắng chỉ có 10 lần. Có 32 lần cả hai bắt tay nhau để chiến đấu với nhân vật khác với 20 lần giành chiến thắng và 12 lần thất bại.

 

Truyện dài Mèo-Chuột diễn ra từ những năm 1940 do William Hanna và Joseph Barbera sáng tác và hãng phim MGM sản xuất. Chú mèo Tom cùng chuột Jerry đã đoạt giải Oscar đến 7 lần cho thể loại “phim hoạt hình ngắn”. Đến năm 2000, tạp chí Time của Mỹ còn bầu chọn “Tom and Jerry” là một trong những show truyền hình “hay nhất mọi thời đại”. (NNC)

---------

Hình Internet

 

  = Kim Quy st tổng hợp  =

 

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %19 %080 %2020 %19:%01
back to top