Những địa danh người Sài Gòn đều biết

Những địa danh người Sài Gòn đều biết 

✧✧✧

Những tên gọi như ngã tư Bảy Hiền, Ngã Ba Ông Tạ, vòng quay Lăng Cha Cả, Ngã Ba Chú Ía, vòng xoay Cây Gõ ( cầu chữ Y), ngã năm Chuồng Chó… được đặt cho các nút giao thông nổi tiếng ở Sài Gòn vốn dĩ xuất phát từ những biểu tượng một thời ngày xưa.

Ngã Tư Bảy Hiền ngày xưa

Ngã Tư Bảy Hiền

 Ngã tư Bảy Hiền, giao lộ nổi tiếng của TP.HCM. Hằng ngày, khi đi qua đây nhiều người vẫn hay nhắc với tên Bảy Hiền. Tuy nhiên, ông là ai? Đối với một số người vẫn là một điều bí ẩn. 

Là một điền chủ giàu có và thương người, luôn ra tay cứu giúp người nghèo khổ, khi về thế giới bên kia, tên ông được người đời nhớ mãi và đặt thành địa danh ‘ngã tư Bảy Hiền’.
Ngã tư Bảy Hiền, giao lộ nổi tiếng của TP.HCM gắn với các trục đường Trường Chinh – Cách Mạng Tháng Tám – Hoàng Văn Thụ - Lý Thường Kiệt (P.3, Q.Tân Bình). Hằng ngày, khi đi qua đây nhiều người vẫn hay nhắc với tên Bảy Hiền. Tuy nhiên, ông là ai? Đối với một số người vẫn là một điều bí ẩn. 
 
Để giải mã địa danh này, những ngày qua Thanh Niên đã tìm hiểu và gặp được một người là cháu đời thứ 3 của ông, đó là ông Trần Văn Đức (80 tuổi, ngụ số 4 Trường Chinh, P.3, Q.Tân Bình). Ông Đức cho biết: “Sinh ra và sống ngay ngã tư Bảy Hiền từ xưa đến nay. Ông Bảy Hiền tên thật là Trần Văn Hiền, ông bác của tui. Ông nội tui là Trần Văn Nghĩa với ông Hiền là hai anh em ruột”.
Ngã Tư Bảy Hiền ngày nay
 
Theo ông Đức, ông Bảy Hiền trước đây là điền chủ nổi tiếng giàu có và thương người. Ông ở trong một biệt thự lớn ở ngay góc ngã tư sát Trung tâm văn hóa Q.Tân Bình bây giờ. Khi đó, con đường ở ngã tư này rất nhỏ, nhà ông ngăn cách với đường bằng hàng rào cây kiểng được cắt bằng rất đẹp. Nhà có đất rộng và thuê nhiều người làm.
 
Đất dọc theo đường Hoàng Văn Thụ hướng lên đường Cộng Hòa và ngang theo đường Hoàng Hoa Thám bây giờ đều là ruộng lúa, hoa màu của ông.
Nổi tiếng là người giàu có nhưng ông Hiền rất thương người. Khi xưa, vào ngày rằm hàng tháng, ông đăng báo thông tin thí bạc giúp đỡ người nghèo. Những đồng bạc xu điếu đựng đầy hai thúng được người nhà để trước cổng và phân phát.
 
Tuy nhiên vào một hôm mọi người tập trung chen lấn đông quá khiến hai đứa trẻ đi theo chết ngạt. Sự việc diễn ra, ổng rất đau buồn và kể từ đó không đăng báo phát tiền nữa mà hễ ai có khó khăn thì đến ngã tư vào nhà trình bày hoàn cảnh khó khăn ông sẽ giúp đỡ.
 
“Sở dĩ ngã tư có tên như ngày nay là vì ông bác tui tên Hiền, sinh thứ bảy gọi là Bảy Hiền. Khi mất thì ngã tư này cũng được người đời nhớ ơn và đặt theo tên ổng. Khi ổng mất, thì được chôn ở khu vực Lăng Cha Cả.
 
Đến năm 1945, người dân ở miền ngoài di cư vào Sài Gòn sinh sống, làm nhà lấn vào khu vực Lăng Cha Cả. Thấy vậy, chính quyền chế độ cũ mới ra luật nhà nào lấn vào khu vực lăng bao nhiêu mét thì hàng tháng phải trả bấy nhiêu tiền (khi đó 100 tiền/ thước)”, ông Đức cho biết.
 
Ngã Ba Ông Tạ
 
Ngã ba Ông Tạ ở quận Tân Bình thì ai cũng biết. Ở đây nổi tiếng về món thịt chó bao đời. Thế nhưng ít người biết tên ngã ba được đặt theo tên vị lương y chuyên bán và chữa bệnh bằng thuốc nam nổi tiếng Sài Gòn trong những năm thế kỷ XX. Đến nay, nhiều người vẫn còn truyền tụng về ông về tài năng, đức độ và lòng yêu thương con người.
 
Ngã Ba Ông Tạ ngày xưa
 
Nhắc đến địa danh ngã ba ông Tạ, nhiều người sống lâu đời trên đường Phạm Văn Hai (P.5, Q.Tân Bình) vẫn còn nhớ rất rõ.
Theo bà Tô Thị Mai (78 tuổi, ngụ 20 Lưu Văn Trú, P.5) ông Tạ trước đây có mở một hiệu thuốc tên Đông Y Thủ Tạ nằm góc đường Phạm Văn Hai - Cách Mạng Tháng Tám bây giờ. 
 
Ông là người thầy thuốc giỏi và nổi tiếng. Đa phần người bệnh tìm đến cơ sở của ông khám bệnh và lấy thuốc về uống đều khỏi. Tiếng lành đồn xa, nên hàng ngày có nhiều người khắp các tỉnh Nam Kỳ và đồng bằng Sông Cửu Long tìm về chữa bệnh, thành thử cửa hiệu ông không ngớt người ra vào hằng ngày.
 
Ngoài chữa bệnh, ông còn là nhà hảo tâm thường xuyên giúp đỡ người nghèo. Trước cửa hàng bán thuốc ông luôn để một thùng nhôm đựng tiền lẻ. Một số người khi tìm về đây chữa bệnh nghèo khó ông đều không lấy phí, thậm chí còn bốc tiền lẻ giúp đỡ tiền ăn uống và tiền xe đò về quê.
 
Thời chiến tranh, nhiều phụ nữ có con nhưng không có điều kiện nuôi đều đem đến hiệu thuốc để lại và thầy nhận nuôi, cho ăn học lớn khôn nên người.
Khi thầy thuốc Thủ Tạ qua đời, đám tang ông có rất đông người tập trung về viếng. Quan tài được kéo bằng cỗ xe ngựa 6 con, chạy từ nhà lên ngã tư Bảy Hiền vòng theo đường Cộng Hòa xuống vòng xoay Lăng Cha Cả và về chôn tại nhà. Sau khi mất, hiệu thuốc được truyền lại cho con cháu tiếp tục phát triển, đến nay vẫn còn.
 
Ngã ba Ông Tạ trước đây là giao lộ giữa đường Lê Văn Duyệt – Thoại Ngọc Hầu (nay là Cách Mạng Tháng Tám – Phạm Văn Hai), khi ông mất, nhiều người qua đây đều nhớ và tiếc thương ông Thủ Tạ, từ đó ngã ba này cũng gọi với tên thân thuộc là ngã ba Ông Tạ.
 
Ngã Ba Ông Tạ ngày nay
 
Theo Lương y Nguyễn Văn Huệ, cháu nội Ông Tạ, trong thời kỳ người Pháp đô hộ ngã ba này được dựng lên một cái tháp cao để người dân từ các khu vực Củ Chi, Hóc Môn vào Sài Gòn buộc phải qua đây để lính kiểm soát, gọi là ngã ba Tháp.
 
“Ông nội tôi tên là Trần Văn Bỉ (1918 - 1983) quê Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang). Sau khi tu và học nghề thuốc ở núi Bà Đen (Tây Ninh), ông về Sài Gòn và nhận thấy ngay ngã ba này có một vị trí thuận lợi do có chùa và xung quanh đều là đất trống, nên chọn nơi đây làm điểm khám chữa bệnh. Với kiến thức học được trên núi ông đã dùng những cây thuốc nam chữa bệnh và chuyên chữa cho trẻ con và phụ nữ”, Lương y Huệ cho biết.
 
Theo Lương y Nguyễn Văn Huệ, Ông Tạ chữa rất nhiều bệnh, được mọi người tin tưởng tìm đến. Nhiều người mới kể nhau ở ngã ba này có một ông thượng tọa khám bệnh rất giỏi và chuyên trị về thuốc nam, chỉ cần đến đây được ông chữa thì đa phần sẽ hết bệnh.
 
Vì vậy sau khi ông mất đi thì tên ngã ba Tháp cũng được người dân đọc thành ngã ba Ông Tạ.
Vào những năm 1954, người dân miền Bắc di cư vào khu vực buôn bán và hình thành ngôi chợ tại khu vực này cũng đặt tên thành chợ Ông Tạ, từ đó gắn với địa danh người Sài Gòn xưa cho đến nay.
 
Sau 1975, trong quá trình đô thị hóa, khu chợ này cũng được dời về gần cuối đường Phạm Văn Hai và lấy theo tên đường. Trên đất khu chợ cũ cũng được xây nên một ngôi trường khang trang phục vụ dạy học.
 
Mộ thầy thuốc nam Thủ Tạ hiện được đặt trong một lăng tẩm cao hơn 5 m
trong hẻm trên đường Phạm Văn Hai và được con cháu thờ cúng.
 

Vòng xoay Lăng Cha Cả (ngã 6 Cộng Hòa)

Vòng xoay này nằm gần Ngã tư Bảy Hiền cũng thuộc phường 4 (quận Tân Bình), một trong những nút giao thông quan trọng của TP. HCM. Đây là điểm giao cắt của một số trục đường lớn như Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Trần Quốc Hoàn, Lê Văn Sỹ, Bùi Thị Xuân. Vòng xoay được xây dựng khá nổi bật với quả địa cầu hai màu xanh, đỏ, đường kính khoảng 2 mét.

Theo tư liệu được ghi chép lại, nơi đây vốn là khu vực lăng mộ 2.000 m2 của giám mục người Pháp có tên Bá Đa Lộc.

Vòng xoay Lăng Cha Cả năm 1970 nhìn từ máy bay 

Ông Bá Đa Lộc tên thật là Pierre Pigneaux (sinh năm 1741, quốc tịch Pháp). Năm 1765, sau khi ông được sắc phong linh mục thì sang Việt Nam truyền giáo và phò tá Nguyễn Ánh đánh nhà Tây Sơn. 

Trong trận vây thành Quy Nhơn – Thị Nại năm 1799, Bá Đa Lộc qua đời, ông được đưa về an táng ở gần nhà cũ thuộc thành Gia Định, nằm khu Vườn Xoài – Tân Sơn Nhất, phía Tây Bắc Sài Gòn. Được trọng vọng, coi như bậc công thần có công lớn nên Nguyễn Ánh cho xây khu lăng mộ Bá Đa Lộc bề thế.

Sang thế kỷ 20, nơi này được sáp nhập vào vùng ngoại ô Sài Gòn, sau đó được phát triển với việc xây dựng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (phía bắc lăng Cha Cả), bến xe lớn (phía tây). Với những thay đổi này, ngôi lăng bị thu hẹp lại làm điểm tròn nằm lọt giữa đường Võ Tánh, tuy vậy khu mộ vẫn được giữ gìn đến năm 1980.

Vòng xoay Lăng Cha Cả hiện tại chỉ còn vòng tròn với quả địa cầu ở giữa.
 
Từ năm 1980 – 1983, khu lăng mộ này được giải tỏa và di hài của Giám mục Bá Đa Lộc được giao lại cho tổng lãnh sự Pháp đưa về nước. Còn lại là điểm tròn làm vòng xoay (bùng binh) lưu thông trên đường Hoàng Văn Thụ – Lê Văn Sỹ ngày nay và người dân vẫn quen gọi với tên vòng xoay Lăng Cha Cả. Về sau nơi này được gọi với tên ngã 6 Cộng Hòa khi được xây dựng cầu vượt vào năm 2013 để giảm ùn tắc giao thông.
 
 Ngã ba Chú Ía (Vòng xoay Nguyễn Thái Sơn)

Đến hiện tại, người dân vẫn hay gọi khu vực này là ngã 6 Chú Ía. Giao lộ này được xem là nỗi kinh hoàng về tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ tan tầm ở TP. HCM hiện tại. Đây là điểm nối giữa các tuyến đường Nguyễn Kiệm, Nguyễn Thái Sơn, Hoàng Minh Giám, Phạm Văn Đồng thuộc phường 3 (quận Gò Vấp).

Vòng xoay Nguyễn Thái Sơn ở hiện tại là ngã ba Chú Ía trước đây.

Một nhà nghiên cứu lịch sử cho hay, trước 1975, Hía là tên của một người Hoa làm nghề thủ công và có cửa hàng Bách hoá lớn ở khu vự ngã 3 này nên người Sài Gòn gọi khu vực này thành ngã ba Chú Hía. Trải qua thời gian, người dân nhập cư vào đây rồi phát âm này dần biến mất chỉ còn "Chú Ía" cho đến nay. 
 
Hiện tại, ngã ba Chú Ía mở rộng thành ngã 6 với tên gọi mới là Ngã Sáu Nguyễn Thái Sơn, khi xuất hiện vòng tròn ở giữa thì gọi vòng xoay Nguyễn Thái Sơn. Tuy nhiên với nhiều người Sài Gòn, họ vẫn quen với tên gọi ngã ba Chú Ía, một số người thì gọi ngã 6 Chú Ía khi qua khu vực này.
 
Vòng xoay Cây Gõ (cầu vượt thép chữ Y)
 
Vòng xoay Cây Gõ là một trong những nút giao thông quan trọng thuộc quận 6 (TP. HCM) và thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc khi chưa xây dựng cầu vượt thép. Đây là điểm giao giữa các tuyến đường, Hồng Bàng, Phú Thọ, 3/2. 
 
Vòng xoay Cây Gõ trước khi xây dựng cầu vượt thép chữ Y 
 
Lý giải về tên gọi Cây Gõ được đặt tại vòng xoay này, cũng không có nhiều tài liệu ghi chép lại, tuy nhiên nhiều người dân sống lâu năm ở đây cho biết trước đây ở khu vực này khi chưa được khai hoang, cây cối vẫn mọc um tùm, điển hình nhất là loài cây gõ.
 
Về sau khu vực này được khai hoang, hàng loạt cây gõ cũng được chặt bỏ để xây dựng đô thị. Vòng xoay cũng được hình thành và người dân đặt tên vòng xoay Cây Gõ để tạo sự thân quen.
 
 
Vòng xoay Cây Gõ hiện tại được xây dựng cầu vượt thép dài nhất TP. HCM.
 
Năm 2013, cầu vượt chữ Y được xem là cầu vượt thép dài nhất thành phố chính thức khánh thành, đã giảm tải được áp lực giao thông tại khu vực này.
 
Ngã năm Chuồng Chó (ngã 6 Gò Vấp)
 (Trang Nguyên)
 
Người Sài Gòn tuổi trung niên trở lên hầu như ai cũng biết Ngã năm Chuồng Chó, một cái tên địa danh truyền miệng có từ thời người Pháp lập nên trung tâm huấn luyện chó cho việc tuần tra và cảnh giới.
Trung tâm này toạ lạc tại góc trái đường Võ Di Nguy (sau là Nguyễn Kiệm) sát giao lộ ngã năm gồm đường Quang Trung (lúc xưa là đường làng nhỏ), Nguyễn Oanh (đường dẫn vào trại lính không có dân cư), Phạm Ngũ Lão và đường Nguyễn Văn Nghi (trước là Gia Long) đi đến chợ Gò Vấp.
 
 Ngã năm Chuồng Chó nhìn từ không ảnh (góc cuối ảnh)
hồi thập niên 1960 (Nguồn: Manhhaiflicks)

Tên gọi Ngã năm Chuồng Chó tôi nghe người lớn trong xóm kháo nhau từ hồi còn bé, mãi đến tuổi đôi mươi tôi mới có dịp đặt chân đến nơi này ba bốn lần. Khi đó nơi đây đã hình thành các khu dân cư chen chúc không như những gì mà cha của người bạn đồng nghiệp với tôi kể lại vào thuở gia đình ông đặt chân lên mảnh đất Gò Vấp sinh sống vào thời thập niên năm mươi.

Nghề nghiệp của chúng tôi được đi đây đi đó trong cái thành phố rộng lớn này, gặp nhiều cái tên địa danh không sao hiểu được, nghe nhiều câu chuyện của người cố cựu lớn tuổi, âu cũng là điều thú vị.

Khu vực Ngã năm này phát triển rất nhanh vào cuối thập niên bảy mươi. Mới chỉ cách đó chừng hơn mươi năm thôi, một vùng đất còn trống trải hai bên lộ, đa số trồng hoa màu (từ đầu đường Quang Trung) mà đã đông đúc dân cư.

Ngay cả cái xã An Phú Ðông mà tụi tôi đi công tác thực hiện bản đồ hiện trạng, ăn dầm nằm dề cả tháng ở nhà dân khi đó vẫn còn là một làng thuần nông nghiệp chuyên trồng đậu phộng. Ăn đậu phộng bảy món mỗi ngày, cuối tuần thằng bạn rủ về nhà chơi, sẵn đập vài trái lựu đạn (hột vịt lộn) bồi bổ.

Khi có đồng lương thì ghé tiệm mì, hình như là Chí Phát (đến nay vẫn còn), làm tô mì vịt tiềm thêm thố gà ác hầm thuốc bắc, rồi về nhà uống trà sen, nghe ông già thằng bạn kể chuyện xóm giềng.

Ngã năm Chuồng Chó (Q.Gò Vấp) được đặt tên

theo một trường huấn luyện quân khuyển xưa

Những địa danh bắt đầu từ nhà người bạn trên đường Nguyễn Kiệm lui về là Ngã ba Chú Ía (Hía) nổi danh gái làng chơi một thời, trở ngược là Ngã năm Chuồng Chó, rẽ phải qua Nguyễn Văn Nghi đi thẳng xuống Cầu Hang, trở ra đi tiếp trên đường Quang Trung xuống phía dưới, rẽ trái ra Ngã tư Cầu Cống, rẽ phải đi Xóm Mới và còn nhiều địa danh khác khắp nơi làm Gò Vấp trở nên hấp dẫn đối với tôi, một người thích la cà đây đó.

Những nơi này tôi vẫn thường nhắc trong các câu chuyện về Sài Gòn mà tôi từng viết như giữ gìn chút hoài niệm xa xưa. Ngã năm Chuồng Chó tôi cũng từng nhắc đến nhưng hôm nay tôi muốn ghi lại vài chuyện được nghe từ miệng cha của người bạn ngày trước.

Ngã năm Chuồng Chó chẳng qua là nơi đây có một trại huấn luyện chó hình thành vào năm 1945. Khi đó người Pháp sử dụng chó như một phương tiện tuần tra, cảnh giới an ninh thành phố. Có thể gọi chúng là cảnh khuyển thì đúng hơn.

Cha người bạn kể rằng, thời gian gia đình ông mới đến đây định cư thì phía bên kia đường Nguyễn Kiệm chỗ trung tâm huấn luyện chó vẫn còn rào dây thép gai chứ không như sau này vào thời Việt Nam Cộng Hòa cho xây tường kín.

Chó sủa rân trời, sau hàng rào dây thép là các dãy chuồng chó mái tôn, ban ngày chúng được ra sân huấn luyện đủ trò, đánh hơi, tấn công người, chạy nhảy, lùng sục. Ngồi trên ban công nhà nhìn qua xem rất thích mắt.

Bực mình nhất là mỗi khi chúng được nghỉ ngơi về chuồng vào buổi trưa. Luyện tập mệt nhoài, vậy mà khi ở trong chuồng, đám cảnh khuyển lại thi nhau sủa. Có con hăng tiết sủa liên tục làm cha người bạn muốn ngủ trưa mà chẳng được.

Những người lính huấn luyện chó trong một buổi tập gồm

nhiều chủ nhân đại diện các quân chủng (Ảnh: LIFE)

Do có một dãy chuồng chó, ai ai cũng nhìn thấy từ ngoài đường nên cái tên Ngã năm Chuồng Chó từ đó mà hình thành từ cửa miệng của các anh lơ xe buýt, xe thổ mộ. Thậm chí cái địa danh này còn viết bên hông xe buýt vàng có trạm dừng tại đây đi Cầu Hang.

Cái tên Ngã năm Chuồng Chó nghe hay hơn, nghe bình dân hơn nếu nó tự dưng được gọi Ngã năm Trường Chó theo đúng định danh của trường huấn luyện chó. Thật ra, ngày xưa khi chưa có trường huấn luyện cảnh khuyển, nơi đây được gọi là Ngã năm Hàng Ðiệp vì các con đường giao nhau đều có những cây điệp to lớn không biết trồng từ lúc nào.

Chỉ biết rằng những hàng điệp này biến mất khi thành phố mở rộng tới Gò Vấp nguyên là một quận nông nghiệp ngoại thành vào thập niên 1950. Nói đến chuyện mất đi những hàng điệp cũng là lẽ tự nhiên khi phát triển đường phố, cũng như Gò Vấp khi xưa nghe nói có nhiều cây vấp, nhưng đến Gò Vấp thì chẳng thấy cây vấp nào còn sót lại.

Sẵn tôi bổ sung thêm chuyện địa danh ngã tư ngã năm ở Gò Vấp có nhắc đến ở trên; từ trên đường Quang Trung chạy qua khỏi nhà thờ Hạnh Thông Tây một chút thì có Ngã ba Cây Trâm. Nhưng các bạn đến đây chẳng thấy cây trâm nào cũng đừng thắc mắc.

Sau khi Pháp rút quân về nước, chính quyền lâm thời tiếp quản trại cảnh khuyển này nhưng không còn hoạt động huấn luyện nhiều như trước. Vài năm sau (1964), người Mỹ đưa quân vào Sài Gòn, lập nhiều căn cứ quân sự ngoại vi thành phố cũng như bảo vệ an ninh cho sân bay Tân Sơn Nhất, nhu cầu sử dụng chó trinh sát, phát hiện bom mìn nhiều hơn.

Trung tâm huấn luyện chó được nâng lên một quy mô cao hơn, thành lập đội quân khuyển cấp Tiểu đoàn trực thuộc Cục Hậu Cần của Bộ Tổng Tham Mưu. Tiểu đoàn quân khuyển của Mỹ huấn luyện có nhiệm vụ bổ sung chó trinh sát cho các cơ sở quan trọng như sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hoà, Ðà Nẵng, Tổng kho Long Bình và các đơn vị trinh sát, bảo vệ yếu nhân. Xin nói thêm một chút, ngoài trường huấn luyện quân khuyển ở Gò Vấp, còn một trại nữa ở Cát Lái.

Ngã Năm Chuồng chó ngày nay

Tôi có đọc được một bài viết về đội quân khuyển Việt Nam Cộng Hòa của tác giả Phan Hạnh ghi lại như sau: “Trước khi quân đội Hoa Kỳ bắt đầu tham chiến tại Việt Nam, từ năm 1960 người Mỹ đã ý thức rõ và tiên liệu được rằng các căn cứ Không Quân và các phi trường quân sự sẽ là mục tiêu bị tấn công.

Một dự án nghiên cứu và phát triển quân khuyển cho các đơn vị Không Lực Hoa Kỳ tại Việt Nam được đề ra tại một trại huấn luyện chó ở Gò Vấp từng do người Pháp sử dụng trước đó. Tháng Bảy năm 1965, 40 quân khuyển Mỹ đầu tiên được đưa đến bố trí tại 3 phi trường lớn nhất là Sài Gòn, Biên Hòa và Ðà Nẵng.

Ðến cuối năm, con số này tăng thêm, nâng tổng số quân khuyển lên 99 con. Qua đến Tháng Chín năm 1966, có hơn 500 quân khuyển Mỹ phục vụ tại 10 căn cứ”.

Trong bài viết, câu chuyện cảm động nhất là chú chó Nemo thuộc giống Shepherd của Ðức đến Sài Gòn vào đầu năm 1966. Vào cuối năm 1966 khi làm nhiệm vụ cùng với binh nhất Không quân Robert Thorneburg tại vòng đai ngoài của phi trường Tân Sơn Nhất gần khu nghĩa địa quân đội.

Nemo phát hiện có vấn đề trong ngôi miếu nhỏ chồm lên sủa liên hồi cảnh báo. Hai viên đạn từ trong bóng tối sau ngôi miếu nhỏ, một viên bắn trúng Nemo xuyên từ sát dưới mắt phải trổ ra mõm và một viên khác trúng vai binh nhất Thorneburg.

Nhưng con Nemo vẫn còn sức lao vào tấn công hạ gục bốn đặc công núp sau miếu. Nemo được đưa về Mỹ trị thương và nghỉ hưu vĩnh viễn với công trạng anh hùng. Cho đến khi chết vì tuổi tác năm 1973, Nemo được chôn và dựng tượng tại Dog Center thuộc Căn cứ Không quân Lackland ở San Antonio, Texas.

 
Ngã Năm Chuồng Chó ngày nay

Nhưng câu chuyện được nghe kể lại của cha người bạn tôi thì cảm thương hơn nhiều. Số là những ngày cuối cùng của cuộc chiến 1975, đội quân khuyển của Mỹ huấn luyện tại Ngã năm Chuồng Chó không cùng theo những binh sĩ cuối cùng trở về cố hương.

Cha người bạn nghe một bác sĩ thú y làm việc bên trại huấn luyện cho biết, những chú chó tinh khôn bị tiêm thuốc để không trở về mang theo những mầm bệnh lạ của vùng nhiệt đới bị nhiễm ở Việt Nam. Trong trường huấn luyện chỉ còn một ít chó bản địa tồn tại cho đến năm 1994 thì Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ được giải tán.

Ngôi trường huấn luyện chó không còn, rồi liệu cái tên Ngã năm Chuồng Chó sẽ còn chăng khi hiện nay nơi đây xuất hiện thêm một con đường mới mở, đường Trần Thị Nghỉ kết nối từ ngã năm vào đường Phan Văn Trị để điều tiết lưu lượng giao thông lúc nào cũng kẹt xe vào giờ cao điểm. Vùng này đã trở thành Ngã sáu. Ngã sáu gì đây, nói trống trơn chẳng ai biết.

------------

Hồng Anh st tổng hợp

Hình Internet

 
 
Hình ảnh Sài Gòn 1969 Đường Hàm Nghi
back to top