NHẠC SĨ TRƯỜNG SA…. và, NHỮNG KHẮC KHOẢI !!!

NHẠC SĨ TRƯỜNG SA….

và, NHỮNG KHẮC KHOẢI !!!

image002

Nhạc sĩ Từ Công Phụng, Nhạc sĩ Trường Sa và Nhà văn Song Thao

Đam mê vẫn còn sau 15 năm gián đoạn

Sẽ là một thiếu sót nếu viết về những nói về những cá nhân xuất sắc trong Cộng đồng nhưng không đề cập đến một người viết tình ca nổi tiếng từ trước 1975, một nhạc sĩ đã có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc Việt Nam trong hơn 50 năm qua..

Nhạc sĩ Trường Sa tên thật là Nguyễn Thìn và Trường Sa là bút hiệu được ông chọn trong thời gian ông đảm nhiệm chức vụ hạm phó tàu tuần duyên Trường Sa. Ông tốt nghiệp khóa 12 Sĩ quan Hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Cấp bậc cuối cùng là Hải quân Thiếu tá, Chỉ huy trưởng Liên đoàn 3 Tuần Thám kiêm Chỉ huy trưởng đoàn Hộ tống các thương thuyền ngoại quốc tiếp tế cho chính phủ Lon Nol.Ngày 29/04/1975, ông ở Vàm An Long trên sông Cửu Long và không liên lạc được với Bộ Tư lệnh Hải quân do các chiến hạm đã lên đường di tản. Từ biên giới Châu đốc, ông đưa tàu ra biển và tháp tùng Hạm đội Hải quân VNCH qua Subic Bay , Philippines. Từ Phi, ông theo thương thuyền Mỹ tới đảo Guam ngày 05/5/1975. Khi đến đảo Guam, không tìm thấy gia đình, ông xin Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc can thiệp để được theo tàu Việt Nam Thương Tín trở về Việt Nam.
imageKhi tàu về đến Việt Nam, nhà cầm quyền Cộng sản đưa tàu ra Nha Trang, giam ông tại Ty Cảnh Sát cũ 2 tháng, rồi chuyển ra trại A 20 Phú Khánh. Một thời gian ngắn sau, ông bị chuyển ra Bắc, ở trại Nghệ Tĩnh cho đến năm 1984.Chỉ vì ra đi rồi lại trở về, ông đã mất 9 năm cuộc đời trong lao tù Cộng sản.Nhìn lại quá khứ, nhạc sĩ Trường Sa cho biết, ông không ân hận với quyết định trở về: “Tôi không thể ra đi một mình bỏ lại gia đình trong thời buổi vô cùng khó khăn, quyết định về dù chính quyền Việt Nam có giết hoặc tù đày tôi chấp nhận, như thế lương tâm tôi mới thanh thản. Tôi không cho rằng việc tôi bị tù đày 9 năm (hơn 1 năm trong Nam và hơn 7 năm ngoài Bắc) là ngoài sự ước đoán vì tôi tự biết tôi là người Bắc di cư 1954 , đạo Công giáo , và là sĩ quan cấp Tá”.Sau khi “tốt nghiệp đại học máu” (cụm từ nhà văn Hà Thúc Sinh gọi “trại cải tạo”), năm 1986, ông vượt biên nhưng bất thành, bị tù 2 năm. Tháng 4 năm 1989, ông cùng ba con vượt biên lần nữa, thành công và được người em ruột bảo lãnh nhập cư Canada vào cuối tháng 8 năm 1991, sau 28 tháng tạm dung trên đảo Pulau Bidong, Mã Lai.Năm 1992, vợ cùng với cô con gái lớn sang đoàn tụ. Gia đình sum vầy được 4 năm, định mệnh vẫn theo đuổi ông, vợ ông chẳng may bị tai nạn qua đời trong chuyến trở lại Việt Nam thăm thân nhân.Nói về 13 năm trong quân ngũ, cựu thiếu tá Nguyễn Thìn cho biết ông rất hãnh diện đã được phục vụ trong quân đội VNCH, đã sống một phần đời đáng sống.Sau những cuộc hành quân, dù mỗi ngày phải đối diện với hiểm nguy, nhưng ông vẫn dành thời giờ cho niềm đam mê âm nhạc, viết các ca khúc thời chiến như “Một lần xa bến”, “Hành trang giã từ”, “Chuyện người đan áo”. Đầu thập niên 70, nhạc sĩ Trường Sa chuyển sang sáng tác tình ca và trở nên nổi tiếng với ba ca khúc bất hủ “Xin Còn Gọi Tên Nhau”, “Rồi Mai Tôi Đưa Em “và “Mùa Thu Trong Mưa”. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên nhận định về ba sáng tác này: “Chỉ với ba bản tình ca này, vườn hoa âm nhạc Việt Nam đã có thêm một bông hồng tuyệt đẹp”.Ngoài tình ca, nhạc sĩ Trường Sa còn viết về tình yêu của người lính biển: Hành trang giã từ, Chờ em trên bến, Sầu biển… đặc biệt bài Sầu biển – sáng tác trong thời điểm Hải quân Việt Nam Cộng hòa tham dự trận hải chiến Hoàng Sa chống Trung Cộng bảo vệ lãnh hải Việt Nam. Bài ca này rất phổ biến trong quân chủng hải quân.250px-NS_Trường_SaSau 15 năm gián đoạn, trên vùng đất tự do, nhạc sĩ Trường Sa, với niềm đam mê vẫn còn rực lửa, đã trở lại với âm nhạc: “Trong mười lăm năm mất đi đó, phải kể là giai đoạn hoàn hảo của một đời người vì hoàn cảnh đất nước và số phận con người không thoát ra khỏi dòng nghiệt ngã, đau buồn. Nhìn lại quá khứ khi phải sống cuộc đời viễn xứ, phải xa quê hương mến yêu cùng với những người thân, bạn bè và cả một thời yêu dấu trong chiếc nôi vô cùng êm ấm mà đau xót. Từ những niềm ưu tư đó, tôi đã viết ra một số ca khúc hướng về Sài Gòn như Những Mùa Thu Qua Trên Cuộc Tình Tôi, Sài Gòn Ơi Tôi Còn Em Đó, Giấc Mơ Nghìn Trùng. Từ Một Ước Mơ và nỗi cô đơn trong buổi chiều cuộc đời khi nhìn về phía quê nhà như ca khúc Đường Chiều Một Bóng..”Sau này, nhạc sĩ Trường Sa đã gặp gỡ một người có hoàn cảnh tương tự. Ông cho đó là “niềm hạnh phúc cuối đời”.Một trong những sáng tác mới của ông có nhạc phẩm “Xin Ơn Nhau Cuộc Đời” với ca từ:“Lửa nào trong tim giờ xin thắp lại tình ngườiCòn đời cho nhau dìu cuộc sống này”Và đó có lẽ là lời hẹn trăm năm của ông sau những gian nan, đổ vỡ đã trải qua trong đờiNhạc sĩ Trường Sa, sau 13 năm chiến đấu trong vai trò người lính của sông biển, tuy không thường xuyên xuất hiện trong các sinh hoạt Cộng đồng nhưng ông chọn một góc riêng, thích hợp với tuổi tác, tiếp tục sáng tác để duy trì văn hóa dân tộc, phát triển và đa dạng hóa nền âm nhạc Việt Nam.
 
VPY
Những dòng cảm nghĩ của Ngô Thụy Miên về nhạc sĩ Trường Sa

Nhạc sĩ Trường Sa,

phận đời thứ hai và những tác phẩm mới

Có những câu hỏi, tôi tự đặt ra khi nghe xong một loạt những bản nhạc của nhạc sĩ Trường Sa. Là, hình như có một điều gì của đời sống thực tế đã được nghệ thuật làm biến đổi thành những cảm giác nửa hư nửa thực của một thế giới khác, rộng khắp hơn và cũng lãng mạn bềnh bồng hơn. Nghe nhạc Trường Sa, thấy cuộc nhân sinh như dời đổi theo những chu kỳ của định mệnh, và con người trong những hoàn cảnh đặc biệt của thời thế như bị lôi kéo vào một cơn lốc xoáy điên cuồng không cưỡng chống nổi.
Khởi đầu với một bản nhạc có lẽ cũng bình thường không xuất sắc mấy, “Mây Trên Đỉnh Núi” viết cho một người tên Hoàng là xướng ngôn viên của Đài Phát thanh Đà Lạt. Và để rồi sau đó nổi tiếng với những bản nhạc thời trang viết về đời sống thực của người lính Hải Quân lãng mạn trên sông nước với những chuyến tàu ra khơi và những chuyến cập bến ở những bản nhạc kế tiếp. Chất sống động, cũng như ngôn từ giản dị cận gần cuộc sống đã làm thành những nhạc khúc được phổ biến sâu rộng trong đời sống thường nhật dân gian. Những ca khúc như Một Lần Xa Bến, như Hành Trang Giã Từ, như Chuyện Tình Người Đan Áo,... mọi người nghe, mọi người hát đến quen thuộc đã làm tên tuổi Trường Sa nổi bật hơn.

Viết nhạc về chính đời lính của mình, nhạc sĩ Trường Sa có lần đã trả lời câu phỏng vấn của nhà văn Điệp Mỹ Linh hỏi sẽ chọn danh xưng nào giữa một sĩ quan HQ ngành chỉ huy và danh xưng của một nhạc sĩ tài danh: “Là một thiếu tá HQ tôi rất hãnh diện đã phục vụ cho lý tưởng tự do đó là hoài bão của một thanh niên đầy nhiệt huyết trước nhu cầu của đất nước đó cũng là danh dự của một đời người, tôi không thể không chọn lựa danh xưng này. Mọi người sinh ra đều có những năng khiếu khác nhau. Viết một ca khúc, trước hết mình đã phần nào là một người làm thơ và mình cũng phải có một giác quan rất bén nhạy mới có thể tạo ra được những chuỗi âm thanh hài hòa để người nghe cùng rung động với tâm tư của mình. Vì vậy trong âm nhạc tôi cũng không thể không nhìn nhận đây là nhu cầu vô cùng cần thiết cho đời sống tinh thần..”

Có lần nhạc sĩ Từ Công Phụng đã tâm sự với ông: “Hơn ba mươi năm trước có một lần tôi đã nói với Trường Sa về Tình Ca khi anh hỏi tôi tại sao tôi chọn con đường sáng tác ấy. Nếu tình yêu là lẽ sống đẹp đẽ nhất của loài người thì tình ca chính là những lời phủ dụ ngọt ngào được cất lên để ca ngợi tình yêu. Nếu chim muông chỉ có một thời để ca hát, cỏ cây chỉ có một thời để xanh tươi và loài người chỉ có một thời để yêu thì đó chính là cái thời đẹp nhất của chúng ta. Tôi đã không ngần ngại chọn con đường viết tình ca để bày tỏ niềm hân hoan và biến cái khoảnh khắc hạnh phúc đó trở thành vĩnh cửu và hiến dâng cho đời. Tôi vẫn nghĩ Tạo Hóa đã ban cho loài người trái tim biết rung động, tâm hồn biết thổn thức và ngôn từ để diễn tả cái đẹp của tình yêu thì tại sao chúng ta không làm cho cuộc đời thăng hoa bằng những bản tình ca?...”

Nhạc sĩ Trường Sa có lẽ cũng yêu những bản tình ca. Nên nối tiếp là dòng nhạc của tình yêu, những ca khúc buồn, những chuyện tình dở dang,những nỗi niềm trong tâm khó ngỏ. Nhạc sĩ đã sống với con tim mình và ngôn ngữ cùng âm nhạc để nói lên tâm tư của mình qua những cuộc tình buồn mà ông gọi là “đành đoạn”. Để tiễn đưa mối tình buồn thảm ông viết “Rồi mai tôi đưa em” trong hơn hai năm dài tính từ khi khởi đầu nốt nhạc đầu tiên đến lúc chấm dứt cung bậc cuối cùng. Và với Xin Còn Gọi Tên Nhau và Mùa Thu Trong Mưa, cùng giọng hát Lệ Thu đã thành những tuyệt phẩm âm nhạc để đời. Những tình khúc này trau chuốt một cách gián tiếp và khéo léo với ca từ chuyên chở được tâm cảm của người đang yêu, đã yêu và nuối tiếc vì yêu. Những nhạc sĩ đã cùng viết tình ca như ông và cùng nổi tiếng hình như cùng thời với ông như Từ Công Phụng, như Ngô Thụy Miên đã lên tiếng tán thưởng người đi chung đường với họ.

Năm 1973 ông viết Một Mai Em Đi,... một tình khúc mà ca từ giản dị nhưng sâu lắng và sự tha thiết níu kéo dường như là chất nam châm để thu hết về những từ lực ngậm ngùi khắc khoải. Lời như bàn tay vỗ về gói tròn lại những thương yêu mong manh dường như đang trong thời tan biến: “Một mai em đi gọi gió thả mây về ngàn/ xin tạ lòng người tình ta hư không thế thôi/ đời vui không mấy niềm đau đã chín kiếp người/ lòng đâu phụ nhau thêm nữa khi mai không còn có nhau?”

Rồi đến năm 1975, cơn hồng thủy của đất nước Việt Nam, người nhạc sĩ và cũng là một sĩ quan cấp tá của HQVN, người đã đến đảo Guam nhưng vì nặng tình gia đình không thể bỏ vợ con nên đã trở về theo tàu VN Thương Tín và bị tù đầy hơn mười năm trong trại giam Cộng Sản. Sau đó, lại vượt biên, lại bị tù hai năm rồi trở về và sau đó lại lái tàu vượt biển thành công sang Canada định cư. Rồi sau đó đoàn tụ gia đình rồi người vợ có 4 mặt con lại ra đi vĩnh viễn trong một tai nạn...

Bao nhiêu biến cố ấy, bao nhiêu nỗi niềm ấy, đã là một khởi đầu cho chân dung một nhạc sĩ thứ hai mang tên Trường Sa. Có bản nhạc của hoài niệm, về một người thân yêu đã xa, về một đời sống hải hồ đã cũ, về một thành phố Sài Gòn thân yêu đã mất tên. Nhưng, cũng có những bản nhạc, về một cuộc sống mới, về một cuộc tình khởi đầu trong tuổi già. Có những đau đớn hân hoan và cũng có những bất hạnh tận tuyệt. Trong cơn mưa Sài Gòn có ánh nắng xứ người, trong dáng hình người tình mới có thấp thoáng vóc dáng người vợ cũ. Và trong ly tan có trùng phùng, trong niềm vui có pha lẫn nỗi buồn.

Chúng ta hãy đi theo dòng nhạc Trường Sa, một hải lưu đắm đuối chất ngất tình cảm, để trở về lãnh địa yêu thương xưa và đi vào không gian và thời gian của cuộc tình đang hiện hữu như một gọi mời của một tương lai xanh ngạt ngào mùi cỏ mật... Từ khi bắt đầu cuộc sống lưu lạc xứ người, ông đã sáng tác được trình diễn trên các sân khấu của Trung tâm Thúy Nga, Trung tâm Asia,Trung Tâm Thùy Dương,...: Xin Yêu Nhau Dù Mai Nữa, Mùa Xuân Sao Chưa về Hỡi Em, Những Mùa Thu Qua Trên Cuộc Tình Tôi, Khi Chuyện Tình Đã Cuối, Bản Tình ca Cho Kỷ Niệm, Paris Em Về, Đôi Mắt Em Tôi, Một Thoáng Mơ Phai, Sài Gòn Ơi Tôi vẫn Còn Em Đó, Thu Vẫn Qua Đây Mình Ta, Hạnh Phúc Hôm Nay,...


Trường Sa sáng tác âm nhạc như sống lại với một phần đời của mình. Ở đó,có những biến cố thời thế có mặt cho những dấu tích của tình buồn, của những điều mà định mệnh đã chờ sẵn. Không phải một người lính dày dạn chiến trường, một người sĩ quan Hải Quân cấp tá không thông hiểu Cộng Sản mà theo tàu Việt Nam Thương Tín để trở về và bị tù ngục hết mười năm. Nhạc sĩ cũng đành phải ngậm ngùi với tình cảm gia đình quá nặng, không thể bỏ rơi vợ con trong những đe dọa của cuộc đời.

Trong bản nhạc Một Thoáng Mơ Phai, chúng ta cảm nhận được gì? Từ những lời thủ thỉ, có khi là những câu hỏi, có khi là những vương vấn thoảng qua, nhạc và lời nhắc nhở lại những kỷ niệm. Điệp ngữ “em có hay”, mỗi một lập lại trong ca khúc như những kêu gọi tìm về của những vấn nạn hỏi mà chẳng cần trả lời. Em. Tôi. Chỉ là những kẻ lạc loài trong dòng sống hôm nay và có lúc như là bóng hình của lung linh phảng phất. Em đã đi, trả lại những mùa xuân xứ người, để như một thoáng mơ phai, dù lúc nào cũng hiện hữu trong hồn nhưng vẫn chỉ là nhòa nhạt hư không. Em có hay? Có phải chỉ là câu hỏi cho một người, mà còn có thể cho hai người và cho cả nhiều người trong chúng ta nữa...

Một bản nhạc khác, Những Mùa Thu qua Trên Cuộc Tình Tôi, là nỗi niềm dàn trải của quá khứ nhọc nhằn. Khi nói về những ngày tù ngục Việt Nam coi như khoảng thời gian gián đoạn sáng tác, nhạc sĩ Trường Sa đã viết: “Trong mười lăm năm mất đi đó, phải kể là giai đoạn hoàn hảo của một đời người vì hoàn cảnh đất nước và số phận con người không thoát ra khỏi dòng nghiệt ngã, đau buồn. Nhìn lại quá khứ khi phải sống cuộc đời viễn xứ, phải xa quê hương mến yêu cùng với những người thân, bạn bè và cả một thời yêu dấu trong chiếc nôi vô cùng êm ấm mà đau xót. Từ những niềm ưu tư đó, tôi đã viết ra một số ca khúc hướng về Sài Gòn như Những Mùa Thu Qua Trên Cuộc Tình Tôi, Sài Gòn Ơi Tôi Còn Em Đó,Giấc Mơ Nghìn Trùng. Từ Một Ước Mơ và nỗi cô đơn trong buổi chiều cuộc đời khi nhìn về phía quê nhà như ca khúc Đường Chiều Một Bóng..”

Nhưng có khi Sài Gòn với hình bóng Em chỉ là một, là những kỷ niệm chẳng thể nào quên trong đời. Sài Gòn xưa cũ vẫn còn muôn năm của mùa thu tình yêu réo gọi. Như giọt nước mắt khóc người trăm năm. Như hình bóng Em của mặn nồng quấn quýt của những lối xưa ngõ cũ đi về theo hai mùa mưa nắng. Ơi những giấc mơ của nỗi niềm lẻ loi của những hình ảnh sầu xứ lạc loài hôm nay nhắc mãi đến không gian nào thời gian nào đã mất biệt đã mù tăm trong đời người lầm lũi nhưng vẫn còn nguyên vẹn đến muôn đời những giấc mơ...

Tình khúc Yêu Em Anh Đã Yêu Mùa Thu với không gian thời gian lãng mạn của mùa thu. Đó có phải là thời tiết của những người yêu nhau? Ca khúc như là lời ngỏ cho những cánh cửa tim để tình yêu đơm hoa trong rộn ràng của thiên nhiên. Tình yêu mùa thu như tình yêu em của vàng phai sắc lá, của những dư âm của gió mây mở toang những khung trời đất tương lai. Có câu hỏi bật ra. Tại sao? Gió lại cuốn đi những lời âu yếm? Lá rơi để cho tình vàng thêm để phai nhòa trên áo em? Hỏi, nhưng không thể trả lời. Bởi Anh. Anh yêu Em như mãi mãi vẫn yêu mùa thu. Hỏi mà không trả lời, cái ý thầm ấy có lẽ là cái nghịch thường của những người đang yêu nhau...

Bản nhạc Xin Ơn Nhau Cuộc Đời, là lời ngỏ của thương yêu, là kết cuộc của một chuyện tình sau những gian nan cuộc đời. Dòng nhạc là vang vọng của tâm tư yêu đương, ca từ là biểu hiện của nỗi niềm tâm sự. Và ngôn ngữ của trái tim tràn đầy trong bộ nhớ của tiềm thức. Hãy nói lời yêu nhau, dường như là lời đồng vọng của hai người đang cùng đi tìm một lời giải cho bài toán cuộc đời. Hãy giang đôi tay rộng, rộng đến muôn trùng không gian của mùa xuân xanh đẹp, của mùa hạ hồng tươi, và của mùa thu vằng vặc ánh trăng như đôi mắt yêu nhau thuở nào. Xin Ơn Nhau Cuộc Đời, có phải là lời hẹn trăm năm, là lời bắt đầu sau những đổ vỡ hoang mang cuộc đời?

Nguyễn Mạnh Trinh

 ************

   Lệ Thu trình bày: "Mùa Thu Trong Mưa" - Sáng tác: Trường Sa

                                      

Chiều mưa không có em, bờ đá công viên âm thầm.
Chiều mưa không có em, giăng mắc mây không buồn trôi.
Gọi mùa thu lãng quên, vào tiếng mưa rơi êm đềm
Trời làm mưa ướt thêm, cho dài ngày tháng không tên.

Chiều mưa không có em, thành phố quên chưa lên đèn.
Chiều mưa không có em, biết lấy ai chia hờn tủi?
Trời mùa thu lắm mây, còn bước em đi quên về.
Vòng tay ôm lẻ loi ,cho mình còn mãi thương nhau.

Trầm lặng ngày đi qua trên đường phố rét mướt.
Dấu chân chưa tìm về, chút kỷ niệm ngày đầu.
Để từng mùa thu đến, ra đi không mang tin,
Nỡ quên đi đành sao?

Kể từ em vắng xa, ngày tháng bơ vơ tên mình.
Mùa thu mưa vẫn rơi, không bước chân em tìm đến
Chuyện ngày xưa biết sao, mỏi cánh chim bay phương nào.
Còn ngày xuân ấm êm, cho mình còn mãi yêu em.

                            Nhạc Sĩ TRƯỜNG SA

- Trường Sa tên thật Nguyễn Thìn, sinh năm 1940 tại Ninh Bình, vào Nha Trang năm 1954.
- Năm 1957 định cư tại Thủ Ðức.
- Tốt nghiệp Sĩ quan Hải quân Việt Nam Cộng Hòa (khóa 12); cựu Hạm Phó tàu tuần duyên Trường Sa (bút hiệu được chọn trong thời điểm này).

- Ðến đảo Guam ngày 30-4-1975. Trở về Việt Nam bằng tàu Việt Nam Thương Tín. Lần lượt ở tù tại các vùng Nha Trang, A 20 Phú Khánh và Nghệ Tĩnh cho đến 1984. Vượt biển lần thứ hai 1989, thành công.

- Hiện cư ngụ tại Tillsonburg, Ontario, Canada;  học nhạc và nghiên cứu, thảo luận về nhạc lý cùng nhạc sĩ Anh Việt Thu.

Sáng tác đầu tay: Mây Trên Ðỉnh Núi (1965)

Các nhạc phẩm đã phổ biến :

Nhạc sĩ Từ Công Phụng, Nhạc sĩ Trường Sa và Nhà văn Song Thao

  • Trường Sa và những nỗi buồn mênh mang trong tình ca của anh.

    Hơn ba mươi năm trước, có một lần tôi đã nói với Trường Sa về Tình Ca khi anh hỏi sao tôi chọn con đường sáng tác ấy. Nếu tình yêu là lẽ sống đẹp đẽ nhất của loài người, thì tình ca chính là những lời phủ dụ ngọt ngào được cất lên để ngợi ca tình yêu. Nếu chim muông chỉ có một thời để ca hát, cỏ cây chỉ có một thời để xanh tươi và loài người chỉ có một thời để yêu, thì đó chính là cái thời đẹp nhất của chúng ta. Tôi đã không ngần ngại chọn con đường viết tình ca để bày tỏ niềm hân hoan và biến cái khoảnh khắc hạnh phúc đó trở thành vĩnh cửu và hiến dâng cho đời. Tôi vẫn nghĩ Tạo hoá đã ban cho loài người trái tim biết rung động, tâm hồn biết thổn thức, và ngôn từ để diễn tả cái đẹp của tình yêu thì tại sao chúng ta không làm cho cuộc đời được thăng hoa bằng những bản tình ca? Từ đó anh đã bước vào thế giới tình ca bằng đôi hia bảy dặm… “Xin còn gọi tên nhau, Rồi mai tôi đưa em”….với tên Trường Sa đã được đón nhận và giữ lại trong lòng người nghe những nỗi buồn mênh mang trong tìnhca của anh từ hơn nhiều thập niên qua. Tôi không quen bày tỏ những nhận xét về âm nhạc, nhưng tôi tin những bản tình ca của Trường Sa sẽ mãi mãi là những tiếng vang vọng của những kẻ tình nhân. Nói như nhà văn Song Thao: “Tình ca không có tuổi. Khi trên đời còn có những kẻ yêu nhau, thì tình ca vẫn còn vang vọng trong cuộc sống. Mà tình yêu thì không bao giờ cũ. Chính những kẻ tình nhân từ thế hệ này qua thế hệ khác luôn luôn làm mới tình yêu. Bởi vậy những bản tình ca sẽ không bao giờ phai mờ nét lấp lánh của chúng…” Thú thực, tôi rất thích thú về nhận xét này và xin được nhắc lại đây để trang trọng giới thiệu với các bạn yêu nhạc những ca khúc của Trường Sa trong tuyển tập này với ước vọng là những bản tình ca này sẽ không phai mờ nét lấp lánh của chúng …

    TỪ CÔNG PHỤNG

                             

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên

Ngô Thụy Miên và những dòng cảm nghĩ…

Những năm cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, giới yêu nhạc tại Sàigòn đã được nghe 3 ca khúc bất hủ của nhạc sĩ Trường Sa: Xin Còn Gọi Tên Nhau, Rồi Mai Tôi Đưa Em, và Mùa Thu Trong Mưa qua tiếng hát của nữ ca sĩ Lệ Thu. Chỉ với 3 bản tình ca này, vườn hoa âm nhạc Việt Nam đã có thêm một bông Hồng tuyệt đẹp.
Cá nhân tôi, khi nghe 3 ca khúc này đã yêu ngay cái nét nhạc dịu dàng, bình lặng như dòng suối nhỏ lượn quanh khu vườn yên tĩnh, rồi bất chợt trổi lên như cơn bão nổi, như con sóng thần ngập tràn dấu đau thương. Tôi cũng yêu nữa những lời ca sâu lắng, man mác buồn, chau chuốt nhưng không kiểu cách, không làm dáng. Cả 3 bài đều mang chung một nhịp điệu Slow buồn. Hồn nhạc lãng đãng, mênh mang diễn tả những cuộc tình lỡ làng, có lẽ xuất phát từ chuyện tình cảm mất mát của người nhạc sĩ tài hoa này. Hãy lắng nghe tiếng hát Lệ Thu vút cao khi diễn tả những dòng âm thanh trầm bổng kỳ diệu để thấy kỹ thuật viết nhạc và lời ca của anh đã có thể lôi cuốn, đưa đẩy, dẫn dắt người nghe vào những cơn mưa êm đềm, hay vào những cơn hồng thủy, chấn động, nát tan con tim:

Tình trong cơn ngủ mê Rồi phai trên hàng mi Chợt khi mình nhớ về Mộng thành mây bay đi Còn gì trên đôi tay
Nên thầm hờn dỗi mình Cho tình càng thêm say…
(Xin Còn Gọi Tên Nhau)

Chiều xưa em qua đây Ru hồn nắng ngủ say Lời yêu trót đong đầy Đón em thu mây bay Tiễn em xuân chưa phai Xót ngày vàng còn gì
Đành đoạn rồi những lần chiều hẹn ước…
(Rồi Mai Tôi Đưa Em)

Rồi thật tình cờ chúng tôi có dịp quen biết nhau, và lại có những tháng ngày làm việc chung trong một chương trình nhạc trên đài phát thanh Quân Đội, để tôi nhận biết thêm một điều, Trường Sa, tác giả những bài tình ca đã làm rung động bao tâm hồn của tuổi trẻ thập niên 60-70, còn là một sĩ quan cấp tá của Hải Quân quân lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn đang tiếp tục hành quân, chiến đấu ngoài mặt trận.

 

Sau 3 ca khúc này, Trường Sa tiếp tục gửi đến người nghe Một Mai Em Đi, Tàn Tạ, Ru Em Một Đời, Như Hoa Rồi Tàn… Rất nhiều ca sĩ hàng đầu của nền tân nhạc Việt Nam lúc đó đã hát những sáng tác của anh, nhưng theo tôi, nữ ca sĩ Lệ Thu đã đưa những tình khúc cũng như tên tuổi của anh đến tuyệt đỉnh danh vọng. Có thể nói Lệ Thu đã chuyên trở được trọn vẹn những tình cảm, tâm tư nhạc sĩ Trường Sa gửi gấm qua những tác phẩm của anh.

Tháng 4 năm 75 chúng tôi mất liên lạc… cho đến một dịp tình cờ ở hải ngoại khi xem cuốn video Thúy Nga 44, tôi đã gặp lại anh qua một sáng tác anh viết sau này: Mùa Xuân Sao Chưa Về Hỡi Em, và sau đó Những Mùa Thu Qua Trên Cuộc Tình Tôi trên sân khấu Asia. Năm 2003 Trung tâm Thúy Nga Paris đã thực hiện cuốn dvd Thúy Nga 70 để vinh danh, cũng như tri ân những đóng góp của anh cùng hai nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương và Lê Dinh vào nền tân nhạc Việt Nam. Vẫn dáng dấp quen thuộc, vẫn gương mặt hiền lành, tiếng nói điềm đạm. Và cho dù cuộc đời đã trải qua bao thăng trầm, đổi thay, những sáng tác sau này của anh như Mùa Xuân Sao Chưa Về Hỡi Em, Những Mùa Thu Qua Trên Cuộc Tình Tôi, Bài Tình Ca Cho Kỷ Niệm, Xin Yêu Nhau Dù Ngày Mai Nữa…vẫn tràn đầy xúc cảm, nét nhạc vẫn dịu dàng, êm ái, lời ca vẫn trau chuốt, mượt mà như thuở nào.

Mùa xuân sao chưa về hỡi em
Xua mây tan cho những ngày nắng êm
Lũ chim non gửi gấm khúc tự tình
Gọi xuân cho xanh mầu mắt em
Và mơ ước thắm thiết mãi lên, cho ta nói yêu em…
(Mùa Xuân Sao Chưa Về Hỡi Em)

Thôi còn đâu nữa Sài Gòn qua bao tháng ngày chung đôi
Nỗi buồn phong kín những mùa thu qua trên cuộc tình tôi
Theo ngàn mây mãi lang thang trôi vào tận cuối trời
Tới bên em Sài Gòn lắng đọng một thời yêu xưa vang bóng…
(Những Mùa Thu Qua Trên Cuộc Tình Tôi)

Một trong những nguyện vọng của anh là có thể gom góp tất cả những ca khúc anh đã sáng tác từ hơn 40 năm nay để in trong một tập nhac. Hôm nay trong niềm qúi mến đối với người nhạc sĩ một đời viết tình ca, và đã đóng góp rất nhiều cho nền tân nhạc của chúng ta, tôi xin được hân hạnh giới thiệu cùng các bạn tập nhạc qúi giá này.

                 Nhạc sĩ Trường Sa và các tình khúc
                                  (Thy Nga, phóng viên đài RFA - 2008-12-07)

“Rồi mai tôi đưa em” Bằng Kiều đang hát, là một trong các bản tình ca làm rung động trái tim người nghe từ bốn mươi năm nay.

Qua cuộc đổi đời, tác giả tình khúc ấy là Trường Sa vẫn tiếp tục sáng tác. Thy Nga điện thoại sang Toronto, Canada nơi nhạc sĩ định cư từ 17 năm nay, hỏi chuyện về sinh hoạt của ông hiện nay, mời quý vị nghe tâm tình cùng với các nhạc bản cũ và mới của ông.

“Bài tình ca cho kỷ niệm” qua giọng hát Loan Châu …

Gia nhập Hải Quân

Trường Sa chào đời tại Ninh Bình. Thời niên thiếu ở chỗ này chỗ kia do hoàn cảnh cha là quân nhân: Vào Nha Trang năm 1954, đến năm 57 thì gia đình định cư tại Thủ Đức. Tới năm 62, không thể tiếp tục cuộc sống dân sự vì cường độ chiến tranh, ông gia nhập Hải Quân khoá 12. Sau khi tốt nghiệp, người sĩ quan trẻ này đã cùng với đồng đội trải qua nhiều hiểm nguy, nhưng ông nói là rất hãnh diện đã sống một phần đời đáng sống.

“Một lần xa bến” qua giọng hát Tâm Đoan …

Sau những cuộc hành quân mà cái chết luôn chực chờ, ông vẫn dành thời giờ cho niềm đam mê âm nhạc, viết các ca khúc thời chiến như “Một lần xa bến” quý vị vừa nghe, như “Hành trang giã từ”, “Chuyện người đan áo”, … Là Hạm Phó chiến hạm tuần dương Trường Sa nên để kỷ niệm, ông lấy tên Trường Sa làm bút hiệu.

Nhạc sĩ Trường Sa: "Thưa Chị Thy Nga, tôi đến với âm nhạc là do sở thích. Hồi còn trẻ, tôi tìm sách, tôi học về ký âm pháp. Sau đó, nghiên cứu bộ Traité Dubois gồm có những phần hòa âm thuận, hòa âm nghịch, ký âm đối điểm, tôi dựa vào những tài liệu đó, Tôi cũng gặp gỡ những bạn như Anh Việt Thu chẳng hạn, và chúng tôi thường thảo luận về hòa âm này kia.”

Sáng tác tình ca

Nhạc sĩ Từ Công Phụng là người khích lệ Trường Sa viết tình ca, và năm 1967 từ một cuộc tình đành đoạn, Trường Sa viết những nốt nhạc đầu tiên của bài “Rồi mai tôi đưa em” mà phải 2 năm sau, mới hoàn tất.

“Xin còn gọi tên nhau” là ca khúc tiếp theo, và cũng trong năm 1969, “Mùa Thu trong mưa” là nhạc bản mà do cảm hứng dâng tràn, ông viết chỉ trong vài tiếng đồng hồ.

“Mùa Thu trong mưa” với Lệ Thu, giọng hát trình bày nhạc bản này đầu tiên. Hầu hết những tình khúc của Trường Sa cũng thế, Lệ Thu là ca sĩ trình bày đầu tiên và hay nhất …

Ba nhạc bản đó được đưa ra liên tiếp, chẳng khác nào đợt sóng lãng mạn từng lớp ập đến với người nghe.

Nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên nổi tiếng về tình ca, ghi lại là khi nghe ba bài ấy, ông đã “yêu ngay cái nét nhạc dịu dàng như dòng suối nhỏ lượn quanh khu vườn yên tĩnh, rồi bất chợt trổi lên như cơn bão nổi, ngập tràn đau thương”.

Vẫn theo nhận định của nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên thì “lời ca của Trường Sa sâu lắng, man mác buồn, chau chuốt nhưng không kiểu cách, không làm dáng”.

Sang thập niên 1970, Trường Sa tiếp tục viết nhạc mà nổi nhất là bài “Một mai em đi” viết vào năm 1973 khi đóng quân tại căn cứ Trà Cú trên sông Vàm Cỏ Đông.

Các nhạc bản khác ra đời tại Trà Cú là “”Ru em một đời”, “Sầu muộn sầu”, “Như hoa rồi tàn”. Riêng “Sầu biển” thì phổ biến rộng rãi trong hàng ngũ Hải Quân để gom tiền ủy lạo gia đình Trung tá Ngụy Văn Thà tử trận trong trận chiến Hoàng Sa năm 1974.

Thy Nga: Những ngày cuối tháng Tư 1975 thì anh khi đó ở đâu ạ?

Trường Sa: Khi đó, tôi là Chỉ huy trưởng cái đoàn hộ tống công-voa các thương thuyền của các nước đi tiếp tế cho chính quyền Lon Nol tại Campuchia. Ngày 29 thì tôi ở Vàm An Long trên sông Cửu Long. Khi mà tôi liên lạc với các cấp chỉ huy của tôi thì người ta đi hết rồi, thành ra đêm hôm đó, tôi dùng một chiếc tàu nhỏ trở về Saigon nhưng không vô được bên trong nữa. Và từ đó, tôi gặp chiến hạm từ Saigon đi ra, tôi lên chiến hạm, đi tới đảo Guam luôn. Khi lên tàu, tôi tìm khắp trên các chiến hạm đang di tản, không có gia đình tôi.

Thy Nga: Thế rồi suy nghĩ thế nào mà anh lại trở về bằng tàu Việt Nam Thương Tín?

Trường Sa: Không liên lạc được với gia đình, vợ con tôi ở Saigon. Tôi không bỏ rơi gia đình trong cảnh khó khăn như thế. Khi đến đảo Guam thì tôi xin Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc can thiệp cho tôi trở về Việt Nam. Hoàn cảnh nào, tôi cũng chấp nhận hết.

Thy Nga: Về Việt Nam thì chuyện gì xảy ra?

Trường Sa: Tàu Việt Nam Thương Tín trở về Việt Nam thì người ta đưa tàu ra Nha Trang, bắt tôi lên Ty Cảnh Sát cũ tại Nha Trang ở đó 2 tháng, rồi chuyển ra trại A 20 Phú Khánh. Một thời gian ngắn sau thì chuyển ra Bắc, trại Nghệ Tĩnh đến năm 1984.

Thy Nga: Như vậy là mất cả thảy 9 năm! Chỉ vì đã ra đi, rồi lại trở về.

Trường Sa: Vâng. Năm 86 thì tôi đi, bị bắt. Từ cửa biển vào Mỹ Tho, dọc đường tôi bị đánh dữ lắm. Họ giam tôi 45 ngày trong xà-lim tối, sau đó, họ cho ra lao động. 2 năm sau thì thả tôi về.
Đến tháng Tư 1989, tôi tiếp tục đi nữa.

Thy Nga: Lần này, chuyến vượt biển thành công, Trường Sa cùng 3 con đến Pulau Biđông, phải chờ 28 tháng, mới được Canada nhận vào.
Trên miền đất tự do, Trường Sa viết nhạc trở lại sau 15 năm gián đoạn. Và ngoài việc làm tại một công ty xe hơi, ông sinh hoạt thường xuyên trong hội Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa tại Canada, và sinh hoạt văn nghệ, như ông thuật lại:
“Thưa Chị, tôi vẫn tiếp tục sáng tác, gửi bài cho các trung tâm. Sinh hoạt về văn nghệ với các nhóm nghệ sĩ ở Montreal. Tôi đóng góp bài, có khi họ bắt, yêu cầu tôi hát nữa.”

Năm 1992, vợ cùng với đứa con gái lớn sang đoàn tụ.
Gia đình sum vầy được 4 năm thì vợ ông chẳng may bị tai nạn chết trong chuyến trở lại Việt Nam thăm thân nhân.
“Những mùa Thu qua trên cuộc tình tôi” là tâm sự của Trường Sa trong những năm dài sau đó …
Rồi thì do bạn giới thiệu, Trường Sa gặp gỡ một người trong tình cảnh tương tự. Ông cho đó là “niềm hạnh phúc cuối đời” cho mình.
Chắc hẳn, niềm hạnh phúc tìm thấy này đã đem lại sinh động để ông hoàn thành việc mà bao năm qua mãi lần khân, đó là gom tác phẩm của mình lại thành tuyển tập.
Tháng Bảy 2007, Trường Sa ra mắt tuyển tập nhạc gồm 26 tình khúc tức là khoảng phân nửa số nhạc bản của ông.
Trường Sa không còn điều chi để mơ ước hơn nữa. Những mùa Thu lẻ loi đã qua đi, người nhạc sĩ này hiện sống êm ả trong cảnh hưu trí và niềm hạnh phúc nhỏ bé của mình.

“Xin còn gọi tên nhau” …


Với ca khúc “Xin còn gọi tên nhau” Lệ Thu hát, Thy Nga xin kết thúc câu chuyện về nhạc sĩ Trường Sa … Hẹn tái ngộ quý thính giả trong chương trình kỳ tới.

   Thy Nga 

Kim Phượng st & tổng hợp

 

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %30 %899 %2019 %15:%01
back to top