Giáng Sinh đặc biệt của Ông Panov

Giáng Sinh đặc biệt của Ông Panov

 

“Giáng sinh đặc biệt của ông Panov” là một truyện ngắn do Leo Tolstoy phóng tác thành văn xuôi từ vở thoại kịch có tựa đề là ‘Le père Martin’ của Ruben Saillens. Từ câu chuyện Ông Panov này, ngày nay đã có hàng ngàn phiên bản bằng văn, thơ, kịch khác phổ biến trong văn học thế giới như một thông điệp về nhân ái và hạnh phúc, nhất là trong dịp Lễ Giáng Sinh hàng năm.

Dù trời mới chiều mà đèn đã bật sáng trong các cửa hiệu và các ngôi nhà trong làng, một làng quê nhỏ của nước Nga, báo hiệu những ngày đông ngắn ngủi sắp kết thúc. Những đứa trẻ phấn khích nô đùa trong nhà và chỉ còn nghe thấy những tiếng nói cười rúc rích sau những cánh cửa đóng.

Ông Panov một người thợ giày già nua trong làng, bước ra khỏi cửa hiệu và nhìn quanh. Những thanh âm vui vẻ, đèn nhấp nháy sáng và mùi thức ăn Giáng Sinh ngon lành gợi nhắc Ông về những mùa Giáng Sinh qua, khi người vợ và những đứa con bé nhỏ của Ông còn sống. Nhưng giờ tất cả họ đã ra đi. Khuôn mặt từng rất tươi tỉnh của Ông đã xuất hiện những nếp nhăn sau cặp kính tròn, trở nên buồn bã. Nhưng Ông đã bước vào trong nhà với những bước đi vững chãi, kéo các cửa chớp lên và hâm nóng cafe trên bếp than. Rồi Ông thở dài, ngồi trong chiếc ghế bành lớn.

Ông Panov không hay đọc sách, nhưng đêm nay Ông đã lấy cuốn Kinh Thánh gia đình cũ ra, chậm rãi lần từng dòng bằng đầu ngón tay trỏ, đọc lại câu chuyện Giáng Sinh. Ông đọc Mary và Joseph mệt mỏi trong hành trình tới Bethlehem không tìm được phòng nghỉ trong quán trọ, để đứa con bé bỏng của Mary phải hạ sinh trong chuồng bò.

“Ôi, con yêu ơi, con yêu!” Ông Panov kêu lên “Giá mà họ đến đây nhỉ! Mình sẽ nhường họ cả cái giường và có thể ủ ấm đứa bé bằng cái chăn đùm vá của mình”.

Ông đọc về gã đàn ông khôn ngoan, người đã trông thấy Chúa Giê-su lúc sơ sinh, mang cho Chúa những món quà đẹp đẽ. Khuôn mặt Ông Panov sụp xuống. “Mình chẳng có món quà nào cho Chúa bé cả”, Ông rầu rĩ nghĩ bụng.

Nhưng Ông bỗng trở nên tươi tỉnh hơn. Ông đặt Kinh Thánh xuống, đứng dậy và vươn tay với lên cái kệ cao trong căn phòng nhỏ. Ông lấy xuống một cái hộp nhỏ, đầy bụi và mở nó ra. Bên trong là một đôi giày da bé xíu. Ông Panov mỉm cười mãn nguyện. Ðúng vậy, Ông nhớ rằng đó là một loại tốt – đôi giày đẹp nhất Ông từng làm. “Mình sẽ tặng cho Chúa nhỏ đôi này”, Ông quả quyết, nhẹ nhàng xếp đôi giày lại và ngồi xuống.

Ông đã mệt rồi và càng đọc Ông càng buồn ngủ. Những con chữ bắt đầu nhảy múa trước mắt Ông và chỉ một lát sau đó, Ông đã gấp sách lại. Không lâu sau Ông Panov đã thiếp đi.

Trong giấc ngủ Ông mơ thấy có người ở trong phòng và Ông đã biết ngay người đó là ai. Ðó chính là Chúa Giê-su.

“Ta biết ông ước được gặp ta, Ông Panov à.” Chúa nhẹ nhàng nói, “Hãy tìm ta vào ngày mai. Ðó là lễ Giáng Sinh và ta sẽ tới thăm ông. Nhưng chú ý nhé, bởi ta sẽ không nói với ông ta là ai đâu.”

Lần cuối khi Ông Panov thức dậy, chuông đã reo vang và những tia sáng mỏng manh đã lọt qua những ô cửa chớp. “Hãy ban phước cho con!” Ông Panov nguyện cầu. “Ngày Giáng Sinh đã tới!”

Ông đứng dậy vươn vai bởi thân hình Ông khá cứng. Khuôn mặt Ông vẫn còn tràn ngập niềm vui khi nhớ tới giấc mơ đêm qua. Ðây hẳn là một lễ Giáng Sinh rất đặc biệt vì Chúa Giê-su sẽ tới thăm ông. Trông Chúa sẽ ra sao nhỉ?  Liệu có phải hiện thân là một đứa trẻ sơ sinh như lễ Giáng Sinh đầu tiên không? Hay là một người đàn ông trưởng thành, một thợ mộc – hay là một Ðức Vua vĩ đại, con của Thượng đế? Cả ngày hôm đó Ông đã quan sát rất kỹ để có thể nhận ra đúng là Chúa đã đến.

Ông Panov đặt một bình cafe đặc biệt cho sáng Giáng Sinh, kéo cửa chớp xuống và nhìn ra ngoài cửa sổ. Ðường phố hoang vắng, không tiếng ồn ào. Không một ai ngoài người quét rác. Trông người đó thật khốn khổ và bẩn bụi, có thể là Chúa lắm chứ! Ai lại muốn làm việc vào ngày lễ Giáng Sinh, trong buổi sớm sương mù lạnh lẽo và đắng đót này?

Ông Panov mở cửa tiệm, một luồng không khí lạnh tràn vào. “Mời vào!” Ông hét lên vui vẻ khắp con phố. “Hãy tới đây và thưởng thức chút cafe nóng xua tan cơn giá!”

Người lao công ngước lên, dường như không tin vào tai mình. Ông hẳn rất vui khi buông cây chổi xuống và bước vào căn phòng ấm áp. Bộ quần áo cũ của ông như bốc hơi nhè nhẹ cạnh lò sưởi và hai tay cóng đỏ nắm chặt quanh chiếc cốc ấm nóng dễ chịu khi uống.

Ông Panov nhìn ông trìu mến, nhưng thỉnh thoảng đôi mắt Ông lại liếc ra ngoài cửa sổ. Ý nhắc không được bỏ lỡ các vị khách đặc biệt.

“Ông đang đợi ai đó?” người lao công hỏi. Ông Panov kể với ông ta về giấc mơ của mình.

“Ồ, hy vọng ông ấy sẽ tới”, người lao công nói, “ông đã cho tôi một Giáng Sinh thật tuyệt  mà tôi chưa bao giờ dám mơ. Tôi muốn nói rằng ông xứng đáng biến giấc mơ thành sự thực.” Rồi người đó mỉm cười mãn nguyện.

Khi người đàn ông đi, Ông Panov đặt nồi súp bắp cải cho bữa trưa, rồi lại đi ra cửa, nhìn quanh đường phố. Ông không thấy ai cả. Nhưng Ông đã nhầm. Một người đang đến.

Cô gái lặng lẽ đi tới, bám lấy bức tường các ngôi nhà và cửa tiệm trước khi Ông nhận ra cô. Cô trông rất mệt mỏi và đang mang theo một thứ gì đó. Khi cô tiến tới gần hơn, Ông có thể nhận thấy đó là một đứa trẻ sơ sinh, được quấn trong một lớp tã mỏng. Có vẻ gì đó thật buồn bã trên khuôn mặt cô và khuôn mặt nhỏ bé của đứa trẻ, khiến trái tim của Ông Panov tan chảy.

“Cô sẽ vào đây chứ,” Ông gọi, bước ra ngoài để gặp họ. “Cả hai đều cần được nghỉ ngơi cạnh một lò sưởi ấm áp.”

Người mẹ trẻ để Ông dẫn vào trong nhà và ngồi xuống trong chiếc ghế bành. Cô thở dài nhẹ nhõm.

“Tôi sẽ hâm nóng sữa cho bé nhé,” Ông Panov nói, “Tôi cũng từng có con – Tôi sẽ giúp cô chăm sóc nó.” Ông lấy sữa ra khỏi lò và cẩn thận cho đứa trẻ ăn bằng muỗng, cùng lúc đó xoa ấm chân nó cạnh lò sưởi.

“Nó cần phải mang giày,” người thợ giày nói.

Nhưng cô gái đáp, “Tôi không đủ tiền mua giày, tôi không có chồng giúp cho tiền bạc. Tôi đang trên đường tới làng bên để kiếm việc làm.”

Một ý nghĩ chợt lóe lên trong tâm trí Ông Panov. Ông nhớ tới đôi giày nhỏ xíu Ông đã ngắm vào đêm qua. Nhưng Ông đã giữ nó cho Chúa Giê-su. Ông nhìn xuống đôi chân bé nhỏ lạnh lẽo một lần nữa và quyết định.

“Hãy mang đôi giày này cho đứa nhỏ”, Ông nói, đưa em bé và đôi giày cho người mẹ. Ðôi giày nhỏ xinh vừa vặn đến không ngờ. Cô gái mỉm cười hạnh phúc và đứa trẻ cũng rúc rích cười thích thú.

“Ông tốt với chúng tôi quá,” cô gái nói, rồi cùng đứa trẻ tiếp tục đi. “Mong tất cả những ước nguyện Giáng Sinh của ông sẽ thành sự thực!”

Nhưng Ông Panov bắt đầu tự hỏi ước muốn một Giáng Sinh thật đặc biệt thành sự thực thế nào. Có khi nào Ông đã bỏ lỡ vị khách của mình chăng? Ông lo lắng nhìn dọc con phố. Có rất nhiều người nhưng họ đều là những gương mặt Ông quen. Có những người hàng xóm đang gọi người thân của họ. Họ gật đầu mỉm cười và chúc Ông Giáng Sinh vui vẻ! Rồi những người ăn xin tới – Ông Panov vội vã vào trong lấy súp nóng và ổ bánh mì cho họ, luôn vội vã lo lắng sẽ bỏ lỡ mất Vị Khách Quan Trọng của Ông.

Trời mùa đông tối sớm. Khi Ông Panov lại bước tới cửa và căng mắt nhìn quanh, Ông không thể tìm ra manh mối gì từ những người qua lại. Mọi thứ vẫn như cũ. Cuối cùng Ông chậm rãi bước vào phòng, kéo cửa chớp lên, uể oải ngồi xuống chiếc ghế bành.

Vậy là sau tất cả, đó chỉ là một giấc mơ. Chúa Giê-su đã không tới.

Rồi ngay sau đó Ông biết rằng mình đã không còn cô đơn trong phòng nữa.

Ðó không phải một giấc mơ vì Ông biết rằng mình đang tỉnh. Ban đầu, dường như trước mắt Ông hiện ra dòng người dài đã tới với Ông ngày hôm đó. Ông lại nhìn thấy người quét đường già nua, thiếu phụ trẻ và đứa con cùng những người ăn xin Ông đã bố thí. Khi họ lướt qua, mỗi người đều thì thầm nói: “Ông có thấy ta chứ, Ông Panov?”

“Ai vậy?” Ông bối rối gọi to.

Rồi có âm thanh khác đáp lại. Ðó chính là giọng nói trong giấc mơ của Ông – giọng của Chúa Giê-su.

“Ta đói và ông đã cho ta ăn,” Chúa nói “Ta ở trần và ông đã mặc quần áo cho ta. Ta lạnh và ông đã sưởi ấm cho ta, hôm nay ta đến với ông trong hình dạng của mỗi người mà ông đã giúp đỡ và chào đón.”

Sau đó tất cả trở nên yên tĩnh. Chỉ có âm thanh của chiếc đồng hồ tích tắc. Một sự bình an và hạnh phúc tuyệt đẹp tràn ngập căn phòng, tràn ngập trái tim của Ông Panov đến nỗi Ông muốn hát vang, cười thích thú và nhảy múa.

“Cuối cùng thì Ngài cũng tới!” Ông nói.

 

Rubens Saillens

Nguyễn Thị Thùy Linh 

dịch từ  bản tiếng Anh Papa Panov’s Special Christmas

 

 

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %13 %119 %2018 %20:%12
back to top