HUẾ - Thăm Hiếu Lăng - Lăng Vua Minh Mạng -Hành Trình Xuyên Việt Trip # 14a

Hành Trình Xuyên Việt Trip # 14a

HUẾ - Thăm Hiếu Lăng - Lăng Vua Minh Mạng:

** Nam Mai **

HUẾ - Thăm Hiếu Lăng - Lăng Vua Minh Mạng: Chiều thứ hai ngày 16 tháng 1 năm 2017. Lăng Minh Mạng còn được gọi là Hiếu Lăng, do vua Thiệu Trị cho xây dựng, nằm trên núi Cẩm Kê (sau đổi thành núi Hiếu Sơn), gần ngã ba Bằng Lãng là nơi hội lưu của hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch hợp thành sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 18km. Lăng Minh Mạng được xây dựng từ năm 1840 đến năm 1843 thì hoàn thành, huy động tới mười nghìn thợ và lính để xây dựng lăng. Ngày 20 tháng 8 năm 1841, thi hài vua Minh Mạng được đưa vào chôn ở Bửu Thành, nhưng công việc xây lăng mãi cho đến đầu năm 1843 mới được hoàn tất.

Di tích lăng Minh Mạng là một quần thể kiến trúc quy mô với khoảng 40 công trình bề thế gồm cung điện, lầu đài, đình tạ... được xếp đặt cân đối trên một trục dọc theo đường Thần đạo dài 700m, bắt đầu từ Đại Hồng Môn đến chân La Thành gồm: cửa chính, sân chầu, nhà bia, sân tế, Hiển Đức Môn, điện Sùng Ân,Trung Đạo Kiều, hồ Trừng Minh, Minh Lâu, hồ Tân Nguyệt, cổng tam quan Quang Minh Chính Trực và cuối cùng là Bửu Thành (mộ vua Minh Mạng). Lăng có diện tích 18 ha (nhưng diện tích cấm địa quanh lăng là 475 ha), xung quanh lăng có La Thành bao bọc. Xen giữa những công trình là nhiều hồ nước ngát hương sen và những quả đồi rợp bóng thông, tạo nên một phong cảnh hữu tình.

Bi Đình nằm trên đồi Phụng Thần Sơn, bên trong có bia "Thánh Đức Thần Công" bằng đá Thanh ghi bài văn bia của vua Thiệu Trị viết về tiểu sử và công đức của vua cha Minh Mạng.

Bia Thánh Đức Thần Công

Mở đầu khu vực tẩm điện là Hiểu Đức Môn.

Hiểu Đức Môn mở đầu cho khu vực tẩm điện, được giới hạn trong một lớp tường thành hình vuông biểu trưng của mặt đất (từ ý niệm trời tròn, đất vuông).

Tòa Minh Lâu nhìn từ phía sau (từ phía Trung Đạo Kiều)

Khu vực tẩm điện là nơi thờ cúng vua. Mở đầu khu vực tẩm điện là Hiểu Đức Môn; điện Sùng Ân nằm ở trung tâm thờ bài vị của Vua và Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu; Hoàng Trạch Môn là công trình kết thúc khu vực tẩm điện.

Điện Sùng Ân (nơi có bài vị của Vua và Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu).

Bửu Thành là một quả đồi thông hình tròn, bao quanh bởi tường thành, phía trong sâu bên dưới là mộ vua. Ở chính giữa hồ Tân Nguyệt có một cây cầu mang tên Trung Đạo kiều, nối Minh Lâu với Bửu Thành và đường dạo quanh lăng, phía sau Bửu Thành là một rừng thông xanh thăm thẳm. Bửu Thành chính là ranh giới bảo vệ nơi yên nghỉ của vua Minh Mạng.

Hồ Trừng Minh

Hiện nay, kiến trúc Lăng tuy có phần đổ nát một chút, nhưng chỉ với một mức độ nhẹ hơn so với những Lăng khác. Theo chủ ý của Ban bảo vệ di tích cố đô Huế và những quy tắc bắt buộc của UNESCO là nhằm không trùng tu các di sản, cố ý để tạo ra nét nguyên sơ với vẻ hoang toàn mặc cho rêu phong của thời gian bao phủ sẽ làm cho di tích càng tăng thêm giá trị.

Chúng tôi đến thăm Lăng vào khoảng hơn 3:00 giờ chiều, đến 5:30 thì trở về khách sạn để nghỉ ngơi cho lại sức vì đã đi bêu nắng hơn 2 tiếng đồng hồ rồi. Đúng 6:30 chiều thì cậu Quang đến đón đi ăn cơm tối. Tối nay N đi ăn Cơm Hến tại quán cơm có tên là Tý Hon bên Cồn Hến. Chẳng cần nói thì các bác cũng biết là mấy cái quán dân dã này nó ra sao rồi.

Đây là quán Cơm Hến đây ạ. N lại cũng chẳng nhớ hương vị của Cơm Hến chính gốc tại Huế nó như thế nào nửa các Bác.

Đến 8:00 giờ tối, N và MT xuống Lễ Tân nhờ khách sạn tìm giùm cho 2 chiếc "xích lô tốt"(tốt ở đây có nghĩa là khách sạn phải bảo đãm là họ sẽ không chở 2 bà đi luôn 1 lèo qua TQ đấy ạ). N và MT muốn được "trải nghiệm" 1 chuyến Huế City Tour by Cyclo vào buổi tối để xem thành phố ban đêm nhìn ra sao, vì thế bác tài nói sẽ chở cho đi xem phố "Huế Cổ" trong nửa giờ và nửa giờ còn lại thì xem phố"Huế Mới". Mới đầu thì 2 bà muốn ngồi chung 1 chiếc xe để nói chuyện cho vui và sẽ không bị lạc nhau nếu đi 2 xe. Nhưng sau cùng thì phải đi 2 chiếc vì họ lấy có 200 ngàn VND cho 1 giờ thôi à. Trời ơi chỉ có hơn $8.00 đô la/ 1 giờ, mà cả hai cùng đòi leo lên một chiếc xe với 2 bà cân nặng cộng lại cả mấy trăm lbs thì họ chịu sao cho thấu!!!

Leo lên xích lô thì trời cũng đã chập choạng tối, bác tài xích lô bắt đầu đạp xe đi vào hướng Kinh Thành và Đại Nội. Vừa đi bác tài vừa "thuyết trình" cho biết là xe đang đi qua đường nào phố nào trong thành phố, lại kể cho biết những sinh hoạt trên đường phố, cũng như chỉ dẫn cả những di tích cổ nằm trên đường đi nửa .... N còn nhớ hình như là tới đoạn đường ở ngã ba Mai Thúc Loan và Lê Thánh Tôn thì bác có chỉ cho N xem 1 cái miếu và cho biết đây là Miếu Âm Hồn rất nổi tiếng tại Huế.

N đã có tìm hiểu thêm để biết cho rỏ ràng, cặn kẻ hơn lời kể vắn tắt của bác tài, thì ra Miếu Âm Hồn là nơi để cúng Âm Hồn vào mỗi năm tại thành phố. Tại Huế hàng năm vào ngày 23 tháng 5 Âm lịch là một ngày rất đặc biệt của toàn thễ người dân thành phố Huế. Tục "Cúng Âm Hồn" tại Huế cho ngày thất thủ Kinh đô (ngày 23 tháng 5 AL) được xem là ngày cúng cô hồn lớn nhất trong cả nước. Vào ngày này tại Huế, từ các gia đình cho đến thôn, xóm, phường .... có rất nhiều rạp, nhiều bàn cúng được dựng lên ở trước cửa nhà để làm lễ cúng âm hồn. Đó chính là ngày để tưởng nhớ sự kiện “Thất thủ Kinh đô 23 tháng 5”, một ngày không thễ quên đối với mỗi người con dân xứ Huế. Cách đây hơn 133 năm, vào tối 22 qua rạng ngày 23 tháng 5 Âm Lịch năm Ất Dậu (tức là đêm mồng 4 rạng ngày mồng 5 tháng 7 năm 1885), Thượng Thư Bộ Binh Tôn Thất Thuyết và Đề Đốc Trần Xuân Soạn đã chỉ huy 20.000 binh lính mở cuộc tấn công đánh thẳng vào sào huyệt quân Pháp ở đồn Mang Cá và khu Tòa Khâm bên bờ sông Hương, Tôn Thất Thuyết bố trí cuộc tấn công rất chu đáo, quân ta cũng chiến đấu rất gan dạ, song do khí giới thô sơ sút kém quá, nên cuộc chiến đã bị thất bại. Quân triều đình không giữ nổi thành phải tháo chạy về phía Lục Bộ và tràn ra cửa Đông Ba thì bị toán quân Pháp từ phía Cửa Trài tiến lên bao vây. Quân Pháp thừa cơ tấn công vào Kinh đô Huế, và một cuộc giết chóc tàn bạo chưa từng có đã xảy ra, khiến cho hàng nghìn quan quân và dân chúng đã chết trong cảnh binh đao hỗn loạn, khoảng 9300 binh lính và thường dân đã bị thương vong. Hầu như không có gia đình nào là không có người bị tử nạn trong đêm binh biến này. Kể từ đó, ngày 23/5 Âm lịch đã trở thành ngày “giỗ chung” của người dân xứ Huế. Vào ngày này, họ cúng cho tất cả những người bị tử nạn như quân sĩ, dân chúng, quan lại, thợ thầy ... đã bị chết do nhiều nguyên do: hoặc bị dày đạp, chen lấn nhau mà chết, hoặc bị đạn của quân Pháp hoặc bị ngã xuống thành khi tìm cách leo ra khỏi thành, hoặc sẩy chân rơi xuống ao hồ dày đặc trong thành, nhất là hồ Tịnh Tâm… trong khoảng thời gian từ 02g đến 04g sáng ngày 23/5 Âm Lịch năm Ất Dậu 1885.

Thường là trước cổng hoặc giữa sân nhà, mâm cúng lễ được bày biện giữa trời, với hai bàn thượng và hạ. Đồ cúng thường không thể thiếu: hương đèn, cau trầu, rượu trắng, cháo trắng, các loại hoa quả, hạt nổ, gạo, muối, các loại giấy cúng, con gà trống luộc và xôi, chè, khoai sắn…

Mâm lễ cúng vào ngày "Cúng Âm Hồn" (Hình lấy từ Internet).

 

Ðặc biệt, trong lễ cúng 23 tháng 5 này, mọi người bao giờ cũng phải nhớ có một bình nước lớn và một đống lửa đốt bên cạnh bàn thờ cúng. Người ta tin rằng các âm hồn sẽ đến uống nước và sưởi ấm bên đống lửa, vì nhiều người trong biến cố đã bị chết khát, chết lạnh lẽo dưới ao, hồ, sông, suối trong rạng ngày 23 tháng 5.

Ở Huế, có khá nhiều miếu âm hồn được lập nên bởi những người con của đất Thần kinh. Nhỏ thì các am thờ cô hồn, lớn hơn thì các miếu của cả làng xóm lập nên. Người dân thường làm lễ cúng trong ngày 23/5 tại Miếu Âm Hồn của phường Thuận Lộc cạnh giao lộ ngã tư đường Mai Thúc Loan và Lê Thánh Tôn, hay tại Miếu ở phường An Hòa cạnh khu đất xưa từng là nơi hành quyết bêu đầu các anh hùng chống lại triều đình, hoặc tại các khu lăng mộ tập thể ở đường Nguyễn Khoa Chiêm, và ở nghĩa trang 12 vòng mộ tập thể tại Cồn mồ Trà Am nối dài thành phố Huế…

Tập tục cúng âm hồn đã trở thành một nét đặc trưng trong bản sắc văn hóa của chốn Thần Kinh bắt đầu từ những năm sau biến cố thất thủ kinh đô và kéo dài cho đến bây giờ. Trải qua hơn 130 năm, dù Huế có nhiều sự biến đổi nhưng tập tục này vẫn được gìn giữ và chưa bao giờ bị gián đoạn. Tuy hình thức tổ chức cúng lễ có chút khác nhau so với từng thời điểm lịch sử, song ý nghĩa của nó vẫn được giữ nguyên. Việc làm này đã thể hiện được tình đồng bào, tấm lòng nhân đạo và tính nhân văn sâu sắc của người dân xứ Huế.

Hình chụp Miếu Âm Hồn nằm ở đường Mai Thúc Loan và Lê Thánh Tôn ở phía đông nội thành, cách cửa Đông Ba chừng 300 mét. Miếu Âm Hồn là ngôi miếu có lịch sử lâu đời nhất gắn liền với ngày lễ này. Miếu được xây dựng vào năm 1895 (10 năm sau ngày kinh đô thất thủ), hằng năm tại đây vẫn tổ chức lễ cúng âm hồn để tưởng nhớ những người tử nạn sau biến cố thất thủ Kinh Đô. (hình Internet).

Nghĩ đi, nghĩ lại thì thấy thật quả là tội nghiệp cho con dân của vùng đất Thừa Thiên - Huế, vì ngoài cái tang chung trong cuộc đại biến Kinh Thành thất thủ năm Ất Dậu 1885 làm chết hàng ngàn người vô tội ra, thì một lần nửa vào 83 năm sau, vào năm Mậu Thân 1968 người con dân Huế lại phải hứng chịu thêm một cuộc giết chóc tàn bạo, cũng không kém gì cuộc tàn sát dã man của quân Pháp vào năm 1885. Chuyện thất thủ kinh đô với chuyện giết chóc kinh hoàng lần thứ nhất vào năm 1885 thì chỉ xảy ra trong vòng có một ngày, còn chuyện tang tóc đổ nát trên Huế của 83 năm sau đó không chỉ là một ngày mà đã bị kéo dài tới cả tháng trời trong cảnh u ám của đất trời với những cơn mưa phùn lạnh lẽo, đêm cũng như ngày. Nhớ lại, trong biến cố Tết Mậu Thân đã có đến hơn 6,000 người bị giết chết - con số này chỉ tính riêng thôi ở tại Huế. Họ đã bị giết chết một cách tức tưởi, oan khiên bởi những người mang cùng màu da vàng máu đỏ với họ ngay vào ngày đầu năm Tết Mậu Thân 1968. Vào năm đó, trong những giờ phút thiêng liêng nhất của năm cùng tháng tận, tiếng súng đã ròn rã vang lên khắp các nẻo gần xa tại Huế thay cho tiếng pháo giao thừa truyền thống, tiếng súng đã chen lẫn với tiếng pháo, rượu hồng đã hòa vào máu đỏ, bánh chưng bánh tét đã trộn lẫn với thịt người .... Ôi, nếu đem chuyện thất thủ đời xưa ra so sánh với chuyện thất thủ thời nay thì thiệt hại về tài sản và sinh mạng cũng như tang thương phải nhân lên đến gấp mấy lần. Đấy là một tội ác có một không hai trong lịch sử Việt Nam nói chung và của Thừa Thiên-Huế nói riêng. Qua hai cuộc tàn sát mà thành phố Huế đã phải gánh chịu, điều này cho thấy rằng cư dân Huế hiện đang sống chung với những hài cốt nằm quanh quất đâu đó trên các bãi biền, ruộng vườn, hay nương dâu hoặc dưới ngay những móng nhà của cư dân thành phố, hoặc dưới nền nhà của các khách sạn hiện nay cũng không chừng ..... Thật sự tưởng nhớ, tiếc thương và xin kính cẩn nghiêng mình trước hàng vạn các oan hồn Việt Nam tại Huế đã ngã xuống và vĩnh viễn im hơi lặng tiếng trong cuộc đại biến Kinh đô thất thủ năm 1885 cũng như trong biến cố Tết Mậu Thân năm 1968.

Tại Huế nhà nào cũng có miếu thờ cô hồn trận vong 1968 như hình dưới đây, có nhiều nhà có tới 8 miếu trước sân. (Hình: Liêu Thái/Người Việt lấy từ Internet

Hình chụp khi xe từ trong Đại Nội bắt đầu ra khỏi cổng Kinh Thành vào buổi tối.

Bây giờ thì xin được trở lại với chuyện đi dạo buổi tối bằng cyclo tối nay .... sau một hồi chạy quanh quẩn qua lại trên nhiều con đường thì xe bắt đầu đi vào cổng của Kinh Thành để vào Đại Nội. So với ban ngày có nhiều xe cộ lớn nhỏ chạy vào, lại cộng thêm với một số lượng lớn du khách vào thăm Đại Nội nên đã làm cho Kinh Thành nhìn có vẻ nhộn nhịp và có nhiều sức sống hơn là khi nhìn vào buổi tối như bây giờ. Bắt đầu trời tối thì trên đường cũng vắng không còn nhiều người qua lại nửa, phần lớn số du khách đã ra khỏi Hoàng Thành nên cảnh vật nhìn càng thấy thêm vắng lặng. Vì là khu phố cổ nên hầu hết nhà cửa trong Kinh thành đều là nhà ở của dân chúng chứ không có hàng quán kinh doanh gì nhiều ...... cho nên cả khu vực trong Kinh Thành vào ban đêm nhìn thấy tối lù mù, chỉ thỉnh thoảng mới thấy lóe lên vài ánh đèn yếu ớt chiếu hắt ra từ trong sân của các ngôi nhà ..... với một không gian hoang vắng u tịch như vầy làm cho mình tự nhiên chợt cảm nhận thấy cái buồn tênh của cảnh .... rồi tự dưng bỗng mường tượng thấy cái ghê rợn của sự chết chóc hình như đang quanh quẩn đâu đây ...... cái khắc khổ tĩnh lặng của ban đêm hòa với nét tuyệt mỹ của thiên nhiên chung quanh càng làm cho Kinh thành nhìn có thêm phần huyền bí lạ lùng ...... Lúc này tự nhiên trời lại lất phất mưa nhè nhẹ ..... nói thật với các bác là bỗng dưng N cảm thấy lạnh toát từ lưng xuống chân rồi tự nhiên thấy sợ hãi vu vơ với một cảm giác rất khó tả..... nên trong bụng chỉ mong cho xe mau mau đi ra khỏi khu vực bên trong Kinh Thành càng nhanh chừng nào thì càng tốt chừng ấy. Nói thật, nửa giờ trong khu vực "phố cổ" mình chẳng thấy gì nhiều vì trời tối mà ánh sáng bên trong Kinh Thành lại không có nhiều ..... nói tóm lại thì chẳng thấy có gì hấp dẫn mà chỉ thấy có ..... sợ! Chắc tại N yếu bóng vía nên bị thần hồn nát thần tính thôi.

 Sau đó bác tài đạp xe lên cầu Tràng Tiền (hình chụp buổi tối thiếu ánh sáng nên không được đẹp lắm) rồi bác cho xe đi vào khu "phố Huế mới".

Bác tài gọi là khu "phố Huế mới" để phân biệt với khu "phố Huế cổ" trong Kinh thành. Bác nói tại khu phố Huế mới bây giờ mọi người dân đều cất nhà ra mặt tiền để làm phố buôn bán, hoặc kinh doanh quán ăn nên đèn điện sáng choang, du khách người mình và khách Tây du lịch đi lại đông đảo nhìn rất vui. Lại thêm có nhiều người thức thời họ bỏ tiền ra đầu tư mua đất, mua nhà củ đập đi để xây thành ra nhiều khách sạn cao tầng rất đẹp và rất hiện đại nên đã không còn nhận ra một thành phố Huế nho nhỏ cổ kính như xưa tại khu phố mới này nửa. Khu này dành riêng cho khách du lịch nên nhộn nhịp ồn ào tới tận đêm khuya.

Sau một tiếng đồng hồ ngồi trên Cyclo chạy quanh quẩn để xem Huế by Night thì N và MT quay về khách sạn, nghỉ ngơi cho sớm để lấy sức lên đường đi tiếp vào sáng mai.

Viết xong ngày August 20-2018 lúc 10:00 pm.

Bài kế tiếp: Trúc Lâm Bạch Mã và Huyền Không Sơn Thượng.

 

 ** Nam Mai **

 

 

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %22 %849 %2018 %15:%10
back to top