Dấu xưa xe điện

Dấu xưa xe điện

Trang Nguyên

Lúc tôi đi thực tập báo chí ở Tân An, hỏi những người lớn tuổi về chuyện xe lửa qua phà thì chẳng ai biết rõ. Thậm chí có người không tin làm sao phà lại “cõng” xe lửa qua sông được. Dễ hiểu thôi, người Pháp xây cầu xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho từ cuối thế kỷ 19 nhưng lúc ấy cũng chỉ mất một năm, bắc qua sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây để tuyến đường sắt thông suốt và khánh thành vào tháng 5/1886. Một số người khác thì nhớ thời xe đò qua cầu chạy chung đường xe lửa. Một bên đầu cầu phải dừng xe nhường đường cho nhau. Nhưng đó là quãng thời gian mấy mươi năm về sau. Hai cây cầu sắt xe lửa từ đó đến giờ chỉ còn lại vài dấu vết trụ cầu xưa trên quốc lộ 1 không phải vị trí của hai cây cầu bê tông cốt thép thời VNCH xây hồi năm 1967 như nhiều người từng biết.

Xe điện Sài Gòn – Chợ Lớn đầu thập niên 50 có quảng cáo Hòm Tobia

– Nguồn:Anhxuasaigon

Chuyện xửa chuyện xưa, người biết rõ không còn trên cõi đời này nữa. Có chăng những dấu vết xưa còn rành rành qua ảnh tư liệu của vài người Pháp sống ở đất nước thuộc địa và trong lòng chất chứa nhiều tình cảm yêu mến Sài Gòn. Thế thì xe điện Sài Gòn dính dấp gì với xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho mà tôi mào đầu câu chuyện cho thêm dông dài. Có chứ. Người Pháp khi xây dựng thành phố Sài Gòn đã nhìn xa hơn trong việc phát triển giao thông kết nối các tỉnh bằng đường sắt khổ nhỏ 1 mét chạy chung cho các tuyến xe điện sau khi thiết lập đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho vào năm 1881, khởi đầu từ nhà ga tại Chợ Cũ gần Bến Bạch Ðằng trước khi dời nhà ga về gần chợ Bến Thành vào năm 1915 và chính thức chấm dứt hoạt động tuyến xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho vào thời TT Ngô Ðình Diệm khoảng năm 1958.

Đường ray xe lửa chung xe điện giữa đường Trần Hưng Đạo thập niên 60 đã ngưng hoạt động

– Nguồn: Mannupweb

Thật may cho tôi, vào thời sinh viên, một lần đến nhà người bạn học chơi mới biết ba bạn từng là cựu công chức cao cấp trong hàng giám đốc Sở Hỏa xa Sài Gòn. Trong bữa cơm chiều, tôi khơi gợi những hình ảnh xe lửa xưa như gãi trúng chỗ ngứa để ông kể lại câu chuyện lịch sử một thời xe lửa mà trong đó có hệ thống xe điện, và chính điều này làm tôi đặt ra câu hỏi: “Xe điện Sài Gòn – Chợ Lớn biến mất vào năm nào sau một thời gian dài hoạt động?”. Khi xây dựng đô thành Sài Gòn thành một thành phố lớn của Nam Kỳ Lục Tỉnh, người Pháp đã thiết lập đường xe lửa chung cho kế hoạch phát triển xe điện nội đô. Ðến đầu thập niên bốn mươi, xe hơi cá nhân du nhập nhiều vào Sài Gòn và xe xích lô đạp, xích lô máy, xe buýt, cuối cùng là taxi bùng phát. Và đó cũng là kết thúc thời kỳ thực dân Pháp ở Việt Nam, sau Hiệp định Genève năm 1954, chia cắt hai miền. Cũng giai đoạn đó, xe điện Sài Gòn không còn hoạt động.

Thật tiếc cho lứa tuổi của tôi không có dịp nhìn thấy xe điện leng keng chạy trên một số tuyến đường đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn, trong khi xe điện tại Hà Nội bắt đầu hoạt động chỉ sau Sài Gòn năm sáu năm nhưng vẫn tồn tại đến năm 1990 mới dừng hẳn. Trước đây không ít bài báo cho rằng hệ thống xe điện Hà Nội hoàn chỉnh hơn ở Sài Gòn và dễ làm người ta ngộ nhận xe điện Hà Nội ra đời trước.

Xe điện còn chạy đầu máy hơi nước trên Bến Bạch Đằng gần Cột cờ Thủ Ngữ

– Nguồn: cochinchine

Một số người cho rằng hệ thống xe điện Hà Nội hoàn chỉnh hơn Sài Gòn là điều có thể chấp nhận được. Bởi quá trình xây dựng các tuyến đường xe điện kéo dài vài thập kỷ từ ga trung tâm bờ Hồ Hoàn Kiếm cùng với sáu tuyến đường tỏa đi Yên Phụ, chợ Bưởi, cầu Giấy, Hà Ðông, chợ Mơ, chợ Vọng. Và khi ấy xe điện chạy bằng điện hẳn hoi, trong khi ở Sài Gòn thoạt đầu xe điện chạy bằng hơi nước cho nên hình dạng của nó không khác xe lửa. Một hai toa xe có đầu máy kéo hơi nước nên người dân gọi là tramways để phân biệt với xe lửa chạy Sài Gòn – Mỹ Tho kéo theo cả chục toa tàu nếu tính luôn toa chở củi đốt. Rồi đến khi xe lửa chạy bằng dầu, không còn phụt ra từng cột khói, thì lại gọi là autorail. Mãi sau đó mười năm, người Pháp mới cho xe điện chạy bằng điện đúng nghĩa khi nhà máy phát điện Chợ Quán được nâng cấp, cung cấp lưới điện cho toàn Sài Gòn – Chợ Lớn.

Viết đến đây, tôi phải gọi ông bạn già ở Fort Worth để tham khảo về chuyện ông từng đi xe điện Sài Gòn – Chợ Lớn. Nghe ông mô tả về chiếc xe điện chạy xẹt ra tia lửa, mua vé ra sao, giá bao nhiêu tiền, xe vừa đến bến hành khách đã vội nhảy ra đường thật là nguy hiểm. Nhiều chi tiết chuyện được kể theo trí nhớ không khác gì chuyện chú Tám mà người bạn thân của tôi, nhà báo Phạm Công Luận viết trong “Sài Gòn chuyện đời của phố” rằng: “Trước năm 1945, chú Tám theo ông anh vô Chợ Lớn, xe điện lúc ấy còn phổ biến. Hai anh em lên xe đi từ đường Galliéni (Trần Hưng Ðạo), xe chạy suốt con đường này từ Sài Gòn vô Chợ Lớn mà hai trạm chính là ga Nancy (đường Cộng Hòa nay là Nguyễn Văn Cừ) và ga Arras (đường Cống Quỳnh)… Xe điện hình dáng thon gọn hơn, màu sơn đẹp hơn. Trên đầu xe có cái cần câu điện bằng thép cao khoảng 2 mét hình chữ U lật ngược, khi xe chạy thì rà theo đường dây điện chạy dọc theo đường rầy, xẹt ra tia lửa xanh xanh đỏ đỏ vui mắt. Chiếc xe chỉ có một toa, vừa là đầu máy vừa là toa chở khách. Toa xe có hai đầu, không có đuôi. Hai bên thành xe còn có hình quảng cáo, phổ biến nhất là : “Một viên Cửu Long Hoàn bằng 10 thang thuốc bổ” của nhà thuốc Võ Văn Vân, thuốc dưỡng thai Nhành Mai, dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín và kem đánh răng Hynos anh Bảy Chà có hình anh da đen nhe hàm răng trắng bóc”.

Lại nói thêm một chút về chuyện quảng cáo bên thành toa xe điện khi tôi chợt tìm ra thêm tấm ảnh “Hòm Tobia danh tiếng nhứt” ở đầu xe. Quảng cáo gì tréo ngoe. Hành khách đi chuyến xe này phải là người không tin dị đoan, chiếc xe điện có khác nào cỗ quan tài lù lù trên phố, đi xe dễ gặp tai nạn, chết mua hòm chôn ngay, mà lại nhớ mua hòm Tobia bền chắc nhé. Trại hòm này nằm trên đường Hai Bà Trưng gần bưu điện Tân Ðịnh, có câu quảng cáo phía trước mặt tiền “Sống có cái nhà, chết có cái hòm”. Nghe thấy ghê. Tôi nhớ sau năm 1975 đi học đạp xe ngang đây vẫn còn thấy trại hòm buôn bán, nhìn vào bên trong thấy u ám những cỗ quan tài, bây giờ nghe đâu trở thành cửa hàng trang điểm sắc đẹp có tiếng ở Sài Gòn.

Tuyến xe điện Sài Gòn – Gò Vấp ngang qua đường Bùi Hữu Nghĩa xưa

– Nguồn: Cochinchine

Ðó là chuyện quảng cáo ăn theo xe điện. Chuyện chính là sau 1975 nhiều tuyến đường sắt xe điện còn tồn tại trên các đường phố Sài Gòn-Chợ Lớn. Có hai tuyến chính, giữa đường Trần Hưng Ðạo và giữa đường Hàm Nghi. Có lần tôi còn thấy một đoạn bị chôn lấp trên đường làng 15 tức đường Lê Quang Ðịnh bây giờ. Dân cố cựu ở đây cho biết đó là tuyến xe lửa đi Gò Vấp, chợ Búng, Lái Thiêu. Nhưng theo tài liệu từ cuốn Cochinchine của Hội nghiên cứu Ðông Dương 1931 viết, thì đó là tuyến xe điện khổ 0.6 mét. Loại đường sắt khổ quá nhỏ này thường chỉ dành cho toa xe goòng sử dụng ở các hầm mỏ và chở hàng hóa thời kỳ đầu xe điện chứ không như dấu vết tuyến đường xe điện ở đường Trần Hưng Ðạo và Hàm Nghi có khổ 1 mét trước đây mà xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho vẫn sử dụng chung tuyến. Việc sử dụng chung tuyến xe lửa xe điện trong quy hoạch phát triển đô thị là cách làm của nhiều thành phố trên thế giới mà cho đến ngày nay người ta vẫn còn giữ. Tiếc rằng xe điện Sài Gòn – Chợ Lớn không tồn tại đến ngày nay. Giả sử chính quyền thời đó và sau này giữ một tuyến đường hoạt động để thế hệ sau còn biết đến có một Sài Gòn xưa thì hay biết mấy.

Có lần tôi ngồi nhấm nháp cà phê ở khu vực nhà ga xe điện cũng là ga xe lửa bên bờ sông Mississippi, gần khu River Walk thành phố New Orleans, mà nghĩ đến chuyện này. Tôi vốn là người hoài cổ nên nghĩ lẩn thẩn chút thôi. Gần cạnh tôi là đường ray khổ tiêu chuẩn 1.4 mét châu Âu. Không rõ người Pháp hay người Mỹ đã thiết lập hệ thống giao thông này, chỉ trước đường xe lửa và xe điện Sài Gòn – Chợ Lớn chừng chục năm. Cảnh sông nơi đây trên bến dưới thuyền, có khác gì Bến Bạch Ðằng của Sài Gòn thời thuộc Pháp để ngày nay tôi  đi tìm lại dấu xưa xe điện mà đem ra so sánh.

 

 

––––(-•Hồng Anh st•-)––––

Chỉnh sửa lần cuối vào %PM, %22 %135 %2016 %22:%07
back to top